Soạn bài Tập đọc: Tôm Càng và Cá Con trang 68 SGK Tiếng Việt 2 tập 2


Giải bài tập Soạn bài Tập đọc: Tôm Càng và Cá Con trang 68 SGK Tiếng Việt 2 tập 2. Câu 2. Cá Con làm quen với Tôm Càng như thế nào ?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Khi đang tập búng dưới đáy sông, Tôm Càng gặp chuyện gì ?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 1 của truyện.

Lời giải chi tiết:

Khi đang tập búng dưới đáy sông, Tôm Càng gặp một con vật lạ : thân dẹt, trên đầu có hai mắt tròn xoe, khắp mình phủ một lớp vẩy bạc óng ánh.

Câu 2

Cá Con làm quen với Tôm Càng như thế nào ?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc lời của Cá Con nói với Tôm Càng trong đoạn 1.

Lời giải chi tiết:

Cá Con làm quen với Tôm Càng bằng cách chào hỏi rồi tự giới thiệu : “Chào bạn. Tôi là Cá Con. Chúng tôi cũng sống dưới nước như nhà tôm các bạn…”

Câu 3

Đuôi và vẩy Cá Con có lợi ích gì ?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 2 và 4 của bài, tìm ra chi tiết tả đuôi và vẩy của Cá Con.

Lời giải chi tiết:

Đuôi và vẩy Cá Con có lợi ích :

+ Đuôi Cá Con vừa là mái chèo, vừa là bánh lái.

+ Vẩy là bộ áo giáp bảo vệ khiến Cá Con dù có va vào đá cũng không bị đau.

Câu 4

Kể lại việc Tôm Càng cứu Cá Con. 

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 3, chú ý hành động nhanh nhẹn của Tôm Càng.

Lời giải chi tiết:

Khi Cá Con sắp vụt lên thì Tôm Càng thấy có một con cá to, mắt đỏ ngầu, nhằm Cá Con mà lao tới. Tôm Càng vội búng càng, vọt tới, xô bạn vào một ngách đá nhỏ.

Câu 5

Em thấy Tôm Càng có gì đáng khen ?

Phương pháp giải:

Em hãy nhận xét điểm đáng khen của Tôm Càng qua hành động cứu Cá Con.

Lời giải chi tiết:

Qua hành động cứu Cá Con em thấy Tôm càng rất thông minh, dũng cảm và biết lo lắng cho bạn.

Nội dung

Câu chuyện ca ngợi tình bạn đẹp đẽ, sẵn sàng cứu nhau khi hoạn nạn của Tôm Càng và Cá Con.

Bài đọc

Tôm Càng và Cá Con

1. Một hôm, Tôm Càng đang tập búng càng dưới đáy sông thì thấy một con vật lạ bơi đến. Con vật thân dẹt, trên đầu có hai mắt tròn xoe, khắp người phủ một lớp vẩy bạc óng ánh.

    Thấy Tôm Càng ngó mình trân trân, con vật nói:

- Chào bạn. Tôi là Cá Con.

- Chào Cá Con. Bạn cũng ở sông này sao?

- Chúng tôi cũng sống dưới nước như nhà tôm các bạn. Có loài cá ở sông ngòi, có loài ở hồ ao, có loài ở biển cả.

2. Thấy đuôi Cá Con lượn nhẹ nhàng, Tôm Càng nắc nỏm khen. Cá Con khoe:

- Đuôi tôi vừa là mái chèo, vừa là bánh lái đấy. Bạn xem này!

    Nói rồi, Cá Con lao về phía trước, đuôi ngoắt sang trái. Vút cái, nó đã quẹo phải. Bơi một lát, Cá Con lại uốn đuôi sang phải. Thoắt cái, nó lại quẹo trái. Tôm Càng thấy vậy phục lăn.

3. Cá Con sắp vọt lên thì Tôm Càng thấy một con cá to mắt đỏ ngầu, nhằm Cá Con lao tới. Tôm Càng vội búng càng, xô tới, xô bạn vào một ngách nhỏ. Cú xô làm Cá Con bị va vào vách đá. Mất mồi, con cá dữ tức tối bỏ đi.

4. Tôm Càng xuýt xoa hỏi bạn có đau không. Cá Con cười:

- Cảm ơn bạn. Toàn thân tôi phủ một lớp vẩy. Đó là bộ áo giáp bảo vệ nên tôi có va vào đá cũng không đau.

    Cá con biết tài búng càng của Tôm Càng, rất nể trọng bạn. Cả hai từ đấy kết bạn cùng nhau.

Theo TRƯƠNG MĨ ĐỨC, TÚ NGUYỆT

(Hoàng Lan dịch)

- Búng càng : co mình lại rồi dùng càng đẩy mình vọt lên để di chuyển.

- (Nhìn) trân trân : (nhìn) thẳng và lâu, không chớp mắt.

Nắc nỏm khen : khen luôn miệng, tỏ ý thán phục.

Mái chèo : vật dùng để đẩy nước cho thuyền đi.

- Bánh lái : bộ phận dùng để điều khiển hướng chuyển động của tàu, thuyền.

- Quẹo : rẽ.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.5 trên 67 phiếu

>> Xem thêm