Tiếng Việt lớp 2, soạn bài tập đọc 2 tất cả các bài , tổng hợp văn mẫu hay nhất ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2 (ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 2) - TIẾN..

Đề số 3 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 2


Đề bài

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Chuyện bốn mùa (Trang 4 – TV3/T2)

2. Ông Mạnh thắng Thần Gió (Trang 13 – TV3/T2)

3. Vè chim (Trang 28 – TV3/T2)

4. Cò và Cuốc (Trang 37 – TV3/T2)

5. Sư Tử xuất quân (Trang 46 – TV3/T2)

6. Quả tim khỉ (Trang 50 – TV3/T2)

7. Bé nhìn biển (Trang 65 – TV3/T2)

8. Cá sấu sợ cá mập (Trang 74 – TV3/T2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Bác sĩ Sói

1. Thấy Ngựa đang ăn cỏ, Sói thèm rỏ dãi. Nó toan xông đến ăn thịt Ngựa, nhưng lại sợ Ngựa chạy mất. Nó bèn kiếm một cặp kính đeo mắt, một ống nghe cặp vào cổ, một áo choàng khoác lên người, một chiếc mũ thêu chữ thập đỏ chụp lên đầu. Xong, nó khoan thai tiến về phía Ngựa.

2. Sói đến gần, Ngựa mới phát hiện ra. Biết là cuống lên thì chết, Ngựa bình tĩnh đợi xem Sói giở trò gì.

   Sói đến gần Ngựa, giả giọng hiền lành, bảo:

- Bên xóm mời ta sang khám bệnh. Ta đi ngang qua đây, nếu cậu có bệnh, ta chữa giúp cho.

   Ngựa lễ phép:

- Cảm ơn bác sĩ. Cháu đau chân quá. Ông làm ơn chữa giúp cho. Hết bao nhiêu tiền, cháu xin chịu.

   Sói đáp:

- Chà! Chà! Chữa làm phúc, tiền với nong gì. Đau thế nào? Lại đây ta xem.

- Đau ở chân sau đấy ạ. Phiền ông xem giúp.

3. Sói mừng rơn, mon men lại phía sau, định lựa miếng đớp sâu vào đùi Ngựa cho Ngựa hết đường chạy.

   Ngựa nhón nhón chân sau, vờ rên rỉ. Thấy Sói đã cúi xuống đúng tầm, nó tung vó đá một cú trời giáng, làm Sói bật ngửa, bốn cẳng huơ giữa trời, kính vỡ tan, mũ văng ra...

Theo LA-PHÔNG-TEN

(Huỳnh Lý dịch)

1. Từ ngữ nào tả sự thèm thuồng của Sói khi thấy Ngựa? (0.5 điểm)

A. xông đến Ngựa

B. thèm rỏ dãi

C. tiến về Ngựa

 

2. Sói lừa Ngựa bằng cách nào? (0.5 điểm)

A. giả giọng hiền lành lừa Ngựa.

B. đe dọa cho Ngựa sợ.

C. làm bác sĩ khám bệnh cho Ngựa.

 

3. Kể lại cảnh Sói bị Ngựa đá. (1 điểm)

 

4. Đặt câu hỏi có cụm từ “Ở đâu” cho câu sau: (1 điểm)

- Cặp của Lan để trên ghế.

 

5. Chọn từ ngữ thích hợp điền vào chỗ trống: (1 điểm)

đen tuyền, sặc sỡ

a) Quạ là loài chim có bộ lông ....

b) Bộ lông của chim công .... trông vô cùng bắt mắt.

 

6. Viết lời đáp của em trong các tình huống sau: (2 điểm)

a) Một bạn làm rơi sách của em xuống đất. Bạn đó nói: “Mình xin lỗi bạn, mình không cố ý”.

b) Trong lúc chơi đùa, bạn chạy va vào em làm em ngã. Bạn nói: “Mình xin lỗi cậu, mình vô ý quá!”

 

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Cò và Cuốc

Cò đang lội ruộng bắt tép. Cuốc thấy vậy từ trong bụi rậm lần ra, hỏi:

- Chị bắt tép vất vả thế, chẳng sợ bùn bắn bẩn hết áo trắng sao?

Cò vui vẻ trả lời:

- Khi làm việc, ngại gì bẩn hở chị?

 

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết đoạn văn tả ngắn nói về mùa xuân.

Gợi ý làm bài tập làm văn:

– Dấu hiệu nào báo hiệu mùa xuân đến?

– Cảnh vật mùa xuân có gì đặc biệt?

– Mùa xuân đem đến cho em niềm vui gì?

Quảng cáo
decumar

Lời giải chi tiết

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) B. thèm rỏ dãi

2. (0.5 điểm) C. làm bác sĩ khám bệnh cho Ngựa.

3. (1 điểm)

Nghe ngựa kêu đau chân, sói mon men đến gần ngựa định cắn vào đùi thì bị ngựa bất ngờ đá một cú trời giáng khiến sói bật ngửa, sói sợ hãi và chạy mất.

4. (1 điểm)

Cặp của Lan để ở đâu?

5. (1 điểm)

a) Quạ là loài chim có bộ lông đen tuyền.

b) Bộ lông của chim công sặc sỡ trông vô cùng bắt mắt.

6. (2 điểm)

a) Không sao đâu bạn.

b) Không sao đâu. Lần sau bạn chú ý cẩn thận hơn nhé!

 

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung:

Đảm bảo đủ các ý sau: (4 điểm)

+ Dấu hiệu nào báo hiệu mùa xuân đến? (1 điểm)

+ Cảnh vật mùa xuân có gì đặc biệt? (2 điểm)

+ Mùa xuân đem đến cho em niềm vui gì? (1 điểm)

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Mùa xuân thường gắn liền với Tết, thường bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 3. Mùa xuân thời tiết êm dịu, ấm áp, vẫn còn se se lạnh nhưng có ánh nắng mặt trời. Cảnh vật mùa xuân luôn tràn đầy sức sống. Những cánh hoa đào của miền bắc và hoa mai của miền nam đua nhau khoe sắc. Cây cối mùa xuân cao vút bắt đầu nhú những mầm non xanh nõn, mượt mà. Buổi sáng mùa xuân thật trong lành, ấm áp, gió chỉ thổi thật khẽ. Bầu trời dường như thoáng đãng, từng đám mây xanh trắng nối đuôi nhau trôi đi thật chậm rãi. Em rất yêu mùa xuân.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.9 trên 7 phiếu