Giải đề thi học kì 1 Sinh lớp 9 năm 2019 - 2020 trường THCS Vĩnh Quỳnh


Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn Sinh lớp 9 năm 2019 - 2020 trường THCS Vĩnh Quỳnh với cách giải nhanh và chú ý quan trọng

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 9 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài:

A. TRẮC NGHIỆM (5 điểm)

Câu 1:

Quảng cáo
decumar

Đặc điểm của nhiễm sắc thể (NST) trong các tế bào sinh dưỡng là

A. Luôn tồn tại thành từng chiếc riêng rẽ

B. Luôn co ngắn lại

C. Luôn tồn tại thành từng cặp tương đồng

D. Luôn luôn duỗi ra

Câu 2:

Sự tự nhân đôi của NST diễn ra ở kì nào của chu kì tế bào

A. Kì đầu                    B. Kì giữa

C. Kì sau                    D. Kì trung gian

Câu 3:

Hiện tượng tăng số lượng xảy ra ở toàn bộ các NST trong tế bào được gọi là

A. Đột biến dị bội thể

B. Đột biến đa bội thể

C. Đột biến cấu trúc NST

D. Đột biến đảo đoạn NST

Câu 4.

Ở đậu Hà Lan có 2n = 14. Thể dị bội tạo ra từ đậu Hà Lan có số NST trong tế bào sinh dưỡng bằng

A. 16                                  B. 21

C. 28                                  D. 32

Câu 5:

Số NST trong tế bào là thể 3 nhiễm ở người là

A. 45 chiếc                        B. 46 chiếc

C. 47 chiếc                        D. 48 chiếc

Câu 6:

Mức phản ứng của cơ thể do yếu tố nào sau đây quy định?

A. Kiểu gen của cơ thể

B. Thời kì sinh trưởng và phát triển của cơ thể

C. Điều kiện môi trường

D. Mức dao động của tính di truyền

Câu 7:

Ở cà chua, gen A quy định thân đỏ thẫm, gen a quy định thân xanh lục. Theo dõi sự di truyền màu sắc của thân cây cà chua, người ta thu được kết quả sau: P: thân đỏ thẫm x thân đỏ thẫm → F1: 75% đỏ thẫm : 25% xanh lục. Hãy chọn kiểu gen của P phù hợp với phép lai bên trong các câu thức lai sau đây:

A. P: AA x AA                 B. P:AA x Aa

C. P: AA x aa                  D. P: Aa x Aa

Câu 8:

Tính trạng là

A. Những biểu hiện của kiểu gen thành kiểu hình

B. Các đặc điểm bên trong cơ thể sinh vật

C. Kiểu hình bên ngoài cơ thể sinh vật

D. Những đặc điểm về hình thái, cấu tạo, sinh lý của một cơ thể

Câu 9:

Cho NST ban đầu và NST sau khi bị biến đổi cấu trúc có trình tự các đoạn như sau, xác định dạng đột biến

ABCDE.FGHADCBE.FGH

A. Lặp đoạn                  B. Mất đoạn

C. Đảo đoạn                 D. Chuyển đoạn

Câu 10:

Thường biến là

A. Sự biến đổi xảy ra trên NST

B. Sự biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen

B. Sự biến đổi xảy ra trên ADN

D. Sự biến đổi xảy ra trên cấu trúc di truyền

B – TỰ LUẬN (5 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

Định luật phân li độc lập và hiện tượng di truyền liên kết về hai cặp tính trạng khác nhau như thế nào?

Câu 2: (1 điểm)

Tại sao người ta phải dùng phương pháp nghiên cứu phả hệ để nghiện cứu sự di truyền một số tính trạng ở người?

Câu 3: (2 điểm)

Một phân tử ADN có 75000 vòng xoắn và có số nuclêôtit loại xitôzin chiếm 35% tổng số nuclêôtit. Xác định:

a) Chiều dài của phân tử ADN nói trên

b) Số lượng từng loại nuclêôtit của phân tử ADN

c) Khối lượng của cả phân tử ADN, cho biết rằng khối lượng trung bình của mỗi nuclêôtit là 300 đơn vị cacbon.

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Thực hiện: Ban chuyên môn Loigiaihay.com

A. TRẮC NGHIỆM

1C

2D

3B

4A

5C

6A

7D

8D

9C

10B

Câu 1: (NB)

Cách giải:

Nhiễm sắc thể (NST) trong các tế bào sinh dưỡng luôn tồn tại thành từng cặp tương đồng

Chọn C

Câu 2: (NB)

Cách giải:

Sự tự nhân đôi của NST diễn ra ở kì trung gian.

Chọn D

Câu 3: (NB)

Cách giải:

Hiện tượng tăng số lượng xảy ra ở toàn bộ các NST trong tế bào được gọi là đột biến đa bội thể.

Chọn B

Câu 4: (TH)

Phương pháp:

Thể dị bội là cơ thể mà trong tế bào sinh dưỡng có một hoặc một số cặp NST bị thay đổi về số lượng.

Cách giải:

Thể dị bội tạo ra từ đậu Hà Lan có số NST trong tế bào sinh dưỡng có thể bằng 16.

Chọn A

Câu 5: (TH)

Phương pháp:

Ở người, 2n = 46, thể 3 nhiễm là thể dị bội

Cách giải:

Số NST trong tế bào là thể 3 nhiễm ở người là 47 chiếc

Chọn C

Câu 6: (NB)

Cách giải:

Mức phản ứng của cơ thể do kiểu gen của cơ thể quy định

Chọn A

Câu 7: (TH)

Phương pháp:

Áp dụng quy luật phân li

Cách giải:

F1 phân li theo tỷ lệ: 3 đỏ thẫm : 1 xanh lục → F1 có 4 tổ hợp → Bố mẹ dị hợp 1 cặp gen

P: Aa  x Aa

Chọn D

Câu 8: (NB)

Cách giải:

Tính trạng là những đặc điểm về hình thái, cấu tạo, sinh lý của một cơ thể

Chọn D

Câu 9: (TH)

Cách giải:

NST bị đột biến đảo đoạn BCD thành DCB.

Chọn C

Câu 10: (NB)

Cách giải:

Thường biến là sự biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen.

Chọn B

B. TỰ LUẬN

Câu 1: (TH)

Cách giải:

Khác nhau:

Phân li độc lập

Di truyền liên kết

Sự di truyền của cặp tính trạng này là độc lập với sự di truyền của cặp tính trạng kia

Sự di truyền của các cặp tính trạng gắn liền với nhau

Các cặp gen alen quy định các cặp tính trạng nằm trên các cặp NST đồng dạng khác nhau

Các cặp gen alen quy định các cặp tính trạng cùng nằm trên 1 cặp NST đồng dạng và nằm gần nhau

Có sự phân li độc lập và tổ hợp tự do của các gen trong quá trình giảm phân và thụ tinh

Có sự phân li cùng nhau về 1 giao tử của các gen cùng nằm trên 1 NST đơn

Tăng biến dị tổ hợp làm sinh vật đa dạng

Hạn chế biến dị tổ hợp, tạo điều kiện di truyền đồng bộ các nhóm tính trạng tốt cho thế hệ sau

Câu 2: (TH)

Cách giải:

Phương pháp nghiên cứu phả hệ là phương pháp theo dõi sự di truyền của một tính trạng nhất định trên những người thuộc cùng một dòng họ qua nhiều thế hệ để xác định đặc điểm di truyền của tính trạng đó (trội, lặn, do một hay nhiều gen kiểm soát).

Nghiên cứu di truyền ở người gặp phải những khó khăn như: người sinh sản chậm và đẻ ít con, vì lí do xã hội, không thể áp dụng phương pháp lai và gây đột biến.

Do vậy, các nhà nghiên cứu phải dùng phương pháp phả hệ vì: Phương pháp này đơn giản dễ thực hiện nhưng cho hiệu quả cao. Có thể ứng dụng để dự đoán xác suất mắc bệnh ở đời sau.

Câu 3: (VD)

Phương pháp:

Mỗi vòng xoắn của gen có 20 nuclêôtit

Công thức tính chiều dài phân tử ADN là L = N/2 x 3,4Å

Theo nguyên tắc thì bổ sung, A=T, G=X và A+G = 50%N

Công thức tính khối lượng phân tử ADN là m = N x 300 đvC

Cách giải:

a) Số nuclêôtit của gen là: 75000 x 20 = 1500000 nuclêôtit

Chiều dài phân tử ADN là: 1500000/2 x 3,4 = 2550000 Å = 255μm

b) Theo đề bài, X = 35% tổng số nuclêôtit

Mà theo nguyên tắc bổ sung, A=T, G=X và A+G = 50%N

→ G = X = 35x1500000/100 = 525000 nuclêôtit

A = T = 50% - 35% = 15%

→ A = T = 15x1500000/100 = 225000 nuclêôtit

c) Khối lượng phân tử ADN là: m = 1500000 x 300 = 4,5.108 đvC

 Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Sinh lớp 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 9 và luyện vào lớp 10 tại Tuyensinh247.com, cam kết giúp học sinh lớp 9 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.