Bài 3. Lời sông núi

Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về bài Hịch tướng sĩ


Trong bài hịch, Trần Quốc Tuấn đã trực tiếp bộc bạch lòng yêu nước và tinh thần căm thù giặc, ở đoạn văn: “Ta thường...vui lòng”.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Bài siêu ngắn

Trần Quốc Tuấn là một vị tướng lĩnh tài ba kiệt xuất của dân tộc. Thông qua văn bản Hịch tướng sĩ, người đọc có thể cảm nhận được ông là một vị trung thần với tấm lòng ái quốc thương dân vô bờ bến. Càng yêu nước ông cành căm phẫn bọn giặc giày xéo Tổ quốc mình, sẵn sàng hy sinh cả bản thân để dành lại tự do cho dân tộc. Vì đất nước mà ông chẳng màng đến sự an nguy của bản thân, luôn đau đáu về vận mệnh của đất nước. Dẫu hàng ngàn năm đã trôi qua nhưng tinh thần yêu nước của Hưng Đạo vương vẫn mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ sau này.

Bài mẫu 1

Trong bài hịch, Trần Quốc Tuấn đã trực tiếp bộc bạch lòng yêu nước và tinh thần căm thù giặc, ở đoạn văn: “Ta thường...vui lòng”. Cách biểu hiện tâm trạng của tác giả vẫn nằm trong lối diễn tả bằng ước lệ, khoa trương quen thuộc của văn học cổ, nhưng vẫn tạo được hiệu quả cao, truyền cho người đọc những cảm xúc mạnh mẽ. Sở dĩ có được hiệu quả ấy, vì tác giả đã truyền vào những ước lệ những nỗi niềm trăn trở, những tình cảm mạnh mẽ, tha thiết của mình. Ớ đây, cách nói quá, cực tả đã phát huy tác dụng biểu cảm cao độ. “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối” là thể hiện nỗi trăn trở, day dứt đến thành ám ảnh trong mọi lúc, cả bữa ăn lẫn giấc ngủ, cả đêm lẫn ngày. “Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” là hình ảnh diễn tả nỗi đau xót lớn lao từ trong cõi lòng được biểu hiện ra cả bên ngoài thành dòng nước mắt đầm đìa. Nỗi đau trong lòng đã được thể hiện thành nỗi đau rất cụ thể của cơ thể, của thần xác. Còn lòng căm thù và ý chí tiêu diệt giặc thì được thể hiện một cách mạnh mẽ bằng những hình ảnh: “...xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Điển tích “Da ngựa bọc thây” vốn quen thuộc trong văn chương cổ để nói về kẻ làm tướng sẵn sàng nhận cái chết ngoài mặt trận, thì với Trần Quốc Tuấn đã được tăng cấp lên thành”., trăm thân này phơi bày nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng” - Nghĩa là sẵn sàng chết đến trăm lần, nghìn lần miễn là tiêu diệt được quân giặc.

Bài mẫu 2

Lòng yêu nước được thể hiện muôn màu, muôn vẻ. Khi học xong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, em cảm nhận được tấm lòng yêu nước, thương dân của người con, người anh hùng lẫy lừng của dân tộc. Thấy giặc giày xéo đất nước, nhân dân khổ cực, ông không cầm được nước mắt. Bóng quân thù còn chưa sạch, ông ngày đêm không ngủ, ruột đau như cắt, lo lắng cho vận mệnh, quốc gia dân tộc . Vì đất nước, ông chẳng màng thân mình "dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong dã ngựa, ta cũng yên lòng". Không chỉ vậy, Trần Quốc Tuấn còn là người hết lòng với binh sĩ, xem họ như anh em ruột thịt mà nhắc nhở, bảo ban. Ông cũng thẳng thắn phán những khuyết điểm của binh sĩ để cảnh tỉnh họ, đồng thời dùng lời lẽ chân thành, tha thiết để khích lệ ý thức chiến đấu và trách nhiệm. Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn được lan toả từ người cầm quân đến kẻ binh sĩ, từ người lãnh đạo đến nhân dân khắp chốn. Dù cho lúc bấy giờ hay mãi về sau thì tấm lòng yêu nước, thương dân của Trần Quốc Tuấn mãi là niềm tự hào, là gương sáng cho bao thế hệ như chúng em học tập và noi theo.

Bài mẫu 3

Bài Hịch tướng sĩ đã cho thấy tấm lòng yêu nước thiết tha của người anh hùng Trần Quốc Tuấn. Chứng kiến quân giặc bạo tàn, xâm chiếm nước nhà, chứng kiến những khổ đau, giày xéo mà nhân dân phải gánh chịu ông không khỏi xót xa. Đất nước nguy nan, người anh hùng ấy chưa một giờ bình an, tâm trí vẫn đau đáu nỗi lo cho dân, cho nước. Đêm về thức trắng, nước mắt đầm đìa, xót xa vì thương con dân, vì căm phẫn quân thù, sẵn sàng phơi thân ngoài nội cỏ để giết chết lũ giặc ngạo mạn, đất nước được sạch bóng quân thù. Nước nhà đang lầm than, thấy cảnh binh sĩ bỏ bê theo những thú vui, ham mê thông thường ông không khỏi đau lòng. Trần Quốc Tuấn đã dùng lời lẽ nghiêm khắc của mình để phê bình, cảnh tỉnh binh sĩ, đồng thời bày tỏ sự chân thành thúc giục bình sĩ ra sức luyện tài, học tập Binh thư yếu lược để chuẩn bị tốt nhất cho việc chống giặc, cứu nước. Hình ảnh Trần Quốc Tuấn với tấm lòng cao cả mãi là niềm tự hào của bao thế hệ Việt Nam về một người anh hùng của dân tộc.

Bài mẫu 4

Với đoạn trích Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc, đồng thời khẳng định quyền độc lập, tự chủ không thể xâm phạm của đất nước Đại Việt. Tác giả đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định chủ quyền của một dân tộc lần lượt là: quốc hiệu, nền văn hiến, lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử, nhân tài hào kiệt,... Đại Việt ta có nền văn hiến lâu đời. Nếu bên Trung Quốc có các nước Hán, Đường, Tống, Nguyên thì Đại Việt ta có Triệu, Đinh, Lí, Trần. Mỗi bên cai quản một phương trời. Đại Việt là một quốc gia độc lập không phải chư một nước chư hầu. Tuy mỗi bên có thời kì phát triển và suy yếu khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có. Người ta nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", mà nguyên khí không mất thì nước còn phát triển. Vì Đại Việt là một quốc gia độc lập, có chủ quyền nên hành vi xâm phạm lãnh thổ của giặc ngoại xâm là sai trái. Nhân dân Đại Việt anh hùng, sẵn sàng đấu tranh và đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự thật là chúng ta đã chiến thắng rất nhiều trận đánh lớn.

Bài mẫu 5

Qua “Hịch tướng sĩ”, tôi đã có được cảm nhận về tinh thần yêu nước. Bài hịch được Trần Quốc Tuấn viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) nhằm khích lệ tướng sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược (Sách tóm tắt những điều cốt yếu về binh pháp) do chính ông biên soạn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Chúng ta có thể thấy rõ được tấm lòng yêu nước cũng như tài năng của Trần Quốc Tuấn - vị tướng giặc thiên tài của dân tộc. Đầu tiên, Trần Quốc Tuấn đưa ra những tấm gương thể hiện sự trung thành của các vị tướng thời trước. Sau đó ông nêu lên tội ác của quân giặc, bộc lộ nỗi lòng của mình trước hoàn cảnh của đất nước. Ông chỉ ra sự sai trái trong hành động, suy nghĩ của các tướng sĩ. Cuối cùng là lời kêu gọi tướng sĩ học tập theo “Binh thư yếu lược”. Với lập luận chặt chẽ, lí lẽ rõ ràng và dẫn chứng xác thực, bài hịch đã tạo nên một sức mạnh to lớn, khơi gợi lòng yêu nước và khích lệ tinh thần tướng sĩ.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí