Tổng hợp 50 bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài..

Viết bài văn phân tích tác phẩm Xa ngắm thác núi Lư lớp 8


1. Mở đoạn: - Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả Lí Bạch, bài thơ Xa ngắm thác núi Lư.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn: 

- Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả Lí Bạch, bài thơ Xa ngắm thác núi Lư.

2. Thân đoạn: 

a. Khung cảnh thiên nhiên Hương Lô

- Vị trí quan sát: đứng từ trên cao để ngắm thác nước, sẽ có cái nhìn bao quát và toàn diện.

- Hình ảnh thiên nhiên: “nhật chiếu Hương Lô” ý chỉ ánh sáng của mặt trời chiếu xuống núi Hương Lô.

- Động từ “sinh” gợi ra sự sinh sôi nảy nở, tràn đầy sức sống cùng với “tử yên” nghĩa là làn khói tía gợi liên tưởng ánh sáng xuyên qua làn hơi nước phản chiếu giống như làn khói màu tím, vừa rực rỡ, vừa kì ảo.

=> Khung cảnh thiên nhiên huyền ảo và đầy thơ mộng của núi Hương Lô.

b. Khung cảnh thác nước núi Lư

- Từ “bộc bố” ý chỉ dòng thác kết hợp với động từ “quải” có nghĩa là treo chuyển động của dòng thác từ động sang tĩnh. Nhìn từ xa nơi nhà thơ đang đứng, dòng thác trông giống như một dải lụa trắng đang vắt trên sườn núi.

- Hình ảnh dòng thác kết hợp với động từ “phi” là bay và “lưu” gợi liên tưởng nước đang ào ào chảy xuống con sông ở phía dưới từ “ba nghìn thước”, đây là con số mang tính ước lệ gợi một khoảng cách rất cao và xa.

- So sánh “Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên” gợi liên tưởng độc đáo khiến cho thác nước tựa như một dải ngân hà rộng lớn giữa bầu trời, đầy màu sắc.

=> Thác núi Lư hiện lên không chỉ thơ mộng mà còn hùng vĩ tráng lệ. Qua đó tác giả muốn bộc lộ tình cảm yêu thiên nhiên tha thiết.

3. Kết đoạn: 

Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Xa ngắm thác núi Lư.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Bài thơ có tựa đề Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) nhưng câu thơ mở đầu lại không hề nói đến ngọn thác ấy, mà miêu tả làn khói tía (tử yên) đang tỏa lên từ ngọn núi Hương Lô. Làn khói tía được “sinh” ra từ sự “giao duyên” giữa mặt trời và ngọn núi: “Nhật chiếu Hương Lô”. Nhờ sự giao duyên ấy mà không gian ở đây bỗng trở nên thi vị và thật hữu tình...

Ai cũng biết thơ Đường, trừ thơ trường thiên, thường có khuôn khổ gò bó, có những quy tắc rất nghiêm ngặt về số câu, số chữ... Bởi thế, để đạt được ý đồ nghệ thuật của mình, nhà thơ luôn phải chọn lựa những chữ rất “đắt” và hàm súc; phải dùng những thủ pháp nghệ thuật như gợi, ước lệ, tượng trưng... Bài thơ của Lí Bạch mà chúng ta đang nói là một bài tứ tuyệt thất ngôn; lại là một bài hay của thơ Đường, thì chắc chắn mỗi câu, mỗi chữ của ông đều có một giá trị nghệ thuật nhất định.

Quả vậy, đọc lại câu thơ ta không chỉ thấy một không gian thi vị, hữu tình mà còn cảm nhận tầm vóc vũ trụ của ngọn Hương Lô kia. Dưới mặt trời đang tỏa nắng là một ngọn núi tựa như một bình hương khổng lồ đang nghi ngút tỏa những làn khói tía vào vũ trụ. Hương Lô là một ngọn núi của dãy Lư Sơn, nơi ngọn thác đang đổ xuống. Vậy thì ở câu thơ này, Lí Bạch không chỉ tả, mà điều cốt yếu là ông muốn gợi mở tầm cao vũ trụ của ngọn thác.

Nếu như câu một là gợi thì câu hai lại tả, nhưng tả thông qua sự cảm nhận mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà thơ: Đứng từ xa mà nhìn lại thì ngọn thác như treo (quải) trên dòng sông phía trước. Động từ “quải” (treo) gợi trí tưởng tượng của người đọc về thế dựng đứng của ngọn thác, tô đậm cảm giác về sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Và chính ý đó đã tạo đà cho câu thơ thứ ba:

“Phi lưu trực há tam thiên xích” 

Đến đây bức tranh ngọn thác núi Lư được hiện lên với những đường nét rõ ràng nhất. Những động từ “phi” (bay), “trực” (thẳng) có sức biểu hiện mạnh mẽ, mang lại một ấn tượng mạnh về tốc độ và sức lực của dòng chảy đang đổ xuống từ độ cao ba nghìn thước. Như vậy, sự kì vĩ, tầm vóc vũ trụ của ngọn thác mới chỉ được gợi và gợi tả ở câu một và câu hai, thì đến câu ba nó được thể hiện một cách cụ thể: Chẳng những kì vĩ mà còn mang trong mình nó một sức mạnh vô biên, sức mạnh không gì cản được.

Dường như nét bút tả ngọn thác đã đến đỉnh điểm của nó. Và chính điều ấy khiến người đọc phải sững sờ bởi hình ảnh ngọn thác:

“Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.” 

Dải Ngân Hà - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tưởng tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn. Nhưng nhờ đó mà hình ảnh thơ (ngọn thác) trở nên huyền ảo và mang một nét đẹp diệu kì. Trước vẻ đẹp ấy, người đọc bị chông chênh giữa hai chiều nhận thức: Thực - ảo; tiên giới - trần gian;... Điều đó không có gì lạ, mà nó chỉ khẳng định thêm cái cảm nhận về sự giao duyên, gặp gỡ giữa trời và đất mà chúng ta đã nói đến ở câu một mà thôi.

Thơ với người là một. Nét bút bay bổng, mạnh mẽ của Lí Bạch ở đây cũng chính là tâm hồn của nhà thơ. Một tầm vóc kì vĩ, một sức mạnh hào hùng và vẻ đẹp nên thơ cũng chính là những khao khát, ước vọng mà nhà thơ Lí Bạch vẫn thường vươn tới.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng đời Đường với phong cách thơ phóng khoáng, thể hiện một tâm hồn yêu tự do, yêu thiên nhiên. Những hình ảnh trong thơ ông luôn khiến người đọc cảm nhận được sự trong lành và kì vĩ. Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” là một bài thơ đẹp như vậy, nói lên tình yêu thiên nhiên của Lí Bạch đồng thời ca ngợi sự kì vĩ của thiên nhiên.

Bài thơ đã thể hiện được sự cảm nhận tinh tế và đầy táo bạo về hình ảnh thác núi Lư.

Về phiên âm:

“Nhật chiếu Hương lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.” 

Về phần dịch thơ:

“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay
Xa trông dòng thác trước sông này
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây.” 

Phần nhan đề của bài thơ đã nói lên không gian, tầm ngắm của tác giả bằng từ “xa” và “ngắm”. Tác giả đứng từ xa và ngắm nhìn vẻ đẹp kì vĩ, lớn lao của dòng thác núi Lư kì vĩ, mênh mông. Chính nhan đề bài thơ đã nói lên sự tinh tế và đầy tài hoa của Lí Bạch.

Đứng ở phía xa không thể nhìn một cách tỉ mỉ từng cảnh, từng vật nhưng lại có cái nhìn bao quát và tổng thể nhất. Ông đã lấy lợi thể có điểm nhìn này để vẽ lên một bức tranh toàn cảnh tuyệt vời nhất.

Một câu thơ cất lên đầy chất thơ, đầy chất thi vị, ánh nắng như đan cài, hòa vào dòng thác kì vĩ, lớn lao như vậy. Dưới ngòi bút của Lí Bạch, thiên nhiên hiện lên sống động và thật lớn lao. Ông đã miêu tả vẻ đẹp của dòng thác trước ánh nắng mặt trời, sự phản quang của nắng đã khiến cho dòng nước chuyển thành màu tía lung linh huyền ảo. Đây thực sự là điểm mới trong cách đánh giá thiên nhiên của Lí bạch.

“Xa trông dòng thác trước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây” 

Những hình thơ táo bạo và đầy sức hút, giống như một bức tranh đẹp đứng chênh vênh một một vách núi hiểm trở. Hình ảnh thác nước hiện lên kì vĩ và vô cùng lớn lao.

Ở câu thơ thứ hai, phần dịch thơ đã đánh mất chữ “quải”: So với phần dịch thơ nên sự gợi hình, gợi tượng của câu thơ không còn cuốn hút nữa. Như thế mới có thể thấy được trí tưởng tượng của nhà thơ thật tuyệt vời mà tinh tế.

Người đọc có thể hình dung được trong bức tranh này có núi cao hiểm trở, có sườn dốc chênh vênh, và có cảnh thác nước “bay thẳng xuống”.

Một hình ảnh thơ quá đẹp, quá tuyệt vời khi Lí Bạch cảm chừng như “nước bay thẳng xuống ba nghìn thước”. Với động từ mạnh “bay thẳng” đã khẳng định được vẻ đẹp kì vĩ, lớn lao, hùng vĩ và có phần hiểm trở của thiên nhiên nơi đây.

Tác giả đã lấy một con số cụ thể để ước lệ tượng trưng cho chiều dài của dòng thác. Con số ấy còn gợi lên một vẻ đẹp kì vĩ, hiểm trở, tạo cảm giác ớn lạnh cho người đọc. Và chính người đọc như cảm nhận được dòng thác như đang đổ xuống ngay trước mặt mình.

Câu thơ cuối có thể nói là câu thơ đầy ấn tượng đối với người đọc. Sự tinh tế và sự liên tưởng độc đáo của nhà thơ đã tạo nên một hình ảnh cực kì “độc” và “lạ”. Không phải nhà thơ nào cũng có vốn từ phong phú như vậy để tạo nên hình ảnh thơ mới mẻ như thế.

Câu thơ lấp lánh một vẻ đẹp huyền ảo, hư hư thực thực cứ đan cài, quyện chặt lấy nhau tạo nên một bức tranh đậm chất thơ. Tác giả ví thác nước như dải Ngân Hà. Một so dáng kì lạ và đầy mới mẻ. Từ "tuột” được Lí Bạch sử dụng rất đắc điệu và làm tốt vai trò của mình trong việc chuyển thể nội dung của bài thơ. Câu thơ cuối được coi là điểm nhấn, mà “mắt nhãn” của cả bài thơ vì đã nói lên được cái hồn, cái thần thái của cả bài thơ. Hình ảnh này khiến người đọc thán phục trước tài năng thơ, tài năng ngôn ngữ và tài năng liên tưởng của Lí Bạch.

Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” thực sự là một bài thơ có hình ảnh đẹp, kì vĩ và lớn lao. Thiên nhiên trong thơ Lí bạch luôn phóng khoáng và kì vĩ như chính con người của ông.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Một trong những bài thơ giúp người đọc cảm nhận được điều đó là “Xa ngắm thác núi Lư” (Vọng Lư sơn bộc bố):

“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên” 

Mở đầu bài thơ, Lý Bạch khắc họa một thế giới tuyệt đẹp vời của khung cảnh thiên nhiên núi Lư. Ánh mặt trời tươi sáng rọi chiếu xuống núi Hương Lô, tỏa sáng trên khung cảnh núi non kỳ vĩ. Nhà thơ còn điểm xuyết một màu sắc vô cùng rực rỡ, lộng lẫy với làn khói tía bốc lên từ ngọn thác, cùng với từ “sinh” gợi bức tranh thiên nhiên tràn đầy sự sống.

Giữa cảnh núi hùng vĩ, dòng thác hiện lên với những chuyển động tinh tế. Câu thơ “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” có thể hiểu là dòng thác đang treo trên dòng sông phía trước. Dòng thác lớn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống được nhà thơ hình dung như là nó được treo lơ lửng giữa không trung, dựa vào vách núi Hương Lô kỳ vĩ. Lúc này, dòng thác như đang ào ào chảy xuống con sông ở phía dưới từ “ba nghìn thước” - con số mang tính ước lệ gợi một khoảng cách rất cao và xa.

Câu thơ cuối cùng gợi liên tưởng thác nước tựa như một dải ngân hà rộng lớn giữa bầu trời, đầy màu sắc. Thác núi Lư hiện lên không chỉ thơ mộng mà còn hùng vĩ tráng lệ. Qua đó, Lí Bạch muốn gửi gắm tình cảm yêu thiên nhiên tha thiết, cung với niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước.

Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” đã khắc họa đẹp độc đáo của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư cũng như bộc lộ tình yêu nước của Lí Bạch.

Bài tham khảo Mẫu 1

Cùng với Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lí Bạch là một trong ba nhà thơ lớn nhất, vĩ đại nhất đời Đường. Thơ ông đa dạng về đề tài và cách thể hiện nhưng tựu chung đều mang vẻ đẹp lãng mạn, bay bổng, khoáng đạt, luôn hướng về lí tưởng cái đẹp, thiên nhiên, tình yêu cuộc sống. Xa ngắm thác núi Lư là một trong những bài thơ như vậy.

Bài thơ được ông viết vào những năm cuối đời, sau khi người ông phò tá bị giết, ông bị đày rồi được thả, trên đường trở về ông lại được ngao du, thưởng ngoạn thiên nhiên. Tác phẩm viết khi tuổi ông đã cao, hơn nữa lại vừa bị đi đày về nhưng lời thơ vẫn đầy hùng khí đã cho thấy tinh thần hào sảng của ông.

Cả bài thơ cho thấy bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp kì vĩ, lãng mạn. Với điểm nhìn từ xa, trong câu thơ đầu tác giả đã bao quát được toàn bộ bức tranh thiên nhiên: “Nhật chiếu hương lô sinh tử yên”. Khung cảnh thật lung linh, rực rỡ: ánh nắng chiếu vào làn nước sinh ra làn khói tía, tựa như những đám mây bồng bềnh trôi, khung cảnh trở nên mờ ảo, huyền bí. Cảnh không tĩnh mà động. Trong nguyên tác chữ “sinh” tạo cho người đọc cảm giác ánh mặt trời làm nảy sinh màu sắc, khung cảnh vì thế mà sinh động hơn.

Sau câu thơ miêu tả bao quát, ba câu thơ tiếp theo đi miêu tả chi tiết, cực tả vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước. Trong câu thơ thứ hai, thác nước như một tấm thảm khổng lồ. Thác nước là sự kết hợp của cái khổng lồ với cái mềm mại, chữ “quải” – treo khiến thác nước trở nên mượt mà, thác nước vừa thực mà lại vừa ảo.

Thác nước đang động mà chuyển thành tĩnh. Sang câu thơ tiếp theo thác nước từ trạng thái tĩnh của tấm vải chuyển qua trạng thái động: “Phi lưu trực há tam thiên xích”. Sự hùng vĩ của thác nước được thể qua cả từ ngữ và hình ảnh. Chữ “phi” đã diễn tả được tốc độ nhanh, sức chảy mạnh của dòng nước: “thác nước chảy như bay”. Còn chữ “trực” lại cho thấy thế đứng thẳng của thác nước, thật hùng vĩ biết bao.

Hình ảnh “ba nghìn thước” gợi không gian cao vòi vọi. Tất cả ngôn ngữ, hình ảnh đó đã khắc họa thành công sự hùng vĩ của thác núi Lư. Câu thơ cuối tiếp tục gợi nên vẻ đẹp kì vĩ của nó bằng trường liên tưởng độc đáo: “Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên”. 

Câu thơ thứ ba và thứ tư thừa tiếp ý của nhau, bổ sung cho nhau: phải là từ chín tầng mây chảy xuống thì mới có tốc độ và cường độ nhanh, mạnh như vậy và ngược lại “thác chảy như bay” theo phương thẳng đứng thì phải là sông Ngân Hà từ “cửu thiên” rơi xuống. Bằng lớp ngôn từ cực tả, tâm hồn phóng khoáng, trí tưởng tượng phong phú, Lí Bạch đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên, thác nước núi Lư vô cùng đẹp đẽ, kì vĩ.

Bức tranh thiên nhiên kì vĩ, tráng lệ còn cho ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, say đắm trước vẻ đẹp của thác nước núi Lư. Chữ “vọng” trong nhan đề bài thơ không chỉ là nhìn từ xa mà còn là sự chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, bị hút hồn trước vẻ đẹp của thác nước. Qua bức tranh này ta còn thấy được tâm hồn rộng lớn, khoáng đạt mà cũng đầy mơ mộng của nhà thơ.

Bài thơ sử dụng hình ảnh thơ tráng lệ, hùng vĩ. Sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn làm hình ảnh thác núi Lư hiện lên chân thực mà lung linh, huyền ảo, vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh làm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần sinh động, hấp dẫn.

Bằng lớp ngôn ngữ trau chuốt, giàu sức biểu cảm bài thơ đã khắc họa vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Đồng thời bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn: yêu thiên nhiên, phóng khoáng, lãng mạn của nhà thơ Lí Bạch. Qua đó còn kín đáo bộc lòng yêu quê hương đất nước của tác giả.

Bài thâm khảo Mẫu 2

Bài thơ có tựa đề Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) nhưng câu thơ mở đầu lại không hề nói đến ngọn thác ấy, mà miêu tả làn khói tía (tử yên) đang tỏa lên từ ngọn núi Hương Lô. Làn khói tía được “sinh” ra từ sự “giao duyên” giữa mặt trời và ngọn núi: “Nhật chiếu Hương Lô”. Nhờ sự giao duyên ấy mà không gian ở đây bỗng trở nên thi vị và thật hữu tình...

Nhưng cho dù đã đắm mình trong không gian ấy, chúng ta vẫn không quên rằng nhà thơ đang miêu tả ngọn thác núi Lư. Vậy câu mở đầu có phải lạc chủ đề không?

Ai cũng biết thơ Đường, trừ thơ trường thiên, thường có khuôn khổ gò bó, có những quy tắc rất nghiêm ngặt về số câu, số chữ... Bởi thế, để đạt được ý đồ nghệ thuật của mình, nhà thơ luôn phải chọn lựa những chữ rất “đắt” và hàm súc; phải dùng những thủ pháp nghệ thuật như gợi, ước lệ, tượng trưng... Bài thơ của Lí Bạch mà chúng ta đang nói là một bài tứ tuyệt thất ngôn; lại là một bài hay của thơ Đường, thì chắc chắn mỗi câu, mỗi chữ của ông đều có một giá trị nghệ thuật nhất định.

Quả vậy, đọc lại câu thơ ta không chỉ thấy một không gian thi vị, hữu tình mà còn cảm nhận tầm vóc vũ trụ của ngọn Hương Lô kia. Dưới mặt trời đang tỏa nắng là một ngọn núi tựa như một bình hương khổng lồ đang nghi ngút tỏa những làn khói tía vào vũ trụ. Hương Lô là một ngọn núi của dãy Lư Sơn, nơi ngọn thác đang đổ xuống. Vậy thì ở câu thơ này, Lí Bạch không chỉ tả, mà điều cốt yếu là ông muốn gợi mở tầm cao vũ trụ của ngọn thác.

Nếu như câu một là gợi thì câu hai lại tả, nhưng tả thông qua sự cảm nhận mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà thơ: Đứng từ xa mà nhìn lại thì ngọn thác như treo (quải) trên dòng sông phía trước. Động từ “quải” (treo) gợi trí tưởng tượng của người đọc về thế dựng đứng của ngọn thác, tô đậm cảm giác về sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Và chính ý đó đã tạo đà cho câu thơ thứ ba: Phi lưu trực há tam thiên xích.

Đến đây bức tranh ngọn thác núi Lư được hiện lên với những đường nét rõ ràng nhất. Những động từ “phi” (bay), “trực” (thẳng) có sức biểu hiện mạnh mẽ, mang lại một ấn tượng mạnh về tốc độ và sức lực của dòng chảy đang đổ xuống từ độ cao ba nghìn thước. Như vậy, sự kì vĩ, tầm vóc vũ trụ của ngọn thác mới chỉ được gợi và gợi tả ở câu một và câu hai, thì đến câu ba nó được thể hiện một cách cụ thể: Chẳng những kì vĩ mà còn mang trong mình nó một sức mạnh vô biên, sức mạnh không gì cản được.

Dường như nét bút tả ngọn thác đã đến đỉnh điểm của nó. Và chính điều ấy khiến người đọc phải sững sờ bởi hình ảnh ngọn thác:

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)

Dải Ngân Hà - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tưởng tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn. 

Nhưng nhờ đó mà hình ảnh thơ (ngọn thác) trở nên huyền ảo và mang một nét đẹp diệu kì. Trước vẻ đẹp ấy, người đọc bị chông chênh giữa hai chiều nhận thức: Thực - ảo; tiên giới - trần gian;... Điều đó không có gì lạ, mà nó chỉ khẳng định thêm cái cảm nhận về sự giao duyên, gặp gỡ giữa trời và đất mà chúng ta đã nói đến ở câu một mà thôi.

Thơ với người là một. Nét bút bay bổng, mạnh mẽ của Lí Bạch ở đây cũng chính là tâm hồn của nhà thơ. Một tầm vóc kì vĩ, một sức mạnh hào hùng và vẻ đẹp nên thơ cũng chính là những khao khát, ước vọng mà nhà thơ Lí Bạch vẫn thường vươn tới.

Bài tham khảo Mẫu 3

Lí Bạch - người được mệnh danh là "tiên thơ", là nhà thơ mang tâm hồn tự do, hào phóng. Thơ của Lí Bạch phong phú về đề tài, trong đó thiên nhiên là cảm hứng bất tận và thể hiện hết được phong cách của nhà thơ. "Xa ngắm thác núi Lư" là bài thơ khắc họa vẻ đẹp kì vĩ của ngọn núi Hương Lô.

Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" có tên tiếng Hán là "Vọng Lư sơn bộc bố", bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật . Đây là bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của Lí Bạch. Nhan đề bài thơ gợi ra điểm nhìn của tác giả, nhà thơ đang ở phía xa để ngắm thác núi, từ đó tác giả có cơ hội nhìn toàn cảnh núi Lư hùng vĩ. Mở đầu bài thơ, Lí Bạch đã khắc họa bức tranh dãy Hương Lô:

Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên

( Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)

Câu thơ đầu tiên gợi ra không gian và thời gian khi tác giả đưa độc giả dạo chơi ở núi Hương Lô. Đây là một phần của dãy núi Lư. Vẻ đẹp của Hương Lô được tái hiện vào một buổi chiều tà. Lúc xế chiều, ánh nắng chiếu vào dãy núi sinh ra làn khói tía, đó là bức tranh lung linh của tạo hóa, có chút gì đó đan xen giữa thực và ảo. Dưới ánh mặt trời, làn khói tía được sinh ra phải chăng là sự giao hòa của đất trời. 

Cách tác giả dùng từ "sinh" thật đặc biệt, phải chăng sự lung linh ấy là sản phẩm giao thoa của vũ trụ. Qua việc miêu tả dãy Hương Lô, tác giả muốn nói đến rộng hơn đó là sự bao trùm của cảnh vật ở dãy núi Lư kì vĩ: huyền ảo, rực rỡ, Hương Lô hiện lên như cái lư bát khổng lồ tỏa khói nghi ngút giữa núi non hùng vĩ.

Dao khan bộc bố quải tiền xuyên

(Xa trông dòng thác trước sông này)

Ở câu thơ thứ hai, người đọc nhận ra sự xuất hiện của dòng thác. Dòng thác được tác giả sử dụng bằng từ "quải"- đó có nghĩa là treo, dòng thác được treo lơ lửng trước dòng sông như một tấm vải gợi ra cho người đọc thấy được sự mềm mại của thác nước. Từ câu thơ, ta thấy được trí tưởng tượng của tác giả thật phong phú. 

Giữa dãy núi Lư kì vĩ, dòng thác của núi Hương Lô treo thẳng đứng gợi ra không gian rộng lớn, bao la của ngọn núi. Câu thơ vừa thể hiện sự mềm mại của dòng thác, vừa thể hiện sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ở câu thơ thứ ba, Lí Bạch đã miêu tả dòng thác một cách chi tiết hơn:

Phi lưu trực há tam thiên xích

(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)

Bút pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng trong thơ cổ điển được tác giả sử dụng thật linh hoạt trong câu thơ này. Dòng "thác chảy như bay đổ thẳng xuống" thể hiện tốc độ chảy mạnh mẽ của thác nước. Từ nơi ba nghìn thước cao vời vợi, dòng nước tuôn trào từ đỉnh Hương Lô đã khiến người đọc thấy được sự khốc liệt của dòng nước: tốc độ và sức chảy ghê gớm. 

Như vậy, không còn là sự mềm mại, huyền ảo từ sự thơ mộng của làn khói tía nữa mà đó còn ẩn chứa sự mạnh mẽ, mãnh liệt không gì cản nổi mà tạo hóa đã tạo nên. Đọc đến đây, cảnh thác núi Lư phần nào đã hiện rõ nét hơn và như để khẳng định khoảnh khắc ấy, tác giả đã thể hiện:

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên

(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)

Sông Ngân Hà tuy chỉ là dòng sông trong tâm tưởng của tác giả, dòng sông đó thật đẹp nhưng không có thực. Sông Ngân chỉ là cách mà tác giả đang trừu tượng hóa khiến cho người đọc nhận ra vẻ đẹp huyền ảo, mê hoặc xứng tầm vũ trụ của phong cảnh thác núi Lư. 

Thế nhưng, nhờ đó mà chúng ta nhận ra thác nước đó thật đẹp, như kì quan tự nhiên. Câu thơ khiến ta thấy được sự bay bổng trong tâm hồn của nhà thơ Lí Bạch, phong cách thơ lãng mạn, mạnh mẽ và phóng khoáng.

Bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" đã phần nào khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên qua đôi mắt của nhà thơ Lí Bạch: đẹp, nên thơ nhưng không kém phần kì vĩ, lớn lao. Qua bài thơ, phần nào ta đã thấy được sự táo bạo, dứt khoát trong cách miêu tả tình yêu với thiên nhiên mà nhà thơ đã xây dựng, nó tương đồng với phong cách thơ mà Lí Bạch xây dựng để thuyết phục độc giả bằng tài năng thi phú của mình.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí