Viết đoạn văn nêu cảm nhận sâu sắc nhất của em về ba câu thơ sau trong bài thơ Đồng chí: “Đêm nay rừng hoang sương muối… trăng treo”>
Ba câu thơ cuối của bài thơ vừa thể hiện tình đồng chí của người lính trong chiến đấu vừa gợi lên hình ảnh người lính rất đẹp, rất lãng mạn
Dàn ý
1. Mở đoạn
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Chính Hữu, bài thơ Đồng chí.
- Nêu vị trí đoạn trích: đoạn trích nằm ở phần kết của tác phẩm.
2. Thân đoạn
- Đoạn cuối nói về biểu tượng của tình đồng chí
- Tình đồng đội trong bài “Đồng chí” được Chính Hữu thể hiện thật đẹp qua những câu thơ cuối bài:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”.
- Đây là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng cao cả về cuộc đời người chiến sĩ.
- Rừng hoang sương muối: gợi sự khốc liệt, khắc nghiệt của thiên nhiên, của chiến tranh.
- “Đầu súng trăng treo” là hình ảnh rất thực và cũng rất lãng mạn:
+ “Súng” và “trăng” – hai hình ảnh tưởng như đối lập song lại thống nhất hòa quyện – là cứng rắn và dịu êm – là gần và xa – là thực tại và mơ mộng – là chất chiến đấu và chất trữ tình – là chiến sĩ và thi sĩ.
+ Hiếm thấy một hình tượng nào vừa đẹp, vừa mang đầy đủ ý nghĩa như “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu.
+ Đây là một phát hiện, một sáng tạo bất ngờ về vẻ đẹp bình dị và cao cả trong tâm hồn người chiến sĩ. Hình tượng này góp phần nâng cao giá trị bài thơ và trở thành nhan đề cho cả tập thơ “Đầu súng trăng treo”.
3. Kết đoạn
Khẳng định giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của đoạn thơ.
Bài mẫu 1
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
Ba câu thơ cuối của bài thơ vừa thể hiện tình đồng chí của người lính trong chiến đấu vừa gợi lên hình ảnh người lính rất đẹp, rất lãng mạn. Trong đêm sương muối rét buốt, những người lính phải đứng gác nơi rừng hoang. Trong thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn như vậy, những người lính vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng "chờ giặc tới". Trong cuộc kháng chiến gian khổ ấy, những người lính lại sát “cánh bên nhau, đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại khó khăn gian khổ. Hình ảnh những người lính hiện lên rất chân thực, rất đẹp. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" vừa là hình ảnh tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Đêm đứng gác về khuya, trăng xuống thấp, những người lính lại đeo súng trên vai nên ta có cảm giác như trăng treo nơi đầu súng. Nhưng cây súng cũng là biểu tượng cho lực lượng chiến đấu bảo vệ hòa bình, trăng là biểu tượng của hòa bình. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" là hình ảnh thơ đẹp và lãng mạn, thể hiện hình ảnh của người lính cách mạng, và qua đó cũng chính là thể hiện tình đồng chí, đồng đội của người lính cách mạng trong chiến đấu gian khổ.
Bài mẫu 2
"Đồng chí" là tác phẩm viết về tình cảm đồng đội gắn bó keo sơn của những người lính trong chiến tranh chống Pháp. Đặc biệt, 3 câu thơ cuối của bài thơ đã cho ta thấy được biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí đồng đội:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo"
Trong cái lạnh buốt giá của trời đêm, của "sương muối" cùng với không khí tĩnh lặng, hoang dại của rừng đêm, người lính vẫn hiện lên với tư thế hiên ngang, chủ động. Những người chiến sĩ cùng đồng đội của mình sát cánh bên nhau "chờ giặc tới". Những câu thơ được Chính Hữu xây dựng lên bằng chất liệu hiện thực vô cùng chân thực, sống động. Và câu thơ cuối của bài thơ là kết tinh vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội, là biểu tượng cao đẹp cho tình cảm ấy "Đầu súng trăng treo". Giữa rừng hoang mênh mông, những người lính khoác cây súng trên vai còn vầng trăng thì lơ lửng giữa trời như đang treo trên đầu ngọn súng. Hình ảnh đó vừa mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Bởi "súng" tượng trưng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt còn "trăng" lại là biểu tượng cho hòa bình, cho chất thơ thi sĩ. Hai hình ảnh đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau, vô cùng hài hoà, làm nên một hình ảnh biểu tượng cho người lính cụ Hồ. Hình ảnh đó còn biểu trưng cho tình cảm đồng chí, cho tình yêu quê hương khi những người lính cầm súng bảo vệ quê nhà. Chỉ với ba dòng thơ ngắn ngủi nhưng nhà thơ Chính Hữu đã giúp ta làm sáng rõ biểu tượng của tình đồng chí cao đẹp của những người lính trong kháng chiến chống Pháp.
Bài mẫu 3
Bài thơ Đồng chí khép lại bằng những vần thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng: "Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau cho gia tới/ Đầu súng, trăng treo". Trên con đường chiến đấu, người lính không chỉ phải đối mặt với súng đạn quân thù, với những thiếu thốn về vật chất vật chất và tinh thần mà họ còn phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết. Họ phải vượt những cái lạnh thấu xương của "rừng hoang sương muối". Tình cảm ấm áp, tình đồng chí, đồng đội tha thiết, nhiệt thành, gắn bó là sức mạnh để những người lính vững vàng trong cuộc chiến với quân thù. Tinh thần chiến đấu: "Chờ giặc tới" càng chứng tỏ bản lĩnh oai hùng, mạnh mẽ, can trường của bao người lính thời kì này. Hình ảnh "Đầu súng, trăng treo" cho thấy được sự gắn bó của thiên nhiên vô con người. Trăng và người là tri kỉ, trăng cũng người chiến đấu với quân thù. Ánh trăng con là biểu tượng của hòa bình, gửi gắm khát vọng và niềm tin của con người về một ngày đất nước yên bình, bóng quân thù không còn trên đất Việt. Với ba câu thơ thơ mà khiến em không khỏi tự hào về chiến công và những hy sinh của cha anh đi trước, để thấy mình phải sống có trách nhiệm với hòa bình của đất nước hôm nay.
Bài mẫu 4
Với khổ cuối trong tác phẩm "Đồng chí", Chính Hữu đã thành công khắc họa hình ảnh những người lính với tinh thần đồng đội sáng ngời. Họ hiện lên vào ban đêm, trong không gian rừng rậm hoang vu: "Đêm nay rừng hoang sương muối". Ở nơi đây, điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, thậm chí còn tiềm tàng nhiều nguy hiểm. Ấy vậy mà những người chiến sĩ vẫn vững vàng, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ: "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Họ kéo gần khoảng cách lại với nhau, kề vai sát cánh, luôn chủ động và cảnh giác. Có thể thấy dù trong hoàn cảnh khó khăn, ở người lính vẫn tỏa sáng với tình đồng đội, đồng chí keo sơn, gắn bó. Và hình ảnh cuối cùng: "Đầu súng trăng treo" chính là một chi tiết vô cùng lãng mạn, thể hiện tâm hồn mộng mơ của người nghệ sĩ. Trong khu rừng hoang vắng, mặt trăng tỏa sáng vằng vặc để soi tỏ mọi vật. Nhìn từ xa, nó như đang được "treo" trên đầu súng. Đó là nghĩa tả thực của chi tiết này. Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh "Đầu súng trăng treo" còn mang nghĩa biểu tượng. "Súng" là đại diện cho chiến tranh, sự mất mát, đau thương. "Trăng" lại đại diện cho cái đẹp, sự bình yên, thơ mộng. Ghép hai hình ảnh lại với nhau, ta thấy vầng trăng như biến thành một người bạn đồng hành, cùng các chiến sĩ vượt qua mọi gian lao, khổ cực để hướng tới tương lai hòa bình, ấm êm. Như vậy, chỉ với ba câu thơ ngắn gọn, Chính Hữu đã đem đến một kết thúc thật đẹp cho tác phẩm của mình. Đồng thời, để lại bao ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
Bài mẫu 5
Bài thơ Đồng Chí được nhà thơ Chính Hữu viết vào những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Là một trong những tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội nơi chiến trận hay nhất. Điều đặc biệt nhất có lẽ là khúc nhạc cuối cùng của bài thơ: "Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/Đầu súng trăng treo". Chiến trường ác liệt bởi quân thù, bởi rừng hoang lạnh buốt. Những khó khăn chọn rừng sâu hoang vu, sương muối đêm về không cản được bước chân người lính. Họ vẫn đứng đó, sát cánh bên nhau, vượt muôn ngàn gian khó. Họ vẫn vững vàng đôi chân mình, trong tư thế sẵn sàng quyết đấu, trái tim những người lính ấy thật dũng cảm, can trường biết bao. "Đầu súng, trăng treo" câu thơ chỉ với 4 chữ mà hiện lên khung cảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn. Trong tư thế chiến đấu, người lính đứng hiên ngang, dưới ánh trăng dịu dàng của thiên nhiên, có lúc nhìn lên, trăng như treo đầu ngọn súng. Trăng và người lính trở thành tri kỉ, tỏa sáng vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội. Súng là đại diện của chiến tranh, trăng là đại diện của hoà bình, của những ước vọng, khát khao ngày đất nước thống nhất. Những hình ảnh cuối bài hiện lên thật đẹp đẽ biết bao.
- Tổng hợp các cách mở bài, kết bài bài thơ Đồng chí
- Phân tích bài thơ Lá đỏ
- Nêu cảm nhận của em về câu thơ kết trong bài thơ Đồng chí
- Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về hai tiếng đồng chí trong bài thơ Đồng chí
- Viết đoạn văn nêu phân tích biểu tượng của tình đồng chí
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt camera an ninh tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức chuyến đi trải nghiệm thực tế cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức câu lạc bộ bóng đá cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc xây dựng nhà đa năng cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt camera an ninh tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức chuyến đi trải nghiệm thực tế cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức câu lạc bộ bóng đá cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc xây dựng nhà đa năng cho học sinh lớp 8