Bài 9. Hôm nay và ngày mai

Tình yêu quê hương đất nước trong Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn


Quê hương đất nước - chao ôi, những tiếng đó xiết bao thân thương trìu mến đối với mỗi con người.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Định nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

- Đây là đề tài thấm đượm trong Bức thư của thủ lĩnh da đỏ.

2. Thân bài: Tình yêu quê hương trong tác phẩm

a. Quê hương với họ là những điều thiêng liêng

- Mảnh đất là người mẹ, bông hoa là người chị, người em

- Dòng nước là máu của tổ tiên

- Tiếng thì thầm của dòng nước là tiếng nói của cha ông

- Nghệ thuật: so sánh, nhân hóa

→ Tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó với đất đai, môi trường

b. Người da đỏ về việc bán đất cho người da trắng

- Họ sẽ lấy đi trong lòng đất những gì họ cần

- Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai

- Họ chẳng để ý đến bầu không khí mà họ hít thở

- Nghệ thuật: đối lập

→ Thái độ bảo vệ đất đai và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.

3. Kết bài

- Tình yêu quê hương là tình cảm thiêng liêng, cao cả trong trái tim của mỗi người. Tình cảm này đã được thể hiện xúc động qua "Bức thư của thủ lĩnh da đỏ".

Bài mẫu 1

       Quê hương đất nước - chao ôi, những tiếng đó xiết bao thân thương trìu mến đối với mỗi con người. Bởi lẽ quê hương đất nước là nơi ta cất tiếng khóc chào đời đầu tiên, nơi chôn nhau cắt rốn của ta, nơi ta lớn lên và trưởng thành, nơi cũng sẽ âu yếm đón nhận ta khi ta giã từ cuộc sống để trở lại lòng Đất Mẹ.

       Hơn nữa, quê hương đất nước lại là nơi tổ tiên ta đã khai phá và lập nghiệp, nơi có mẹ ta, cha ta, có những gì thân thiết nhất với ta.

       Đối với người da đỏ cũng vậy. Đã hàng ngàn năm nay, tổ tiên họ sinh cơ lập nghiệp bên những dòng sông hiền hòa, trong những cánh rừng giàu có và tươi đẹp, hay trên những đồng cỏ ngát hương hoa. Họ sống hòa đồng với thiên nhiên, vui vầy cùng thiên nhiên. Thế rồi người da trắng xuất hiện. Bọn thực dân da trắng đã săn đuổi những người da đỏ, chiếm đất đai của họ, xua đuổi họ vào tận rừng sâu. Đất Mẹ thiêng liêng trở thành nơi cho bọn da trắng vắt kiệt màu mỡ để kiếm lời, bầu không khí trong lành bị vấy bẩn bởi khói của các nhà máy, những dòng sông trong xanh hiền hoà bị vẩn đục bởi chất độc thải đổ ra từ các nhà máy, những cánh rừng thơ mộng bị chặt phá, muông thú hiền lành dễ thương bị tàn sát không tiếc tay. Họ đau xót vô cùng nhưng không làm gì được bởi họ đã bị tước đoạt cái quyền quyết định về số phận của mảnh đất thân yêu. Nay, chỉ còn một phần nhỏ trong bao la đất đai của tổ tiên cũng đang có nguy cơ bị mất nốt bởi ý định ngông cuồng của bọn thực dân da trắng: mua đất của người da đỏ.

       Người da đỏ phải lên tiếng. Bức thư trả lời ý muốn mua đất của tổng thống Mĩ Phreng- Klin pi- ơ-xơ của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn là tiếng nói hùng hồn và đanh chép về tình yêu quê hương đất nước thiết tha sâu nặng của người da đỏ. Mỗi dòng thư đều thấm đẫm những tình cảm thân thương trìu mến dành cho quê hương đất nước.

       Quê hương đất nước đối với người da đỏ thật thiêng liêng. Mỗi tấc đất của tổ tiên và vạn vật trên mảnh đất ấy đều hằn sâu trong kí ức họ:

       Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó kí ức của người da đỏ.

       Người da đỏ hiếu rất rõ vì sao đất đai của tổ tiên lại thiêng liêng đến thế, bởi nó chính là cuộc sống của họ, là một phần trong máu thịt của họ:

       Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là những người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ẩm của chú ngựa con và của con người; tất cả đều cùng chung một gia đình.

       Hơn nữa, mảnh đất này còn là xương máu của tổ tiên, làm sao họ có quyền lãng quên?

       Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi.

       Có lẽ bao nhiêu tình cảm yêu thương trìu mến nhất người da đỏ đều dành cho mảnh đất thiêng liêng của cha ông họ. Nếu không thì sao thủ lĩnh Xi-át-tơn lại khẳng định: Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Sự khẳng định ấy thể hiện sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước.

       Yêu quê hương đất nước, người da đỏ gắn bó và yêu mến cả những vật bình dị, tầm thường nhất: từ những giọt sương, những bông hoa ngát hương, một con suối, dòng sông, đến tiếng lá cây lay động, tiếng vỗ cánh của côn trùng, những âm thanh êm ái của cơn gió thoảng qua, rồi cả bầu không khí trong lành xung quanh họ. Tình yêu đất nước gắn liền với tình yêu thiên nhiên.

       Càng yêu mến quê hương đất nước bao nhiêu, người da đỏ càng xót xa bấy nhiêu khi thấy quê hương đất nước bị giày xéo, tàn phá. Nhìn cảnh mỗi tấc đất của tổ tiên bị giàng giật, huỷ hoại, lòng họ đau như cắt. Nỗi đau ấy biến thành lòng căm hận quân cướp nước. Dường như bao nhiêu căm hận đều trào ra ngòi bút kết án bọn thực dân da trắng của thủ lĩnh Xi-át-tơn:

       Mảnh đất này đâu phải là những người anh em của họ (họ = những người da trắng), mảnh dắt này là kẻ thù của họ và khi đã chinh phục được, thì họ sẽ lấn tới... Họ cư xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được, rồi bán dần di như những con cừu và những hạt kim cương sáng ngời. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc.

       Và đây nữa, cách đối xử tàn bạo của người da trắng đối với muông thú - những người bạn thân thiết mà người da đỏ yêu mến:

       Tôi đã chứng kiến cá ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi ui bị người da trắng bán mỗi khi có đoàn tàu chạy qua.

       Thủ lĩnh Xi-át-tơn thực sự phẫn nộ trước tội ác của bọn thực dân da trắng, ông chất vấn chúng:

       Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng...

       Và ông cảnh cáo chúng:

       Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy ra đối với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.

       Bức thư của thủ lĩnh da đỏ kết thúc bằng lời khẳng định: Ngài phải dạy con cháu rằng đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi... Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên... Đất là Mẹ. Những lời nói đó như sự khẳng định tình yêu vĩnh cửu mà họ dành cho quê hương đất nước.

Bài mẫu 2

Bức thư của thủ lĩnh da đỏ để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Đây là bức thư của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn trả lời tổng thống Mĩ Phreng-klin Pi-ơ-xơ về việc ông này có ý định mua đất của người da đỏ. Một bức thư được viết bằng một văn phong khá độc đáo, trong đó người viết trình bày quan điểm và bộc lộ tình cảm của mình một cách đầy hàm ý, rất sâu xa, thâm thuý. Bao trùm lên toàn bộ bức thư là tình cảm yêu mến quê hương, đất nước thiết tha, sâu sắc, mạnh mẽ. Chính tình cảm ấy đã chi phối mạch cảm xúc của bức thư và quan điểm của thủ lĩnh da đỏ.

       Đối với thủ lĩnh Xi-át-tơn và đồng bào của ông, không có gì thiêng liêng hơn mảnh đất của họ bởi “Đất là mẹ”, nó gắn bó máu thịt với họ từ bao đời nay:

       “... Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là những người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều chung một gia đình.”

       Hơn nữa, mảnh đất này còn thấm đẫm mồ hôi và xương máu của cha ông họ.

      “Dòng nước óng ánh, êm ả trôi, dưới những dòng sông con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi.

       Mảnh đất dưới chân chúng (người da trắng) là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi... đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên.”

       Hình ảnh quê hương đất nước trở thành hình ảnh thân thương nhất, hằn sâu trong trái tim và kí ức họ:

       “Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm cùa côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang kí ức của người da đỏ.”

       Trong cảm xúc của thủ lĩnh Xi-át-tơn, quê hương đất nước họ là mảnh đất thật êm đềm và thơ mộng. Có tiếng lá cây lay động vào mùa xuân, tiếng vỗ cánh của côn trùng vào mùa hè, có tiếng ếch kêu ban đêm trên hồ, có âm thanh êm ái của những cơn gió thoảng qua trển mặt hồ, có hương thơm của phấn thông.

       Tâm hồn tinh tế nhạy cảm và sự gắn bó tha thiết với quê hương đất nước đã khiến thủ lĩnh Xi-át-tơn cảm nhận được tất cả những nét bình dị nên thơ của thiên nhiên, của cuộc sống và viết về nó với một niềm tự hào cao độ.

       Để trình bày được một cách rõ ràng, sâu sắc quan điểm đất đai của tổ tiên là thiêng liêng, không thể đem ra để mua bán, đổi chác! Và bộc lộ được tình yêu Đất Mẹ, yêu quê hương đất nước sâu nặng của mình, tác giả của bức thư đã sử dụng rộng rãi thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hoá; đồng thời đối lập quan điểm, tình cảm của người da đỏ với quan điểm, tình cảm của người da trắng: Nếu như người da đỏ coi mảnh đất này là “Mẹ”, coi mọi vật xung quanh mình là “anh em”, thì người da trắng coi chúng là “kẻ thù”, là “vật mua được”, “tước đoạt dược”...

       Chính tình cảm sâu đậm đối với quê hương đất nước đã tạo nên chất trữ tình và sức lay động rất lớn của áng văn chương độc đáo này.

       Xuất phát điểm của bức thư là lòng yêu quê hương đất nước, nhưng thời gian trôi đi, bức thư có thêm một giá trị mới; nó trở thành một trong những văn bản hay nhất về thiên nhiên và môi trường.

       Trong bức thư của mình, thủ lĩnh da đỏ không chỉ đề cập đến “đất” mà còn đề cập đến cả các hiện tượng có liên quan đến “đất” như: sông, hồ, rừng, núi, động thực vật, không khí, ánh nắng...Tức là những hiện tượng làm cho đất có giá trị, có ý nghĩa, những hiện tượng lạo nên cái mà ngày nay ta gọi là tự nhiên và môi trường sinh thái.

       Ngay từ giữa thế kỉ XIX, khi tự nhiên và môi trường sinh thái mới bắt đầu bị đe dọa bởi sự phát triển của nền công nghiệp cơ khí và ý thức vô trách nhiệm của con người, thủ lĩnh Xi-át-tơn đã nhìn thấy nguy cơ của việc vắt kiệt đất đai, biến nó thành những bãi hoang mạc; nguy cơ của những tiếng ồn ào lăng mạ trong tai; nguy cơ của cuộc sống không nghe được âm thanh lẻ loi của chú chim đớp mồi hay tiếng tranh cãi của chú ếch ban đêm bên hồ; nguy cơ của bầu không khí bị vấy bẩn bởi khói của các nhà máy; nguy cơ cạn kiệt nguồn động vật quý hiếm...

       Theo thủ lĩnh Xi-át-tơn: không khí quả là quý giá, vô cùng quý giá bởi không khí này là của chung muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở. Và ông đề nghị người da trắng phải cùng người da đỏ giữ gìn bầu không khí trong lành:” Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thơm đượm hương hoa đồng nội.”

       Cũng theo thủ lĩnh Xi-át-tơn, sự cân bằng sinh thái là điều cần thiết của cuộc sống, ông đề nghị tiếp người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em.

       Cuối cùng, ông cảnh báo:” Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần, chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi vì điều gì sẽ xảy ra đối với con thứ thù cũng sẽ xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc, Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra đối với đất đai, tức là xảy ra với những đứa con của Đất.”

       Ngày nay, nguồn tài nguyên đã bị khai thác tới mức cạn kiệt, môi trường thiên nhiên đang bị ô nhiễm, bị tàn phá cực kì nghiêm trọng, quan điểm của thủ lĩnh da đỏ về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trở thành vấn đề mang tính thời sự nóng hổi.

       Từ những giá trị trên, Bức thư của thủ lĩnh da đỏ mãi mãi chiếm một vị trí xứng đáng trong văn chương và cuộc sống của con người.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí