Viết đoạn văn nêu cảm nhận bài thơ Thiên Trường vãn vọng>
Bài thơ đã dựng lên một bức tranh phong cảnh thật đẹp. Từ trên lầu cao nhìn xuống, bóng chiều đổ nghiêng để lại những vệt sáng đỏ rực.
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông
2. Thân bài
a. Hai câu thơ đầu:
"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không).
- Bối cảnh không gian làng quê được bao phủ bởi khói chiều, với mốc thời gian là buổi chiều buông.
- Làn khói tỏa mờ, bao phủ trước xóm sau thôn, thứ khói bếp màu xanh bốc lên từ bếp lửa của những ngôi nhà trong thôn xóm mang lại cảm giác ấm áp, thanh bình.
→ Cảnh vật trong hai câu thơ đầu hiện lên là một cảnh tĩnh, được bao phủ bởi bóng chiều và khói bếp, đem đến vẻ hư ảo, nửa thực nửa hư, tạo nên cho con người cảm xúc lâng lâng, say đắm lòng người.
→ Thái độ của tác giả trước dáng vẻ của quê hương chính là sự gắn bó, cảm nhận tinh tế, sâu sắc cùng với dáng vẻ thư thái, tự tại trước không gian rộng lớn, giản dị của quê hương.
b. Hai câu thơ sau:
"Mục đồng địch lí ngưu quy tận"
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).
- Hình ảnh mục đồng dắt trâu về và hình ảnh những con cò trắng từng đôi từng một hạ cánh xuống cánh đồng, âm thanh của tiếng sáo bảy lỗ, kết hợp với gam màu trắng muốt của cánh cò.
→ Là những thứ rất đỗi thân thuộc với làng quê, đặc biệt hình ảnh con trâu lại là bằng chứng sống cho sự thanh bình của đất nước.
- Hình ảnh từng đôi cò trắng hạ xuống đồng chính là biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, sự sinh sôi nảy nở dòng giống của dân tộc, thể hiện sự phát triển vững bền của dân tộc xuất phát từ chính những làng quê nhỏ bé, chân chất, bởi gia đình chính là tế bào của xã hội.
3. Kết bài: Nêu cảm nhận về Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Bài thơ đã dựng lên một bức tranh phong cảnh thật đẹp. Từ trên lầu cao nhìn xuống, bóng chiều đổ nghiêng để lại những vệt sáng đỏ rực. Xa xa, làng xóm nhấp nhô những mái ngói bạc màu, những lũy tre nghiêng dáng. Khói bếp tỏa lên mênh mang khiến cảnh vật như lẫn vào hư ảo. Không gian nhè nhẹ vang lên tiếng sáo gọi trâu của chú bé mục đồng. Âm thanh ban đầu còn “U…U…” mơ hồ sau rõ dần nghe như một điệu nhạc réo rắt say mê. Bất chợt, từ nơi xa xôi nào hiện ra những cánh cò chấp chới. Chúng bay thành từng đôi liệng khẽ xuống đồng làng.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Qua bài thơ "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" - Trần Nhân Tông đã vẽ ra một bức tranh làng quê tuyệt đẹp. Vào buổi chiều tà, thôn trước, thôn sau khói phủ lên cảnh vật làm mờ mờ ảo ảo "nửa nửa có nửa không". Làm cho cảnh vật càng thêm thơ mộng, mơ màng và thấy được một sự thanh bình nơi làng quê. Bức tranh không chỉ có cảnh vật mà nó còn hòa quyện với con người. Ở làng quê yên bình, trầm lặng có sự xuất hiện của con người và đàn cò trắng. Khung cảnh thật đẹp khi thiên nhiên và con người hòa hợp với nhau.
Bài mẫu 1
Thiên Trường vãn vọng hay còn được biết đến với cái tên Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, là một thi phẩm nổi tiếng của thi sĩ Trần Nhân Tông.
Bài thơ Thiên Trường vãn vọng được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Và cũng là một sáng tác mẫu mực, điển phạm cho thể thơ này, được nhiều nhà văn, nhà thơ ca ngợi hết mực.
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên
Ở hai câu thơ đầu, nhà thơ khắc họa một không gian làng quê đẹp và mộng ảo tựa như tranh vẽ. Toàn bộ ngôi làng, từ đầu làng cho đến cuối làng đều được bao phủ bởi làn khói chiều. Đây là khói được tao ra từ những căn bếp đốt bằng rơm khô, bay qua ống khói rồi chảy ngược lên trời. Nhà nhà đều đang nấu cơm, nên khói bay lên nhiều tạo thành cả màn khói bảng lảng phủ kín ngôi làng. Điều đó cho thấy các gia đình ở đây đều có cuộc sống ấm no, đến tối đều được nấu cơm để ăn uống, nghỉ ngơi. Cùng với đó, là ánh hoàng hôn vàng cam hắt xuống mặt đất, xuyên qua những làn khói mờ ảo, nhuộm lên cả ngôi làng một màu sắc mờ ảo, tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Điêp từ bán được lặp lại hai lần, tỏ rõ sự ngờ vực, băn khoăn khó phân biệt của nhà thơ trước cảnh đẹp này.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi há điền.
Giữa cảnh đẹp thần tiên ấy, xuất hiện hình ảnh chú bé mục đồng dẫn trâu trở về nhà. Chi tiết ấy khiến cảnh vật trở nên thực hơn, chân thật hơn và ấm cúng hơn. Cậu bé ấy đang trở về mái ấm của mình, về căn bếp đang đỏ lửa. Tiếng sáo của chú bé mục đồng là âm thanh dẫn trâu đi đúng lối về nhà, và cũng là tín hiệu cho những cánh cò trắng phía đằng xa. Hình ảnh đôi cò trắng bay xuống cánh đồng trong dòng thơ cuối được tác giả gửi gắm nhiều ngụ ý. Cò không xuất hiện đơn lẻ, mà là từng đôi bay song song với nhau, chính là biểu tượng cho đôi lứa nông dân, cho sự phát triển dòng giống của dân tộc. Đó chính là xuất phát điểm cho những gia đình, những làng quê nhỏ bé. Các làng quê đó là nền móng cho đất nước phát triển ngày càng thịnh vượng hơn.
Bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông là một sáng tác thơ với những cảm xúc lắng đọng sâu sắc. Từ cảnh đẹp đầm ấm, sum vầy của làng quê được miêu tả, tác giả thể hiện niềm tự hào về sự phát triển của giang sơn, về cuộc sống ấm no của bà con. Cùng với đó, tác giả gửi gắm những hi vọng về sự phát triển, mở rộng hơn nữa của làng quê qua hình ảnh biểu tượng đôi có trắng.
Bài mẫu 2
Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là ông vua anh hùng - thi sĩ của Đại Việt trong thế kỷ XIII. Thông minh, học rộng, có tài thao lược và rất tài hoa.
Tên tuổi nhà thơ gắn liền với những chiến công hiển hách của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược.
Trong một số bài thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông để lại có hai bài viết về Thiên Trường, mảnh đất "phát nghiệp đế vương" của nhà Trần: “Hạnh Thiên Trường hành cung" và "Thiên Trường vãn vọng".
Thiên Trường là một trong 12 lộ thời Trần, thuộc Sơn Nam; nay thuộc thành Nam Định. Thiên Trường vốn là Thái ấp của vua chúa nhà Trần, ở đây xưa không có nhiều cung điện nguy nga tráng lệ.
"Thiên Trường vãn vọng" được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (luật trắc, vần bằng). Bài thơ gợi tả cảnh xóm thôn, đồng quê vùng Thiên Trường qua cái nhìn và cảm xúc của Trần Nhân Tông, cảm xúc lắng đọng, cái nhìn man mác, bâng khuâng ôm trùm cảnh vật:
"Thôn hậu, thôn tiền, đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu, tịch dương biên.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền"
Hơn 60 năm về trước, cụ Ngô Tất Tố đã dịch rất hay bài thơ này.
Hai câu thơ đầu gợi tả cảnh làng quê vùng Thiên Trường trong ánh chiều tàn. Bốn chữ "thôn Hậu thôn tiền" và "bán vô bán hữu" liên kết đôi, tạo nên sự cân xứng hài hòa về ngôn ngữ đã gợi lên cảnh xóm thôn nối tiếp gần xa, đông đúc, trù phú. Trong bóng chiều nhạt nhòa, xóm thôn "trước xóm sau thôn" phủ mờ khói như càng trở nên mơ màng, mênh mang. Khói của sương chiều. Khói lam chiều vấn vương, nhẹ bay trên những mái nhà gianh sau lũy tre làng.
Chỉ bằng 3 nét vẽ rất chọn lọc, lối tả ít mà gợi nhiều của thi pháp cổ, thi sĩ đã làm hiện lên một không gian nghệ thuật về cảnh sắc làng quê một buổi chiều tàn phủ mờ sương khói và ánh tà dương nơi yên bình, êm đềm, nên thơ. Nét vẽ thanh nhẹ. Cảnh vật bao la, tĩnh lặng. Ngoại cảnh và tâm cảnh đồng hiện. Tưởng như thi sĩ đang thả hồn mình vào cảnh vật, lặng ngắm thôn xóm quê hương gần xa không chán. So sánh "đạm tự yên" (mờ nhạt như không là một hình tượng đầy thi vị. Cả một hồn quê man mác gợi cảm):
"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không).
Hai câu cuối là cảnh sắc đồng quê rất dân dã, bình dị, thân thuộc mà đáng yêu. Trên những nẻo đường quê, đàn trâu nối đuôi nhau về thôn. Có âm thanh tiếng sáo mục đồng cất lên, âm thanh réo rắt, hồn nhiên, thanh bình của làng quê ta xưa nay. Có từng đôi, từng đôi cò trắng bay liệng, nối tiếp nhau hạ xuống đồng. Nhà thơ không nói đến màu xanh và hương lúa mà người đọc vẫn cảm nhận được. Ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ đầy gợi thanh và màu sắc, thanh tao và dào dạt sức sống. Bút pháp điểm nhãn, lấy động để tả tĩnh của tác giả được thể hiện một cách nhiều ấn tượng về bức tranh đồng quê này:
"Mục đồng địch lí ngưu quy tận"
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).
Tình quê và hồn quê chan hòa, dào dạt. Thiên Trường thuở ấy, đường sá rầm rập ngựa xe, có biết bao cung điện của vua chúa, tôn thất nhà Trần, nhưng Trần Nhân Tông không nói đến lầu son gác tía, bệ ngọc ngai vàng tráng lệ nguy nga, mà chỉ nói đến cảnh sắc thiên nhiên, cảnh vật đồng quê. Điều đó cho thấy tâm hồn thi sĩ giàu tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Tính bình dị, dân dã, hồn nhiên là cốt cách, là hồn thơ của ông vua anh hùng - thi sĩ này. Cảm nhận ấy càng rõ khi ta đọc bài thơ "Hạnh Thiên Trường hành cung" (Ngự chơi hành cung Thiên Trường):
"Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,
Mười mấy châu tiên ấy một châu.
Trăm tiếng đàn chim, dàn nhạc hát,
Nghìn hàng đám quýt, đám quân hầu.
Trăng vô sự chiếu người vô sự,
Nước có thu lồng Trời có thu.
Vừa bốn bể trong, vừa bụi lặng,
Độ xưa so với độ này thua"
Cảnh buổi chiều được nói đến trong bài ''Hạnh Thiên Trường hành cung" là cảnh chiều thu, đó là điều ai cũng rõ. Trong bài "Thiên Trường vãn vọng" là cảnh chiều xuân hay chiều thu? Rất khó xác định. Ta chỉ cảm nhận được đó là một buổi chiều êm đềm, xóm thôn phủ mờ sương khói tà dương. Không gian nghệ thuật và tâm trạng nghệ thuật đồng hiện cho ta khẳng định: Trần Nhân Tông viết "Thiên Trường vãn vọng" sau năm 1288, khi giặc Nguyên - Mông đã bị nhân dân ta đánh bại, nước Đại Việt thanh bình, yên vui.
Bài tứ tuyệt "Thiên Trường vãn vọng" là một bức tranh quê đậm nhạt, mờ sáng, rất đẹp và tràn đầy sức sống. Một bút pháp nghệ thuật cổ điển tài hoa. Một tâm hồn thanh cao, yêu đời. Tình yêu thiên nhiên, yêu đồng quê xứ sở đã được thể hiện bằng một số hình tượng đậm đà, ấm áp qua những nét vẽ tinh tế, gợi hình, gợi cảm, giàu liên tưởng. Kì diệu thay, bài thơ đã vượt qua một hành trình trên bảy trăm năm, đọc lên, nó vẫn cho ta nhiều thú vị. Ta vẫn cảm thấy cánh cò trắng được nói đến trong bài thơ vẫn còn bay trong ráng chiều đồng quê, và còn chấp chới trong hồn ta. Thơ đích thực là thế!
Bài mẫu 3
Trong văn học trung đại bên cạnh đề tài thể hiện tình yêu đất nước, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc thì còn có những bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật. Tình cảm đó được thể hiện rõ nét trong bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra của Trần Nhân Tông.
Bài thơ được viết trong dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở phủ Thiên Trường. Bởi vậy cả bài thơ đầy ắp nỗi nhớ, tình yêu quê hương. Lời thơ mở đầu tả cảnh chiều hôm:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực, mờ ảo. Đó là cảnh chiều muộn cảnh vật nhạt nhòa trong sương, thể hiện vẻ đẹp mơ màng, yên tĩnh nơi thôn dã. Cảnh đó một phần là thực một phần do cảm nhận riêng của tác giả. Khung cảnh vừa như thực lại vừa như cõi mộng “bán vô bán hữu” – nửa như có nửa như không. Thời gian buổi chiều gợi nên nỗi buồn man mác, không gian làng quê im ắng, tĩnh mịch. Điều đó cho thấy một tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.
Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
Âm thanh tiếng sáo làm cho bức tranh trở nên đầy sức sống. Chiều về , ngoài đồng, những con trâu theo tiếng sáo của trẻ con mà về, khung cảnh thật yên bình, đẹp đẽ. Màu trắng của từng đôi cò liệng xuống đồng cũng làm không gian bớt phần quạnh hiu. Bức tranh được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan: thị giác – sắc trắng tinh khôi của những cánh cò; thính giác – âm thanh tiếng sáo du dương, trầm bổng của những đứa trẻ đi chăn trâu. Nếu như ở hai dòng thơ đầu, cảnh vật tịch mịch, tĩnh lặng không xuất hiện bất cứ chuyển động nào thì đến hai câu thơ cuối khung cảnh trở nên sinh động nhờ xuất hiện âm thanh và hoạt động của sự vật. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” làm cho không gian được mở ra, trở nên thoáng đãng, cao rộng, trong sạch, yên ả. Qua đó còn cho thấy sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đem lại cảm giác thân quen, gần gũi.
Bài thơ có sự kết hợp tiểu đối và điệp ngữ một cách sáng tạo. Nhịp thơ êm ái hài hòa, giọng điệu tha thiết thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng. Sử dụng ngôn ngữ miêu tả đậm chất hội họa. Đó là bức tranh phong cảnh làng quê quen thuộc ở bất cứ vùng đất nào của nước ta, chỉ bằng vài ba nét phác họa nhưng cho thấy một bức tranh thật thanh bình, yên ả.
Sử dụng lớp ngôn ngữ giàu chất biểu cảm và hội họa tác giả đã vẽ lên bức tranh làng quê trầm lặng mà không quạnh vắng. Bức tranh thiên nhiên, cuộc sống thật đẹp đẽ, hài hòa, nên thơ. Qua bài thơ còn cho thấy tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.
- Tổng hợp các cách mở bài, kết bài cho tác phẩm Thiên Trường vãn vọng
- Hãy phân tích tùy bút “Ca Huế trên sông Hương”
- Hãy viết đoạn văn cảm nhận về văn bản Ca Huế trên sông Hương
- Tổng hợp các cách mở bài, kết bài cho tác phẩm Ca Huế trên sông Hương
- Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong Thiên Trường vãn vọng
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt camera an ninh tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức chuyến đi trải nghiệm thực tế cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức câu lạc bộ bóng đá cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc xây dựng nhà đa năng cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt camera an ninh tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức chuyến đi trải nghiệm thực tế cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc tổ chức câu lạc bộ bóng đá cho học sinh lớp 8
- Viết văn bản kiến nghị về việc xây dựng nhà đa năng cho học sinh lớp 8