Bài 6. Chân dung cuộc sống

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa hay nhấ


Tình bà cháu trong “Bếp lửa” của Bằng Việt là tình cảm thiêng liêng cảm động. Bà dành cho cháu những hi sinh thầm lặng của phần đời mong manh còn lại

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Bài mẫu 1

Tình bà cháu trong “Bếp lửa” của Bằng Việt là tình cảm thiêng liêng cảm động. Bà dành cho cháu những hi sinh thầm lặng của phần đời mong manh còn lại. Bà là mái ấm chở che, bao bọc tuổi thơ dại khờ, yếu đuối của cháu trước những mất mát, đau thương của cuộc sống. Và người cháu, những năm tháng cháu đi trong đời là những năm tháng cháu nhớ đến bà với lòng tin yêu và biết ơn sâu sắc. Mấy chục năm đã trôi qua, “niềm tin dai dẳng” trong bà chưa bao giờ lụi tắt, để đến tận bây giờ “bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”. Bà vẫn tiếp tục nhóm lên ngọn lửa của yêu thương, của sẻ chia ấm áp, của bầu trời tuổi thơ đẹp đẽ trong cháu,... Bếp lửa nhóm lên hay tay bà gây dựng? Tất cả đều là những miền kì lạ và thiêng liêng không ai gọi tên được bao giờ. Nhà thơ chỉ có thể thốt lên một tiếng “Ôi!” đầy cảm động. Ngọn lửa bà trao cho cháu được cháu giữ vẹn nguyên để trở thành ngọn lửa trường tồn, bất diệt. Nội dung tư tưởng của “Bếp lửa” được thể hiện sâu sắc hơn nhờ những hình ảnh thơ sinh động, giàu sức liên tưởng: “bếp lửa chờn vờn sương sớm”, “bếp lửa ấp iu nồng đượm”,…cùng với đó là điệp từ “nhóm” đặc biệt được sử dụng ở cuối bài thơ. Song quan trọng hơn tất thảy là cảm xúc chân thành và lòng yêu mến vô bờ của nhà thơ đối với người bà kính yêu của mình. Đọc và cảm nhận tình yêu thương chan chứa trong bài thơ “Bếp lửa”, người đọc thấy yêu hơn, trân trọng hơn những ngọn lửa tỏa trong căn nhà mình cùng những người thân yêu ta có được trên đời.

Bài mẫu 2

Trong bài thơ "Bếp lửa", tác giả Bằng Việt đã gợi nhắc về những kỉ niệm tuổi thơ bên người bà của mình cũng tình cảm bà cháu thắm thiết sâu nặng. Hình ảnh của bà gắn liền cùng với bếp lửa mỗi sớm mai, và bà cũng gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ của cháu với bao yêu thương "ấp iu nồng đượm". Cả tuổi thơ của cháu đều bên bà, chính bà là người chăm lo cho cháu, cho cháu cái ăn cái mặc trong những năm tháng đói khát nhất của đất nước và cũng là người dạy bảo cháu nên người. Thế nhưng dù có khó khăn, có cực nhọc, bà vẫn thay cha mẹ nuôi cháu lớn khôn. Không chỉ dạy bảo cháu, bà còn luôn giữ cho cháu sự vững vàng và một niềm tin vào tương lai: "Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...". Chính "ngọn lửa" bà "nhen" lên mỗi sớm mỗi chiều đã tiếp cho cháu thêm sức mạnh để trưởng thành, để chiến đấu và là hành trang để cháu bước vào đời. Tình cảm cháu dành cho bà là tình yêu thương cho những tần tảo, những hy sinh bà đã dành cho cháu "Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa". "Nắng mưa" là đại diện cho sự gian khổ, cho những vất vả của tháng năm ròng bà nuôi cháu lớn khôn. Và từ láy "lận đận" đã cho thấy sự tần tảo của bà trong suốt năm tháng dài đó. Cả đời bà là sự hy sinh, là sự vất vả, gian khó mà nuôi cháu trưởng thành. Giờ đây, cháu đã tới một đất nước xa xôi với đủ những hiện đại, những "niềm vui" mới lạ, nhưng tình cảm cháu dành cho bà vẫn luôn sáng mãi trong tim cháu. Hình ảnh người bà cùng tình bà cháu sâu nặng, tha thiết đã được Bằng Việt tái hiện vô cùng sống động qua những dòng thơ trong Bếp lửa.

Bài mẫu 3

Tình thân trong gia đình là thứ tình cảm mà ai ai cũng đều trân quý. Và điều đó được tác giả Bằng Việt thể hiện rất rõ thông qua những hình ảnh, ca từ ca ngợi tình cảm bà cháu trong tác phẩm Bếp lửa của mình. Tình cảm bà cháu xuất hiện trong bài thơ là dòng hồi tưởng của người cháu về bà của mình. Bà hiện lên cùng hình ảnh bếp lửa và khoảnh khắc "nhóm lửa" mỗi sớm mai "chờn vờn sương sớm". Bà đã cùng cháu đi qua những tháng năm đói khổ nhất "khô rạc ngựa gầy", khi mà cái chết cứ rình rập gần bên. Nhưng một tay bà thay cha thay mẹ chăm cháu trưởng thành. Bà chăm lo cho cháu, cho cháu cái ăn, dạy cháu nên người. Tất cả tuổi thơ của cháu đều là bà, là bếp lửa. Bà đã chở che cho cháu qua cơn đói khát bằng sự tần tảo, chịu khó, sự hy sinh vất vả cả cuộc đời. Thế nhưng bà vẫn một mình đùm bọc đứa cháu nhỏ, che chở cháu qua những tháng ngày đó. Bằng Việt đã liệt kê một loạt những hình ảnh: bà bảo cháu nghe, bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học cùng điệp từ "bà" để cho ta thấy sự tần tảo, chăm nom, dạy dỗ hết lòng của bà dành cho người cháu thân yêu của mình. Và đến khi giặc tới "đốt làng cháy tàn cháy lụi", khi sự cơ cực lên tới tột cùng, khi mái nhà tranh cũng chỉ là những nắm tro tàn lụi, sự sống tiêu điều, nhưng bà vẫn tiếp cho cháu thêm nguồn sức mạnh, sự vững vàng tin vào tương lai. Và cứ thế tình bà dành cho cháu cứ theo năm tháng lớn dần lên, đi theo cháu. Điệp từ "một ngọn lửa" đã nhấn mạnh, giúp chúng ta hiểu rõ công việc, sự tần tảo sớm hôm của bà, đó là tình yêu thương mà bà đã dành cho cháu. Còn tình cảm của cháu dành lại cho bà thì sao? Tình cảm ấy được thể hiện qua những câu thơ cuối của bài thơ. Người cháu thương bà mình "mấy chục năm rồi" chịu đựng biết bao "nắng mưa" của cuộc đời. Những khó khăn, những vất vả cuộc đời bà đã được đúc kết qua hai từ "lận đận". Thế nhưng, dù bao năm bao tháng, bà vẫn "nhóm" lên bếp lửa yêu thương để truyền lại cho thế hệ sau. Tình cảm bà cháu trong tác phẩm Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và vô cùng cảm động.

Bài mẫu 4

Tác giả Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ "Bếp lửa" của ông là một thi phẩm vô cùng đặc sắc về tình bà cháu trong chiến tranh. Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh của bếp lửa và tình cảm của bà dành cho cháu: "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/...Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Bếp lửa ấy "ấp iu nồng đượm" tình yêu thương mà bà luôn dành cho cháu. Khi cái đói, cái chết cứ rình rập quanh xóm làng, bà vẫn yêu thương, đùm bọc cháu. Hình ảnh "tu hú kêu trên những cánh đồng xa" là hình ảnh gợi lên những đau thương, thê lương của đói nghèo và mất mát. Thế nhưng, vượt qua tất cả, bà chăm lo cho cháu từng bữa ăn, thay cha thay mẹ dạy bảo cháu lên người. Những động từ "dạy, bảo, chăm" cùng với điệp từ "bà" và biện pháp liệt kê đã cho ta thấy được hình ảnh của người bà tần tảo sớm hôm dạy dỗ người cháu của mình nên người. Những năm tháng chiến tranh đói khổ lại càng thêm cơ cực khi: "Giặc đốt làng cháy tàn cháy lụi/ Làng xóm bốn bên trở về lầm lũi". Thế nhưng khó khăn đến đâu bà vẫn luôn dành cho cháu tình yêu thương vô bờ bến. Tình yêu thương ấy được bà luôn "ủ sẵn" trong lòng. Hình ảnh "một ngọn lửa" được lặp lại liên tiếp tạo ấn tượng mạnh với người đọc. Bếp lửa bà nhóm đó là niềm tin, là tình yêu thương bao la bà luôn dành đến cho người cháu của mình. Và kết lại bài thơ, tác giả Bằng Việt đã thể hiện những suy ngẫm của mình về bà, và cả tình yêu thương mà ông đã dành tới cho bà của mình. Từ láy "lận đận" "nắng mưa" đã cho ta thấy sự vất vả, hy sinh, cực nhọc mà bà đã trải qua trong suốt cuộc đời mình. Đó là niềm thương cảm mà người cháu muốn gửi đến bà mình bởi cả cuộc đời bà đã dành hết cho con, cho cháu. Và hơn thế, bà giữ gìn một ngọn lửa của yêu thương, của sự sẻ chia để gửi lại cho thế hệ sau. Và giờ đây khi cháu đã đi xa, tới một đất nước xa xôi, nơi có những "niềm vui" mới, trải nghiệm mới nhưng tình yêu thương bà vẫn luôn mãi còn trong tim của cháu. Bằng Việt đã dựng lên những dòng hồi tưởng đầy cảm xúc về những kỉ niệm, về tình bà cháu xúc động. thiêng liêng. Tình cảm bà cháu là thứ tình cảm gia đình thiêng liêng và vô cùng ấm áp.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí