Tổng hợp 50 bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí l..

Viết văn bản nghị luận về bản lĩnh lớp 8


1. Mở bài: - Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận: Bản lĩnh.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: 

- Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận: Bản lĩnh.

2. Thân bài:

a. Giải thích

Bản lĩnh: là khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống một cách bình tĩnh, thông minh và tỉnh táo. Bên cạnh đó, bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm → bản lĩnh là một đức tính vô cùng tốt đẹp mà con người ai cũng cần rèn luyện cho bản thân.

b. Phân tích

Người có bản lĩnh là người dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn, gian khổ, thử thách, sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Người có bản lĩnh cũng là người làm việc có mục tiêu, có kế hoạch, biết sắp xếp cuộc sống khoa học.

Bản lĩnh của con người được hun đúc từ kinh nghiệm của cuộc sống, người có bản lĩnh là người có vốn sống phong phú, có kinh nghiệm trong nhiều vấn đề từ đó giải quyết mọi chuyện một cách tinh tế.

Cuộc sống có rất nhiều những khó khăn thử thách có thể đến với ta bất cứ lúc nào mà chúng ta không lường trước được, bản lĩnh sẽ khiến chúng ta trở nên kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn, có thể vượt qua những khó khăn ấy một cách mượt mà nhất.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống có bản lĩnh và đạt được thành công vang dội để minh họa cho bài làm của mình.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người nhút nhát, dễ bỏ cuộc, sợ thất bại, gặp chút khó khăn đã nản chí. Lại có những người chỉ sống trong vùng an toàn của bản thân mà không biết vươn lên, bứt phá, tạo thành tựu cho cuộc sống của mình.

3. Kết bài:

- Khái quát lại vấn đề nghị luận: bản lĩnh; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Bản lĩnh là năng lực tiềm tàng trong mỗi con người. Khi chúng ta đánh thức bản lĩnh trong con người của mình, khi ấy chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, trưởng thành, đó cũng chính là yếu tố quan trọng giúp chúng ta thành công và có được hạnh phúc.

"Bản lĩnh" chính là sự vững vàng trước cám dỗ, khó khăn, thử thách; là năng lực giải quyết những khó khăn phát sinh trong cuộc sống. Bản lĩnh sống được thể hiện ở nhiều mặt, như là sự dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong mọi hoàn cảnh. Người bản lĩnh là người dám nghĩ dám làm, dám đứng ra chịu trách nhiệm về hành vi của mình, trước khó khăn không nản lòng, chùn bước. Giống như bản lĩnh của những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phòng chống dịch, có người gác lại gia đình đi vào tâm dịch, có người nén đau thương không về chịu tang cha mẹ để ở lại chống dịch. Vì có bản lĩnh nên mới đạt được những thành tựu tốt đẹp, từ đó khẳng định vị trí của bản thân trong cộng đồng, xã hội. Là người được coi trọng và tín nhiệm, là tấm gương để người khác học tập, góp phần xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.

Vì thế mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức về bản lĩnh và sống có bản lĩnh đồng thời cổ vũ và khích lệ những người không có bản lĩnh, yếu đuối mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Cuộc đời mở ra trước mắt con người rất nhiều những cơ hội tốt đẹp nhưng đó cũng chính là "chiến trường" đầy rẫy những cam go, đặt con người trước những tình thế khó khăn. Đó là chiến trường giữa con người với những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Để có thể chiến thắng nghịch cảnh và vươn tới những thành công thì bản lĩnh là thứ nhất định phải có.

"Bản lĩnh" là năng lực tự giải quyết vấn đề, dám đương đầu và vượt qua những khó khăn, thử thách của một người. Người có bản lĩnh là người dám nghĩ dám làm, không ngại khó, ngại khổ và luôn kiên định trước những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Họ dũng cảm đối mặt với bất kì mọi khó khăn thử thách nào, không nhụt chí, nản lòng trước nghịch cảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng nhất, đẹp nhất về bản lĩnh, Bác đã chèo lái con thuyền cách mạng dân tộc đi qua mọi khó khăn, đánh thắng mọi quân thù để rồi đưa cả dân tộc đến với bến bờ tự do, độc lập và hạnh phúc.

Muốn làm người bản lĩnh trước tiên mỗi người phải rèn luyện bản lĩnh của mình ngay trong những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, đơn giản như vượt qua những nỗi sợ của chính mình.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc khó khăn và vấp ngã, để bước qua những khó khăn ấy và đi tiếp trên con đường của mình, chúng ta cần phải có một bản lĩnh hơn người. Có thể thấy, bản lĩnh có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người.

Vậy thế nào là bản lĩnh? Bản lĩnh là khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống một cách bình tĩnh, thông minh và tỉnh táo. Bên cạnh đó, bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm. Người có bản lĩnh là người dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn, gian khổ, thử thách, sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, họ còn là người làm việc có mục tiêu, có kế hoạch, biết sắp xếp cuộc sống khoa học. Người có bản lĩnh là người có nhiều đức tính tốt đẹp khác như dũng cảm, kiên trì, mạnh mẽ,… từ đó dễ dàng theo đuổi mục tiêu của mình hơn. 

Đứng trước những thử thách, mỗi con người được lựa chọn cho mình một tinh thần để vượt qua, hãy luôn giữ lấy sự lạc quan, niềm hi vọng và bản lĩnh của mình để hướng về phía trước, đến những điều tốt đẹp. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Bài tham khảo Mẫu 1

Xukhôm linxki đã từng khẳng định: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Quả vậy, trong cuộc sống, mỗi người cần có được bản lĩnh để vượt qua được những thử thách và bước đến thành công.

Bản lĩnh được hiểu là năng lực đương đầu với mọi thử thách, dám nghĩ dám làm. Người có bản lĩnh là người có năng lực, tự tin, quyết đoán và không lùi bước trước những khó khăn. Biểu hiện của bản lĩnh nằm ở sự quyết đoán, không vì lời nói của người khác mà ý chí bị lung lay. Người có bản lĩnh sẽ luôn biết chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của bản thân. Khi gặp phải khó khăn, họ sẽ không khóc lóc, than thở mà thay vào đó là tìm cách giải quyết vấn đề sao cho tốt nhất. Những người có bản lĩnh thường xác định cho mình một lý tưởng tốt đẹp. Họ không ngại dấn thân để có thể hiện thức hóa được ước mơ của bản thân.

Cuộc sống là một hành trình dài đầy những khó khăn và thử thách. Chính vì vậy, chỉ người có bản lĩnh sống mới có thể chinh phục được thành công. Trên thế giới, có thể kể đến rất nhiều cái tên tiêu biểu cho bản lĩnh sống. Nhưng tôi lại muốn kể đến Arianna Huffington. Bà là một nữ doanh nhân, một chính trị gia, một nhà báo và là người phụ nữ quyền lực nhất giới truyền thông. Để có được thành công như vậy, bà từng nhận phải thất bại cay đắng khi chỉ có 0.55% phiếu bầu cho cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2003. Bà cũng đã cho xuất bản nhiều quyển sách nổi tiếng, được nhiều người đón nhận. Trước đó, cuốn sách đầu tiên là The Female Woman - xuất bản năm 1973 viết khi bà 23 tuổi được bán khá thành công, nhưng đến quyển sách thứ hai thì đã bị từ chối xuất bản 36 lần. Tuy nhiên, không vì thế mà Arianna Huffington nản lòng. Với lòng nhiệt huyết, quyết tâm cao độ dám vượt lên thất bại, bà đã tiếp tục viết và cho ra đời thêm 13 cuốn sách nữa, thường về các chủ đề quan điểm chính trị và viết tiểu sử. Các cuốn sách của bà đều đem lại những giá trị nhất định cho xã hội. Trở về với dải đất hình chữ S thân yêu, chắc hẳn chúng ta đã từng nghe đến cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên - “kình ngư vàng” của bộ môn bơi lội. Cô gái có bản lĩnh phi thường, phải xa nhà khi còn nhỏ tuổi. Mỗi năm chỉ được về thăm bố mẹ có vài lần. Trong suốt khoảng thời gian đó, Ánh Viên chỉ sống với bơi lội. Cô phải tập luyện và ăn uống theo một chế độ nghiêm ngặt của một vận động viên chuyên nghiệp. Có thành công, có thất bại. Nhưng tất cả đã tôi luyện ở cô là một bản lĩnh phi thường để đến hiện tại có thể đem được niềm vinh quang về cho tổ quốc. Gần đây nhất, tại SEA Games 30, Nguyễn Thị Ánh Viên đã để lại một thành tích ấn tượng (8 tấm huy chương) dù tuổi đời không còn thuận lợi đối với một vận động viên nữa.

Xã hội càng phát triển đòi hỏi mỗi bạn trẻ phải rèn luyện một bản lĩnh sống. “Dám nghĩ, dám làm” chính là tinh thần của một con người có bản lĩnh. Tuy nhiên bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ, nhất là ở giới trẻ thiếu đi bản lĩnh sống. Họ sợ hãi khó khăn, không dám đối mặt với thất bại. Nhiều người chỉ biết phụ thuộc vào người, sống một cách thụ động mà không chịu cố gắng rèn luyện bản thân. Những trường hợp đó thật đáng xấu hổ, cần phải tránh xa.

Đối với một học sinh như tôi, việc rèn luyện cho mình bản lĩnh sống là vô cùng cần thiết. Đó là hành trang cần thiết để chuẩn bị cho tương lai. Mỗi người hãy rèn luyện cho mình bản lĩnh sống để vươn tới đích của thành công.

Bài tham khảo Mẫu 2

Cuộc sống của chúng ta luôn là một chuỗi khó khăn và thử thách. Nếu hèn nhát và yếu đuối chắc chắn ta sẽ thất bại và gục ngã. Những nếu có ý chí nghị lực chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua để vươn tới thành công. Như vậy trong cuộc sống, ý chí nghị lực luôn là người bạn đồng hành cùng con người.Trước hết ta cần hiểu "ý chí nghị lực" là gì ? Ý chí nghị lực là sự dũng cảm, là nghị lực phi thường, là bản lĩnh của con người vượt qua mọi khó khăn và thử thách để vươn tới thành công.

Biểu hiện của ý chí nghị lực đó là những tấm gương dám sống, dám thành công như chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, chàng trai Nguyễn Sơn Lâm… Từ giải thích và những tấm gương tiêu biểu trên, ta thấy ý chí nghị lực có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.

Thứ nhất, ý chí nghị lực tạo cho ta bản lĩnh và lòng dũng cảm. Người có ý chí và nghị lực là người luôn đương đầu với mọi khó khăn thử thách, là người dám nghĩ, dám làm, dám sống. Chàng trai Nguyễn Sơn Lâm, chỉ cao chưa đầy một mét, đi phải chống nạng nhưng lại gỏi ba thứ tiếng, từng thi Việt Nam Idol 2010, năm 2011, anh là người đã chinh phục đỉnh Phanxipăng và trở thành người khuyết tật Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi này mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Thứ hai, ý chí nghị lực giúp chúng ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai. Đúng như người phương tây từng nói "hãy hướng về ánh sáng, mọi bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn", Nick Vujicic từng nói "Không có mục tiêu nào quá lớn, không có ước mơ nào quá xa vời", chị Đặng Thùy Trâm từng nói "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố"… tất cả đều chứa đựng trong đó những thông điệp lớn lao về ý chí và nghị lực.

Thứ ba, ý chí nghị lực giúp con người ta luôn tự tin về bản thân, tự tin với công việc mình làm. Dù thất bại vẫn vui vẻ và khắc phục lại chứ không hề nản chí. Có lẽ đó là câu chuyện về Bill Gate, bỏ dở ĐH, lập công ty phần mềm nhưng liên tiếp thất bại. Khắc phục những thất bại đó ông vươn lên thành tỷ phú bậc nhất của nhân loại. Chung zu Zung, chủ tịch tập đoàn Huyndai Hàn Quốc từng là nông dân, công nhân đến ông chủ tập đoàn Huyn đai là cả một quá trình "gian nan rèn luyện mới thành công".

Ngày nay, xã hội càng phát triển, nhiều cơ hội được mở ra nhưng ta vẫn thấy có những biểu hiện trái ngược. Bên cạnh những con người thành công, ta thấy rất nhiều bạn trẻ bây giờ thấy khó khăn thì nản chí. Thấy thất bại thì hủy hoại chính mình. Sống thiếu niềm tin, thiếu ý chí, sống hèn nhát và gục ngã. Đây là vấn đề cần lên án.

.Về nhận thức, ta thấy ý chí nghị lực là động lực, niềm tin của con người. Là kim chỉ nam của con người. Về hành động ta cần: rèn luyện cho mình ý chí và nghị lực; phê phán những kẻ yếu đuối, thiếu tự tin. Học tập những tấm gương về ý chí và nghị lực. Từ đó ta dám sống và dám đi đến thành công.

Tóm lại, ý chí nghị lực là thước đo phẩm giá của con người. Mỗi chúng ta hãy rèn luyện để có ý chí và nghị lực sống. Sống không hèn nhát và yếu đuối. Muốn vậy ngay từ bây giờ bạn hãy là chính bạn với những ước mơ và khát vọng và rèn luyện để vươn tới thành công nhé!

Bài tham khảo Mẫu 3

Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao khó khăn mà ta cần phải vượt qua. Những khó khăn đó như một định luật tự nhiên để ta có thể phát triển và thăng tiến. Nhưng để có thể vượt qua được những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên trì, bền bỉ. Và Nguyễn Bá Học đã có câu châm ngôn: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

Đường đi ở đây có nghĩa là con đường mà chúng ta phải đi, phải vượt qua để tiến về phía trước. Trên đường đi của chúng ta chắc chắn sẽ phải có nhiều những con sông, những ngọn núi làm cho chúng ta khó có thể vượt qua. Nhưng con đường đó dù có bao nhiêu sông, bao nhiêu núi, nếu chúng ta không; ngại ngùng, lo âu, sợ hãi hay chán nản, chùn bước, buông xuôi thì ta vẫn có thể vượt qua được nó một cách dễ dàng. Nhìn chung, qua câu nói này, Nguyễn Bá Học muốn ngụ ý cho chúng ta rằng con đường đi cho dù khó mấy thì ta cũng vẫn có thể vượt qua, điều quan trọng là tâm ý của ta có kiên định để vượt qua những khó khăn mà con đường đó mang tới cho ta hay không? Nói sâu hơn thì con đường mà Nguyễn Bá Học muốn nói tới đó là đường đời, chúng ta phải dùng chính sức của mình để vượt qua nó, nếu chỉ biết dựa dẫm, nhờ vả mà không nỗ lực thì sẽ không tài nào vượt qua được.

Khó khăn như là một câu thách đố đòi hỏi chúng ta phải biết vượt qua chính mình bằng cách chỉnh đốn lại nội tâm và làm chủ bản thân. Chỉ có lòng kiên định và ý chí kiên trì bền bỉ mới có thể giúp ta vượt qua được những trở ngại của cuộc sống. Đó là một nền tảng mà bất cứ người nào cũng cần nên có. Chẳng hạn như chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, suốt một đời lo cho nước, cho dân, đi nhiều nơi và làm đủ mọi việc. Con đường Người phải đi thật gian lao, vất vả nhưng với ý chí, quyết tâm, nghị lực phi thường. Người đã mang đến cho dân tộc ta ánh sáng của độc lập tự do, một cuộc đời ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người không biết dùng sức mình để vượt qua khó khăn, họ chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Những người đó là những người không biết vượt qua nhiệm vụ mà cuộc sống đã thử thách chúng ta, thật đáng bị xã hội phê phán. Không nói đâu xa, chỉ cần nói trong học sinh chúng ta. Khi làm bài kiểm tra, những bạn biết tự dùng sức mình để làm bài vẫn hơn những bạn không học mà quay cóp hay mở tập. Dù có thể điểm số khi phát ra của những bạn đó không cao bằng những bạn quay cóp nhưng những bạn đó có thể tự hào vì mình đã không làm những chuyện làm cho lương tâm mình ray rứt. Vì vậy, cho dù khó khăn có thế nào đi nữa thì chúng ta đừng nên nản lòng, hãy vững tâm bước tiếp, có như vậy ta mới có được những bài học sáng suốt để có thể vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Chúng ta không thể biết con đường này, hay nói cách khác là đường đời sẽ dẫn ta đến đâu nếu ta chưa thực sự đi qua nó. Có rất nhiều khả năng mà ta Không thể kiểm soát được. Điều duy nhất có thể làm là ta phải biết làm chủ mình, đưa ra quyết định thật đúng đắn và quyết tâm kiên trì theo đuổi đến cùng. Như vậy không sớm thì muộn ta cũng có thể vượt qua được nó. Cũng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: " Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền – Đào núi và lấp biển – Quyết chí ắt làm nên."

Chỉ cần có ý chí là chúng ta có thể vượt qua được mọi trở ngại cho dù trở ngại đó có lớn đến mức nào. Khó khăn càng lớn khi ước vọng càng cao, khó khăn càng không thể vượt qua khi khả năng làm chủ bản thân càng thiếu. Vậy tại sao chúng ta không thử quyết tâm, kiên trì theo đuổi một điều gì đó đến cùng để rồi ta có thể nhận được một thành quả lớn như ta đã mơ ước?

Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, còn biết bao nhiêu điều đang chờ đợi ta phía trước. Vì thế hãy dám nghĩ, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân mình, đừng nên chần chừ và do dự. Kiến thức, niềm tin, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm kiên trì vượt khó sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đường đời ấy.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí