Nghị luận về tác hại của mạng xã hội lớp 6>
1. Dàn ý chi tiết I. Mở bài Trong suốt dòng lịch sử con người, đã có những người phải vất vả chống lại tính nghiện ngập, nào là nghiện rượu, nghiện ma túy, bài bạc, hiện nay, có một tình trạng nghiện mới xuất hiện: nghiện Internet.
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
Trong suốt dòng lịch sử con người, đã có những người phải vất vả chống lại tính nghiện ngập, nào là nghiện rượu, nghiện ma túy, bài bạc, hiện nay, có một tình trạng nghiện mới xuất hiện: nghiện Internet.
II. Thân bài
1. Thực trạng về căn bệnh nghiện Internet trong giới trẻ
- Với nhiều người, Internet là một thứ không thể thiếu; một thói quen không kiểm soát nổi.
- Quên thời gian, sao lãng ăn uống và ngủ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng; cần trang bị máy tính mạnh hơn, nhiều phần mềm mới; biểu hiện trầm cảm, hay cáu giận và tách biệt với xã hội.
- Nghiện Internet – một hành vi gây căng thẳng cho cuộc sống của chính nạn nhân và cho cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp – là một căn bệnh tâm lí đang lan tràn trên toàn thế giới.
- Chơi game trực tuyến là một dạng của nghiện Internet và đang lan tràn nhanh chóng trong giới trẻ.
2. Hậu quả của nghiện Internet
- Trong đó có tình trạng vì quá mê mệt Internet mà các con nghiện xao lãng chuyện học hành, thậm chí bỏ học.
- Họ giảm tiếp xúc với gia đình, bè bạn, sống cô lập trước màn hình máy tính, lặn vào những "chat room" hay chơi những trò chơi bạo lực.
- Các thiếu niên mắc bệnh này thường là những em có vấn đề về thái độ hành xử, mặc cảm.
- (Lưu ý: Internet chỉ là chất xúc tác chứ không phải là nguyên nhân gây nghiện)
3. Giải pháp
- Xây dựng một mạng lưới trung tâm tư vấn về nghiện Internet, cùng với các chương trình điều trị.
- Không được phủ nhận, vai trò của tích cực của Internet trong đời sống xã hội, nhưng cần có những định hướng đúng đắn.
- Liên hệ bản thân
III. Kết bài
Cũng giống như nghiện rượu hay ma túy vậy, nghiện Internet mang lại những hậu quả nhất định về tâm lí thể xác và các mối quan hệ xung quanh. Đừng để thành quả được coi là có ý nghĩa nhất đối với xã hội loài người lại huỷ hoại chính bạn – công dân của thời đại.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Xã hội phát triển, những đồ dùng công nghệ ngày càng nhiều. Thế giới mọi người có nhiều cách tiếp cận với nhau. Xã hội có nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc hiện nay còn có hiện tượng nghiện mạng xã hội của giới trẻ hiện nay.
Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến giúp mọi người chia sẻ, cập nhật tin tức, dễ dàng kết nối với nhau. Giới trẻ sử dụng mạng xã hội như một thói quen, như một việc bắt buộc trong ngày như ăn uống, ngủ nghỉ vậy. Đây là một thói quen không kiểm soát được, mà quên đi những cuộc sống hàng ngày. Nghiện Internet – một hành vi gây căng thẳng cho cuộc sống của chính nạn nhân và cho cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp – là một căn bệnh tâm lí đang lan tràn trên toàn thế giới.
Mặt tích cực của mạng xã hội, đó là nơi mà người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề đời sống, xã hội. Trên mạng xã hội có tính giải trí cao với nhiều lĩnh vực giải trí khác nhau được cập nhật liên tục. Và chúng ta có thể được tiếp cận được nhiều điều thú vị.
Nhưng mà sử dụng mạng xã hội quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, công việc. Thiếu sự kết nối với những người xung quanh, vô cảm thờ ơ với xã hội. Trên mạng xã hội còn có những thông tin không lành mạnh, tiêu cực.
Nghiện mạng xã hội sẽ khiến cho tâm lý và thể xác với các mối quan hệ xung quanh. Chúng ta cần có những biện pháp hoặc hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội. Cần ý thức được mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội để không mất thời gian vào những vấn đề vô bổ trên mạng xã hội.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Trong xã hội hiện nay, các mạng xã hội, Internet, game điện tử,... đang là nội dung được nhiều bạn trẻ yêu thích, nhất là các bạn trẻ đang còn ở lứa tuổi học sinh. Nhưng phổ biến nhất là tình trạng nghiện mạng xã hội đang lan tràn trong giới trẻ hiện nay. Vậy cùng đi tìm hiểu xem vấn đề này đang có sức ảnh hưởng thế nào?
Trước hết chúng ta phải hiểu được "Mạng xã hội" là gì? Đó là một thiết bị, ứng dụng được trang bị trên các cửa hàng tải trò chơi trên điện thoại, máy tính... Là nơi cho chúng ta biết mọi tin tức, những tình hình, trạng thái mới mẻ ở khắp nơi. Đa dạng như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram... Và nhiều các mạng xã hội khác. Tiếp đến ""nghiện" là gì? Nghiện là một sự say mê, cuốn hút, không ngừng thúc giục chúng ta phải sa vào mỗi thứ gì đó, làm cho ta không thể không rời khỏi nó. Luôn tạo cho ta cảm giác thèm khát, mong muốn có được nó. Vậy chúng ta có thể hiểu "Nghiện mạng xã hội" nghĩa là gì? Là hiện tượng giới trẻ đang bị sa đà vào mạng xã hội, đắm chìm vào thế giới ảo, không thể ra khỏi được thực tại. Luôn ăn ở như người vô hồn, tâm trí lúc nào cũng chỉ có mạng xã hội. Dần dần ăn mòn trí não chúng ta và khiến chúng ta trở thành một nạn nhân bị nghiện mạng xã hội.
Thế thì nguyên nhân là do đâu? Là do sự thờ ơ, vô tâm của các bậc phụ huynh chăng? Họ mua thiết bị cho con cái rồi bỏ mặc cho con muốn làm gì làm, họ lại thiếu trách nhiệm trong việc quản tâm, giám sát con cái. Dẫn đến việc con cái truy cập vào mạng xã hội tìm tòi, khám phá những nội dung không hợp với lứa tuổi, dễ bị dụ dỗ, sa đà vào mạng xã hội và dễ bị giảm chất lượng học tập. Hay là do ý thức của giới trẻ còn kém, không phân biệt được mặt lợi hại của mạng xã hội mang lại hay đã biết mà vẫn cố chấp lạm dụng để thoả mãn.
Vậy nó dẫn đến hậu quả như thế nào? Không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lí và nhân cách của họ. Khi đã bị cuốn vào mạng xã hội thì lúc nào bạn cũng chỉ muốn cầm điện thoại lên để truy cập vào nó. Nếu như cứ để tình trạng này tiếp diễn, có thể xã hội này lại có thêm một kẻ tự kỉ, tù đày. Chỉ góp phần làm ảnh hưởng đến danh dự, tiếng tăm của dân tộc mà thôi!
Thế nên, để tránh việc chúng ta bị nghiện mạng xã hội thì hãy có ý chí, tiềm thức để quyết định đúng, tránh lạm dụng mạng xã hội để lâm vào tình trạng bị nghiện.
Internet không sai, nhưng cách chúng ta lạm dụng nó là sai.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Internet là nơi hội tụ các nguồn thông tin trở thành thế giới thu nhỏ được mọi người đặc biệt quan tâm, nhất là các bạn học sinh, thanh niên. Trên Internet có rất nhiều thể loại giải trí khác nhau làm cho nhiều bạn trẻ lạm dụng dẫn đến tình trạng nghiện ngập và trở thành vấn đề nóng mà mọi người vô cùng bức xúc.
Nghiện Internet là lạm dụng quá mức, sử dụng vô tổ chức ở mọi lúc mọi nơi, không làm chủ bản thân, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi, học hành mà sa đọa trong thế giới hư ảo.
Có rất nhiêu nguyên nhân dẫn đến nghiện Internet nhưng chủ yếu là do bản thân các bạn trẻ chưa nhận thức được mặt trái của Internet, còn ham chơi, tò mò, hiếu động, muốn chứng tỏ bản thân với người xung quanh. Các bậc phụ huynh chưa quản lí chặt chẽ con em mình, còn thiếu sót trong vấn đề giáo dục con cái. Nhà nước và chính quyền địa phương không quản lí các tiệm Net, để mặc các chủ tiệm mở cửa sát bên trường học và mọc lên ngày càng nhiều.
Trong xã hội đang phát triển và hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà Internet mang lại,Internet trở thành từ điển sống của tất cả mọi người. Nhờ Internet, con người có thể tra cứu tài liệu, cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ mà không mất thời gian, công sức; là công cụ làm việc đối với một số ngành công nghệ thông tin; cung cấp các thể loại giải trí như phim, âm nhạc, trò chơi,… Nhưng bên cạnh đó có không ít tác hại do việc quá lạm dụng của các bạn học sinh, thanh niên. Ngoài những thông tin hữu ích, Internet còn chứa rất nhiều những thông tin mang tính chất đồi trụy; các trò chơi giải trí bạo lực khiến nhiều bạn trẻ nghiện bỏ rơi cuộc sống thực tại. Từ đó tệ nạn xã hội cũng xảy ra nhiều hơn như giết người, trộm cắp để thỏa cơn nghiện… Rất nhiều bạn mắc bệnh hoang tưởng từ những trò chơi khiến gia đình vô cùng lo lắng, xã hội vô cùng bức xúc. Có thể nói Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức con người.
Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy biết tự trang bị kiến thức về Internet cho bản thân để tránh tình trạng nghiện ngập. Các bậc phụ huynh, nhà nước, chính quyền, đặc biệt là trường học phải quan tâm, quản lí, giáo dục các bạn trẻ tránh xa những tư tưởng không lành mạnh, giúp đỡ người nghiện ngập quay về thế giới thực, không để họ mãi chìm đắm trong cái thế giới hư vô có thể giết người này.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống, ai cũng có quyền thả mình vào Internet nhưng đừng lạm dụng nó, phải biết chắt lọc, biết dừng lại đúng lúc trước khi biến thành con nghiện. “Hãy để chúng ta làm chủ Internet và đừng bao giờ để Internet điều khiển chúng ta”.
Bài tham khảo Mẫu 1
Trong thời đại công nghệ 4.0, nhu cầu giao tiếp và thông tin của con người trở nên cực kì được coi trọng. Vì thế sự ra đời của Internet vào năm 1960 được coi là một trong những phát minh vĩ đại của con người, thay đổi cuộc sống nhân loại, kết nối con người trên khắp các châu lục. Hiện nay Internet trở nên cực kì quan trọng với đời sống của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Internet là một hệ thống chia sẻ thông tin toàn cầu, là một cộng đồng các máy tính được liên kết, dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa quốc tế (giao thức IP hay gọi là IP protocol). Hệ thống Internet bao gồm hàng triệu mạng máy tính nhỏ hơn của các Công ty, tổ chức, của các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các chính phủ trên thế giới và hàng tỷ người dùng cá nhân.
Internet cho phép người dùng giao tiếp, kết nối với nhau bằng những thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, ti vi… Hiện nay Internet gắn liền với sự phát triển của xã hội, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, gắn liền với tiến bộ xã hội, sự phát triển về kinh tế, an ninh, văn hóa, tôn giáo…
Với tốc độ bùng nổ của mạng xã hội với những trang thông tin đa dạng và nhu cầu của con người, Internet càng ngày càng chiếm vị trí quan trọng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Được biết tỉ lệ giới trẻ tham gia sử dụng Internet nhiều nhất trong các lứa tuổi. Đây là một điều cực kì dễ hiểu và hoàn toàn có thể lí giải. Vậy giới trẻ làm gì với Internet, giới trẻ sử dụng Internet như thế nào?
Internet không của riêng ai, lượng truyền tải thông tin cực lớn, tốc độ nhanh chóng mặt, phủ sóng toàn cầu, với chức năng chủ yếu này của Internet thu hút thanh niên tích cực tham gia. Thực tế không thể nào phủ nhận tầm quan trọng của Internet, nói như giới trẻ, đó là cùng ăn cùng ngủ. Internet rất dễ để truy cập, giá thành rẻ lại mang đến cả thế giới thu nhỏ lại trong chiếc điện thoại nhỏ, bất cứ khi nào các bạn trẻ cũng có thể lướt web, xem phim trực tuyến, nghe nhạc online, chơi game, tìm kiếm thông tin, chat với bạn bè, người thân, gọi thoại miễn phí, sử dụng để tìm đường, tham gia diễn đàn quốc tế, để học tập. Internet phục vụ mọi mặt của cuộc sống, khi người sử dụng không chỉ thụ động tiếp nhận mà còn có thể tương tác và phản hồi bằng cách bày tỏ ý kiến, thỏa sức sáng tạo và nhu cầu cá nhân.
Hơn vậy, hiện nay Internet giúp việc mua bán trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn, đây được gọi là hình thức mua bán trực tuyến. Rất nhiều bạn trẻ đã thành công ở độ tuổi rất trẻ khi bán hàng online trên mạng. Ưu điểm của hình thức này đó là không mất thời gian đăng kí giấy phép kinh doanh, tự do buôn bán, vốn không nhiều, không cần mặt bằng, độ tương tác cực khủng.
Internet thân thiện như một ngôi nhà chứa đựng rất nhiều “tài sản riêng”, tính năng bảo mật của Internet cũng khá tốt, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ ảnh kỉ niệm, tài liệu, thông tin cá nhân, và tất nhiên tìm việc làm thông qua mạng xã hội cũng trở nên hết sức dễ dàng.
Internet bảo vệ quyền lợi của con người bằng những cách thức khác nhau. Nhờ tốc độ lan tỏa của Internet mà những thông tin đi nhanh chóng, nhất là những lời kêu gọi giúp đỡ, cứu trợ đều có thể dễ dàng thực hiện dù bạn ở xa đến đâu.
Vai trò giải trí của Internet có lẽ được giới trẻ ưu tiên sử dụng và yêu thích hơn cả. Không một hình thức giải trí nào tiện lợi, phong phú và giá rẻ như Internet, đó là điều chắc chắn. Cuộc sống sẽ thật nhàm chán nếu “mất mạng, cá mập cắn cáp quang”.
Rõ ràng Internet là một nhân tố tối quan trọng trong sự phát triển của loài ngoài, trong cuộc sống của con người hiện nay. Internet không chỉ có vai trò lớn với giới trẻ mà hầu hết các độ tuổi trong xã hội đều có nhu cầu sử dụng lớn. Đối với trẻ nhỏ Internet ứng dụng trong việc giải trí, học tập, người lớn để học tập, làm việc, đáp ứng những tiện ích trong cuộc sống, người già Internet góp phần làm mới cuộc sống, trẻ hóa cuộc sống. Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, việc không biết Internet hay không có Internet là một sự mất mát rất lớn cho sự phát triển.
Nhìn rộng ra, Internet có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với sự phát triển của xã hội trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục. Nguồn lợi mà Internet thu về cho mỗi quốc gia là con số khổng lồ. Rất nhiều nước, rất là với những nước phát triển đã ứng dụng Internet thành công để khai thác tiềm lực kinh tế. Ngoài ra có thể kể đến những cá nhân dựa vào Internet sáng chế ra những ứng dụng tiện ích kết nối con người, nổi tiếng toàn thế giới như Google của Larry Page và Sergey Brin, Facebook của Mark Zuckerberg,...
Nhưng sử dụng Internet như thế nào, ứng dụng ra sao, còn phụ thuộc phần nhỏ vào chính sách của Nhà nước, phần lớn và mục đích của từng người. Internet rất dễ sử dụng nhưng cũng dễ phản tác dụng khi sử dụng sai mục đích.
Không thể phủ nhận vai trò của nó đối với giới trẻ nhưng chúng ta cũng nhìn thẳng vào mặt trái của nó. Internet có thể gây nghiện và sự gây nghiện này giống như rất nhiều loại nghiện khác, khó bỏ, ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất và tinh thần. Lạm dụng sử dụng Facebook, trước hết tác động xấu tới sức khỏe, thay vì thời gian tập thể dục, chơi thể thao để giải trí thì nhiều bạn trẻ chọn cách lướt web, ngồi lâu ảnh hưởng tới cột sống, các bệnh về mắt và nhất là bệnh trầm cảm khi hạn chế giao tiếp trực tiếp mà giao tiếp thông qua mạng xã hội, hay còn gọi là “sống ảo”. Đồng thời Internet ảnh hưởng đến trí nhớ của con người. Với tốc độ chia sẻ nhanh, lớn, Internet tạo áp lực lên dư luận gây ra nhiều sự vụ không đáng có.
Giới trẻ là độ tuổi dễ tiếp nhận thông tin nhưng cũng dễ nhận thức sai vấn đề, chính vì vậy khi tiếp cận Internet cần phải có phương pháp cụ thể, đúng đắn. Thời gian sử dụng Internet trong một ngày cũng cần hợp lí, tránh việc làm dụng quá nhiều vào Internet.
Internet là một thứ không thể thiếu trong thời đại thông tin mà chúng ta đang sống, nếu ta không biết đến nó, ta không chỉ lạc hậu mà còn đang tự tách mình ra khỏi sự tiến bộ của cả nhân loại. Hãy học không chỉ để biết về nó mà còn sử dụng và làm chủ nó. Giới trẻ đang nắm trong tay sự thay đổi vận mệnh nếu bạn biết cách ứng dụng nó một cách tốt nhất.
Bài tham khảo Mẫu 2
Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển, hàng loạt các trang mạng với hàng trăm triệu người dùng như Facebook, wechat, weibo, Instagram,... đã cho thấy sự thu hút cực kì mạnh của loại công cụ này. Đặc biệt, với giới trẻ, những thế hệ nắm bắt tốt xu hướng, tinh nhạy trước những đổi mới của internet thì việc ham mê và sử dụng mạng xã hội là một điều tất yếu. Đa số các bạn trẻ hiện nay, hầu hết đều có cho mình một tài khoản Facebook, weibo, zalo,... chúng ta có thể được tự do bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của mình, được thể hiện bản thân mình.
Mạng xã hội giúp chúng ta cập nhật được những tin tức hàng ngày, lưu giữ những kỉ niệm đẹp mà được ghi lại bằng những bức ảnh hay video thú vị. Nó cũng là nơi giao lưu kết bạn, trò chuyện học hỏi vô cùng hiệu quả, kết nối những con người chưa từng quen biết nhưng vì cùng chung sở thích, cùng nhau một đam mê nào đó mà rút khoảng cách, mang con người lại gần nhau hơn. Facebook được nhiều bạn trẻ sử dụng để tìm kiếm thông tin học tập với những bài chia sẻ hay, bổ ích, những trích dẫn, kinh nghiệm học tập vô cùng lý thú. Nhiều bạn còn tận dụng tài khoản của mình để tập tành kinh doanh, vừa mang lại nguồn thu nhập khá khá vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm kinh doanh qua mạng. Mạng xã hội với tốc độ truyền tin nhanh chóng, giúp ta nắm bắt được những thông tin nóng đang diễn ra mỗi ngày, giúp ta biết nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ để chia sẻ và đồng cảm với họ thông qua các hoạt động từ thiện qua mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta cũng không thể phủ nhận rằng giới trẻ hiện nay đang nghiện mạng xã hội trầm trọng. Mạng xã hội trở thành một chất gây nghiện lớn mà người tiêu thụ nó lớn nhất phải kể đến nó là những học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người xem đó là nguồn sống, dành quá nhiều thời gian vào các trang mạng chỉ để lướt dạo như một thói quen. Đến giảng đường không học bài, hoặc ngủ hoặc chơi facebook, hoặc chụp ảnh đăng. Đi ăn, đi làm, ngủ, nghỉ thậm chí là đi vệ sinh cũng mang theo chiếc điện thoại của mình mà không biết chán. Mạng xã hội đang từng ngày ăn sâu và làm xói mòn đi sức khoẻ, tiền bạc, tình cảm của con người mà ta vô tình không để ý tới. Nhiều người trẻ còn coi đó là nơi để trút những bực tức, giận hờn, ghen tuông, xỉa xói, chửi rủa nhau thậm tệ. Đáng nói hơn, một số còn lan truyền những thông tin không lành mạnh, những tin rác chưa được kiểm chứng gây bức xúc trong dư luận, đồng thời hạ uy tín và danh dự của người khác. Vì thế mà nhiều khi chỉ một vài lời nói thiếu thiện ý, hoặc gây hiểu nhầm nhau trên mạng xã hội mà gây nên những hậu quả nghiêm trọng như đánh nhau. Nhiều học sinh chỉ lao vào thế giới ảo mà trở nên trầm cảm, tự ti, không tham gia giao tiếp với mọi người, mất dần khả năng hợp tác, hoà nhập với đời sống thực tại.
Vậy nguyên nhân nào thu hút các bạn trẻ sử dụng nhiều các trang mạng xã hội như vậy? Đó là do sự mới lạ, hấp dẫn của Facebook, Zalo,... Người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận của mình về một vấn đề nào đó được chia sẻ; được đăng những hình ảnh xinh đẹp của bản thân với hàng ngàn lượt like cùng những bình luận chém gió mang tính giải trí cao. Là những hội nhóm thần tượng được lập, những trang fanpage thu hút hàng triệu lượt like với những câu chuyện hấp dẫn, những bình luận bá đạo, những video đánh thẳng vào tâm lý hài hước, tò mò của giới trẻ khiến các bạn hào hứng và thấy thoải mái khi dùng chúng. Không phải ngẫu nhiên mà các trang mạng được nhiều người quan tâm, bởi bên trong nó chứa đựng những sự lý thú, bổ ích riêng mà cái khác không có. Bởi vậy, việc dùng mạng xã hội phần nào cũng cho thấy được giới trả khá nhanh nhẹn trong việc nắm bắt các trào lưu, xu hướng của thế giới.
Trong cuộc sống ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển, các bạn trẻ nên nhìn nhận đúng về vai trò của nó trong cuộc sống mỗi người. Tức là phải hiểu rằng nó là công cụ phục vụ cho cuộc sống chúng ta, đừng biến nó thành kẻ điều khiển vô hình và để nó chi phối đời sống của mình. Thay vì lên các trang mạng quá nhiều, các bạn hãy dành thời gian cho gia đình, gặp gỡ bạn bè, đọc sách giao lưu hay làm nhiều việc khác. Hãy dành những lúc rảnh rỗi cho các hoạt động xã hội, từ thiện hay tình nguyện hơn là việc nằm nhà đắm mình vào một thế giới ảo không có thực.
Đừng để mạng xã hội biến mình thành một nạn nhân, hãy nhiệt huyết với công việc, cống hiến sức trẻ và thành xuân của mình cho hoạt động cộng đồng, đừng phung phí thời gian cho lướt web, cho việc like hay bình luận dạo mỗi ngày. Đó là những điều vô bổ đang dần giết mòn cuộc sống chúng ta. Cần phân bố thời gian cho công việc, cuộc sống và mạng xã hội hợp lý, đừng để phụ thuộc vào mạng xã hội, biết chắt lọc những thông tin hữu ích trong thế giới ảo phục vụ cho cuộc sống của mình.
Mỗi chúng ta, hãy tự nhìn nhận lại mình, xem thời gian qua mình đã làm được những gì, đã sử dụng mạng xã hội như thế nào? Có quá phung phí nhiều thời gian cho chúng hay không? Hãy đặt chiếc điện thoại xuống, bước ra thế giới thực tại với vô vàn điều lý thú, hấp dẫn đang chờ đón bạn. Ngưng sống ảo đi!
Bài tham khảo Mẫu 3
Cuộc sống ngày càng phát triển với sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Chúng ta đang sống trong sự vận động nhanh chóng của thời đại công nghệ 4.0, thế giới kết nối không dây. Không thể phủ nhận những thành tựu Internet mang lại, tuy nhiên song hành với đó lại dấy lên vấn nạn nghiện Internet của giới trẻ.
Một thực trạng không thể phủ nhận rằng Internet hiện nay đang dần bao phủ cuộc sống con người thế kỷ XXI. Chỉ với một chiếc smartphone hay chiếc laptop trong tay, người ta dễ dàng truy cập Internet. Khắp các ga tàu, trường học, trung tâm thương mại đều được phủ sóng Wifi giúp mọi người tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng. Từ nông thôn đến thành phố, không quá khó để bắt gặp những cửa hàng Internet với vài chục máy tính được nối mạng, những tiệm game cứ mọc lên ngày một dày đặc. Đối tượng khách hàng của những tiệm Net này chủ yếu là học sinh, sinh viên từ cấp THCS, THPT đến các sinh viên cao đẳng, đại học. Thậm chí thời gian phục vụ của các cửa hàng này là 24/24 giờ do nhu cầu cao của khách hàng. Hiện tượng ngồi lì trong quán Net suốt ngày đêm bỗng dưng trở nên phổ biến trong giới trẻ ngày nay, chúng say mê đến mức quên ăn, quên ngủ, thậm chí là quên luôn việc học. Không chỉ là game, giới trẻ ngày nay có rất nhiều trường hợp nghiện mạng xã hội như Facebook, Zalo. Có những người truy cập Facebook như một thói quen không thể bỏ. Những năm trở lại đây, người ta không quá xa lạ với hiện tượng “sống ảo”. Bất kì một hành động, trạng thái nào trong đời sống cũng được giới trẻ chụp ảnh “check-in”, chỉnh sửa và đăng lên Facebook. Những thực trạng đáng buồn trên chứng tỏ giới trẻ ngày nay đang sống quá lệ thuộc và trở thành những “con sâu mạng”.
Vậy đâu là nguyên nhân cho thực trạng nghiện Internet ngày nay của lứa tuổi thanh niên? Trước hết bắt nguồn từ sức hấp dẫn khó cưỡng từ mạng: Internet chứa những thông tin vô cùng phong phú về tri thức, thời sự, kinh tế, xã hội, cả những nguồn giải trí dồi dào như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử và khả năng liên lạc nhanh chóng qua chat, email. Những lợi ích mà Internet mang lại quả thật rất lớn, tuy nhiên nó cũng có khả năng đánh vào tâm lý người dùng, khiến họ sống phụ thuộc vào nó nếu không biết kiểm soát. Tuy nhiên cũng phải kể đến nguyên nhân sâu xa hơn nữa, phải chăng một phần do sự kiểm soát lỏng lẻo hay sự nuông chiều của các phụ huynh với con em mình? Rất nhiều thiếu niên đang tuổi đi học nhưng đã sở hữu những chiếc smartphone xa xỉ với đầy đủ tính năng tiện ích.
Chính bởi những nguyên nhân trên mà Internet cũng mang đến nhiều hậu quả tiêu cực. Internet tạo nên một sự lãng phí lớn, nó đang dần lấy đi thời gian, tiền bạc, sức lực của giới trẻ. Rất nhiều thanh thiếu niên vì nghiện mạng xã hội mà bỏ bê xao nhãng học hành, thậm chí còn có hiện tượng lấy cắp tiền của gia đình để tiêu xài vào mạng Internet. Hơn nữa việc sống triền miên trong thế giới ảo còn dẫn đến lệch lạc trong nhân cách, trong khả năng nhận thức, giới trẻ dường như đang mất dần khả năng phản ứng và hòa nhập với thế giới thực. Rất nhiều vụ bắt cóc, thậm chí là giết người đã xảy ra từ những mối quan hệ ảo qua mạng Internet. Điều này không chỉ tổn hại đến bản thân các em mà còn tạo sự bất ổn trong đời sống cộng đồng.
Là người hiện đại giữa thế kỷ XXI, chúng ta không thể làm ngơ trước vấn nạn nghiện mạng Internet đang diễn ra phổ biến, cần có những giải pháp cho hiện tượng đáng báo động này. Trước hết mỗi cá nhân cần nhận thức lại bản thân, định hướng mục tiêu dài hạn hơn và biết kiểm soát hành động của mình. Giải trí là điều cần thiết sau những giờ làm việc, tuy nhiên cần biết hạn định bao nhiêu là đủ, đừng để bản thân mãi chìm đắm trong thế giới hư ảo. Thêm vào đó cần sự phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc kiểm soát, điều chỉnh, giáo dục thế hệ trẻ. Bậc làm cha làm mẹ không nên quá nuông chiều con trẻ, lứa tuổi các em cần đặt việc học là trước nhất, trên những thú vui tiêu khiển nhất thời. Hơn nữa, nhà nước cũng cần có sự kiểm soát các cửa hàng kinh doanh dịch vụ Internet, kiểm soát các trang web đen và nội dung xấu trên mạng Internet. Mỗi người hãy chung tay đẩy lùi tệ nạn nghiện mạng xã hội, để cuộc sống chính chúng ta văn minh và phát triển hơn.
- Tình trạng ngắt bẻ cành lá, cây cối lớp 6
- Suy nghĩ của em về hiện tượng ô nhiễm không khí lớp 6
- Suy nghĩ của em về hiện tượng ô nhiễm môi trường biển lớp 6
- Suy nghĩ của em về tệ nạn buôn ma túy lớp 6
- Trình bày ý kiến về vấn đề không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của một bộ phận học sinh lớp 6
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 6 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Chia sẻ một trải nghiệm về nơi em sống hoặc từng đến: Một vùng hương quế Trà Bồng lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đất nước lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Trời xanh của mỗi người lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về ca dao: Con cò mà đi ăn đêm lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà lớp 6
- Chia sẻ một trải nghiệm về nơi em sống hoặc từng đến: Một vùng hương quế Trà Bồng lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đất nước lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Trời xanh của mỗi người lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về ca dao: Con cò mà đi ăn đêm lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà lớp 6