Tổng hợp 50 bài văn nghị luận về một vấn đề li..

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của việc đứng dậy sau những sai lầm, vấp ngã trong cuộc sống lớp 12


Những sai lầm và vấp ngã là điều không thể tránh khỏi trên hành trình trưởng thành. Nhưng điều quan trọng không phải là ta đã từng gục ngã ra sao, mà là ta đã đứng dậy như thế nào sau những lần vấp ngã ấy.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Hoá - Sinh - Sử - Địa

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.

II. Thân đoạn:

* Giải thích:

 Đứng dậy sau vấp ngã là vượt qua những đau đớn, tổn thương trước những khó khăn, thất bại của cuộc sống và biết giữ vững ý chí, quyết tâm để thực hiện ước mơ, khát vọng của bản thân.

* Bàn luận: Việc đứng dậy sau vấp ngã có ý nghĩa quan trọng với mỗi người, đặc biệt là với giới trẻ hôm nay:

- Vấp ngã chính là động lực giúp con người vượt qua khiếm khuyết, hạn chế của bản thân để từ đó rèn luyện, phấn đấu để ngày càng hoàn thiện.

- Giúp chúng ta có thêm ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm, can đảm để vượt qua mọi khó khăn.

- Chúng ta sẽ vững vàng, trưởng thành hơn, và rút ra được bài học cho chính mình sau mỗi lần vấp ngã.

- Là chìa khóa mở ra cánh cửa của thành công.

- Biết nỗ lực đứng dậy sau vấp ngã sẽ được mọi người tôn trọng, quý mến.

- Góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, phát triển.

 (Dẫn chứng: Hs lấy dẫn chứng phù hợp.)

III. Kết bài:

- Biết đứng dậy sau vấp ngã là đều quan trọng.

- Tuổi trẻ không nên sợ hãi vấp ngã, vì càng ngã đau thì bạn càng nhớ rõ để rồi không bao giờ vấp ngã tại chính điểm đấy.

Quảng cáo

Lộ trình SUN 2026

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Những sai lầm và vấp ngã là điều không thể tránh khỏi trên hành trình trưởng thành. Nhưng điều quan trọng không phải là ta đã từng gục ngã ra sao, mà là ta đã đứng dậy như thế nào sau những lần vấp ngã ấy. Chính việc dũng cảm đứng dậy sau sai lầm mới thật sự thể hiện bản lĩnh và ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống con người.

Mỗi người sinh ra không ai hoàn hảo. Ai rồi cũng có lúc phạm sai lầm – trong học tập, trong các mối quan hệ, hay trong cách sống. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, tự trách móc, buông xuôi hay trốn tránh, thì ta sẽ chẳng bao giờ có cơ hội tiến xa hơn. Đứng dậy sau vấp ngã là hành động thể hiện sự can đảm. Nó cho thấy ta dám nhận lỗi, dám sửa sai, và dám bước tiếp một cách kiên cường.

Sự trưởng thành thật sự không đến từ những ngày tháng bình yên, mà đến từ những khoảnh khắc ta vượt qua được thất bại. Có đôi khi, sai lầm là bài học quý giá giúp ta hiểu rõ hơn về chính mình, biết đâu là điều cần sửa đổi, đâu là giá trị cần giữ gìn. Chỉ khi đã từng vấp ngã, ta mới trân trọng hơn những bước đi vững vàng sau này.

Có rất nhiều người đã từng thất bại, từng sai lầm, nhưng điều khiến họ thành công là họ không từ bỏ. Một học sinh từng học kém có thể trở thành người xuất sắc nếu đủ quyết tâm sửa đổi. Một người từng vướng vào những hành động sai trái có thể làm lại cuộc đời nếu họ biết ăn năn, sửa chữa và nỗ lực sống tốt hơn. Đứng dậy sau vấp ngã là cơ hội để làm lại, để bắt đầu một chương mới – đôi khi còn tốt đẹp hơn cả trước kia.

Tuy nhiên, để làm được điều đó không dễ. Nó đòi hỏi ta phải mạnh mẽ đối diện với lỗi lầm của chính mình, không đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh. Ta cần có lòng kiên trì, sự nhẫn nại và niềm tin rằng bản thân có thể thay đổi. Và đôi khi, một lời động viên, một bàn tay đưa ra đúng lúc cũng có thể giúp ai đó đủ dũng khí để đứng dậy.

Việc đứng dậy sau những sai lầm, thất bại không chỉ giúp ta sửa chữa lỗi lầm mà còn dạy ta cách sống bản lĩnh, sống có trách nhiệm và không ngừng hoàn thiện bản thân. Sai lầm là điều ai cũng có, nhưng chính cách ta đối diện và vượt qua mới quyết định con người ta là ai. Đừng sợ vấp ngã, hãy sợ nếu ta không dám đứng dậy sau khi ngã. Vì chỉ khi dám đứng dậy, ta mới thật sự sống.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Cuộc sống là một hành trình dài đầy những ngã rẽ bất ngờ, nơi mỗi con người đều mang trong mình khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp. Nhưng không có con đường nào chỉ trải đầy hoa hồng. Thế nhưng, chính trong những khoảnh khắc tăm tối đó, việc lựa chọn đứng dậy, tiếp tục bước đi lại mang một ý nghĩa vô cùng to lớn: đó là biểu hiện của sức mạnh nội tâm, của lòng can đảm và của một tinh thần không khuất phục trước số phận.

Thật vậy, con người không lớn lên nhờ thành công, mà trưởng thành từ thất bại. Những lần vấp ngã là cơ hội để ta chiêm nghiệm, để ta nhìn lại bản thân với ánh mắt trung thực nhất. Mỗi sai lầm là một bài học, mỗi lần đau là một lần thấm thía. Đứng dậy không có nghĩa là quên đi sai lầm, mà là chấp nhận nó, rút ra kinh nghiệm từ nó và không để bản thân mắc lại lần nữa.

Cuộc đời không thiếu những tấm gương vượt qua sai lầm để vươn lên. Hãy nhớ đến Abraham Lincoln – người từng thất bại trong kinh doanh, trượt cử nhiều lần trước khi trở thành Tổng thống Mỹ vĩ đại. Hay như nhà văn J.K. Rowling – bà từng sống trong cảnh nghèo khó, bị từ chối bản thảo nhiều lần trước khi Harry Potter ra đời và thay đổi cuộc đời bà. Những con người ấy không hề đặc biệt ngay từ đầu, nhưng chính lòng kiên định và bản lĩnh vượt qua thất bại đã khiến họ trở nên phi thường.

Thật đáng tiếc nếu ai đó vì một sai lầm mà đánh mất niềm tin vào chính mình. Cuộc sống vốn không hoàn hảo, và con người cũng vậy. Điều quan trọng là chúng ta đừng để những vết xước trở thành vết sẹo kéo lùi cuộc đời mình. Hãy xem những lần vấp ngã là thử thách mà cuộc đời đặt ra để đo lòng kiên cường của chúng ta.

Sai lầm là điều không ai tránh khỏi, nhưng đứng dậy sau sai lầm mới là điều làm nên giá trị của mỗi con người. Đó là hành trình vượt lên chính mình, là bước chuyển từ yếu đuối sang mạnh mẽ, từ bóng tối sang ánh sáng. Chỉ khi dám đứng dậy, ta mới thật sự sống trọn vẹn và trưởng thành. Vì vậy, đừng sợ ngã, mà hãy học cách ngẩng đầu sau khi ngã – đó mới là điều khiến cuộc sống trở nên đáng sống.

Bài tham khảo Mẫu 1

Cuộc sống không bao giờ trải hoa hồng cho bất kỳ ai. Ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần phạm sai lầm, từng trải qua vấp ngã hay thất bại trên hành trình trưởng thành. Nhưng chính trong những khoảnh khắc tưởng chừng yếu đuối và đau đớn ấy, khả năng đứng dậy, làm lại từ đầu mới thực sự là thước đo của bản lĩnh và sức mạnh con người. Việc đứng dậy sau những sai lầm, vấp ngã không chỉ là hành động vượt qua nghịch cảnh, mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là chìa khóa để mỗi người hoàn thiện bản thân và chạm đến thành công.

Sai lầm và vấp ngã là điều tất yếu trong hành trình sống, học tập và làm việc. Không ai sinh ra đã hoàn hảo, và không ai có thể bước đi mà chưa từng trượt ngã. Những thất bại ấy, dù lớn hay nhỏ, đều để lại dấu ấn trong tâm hồn mỗi người. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở việc ta đã ngã bao nhiêu lần, mà là ở chỗ ta có dám đứng lên và tiếp tục bước đi hay không. Khi con người biết đối diện và học hỏi từ những sai lầm, họ không chỉ rút ra bài học quý giá mà còn trưởng thành hơn trong tư duy và cảm xúc.

Việc đứng dậy sau thất bại là biểu hiện của lòng dũng cảm và ý chí kiên cường. Nó đòi hỏi con người phải vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm, thậm chí là sự chỉ trích từ người khác để tin vào chính mình. Thomas Edison – nhà phát minh thiên tài người Mỹ – từng thất bại hàng nghìn lần trước khi sáng chế thành công bóng đèn. Nhưng ông không coi đó là thất bại, mà là những bước tiến gần hơn đến chân lý. Tinh thần không bỏ cuộc đã biến ông thành biểu tượng của sự kiên trì và sáng tạo.

Không những vậy, mỗi lần đứng dậy cũng là một lần con người tôi luyện bản thân về lòng kiên nhẫn, sự bao dung và khả năng phục hồi cảm xúc. Cuộc sống luôn vận động và đầy rẫy những bất trắc. Người có bản lĩnh không phải là người không bao giờ ngã, mà là người có thể mỉm cười đứng dậy sau mỗi lần ngã. Như những bông hoa nở rộ sau mùa giông bão, con người chỉ thật sự tỏa sáng khi đã trải qua thử thách và đau thương.

Tuy nhiên, để có thể đứng dậy, con người cần một tinh thần cầu thị và một thái độ sống tích cực. Việc chối bỏ sai lầm hay đổ lỗi cho hoàn cảnh chỉ khiến ta dậm chân tại chỗ. Điều cần thiết là ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận thất bại và không ngừng cải thiện chính mình. Đồng thời, sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và xã hội cũng là nguồn động lực quý giá giúp mỗi người vững bước trên hành trình làm lại từ đầu.

Đứng dậy sau những sai lầm và vấp ngã là một hành trình không dễ dàng nhưng vô cùng đáng giá. Đó là minh chứng cho sức mạnh nội tâm, cho ý chí không khuất phục trước khó khăn. Mỗi lần vượt qua thử thách là một bước tiến gần hơn đến thành công và hạnh phúc đích thực. Bởi vậy, thay vì sợ hãi hay nản chí, hãy học cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, vì chính trong những khoảnh khắc tưởng chừng yếu đuối ấy, con người mới khám phá được sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình.

Bài tham khảo Mẫu 2

Trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập có viết: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Quả thật, hành trình của cuộc sống luôn chứa đựng nhiều thử thách khiến chúng ta vấp ngã. Nhưng quan trọng, mỗi người cần rèn luyện được tinh thần không sợ vấp ngã.

Đầu tiên, “không sợ vấp ngã” có thể hiểu đơn giản là thái độ không sợ hãi, lo lắng khi gặp phải khó khăn, thất bại. Đồng thời, “không sợ vấp ngã” còn là dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách gây cản trở, làm khó dễ cho bản thân; dám lao vào làm những điều mà người khác e sợ.

Người không sợ vấp ngã sẽ luôn dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách mà không hề sợ sệt, ngại ngùng. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống luôn cố gắng vươn lên, càng khó khăn càng kiên cường bước tiếp. Bạn hãy nhớ rằng khi dám làm những việc mà người khác không dám làm, chúng ta sẽ đạt được những thành quả mà người khác không thể đạt được. Người không sợ vấp ngã sẽ luôn độc lập, làm chủ cuộc sống của bản thân. Họ khiến người khác nể phục, yêu mến và trở thành tấm gương sáng để con người chúng ta học tập và noi theo.

Abraham Lincoln - là một tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người quyền lực. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Bố mẹ của ông đều là những người nông dân thất học và mù chữ. Cuộc đời Lincoln gặp nhiều thất bại cũng như thành công. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại ông đều lấy lại tinh thần, coi đó là nguồn động lực để tiếp tục cố gắn g. Cho đến bây giờ, cái tên Abraham Lincoln luôn được xem là một nhà chính trị tiêu biểu sánh ngang với vị tổng thống khai quốc huyền thoại - George Washington. Hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, Người ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Trong suốt “hành trình ngàn dặm” đó, Người đã đi qua nhiều nước phương Tây, phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Con đường ấy tuy đầy khó khăn, nhưng Người chưa bao giờ sợ hãi vấp ngã. Đến cuối cùng, Bác cũng tìm đến được với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều con người sống thụ động, luôn sợ hãi, không dám đương đầu với thử thách. Khi gặp khó khăn, họ nản chí và lùi bước, chạy trốn. Những người như vậy sẽ chỉ nhận được thất bại, sống một cuộc đời vô ích.

Như vậy, “không sợ vấp ngã” là một tinh thần đáng nể phục. Mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cần tôi luyện để có được tinh thần đó, sống một cuộc đời ý nghĩa và giá trị.

Bài tham khảo Mẫu 3

Trong hành trình sống, không ai có thể tránh khỏi những lần vấp ngã, sai lầm. Đó có thể là những thất bại trong học tập, công việc, hay là những quyết định sai lầm trong mối quan hệ, cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, điều làm nên giá trị và bản lĩnh của mỗi con người không phải là việc họ chưa từng thất bại, mà là cách họ đối diện và đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Bởi lẽ, việc đứng dậy sau những sai lầm, thất bại không chỉ giúp con người trưởng thành hơn mà còn là bước đệm để vươn tới thành công và sống một cuộc đời ý nghĩa.

Sai lầm và thất bại là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt trong một thế giới luôn biến động và phức tạp như hiện nay. Không có con đường nào dẫn đến thành công mà hoàn toàn bằng phẳng. Những vấp ngã đôi khi không chỉ khiến con người tổn thương mà còn làm lung lay niềm tin vào chính mình. Thế nhưng, chính trong những khoảnh khắc khó khăn đó, con người mới có cơ hội nhìn lại bản thân, nhận ra điểm yếu để khắc phục, và học được những bài học quý giá mà không sách vở nào dạy được.

Việc đứng dậy sau sai lầm là biểu hiện của sự kiên cường, nghị lực và lòng dũng cảm. Nó đòi hỏi con người phải vượt qua mặc cảm, dám đối diện với thất bại và không ngừng nỗ lực để làm lại từ đầu. Mỗi lần đứng dậy là một lần chúng ta rèn luyện tinh thần thép, bản lĩnh sống và ý chí vượt khó. Có thể nói, những vết xước của sai lầm chính là minh chứng cho sự trưởng thành của mỗi người.

Trong thực tế, rất nhiều người thành công đã từng trải qua những thất bại nặng nề. Thomas Edison thất bại hàng nghìn lần trước khi phát minh ra bóng đèn điện. Steve Jobs từng bị đuổi khỏi chính công ty mà mình sáng lập trước khi trở lại và biến Apple thành một đế chế công nghệ. Họ là minh chứng sống động cho việc thất bại không phải là dấu chấm hết, mà là bước đệm cho thành công nếu ta biết đứng dậy và đi tiếp.

Tuy nhiên, để có thể đứng dậy, mỗi người cần học cách chấp nhận sai lầm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Sự khiêm tốn, tinh thần cầu tiến và niềm tin vào bản thân là chìa khóa giúp ta vượt qua nghịch cảnh. Đồng thời, sự đồng hành, sẻ chia từ gia đình, bạn bè cũng là nguồn động lực quan trọng để ta thêm vững vàng.

Việc đứng dậy sau những sai lầm, vấp ngã không chỉ giúp ta tiến gần hơn đến thành công mà còn là cách để sống có trách nhiệm, ý nghĩa và đáng tự hào. Thất bại không đáng sợ, điều đáng sợ là không dám đối diện và buông xuôi. Mỗi lần vấp ngã là một lần thử thách ý chí, và mỗi lần đứng dậy là một lần ta khẳng định bản lĩnh sống của chính mình. Vậy nên, hãy dũng cảm đối mặt với thất bại, bởi đó chính là cơ hội để ta viết tiếp hành trình của cuộc đời bằng những nét vẽ mạnh mẽ và tự tin hơn.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Group 2K8 ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí