Tổng hợp 50 bài văn nghị luận về một vấn đề cần..

Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn sự trong sáng và đẹp đẽ của Tiếng Việt lớp 9


Việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt là một việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi người dân của nước ta. Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lần người nói về việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, cần phải phát huy Tiếng Việt truyền thống là cho Tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tình yêu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt chính là sự tôn trọng ngôn ngữ mẹ đẻ, sử dụng tiếng việt một cách hợp lí, đúng đắn, không chêm xen quá nhiều ngôn ngữ khác khi giao tiếp, có ý thức giữ gìn và phát huy tiếng việt cũng như quảng bá đến bạn bè trên thế giới.

b. Phân tích

- Mỗi một quốc gia có một nền văn hóa, một ngôn ngữ khác nhau, là công dân của quốc gia, mỗi người có ý thức giữ gìn, phát huy cũng như truyền bá văn hóa, ngôn ngữ của mình.

- Chúng ta cần phải bảo vệ tiếng việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt, không để người khác làm mai một, bão hòa ngôn ngữ riêng của mình với bất kì thứ ngôn ngữ nào khác.

- Tuy nhiên, giữ gìn tiếng mẹ đẻ không có nghĩa là bài trừ những ngôn ngữ khác mà cần sử dụng tiếng nước ngoài sao cho phù hợp, không được lạm dụng quá mức.

c. Chứng minh

Học sinh lấy dẫn chứng những tác phẩm tiếng việt nổi tiếng hoặc những con người, những hành động cao đẹp bảo vệ, quảng bá tiếng việt ra thế giới,… để làm ví dụ minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều trường hợp lạm dụng tiếng nước ngoài vào trong giao tiếp, cũng có những trường hợp sử dụng tiếng việt với mục đích xấu làm mất đi sự trong sáng của tiếng việt,… những hành động này cần ngăn ngừa.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt là một việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi người dân của nước ta. Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lần người nói về việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, cần phải phát huy Tiếng Việt truyền thống là cho Tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có.

Tuy nhiên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, khi đất nước ta ngày càng mở rộng các mối quan hệ với nước ngoài đặc biệt là các nước Phương Tây thì việc lai căng, rồi sử dụng ngôn ngữ chung của Thế Giới là Tiếng Anh xen lẫn với Tiếng Việt càng trở nên phổ thông.

Đặc biệt là với các bạn trẻ hiện đại thích những thứ mới lạ, nhưng phong cách Tây hóa thì việc sử dụng ngôn ngữ lai Tây, Tiếng Anh xen lẫn Tiếng Việt trong cuộc sống hiện đại lại trở nên nhiều hơn và phổ biến hơn.

Điều này làm cho sự trong sáng của Tiếng Việt mất dần đi, không còn giữ được giá trị riêng của mình trong đời sống, sinh hoạt của con người. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một sự thật vô cùng phũ phàng rằng cùng sự phát triển về công nghệ hiện đại thì việc sử dụng Tiếng Anh là vô cùng quan trọng và cần thiết. Vì nếu không biết Tiếng Anh chúng ta không thể nào giao tiếp hòa nhập với bạn bè năm châu trên thế giới.

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ còn sử dụng từ lóng, tiếng lóng, tiếng lái, làm chệch chuẩn ngôn ngữ Tiếng Việt của nước ta, làm mất đi ít nhiều sự trong sáng của Tiếng Việt.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải dùng Tiếng Việt một cách đúng đắn hơn tránh dùng những từ ngữ lai căng từ Hán- Việt, từ Pháp- Việt, hay Anh Việt trừ trường hợp không có từ thay thế. 

Việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt là việc làm của tất cả mọi người dân từ già tới trẻ, không phân biệt ai với ai mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với ngôn ngữ mẹ đẻ của Quốc Gia mình.

Chúng ta phải giữ gìn ngôn ngữ của ông cha, bảo vệ phát triển nó như một truyền thống, một sự tinh hoa của ngôn ngữ dân tộc không để cho ngôn ngữ của mình bị mai một trong thời gian.

Để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt chúng ta cần phải có những quy định rõ ràng chặt chẽ về việc bảo vệ ngôn ngữ Quốc Gia. Cần xây dựng một hệ thống ngôn ngữ đúng chuẩn, tránh những ngôn ngữ chệch chuẩn của thế hệ trẻ. Cần phải loại trừ sự lố lăng trong việc sử dụng từ ngữ lai căng, chệch chuẩn của các bạn trẻ hiện nay.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Có thể nói, tiếng Việt là một ngôn ngữ mở. Điều ấy được chứng minh qua mấy nghìn năm phát triển của nó. Thế nhưng, bởi sự cởi mở và hào phóng ấy, trong thời đại ngày nay, tiếng Việt dần mất đi sự trong sáng bởi cách sử dụng và tiếp biến ngôn ngữ tùy tiện của người Việt ta. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay

Nguyên nhân khiến cho Tiếng Việt mất dần đi sự trong sáng chính do sự giao thoa các nền văn hóa trên thế giới thông qua hợp tác kinh tế và công nghệ thông tin làm cho việc tiếp cận và sử dụng và tiếp ngôn ngữ của người Việt trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Tiếng Việt chưa có những từ ngữ mới thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bởi thế, sự vay mượn là tất yếu.

Mặt khác, lối sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, thiếu ý thức của một bộ phận giới trẻ khiến cho tiếng Việt bị lai tạp một cách phản cảm, phản khoa học. Sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng và các nhà văn hóa trong nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng là nguyên nhân khiến Tiếng Việt ngày càng trở nên hỗn độn, tùy tiện và vô nguyên tắc.

Nhiều từ ngữ bị thay thế bởi lói sính ngữ, sùng ngoại của một bộ phận người Việt. Một hệ thống từ ngữ mang tính bạo lực, phản cảm vốn là điều hạn chế trước đây thì ngày nay lại được sử dụng khá phổ biến làm mất đi sự tế nhị, lịch sự của người Việt ta đã được khẳng định và gìn giữ trong mấy nghìn năm qua. Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước hết phải thuộc về giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Tuổi trẻ phải có tình cảm yêu mến, có ý thức tôn trọng, yêu quý và gìn giữ Tiếng Việt như gìn giữ cuộc sống của chính mình.

Mỗi người Việt Nam phải có ý thức trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong chính hoạt động sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp. Phải rèn luyện năng lực nói và viết theo đúng chuẩn mực, quy tắc ngôn ngữ để đảm bảo sự trong sáng. 

Tiếng Việt không chỉ là tiếng nói mà còn là ngôn ngữ của văn học, văn nghệ mà những nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… và các nhà văn nhà thơ ngày nay đã nâng lên đến trình độ cao về nghệ thuật, khiến cho nó trở nên trong sáng, đẹp đẽ lạ thường. Chính cái giàu đẹp đó đã làm nên cái chất, giá trị, bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt, kết quả của cả một quá trình và biết bao công sức dồi mài…

Tiếng Việt ta là một thứ tiếng rất giàu và đẹp. Tiếng Việt ta là linh hồn của dân tộc ta. Vì thế, thế hệ tuổi trẻ ngày nay phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như gìn giữ chính linh hồn của mình. 

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Tiếng Việt là ngôn ngữ của người Việt, là nòng cốt của nền văn hóa nước ta. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, cùng với sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác thì nét trong sáng của tiếng Việt đang dần bị ảnh hưởng và cần được giữ gìn, bảo vệ.

Vì sao lại cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Bởi vì hiện nay, nhiều người sử dụng tiếng Việt một cách thiếu chuẩn mực. Họ biến tướng các từ ngữ gốc thành thứ ngôn ngữ kí hiệu không có ý nghĩa. Chế tạo ra các cụm từ mới với ý nghĩa độc hại và gán ghép, sử dụng với mục đích xấu. Ban đầu, đó chỉ là cách viết tắt, viết kí hiệu nhằm tạo cá tính riêng hoặc rút gọn thời gian viết khi vội. Nhưng dần dần, thứ ngôn ngữ độc hại đó ngày càng lan rộng và xâm lấn mạnh mẽ, xuất hiện trong mọi cuộc trò chuyện, thậm chí ám vào sách vở. Điều đó làm tiếng Việt - một ngôn ngữ hay và trong sáng dần bị biến chất. 

Trong đó, thế hệ trẻ là những người sử dụng và chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là thế hệ tương lai của đất nước, nên càng cần phải có biện pháp xử lí, răn đe phù hợp khi các bạn sử dụng những ngôn từ thiếu chuẩn mực, bất lịch sự trong giao tiếp hoặc viết bài. Bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến tiếng Việt, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cách người khác đánh giá, nhìn nhận về các bạn. Vì vậy, chúng ta cần hành động ngay và thật quyết liệt để đầy lùi hiện tượng này. Chỉ khi nhà trường và gia đình cùng nhau phối hợp thì mới đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng cuối cùng, vẫn cần chính bản thân mỗi người nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và tự mình sửa chữa, thì mới giải quyết triệt để được.

Dù trong thời đại nào, xã hội phát triển ra sao, các giá trị thay đổi như thế nào, thì tiếng Việt vẫn phải là tiếng Việt. Là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước, chúng ta cần có trách nhiệm tiếp bước cha ông gìn giữ sự trong sáng ấy của tiếng Việt.

Bài tham khảo Mẫu 1

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của tiếng Việt, của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Người luôn trân trọng và giữ gìn tiếng Việt, Người căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Chính vì vậy, việc giữ gìn sự trong sáng và đẹp đẽ của Tiếng Việt không chỉ là trách nhiệm của những thế hệ đi trước mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ trẻ hiện nay. Câu nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp” đã khẳng định vẻ đẹp và giá trị của Tiếng Việt. 

Tiếng Việt là ngôn ngữ chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc, là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Qua hàng nghìn năm lịch sử, Tiếng Việt đã trở thành nhịp cầu kết nối giữa các thế hệ, là phương tiện lưu giữ những truyền thống, những ký ức lịch sử của cha ông, đồng thời phản ánh tấm lòng, tâm hồn của người Việt Nam. Đặc biệt, Tiếng Việt không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là một kho tàng văn hóa phong phú với hệ thống từ ngữ, hình ảnh, âm điệu vô cùng đặc sắc. Đó là những lời ru, những câu ca dao, những bài thơ, tác phẩm văn học quý báu mà mỗi thế hệ lại có trách nhiệm gìn giữ và phát huy. Những giá trị về đạo lý, phong tục, tập quán của dân tộc đều được thể hiện qua ngôn ngữ. Cũng chính vì vậy, mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ và phát huy Tiếng Việt trong thời kỳ toàn cầu hóa, khi các ngôn ngữ khác cũng đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ. Tiếng Việt không chỉ đơn thuần là một ngôn ngữ mà là biểu tượng của sự độc lập, tự chủ và lòng tự hào dân tộc.

Hồ Chí Minh, với tầm nhìn sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa dân tộc, đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về việc gìn giữ sự trong sáng và phát triển của Tiếng Việt trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế. Người khẳng định rằng việc mượn từ ngữ của các nền văn hóa khác, đặc biệt là tiếng Trung Quốc, là cần thiết khi Tiếng Việt thiếu từ vựng, nhưng phải thực hiện một cách có chừng mực và có sự suy nghĩ, nghiên cứu kỹ lưỡng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng mượn từ chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết và không được phép thay thế hoàn toàn Tiếng Việt. Bác cũng phê phán việc sử dụng từ ngữ nước ngoài một cách quá mức, nhất là khi những từ ngữ trong Tiếng Việt hoàn toàn có thể thay thế. Người cho rằng việc lạm dụng từ ngoại lai không chỉ làm giảm tính trong sáng của ngôn ngữ mà còn phản ánh thói quen ỷ lại, không tự mình tìm tòi, sáng tạo. Hồ Chí Minh đặc biệt lo ngại về hiện tượng sử dụng những từ ngữ nước ngoài mà không hiểu đúng bản chất của chúng, khiến cho người nghe hoặc người đọc không thể hiểu được ý nghĩa. Chính vì vậy, Người đã kêu gọi một cuộc vận động chống việc lạm dụng từ ngữ nước ngoài, bảo vệ Tiếng Việt không chỉ bằng cách giữ gìn những từ ngữ thuần Việt mà còn phải biết kết hợp, mượn từ khi thật sự cần thiết và phù hợp.

Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ Tiếng Việt bắt đầu từ chính thói quen trong giao tiếp hàng ngày. Trong một thế giới đầy rẫy thông tin như hiện nay, việc sử dụng các từ ngữ không chuẩn mực, thiếu tôn trọng, thậm chí là thô tục, đang dần phổ biến, đặc biệt là trên mạng xã hội. Sự xuất hiện của những câu nói, từ ngữ lai tạp và biến thể khiến Tiếng Việt trở nên méo mó, thiếu tính thẩm mỹ và không còn phản ánh đầy đủ bản sắc của dân tộc. Thế hệ trẻ cần tự giác học hỏi và trau dồi khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách chuẩn mực, có chiều sâu, giúp bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Các bạn trẻ cần hiểu rằng, việc sử dụng Tiếng Việt đúng cách không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với ngôn ngữ mà còn thể hiện sự tôn trọng với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ còn có trách nhiệm trong việc gìn giữ vẻ đẹp của Tiếng Việt thông qua việc bảo tồn và phát huy các phương ngữ, tiếng nói địa phương đặc sắc của dân tộc. Tiếng Việt không chỉ có một hình thức chuẩn mực mà còn mang trong mình sự đa dạng phong phú của các phương ngữ. Những đặc trưng riêng biệt của từng vùng miền là một phần không thể thiếu trong sự đa dạng và đẹp đẽ của Tiếng Việt. Thế hệ trẻ có thể tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các phương ngữ, giúp cho tiếng nói của mỗi vùng miền không bị mai một, góp phần làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ dân tộc.

Một trong những cách thức hiệu quả để thế hệ trẻ giữ gìn Tiếng Việt là thông qua việc học tập và nghiên cứu văn học, ngôn ngữ. Các bạn trẻ nên chủ động đọc sách, nghiên cứu các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại để làm phong phú thêm vốn từ vựng và kiến thức ngữ pháp của mình. Đồng thời, việc tham gia các cuộc thi về ngôn ngữ, văn hóa, thi viết, nói về Tiếng Việt cũng là cơ hội để giới trẻ khẳng định tình yêu đối với ngôn ngữ của dân tộc, từ đó góp phần bảo vệ và phát triển Tiếng Việt trong tương lai.

Ngoài ra, thế hệ trẻ còn có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông để lan tỏa vẻ đẹp của Tiếng Việt. Những bài viết, video, blog, bài thuyết trình được đăng tải trên các nền tảng xã hội có thể giúp giới thiệu Tiếng Việt đến với bạn bè quốc tế và khiến cho nhiều người yêu thích và trân trọng ngôn ngữ này hơn.

Là một người trẻ, tôi ý thức rằng việc sử dụng Tiếng Việt đúng cách không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là cách để tôi đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi luôn cố gắng sử dụng những từ ngữ chính xác, dễ hiểu trong giao tiếp hàng ngày, tránh việc sử dụng các từ vay mượn không cần thiết. Hơn nữa, trong học tập và công việc, tôi cũng tích cực tìm hiểu, sáng tạo cách diễn đạt mới mẻ, vừa phù hợp với văn phong Tiếng Việt, vừa có thể tiếp thu và vận dụng những kiến thức từ các ngôn ngữ khác một cách hợp lý. Qua đó, tôi cũng hiểu rằng mình cần tiếp tục học hỏi, tìm tòi và nâng cao kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa để vừa bảo vệ bản sắc dân tộc, vừa không ngừng hòa nhập và phát triển. Việc giữ gìn và phát huy Tiếng Việt trong sáng không chỉ là trách nhiệm của cá nhân tôi mà còn là đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp chung của toàn xã hội.

Bài tham khảo Mẫu 2

Tiếng Việt là tiếng nói, là ngôn ngữ của nước Việt Nam ta. Nó không chỉ là phương tiện để trao đổi đơn thuần, mà còn có vai trò then chốt trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc. Giống như Phạm Quỳnh đã từng nói “Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Lịch sử nước ta đã trải qua cả nghìn năm đầy biến động, với không ít lần bị kẻ thù đô hộ, nhưng chưa bao giờ chúng ta quên đi tiếng nói của mình. Tiếng Việt là tiếng nói của người Việt, là biểu hiện của văn hóa dân tộc Việt không thể nào bị trộn lẫn, bị đồng hóa, bị cướp đoạt. Đó là niềm tự hào, là sợi dây gắn kết những đồng bào cùng chung dòng máu Tiên Rồng với nhau.

Trân quý đến như vậy, nhưng hiện nay lại có một bộ phận học sinh đã sử dụng tiếng Việt không còn thuần túy nữa. Các bạn ấy đã tự mình “sáng tạo” ra những cách dùng mới với lối nói và hàm nghĩa riêng, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Những từ ngữ ấy là các cách viết tắt, viết bằng kí hiệu, hoặc tiếng lóng, tiếng đảo ngữ. Thậm chí là gán ghép các mặt nghĩa đen tối, thiếu đứng đắn cho một từ ngữ rồi dùng một cách phổ biến. Các từ ngữ ấy được sử dụng để các bạn học sinh trao đổi với nhau, trước hết là trên mạng xã hội dành cho giới trẻ. Lúc đầu, chúng giúp rút ngắn thời gian khi nói, viết. Đồng thời tạo cảm giác hài hước, thú vị cho câu thoại. Tuy nhiên, theo thời gian, mọi thứ dần bị biến chất. Các bạn ấy sử dụng các từ ngữ đó cả khi nói chuyện với người lớn, trong cuộc hội thoại ở nơi công cộng, rồi nhiều bạn còn “lậm” cả vào trong bài vở. Nếu chỉ sử dụng giữa những người bạn với nhau, thì còn có thể xếp các từ ngữ đó vào nhóm biệt ngữ. Nhưng khi nó đã được đưa ra để sử dụng ở nơi công cộng thì sẽ trở thành hành vi bất lịch sự. Đặc biệt là khi các bạn ấy còn truyền đạt cho cả người nước ngoài, thậm chí là quên mất việc sử dụng các từ ngữ “chính thống”. Điều đó khiến cho tiếng Việt - một ngôn ngữ chứa đầy lòng tự hào của dân tộc dần mất đi sự trong sáng của nó. Đây là một thực trạng hết sức đáng buồn. Bởi các bạn học sinh là tương lai của đất nước, mà chính tương lai ấy lại đang có những hành vi thiếu chuẩn mực.

Do đó, chúng ta cần phải có những hành vi thiết thực và phù hợp để chấn chỉnh lại hiện tượng này. Đó không phải là ngăn cấm hoàn toàn việc sử dụng các “biệt ngữ” của riêng các bạn. Mà cần yêu cầu các bạn ấy sử dụng chúng đúng môi trường và đối tượng phù hợp. Đồng thời, có các hoạt động, chương trình tuyên truyền và giáo dục về giá trị của tiếng Việt, để giúp các bạn học sinh thêm yêu quý và thấu hiểu hơn về ngôn ngữ của dân tộc mình. Cùng với đó, cần có các biện pháp răn đe, xử phạt hợp lí với các trường hợp nhiều lần cố tình có hành vi phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt.

Học sinh là tương lai của đất nước của dân tộc. Vì vậy, chính các bạn học sinh phải tự ý thức được vai trò và tầm quan trọng của bản thân trong việc bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Để từ đó có những hành vi đúng mực và phù hợp với vai trò của bản thân.

Bài tham khảo Mẫu 3

Tiếng Việt chính là quốc ngữ của dân tộc Việt Nam ta, và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây cũng đã luôn luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Hơn nữa các bậc tiền bối này còn đã giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, cũng như là chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại. Thế nhưng, một sự thật đáng buồn đó chính là hiện nay, đặc biệt là chính trong xu thế hội nhập quốc tế, ta như thấy được bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực và mất dần đi những sự trong sáng vốn có của nó.

Thông qua đây ta như thấy được rằng chính điều đáng quan tâm nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng. Dường như ta cũng có thể thấy được rằng khi ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ hiện nay như đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Các bạn khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh vào một các vô tội vạ. Tất nhiên, ta dường như cũng phải thừa nhận rằng trong sự phát triển mau lẹ và thật là nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Hơn nữa ta cũng cần biết được rằng tin học và công nghệ thông tin hiện nay dường như đã có quá nhiều thuật ngữ mới ra đời mà chưa có trong tiếng Việt. Chắc chắn vì điều này cho nên phải dùng những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài mới sử dụng được đúng ý muốn khi nói và viết tiếng Việt. Những từ ngữ công nghệ đó như Internet, trang web…, song ta như thấy được những điều mà thật đáng chê trách nhất vẫn là việc dùng chữ viết nước ngoài một cách lố bịch và thái quá. Khi đang nói một câu thuần Việt người ta cũng không quên thêm vào đó một số từ tiếng Anh để cho người nghe biết được mình rất am hiểu. Chính điều này sử dụng thái quá sẽ gây ra những điều không hề phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta.

Để ngụy biện cho những sự không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ta như thấy được người nói thường cho rằng đó chính là một cách để học tiếng Anh. Tiếng Anh là một ngôn ngữ hội nhập không thể thiếu được trong cuộc sống hiện đại ngày nay, điều đó là điều không thể phủ nhận được. Nhưng thực ra, để mà có thể muốn thực hành ngoại ngữ, mỗi người chúng ta hoàn toàn có thể nói, đồng thời cũng có thể viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học ở các lớp học ngoại ngữ, các lớp đại học dạy bằng tiếng nước ngoài. Một cách học ngoại ngữ hiệu quả nữa đó chính là việc tạo cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài ở Việt Nam… Còn việc chúng ta khi nói cũng như viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai sẽ làm cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng, trừ trường hợp bất đắc dĩ mà thôi. Không thể phủ nhận tiếng Việt của ta phần lớn và sự vay mượn tiếng Hán chiếm đến 80%. Nhưng người dùng không nên lai căng một cách thái quá. Ngày xưa các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán chính là những người “hay chữ lỏng” và có câu nói rất hay đó chính là “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”.

Khi mà bị thực dân Pháp xâm lược nước ta thì người dân nước ta cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều đến ngôn ngữ của chúng ta. Nhưng sau đó hiểu được điều này thù thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng như chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi mọi người hãy giữ lấy sự trong sáng của tiếng Việt.

Thực tế, ta như thấy được rằng chính người dân không bao giờ sử dụng từ “tham gia giao thông” như những câu nói mà đã quá quen thuộc với chúng ta. Mà dường như người ta lại thường dặn dò nhau “đi đường phải cẩn thận” chứ từ xưa đến nay chẳng ai nói “tham gia giao thông phải cẩn thận”. Quả thật chúng ta mà để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo tấm gương Bác Hồ đã từng nói thì chính Nhà nước nên có quy định chặt chẽ và phải có sự kiểm soát. Hơn nữa là Viện Ngôn ngữ học phải có trách nhiệm đề xuất, cũng như là việc phải xây dựng quy định chuẩn về việc mọi người hiện nay dường như lại dùng từ tiếng nước ngoài trong các văn bản, hay những câu nói đời thường. Và đặc biệt ngay cả những văn bản chính thức của Nhà nước dường như cũng ít nhiều bị những thói quen không tốt này gây ra.

Và vẫn còn đó là các trường học cũng phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta có thể loại trừ sự lố bịch trong việc dùng tiếng lai dường như cũng chính là một khía cạnh thể hiện niềm tự hào và ngoài ra đó cũng chính là sự tôn trọng ý thức dân tộc trong ngôn ngữ, nó dường như cũng đã góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí