Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn. Em hiểu như thế nào về lời khuyên trong câu ca dao trên? lớp 9>
Ca dao tự bao đời nay đã trở thành một mảnh ghép của hồn Việt, là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng ta với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tình cảm đẹp đẽ và sâu sắc.
Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải
Toán - Văn - Anh
Dàn ý
a. Mở bài.
- Giới thiệu chung về truyền thống thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam.
- Trích dẫn câu ca dao.
b. Thân bài.
* Hiểu câu ca dao như thế nào?
- Bầu bí là hai thứ cây khác giống nhưng cùng loài, thường được trồng cho leo chung giàn nên cùng điều kiện sống.
- Bầu bí được nhân hoá trở thành ẩn dụ để nói về con người cùng chung làng xóm, quê hương, đất nước.
- Lời bí nói với bầu ẩn chứa ý khuyên con người phải yêu thương đoàn kết dù khác nhau về tính cách, điều kiện riêng.
* Vì sao phải yêu thương đoàn kết?
- Yêu thương đoàn kết sẽ giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
+ Người được giúp đỡ sẽ vượt qua khó khăn, tạo lập và ổn định cuộc sống.
+ Người giúp đỡ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, gắn bó với xã hội, với cộng đồng hơn.
+ Xã hội bớt người khó khăn.
- Yêu thương giúp đỡ nhau là đạo lý, truyền thống của dân tộc ta.
* Thực hiện đạo lý đó như thế nào?
- Tự nguyện, chân thành.
- Kịp thời, không cứ ít nhiều tuỳ hoàn cảnh.
- Quan tâm giúp đỡ người khác về vật chất, tinh thần.
* Chứng minh đạo lý đó đang được phát huy.
- Các phong trào nhân đạo.
- Toàn dân tham gia nhiệt tình, trở thành nếp sống tự nhiên.
- Kết quả phong trào.
c. Kết bài.
- Khẳng định tính đúng đắn của câu ca dao.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Ca dao tự bao đời nay đã trở thành một mảnh ghép của hồn Việt, là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng ta với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tình cảm đẹp đẽ và sâu sắc. Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước giữ nước, một truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta luôn nhắc nhở, răn dạy con cháu là về lòng nhân ái, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Điều này được truyền tải trọn vẹn qua câu ca dao:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Bài ca dao ngắn gọn sử dụng hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày là "bí" và "bầu". Đây là hai giống cây khác nhau nhưng có môi trường, điều kiện sống giống nhau. Bầu là cây trồng ở vườn nhà, leo bằng tua cuốn, phân nhánh; lá mềm rộng phủ lông mịn, hoa to trắng, quả dùng để nấu ăn. Còn bí là loài cây song tử diệp cùng họ với bầu, hoa màu vàng, vỏ quả cứng hơn bầu. Hai loại cây này thường được trồng gần nhau và phát triển, leo chung một giàn, được tưới tắm và cùng nhau vươn lên mà sống. Qua hình ảnh đó, câu ca dao truyền tải một bài học sâu sắc: Là con người nói chung và người Việt Nam nói riêng, tuy khác nhau về gia đình nhưng cùng sống trên trái đất, trên đất nước Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta cần có tình yêu thương, sự chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ những người xung quanh để cùng nhau phát triển.
Từ khi sinh ra, con người đã có hoàn cảnh sống khác nhau. Có người sống trong hạnh phúc, giàu sang; người lại ở cảnh khó khăn, nghèo khổ. Vì vậy, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau là vô cùng cần thiết để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Có những người nghĩ rằng mình có thể phát triển, đi đến thành công một mình mà không cần đến ai. Chính quan điểm này đặt ta vào những khó khăn, đơn độc trước những thử thách không thể lường trước. Không ai có thể tồn tại khi chỉ có một mình, sống ích kỷ vì khi đó là lúc ta tự tước đi cơ hội giúp đỡ và nhận được sự giúp đỡ từ người khác.
Khi chúng ta hiểu được giá trị của việc yêu thương đùm bọc lẫn nhau và mở lòng mình ra trao đi tình yêu và giúp đỡ người khác; ta sẽ thấy cuộc đời ý nghĩa và thêm khát khao muốn sống, muốn cống hiến và hoàn thiện chính mình hơn nữa. Trong cuộc sống đã có bao tấm gương tốt đẹp về yêu thương, giúp đỡ người khác: Đó là em nhỏ cõng bạn đi học vượt ngàn cây số; cả nước cùng hướng về miền Trung những trận bão lũ, ai có sức góp sức, ai có của góp của để giúp đỡ đồng bào ruột thịt; hay những chương trình hiến máu nhân đạo, Trái tim cho em. Tất cả những nghĩa cử cao đẹp đó là minh chứng rõ ràng cho giá trị, vẻ đẹp của trao gửi yêu thương, đùm bọc lẫn nhau được cha ông gửi gắm trong câu ca dao.
Bài ca dao là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta cần ghi lòng tạc dạ truyền thống về lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Qua đó mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nghiêm túc rèn luyện và giúp đỡ, trao đi yêu thương để cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Mỗi người, "tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình" phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Quan trọng hơn cả là ta mở lòng trao yêu thương, đùm bọc người khác với trái tim chân thành, không vụ lợi và không mang tâm lý ban ơn cho bất kỳ ai.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn giàu truyền thống nhân đạo, tinh thần yêu thương "lá lành đùm lá rách" được cha ông ta gìn giữ qua bao thế hệ. Truyền thống tốt đẹp ấy còn được gửi gắm qua ca dao - cây đàn muôn điệu của hồn Việt, đó là bài ca dao:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Câu ca dao gần gũi như lời ru của bà của mẹ đưa ta vào giấc ngủ ngọt lành. Bầu, bí là hai loại cây thân thuộc trong khu vườn mỗi gia đình Việt. Chúng là hai giống khác nhau nhưng được trồng cùng một giàn, cùng nhau phát triển, che chở cho nhau. Câu ca dao còn mang ý nghĩa về việc những con người cùng chung sống trên mảnh đất này phải biết đùm bọc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; qua đó khiến cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Truyền thống yêu thương, đoàn kết đã có từ xa xưa, thể hiện rõ nhất khi Tổ quốc lâm nguy. Khi đó, sức mạnh để ta đánh đuổi giặc ngoại xâm chính là sức mạnh kết thành một khối của cả dân tộc. Ta có thể thấy tinh thần ấy trong "Hịch tướng sĩ" của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn: "Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước, lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết, được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười". Đây chính là sức mạnh đoàn kết, trên dưới một lòng để quân ta ba lần đại thắng quân Mông Nguyên hung tàn. Và truyền thống ấy được phát huy mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dân ta như bầu với bí cùng một "giàn", một dân tộc đùm bọc, đoàn kết tạo nên sức mạnh to lớn để đi đến thắng lợi.
Thực tế không ai có thể tồn tại và đạt được thành công khi đơn độc một mình và bất cứ ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Vì vậy, sự yêu thương, đoàn kết không chỉ nâng cao sức mạnh mà còn giúp ta phát triển, hoàn thiện chính bản thân mình. Đồng thời, ta biết mở lòng mình ra để đón nhận yêu thương, trao gửi yêu thương khiến cuộc đời thêm tươi đẹp, vẹn tròn
Qua đó, mỗi cá nhân chúng ta cần hiểu rõ giá trị to lớn của truyền thống yêu thương, đoàn kết mà câu ca dao muốn truyền tải để không ngừng rèn luyện, cố gắng làm đẹp cho đời, trao đi mà không vụ lợi để tiếp nối, gìn giữ truyền thống cha ông.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Tinh thần tương thân tương ái là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được ông cha ta nhắn nhủ qua câu ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Câu ca dao trên đã mượn hình ảnh “bầu” và “bí” để khuyên răn con người rằng chúng ta tuy không cùng một mẹ sinh ra. Nhưng lại cùng sống trong một đất nước, chảy chung dòng máu đỏ da vàng của người Việt Nam. Chính vì vậy, cần phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Cách sống tình nghĩa, sẻ chia đã được chứng minh từ trong quá khứ đến hiện tại. Trong quá khứ, nhân dân ta đã đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã ra đi mãi mãi để giành lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Điều đó không chỉ xuất phát từ trách nhiệm với tổ quốc, mà còn xuất phát từ tấm lòng yêu thương. Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Các chương trình “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”... của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội… Ngay trong những ngày đầy sóng gió của năm 2020 vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Đó là những cây ATM gạo, ATM khẩu trang… để giúp đỡ cho những người khó khăn. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Hình ảnh bác sĩ với những vết hằn đỏ trên mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục ngày này qua ngày khác thật sự khiến chúng ta cảm thấy xúc động.
Quả là “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (Để gió cuốn đi) - tấm lòng biết chia sẻ với khó khăn của những người xung quanh; tấm lòng biết đồng cảm với đau khổ, mất mát của người khác. Bởi chỉ có vậy, cuộc đời của mỗi người mới thật ý nghĩa.
Tóm lại, bài ca dao là một lời khuyên vô cùng đúng đắn. Tình yêu thương giữa con người với con người luôn đem đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi chúng ta.
Bài tham khảo Mẫu 1
Truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam đã có từ bao đời nay. Điều đó đã được thể hiện qua bài ca dao:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Bài ca dao đã mượn hình ảnh trái bầu, trái bí để nói về con người. Đầu tiên, “bầu” và “bí” là những cây thân leo được trồng rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. Tuy khác nhau về giống cây, nhưng chúng có những đặc điểm thích nghi giống nhau nên thường được trồng “chung một giàn” - cùng chung không gian sống. Cũng giống như con người, có thể không cùng một cha mẹ sinh ra. Nhưng lại cùng sống trong một đất nước, chảy chung dòng máu đỏ da vàng của người Việt Nam. Chính vì vậy, con người cần phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Bài ca dao đã khẳng định được lối sống tốt đẹp của ông cha ta. Đó là lời răn dạy vẫn còn giữ nguyên được giá trị cho đến ngày nay. Một cách sống tình nghĩa, trọn vẹn. Con người biết đồng cảm, chia sẻ, kính trọng và yêu quý những người xung quanh như yêu chính mình vậy.
Lịch sử dân tộc đã gọi tên Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu muôn đời. Đó có thể những hành động vĩ đại thể hiện tấm lòng yêu thương rộng lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì tình yêu thương đồng bào, dân tộc mà đã không quản thân mình ra đi tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm bôn ba người ngoài để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đó cũng có thể là hành động của những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Nhưng đôi khi tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé, là lời nói con yêu mẹ, con cảm ơn ông bà; là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; là giúp đỡ những người bị nạn, những đứa trẻ bị lạc đường…
Trong xã hội ngày nay, tinh thần đó vẫn luôn được gìn giữ và phát huy mạnh mẽ. Ta có thể thấy rõ điều này qua những hành động tương trợ trong thiên tai, dịch bệnh hay khó khăn kinh tế. Khi miền Trung gặp bão lũ, người dân cả nước cùng nhau quyên góp, cứu trợ; khi đại dịch COVID-19 bùng phát, biết bao y bác sĩ, tình nguyện viên không quản ngại nguy hiểm để chăm sóc người bệnh, người dân tự nguyện đóng góp tiền bạc, nhu yếu phẩm giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Những hành động ấy chứng minh rằng, truyền thống nhân ái, đoàn kết của dân tộc Việt Nam vẫn được trân trọng và phát huy, trở thành sức mạnh gắn kết cộng đồng trong xã hội hiện đại.
Tình yêu thương có tầm quan trọng là vậy, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn bắt gặp không ít những kẻ sống vô cảm. Họ lặng lẽ đi qua những người bị thương nặng, họ dừng chân nhưng lại rút điện thoại để quay phim chụp hình, hoặc họ lượm nhặt đồ của người bị thương rồi bỏ đi trong lòng đầy đắc ý… Thậm chí có người còn còn thờ ơ với chính tương lai của mình, không trau dồi, không học tập, cứ vậy để mặc cho dòng đời xô đẩy. Những con người như vậy sẽ chỉ sống trong một thế giới lạnh lẽo không có hơi ấm tình người.
Riêng đối với mỗi học sinh, tấm lòng tương thân tương ái có thể xuất phát từ những điều vô cùng nhỏ bé. Những hành động như giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm và kính trọng ông bà cha mẹ thầy cô…
Tóm lại, qua bài ca dao trên, chúng ta đã hiểu hơn về một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Có ai đó đã từng nói rằng: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”, quả là đúng đắn.
Bài tham khảo Mẫu 2
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Dù trải qua nhiều năm tháng, điều đó vẫn được gìn giữ và phát huy. Điều đó đã được gửi gắm qua bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
“Bầu và bí” vốn là những loại cây khác nhau nhưng thường được trồng chung một giàn. Bởi chúng cùng thuộc giống cây thân leo. Hình ảnh cây bầu, cây bí chung một giàn vô cùng quen thuộc của mọi làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Khi mượn hình ảnh bầu và bí người xưa muốn khuyên ta rằng dù chúng có là loài khác nhau đi chăng nữa nhưng vẫn biết chia sẻ không gian, cùng nhau chung sống hòa thuận, yên vui, không có lòng đố kị, ganh ghét hay chê bai nhau.
Qua câu chuyện cây bầu cây bí, ông cha ta đã nhắn nhủ một lời khuyên sâu sắc. Đó là dù mỗi chúng ta có khác nhau về hoàn cảnh, nguồn gốc, địa vị xã hội thì vẫn cần có tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn. Chúng ta cần xây dựng cuộc sống hòa hợp, yên bình, thắm đượm nghĩa tình, yêu thương.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có một số phận khác nhau. Có người nghèo khó, có kẻ cao sang; có người hạnh phúc, có người bất hạnh. Nhưng không vì thế mà ta tỏ ra khinh ghét hay đố kị lẫn nhau. Sống ở trên đời, ai chẳng mong được sống cuộc đời an bình, giàu có. Bởi vậy, việc chia sẻ hay giúp đỡ lẫn nhau là một việc làm cần thiết để xoa dịu những nỗi đau thương mất mát mà những người không may mắn đang phải gánh lấy.
Sống yêu thương giúp đỡ lẫn nhau sẽ làm cho mối quan hệ giữa con người với nhau trở nên bền chặt. Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta biết cho đi và nhận về. Cho những gì mình có mà người khác đang rất cần. Nhận về những gì mình cần mà người khác luôn sẵn lòng cho đi. Sống như thế là sống vì người khác và cũng là vì mình mà sống tốt, sống đúng với đạo lí của dân tộc. Không có sức mạnh nào mạnh bằng sức mạnh của lòng yêu thương. Sống tôn trọng con người, trọng tình trọng nghĩa, đối xử thân tình là tự vun đắp cho cuộc sống của mình ngày càng tốt đẹp hơn.
Câu ca dao có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Không ai có thể tự tách mình ra khỏi các mối ràng buộc xã hội. Đó là một quy luật bất biến của xã hội loài người. Nghĩa là, nếu muốn sống hạnh phúc và thành công, không có cách nào khác đó là con người gắn kết với nhau trong một mối quan hệ bền chặt nhất. Và giúp đỡ lẫn nhau, tích tạo ân nghĩa luôn là cách sống thông minh, đúng đắn và cao đẹp nhất.
Trong xã hội hiện đại, dù cuộc sống ngày càng bận rộn và có nhiều biến đổi, nhưng tinh thần "thương người như thể thương thân" vẫn luôn được người Việt gìn giữ. Từ những chương trình thiện nguyện, những bếp ăn miễn phí cho người nghèo đến các hoạt động quyên góp giúp học sinh vùng cao có điều kiện đến trường — tất cả đều thể hiện rõ nét tinh thần tương thân tương ái. Mỗi khi có người gặp hoạn nạn, cộng đồng lại cùng nhau lan tỏa yêu thương, không phân biệt giàu nghèo, địa vị hay vùng miền. Chính những nghĩa cử ấy đã và đang làm đẹp thêm hình ảnh con người Việt Nam, cho thấy rằng đạo lý truyền thống "Bầu ơi thương lấy bí cùng" vẫn luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân.
Con người dù trong hoàn cảnh khó khăn thì họ vẫn luôn còn có lòng tự trọng. Khi giúp đỡ người khác ta cũng cần tôn trọng điều ấy thì sự giúp đỡ của mình mới càng thêm ý nghĩa. Nó sẽ là động lực lớn lao giúp người khác mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” quả là một bài ca dao ý nghĩa.
Bài tham khảo Mẫu 3
“Trái bầu xanh, trái bí xanh theo gió trong lành cất tiếng hát vui chung. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...”. Lời bài hát được phổ nhạc theo câu ca dao quen thuộc kia đã ngân nga khắp nơi để ươm mầm cho thứ tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống đó chính là tình thương. Ông cha ta đã giáo dục thế hệ sau về sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau qua những hình ảnh giản dị gần gũi thông qua câu ca dao”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Chúng ta ắt hẳn không còn xa lạ với hình ảnh bầu bí, hai thứ quả, hai món thức ăn quen thuộc trong đời sống thường ngày. Đặc điểm sinh học của hai loại này là thân leo, thường được trồng cùng nhau trên một giàn hoặc leo lên cùng một cây. Chúng có cùng môi trường và điều kiện sống. Thân bí mềm, thân bầu cũng mềm, phải dựa vào giàn tre và vào nhau để phát triển, chính vì thế mà chúng trở nên gần gũi, thân thiết với nhau.
Vì “chung một giàn” nên bầu bí đều cùng nhau trải qua nắng mưa, cùng nhau đơm hoa kết trái. Tuy rằng trái bầu thì tròn, trái bí thì dài nhưng đều cùng lớn lên với nhau nên bầu và bí đều cùng nhau kết lại, đan chặt vào nhau tạo nên hoa trái cho đời.
Câu ca dao nói về bầu và bí nhưng lại là câu chuyên con người, chuyện cuộc đời. Ông cha ta đã khuyên con cháu một lời khuyên chân thành, kín đáo mà tha thiết, tế nhị qua hai câu ca dao này.
Mỗi chúng ta đều có những nguồn gốc xuất thân và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có nhiều điểm giống nhau. Anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra, bạn bè cùng nhau đi học chung một trường, những người sống cùng với nhau trong một xóm làng,...tất cả có thể trở nên gắn bó thân thiết đều dựa vào chất keo là tình thương. Trong cuộc sống hằng ngày nếu chúng ta biết san sẻ, nhường nhịn nhau, đùm bọc nhau thì cuộc sống sẽ trở nên ấm áp, hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương. Không một cá thể nào có thể tồn tại nếu sống tách biệt, riêng lẻ với xã hội. Vì thế, chúng ta luôn cần đến sự tương thân tương ái, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống cho dù không cùng một điều kiện và một điểm khởi đầu.
Cha ông ta ngày xưa dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tình yêu thương lẫn nhau vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ. Chúng ta mãi nhớ về trận đói năm 1945 với những mất mát đau thương nhưng cũng không bao giờ quên những cuộc phát động nhường cơm sẻ áo diễn ra rất sôi nổi. Đồng bào ta sẵn sàng bớt đi những bữa cơm cuối cùng để cho nhau bữa cháo. Hay những trận lũ lụt cũng đã bớt dần đi nhờ công cuộc hộ đê của nhân dân. Từ những ngày khó khăn, đói kém nhất cho đến ngày no đủ, mọi thứ có thể khác đi duy chỉ có tình thương là còn mãi.
Truyền thống tốt đẹp của cha ông ta ngày xưa cho đến nay vẫn được con cháu noi theo và phát huy. Đó là những hoạt động thiện nguyện không ngừng nghỉ của những nhà hảo tâm dành cho các bạn nhỏ khó khăn vùng cao tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu,... ủng hộ sách vở, áo ấm, thức ăn để giúp các em vượt qua mùa đông lạnh giá và có một cái tết ấm no. Đó là sự hỗ trợ kịp thời thuốc men, thức ăn, những vật dụng cần thiết cho đồng bào lũ lụt tại miền Trung khi mỗi mùa mưa bão về. Chúng ta cũng có thể thấy tình yêu thương được lan tỏa thông qua các hành động giúp đỡ người vô gia cư, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ của rất nhiều cá nhân và đoàn thể. Còn rất nhiều hoạt động san sẻ ý nghĩa khác vẫn diễn ra hằng ngày mà chúng ta chưa thể nói hết, chỉ có thể khẳng định một điều rằng trong cuộc sống này những điều tốt đẹp xuất phát từ tình yêu thương vẫn đang còn hiện hữu và sẽ không ngừng lan tỏa.
Với đặc điểm là một nước thuần nông nên dân tộc ta có sự gắn kết công đồng rất chặt chẽ. Mối quan hệ đó đã làm cho ngọn lửa tình thương trong mỗi con người không bao giờ ngừng cháy, dân tộc ta đã coi đó là một truyền thống quý báu truyền từ đời này sang đời khác.
Hiện nay cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi, con người chú trọng đến cái tôi, cái riêng nhiều hơn nhưng truyền thống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau vẫn có giá trị trường tồn. Điều đó đã làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.


- Viết bài văn nghị luận đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng lừa đảo qua mạng Internet. lớp 9
- Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự chia sẻ của cộng đồng để hạn chế tình cảnh bất hạnh của trẻ em trong xã hội hiện đại lớp 9
- Có ý kiến cho rằng:" chỉ có trải nghiệm mới giúp chúng ta biết mình là ai, chúng ta có những khả năng gì và sống một cuộc sống thật ý nghĩa".
- Hãy viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: Cần lan tỏa những cảm xúc, hành vi tích cực và hạn chế những cảm xúc hành vi tiêu cực để xã hội ngày một tốt đẹp hơn. lớp 9
- Không biết nói lời xin lỗi là một thói quen xấu cần phải thay đổi. Hãy nêu suy nghĩ của em về vấn đề này bằng một bài văn khoảng 600 chữ lớp 9
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự chia sẻ của cộng đồng để hạn chế tình cảnh bất hạnh của trẻ em trong xã hội hiện đại lớp 9
- Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích đoạn thơ dưới đây: Ông nhớ ngôi nhà/ Nhớ từng góc phố...lớp 9
- Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nghĩ của em sau khi đọc khổ thơ sau, trích từ bài thơ "Mùa thu mới" của Tố Hữu lớp 9
- Viết bài văn nghị luận đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng lừa đảo qua mạng Internet. lớp 9
- Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn. Em hiểu như thế nào về lời khuyên trong câu ca dao trên? lớp 9
- Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự chia sẻ của cộng đồng để hạn chế tình cảnh bất hạnh của trẻ em trong xã hội hiện đại lớp 9
- Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích đoạn thơ dưới đây: Ông nhớ ngôi nhà/ Nhớ từng góc phố...lớp 9
- Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nghĩ của em sau khi đọc khổ thơ sau, trích từ bài thơ "Mùa thu mới" của Tố Hữu lớp 9
- Viết bài văn nghị luận đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng lừa đảo qua mạng Internet. lớp 9
- Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn. Em hiểu như thế nào về lời khuyên trong câu ca dao trên? lớp 9