Phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật bài thơ “Mẹ” của Nguyễn Ngọc Oánh lớp 9>
Trong thơ ca Việt Nam, hình ảnh người mẹ luôn là đề tài thiêng liêng và giàu xúc cảm. Bài thơ Mẹ của Nguyễn Ngọc Oánh là một tác phẩm giàu tính nhân văn, thể hiện chân thực và cảm động hình ảnh người mẹ lam lũ, tần tảo, hy sinh tất cả vì con cái.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí
Dàn ý
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về hình tượng người mẹ trong thơ ca Việt Nam – biểu tượng thiêng liêng, đầy xúc động.
- Dẫn vào bài thơ Mẹ của Nguyễn Ngọc Oánh – một bức chân dung xúc động về mẹ, hiện lên chân thực, giản dị và đầy cảm thương.
II. Thân bài
1. Hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả
- Ngoại hình khắc khổ:
+ “Mẹ gầy, cái dáng khô gầy cành tre” – so sánh giản dị, thân quen, gợi hình ảnh mẹ gầy gò như nhành tre già giữa bão giông.
+ Đôi chân chai sạn, dầm mưa dãi nắng
2. Mẹ là biểu tượng của tần tảo và hy sinh
- Lặng lẽ chăm lo từng miếng ăn, manh áo
- Cuộc sống thiếu thốn, vẫn dành phần hơn cho con
- Cuộc sống đơn sơ, nghèo khó
“Áo nâu phơi vẹo bờ rào / Cái phận đã bạc còn cào phải gai” – gợi lên hình ảnh cái nghèo gắn liền với số phận long đong, chịu đựng.
- Tình mẫu tử sâu nặng:
“Con thút thít, mẹ nghẹn hai ba lần” – sự đồng cảm tuyệt đối, thương con đến nghẹn lời.
- Sự kiên cường nuôi con ăn học:
“Tối về đến lớp bình dân / I tờ nhặt được đôi vần lại rơi” – mẹ vẫn nỗ lực học để hiểu, để dạy con trong nghèo khó.
3. Nỗi đau và sức mạnh tinh thần của mẹ
- Nỗi đau mất chồng – gồng gánh gia đình
- Tiễn con đi chiến trường
III. Kết bài
- Khẳng định lại hình tượng người mẹ trong bài thơ: chân thực, xúc động, là hiện thân của tình yêu thương, đức hy sinh và nghị lực sống mãnh liệt.
- Đánh giá giá trị nghệ thuật: ngôn ngữ mộc mạc, hình ảnh gần gũi, giọng điệu chan chứa cảm xúc.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Trong thơ ca Việt Nam, hình ảnh người mẹ luôn là đề tài thiêng liêng và giàu xúc cảm. Bài thơ Mẹ của Nguyễn Ngọc Oánh là một tác phẩm giàu tính nhân văn, thể hiện chân thực và cảm động hình ảnh người mẹ lam lũ, tần tảo, hy sinh tất cả vì con cái.
Ngay từ những câu thơ đầu, hình ảnh người mẹ hiện lên gầy gò, khắc khổ như “cái dáng khô gầy cành tre”. Cái gầy ấy không chỉ là ngoại hình mà còn là biểu tượng cho những nhọc nhằn, vất vả mẹ trải qua. Đôi chân mẹ “chai nứt nẻ đông hè”, “bấm mãi đã tòe ngón chân” là minh chứng cho cuộc đời quanh năm gắn với ruộng sâu, áo vá, cơm hẩm. Dù trong cảnh nghèo khó, mẹ vẫn dành cho con từng miếng ăn, manh áo, từ “bát canh đắng là chân chim” đến “vài con tép mẹ tìm dành con”.
Mẹ không chỉ là người chắt chiu từng miếng ăn giấc ngủ mà còn là người giữ gìn mái ấm gia đình sau khi cha mất. Dù “chái nhà mưa dột”, mẹ vẫn ru con ngủ bằng lời thương. Mẹ còn cố gắng học chữ nơi lớp bình dân, để trở thành chỗ dựa tinh thần và tri thức cho con. Đặc biệt, khi tiễn con ra chiến trường, mẹ nén nước mắt vào trong, chỉ mong “đường con khô”, đủ cho thấy tình yêu thương bao la và nghị lực phi thường.
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “một thân cò qua sông”, gợi một kiếp người nhỏ bé nhưng kiên cường, lặng lẽ hi sinh tất cả vì con. Qua ngôn ngữ mộc mạc, hình ảnh gần gũi, bài thơ là lời tri ân sâu sắc tới những người mẹ Việt Nam – những người anh hùng thầm lặng.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Bài thơ Mẹ của Nguyễn Ngọc Oánh là một khúc ca cảm động về hình ảnh người mẹ Việt Nam tảo tần, lam lũ nhưng đầy tình yêu thương và đức hy sinh.
Hình tượng người mẹ hiện lên không chỉ qua vóc dáng gầy gò “khô gầy cành tre” mà còn qua những chi tiết đời thường như “gót chai nứt nẻ”, “vá bao mong ước”, “một mảnh chăn mòn”. Những hình ảnh ấy khắc họa rõ nét sự vất vả, nhọc nhằn của mẹ trong cuộc sống mưu sinh, vì con mà quên đi cả bản thân mình.
Tình mẹ được thể hiện qua từng hành động nhỏ: dành con bát canh tép, nhường con chiếc chăn rách, gom giẻ giữ tiếng rao. Dù nghèo khổ, mẹ vẫn luôn nghĩ đến con trước tiên. Mẹ không chỉ nuôi con lớn khôn, mà còn là người gánh vác cả gia đình khi “cha con trời gọi về trời”, là người thầm lặng tiễn con ra chiến trường trong nước mắt. Câu thơ cuối “một thân cò qua sông” đọng lại như một lời xót xa, nhưng cũng đầy trân trọng dành cho những người mẹ chịu thương chịu khó.
Với ngôn từ giản dị, hình ảnh chân thực, bài thơ đã chạm đến trái tim người đọc bằng tình cảm sâu lắng và lòng biết ơn vô bờ dành cho mẹ – người phụ nữ bình dị mà vĩ đại trong mỗi gia đình.
Bài tham khảo Mẫu 1
Nhà thơ Pháp Alfret đã từng viết "Hãy biết rằng chính quả tim của ta đang nói và thở than lúc bàn tay đang viết" "nhà thơ không viết một chữ nào nếu toàn thân không rung động". Quả vậy, sắc hương của cuộc đời được tỏa vào những trang thơ lại lặng thầm, tàng ẩn lắng sâu những dư vị tình cảm, những cảm xúc sáng ngời nơi trái tim người cầm bút. Những mối tơ lòng ấy, trở mình trong từng câu chữ, khắc sâu vào lòng người đọc hình ảnh người mẹ tảo tần và giàu lòng yêu thương con mà nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh đã bày tỏ trong "Mẹ". Tác phẩm không chỉ khắc họa những khó khăn, gian truân tảo tần của người mẹ mà còn thể hiện tình yêu thương và sự hi sinh cao cả mà mẹ dành cho con. Đặc biệt qua những dòng thơ đã thổi vào lòng người những rung cảm sâu sắc:
"Cành bàng thả lá heo may
.......................................
Còn phần mẹ- Một thân cò qua sông"
Mở đầu bài thơ, thi nhân đã khắc họa hình ảnh người mẹ lam lũ và nhọc nhằn:
"Cành bàng thả lá heo may
Mẹ gầy cái dáng khô gầy cành tre"
Mẹ hiện lên với dáng người gầy gò khắc khổ. Đó là kết quả của những tháng ngày vất vả lam lũ vì con. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh "dáng mẹ gầy" với "cành tre" để cho thấy dáng người gầy guộc của cả một đời giãi nắng dầm mưa. Thế nhưng cây tre là biểu tượng cảu tinh thần bất khuất. Cách so sánh này vừa gợi lên sự gian lao của người mẹ nhưng cũng cho thấy sự chịu đựng kiên cường và bền bỉ của mẹ trước sóng gió của cuộc đời". Nỗi vất vả ấy in hằn trên thân hình và được cảm nhận miêu tả qua hình ảnh bàn tay chai sần vì lam lũ:
"Gót chai nứt nẻ đông hè
Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân"
Ngay từ khi sinh ra, đôi bàn tay nhỏ và đôi chân xinh xinh ấy vốn nào có chai sạm đâu! Thế nhưng thời gian trôi đi với việc phải lao động vì cuộc sống mưu sinh cho gia đình mà những dấu chai sần đã hiện rõ. Các chi tiết "gót chai nứt nẻ" "tòe ngón chân" là những hình ảnh tả thực giàu tính tạo hình gợi lên sự cực nhọc của người mẹ. Bốn màu mưa nắng đôi chân mẹ không ngừng lội bùn và đôi tay không lúc nào nghỉ ngơi. Cả cuộc đời mẹ "Bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nhưng chưa bao giờ mẹ than phiền kể khổ.
Sự hi sinh to lớn mà thầm lặng của người mẹ thật đáng trân trọng. Không chỉ vất vả trong lao động người mẹ luôn dành cho con những gì tốt đẹp nhất mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn:
"Bát canh đắng, lá chân chim
lẫn vài con tép mẹ tìm dành con"
Bữa cơm đạm bạc đơn sơ ấy chỉ có "lá chân chim" và " vài con tép nhỏ" nhưng mẹ vẫn dành cho con tất cả dẫu những món ăn đó không phải là sang trọng nhưng nhiều hơn thế là tình yêu thương mà mẹ gửi trao. Đó là tất cả những gì tốt nhất mà mẹ có mẹ sẵn sàng dành phần con. Mẹ có thể chịu đựng mọi khó khăn miễn sao con được no đủ. Mẹ ơi! Sao mẹ cao quý và lớn lao đến vậy!, Nỗi nhọc nhằn ấy đã theo mẹ cả vào trong giấc ngủ. Hình ảnh "mảnh chăn mòn" "giấc ngủ ngoài chăn" là những chi tiết chân thực. Cuộc sống của mẹ không chỉ thiếu thốn về cái ăn mà ngay cả trong giấc ngủ sự nghèo nàn ấy cũng vẫn đeo bám lấy mẹ. Bởi mẹ lo nghĩ và trăn trở về cuộc sống còn quá nhiều những bộn bề và lo toan.
Khó khăn nào thắng nổi ý chí kiên cường của mẹ, khổ đau nào bằng được nghị lực phi thường của người phụ nữ đáng kính này. Dù cuộc đời nhiều gian nan và thử thách nhưng mẹ vẫn mạnh mẽ đối mặt:
"Tối về đến lớp bình dân
I tờ nhặt được đôi vần lại rơi"
Ở cái tuổi xế chiều mẹ vẫn cố gắng học chữ những con chữ "nhặt rồi lại rơi" thể hiện sự khó khăn chật vật trong việc tiếp thu tri thức. Thế nhưng người mẹ không vì thế mà từ bỏ với tinh thần ham học và khát vọng vươn lên người mẹ chính là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam trong trong thời kì khó khăn. Yêu con là vậy nhưng người mẹ Việt Nam anh hùng sẵn sàng giấu nước mắt vào trong để tiễn con ra chiến trận thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với tổ quốc "Tiễn con ra chốn chiến trường/ Gạt thầm nước mắt mong đường con khô". Mẹ không khóc không níu kéo con ở lại mà động viên và mong con đi chiến đấu được an toàn sớm ngày trở về. Mẹ không muốn con bận tâm hay lo lắng và mẹ muốn là chỗ dựa tinh thần cho con. Chi tiết này vừa thể hiện tình yêu thương vừa thể hiện phẩm chất cao quý và lòng yêu nước của người phụ nữ trong thời chiến.
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đầy xúc động " Hai tay hết sẻ lại cho /Còn phần mẹ-một thân cò qua sống". Hình ảnh thân cò là một hình ảnh biểu tượng ẩn dụ cho sự vất vả tảo tần, chịu thương chịu khó của người phụ nữ. Hình ảnh này gợi ta nhớ đến câu ca deo quen thuộc "Con cò lặn lội bờ sông/ gánh gạo nuôi chồng, nước mắt cho con'. Mẹ dành cả cuộc đời để lo cho gia đình nhưng đến cuối cùng mẹ vẫn là thân cò lẻ loi bươn chải giữa dòng đời. Qua đó ta thấy được sự xót xa thương cảm và tình yêu thương ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ.
Với việc sử dụng ngôn ngữ thơ mộc mạc giản dị nhưng giàu cảm xúc đã chạm đến trái tim độc giả. Đồng thời tác giả sử dụng các hình ảnh giàu sức gợi và các biện pháp tu từ như so ánh, nhân hóa, ẩn dụ, nhân hóa đã thể hiện được rõ hơn sự hy sinh và tần tảo của người mẹ. Qua đó, chúng ta thêm trân trọng và tự hào về những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Bài thơ "Mẹ" của Nguyễn ngọc Oánh là một tác phẩm xúc động về hình ảnh người mẹ. Thi phẩm đã để lại trong lòng độc giả những suy nghĩ sâu sắc. Mẹ không chỉ là người sinh thành dưỡng dục mà là người dành cả cuộc đời để che chở và nâng bước ta trên chặng hành trình của cuộc đời. Vì vậy bài thơ không chỉ là lời tri ân dành cho mẹ mà còn là lời nhắc nhở mỗi người con: Hãy quan tâm và yêu mẹ hơn mỗi ngày, Hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn có mẹ ở bên cạnh!
Bài tham khảo Mẫu 2
Bài thơ "Mẹ" của Nguyễn Ngọc Oánh là một bức tranh đầy xúc động về hình ảnh người mẹ nông thôn Việt Nam, lặng lẽ hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái và gia đình. Với ngôn ngữ giản dị và hình ảnh cụ thể, bài thơ đã khắc họa sâu sắc sự vất vả, gian truân và tình yêu thương bao la của người mẹ.
Ngay từ những dòng thơ đầu tiên, người mẹ hiện lên qua hình ảnh cành tre khô gầy, gót chân nứt nẻ và đôi bàn tay chai sạn. Đây là hình tượng thường thấy của người phụ nữ nông thôn Việt Nam, luôn gắn bó với công việc đồng áng, chịu đựng những khó khăn của cuộc sống mà không một lời than vãn. Người mẹ ở đây như biểu tượng cho sự hy sinh thầm lặng và đức tính kiên cường, bền bỉ.
Một chi tiết đáng chú ý là mẹ ngồi vá áo trước sân, "vá bao mong ước, tay sần mũi kim," thể hiện sự nhẫn nhịn và chăm chỉ của người mẹ. Đối với bà, mỗi đường kim, mũi chỉ không chỉ là hành động vá áo đơn thuần mà còn là sự gửi gắm tình thương, niềm hy vọng dành cho con cái. Trong bữa ăn nghèo nàn với "bát canh đắng, lá chân chim," người mẹ vẫn cố gắng dành những gì ngon nhất cho con. Tình cảm của mẹ thể hiện qua từng hành động nhỏ bé, từ mảnh chăn mòn đến những giọt mồ hôi trên ruộng sâu.
Một khía cạnh khác của tình mẹ là sự bao dung và sự kiên nhẫn. Người mẹ âm thầm chịu đựng cảnh "chái nhà mưa dột" và những nhọc nhằn của cuộc sống khi phải một mình nuôi con khôn lớn. Hình ảnh "tiễn con ra chốn chiến trường" cho thấy nỗi đau và lòng yêu nước của người mẹ. Bà không chỉ hy sinh trong gia đình mà còn sẵn sàng tiễn con ra đi vì nghĩa lớn. Dù đau khổ, bà vẫn giấu nước mắt, hy vọng vào sự an toàn của con mình.
Bài thơ "Mẹ" sử dụng ngôn ngữ bình dị, gần gũi, nhưng chứa đựng tính hình tượng và gợi cảm mạnh mẽ. Tác giả đã thành công khi dùng những hình ảnh quen thuộc như "gót chai nứt nẻ," "ruộng sâu," "mảnh chăn mòn" để khắc họa rõ nét cuộc sống vất vả, khắc khổ của người mẹ. Hình ảnh ẩn dụ "một thân cò qua sông" là cách nói đầy xúc động, gợi lên cảnh tượng người mẹ yếu đuối nhưng vẫn vượt qua mọi khó khăn để che chở và lo lắng cho con cái.
Ngoài ra, bài thơ sử dụng thể thơ lục bát, thể loại dân gian quen thuộc, giúp diễn tả tự nhiên, chân thực, gần gũi với tâm hồn người đọc. Cấu trúc câu thơ và cách gieo vần cũng tạo nên một nhịp điệu chậm rãi, phù hợp với nội dung trầm buồn, tĩnh lặng của bài thơ.
Qua bài thơ "Mẹ," Nguyễn Ngọc Oánh đã khắc họa thành công chân dung người mẹ Việt Nam giản dị, cần cù, chịu thương chịu khó, luôn hy sinh vì con cái. Bài thơ không chỉ là lời ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng mà còn là bản hòa ca về sự nhẫn nhịn, đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Tác phẩm đã chạm đến trái tim người đọc bằng những hình ảnh gần gũi, bình dị, khắc sâu trong lòng người đọc những cảm xúc về tình mẫu tử cao quý.
Bài tham khảo Mẫu 3
Trong nền văn học Việt Nam, hình ảnh người mẹ luôn được tôn vinh và khắc họa một cách sâu sắc. Bài thơ "Mẹ" của Nguyễn Ngọc Ánh là một tác phẩm tiêu biểu, thể hiện chân thực nỗi lòng của người con đối với mẹ. Qua những hình ảnh giản dị nhưng đầy ý nghĩa, tác giả đã khắc họa bức tranh cuộc sống vất vả và tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ.
Mở đầu bài thơ, hình ảnh mẹ "ngồi vá áo trước sân" đã gợi lên sự tần tảo, lam lũ của người phụ nữ trong gia đình. Hành động vá áo không chỉ là việc làm bình thường mà còn là biểu tượng cho những hy sinh thầm lặng của mẹ. Câu thơ "vá bao mong ước, tay sần mũi kim" cho thấy mẹ không chỉ đang vá áo mà còn đang vá lại những ước mơ, hoài bão cho con cái. Đôi bàn tay sần sùi vì lao động, hiện rõ những vất vả, khổ cực mà mẹ đã trải qua để lo cho gia đình.
Tiếp theo, hình ảnh "bát canh đắng, lá chân chim" và "lẫn vài con tép Mẹ tìm dành con" khắc họa rõ nét nỗi khổ trong cuộc sống hàng ngày. Bát canh đắng biểu trưng cho cuộc sống khó khăn, trong khi đó, việc mẹ dành những gì tốt nhất cho con, ngay cả khi bản thân phải chấp nhận sự thiệt thòi, thể hiện sự hy sinh vô điều kiện của người mẹ. Những hình ảnh cụ thể này giúp người đọc cảm nhận được sự nhọc nhằn của mẹ, đồng thời khơi dậy lòng biết ơn và trân trọng đối với những gì mà mẹ đã dành cho con.
Câu thơ "co ro một mảnh chăn mòn" không chỉ phản ánh sự thiếu thốn mà còn biểu hiện nỗi cô đơn của người mẹ khi phải gánh vác mọi trách nhiệm trong gia đình. Mẹ "gom giẻ rách, giấy manh" cho thấy sự tiết kiệm và lo lắng cho tương lai của con. Tình thương của mẹ không chỉ nằm ở việc chăm sóc vật chất mà còn là sự quan tâm, lo lắng cho con cái trong từng chi tiết nhỏ nhất. Cuối cùng, hình ảnh "mặc đôi quang thủng giữ lành tiếng rao" như một lời nhắc nhở rằng mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, mẹ vẫn luôn cố gắng giữ gìn, bảo vệ những điều tốt đẹp nhất cho con.
Ngôn ngữ trong bài thơ rất giản dị, gần gũi nhưng chứa đựng sức nặng biểu cảm. Tác giả sử dụng các hình ảnh cụ thể, sống động, giúp người đọc dễ dàng cảm nhận được nỗi lòng và tình cảm của nhân vật. Các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh đã tạo nên những bức tranh sinh động, mang lại chiều sâu cho cảm xúc trong bài thơ.
Bài thơ "Mẹ" của Nguyễn Ngọc Ánh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc mà còn là một bản tình ca về tình mẫu tử. Qua những câu thơ chân thành và cảm động, tác giả đã khắc họa hình ảnh người mẹ đầy hi sinh, vĩ đại, khiến mỗi người đọc đều phải suy ngẫm và trân trọng tình cảm thiêng liêng này. Mẹ, với tất cả những lo lắng và yêu thương, chính là biểu tượng của sức mạnh, sự kiên cường và lòng bao dung, mãi mãi sống trong trái tim mỗi chúng ta
Bài tham khảo Mẫu 4
Bài thơ "Mẹ" của Nguyễn Ngọc Oánh là một tác phẩm nghệ thuật đậm chất nhân văn, tình cảm, và sâu sắc. Tác giả đã thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh để mô tả một hình ảnh chân thực và đầy cảm xúc về người mẹ.
Mở đầu bài thơ là chân dung giản dị, chân thực của một bà mẹ nghèo, “quê kiểng”:
“Mẹ gầy, cái dáng khô gầy cành tre
Gót chai nứt nẻ đông hè
Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân”.
Với cái dáng “khô gầy cành tre”, gót chân chai cứng nứt nẻ tứ mùa và những ngón chân “tòe ngón”, mẹ hiện lên gần gũi, quen thuộc, sống động, như ta đã gặp đâu đó ngoài đời. Chỉ bằng vài chi tiết, hình ảnh, người thơ đã khắc họa thành công chân dung người mẹ nông dân lam lũ, cơ cực, quanh năm vất vả với công việc đồng áng. Không chỉ thế, người mẹ trong bài thơ chẳng nề hà bất cứ công việc gì, miễn là việc ấy có ích: “Mẹ gom giẻ rách, giấy manh/ Mặc đôi quang thủng giữ lành tiếng rao”. Vì gia cảnh nghèo khó, mẹ phải đi gom nhặt giẻ rách, giấy manh… bằng đôi quang thủng, nhưng mẹ vẫn “giữ lành tiếng rao”, sống trong sạch, giản dị, bằng chính sức lao động của mình. Những lúc nông nhàn, mẹ lại làm cái công việc quen thuộc “vá áo”, đến nỗi ngón tay cầm kim đã “sần”. Ở câu thơ này, tác giả dùng từ ngữ rất tinh tế diễn tả tình mẹ: “vá bao mong ước”… Mỗi đường kim mũi chỉ của mẹ, không chỉ chứa đựng tình cảm, mà còn gửi vào đó bao mong ước tốt đẹp cho con, cho cuộc đời này. Thấu hiểu phận nghèo cùng nỗi vất vả, cơ cực của mẹ, người thơ xót xa: “Áo nâu phơi vẹo bờ rào/ Cái phận đã bạc còn cào phải gai”, câu thơ được hiểu theo nghĩa bóng, làm cho nỗi cơ cực càng cơ cực hơn. Dù vậy, mẹ không hề than thân, trách phận, mẹ vẫn dành thời gian để học chữ, dẫu đây là một việc đầy khó khăn:
“Tối về đến lớp bình dân
I tờ nhặt được đôi vần lại rơi”
Mẹ là thế, bình dị nhưng vô cùng vĩ đại. Khi đất nước có chiến tranh, cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, mẹ gạt thầm nước mắt, tiễn con ra chiến trường, mong ngày chiến thắng, con bình an trở về. Từ ngôn từ đến hình ảnh, tác giả đã tạo nên một bức tranh sống động về cuộc sống của người mẹ nông dân, với những góc khuất và vất vả. Mỗi chi tiết nhỏ như "gót chai nứt nẻ đông hè" hay "Bát canh đắng lá chân chim" đều là những hình ảnh tưởng chừng như bình thường nhưng lại chứa đựng đầy ý nghĩa và tình cảm sâu sắc. Bức tranh về tình mẹ trong bài thơ không chỉ giới hạn ở khía cạnh vật chất mà còn nâng cao lên mức độ tinh thần. Tình yêu thương và hy sinh của mẹ được thể hiện qua việc "vá bao mong ước tay sần mũi kim" và "Hai tay hết sẻ lại cho". Đây không chỉ là sự chăm sóc vật chất mà còn là sự truyền đạt tinh thần và giáo dục nhân cách. Bài thơ cũng đánh giá cao tinh thần lạc quan, tích cực của người mẹ khi mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng mẹ vẫn không ngừng cố gắng học hỏi ("Tối về đến lớp bình dân"). Điều này tạo nên một hình ảnh mẹ không chỉ là người chăm sóc mà còn là nguồn động viên, lẫn lộn trong cuộc sống.
Bài thơ Mẹ của Nguyễn Ngọc Oánh đã phác họa sinh động bức chân dung vật chất và tinh thần của mẹ bằng những từ ngữ, thi ảnh gần gũi, giản dị, lay động trái tim độc giả. Cảm hứng nổi bật của bài thơ là tình mẹ, là lòng biết ơn, kính phục và tự hào của con đối với mẹ. Mẹ là nguồn mạch của sự sống và tình yêu. Có mẹ là con có cả một bầu trời yêu thương rộng lớn.


- Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về cảm xúc, tình cảm của nhân vật trữ tình trong khổ thơ thứ hai, bài thơ “Khói bếp chiều ba mươi” (Nguyễn Trọng Hoàn) lớp 9
- Phân tích vẻ đẹp của bài thơ "Mẹ" của tác giả Viễn Phương lớp 9
- Viết bài văn nghị luận phân tích bài thơ Đôi bàn chân mẹ của tác giả Nguyễn Song lớp 9
- Viết bài văn phân tích đánh giá bài thơ Chiều thu quê hương của Huy Cận lớp 9
- Viết bài văn phân tích bài thơ Hoa dại của Trần Đăng Khoa lớp 9
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về cảm xúc, tình cảm của nhân vật trữ tình trong khổ thơ thứ hai, bài thơ “Khói bếp chiều ba mươi” (Nguyễn Trọng Hoàn) lớp 9
- Phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật bài thơ “Mẹ” của Nguyễn Ngọc Oánh lớp 9
- Phân tích vẻ đẹp của bài thơ "Mẹ" của tác giả Viễn Phương lớp 9
- Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về nhân vật “chị” trong văn bản Ba đồng một mớ mộng mơ của Nguyễn Ngọc Tư lớp 9
- Phân tích truyện ngắn "Chuyện cha con người mù" lớp 9
- Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về cảm xúc, tình cảm của nhân vật trữ tình trong khổ thơ thứ hai, bài thơ “Khói bếp chiều ba mươi” (Nguyễn Trọng Hoàn) lớp 9
- Phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật bài thơ “Mẹ” của Nguyễn Ngọc Oánh lớp 9
- Phân tích vẻ đẹp của bài thơ "Mẹ" của tác giả Viễn Phương lớp 9
- Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về nhân vật “chị” trong văn bản Ba đồng một mớ mộng mơ của Nguyễn Ngọc Tư lớp 9
- Phân tích truyện ngắn "Chuyện cha con người mù" lớp 9