Tổng hợp 50 bài văn phân tích một tác phẩm thơ l..

Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương lớp 9


Bài thơ “Sau giờ trực chiến” của Vũ Quần Phương là một khúc trữ tình sâu lắng viết về người mẹ trong thời chiến – vừa là chiến sĩ vừa là người ru con ngủ. Qua bài thơ, tác giả ca ngợi vẻ đẹp dịu dàng mà kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình sâu sắc.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả

+ Nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

+ Phong cách nghệ thuật thơ: Viết về đề tài chiến tranh, thơ của Vũ Quần Phương lại thể hiện khát vọng hòa bình và những suy tư về chiến tranh ở những khoảng lặng của chiến trường.

- Khái quát nội dung của tác phẩm: Bài thơ là cái nhìn đầy lãng mạn của nhà thơ đối với người nữ dân quân đồng thời còn là người mẹ dịu hiền, chan chứa tình yêu thương đối với đứa con yêu dấu của mình.

2. Thân bài

2.1 Nội dung

* Khổ thơ thứ nhất:

- Trực chiến về, mẹ hát ru con => Hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, họ vừa là những người dân quân vừa là những người mẹ => Sự dũng cảm, mạnh mẽ và sự dịu dàng

- 3 câu thơ sau: Khung cảnh làng quê Việt Nam yên bình.

* Khổ thơ thứ 2:

- 2 câu đầu: Tình thương yêu của người mẹ dành cho con: người con được che chở, bảo vệ trong vòng tay của mẹ

- 2 câu sau: thể hiện sự hòa quyện, gắn kết giữa tình yêu đất nước và tình cảm gia gia đình

- Hình ảnh ẩn dụ “cánh cò”: tượng trưng cho hình ảnh người mẹ

* Khổ thơ thứ ba

- Hình ảnh cánh cò gần gũi giản dị như tình yêu của mẹ, hình ảnh cánh có gắn liền với tuổi thơ của con, làm cho tuổi thơ của con yên bình và tươi đẹp, đó cũng là những gì người mẹ đã, đang và sẽ làm cho con.

- Người mẹ mọng muốn người con được lớn lên trong khung cảnh bình yên và đẹp đẽ, được nhìn những dòng sông xanh biếc mang nước đến ruộng đồng, được cảm nhận làn gió mát rượi thổi trên những bờ đê, được sống trong làng quê thanh bình, êm đềm và lớn lên cùng những câu hát ca dao.

* Khổ thơ thứ tư 

- Niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước

- Người mẹ đưa mộng ước vào trong câu hát, mong đất nước sớm ngày độc lập.

- Câu thơ “Một cánh cò bay suốt canh khuya…” => hình ảnh cánh cò vừa tượng trưng cho người mẹ tần tảo vất vả vừa tượng trưng cho đất nước. Để có được độc lập, đất nước cũng sẽ phải trải qua những khó khăn, mất mát, đau thương.

* Khổ thơ thứ 5

- Lời hứa của mẹ: sẽ cho con cuộc sống bình yên, niềm tin vào sức mạnh của nhân dân sẽ chiến thắng kẻ địch đem về độc lập, tự do cho dân tộc, tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.

- Người mẹ gửi gắm mong ước về ngày độc lập của đất nước vào những lời hát ru với hi vọng truyền cho con lòng yêu nước và niềm tin vào sức mạnh của dân tộc.

* Câu thơ cuối: “Con cò bay lả- bay la...”

- Giống như một lời hát ru.

- Âm hưởng thơ vang vọng.

2.2 Nghệ thuật

- Thể thơ: 7 chữ

- Ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường, bình dị. Những vần thơ của ông cứ tự nhiên, chân thành và đời thường như ngôn ngữ trong cuộc sống thường nhật.

- Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc với con người nhất. Đó là hình ảnh của lối ngõ, bụi tre, cánh cò,…

- Giọng điệu bài thơ: tâm tình, tha thiết

- Phép tu từ: ẩn dụ, so sánh,…

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

- Khẳng định lại tài năng của tác giả.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Bài thơ “Sau giờ trực chiến” của Vũ Quần Phương là một khúc trữ tình sâu lắng viết về người mẹ trong thời chiến – vừa là chiến sĩ vừa là người ru con ngủ. Qua bài thơ, tác giả ca ngợi vẻ đẹp dịu dàng mà kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình sâu sắc.

               Ngay từ câu mở đầu:

“Trực chiến về, mẹ hát ru con”, nhà thơ đã khắc họa sự giao thoa giữa chiến tranh và đời sống. Người mẹ sau ca trực chiến không nghỉ ngơi mà lại trở về vai trò thiêng liêng – chăm sóc con, ru con ngủ. Không gian thôn quê hiện lên thanh bình với mùi ổi chín, khí trời sau mưa, ánh sao lên cao… Tất cả tạo nên một khung cảnh yên ả, đối lập với sự căng thẳng ngoài trận địa, như ôm lấy giấc ngủ trẻ thơ.

               Hình ảnh cánh cò – biểu tượng dân gian quen thuộc – được nhà thơ khai thác sâu sắc:

“Cánh cò trắng bay ra trận địa / Nghe tiếng ru cò lại bay về”.

Cánh cò là hình ảnh ẩn dụ cho người mẹ – vừa tham gia chiến đấu, vừa trở về với tổ ấm. Cánh cò cũng bay vào giấc mơ con trẻ, trở thành biểu tượng cho tuổi thơ, cho giấc mơ yên lành và tương lai hòa bình:

“Con cứ mơ theo cánh cò trắng muốt

Giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa”

               Chi tiết “cây súng mẹ đã treo trên đầu cột” càng nhấn mạnh vẻ đẹp người mẹ – người lính. Mẹ tạm gác súng để ru con, nhưng sự tỉnh táo, sẵn sàng chiến đấu vẫn còn đó. Trong tiếng ru, mẹ không chỉ đưa con vào giấc ngủ, mà còn gửi gắm niềm tin, tình yêu và hy vọng cho tương lai.

               Bài thơ kết thúc bằng câu hát ru dân gian:

“Con cò bay lả, bay la…”

gợi âm hưởng quen thuộc, thân thương, như nhấn mạnh sự tiếp nối truyền thống và ước vọng muôn đời: được sống trong hòa bình.

               Với lối viết nhẹ nhàng, giàu chất nhạc và hình ảnh ẩn dụ tinh tế, “Sau giờ trực chiến” là bài thơ vừa thấm đẫm tình mẹ, vừa chan chứa tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó, Vũ Quần Phương không chỉ ca ngợi người mẹ thời chiến, mà còn khẳng định vẻ đẹp bất khuất và đầy nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Bài thơ “Sau giờ trực chiến” của Vũ Quần Phương là một khúc trữ tình sâu lắng viết về người mẹ trong thời chiến – vừa là chiến sĩ vừa là người ru con ngủ. Qua bài thơ, tác giả ca ngợi vẻ đẹp dịu dàng mà kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình sâu sắc.

               Ngay từ câu mở đầu:

“Trực chiến về, mẹ hát ru con”, nhà thơ đã khắc họa sự giao thoa giữa chiến tranh và đời sống. Người mẹ sau ca trực chiến không nghỉ ngơi mà lại trở về vai trò thiêng liêng – chăm sóc con, ru con ngủ. Không gian thôn quê hiện lên thanh bình với mùi ổi chín, khí trời sau mưa, ánh sao lên cao… Tất cả tạo nên một khung cảnh yên ả, đối lập với sự căng thẳng ngoài trận địa, như ôm lấy giấc ngủ trẻ thơ.

               Hình ảnh cánh cò – biểu tượng dân gian quen thuộc – được nhà thơ khai thác sâu sắc:

“Cánh cò trắng bay ra trận địa / Nghe tiếng ru cò lại bay về”.

Cánh cò là hình ảnh ẩn dụ cho người mẹ – vừa tham gia chiến đấu, vừa trở về với tổ ấm. Cánh cò cũng bay vào giấc mơ con trẻ, trở thành biểu tượng cho tuổi thơ, cho giấc mơ yên lành và tương lai hòa bình:

“Con cứ mơ theo cánh cò trắng muốt

Giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa”

               Chi tiết “cây súng mẹ đã treo trên đầu cột” càng nhấn mạnh vẻ đẹp người mẹ – người lính. Mẹ tạm gác súng để ru con, nhưng sự tỉnh táo, sẵn sàng chiến đấu vẫn còn đó. Trong tiếng ru, mẹ không chỉ đưa con vào giấc ngủ, mà còn gửi gắm niềm tin, tình yêu và hy vọng cho tương lai.

               Bài thơ kết thúc bằng câu hát ru dân gian:

“Con cò bay lả, bay la…”

gợi âm hưởng quen thuộc, thân thương, như nhấn mạnh sự tiếp nối truyền thống và ước vọng muôn đời: được sống trong hòa bình.

               Với lối viết nhẹ nhàng, giàu chất nhạc và hình ảnh ẩn dụ tinh tế, “Sau giờ trực chiến” là bài thơ vừa thấm đẫm tình mẹ, vừa chan chứa tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó, Vũ Quần Phương không chỉ ca ngợi người mẹ thời chiến, mà còn khẳng định vẻ đẹp bất khuất và đầy nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Bài tham khảo Mẫu 1

Vũ Quần Phương là một trong những cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, suốt thời gian cầm bút ông đã tạo nên dấu ấn riêng của mình. Từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Vũ Quần Phương vẫn luôn thể hiện chất riêng của bản thân mình, thơ ông hướng đến khát vọng hòa bình, tự do và thể hiện những suy tư về chiến tranh ở những khoảng lặng của chiến trường chứ không phải ở sự khốc liệt, bi thương trong chiến tranh. Vũ Quần Phương lấy người lao động, lấy cảnh vật, lấy hơi thở đời sống để bộc lộ cái tôi trữ tình, cái cảm xúc cá nhân, chân thành, giản dị, dễ hiểu, là thước đo những giá trị đạo đức, cổ vũ, truyền tải ý niệm về tinh thần lạc quan, trân trọng cuộc sống, bài học ý nghĩa cho đời. Bài thơ Sau giờ trực chiến là một bài thơ như vậy, bài thơ mang đến cảm giác bình yên và thể hiện cái nhìn đầy lãng mạn của nhà thơ đối với người nữ dân quân đồng thời còn là người mẹ dịu hiền, chan chứa tình yêu thương đối với đứa con yêu dấu của mình.

               Mở đầu bài thơ là hình ảnh người mẹ trở về sau những giây phút trực chiến căng thẳng và đầy nguy hiểm: 

“Trực chiến về, mẹ hát ru con  

Lối ngõ thôn thơm mùi ổi chín  

Sau cơn mưa khí trời ngọt lịm  

Đêm xanh ngời khi ngôi sao lên”

Câu thơ “Trực chiến về, mẹ hát ru con” gợi lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh: vừa mạnh mẽ, gan góc khi cầm súng bảo vệ quê hương, vừa dịu dàng, yêu thương trong vai trò làm mẹ. Ba câu thơ tiếp theo khắc họa khung cảnh làng quê Việt Nam thanh bình khi bước vào mùa thu với mùi ổi chín, khí trời ngọt lịm, và bầu trời sao lấp lánh sau cơn mưa. Qua những câu thơ, tác giả thể hiện sự yêu thương, trân trọng những người phụ nữ giàu tình yêu gia đình và giàu lòng yêu nước, đồng thời thể hiện sự trân trọng những khung cảnh bình yên, trong trẻo giữa cuộc chiến khốc liệt.

               Sang khổ thơ thứ hai, nhà thơ vẽ nên một bức tranh yên bình, ấm áp về tình mẹ con. Ở đó người mẹ dịu hiền đang kéo võng ru đứa con bé bỏng vào những giấc ngủ ngoan:

“Hai đầu kèo võng lại ru êm  

Con lại ngủ yên trong vòng tay mẹ bế,  

Cánh cò trắng bay ra trận địa  

Nghe tiếng ru cò lại bay về.”  

Câu thơ “Con lại ngủ yên trong vòng tay mẹ bế” gợi tả sự che chở, bảo bọc của người mẹ dành cho đứa con nhỏ. Hình ảnh “cánh cò trắng” bắt đầu xuất hiện từ đây và sẽ xuyên suốt đến hết bài thơ. Hành trình của “cánh cò trắng” là ẩn dụ cho hành trình của người mẹ. Đó là những ngày tháng vất vả, hiểm nguy ngoài trận địa, mẹ chiến đấu vì đất nước mà cũng là vì người con yêu dấu. Cũng vì muốn được ôm con trong vòng tay, được hát ru con ngủ mà mẹ được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu.

               “Cánh cò trắng” không chỉ bay ra trần địa rồi lại bay về bên tiếng ru quanh nôi, cánh cò ấy còn đi vào trong những giấc mơ của người con và nuôi dưỡng tâm hồn con:  

“Cò lại vào trong giấc con mơ  

Xanh biếc tuổi thơ-con cò bay vội vội  

Nước chảy ngoài kia, bờ đê gió thổi  

Xóm mạc êm đềm trong đêm ca dao.”  

Khổ thơ thể hiện mong ước của người mẹ dành cho con. Người mẹ hi vọng chiến tranh sẽ không lấy đi tuổi thơ bình yên và đẹp đẽ của con. Mong muốn con được lớn lên trong bình yên và hạnh phúc, có được tuổi thơ “xanh biếc”. Nhìn ở một góc độ khác, có lẽ đây cũng chính là tuổi thơ mà người mẹ đã từng mơ ước. Cò “lại” đi vào giấc mơ con, cánh cò ấy phải chăng cũng đã từng đi vào những giấc mơ của người mẹ? Một tuổi thơ được ngắm nhìn những cánh cò bay trên bầu trời, được rong chơi trên những con đê gió thổi mát rượi và có được nghe những câu hát ca dao trong những đêm yên bình của lòng xóm hẳn là tuổi thơ mà rất nhiều đứa trẻ khi ấy mong ước. Người mẹ nhờ những lời hát ru, nhờ cánh cò trắng để gửi cho con những tình cảm yêu thương nhất, những mong muốn tốt đẹp nhất đến cho con.

               Nếu những khổ thơ trên mang âm hưởng nhẹ nhàng, du dương thì đến khổ thơ thứ tư, người đọc lại cảm nhận được âm hưởng sử thi:

“Trăng đã ngời trên ngọn phi lao  

Cát lại trắng như nghìn năm mộng ước  

Mẹ hát ru con trong lòng đêm đất nước  

Một cánh cò bay suốt canh khuya…” 

Hình ảnh “trăng đã lên” kết hợp với phép so sánh giàu liên tưởng “Cát lại trắng như nghìn năm mộng ước” đã thể hiện khát vọng mãnh liệt về tương lai tươi sáng, hòa bình của đất nước. Cánh cò ở trong khổ thơ này không chỉ tượng tương cho người mẹ tần tảo, kiên cường mà còn tượng trưng cho ý chí, nghị lực của người dân Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập.

               Nếu khổ thơ trên là khát vọng về một tương lai tươi sáng của dân tộc thì ở khổ thơ cuối là niềm tin vào viễn cảnh tốt đẹp ấy:

“Đêm êm lành - con cứ ngủ ngoan đi  

Cây súng mẹ đã treo trên đầu cột  

Con cứ mơ theo cánh cò trắng muốt  

Giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa.”

Những câu thơ giống như lời tâm tình, lời dặn dò và cũng giống như lời hứa của người mẹ dành cho người con của mình. Người mẹ vừa gửi gắm tình yêu thương vô bờ bến của mình, vừa là lời hứa sẽ bảo vệ cho con, con sẽ luôn được bao bọc trong vòng tay của mẹ, vì vậy con không cần lo lắng điều gì, chỉ “cứ ngủ ngoan” và “cứ mơ theo cánh cò trắng muốt”. Câu thơ “Giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa” gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Giấc mơ gần có thể là mong muốn con được ngủ yên và giấc mơ xa là mong ước về ngày độc lập, hòa bình của đất nước. Sự gắn kết, liền mạch này ấy cho thấy sự hòa quyện những tình cảm gia đình và tình yêu đất nước, thấy được sự hòa quyện giữa tình cảm chung và tình cảm riêng tư cá nhân. Bên cạnh đó, khổ thơ còn thể hiện niềm tin, sự khẳng định về tương lai tươi sáng của đất nước. Câu thơ “Cây súng mẹ đã treo trên đầu cột” đã cho thấy tâm thế sẵn sàng của người mẹ và cũng là của rất nhiều người dân Việt Nam, họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước và cũng chính là bảo vệ những người thân yêu của mình.

               Kết thúc bài thơ là câu thơ sáu chữ “Con cò bay lả- bay la...” mang đậm âm hưởng ca dao, dân ca khiến cho bài thơ có sức vang vọng và làm tăng tính nhạc cho bài thơ. Bài thơ được viết bằng thể thơ bảy chữ, với nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, tạo cảm giác như một bài hát ru. Ngôn ngữ thơ giản dị, đậm chất đời thường. Nhà thơ cũng sử dụng những hình ảnh gần gũi như “lối ngõ”, “bờ đê”, “cánh cò”,… nhưng lại hàm chứa ý nghĩa sâu sắc. Những yếu tố nghệ thuật ấy đã giúp nhà thơ truyền đạt nội dung và tư tưởng của bài thơ đến với đọc giả một cách dễ hiểu và trọn vẹn nhất.

               Bài thơ “Sau giờ trực chiến” của Vũ Quần Phương đã thể hiện một cách nhìn rất riêng của nhà thơ về chiến tranh, trong đó ông trân trọng những khoảnh khắc yên bình giữa chiến trường. Bài thơ cũng thể hiện lòng yêu nước,sự biết ơn và trân trọng của tác giả dành cho những người phụ nữ vừa là những dân quân kiên cường, quả cảm, vừa là những người mẹ tần tảo, giàu tình yêu thương.

Bài tham khảo Mẫu 2

Bài thơ "Sau giờ trực chiến" của Vũ Quần Phương đã khắc họa nên hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, tần tảo, giàu đức hi sinh một cách vô cùng xúc động và chân thực. Qua những câu thơ giản dị mà sâu lắng, tác giả đã phác họa vẻ đẹp của người mẹ không chỉ ở vẻ đẹp hình thể mà còn ở vẻ đẹp tâm hồn cao cả, đáng trân trọng.

               Hình ảnh người mẹ hiện lên trong bài thơ thật bình dị, gần gũi. Sau một ngày trực chiến, vất vả, người mẹ vẫn dành trọn tình yêu thương cho con. Hành động hát ru con, bế con ngủ yên trong vòng tay ấm áp thể hiện sự dịu dàng, đôn hậu của người mẹ. Không gian quê hương với "lối ngõ thôn thơm mùi ổi chín", "khí trời ngọt lịm" sau cơn mưa càng tô điểm thêm vẻ đẹp bình yên, hạnh phúc của gia đình nhỏ. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người đã tạo nên một bức tranh quê hương thanh bình, êm đềm.

               Tình mẫu tử thiêng liêng được thể hiện rõ nét qua những câu thơ: "Con lại ngủ yên trong vòng tay mẹ bế", "Mẹ hát ru con trong lòng đêm đất nước". Hình ảnh người mẹ hát ru con trong đêm khuya, tiếng ru êm ái như đưa con vào giấc ngủ say nồng, thể hiện sự yêu thương con vô bờ bến. Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ được nhấn mạnh qua hình ảnh "cây súng mẹ đã treo trên đầu cột", cho thấy người mẹ vừa là người chiến sĩ dũng cảm, vừa là người mẹ hiền dịu, đảm đang. Sự đối lập giữa hình ảnh cây súng và vòng tay ấm áp của người mẹ càng làm nổi bật sự hy sinh lớn lao của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến.

               Người mẹ trong bài thơ không chỉ yêu thương con hết mực mà còn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Hình ảnh "cánh cò trắng bay ra trận địa", "cò lại vào trong giấc con mơ" là biểu tượng của sự hy sinh, bảo vệ tổ quốc. Tiếng ru của mẹ hòa quyện với tiếng cò bay, tạo nên một không gian vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa người mẹ với quê hương, đất nước. Người mẹ không chỉ là người chăm sóc gia đình mà còn là người góp phần bảo vệ Tổ quốc, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn cao cả, giàu đức hi sinh. Bài thơ khép lại với hình ảnh "giấc mơ gần mơ tiếp giấc mơ xa", gợi lên niềm tin vào một tương lai tươi sáng, hòa bình, hạnh phúc.

Hình tượng người mẹ trong bài thơ "Sau giờ trực chiến" của Vũ Quần Phương là một hình ảnh đẹp đẽ, giàu sức sống. Vẻ đẹp của người mẹ không chỉ nằm ở sự tần tảo, đảm đang, yêu thương con hết mực mà còn ở sự hy sinh thầm lặng, tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu đậm về vẻ đẹp tâm hồn cao cả của người phụ nữ Việt Nam.

Bài tham khảo Mẫu 3

Trong dòng chảy của văn học kháng chiến, nhiều nhà thơ đã chọn cái nhìn trực diện về chiến tranh với những hình ảnh dữ dội, khốc liệt. Nhưng cũng có những tác phẩm nhẹ nhàng mà sâu lắng, khai thác góc nhìn đời thường, nhân văn giữa thời lửa đạn. Bài thơ “Sau giờ trực chiến” của Vũ Quần Phương là một trong những tác phẩm như vậy – một bản ru ngọt ngào, giàu tình mẫu tử, thấm đẫm khát vọng hòa bình, thể hiện vẻ đẹp sâu sắc của người mẹ - người lính nơi hậu phương.

               Ngay từ nhan đề “Sau giờ trực chiến”, nhà thơ đã mở ra hai tầng không gian: một là chiến trường khốc liệt mà người mẹ vừa rời khỏi, hai là mái ấm gia đình nơi mẹ trở về để ru con ngủ. Câu thơ đầu tiên như một sự chuyển cảnh nhẹ nhàng:

“Trực chiến về, mẹ hát ru con”

Giữa thời chiến, người phụ nữ không chỉ là hậu phương mà còn trực tiếp tham gia vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, ngay sau khi rời súng đạn, họ lại trở về với thiên chức muôn đời: người mẹ. Sự đối lập giữa “trực chiến” và “hát ru con” không tạo nên mâu thuẫn, mà gợi lên vẻ đẹp của sự hòa quyện – người mẹ anh hùng, mà cũng đầy dịu dàng, giàu yêu thương.

               Không gian bài thơ là một làng quê thanh bình sau cơn mưa:

“Lối ngõ thôn thơm mùi ổi chín

Sau cơn mưa khí trời ngọt lịm

Đêm xanh ngời khi ngôi sao lên”

Thiên nhiên hiện lên thật trong trẻo, yên ả và ngọt ngào như ru lòng người. Khung cảnh ấy như đang níu giữ người mẹ khỏi những mỏi mệt sau ca trực chiến, cũng là nơi ủ ấm giấc ngủ trẻ thơ. Vũ Quần Phương không miêu tả chiến tranh bằng tiếng súng, máu và lửa, mà bằng chính vẻ đẹp bình dị của đời sống, nơi mẹ và con cùng tồn tại giữa hai chiến tuyến: thực tại và mộng mơ.

               Bức tranh thơ tiếp tục mở rộng với hình ảnh cánh cò – một biểu tượng dân gian quen thuộc trong những câu hát ru:

“Cánh cò trắng bay ra trận địa

Nghe tiếng ru cò lại bay về”

Cánh cò trong bài thơ không chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho người mẹ, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết giữa chiến tranh và hòa bình, giữa nhiệm vụ và tình cảm. Cánh cò bay đi – như mẹ ra chiến trường; cánh cò bay về – như mẹ lại trở về bên con. Và hơn thế, cánh cò ấy còn đi vào giấc mơ trẻ thơ:

“Cò lại vào trong giấc con mơ

Xanh biếc tuổi thơ – con cò bay vội vội”

               Giấc mơ của đứa trẻ không chỉ là một giấc ngủ yên lành, mà còn là một giấc mơ hòa bình, mơ tương lai. Trong không gian của đêm yên tĩnh, trong tiếng ru êm ả, người mẹ gửi gắm tình yêu, sự che chở và cả khát vọng sống yên bình cho thế hệ sau. Đứa trẻ – nhân vật tuy không cất lời trong bài thơ – nhưng lại hiện diện như trung tâm của tình yêu, niềm hy vọng.

“Mẹ hát ru con trong lòng đêm đất nước

Một cánh cò bay suốt canh khuya…”

               Trong hình ảnh ấy, người mẹ không chỉ ru con mình, mà còn ru cả một thế hệ, ru giấc mơ đất nước. Bóng dáng mẹ hiện lên vừa dịu dàng vừa kiên cường, khi chiếc súng vẫn còn đó – bằng chứng cho một thời đầy trách nhiệm:

“Cây súng mẹ đã treo trên đầu cột

Con cứ mơ theo cánh cò trắng muốt”

Chi tiết “cây súng treo trên đầu cột” là một hình ảnh vừa cụ thể, vừa tượng trưng: cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, nhưng người mẹ đã tạm cất súng để gìn giữ những điều thiêng liêng – giấc ngủ của con, niềm tin vào một ngày mai không còn tiếng súng. Giấc mơ của con, của mẹ, và của cả đất nước hòa vào nhau trong tiếng hát ru cuối cùng:

“Con cò bay lả, bay la…”

               Đó là câu hát dân gian quen thuộc, kết thúc bài thơ trong âm hưởng êm đềm, nhẹ nhàng nhưng đầy sức sống. Giấc mơ tuổi thơ, niềm tin đất nước, vẻ đẹp người mẹ – tất cả được khép lại bằng câu ca dao như một khúc hát từ ngàn đời vọng lại.

               Về nghệ thuật, bài thơ giàu tính nhạc, sử dụng nhiều hình ảnh dân gian như cánh cò, câu ru, trăng phi lao, bờ đê... để gợi cảm xúc gần gũi, sâu lắng. Cách kết hợp giữa yếu tố hiện thực (trực chiến, cây súng) và trữ tình (giấc ngủ, tiếng ru, cánh cò) giúp bài thơ trở nên sâu sắc, hàm chứa nhiều tầng nghĩa.

                “Sau giờ trực chiến” không phải là một bài thơ kể về chiến tranh ác liệt, mà là bài thơ kể về hòa bình từ trong chiến tranh – bằng tiếng hát ru, bằng tình mẫu tử, bằng cánh cò của tuổi thơ và bằng khát vọng cho ngày mai. Vũ Quần Phương đã viết nên một khúc trữ tình dịu dàng mà da diết, để từ đó ta thấy được vẻ đẹp của người mẹ – người chiến sĩ, và thấy được tình yêu lớn lao dành cho đất nước trong từng điều nhỏ bé nhất.

 


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí