Phân tích bài thơ "Mùi cơm cháy" của tác giả Vũ Tuấn lớp 9


Trong mỗi chúng ta, ký ức tuổi thơ luôn là miền nhớ thiêng liêng nhất. Đó không chỉ là những trò chơi, những ngày tháng vô lo, mà còn là những hương vị quen thuộc, gắn liền với gia đình và quê hương.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Mùi cơm cháy của tác giả Vũ Tuấn

II. Thân bài:

1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

2. Phân tích nội dung, đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:

- Chủ đề bài thơ: tình yêu quê hương, đất nước khởi nguồn từ nỗi nhớ kí ức tuổi thơ

+ Mùi cơm cháy thuở nhỏ nơi làng quê nghèo

+ Lời mẹ hát ru ầu ơ

+ Những hi sinh thầm lặng, cay đắng của mẹ, giọt mồ hôi mặn của cha

+ Hương thơm của rơm rạ, cánh đồng mùa gặt, muối mặn gừng cay, ánh trăng vàng lấp lánh dòng sông

- Nghệ thuật bài thơ:

+ Thể thơ 8 chữ lắng đọng, thiết tha

+ Ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh

+ Biện pháp tu từ: liệt kê, nhân hóa,…

→ Quê hương là những điều dung dị, thân thuộc nhất, là nỗi nhớ nhung khôn nguôi và tình yêu sâu nặng theo bước chân ta trên mỗi nẻo đường

III. Kết bài: Tổng kết vấn đề nghị luận

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Trong mỗi chúng ta, ký ức tuổi thơ luôn là miền nhớ thiêng liêng nhất. Đó không chỉ là những trò chơi, những ngày tháng vô lo, mà còn là những hương vị quen thuộc, gắn liền với gia đình và quê hương. Bài thơ "Mùi cơm cháy" của Vũ Tuấn đã tái hiện một cách xúc động nỗi nhớ ấy, qua hình ảnh mùi cơm cháy – tưởng như nhỏ bé nhưng lại chất chứa biết bao tình cảm sâu nặng.

Tác giả đã bộc lộ nỗi nhớ da diết về tuổi thơ qua hình ảnh mùi cơm cháy – món ăn giản dị, dân dã mà gắn bó với biết bao người con quê nghèo. Mùi cơm ấy không chỉ là hương vị mà còn là kỷ niệm, là tình cảm yêu thương của mẹ cha, là những ngày tháng tuổi thơ ngọt ngào xen lẫn cay đắng.

Cơm cháy hiện lên không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng của tình quê, của sự tần tảo, hi sinh thầm lặng của cha mẹ. Hình ảnh “mặn mồ hôi cha”, “có lời mẹ ru”, “ánh trăng vàng chị múc bên sông”... tất cả đều gợi một không gian sống đậm chất quê hương, mộc mạc mà giàu tình cảm.

Điều đặc biệt trong bài thơ là tình yêu nước được khơi nguồn từ những điều rất đỗi gần gũi: từ “mùi cơm cháy”, từ “những câu ca” và những hình ảnh thân thuộc nơi làng quê. Qua đó, tác giả cho thấy rằng, tình yêu Tổ quốc không nhất thiết phải bắt đầu từ điều gì to lớn, mà từ chính những điều giản dị nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Bài thơ "Mùi cơm cháy" là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cội nguồn của tình yêu quê hương, đất nước. Qua hình ảnh cơm cháy – biểu tượng của tuổi thơ, của gia đình và của quê hương, Vũ Tuấn đã gợi lên những cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc. Dù đi đâu, làm gì, mỗi người con đất Việt vẫn luôn mang theo trong tim mình một “mùi cơm cháy” – một phần ký ức không thể phai mờ.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Vũ Tuấn là một trong những cây bút trẻ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đương đại. Thơ ông mang màu sắc dân dã, mộc mạc và bình dị như chính vùng đất Phú Thọ đã nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ. Bài thơ “Mùi cơm cháy” được in trong tập Khúc Ru Quê, xuất bản năm 2022. Tác phẩm là tình cảm thiêng liêng mà người con dành cho mẹ. Qua đó, ta thấy được hình ảnh người phụ nữ tần tảo sớm hôm vì gia đình.

Hình ảnh đầu tiên mở ra trên trang giấy trắng là mùi cơm cháy quen thuộc:

“Con đi xa, nhớ hương vị tuổi thơ

Mùi cơm cháy, con vẫn ăn ngày trước”.

Hai câu thơ gợi lên nỗi nhớ da diết của người con đối với quê hương. Dù có đi đâu về đâu thì mùi cơm cháy vẫn mãi lưu giữ trong tâm trí của nhân vật trữ tình. Mùi cơm cháy ấy không chỉ đơn thuần là mùi của hạt gạo mà còn là mùi của tình yêu thương, mùi của sự hy sinh cao cả. Hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả sớm hôm để lo cho cuộc sống của con cái khiến độc giả không khỏi xúc động:

“Đôi chân con đi khắp miền Tổ Quốc

Chẳng nơi nào... có vị cơm năm xưa

Cơm cháy quê nghèo... có nắng, có mưa

Có lời mẹ ru, ngọt ngào cay đắng

Có những hi sinh, nhớ thương thầm lặng

Con yêu nước minh... từ những câu ca...

Cơm cháy quê nghèo... mặn mồ hôi cha

Có vị thơm rơm, cánh đồng mùa gặt

Muối mặn gừng cay, có hè nắng gắt

Ánh trăng vàng chị múc bên sông.”

Người con đi đến mọi miền tổ quốc, nếm đủ hương vị của cuộc sống nhưng chẳng nơi nào có được mùi vị thân thuộc như cơm mẹ nấu. Cơm mẹ nấu có mùi của khói bếp, mùi của tình yêu thương, mùi của sự hy sinh vô bờ bến. Đó là mùi của những giọt mồ hôi lăn dài trên má cha, là mùi của những đêm trường thao thức vì con của mẹ. Đó là mùi của những tháng ngày cơ cực, nhọc nhằn nhưng tràn đầy hạnh phúc.

Bát cơm mẹ nấu có mùi của rơm rạ, có mùi của đồng lúa chín vàng. Đó là thành quả của bao ngày tháng lao động vất vả, là kết tinh của đất đai màu mỡ, của khí trời mát mẻ. Bát cơm mẹ nấu có mùi của muối mặn, của gừng cay. Đó là hương vị của cuộc sống giản dị, đạm bạc nhưng ấm áp tình người. Bát cơm mẹ nấu có mùi của ánh trăng vàng, của dòng sông êm đềm. Đó là hương vị của thiên nhiên tươi đẹp, của quê hương yên bình.

Bài thơ “Mùi cơm cháy” của Vũ Tuấn đã khắc họa thành công hình ảnh người mẹ tần tảo, hy sinh vì gia đình. Mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi người. Mẹ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để con cái được hạnh phúc. Tình yêu thương của mẹ là nguồn động lực to lớn giúp con vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Mỗi chúng ta cần biết ơn và trân trọng tình yêu thương của mẹ. Hãy cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội, để mẹ được vui lòng.

Bài tham khảo Mẫu 1

"Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi"

                      (Quê hương - Đỗ Trung Quân)

Quê hương từ lâu đã đi vào thơ ca như một vùng đất hứa của hồn người, là nơi bình dị, mộc mạc thân thương ôm ấp biết bao ước mơ, khát vọng của tuổi thơ. Đoạn thơ “Mùi cơm cháy” của Vũ Tuấn là một bài thơ mang đậm dấu ấn về tình yêu quê hương qua những hình ảnh giản dị, thân thuộc. như thế. Với giọng thơ mang đậm hoài niệm sâu lắng, tác giả đã khắc họa một cách chân thực, sống động những kỷ niệm tuổi thơ, những hình ảnh gắn bó với quê hương thân yêu. Đoạn thơ không chỉ là lời nhắc nhớ về quá khứ, mà còn thể hiện tình cảm tha thiết, sự tri ân đối với những gì thuộc về gia đình, quê hương và tình yêu đất nước.

Ngụp lặn trong trang thơ của một miền kí ức xưa cũ, ta bắt gặp những bâng khuâng, xao xuyến của một người con xa quê:

"Con đi xa, nhớ hương vị tuổi thơ

Mùi cơm cháy, con vẫn ăn ngày trước

Đôi chân con đi khắp miền

Tổ quốc Chẳng nơi nào... có vị cơm năm xưa..."

Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã khéo léo sử dụng hình ảnh "mùi cơm cháy" để gợi lại ký ức tuổi thơ. Câu thơ "Con đi xa, nhớ hương vị tuổi thơ" mang đến một cảm giác bâng khuâng, da diết của người con khi phải rời xa quê hương. Mùi cơm cháy, một món ăn dân dã, có lẽ không quá nổi bật trong ẩm thực, nhưng trong ký ức của người con, nó lại mang một ý nghĩa sâu sắc. "Mùi cơm cháy, con vẫn ăn ngày trước" là sự nhớ nhung, gắn bó với những giá trị giản dị song lại đậm đà hương vị của cuộc sống xưa. Cơm cháy, không phải là món ăn cao sang, nhưng lại gắn liền với tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, với những bữa cơm đầm ấm trong gia đình. Chính từ những món ăn giản dị ấy, tình cảm gia đình đã được nuôi dưỡng, kết tinh và trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người con. Hình ảnh mùi cơm cháy bình dị đã chứa đựng sự thiêng liêng hơn bao giờ hết, nó ấp ủ hương vị trong từng những kỷ niệm ấm áp. Đó là những buổi chiều mẹ "thổi" cơm, là khoảnh khắc trẻ thơ chơi đùa trong sân, là tiếng cười vui vẻ của gia đình. Hình ảnh ấy khiến người đọc cảm nhận được sự giản dị nhưng đầy ắp tình yêu thương, những yêu thương không cần phải nói ra mà vẫn thấm sâu vào từng ngóc ngách của ký ức.

Hương vị quê hương dạt dào trong từng thớ đất, câu ca, phả vào lòng người những cảm xúc ấm áp lạ kì:

"Cơm cháy quê nghèo...có nắng, có mưa

Có lời mẹ ru, ngọt ngào cay đắng

Có những hi sinh, nhớ thương thầm lặng

Con yêu nước mình... từ những câu ca..."

Khi tác giả tiếp tục miêu tả "cơm cháy quê nghèo", hình ảnh này không chỉ phản ánh hoàn cảnh sống gian khó của người dân quê nghèo mà còn thể hiện những giá trị tinh thần được vun đắp từ sự hy sinh và tình yêu thương. Câu thơ "Cơm cháy quê nghèo... có nắng, có mưa" vừa làm nổi bật sự vất vả của cuộc sống, vừa phản ánh sự khắc khoải, trăn trở của người con khi rời xa quê hương. Quê nghèo, dù có "nắng" và "mưa", dù cuộc sống không dễ dàng nhưng lại là nơi chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc, những tình cảm chân thành mà không nơi nào có thể thay thế được. Hình ảnh "cơm cháy quê nghèo" mang đậm chất quê, không phải là những món ăn sang trọng mà là những thứ gần gũi, thân thuộc. Cơm cháy trong thơ là biểu tượng của sự gian khó giữa tình yêu thương đong đầy. "Có nắng, có mưa" đã lột tả sự khó khăn trong cuộc sống thường nhật đồng thời thể hiện của sự kiên cường, bền bỉ, của một quê hương vẫn tồn tại và phát triển trước những chông gai, thử thách. "Quê nghèo" ấy chính là nơi mà mỗi người con dù đi đâu cũng không thể quên, vì nơi đó có gia đình, có tình yêu thương và có những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

Trang thơ bỗng trở nên dịu lắng sau chặng hành trình kí ức, nó ùa vào lòng người những tình cảm gia đình sâu sắc:

Cơm cháy quê nghèo... mặn mồ hôi cha

Có vị thơm rơm, cánh đồng mùa gặt

Muối mặn gừng cay, có hè nắng gắt

Có ánh trăng vàng...chị múc bên sông...

Tình cảm gia đình, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là chủ đề xuyên suốt trong đoạn thơ. Trong khổ thơ trước, tác giả đã khắc họa một câu thơ đặc biệt "Có lời mẹ ru, ngọt ngào cay đắng" gợi lên sự vất vả, hy sinh của mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái. Những lời ru của mẹ, tuy ngọt ngào nhưng cũng chứa đựng bao nhiêu nhọc nhằn, cay đắng của cuộc sống. Điều này không chỉ thể hiện tình cảm của mẹ mà còn là biểu tượng của sự hy sinh thầm lặng mà mẹ dành cho con. Bên cạnh những cảm xúc thiêng liêng cao quý ấy, trong khổ thơ này tác giả lại phác họa về tình phụ tử cao cả khi viết "mặn mồ hôi cha". Một hình ảnh đẹp thể hiện sự vất vả, hi sinh của người cha trong công cuộc lao động để nuôi sống gia đình. Những "mồ hôi cha" là những giọt mồ hôi đổ xuống từ sự chăm chỉ, kiên nhẫn, là minh chứng cho tình yêu thương và sự hy sinh vô điều kiện mà cha dành cho con cái. Hơn hết, Vũ Tuấn còn mang đến sợi dây gắn kết sâu sắc trong tình cảm gia đình ấy là tình chị em. Người em nhớ đến bóng dáng chị lặn lội, tần tảo sớm hôm nơi đồng ruộng "Có ánh trăng vàng...chị múc bên sông". Chính từ những hy sinh ấy, người con mới có thể trưởng thành, có thể nhớ về quê hương, về gia đình trong những giây phút xa cách. Cuối cùng, hình ảnh "muối mặn gừng cay, có hè nắng gắt" là sự tổng hòa của những khó khăn trong cuộc sống nhưng cũng là những thử thách mà người dân quê vượt qua để xây dựng cuộc sống. Qua đó, tình yêu đất nước cũng chính là sự tri ân đối với những người đã lao động vất vả, hy sinh thầm lặng để xây dựng đất nước vững mạnh.

Qua đoạn thơ, Vũ Tuấn đã khéo léo kết nối tình yêu quê hương với tình yêu đất nước. Khi tác giả viết "Con yêu nước mình... từ những câu ca...", đây là sự khẳng định rằng tình yêu đối với đất nước bắt đầu từ những điều giản dị, từ những câu hát ru, từ những bài ca của mẹ cha, từ những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với mảnh đất quê hương. Tình yêu đất nước không chỉ được hình thành từ những sự kiện lớn lao mà còn được nuôi dưỡng từ những điều bình dị  trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi câu ca, mỗi làn điệu dân ca, mỗi âm điệu của tiếng mẹ ru đều trở thành những viên gạch vững chắc xây dựng nên tình yêu quê hương, đất nước.

Tóm lại, đoạn thơ “Mùi cơm cháy” của Vũ Tuấn là một tác phẩm đầy cảm xúc và sâu sắc. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc và bình dị để khắc họa tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó, tác giả đã bày tỏ sự nhớ nhung về quê hương đồng thời thể hiện tình yêu sâu sắc đối với gia đình, đối với những giá trị của cuộc sống. Những hình ảnh như "cơm cháy", "mồ hôi cha", "lời mẹ ru" hay "cánh đồng mùa gặt" chính là ký ức tươi đẹp của tuổi thơ, là biểu tượng của tình yêu, sự hy sinh và lòng biết ơn đối với quê hương. Thông qua đó, tác giả muốn nhắn nhủ rằng tình yêu quê hương không xuất phát từ những điều lớn lao, nó được nuôi dưỡng trong tâm hồn con người từ những điều bình dị thường nhật.

Bài tham khảo Mẫu 2

Tuổi thơ của mỗi con người luôn gắn liền với những ký ức thân thương, bình dị nhưng đầy ám ảnh. Đó có thể là một câu ru, một bờ ao, hay chỉ đơn giản là... mùi cơm cháy mẹ nấu ngày nào. Bài thơ "Mùi cơm cháy" của Vũ Tuấn là một bản tình ca nhẹ nhàng mà sâu lắng, đưa người đọc trở về với ký ức tuổi thơ, với hương vị quê nhà, với tình cảm gia đình mộc mạc mà thiêng liêng. Qua hình ảnh cơm cháy – biểu tượng của một thời gian khó nhưng đậm đà nghĩa tình – nhà thơ đã gợi lên tình yêu quê hương đất nước bắt đầu từ những điều rất đỗi bình thường, gần gũi. Với giọng thơ dung dị, chân thành, bài thơ không chỉ là nỗi nhớ của riêng tác giả, mà còn chạm đến trái tim của bao người con xa xứ.

Mở đầu đoạn thơ, tác giả đã khơi gợi những kỷ niệm của tuổi thơ thông qua hình ảnh "Con đi xa, nhớ hương vị tuổi thơ". Câu thơ mở ra một không gian đầy cảm xúc, khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến những ngày tháng êm đềm bên gia đình, nơi có những bữa cơm giản dị nhưng đong đầy tình thương. Hương vị cơm cháy, món ăn quen thuộc, trở thành biểu tượng cho những kỷ niệm đẹp đẽ, làm sống dậy trong tâm hồn con người một niềm nhớ nhung mãnh liệt.

Hình ảnh "Mùi cơm cháy, con vẫn ăn ngày trước" không chỉ thể hiện sự yêu thích món ăn này mà còn là sự gắn bó với quê hương, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tác giả. Món cơm cháy giản dị lại trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của tác giả, như một sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Hình ảnh món ăn quen thuộc khiến tác giả nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, nơi có những tiếng cười, những câu chuyện giản dị nhưng đong đầy ý nghĩa.

Tác giả không chỉ dừng lại ở những kỷ niệm tuổi thơ mà còn mở rộng ra hành trình của bản thân: "Đôi chân con đi khắp miền Tổ quốc". Câu thơ này thể hiện sự khám phá, tìm tòi, học hỏi của tác giả về quê hương đất nước. Tuy nhiên, dù đi đến đâu, tác giả vẫn không thể tìm thấy "vị cơm năm xưa". Điều này nhấn mạnh rằng, những kỷ niệm và hương vị quê hương không thể nào lặp lại, mà chỉ có thể được lưu giữ trong ký ức. Sự so sánh giữa những món ăn hiện tại và hương vị cơm cháy quê nghèo càng làm nổi bật sự đặc biệt của những kỷ niệm này.

Câu thơ "Chẳng nơi nào... có vị cơm năm xưa..." gợi lên nỗi buồn da diết về sự mất mát. Nó thể hiện rằng, dù có đi đến đâu, tác giả vẫn không thể tìm thấy cảm giác quen thuộc, gần gũi như khi còn ở quê hương. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của quê hương trong cuộc sống mỗi con người. Hình ảnh "khắp miền Tổ quốc" không chỉ gợi nhắc về những chuyến đi mà còn thể hiện lòng yêu nước của tác giả, sự khám phá và trân trọng từng miền quê mà tác giả đã đi qua.

Tiếp theo, tác giả khắc họa hình ảnh quê hương qua những chi tiết giản dị nhưng đầy ý nghĩa: "Có lời mẹ ru, ngọt ngào cay đắng". Lời ru của mẹ không chỉ là những âm thanh êm dịu mà còn chứa đựng tình yêu, nỗi vất vả, hy sinh của người mẹ. Những "hi sinh, nhớ thương thầm lặng" này chính là nguồn cội của tình yêu quê hương đất nước, mà tác giả đã cảm nhận từ rất sớm. Qua hình ảnh này, người đọc dễ dàng cảm nhận được sự chăm sóc, yêu thương mà mẹ đã dành cho con cái, giúp con trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.

Hình ảnh "Cơm cháy quê nghèo... mặn mồ hôi cha" thể hiện rõ nét hơn sự vất vả của cha mẹ trong cuộc sống. Mồ hôi cha mẹ đã đổ xuống để nuôi dưỡng con cái, tạo nên những kỷ niệm ấm áp và ngọt ngào trong tâm trí tác giả. Những hình ảnh này gợi nhớ đến một thời kỳ khó khăn, nhưng đầy yêu thương và hi sinh, từ đó làm nổi bật giá trị của tình cảm gia đình. Những giọt mồ hôi và nước mắt của cha mẹ là nguồn cảm hứng để con cái cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Câu thơ "Con yêu nước mình... từ những câu ca..." thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa tình yêu quê hương và những giá trị văn hóa truyền thống. Những câu ca trong văn hóa dân gian không chỉ là những bài hát ru mà còn là những bài học về lòng yêu nước, tình yêu quê hương. Điều này thể hiện rằng tình yêu đất nước không chỉ xuất phát từ những điều to tát mà còn từ những giá trị giản dị, từ những kỷ niệm đẹp đẽ, từ những câu chuyện của cha ông.

Đoạn thơ còn mang lại nhiều hình ảnh gần gũi, thân thuộc: "Có vị thơm rơm, cánh đồng mùa gặt" và "Muối mặn gừng cay, có hè nắng gắt". Những hình ảnh này không chỉ tạo nên sự thân quen mà còn gợi nhớ đến cuộc sống vất vả của những người nông dân, luôn gắn bó với đồng ruộng, với những cánh đồng xanh tươi. Qua đó, tác giả thể hiện sự tôn vinh những giá trị lao động, những nỗ lực của con người trong việc tạo dựng cuộc sống.

Hình ảnh "Có ánh trăng vàng...chị múc bên sông" kết thúc đoạn thơ, gợi lên một khung cảnh đẹp đẽ và bình yên. Ánh trăng vàng như làm nổi bật vẻ đẹp lãng mạn của quê hương, nơi con người có thể tìm thấy sự an yên và thanh bình. Hình ảnh này cũng gợi nhớ đến sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, một mối liên hệ sâu sắc mà mỗi người cần gìn giữ. Ánh trăng vàng rực rỡ cùng dòng sông êm đềm như là một minh chứng cho sự giao hòa giữa con người và tự nhiên.

Bên cạnh những hình ảnh cụ thể, đoạn thơ còn mang lại giá trị văn hóa sâu sắc. Qua việc gợi nhớ về hương vị cơm cháy, tác giả không chỉ thể hiện sự quý trọng những món ăn truyền thống mà còn tôn vinh văn hóa ẩm thực của quê hương. Cơm cháy không chỉ là món ăn bình dị mà còn là biểu tượng cho những gì đơn giản, chân chất của đời sống nông thôn. Tác giả đã khéo léo lồng ghép những yếu tố văn hóa vào trong những câu thơ, khiến người đọc cảm nhận được giá trị lịch sử và văn hóa của quê hương.

Hơn nữa, tình yêu quê hương không chỉ là tình cảm cá nhân mà còn là tình cảm chung của cả dân tộc. Qua đoạn thơ, tác giả đã gửi gắm một thông điệp sâu sắc về việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Điều này không chỉ cần thiết cho cá nhân mỗi người mà còn là trách nhiệm của cả xã hội trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đoạn thơ "Mùi cơm cháy" của Vũ Tuấn là một tác phẩm đầy chất thơ, thể hiện tình yêu quê hương đất nước qua những hình ảnh gần gũi và kỷ niệm sâu sắc. Qua đó, tác giả không chỉ khắc họa cuộc sống bình dị mà còn tôn vinh những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc. Tình yêu quê hương được lồng ghép trong từng câu chữ, tạo nên một bức tranh sống động về những hương vị và kỷ niệm ngọt ngào, khiến người đọc không khỏi bồi hồi, xúc động. Đoạn thơ là một lời nhắc nhở về sự quý giá của quê hương, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và là nguồn cội của mọi tình yêu thương.

Chắc chắn rằng, những cảm xúc, kỷ niệm trong đoạn thơ sẽ còn mãi trong tâm trí mỗi người, như một khúc ca ru ngọt ngào, khiến cho lòng ta thêm yêu quê hương, yêu đất nước, yêu những gì giản dị nhưng đong đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Quê hương không chỉ là nơi ta sinh ra mà còn là nơi ta trưởng thành, nơi có những kỷ niệm đẹp, là nguồn động lực để chúng ta không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Hương vị cơm cháy sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người con, như một dấu ấn không thể phai mờ, nhắc nhở chúng ta về nguồn cội và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của quê hương.

Bài tham khảo Mẫu 3

Bài thơ "Mùi cơm cháy" của Vũ Tuấn mang đến cho người đọc một bức tranh giàu cảm xúc về tình quê hương sâu nặng, được thể hiện qua hình ảnh những món ăn bình dị và những kỷ niệm của tuổi thơ. Đoạn thơ không chỉ gợi lên nỗi nhớ về hương vị cơm cháy - món ăn giản dị nhưng thấm đượm tình cảm của người mẹ và quê hương, mà còn là tiếng lòng của người con đi xa luôn mang trong mình tình yêu và sự gắn bó với quê nghèo.

Mở đầu đoạn thơ, tác giả gợi lên hình ảnh "Mùi cơm cháy, con vẫn ăn ngày trước", một món ăn dân dã nhưng chứa đựng biết bao ký ức thân thương. Hương vị của cơm cháy không chỉ là một phần của bữa ăn mà còn là biểu tượng của sự đùm bọc và hy sinh thầm lặng của gia đình. Những câu thơ "Đôi chân con đi khắp miền Tổ quốc / Chẳng nơi nào... có vị cơm năm xưa" thể hiện sự xa cách về địa lý nhưng không thể làm phai nhòa nỗi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu và tình cảm gia đình.

"Cơm cháy quê nghèo...có nắng, có mưa / Có lời mẹ ru, ngọt ngào cay đắng" – câu thơ gợi lên khung cảnh đồng quê giản dị nhưng thấm đẫm tình người. Nắng mưa, ruộng đồng và những câu hát ru của mẹ như hòa quyện vào hương vị cơm cháy, tạo nên một bức tranh sống động về cuộc sống nơi quê nhà. Qua đó, tác giả cũng gửi gắm một thông điệp về sự hy sinh thầm lặng của cha mẹ, những người đã làm lụng vất vả để nuôi nấng con cái.

"Cơm cháy quê nghèo... mặn mồ hôi cha" thể hiện sự nhọc nhằn và gian khổ của cha trong việc lao động để mang lại cơm ăn áo mặc cho gia đình. Hình ảnh "Có vị thơm rơm, cánh đồng mùa gặt" gợi lên mùa gặt vàng bội thu, nhưng cùng với đó là sự vất vả và mồ hôi của những người nông dân. Những hương vị đơn sơ ấy thấm vào tâm hồn người con và trở thành một phần của tình yêu quê hương: "Con yêu nước mình... từ những câu ca...".

Tình yêu quê hương trong đoạn thơ không phải là điều gì cao xa, mà bắt nguồn từ những điều bình dị nhất: từ bữa cơm gia đình, mùi thơm của rơm, ánh trăng mùa hè, và những lời ru của mẹ. Tác giả Vũ Tuấn đã khéo léo lồng ghép những chi tiết rất gần gũi với đời sống hằng ngày để khắc sâu vào lòng người đọc về tình yêu quê hương chân thật và sâu sắc. Chính sự giản dị này đã tạo nên sức mạnh của đoạn thơ, khiến mỗi người đọc đều có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong đó.

Qua đoạn thơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh quê hương vừa giản dị, mộc mạc nhưng lại đầy tình yêu thương và sự hy sinh. "Mùi cơm cháy" không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng của ký ức tuổi thơ, của tình cảm gia đình và sự gắn bó sâu nặng với quê hương. Đoạn thơ giúp người đọc nhận ra rằng, dù có đi xa đến đâu, tình yêu với quê hương vẫn luôn in đậm trong lòng mỗi người, như hương vị mặn mòi của cơm cháy quê nhà.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí