Viết bài văn phân tích bài thơ "Ru Hoa" của Ngô Văn Phú lớp 9>
Trong cuộc sống, lời hát ru đối với em có một ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng hơn cả. Thật vậy, lời hát ru chính là những câu hát tràn ngập tình yêu thương mà mẹ dành cho những đứa con của mình để ru em bé ngủ.
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí
Dàn ý
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, và nêu ý kiến chung của người viết
+Nhà văn - nhà thơ Ngô Văn Phú (1937 - 2022) quê ở Nam Viêm, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Nam Viêm, Phúc Yên, Vĩnh Phúc).
+Bài thơ “Ru hoa” gợi tả sự vất vả lam lũ của người mẹ và tình yêu thương con qua lời ru gắn liền với những loài hoa mộc mạc, dân dã.
II. Thân bài
* Tập trung phân tích nội dung chủ đề và nghệ thuật của bài thơ.
- Khái quát chung về bài thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát. Cả bài thơ gồm năm cặp lục bát trong trẻo, dịu dàng và đằm thắm, gợi lên những vất vả, lam lũ, cơ cực cũng như tình yêu thương con sâu nặng của người mẹ. Qua đó, gửi gắm đến bạn đọc về tình yêu thương trân trọng mẹ của tác giả.
- Nêu nội dung chủ đề bài thơ: Bài thơ ngân nga bằng lời ru êm ái, dịu ngọt cũng như gợi về sự nhọc nhằn của mẹ. Ấn sau lời ru ấy là tình yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho đứa con. Đời sống tinh thần của chúng ta được bồi đắp, thanh lọc nhờ những lời ru êm đềm, tha thiết mà thấm thía của người mẹ hiển. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam đôn hậu, dịu dàng, cả đời âm thầm hy sinh vì gia đình, luôn dành cho con cái những gì tốt đẹp nhất.
* Phân tích tác dụng một số nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.
+ Thể thơ lục bát với âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết, sâu lắng, gieo vần ở các câu 6, câu 8 phù hợp với việc diễn tả lời ru cũng như biểu hiện tình yêu thương sâu nặng của người mẹ dành cho con.
=> Hình ảnh thơ gần gũi, mộc mạc, gợi hồn của quê hương nông thôn vùng Bắc Bộ (hoa mận, hoa mơ, hoa lúa, hoa hồng, cái liềm, cái bừa,...).
+ Biện pháp tu từ: liệt kê nhân hoá, so sánh, ẩn dụ và sử dụng thành ngữ “chân lấm tay bùn” làm tăng giá trị gợi hình, biểu cảm cho bài thơ.
III. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của bài hơ.
- Cảm xúc của người viết hoặc bức thông điệp, lời nhắn gửi của tác giả.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Trong cuộc sống, lời hát ru đối với em có một ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng hơn cả. Thật vậy, lời hát ru chính là những câu hát tràn ngập tình yêu thương mà mẹ dành cho những đứa con của mình để ru em bé ngủ.
Bài thơ "Ru hoa" của nhà thơ "Ngô Văn Phú" là một bài thơ đẹp về tình mẹ. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu thương con vô bờ bến. Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu hình ảnh người mẹ đang ru hoa. Người mẹ ru hoa theo mùa, mỗi mùa một loài hoa khác nhau. Cái hoa khép vở tựa hồ mắt con. Điều này cho thấy người mẹ đang ru hoa như ru con. Người mẹ yêu con vô bờ bến, nên người mẹ đã ru hoa như ru con.
Tiếp theo, tác giả đã khắc họa hình ảnh người mẹ quen chân lấm tay bùn. Người mẹ là một người nông dân, hàng ngày phải làm lụng vất vả. Người mẹ quen với bùn đất, quen với nắng mưa. Nhưng dù có vất vả đến mấy, người mẹ vẫn yêu thương con vô bờ bến. Dù yêu hoa quế hoa hồng, nhưng người mẹ không có thời gian để ngắm hoa. Người mẹ phải lo làm lụng để nuôi con. Người mẹ chỉ có thể ngắm hoa trong lời ru của mình. Người mẹ đã đem hoa lúa ghép thành lời ru. Lời ru của mẹ ngọt ngào, ấm áp, như một dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn con.
Cuối bài thơ, tác giả đã nhắc đến những loài hoa khác nhau: sen mùa hạ, cúc mùa thu, hoa đồng cỏ nội. Những loài hoa này tượng trưng cho tình yêu thương của mẹ dành cho con. Mẹ yêu con như yêu hoa, yêu con như yêu cuộc đời. Bài thơ "Ru hoa" là một bài thơ đẹp về tình mẹ. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu thương con vô bờ bến. Bài thơ đã nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương của mẹ, để chúng ta biết trân trọng và yêu thương mẹ hơn.
Qua những lời hát ru của mẹ, đứa trẻ đi vào giấc ngủ. Theo năm tháng, đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta cứ thế lớn dần và trưởng thành trong tình yêu thương và lời hát ru của mẹ. Qua lời ru của mẹ, ta lớn khôn, lớn cùng nhưng cánh cò trắng, lớn cùng những cánh đồng nương rẫy, lớn cùng những khúc hát đồng dao và có tuổi thơ êm đẹp.
Lời ru cũng là sự nhọc nhằn của mẹ. Và cũng lời ru ấy là tình yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho chúng ta. Đời sống tinh thần của chúng ta được bồi đắp nhờ những lời ru êm đềm của mẹ. Tóm lại, lời ru có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần ở mỗi người.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Bài thơ “Ru hoa” của tác giả Ngô Văn Phú là một tác phẩm đẹp và sâu lắng, thể hiện tình yêu quê hương và lòng tự hào về những giá trị giản dị trong cuộc sống. Bài thơ sử dụng hình ảnh hoa để gợi nhớ về những kỷ niệm và truyền tải thông điệp về cuộc sống gắn bó với thiên nhiên và lao động.
Mở đầu bài thơ, hình ảnh “Ru hoa, mẹ hát theo mùa” gợi lên một không gian ấm áp, nơi mẹ sử dụng những bài hát dân gian để ru con. Hoa không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp mà còn là nguồn cảm hứng cho những lời ru của mẹ, kết nối giữa mẹ và con, giữa con người với thiên nhiên. Hình ảnh “Cái hoa khép mở tựa hồ mắt con” thể hiện sự gắn bó giữa sự phát triển của hoa và sự trưởng thành của đứa con.
Tác giả cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa cuộc sống vật chất và tinh thần qua hình ảnh “Mẹ quen chân lấm tay bùn”, khắc họa sự vất vả của mẹ khi lao động trong điều kiện khó khăn. Dù không có hoa quế, hoa hồng để làm quà, mẹ vẫn tạo ra những lời ru từ “hoa lúa”, tượng trưng cho sự giản dị và chân thành.
Bài thơ tiếp tục với hình ảnh các loại hoa theo mùa, từ sen mùa hạ đến cúc mùa thu, làm nổi bật sự gắn bó với đất đai và mùa vụ của người nông dân. Những hình ảnh này không chỉ thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên mà còn nhấn mạnh sự quan trọng của công việc đồng áng trong cuộc sống hàng ngày.
“Ru hoa” là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống giản dị, thể hiện tình yêu thương và lòng tự hào về quê hương. Những hình ảnh hoa trong bài thơ không chỉ làm đẹp cho tác phẩm mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, phản ánh mối quan hệ bền chặt giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Bài thơ “Ru hoa” của Ngô Văn Phú là một khúc hát nhẹ nhàng, sâu lắng về tình mẫu tử và vẻ đẹp bình dị của người mẹ nông dân. Qua những hình ảnh thiên nhiên và lao động đời thường, tác giả đã khắc họa chân thực người mẹ vừa lam lũ, vất vả nhưng cũng đầy yêu thương, tinh tế trong cách nuôi dạy con.
Ngay từ nhan đề “Ru hoa”, bài thơ đã gợi lên một không gian dịu dàng, đầy chất thơ. Người mẹ ru con không chỉ bằng lời hát mà còn bằng hình ảnh của những loài hoa, gắn liền với các mùa trong năm. Mỗi mùa có một loài hoa, và mỗi loài hoa lại mang một cảm xúc, một hình ảnh riêng, tạo nên một bản hòa ca dịu dàng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Tuy nhiên, mẹ trong bài thơ không phải người sống trong nhung lụa, gần hoa quý như hoa hồng, hoa quế, mà là người nông dân chân lấm tay bùn. Cuộc sống lao động vất vả không cho mẹ điều kiện để gần gũi với những loài hoa sang trọng. Nhưng chính sự tảo tần đó lại khiến mẹ có cái nhìn sâu sắc và mộc mạc về vẻ đẹp quanh mình. Mẹ yêu hoa mận, hoa mơ – những loài hoa dân dã – và mang cả hoa lúa, hoa đồng nội vào trong lời ru cho con.
Qua hình ảnh “hoa lúa”, “hoa đồng cỏ nội”, tác giả không chỉ gợi lên vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương mà còn làm nổi bật sự gắn bó giữa mẹ với đất, với ruộng đồng. Lời ru của mẹ không chỉ là sự chăm sóc thể xác, mà còn là sự nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những điều bình dị, gần gũi nhất với cuộc sống.
Bài thơ sử dụng ngôn ngữ giản dị, đậm chất dân gian, hình ảnh gần gũi với đời sống nông thôn. Nhịp thơ nhẹ nhàng như nhịp ru, gợi không khí yên bình, sâu lắng của tình mẹ.
“Ru hoa” là bài thơ ngắn mà giàu cảm xúc. Ngô Văn Phú đã khéo léo tái hiện hình ảnh người mẹ nông dân qua những lời ru giản dị, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và vẻ đẹp của tâm hồn người lao động.
Bài tham khảo Mẫu 1
Trước khi rỏ từng giọt tâm hồn ra ngòi bút để viết nên những câu chữ đẹp đẽ tinh khôi, mỗi nhà văn đều để dòng tư tưởng thấm xuyên qua con tim thổn thức để từ đó, thể hiện cái nhìn sâu sắc về con người mà gửi vào trong sáng tác. Cái nhìn nghệ sĩ luôn đau đáu khôn nguôi hướng đến đời sống nội tâm và cảm xúc, để dựng lên tượng đài cao đẹp và hùng vĩ của con người trong văn chương muôn thuở, trong tình nhân đạo dạt dào. Bài thơ “Ru Hoa” của Ngô Văn Phú là một tác phẩm giàu cảm xúc, đậm đà bản sắc dân gian, qua đó thể hiện hình ảnh tình mẫu tử giản dị nhưng đầy thiêng liêng. Tác giả đã khéo léo dùng hình ảnh hoa cỏ – những biểu tượng quen thuộc của thiên nhiên – để nói lên tình cảm, lòng hy sinh và niềm tin vào cuộc sống. Bài thơ không chỉ là lời ru, là bản tình ca của người mẹ với con, mà còn là sự ca ngợi vẻ đẹp của lao động, của cuộc sống gắn bó mật thiết với đất mẹ.
Ngay những câu thơ đầu tiên “Ru hoa, mẹ hát theo mùa / Cái hoa khép mở tựa hồ mắt con” đã mở ra một không gian nhẹ nhàng, tràn đầy yêu thương. Hình ảnh người mẹ ru cho con nghe câu chuyện của những bông hoa vừa hé nở như đôi mắt long lanh, vừa mang trong mình niềm hy vọng cho tương lai. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng mỗi đứa trẻ khi chào đời đã mang trong mình ánh sáng của cuộc sống, như những đóa hoa vừa nở rộ sau những ngày đông lạnh giá. Sự so sánh ấy vừa giản dị, vừa đầy chất ẩn dụ, thể hiện niềm tin của người mẹ vào tương lai tươi sáng của con mình. Đoạn thơ “Mẹ quen chân lấm tay bùn / Lấy đâu hoa quế, hoa hồng mà ra” mở ra hình ảnh người mẹ lao động hàng ngày, những người mẹ của nông thôn với đôi chân bám bẩn, tay luôn vất vả vì lo lắng cho gia đình. Sự giản dị, mộc mạc ấy lại càng làm nổi bật giá trị của tình mẫu tử: không phải ở những điều xa hoa, mà là từ chính sự hy sinh thầm lặng, từ những công việc vất vả hàng ngày. Người mẹ dù chẳng có điều kiện “lấy đâu hoa quế, hoa hồng” mà vẫn biết cách làm cho những điều bình dị trở nên có giá trị, bởi vì trong tâm hồn người mẹ, mỗi đóa hoa – dù là hoa lúa hay hoa đồng – cũng đều chứa chan tình yêu thương, niềm tự hào về cội nguồn.
Hình ảnh “Dẫu yêu hoa mận, hoa mơ, / Cái liềm kéo áo, cái bừa núi chân / Ba cũ rét mấy tuần xuân” là sự khắc họa chân thực cuộc sống lao động gian khổ của người nông dân. Qua đó, tác giả không chỉ tôn vinh giá trị lao động mà còn cho thấy sức mạnh nội tâm, nghị lực vượt qua khó khăn của con người. “Cái liềm kéo áo, cái bừa núi chân” không chỉ là hình ảnh quen thuộc của đồng ruộng mà còn là biểu tượng cho sự kiên cường, cho lòng tự hào của những người mẹ, những người phụ nữ đã vượt qua bao gian khó để vun đắp cuộc sống cho gia đình. Họ dù mệt nhọc, dù phải chịu đựng cái rét buốt của mùa xuân, nhưng luôn biết rằng chính tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống sẽ giúp họ vững bước trên con đường gian khổ. Tiếp theo, đoạn “Mẹ đem hoa lúa kết thành lời ru” là hình ảnh ẩn dụ sâu sắc, mở ra một chiều sâu mới của bài thơ. Hoa lúa – biểu tượng của sự no đủ, của đất đai màu mỡ và của lao động cần cù – được “kết thành lời ru” như một cách để người mẹ truyền đạt niềm tin, hy vọng và tình yêu thương cho con. Lời ru ấy không chỉ là lời dỗ dành, mà còn chứa đựng cả giá trị của truyền thống, của văn hóa nông thôn, của những bài học về sự cần cù, kiên trì và lòng biết ơn. Qua đó, Ngô Văn Phú muốn nhấn mạnh rằng, trong cuộc sống, dù có bao khó khăn, chỉ cần chúng ta biết “ru” cho nhau những lời an ủi, những lời nhắc nhớ về cội nguồn thì niềm tin và hy vọng sẽ mãi bền vững.
Đoạn kết của bài thơ “Sen mùa hạ, cúc mùa thu / Hoa đồng cỏ nội, bốn mùa gọi con” mở ra một không gian thiên nhiên phong phú, đa sắc màu, biểu trưng cho sự giao thoa của các mùa, của cuộc sống. Hình ảnh “sen mùa hạ” và “cúc mùa thu” không chỉ gợi nhớ đến vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn ẩn chứa những giá trị tâm linh, những bài học về sự chuyển mình, về sự vĩnh cửu của tình mẫu tử. “Hoa đồng cỏ nội” – những loài hoa bình dị, thường nhật trong cuộc sống nông thôn – lại càng khẳng định rằng, bất kể thời gian có trôi qua, tình mẹ con luôn bền chặt, luôn hiện hữu qua từng mùa, từng giây phút. Câu thơ “bốn mùa gọi con” như một lời nhắc nhở rằng, tình mẫu tử chính là lời mời gọi trở về với cội nguồn, với nơi mà chúng ta được nuôi dưỡng và yêu thương từ những điều giản dị nhất.
Nhìn chung, bài thơ “Ru Hoa” của Ngô Văn Phú là bức tranh cảm xúc tràn đầy nhân văn, nơi những hình ảnh hoa cỏ được thổi hồn, kết nối với những cung bậc cảm xúc của tình mẫu tử. Qua đó, tác giả không chỉ thể hiện niềm tự hào về vẻ đẹp của cuộc sống lao động mà còn tôn vinh giá trị của tình mẫu tử – nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi con người. Bài thơ nhắc nhở chúng ta rằng, dù cuộc sống có khó khăn, gian khổ đến đâu, chỉ cần có tình yêu thương, chỉ cần có những lời ru dịu êm từ người mẹ, mọi thử thách đều có thể vượt qua. Cách dùng ngôn từ trong bài thơ cũng là một điểm đáng trân trọng. Những từ ngữ giản dị, gần gũi nhưng lại chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa đã giúp tác giả khắc họa được vẻ đẹp của tình mẫu tử một cách tinh tế và sâu sắc. Sự hòa quyện giữa hình ảnh thiên nhiên với cuộc sống lao động đã tạo nên một tác phẩm vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa mang đậm giá trị nhân văn. Điều đó cho thấy tài năng của Ngô Văn Phú khi biết cách lột tả những giá trị văn hóa truyền thống, biến chúng thành những dòng thơ đầy cảm xúc, giàu tính triết lý.
Thi phẩm “Ru Hoa” đã cất tiếng ca ngợi tình mẫu tử sâu sắc, là lời tự sự, lời kể về cuộc sống của những con người bình dị nhưng đầy nghị lực. Từ những hình ảnh hoa cỏ đến những chi tiết giản đơn của đời sống nông thôn, Ngô Văn Phú đã truyền tải một thông điệp nhân văn sâu sắc: trong cuộc sống, tình yêu thương và niềm tin vào tương lai luôn là nguồn động lực giúp chúng ta vượt qua mọi gian khó. Bài thơ như một bản ru, nhẹ nhàng mà đầy sức mạnh, nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy luôn trân trọng những giá trị của gia đình, của cội nguồn và của chính cuộc sống này.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Bài thơ "Ru Hoa" của Ngô Văn Phú là một tác phẩm giàu cảm xúc, gợi lên hình ảnh người mẹ cần cù, vất vả và tình yêu thương vô bờ dành cho con. Qua đó, tác giả không chỉ ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng mà còn khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên và sự gắn bó giữa con người với đất đai, lao động.
Bài thơ mở đầu với hình ảnh người mẹ hát ru con theo mùa: "Ru hoa, mẹ hát theo mùa / Cái hoa khép mở tựa hồ mắt con." Những lời ru này không chỉ là lời vỗ về dịu dàng mà còn chứa đựng tình cảm sâu sắc của người mẹ. Cái "hoa khép mở tựa hồ mắt con" không chỉ gợi đến hình ảnh sự sống nở hoa, mà còn liên tưởng đến mắt con đang nhắm, đang mở, tạo ra một không gian êm đềm, tĩnh lặng để mẹ ru con vào giấc ngủ. Hình ảnh này mang đậm ý nghĩa biểu trưng cho sự chăm sóc, bảo vệ của mẹ dành cho con, như một sự chăm sóc dịu dàng của thiên nhiên đối với cuộc sống.
Tiếp theo, hình ảnh "Mẹ quen chân lấm tay bùn / Lấy đâu hoa quế, hoa hồng mà ra" thể hiện cuộc sống lam lũ, vất vả của người mẹ. Mẹ không sống trong một thế giới lộng lẫy của hoa quế, hoa hồng mà là thế giới của những cánh đồng, bùn đất, của lao động chân tay. Câu thơ này nhấn mạnh sự hy sinh thầm lặng của người mẹ, trong khi đó, mẹ lại hát lên những lời ru đẹp đẽ, giống như những đóa hoa mà mẹ không thể có. Tuy nhiên, tình yêu của mẹ dành cho con vượt lên trên mọi thiếu thốn vật chất, vì mẹ vẫn luôn ấp ủ trong mình một tình yêu sâu sắc và mạnh mẽ.
Tiếp tục trong bài thơ, tác giả khắc họa những hình ảnh hoa quen thuộc gắn liền với lao động vất vả, mộc mạc: "Dẫu yêu hoa mận, hoa mơ, / Cái liềm kéo áo, cái bừa núi chân." Những hình ảnh hoa mận, hoa mơ biểu trưng cho sự giản dị, chân quê của vùng đất nơi mẹ sinh sống. Thay vì ngắm hoa, mẹ phải lao động vất vả với chiếc liềm, chiếc bừa để nuôi con lớn khôn. Mặc dù yêu thích hoa, nhưng lao động vẫn là điều tất yếu, là sự hy sinh của mẹ để chăm lo cho gia đình.
Khi mùa xuân đến, "Ba cũ rét mấy tuần xuân / Mẹ đem hoa lúa kết thành lời ru," tác giả lại sử dụng hình ảnh hoa lúa, một loài hoa gắn liền với mùa màng, với lao động đồng áng. Hoa lúa không chỉ là hình ảnh tượng trưng cho sự sống mà còn là biểu tượng của những giá trị lao động, sự chịu thương chịu khó của người mẹ. Mẹ vẫn không quên lời ru dù vất vả, và dùng hoa lúa để ru con vào giấc ngủ, như một sự bảo vệ, che chở.
Cuối cùng, những dòng thơ "Sen mùa hạ, cúc mùa thu / Hoa đồng cỏ nội, bốn mùa gọi con" khép lại bài thơ bằng hình ảnh các loài hoa mang đặc trưng của từng mùa. Sen, cúc, hoa đồng cỏ nội không chỉ gợi lên vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn biểu trưng cho sự thay đổi của thời gian, của cuộc sống. Dù thế giới có thay đổi, mẹ vẫn luôn gọi con, vẫn mãi yêu thương và chăm sóc con theo suốt bốn mùa, không bao giờ ngừng nghỉ.
Qua bài thơ "Ru Hoa," Ngô Văn Phú đã khắc họa một bức tranh sống động về tình mẹ, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu thiên nhiên. Mẹ là hình ảnh của sự cần cù, hy sinh và sự gắn bó sâu sắc với cuộc sống. Những lời ru của mẹ không chỉ mang ý nghĩa vỗ về, mà còn là những bài học về sự yêu thương, về tình cảm gia đình và tình yêu đối với thiên nhiên, đất đai.
Bài tham khảo Mẫu 3
Bài thơ "Ru hoa" của tác giả Ngô Văn Phú là một tác phẩm giàu hình ảnh và cảm xúc, diễn tả sự gắn bó giữa tình mẹ và thiên nhiên qua những âm thanh, sắc thái của cuộc sống. Ở đây, tác giả đã khéo léo sử dụng hình ảnh hoa để khắc họa tâm tư, tình cảm của người mẹ và mối liên kết của bà với cuộc sống.
Mở đầu bài thơ, câu thơ "Ru hoa, mẹ hát theo mùa" đã thể hiện rõ nét một không gian ấm áp, gần gũi, nơi mà mẹ là trung tâm của tình thương. "Ru" không chỉ đơn thuần là hành động dỗ dành mà còn mang ý nghĩa về việc tạo ra một không gian an lành cho con trẻ. Tiếng ru của mẹ không chỉ là những âm thanh êm ái mà còn gắn liền với thiên nhiên, với sự tuần hoàn của các mùa trong năm.
Hình ảnh "Cái hoa khép mở tựa hồ mắt con" cho thấy sự tinh tế trong cảm nhận của người mẹ. Hoa được ví von với đôi mắt của con, thể hiện một sự kết nối thân thương và gần gũi. Mẹ không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp bên ngoài của hoa mà còn nhận ra trong đó sự ngây thơ, trong sáng của đứa trẻ. Điều này cho thấy tình yêu thương sâu sắc mà mẹ dành cho con.
Với câu thơ "Mẹ quen chân lấm tay bùn", tác giả đã khắc họa rõ nét hình ảnh một người mẹ lam lũ, vất vả nhưng cũng đầy nghị lực. Dù cuộc sống gian nan, mẹ vẫn dành tình yêu cho con qua những lời ru và sự chăm sóc. Hình ảnh "hoa quế, hoa hồng" cũng cho thấy rằng mẹ không chỉ yêu thích những điều đẹp đẽ mà còn trân trọng những điều bình dị, chân chất của cuộc sống hàng ngày.
Tiếp theo, hai câu “Dẫu yêu hoa mận, hoa mơ, / Cái liềm kéo áo, cái bừa núi chân” cho thấy sự gần gũi với thiên nhiên và lao động, nhấn mạnh đến sự hy sinh và cống hiến của người mẹ. Mẹ vẫn yêu những loài hoa ấy, nhưng không quên đi những công việc vất vả hằng ngày, thể hiện một cuộc sống gắn liền với đất đai, mùa màng. Đây là một hình ảnh người mẹ vừa dịu dàng nhưng cũng mạnh mẽ, vừa yêu quý cái đẹp nhưng cũng biết chấp nhận và đối mặt với thực tại.
Những hình ảnh thiên nhiên "Sen mùa hạ, cúc mùa thu" kết lại bài thơ không chỉ thể hiện sự giàu có của sắc màu cuộc sống mà còn thể hiện sự chăm sóc, dìu dắt của mẹ dành cho con qua từng mùa. Mỗi mùa hoa nở đều mang đến cho con những bài học, những tâm tư mà mẹ mong muốn gửi gắm.
Cuối cùng, bài thơ “Ru hoa” không chỉ là những câu từ đẹp đẽ mà còn là một bản tình ca về tình mẫu tử. Những âm thanh ru ngủ, sự chăm sóc ân cần từ mẹ luôn là nguồn động lực cho con trong cuộc sống. Qua những hình ảnh đầy ấn tượng, Ngô Văn Phú đã khéo léo gửi gắm những giá trị nhân văn sâu sắc về tình yêu thương và sự hi sinh của người mẹ, cũng như mối liên kết bền chặt giữa con người và thiên nhiên.
"Ru hoa" là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, không chỉ làm nổi bật tình cảm mẹ con mà còn phản ánh chân thực vẻ đẹp của cuộc sống bình dị. Từ đó, tác giả đã giúp độc giả cảm nhận được sự ấm áp và ý nghĩa của tình yêu thương trong từng câu thơ.
Bài tham khảo Mẫu 4
"Thêm một người quả đất sẽ chật thêm
Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt."
Tình mẫu tử là tình cảm cao quý, thiêng liêng, từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca, văn học Việt Nam. Bài thơ "Ru Hoa" (Ngô Văn Phú) là một trong những tác phẩm đặc sắc về tình mẫu tử, phản ánh tình yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho con qua những lời ru dịu dàng và đầy ắp tình cảm. Tình cảm ấy được thể hiện qua hình ảnh những loài hoa mộc mạc, gần gũi, những chi tiết giản dị trong cuộc sống lao động của mẹ, từ đó khắc họa sâu sắc vẻ đẹp của tình mẫu tử và cuộc sống lao động giản dị nhưng đong đầy tình thương.
Bài thơ "Ru hoa" được là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Ngô Văn Phú, được in trong tập thơ cùn tên vào năm 1973. Thi phẩm viết theo thể thơ lục bát với nhịp điều nhẹ nhàng, sâu lắng, mở ra một thế giới nhạy cảm, gần gũi, bình dị trước cuộc sống đời thường quen thuộc.
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, tác giả đã vẽ nên một hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả với những công việc đồng áng, cuộc sống nghèo khó. Hình ảnh "chiếc gậy cùn hai đầu" hay "mẹ quen chân lấm tay bùn" không chỉ miêu tả công việc nặng nhọc mà còn là biểu tượng của sự hy sinh âm thầm của người mẹ, sẵn sàng bỏ quên đi bản thân mình để chăm lo cho con cái. Mẹ là người suốt đời gắn bó với những công việc vất vả, gian truân; chính điều ấy đã thể hiện tình yêu thương con cái của mẹ trong từng câu à ơi da diết.
Bài thơ còn thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ qua những hình ảnh loài hoa gần gũi với quê hương như "hoa mận, hoa mơ", "hoa lúa", hay "hoa đồng cỏ nội". Những loài hoa đã mở ra một không gian bình dị, gần gũi của thiên nhiên cũng như biểu tượng của mùa vụ, của những công việc lao động vất vả nhưng tràn đầy yêu thương, mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho con. Những lời ru của mẹ, qua những loài hoa ấy, giống như một lời chúc phúc, một ước nguyện về hạnh phúc, bình an cho đứa con thơ. Mỗi loài hoa mang một mùa, một sắc thái tình cảm riêng, hòa quyện vào nhau tạo thành một khúc ru ngọt ngào, thanh thoát.
Bài thơ "Ru Hoa" được viết theo thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống của văn học dân gian Việt Nam. Thể thơ này có âm điệu nhịp nhàng, du dương, rất phù hợp với những lời ru êm ái của người mẹ. Về mặt nghệ thuật, tác giả đã sử dụng nhiều biện pháp tu từ để tăng giá trị biểu cảm cho bài thơ, như liệt kê, nhân hóa, so sánh và ẩn dụ. Một trong những biện pháp đặc sắc trong bài thơ là nhân hóa. Các loài hoa không chỉ đơn thuần là hương sắc thiên nhiên được tác giả thổi hồn vào tác phẩm mà còn mang trong mình cảm xúc của người mẹ: "Cái hoa khép mở tựa hồ mắt con". Hình ảnh này gợi lên sự chăm sóc ân cần, ấm áp mà người mẹ dành cho đứa con. Phép so sánh cũng được sử dụng trong câu thơ "Cái hoa khép mở tựa hồ mắt con", so sánh sự thay đổi của hoa với sự ngây thơ, trong sáng của đứa trẻ. Tình yêu của mẹ cũng như vậy, luôn theo sát và quan tâm từng bước đi của con, từng thay đổi của con trong cuộc sống. Đặc biệt, việc sử dụng thành ngữ "chân lấm tay bùn" trong bài thơ càng làm tăng thêm giá trị biểu cảm và gợi hình cho hình ảnh người mẹ. Cái "chân lấm tay bùn" đã khắc họa sâu sắc sự vất vả trong công việc đồng áng, ẩn chứa những hy sinh thầm lặng, lam lũ không ngừng nghỉ của người mẹ suốt đời gắn với những công việc vất vả để nuôi dưỡng con cái. Bài thơ còn có sự kết hợp của liệt kê những loài hoa tượng trưng cho các mùa trong năm. Mỗi loài hoa vừa thể hiện đặc trưng của mỗi mùa, vừa chứa đựng một thông điệp của tình mẫu tử. Chẳng hạn, "hoa mận, hoa mơ" là biểu tượng của mùa xuân, tượng trưng cho sự bắt đầu, sự tươi mới của cuộc sống, trong khi "hoa lúa" lại là hình ảnh của mùa thu hoạch, đầy ắp thành quả lao động, gợi lên sự chăm chỉ, kiên cường của người mẹ.
Bài thơ "Ru Hoa" của Ngô Văn Phú là một tác phẩm giàu cảm xúc, thể hiện tình yêu thương của người mẹ dành cho con qua những lời ru dịu dàng và những hình ảnh gần gũi, mộc mạc. Bài thơ không chỉ khắc họa được vẻ đẹp của tình mẫu tử mà còn làm nổi bật sự hy sinh âm thầm, vất vả của người mẹ trong cuộc sống lao động. Bằng việc sử dụng nghệ thuật lục bát, cùng với những biện pháp tu từ tinh tế, tác giả đã xây dựng một hình ảnh người mẹ đẹp đẽ, đầy sức sống, là hình mẫu của sự hy sinh, tình yêu thương vô điều kiện dành cho con. Bài thơ chính là lời nhắc nhở về giá trị của tình mẫu tử, về những hy sinh lớn lao của người mẹ trong đời sống gia đình và trong xã hội.


- Phân tích bài thơ "Ngôi nhà của mẹ" - Hữu Thỉnh lớp 9
- Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương lớp 9
- Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về cảm xúc, tình cảm của nhân vật trữ tình trong khổ thơ thứ hai, bài thơ “Khói bếp chiều ba mươi” (Nguyễn Trọng Hoàn) lớp 9
- Phân tích, đánh giá nội dung, nghệ thuật bài thơ “Mẹ” của Nguyễn Ngọc Oánh lớp 9
- Phân tích vẻ đẹp của bài thơ "Mẹ" của tác giả Viễn Phương lớp 9
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em sau khi đọc xong bài thơ Bến đò ngày mưa của Anh Thơ lớp 9
- Phân tích bài thơ “Buổi gặt chiều” của nhà thơ Anh Thơ lớp 9
- Phân tích bài thơ "Ngôi nhà của mẹ" - Hữu Thỉnh lớp 9
- Viết bài văn phân tích bài thơ "Ru Hoa" của Ngô Văn Phú lớp 9
- Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương lớp 9
- Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em sau khi đọc xong bài thơ Bến đò ngày mưa của Anh Thơ lớp 9
- Phân tích bài thơ “Buổi gặt chiều” của nhà thơ Anh Thơ lớp 9
- Phân tích bài thơ "Ngôi nhà của mẹ" - Hữu Thỉnh lớp 9
- Viết bài văn phân tích bài thơ "Ru Hoa" của Ngô Văn Phú lớp 9
- Phân tích bài thơ Sau giờ trực chiến của Vũ Quần Phương lớp 9