Tổng hợp 50 bài văn phân tích một tác phẩm thơ l..

Phân tích bài thơ Tháng tư hoài niệm của Bình Nguyên Trang lớp 9


Trong kho tàng thơ ca hiện đại Việt Nam, những bài thơ viết về hoài niệm quê hương, tuổi thơ luôn mang lại những cảm xúc sâu lắng và bình yên. Bài thơ “Tháng Tư hoài niệm” của Bình Nguyên Trang là một tác phẩm như thế.

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Bình Nguyên Trang: là một nhà thơ nữ hiện đại, thơ của chị thường nhẹ nhàng, sâu lắng, gắn bó với cảm xúc, ký ức và quê hương.

- Giới thiệu bài thơ “Tháng Tư hoài niệm” là một thi phẩm tiêu biểu mang đậm chất trữ tình và hoài niệm.

- Nêu khái quát vấn đề nghị luận: Bài thơ là dòng cảm xúc sâu lắng về tháng Tư quê hương – nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ, tình cảm gia đình và cội nguồn yêu thương.

II. Thân bài

1. Nội dung chính của bài thơ

a. Tháng Tư – bức tranh thiên nhiên mùa chuyển mùa

- Cảnh sắc đồng quê hiện lên sinh động với tiếng chim, hoa gạo, lúa trổ đòng, dòng sông lặng trôi…

- Tháng Tư là thời điểm giao mùa giữa xuân và hạ, tạo nên không gian thơ mộng, nhẹ nhàng và đặc trưng của làng quê Việt.

- Thiên nhiên không chỉ mang giá trị tả thực mà còn gợi mở cảm xúc, khơi dậy những hồi ức trong tâm hồn nhà thơ.

b. Tháng Tư – miền ký ức của tuổi thơ và gia đình

- Tác giả sinh ra giữa tháng Tư – mùa hoa đỏ, khi mẹ mang thai, cha vất vả lao động, bà vui khi mùa rét qua.

- Những chi tiết ấy gợi lên không gian gia đình đầm ấm, chất phác, giàu tình cảm.

- Dòng sông, con bướm vàng, con nước lớn ròng... là biểu tượng của tuổi thơ gắn bó với thiên nhiên và quê hương.

- Tháng Tư trở thành biểu tượng của cội nguồn, của sự hình thành và lớn lên trong tình yêu thương.

c. Tình yêu quê hương sâu đậm

- Việc “trở về” không phải là sự trở về của kẻ xa lạ, mà là sự trở về máu thịt, chân thành, gắn bó.

- Hình ảnh cây lúa “gù lưng cõng nắng” là biểu tượng cho sức sống bền bỉ của quê hương, cũng như sự gắn kết không thể tách rời giữa con người với nơi sinh ra.

2. Nghệ thuật đặc sắc

- Thể thơ tự do: phù hợp với dòng cảm xúc tự nhiên, không gò bó, giàu chất trữ tình.

- Ngôn ngữ mộc mạc, giàu hình ảnh: Hình ảnh gần gũi đời thường nhưng giàu sức gợi (hoa gạo, dòng sông, lúa trổ, bướm vàng...).

- Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng: như một lời kể, lời tâm sự thủ thỉ về những điều đã qua.

- Thủ pháp hoài niệm được thể hiện tinh tế, giàu cảm xúc, gợi chất suy tưởng nhẹ nhàng, sâu xa.

III. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

+ “Tháng Tư hoài niệm” là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về quê hương, tuổi thơ, gia đình và nguồn cội.

- Mở rộng ý nghĩa: Trong cuộc sống hiện đại nhiều đổi thay, những bài thơ như thế giúp con người giữ gìn và trân trọng những giá trị bền vững thuộc về quá khứ và tâm hồn.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Trong kho tàng thơ ca hiện đại Việt Nam, những bài thơ viết về hoài niệm quê hương, tuổi thơ luôn mang lại những cảm xúc sâu lắng và bình yên. Bài thơ “Tháng Tư hoài niệm” của Bình Nguyên Trang là một tác phẩm như thế. Với lời thơ nhẹ nhàng, hình ảnh gần gũi, bài thơ đưa người đọc trở về với miền ký ức đầy yêu thương – nơi có thiên nhiên, có gia đình và có cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn.

Tháng Tư trong bài thơ không chỉ là mốc thời gian, mà còn là biểu tượng của một miền quê thân thuộc. Đó là khi mùa xuân dần qua, mùa hạ bắt đầu hiện diện qua những tiếng chim, sắc hoa, sấm đầu mùa, cánh đồng lúa đang trổ đòng. Thiên nhiên được tái hiện giản dị mà sinh động, gợi nhắc không khí thôn quê thanh bình, mộc mạc. Từ cảnh vật ấy, tác giả khơi dậy những cảm xúc sâu lắng về gia đình, nơi có bà, có mẹ, có cha – những người thân yêu đã gắn bó với cuộc đời mình qua từng mùa nắng, mùa mưa.

Những kỷ niệm tuổi thơ hiện về qua dòng sông, con bướm vàng, con nước ròng nước cạn. Tuổi thơ ấy gắn bó mật thiết với thiên nhiên và cuộc sống nông thôn. Từ đó, tác giả khẳng định tình cảm sâu nặng của mình với quê hương – một tình cảm không phai nhòa dù năm tháng có trôi qua. Trở về với tháng Tư, nhà thơ không phải là kẻ lữ khách mà là người trở lại với chính máu thịt, cội nguồn.

Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng thể thơ tự do, giúp cảm xúc trôi chảy tự nhiên. Ngôn ngữ thơ nhẹ nhàng, trong sáng, nhiều hình ảnh giàu sức gợi. Thiên nhiên và con người đan xen hài hòa, tạo nên một bức tranh quê vừa thực vừa thơ. Giọng điệu trầm lắng, tha thiết góp phần truyền tải trọn vẹn nỗi nhớ và tình cảm của tác giả.

 “Tháng Tư hoài niệm” là một bài thơ giàu cảm xúc, gợi nhắc người đọc về những gì thân thương nhất trong cuộc đời: quê hương, gia đình, tuổi thơ. Đó là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy luôn trân trọng quá khứ và giữ gìn tình cảm với cội nguồn, bởi đó chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và bản sắc mỗi con người.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Trong nhịp chuyển mình của đất trời, mỗi tháng trong năm đều mang một sắc thái riêng. Nhưng với nhà thơ Bình Nguyên Trang, tháng Tư là khoảng thời gian đặc biệt, gắn liền với những hồi ức sâu sắc về quê hương, tuổi thơ và tình cảm gia đình. Bài thơ “Tháng Tư hoài niệm” vì thế không chỉ là một bức tranh thiên nhiên mùa tháng Tư, mà còn là dòng chảy cảm xúc đưa người đọc trở về với cội nguồn thân thuộc.

Bằng cảm nhận tinh tế, tác giả đã khắc họa khung cảnh tháng Tư qua những chi tiết gần gũi, quen thuộc: tiếng chim gọi mùa, hoa nở đỏ rực, lúa đang kỳ trổ bông. Thiên nhiên hiện lên giản dị, không cầu kỳ, nhưng lại rất sống động và gợi cảm. Tháng Tư trong bài thơ là thời điểm chuyển giao giữa xuân và hạ, là khi đất trời thay áo mới, mang theo những biến động nhẹ nhàng mà đầy thi vị.

Thế nhưng, điều khiến tháng Tư trở nên đáng nhớ không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn vì đó là tháng gắn liền với cuộc đời, với ký ức của nhà thơ. Đó là tháng mẹ mang thai, cha vất vả với áo bạc màu nắng gió, là dòng sông tắm mát tuổi thơ, là bướm vàng làm bạn. Từng hình ảnh nhỏ nhặt ấy chứa đựng biết bao yêu thương, gắn bó. Qua lời thơ, người đọc cảm nhận rõ tình cảm sâu nặng với quê hương – nơi đã nuôi dưỡng cả thể xác lẫn tâm hồn của con người.

Không chỉ hoài niệm, bài thơ còn thể hiện sự biết ơn và trân trọng quá khứ. Dù bà đã không còn, nhưng những kỷ niệm vẫn sống mãi trong lòng tác giả. Đó là một tháng Tư của ký ức và cũng là tháng Tư của hiện tại, khi tác giả đã trưởng thành nhưng vẫn giữ nguyên tình cảm với nơi chốn cũ. Sự trở về trong bài thơ không phải là sự ghé thăm, mà là hành trình quay lại với chính bản thân mình – với gốc rễ không bao giờ tách rời.

Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng thể thơ tự do, lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc. Giọng điệu thủ thỉ, trầm ấm như lời kể của một người từng trải, khiến bài thơ không chỉ đẹp ở hình thức mà còn chạm đến chiều sâu tâm hồn người đọc.

Bài thơ “Tháng Tư hoài niệm” là một bài thơ giàu chất trữ tình và đậm đà bản sắc quê hương. Qua những hình ảnh bình dị, tác giả đã tái hiện một miền ký ức đầy yêu thương, đồng thời gửi gắm thông điệp về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người với cội nguồn – điều luôn cần được gìn giữ trong trái tim mỗi người.

Bài tham khảo Mẫu 1

Quê hương, gia đình luôn là những chủ đề bất hủ không bao giờ bị quên lãng. Người đọc giường như luôn có thể tìm thấy những dòng thơ, những áng văn mang đậm dấu ấn của chủ đề này. Có thể kể đến như: Quê hương (Tế Hanh), Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng),... hay trong ngay những câu ca dao gần gũi cũng có thể thấy được những dấu ấn về chủ đề quê hương và gia đình. Và khi nhắc đến những tác phẩm đặc sắc thì không thể không kể đến tác phẩm "Tháng tư hoài niệm" của tác giả Bình Nguyên Trang. Bình Nguyên Trang (17 – 5 − 1977), tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang quê ở Nam Định. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Đặc biệt, chị đã từng là một thành viên trong hội bút Hương đầu mùa của báo Hoa học trò được rất nhiều bạn đọc biết đến. Là người sống chân thành, viết chân thành, thơ như chính con người chị, tinh khôi mà da diết nỗi người, nỗi đời. Đọc thơ Bình Nguyên Trang ta như được nghe chị thủ thỉ kể những câu chuyện rất mực đàn bà, khi quá khứ ngày một lùi xa còn thời gian thì hữu hạn. Tứ thơ vững, chừng mực trong cảm xúc, thế nhưng tỉnh mà vẫn say, tiếc nuối mà không bi lụy, sâu sắc một cách tự nhiên,…. Chị có rất nhiều những tác phẩm tiêu biểu và một trong số đó phải kể đến tác phẩm "Tháng tư hoài niệm".

                                            "Bắt đầu từ con tu hú kêu

                                             Lúa căng sữa và trời đang nhen nắng

                                            Hoa gạo đỏ chỗ nẻo đường đất vắng

                                            Sấm chuyển mùa. Tháng Tư."

Khổ thơ đầu tiên miêu tả cảnh thiên nhiên trong lúc giao mùa từ mùa xuân đến mùa hạ - từ tháng ba sang tháng tư. Sự thay đổi ấy nhẹ nhàng, uyển chuyển, bắt đầu từ hình ảnh "con tu hú kêu". Tu hú kêu như một tiếng báo hiệu đặc trưng của sự thay đổi, sự giao mùa giữa mùa hạ và mùa xuân. Ta cũng có thể nhận thấy hình ảnh tu hú cũng được sử dụng trong bài thơ "Khi con tu hú" của Tố Hữu: "Khi con tu hú gọi bầy". Hình ảnh "Lúa căng sữa" gợi lên sức sống đang căng tràn, cây lúa đang chuẩn bị trổ bông. Đây cũng là hình ảnh thể hiện sức sống căng tràn mãnh liệt của mùa hạ. Ta cũng bắt gặp hình ảnh này trong bài thơ của Tố Hữu: 

                                        "Lúa chiêm đáng chín, trái cây ngọt dần"

Từ "nhen" trong câu thơ thứ hai được sử dụng rất hay. Qua động từ "nhen", người đọc sẽ tưởng tượng thấy ngay được trời đang nắng nhưng chưa gay gắt mà chỉ mới bắt đầu lan tỏa ra xung quanh. Hình ảnh "hoa gạo đỏ" trong câu thơ thứ ba cũng là những dấu hiệu đặc trưng của mùa hạ. Họa gạo nở là báo hiệu của mùa hè. Hoa gạo nở làm lòng ta cũng rạo rực chờ mong. Và hình ảnh hoa gạo trong bài thơ "Hoa gạo" của tác giả Thái Can cũng cho thấy được niềm rạo rực ấy:

                                       "Hoa gạo trên cây nở đỏ trời

                                        Lòng ta cũng nở với hoa tươi

                                       Như cô áo đỏ tình vừa nở

                                       Trên cặp môi son với nụ cười"

Câu thơ cuối của khổ thơ như một câu kết để báo hiệu sự đổi thay: "Sấm chuyển mùa. Tháng Tư". Tháng tư, không chỉ là tháng của mùa hạ mà còn là sự liên kết, sự chuyển giao giữa mùa xuân và màu hạ. Tháng tư đẹp đến nao lòng.

              Nếu như khổ thơ đầu gợi lên sự rạo rực trong khoảnh khắc giao mùa thì khổ thơ thứ hai miêu tả cho người đọc thấy được không khí của mùa hạ:

                                      "Nước trôi hiên như là đang mùa thu

                                       Bà mừng lắm, rét nàng Bân đã hết

                                       Tháng Tư mở đầu, tháng Tư kết thúc

                                      Xuân xuống thuyền sang hạ phía bờ kia."

Câu thơ đầu là sự liên tưởng thú vị. Tháng tư thường được người ta nhắc tới với cái nóng gay gắt nhưng trong thơ của Bình Nguyên Trang, tháng tư lại nhẹ nhàng, mát mẻ như lúc vào thu. Câu thơ thứ hai là hình ảnh hết sức gần gũi, đời thường. Hình ảnh người bà vui mừng vì tháng tư đến và cũng là vì cái rét nàng Bân cuối tháng ba đã hết. Tháng tư được ví như một chiếc thuyền chuyển mùa. Câu thơ được miêu tả qua cái nhìn rất thơ nhưng cũng rất tinh tế. Khổ thơ này không chỉ gợi nên không khí của mùa hè mà còn gợi nên hình ảnh đời thường của người bà đáng kính.

          Đến với khổ thơ thứ ba là tình cảm gia đình sâu sắc nhưng gắn với đó là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người:

                                   "Ta nhớ tháng Tư vì có một miền quê

                                    Mẹ hoài thai ta giữa mùa hoa rất đỏ

                                    Bạc phếch áo cha những ngày nắng gió

                                    Ta sinh ra lúc lúa trổ đòng đòng."

Người ta nhớ tới tháng Tư vì có một miền quê. Hình ảnh quê hương - nơi chôn rau cắt rốn gắn bó với tháng Tư cho thấy tháng Tư gắn liền với kí ức về quê hương và gia đình của tác giả. Là khi mẹ sinh ra "ta" và cũng là năm tháng mà "bạc phếch" áo cha vì những ngày nắng gió. Hình ảnh "ta sinh ra lúc lúa trổ đòng đòng" càng nói lên sự gắn bó mật thiết của tác giả đối với mùa hạ. Bởi vậy, tác giả mới nói trong khổ thơ thứ hai: "Tháng Tư mở đầu". Tháng Tư bắt đầu cho sự sinh sôi của con người và cả thiên nhiên. Từ đó, ta có thể thấy được sự gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên và con người.

Khổ thơ thứ tư là những kí ức đẹp đã gắn bó với tác giả từ thuở ấu thơ:

                                    "Đã tắm bốn mùa trên một dòng sông

                                    Đã lớn theo con nước ròng nước cạn

                                    Đã trót nhận con bướm vàng làm bạn

                                    Đã viết nốt trầm giai điệu Tháng Tư"

Với việc lặp lại bốn lần từ "đã" cho thấy được nhịp điệu thơ liền mạch cũng như thể hiện sự trải nghiệm của tác giả từ khi còn nhỏ cho tới khi trưởng thành. "tắm bốn mùa trên một dòng sông" gợi lên sự gắn bó, hòa hợp sâu sắc với thiên nhiên. Hình ảnh "con bướm vàng" càng làm sâu sắc thêm sự gắn bó với thiên nhiên của con người. Và câu thơ cuối cho thấy tháng Tư không chỉ là thời gian, là khoảnh khắc giao mùa mà còn là một nốt lặng sâu trong tâm hồn tác giả.

Đoạn kết của bài thơ như những lời suy tư, lắng đọng cảm xúc của tác giả:

                                "Nên trở về không phải khách lãng du

                                 Là máu thịt thứ tình quê không mất

                                Bà đã đi xa. Tháng Tư giờ tất bật

                                Cây lúa gù lưng cõng nắng qua mùa."

Về quê không phải để chơi như những "khách lãng du" mà về quê là để về với cội nguồn, với máu thịt, với tình yêu. Có thể thấy, tác giả coi tháng Tư như một phần máu thịt không thể thiếu, không thể mất đi. "Bà đã đi xa" gợi lên sự mất mát, đau thương nhưng cũng cho thấy sự đổi thay, tháng Tư giờ đây tất bật, không còn dịu dàng như trước. Hình ảnh cây lúa trong câu thơ cuối là một hình ảnh đắt giá thể hiện sự vất vả của quê hương, của người nông dân, của tháng Tư đang gánh nặng chuyển mùa.

         Bài thơ "Tháng tư hoài niệm" với những hình ảnh thơ gần gũi, giàu chất trữ tình và sáng tạo; thể thơ tự do cùng ngôn ngữ giàu cảm xúc; giọng điệu tha thiết và sâu lắng. Tất cả đã tạo nên bức tranh tháng Tư đẹp đẽ và không thể nào quên. Bài thơ xứng đáng được trở thành bài ca bất hủ của quê hương, của gia đình, của thiên nhiên và sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc.

Bài tham khảo Mẫu 2

Bài thơ “Tháng Tư hoài niệm” của Bình Nguyên Trang là một khúc thơ dịu dàng, sâu lắng, giàu cảm xúc và chất trữ tình. Tháng Tư – thời khắc giao mùa giữa xuân và hạ – không chỉ là một dấu mốc thiên nhiên, mà còn là điểm tựa để nhà thơ gợi nhớ về quê hương, tuổi thơ, gia đình và những dấu ấn đời người. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được một nỗi hoài niệm da diết, lặng lẽ mà đầy ấm áp về quá khứ, về cội nguồn và về những giá trị gắn bó máu thịt trong cuộc sống.

Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh đặc trưng của tháng Tư: tiếng chim kêu, hoa nở, lúa trổ đòng, sấm đầu mùa… Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động, mang đậm màu sắc đồng quê. Nhưng điều đặc biệt là thiên nhiên trong thơ không đơn thuần là khung cảnh tĩnh, mà dường như mang linh hồn, cảm xúc. Đó là một tháng Tư đang "chuyển mình", là thời khắc nhạy cảm của đất trời, nơi đánh dấu sự kết thúc của mùa xuân và mở ra mùa hạ. Trong dòng chảy đó, tháng Tư trở thành biểu tượng của sự chuyển động, của thời gian, và là nơi gắn bó chặt chẽ với những hồi ức thân thương.

Bên cạnh thiên nhiên, tháng Tư trong thơ còn mang đậm dấu ấn của tình thân. Đó là hình ảnh người bà, người mẹ, người cha – những người gắn bó và nâng đỡ cuộc đời nhà thơ từ những ngày thơ bé. Người bà vui mừng khi rét nàng Bân chấm dứt, mẹ hoài thai trong mùa hoa rực rỡ, cha bạc áo giữa nắng gió quê nhà. Tất cả những hình ảnh ấy gợi lên một không gian gia đình đầm ấm, bình dị nhưng tràn đầy yêu thương. Qua đó, bài thơ khắc họa một tháng Tư không chỉ của đất trời, mà còn là tháng Tư của những phận người, những ký ức đời thường sâu đậm nghĩa tình.

Không chỉ hoài niệm, bài thơ còn là một lời tự sự đầy chất suy tư. Từ dòng sông gắn bó với tuổi thơ đến những “con nước ròng”, “con bướm vàng”, tháng Tư đã đi vào đời sống tinh thần của tác giả như một bản nhạc nền cho tâm hồn. Những hình ảnh bình dị như dòng sông, con bướm, cây lúa… không chỉ đại diện cho không gian sống, mà còn là biểu tượng của sự trưởng thành, của những trải nghiệm và cảm xúc không thể quên. Chính điều đó khiến cho việc “trở về” không còn là chuyến đi của kẻ xa lạ, mà là hành trình trở lại với chính máu thịt, cội nguồn.

Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng thể thơ tự do với nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển, rất phù hợp để truyền tải những cảm xúc sâu lắng. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm và gợi liên tưởng mạnh mẽ. Những hình ảnh thiên nhiên, con người và ký ức được đan xen một cách tinh tế, tạo nên một kết cấu hài hòa giữa không gian ngoại cảnh và thế giới nội tâm. Giọng thơ trầm lắng, thấm đẫm nỗi nhớ, khiến người đọc dễ đồng cảm và xúc động.

 “Tháng Tư hoài niệm” không chỉ là một bài thơ về thiên nhiên, về tháng Tư, mà còn là bản giao hưởng trữ tình của kí ức, tình thân và tình quê. Bài thơ nhắc nhở mỗi người về giá trị của quá khứ, của cội nguồn, của những điều bình dị mà thiêng liêng đã vun đắp nên tâm hồn chúng ta. Trong vòng xoáy của thời gian hiện đại, những hoài niệm như thế càng trở nên quý giá và cần được gìn giữ.

Bài tham khảo Mẫu 3

Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, có những khoảnh khắc, những tháng ngày khiến con người ta dừng lại, lặng yên để nhớ, để yêu, để khắc sâu vào tâm khảm. Với nhà thơ Bình Nguyên Trang, Tháng Tư không chỉ là một đơn vị thời gian, mà là miền ký ức ngọt ngào, là nơi lưu giữ những dấu ấn thân thương nhất của tuổi thơ, gia đình và quê hương. Bài thơ “Tháng Tư hoài niệm” vì thế là một bản nhạc trầm buồn, dịu dàng vang lên từ trái tim tha thiết với cội nguồn.

Ngay từ nhan đề, người đọc đã cảm nhận được nỗi nhớ da diết len nhẹ trong từng câu chữ. Tháng Tư hoài niệm – không chỉ là một tháng trong năm, mà là biểu tượng của sự trở về với ký ức, với những năm tháng không thể lặp lại. Tác giả đã chọn tháng Tư – thời khắc chuyển mùa giữa xuân và hạ – như một chiếc cầu nối giữa hiện tại và quá khứ. Qua đó, không gian thơ trở nên rộng mở, vừa mang hương sắc của thiên nhiên, vừa thấm đẫm tình cảm gia đình.

Thiên nhiên trong bài thơ không tách rời đời sống con người. Những tín hiệu quen thuộc của tháng Tư như tiếng chim gọi mùa, hoa gạo đỏ rực, sấm đầu mùa, dòng nước trôi nhẹ... không chỉ gợi cảnh sắc đặc trưng của một vùng quê Việt Nam mà còn là những dấu hiệu đánh thức ký ức. Dưới ngòi bút của tác giả, thiên nhiên trở nên có hồn, như một phần trong đời sống tâm hồn của người con xa quê.

Bài thơ cũng là tiếng lòng đầy xúc động của một người con khi nhớ về gia đình. Hình ảnh người bà, người mẹ, người cha hiện lên không quá cầu kỳ nhưng vô cùng gần gũi và sâu sắc. Mỗi chi tiết – từ tấm áo bạc màu của cha đến niềm vui của bà khi rét nàng Bân qua đi – đều gợi lên cả một không gian sống đầy yêu thương. Tác giả không chỉ nhớ về những con người cụ thể, mà còn nhớ về cách họ sống, cách họ yêu thương và vun đắp cho thế hệ sau. Qua đó, tình cảm gia đình hiện lên như cội rễ nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách con người.

Hành trình lớn lên của tác giả cũng gắn liền với tháng Tư – với dòng sông, con nước, những điều nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa. Tuổi thơ trong bài thơ không ồn ào, không rực rỡ, mà trầm lắng, sâu sắc. Đó là những ngày theo nước lớn nước ròng, là kỷ niệm cùng những cánh bướm vàng – tất cả trở thành phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Vì thế, khi trở về, tác giả không trở về như một người khách xa lạ, mà trở về như trở về với chính mình, với máu thịt và ký ức.

Về nghệ thuật, bài thơ sử dụng thể thơ tự do, tạo điều kiện để cảm xúc tuôn trào nhẹ nhàng và chân thật. Hình ảnh thơ bình dị, mộc mạc nhưng giàu sức gợi, làm sống dậy cả không gian quê hương và thế giới nội tâm sâu thẳm. Giọng thơ thủ thỉ, như một lời tâm tình, khiến người đọc có cảm giác như đang cùng tác giả ngồi lại giữa tháng Tư để kể chuyện xưa.

Thi phẩm “Tháng Tư hoài niệm” là một bài thơ chan chứa tình yêu quê hương, gia đình và tuổi thơ. Không ồn ào, không cao trào, bài thơ lặng lẽ đi vào lòng người như một dòng sông ký ức, gợi nhắc chúng ta về cội nguồn, về những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng thiêng liêng và vĩnh cửu.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí