Tổng hợp 50 bài văn phân tích một đoạn trích tá..

Phân tích khổ thơ sau trong bài thơ Ru một mầm cây (Trần Đăng Khoa) lớp 9


Khổ trên trong bài thơ "Ru một mầm cây" của Trần Đăng Khoa chứa đựng tình cảm yêu thương, kỳ vọng và niềm tin vào tương lai của thế hệ trẻ.

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Trần Đăng Khoa:

Là một trong những nhà thơ nổi bật của văn học Việt Nam hiện đại, nổi tiếng từ tuổi thiếu nhi, thơ ông giàu hình ảnh, cảm xúc và mang đậm tinh thần nhân văn.

- Giới thiệu bài thơ Ru một mầm cây:

Bài thơ là lời ru nhẹ nhàng, sâu lắng, thể hiện tình yêu thương và niềm hy vọng dành cho thế hệ trẻ – những “mầm cây” của tương lai.

- Dẫn vào khổ thơ cần phân tích, nêu khái quát nội dung:

Khổ thơ là hình ảnh ẩn dụ đầy xúc động, thể hiện tình yêu thương dành cho trẻ thơ, đồng thời gửi gắm niềm tin và thông điệp về sự trưởng thành giữa hiện thực khắc nghiệt.

II. Thân bài

1. Phân tích hình ảnh “Tay cháu xòe như một mầm cây”

- So sánh độc đáo, gần gũi: tay em bé xòe ra được ví như mầm cây đang nhú.

- Gợi sự mong manh, non nớt nhưng cũng đầy sức sống và hy vọng.

- Là cách thể hiện cái nhìn trìu mến, đầy yêu thương đối với trẻ thơ – thế hệ tương lai.

2. “Ôi thương quá cái mầm cây bụ bẫm” – cảm xúc của người ru

- Thán từ “Ôi” thể hiện cảm xúc dâng trào, đầy xao xuyến.

- “Bụ bẫm”: tả đứa trẻ khỏe mạnh, đáng yêu – hình ảnh biểu tượng cho sự sống căng tràn.

- Người ru không chỉ thương vì sự yếu ớt, mà còn trân trọng và hy vọng ở tương lai em bé.

3. Niềm mong ước, gửi gắm qua hai câu thơ cuối:

- “Mai sau cháu hãy là cây khỏe khoắn”:

→ Mong muốn đứa trẻ lớn lên mạnh mẽ, kiên cường, vững vàng trước thử thách.

- “Cuối vòng lá du dương và vùng đất mỡ máu…”:

→ “Vòng lá du dương”: gợi không gian sống yên bình, êm dịu, như tiếng hát ru, như thiên nhiên hài hòa.

→ “Vùng đất mỡ máu”: ẩn dụ sâu sắc – đất nước này từng thấm máu hy sinh để có được sự sống hôm nay.

→ Lời nhắn gửi: trưởng thành không thể quên quá khứ đau thương, phải sống sao cho xứng đáng với lịch sử và truyền thống.

4. Nghệ thuật sử dụng hình ảnh và ngôn từ

- Hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi: mầm cây – đứa trẻ, vùng đất – Tổ quốc.

- Ngôn ngữ giản dị mà sâu sắc, gần gũi với lời ru và tâm hồn Việt.

- Cấu trúc thơ nhịp nhàng như một lời ru thực sự, giàu tính truyền cảm.

III. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị khổ thơ:

→ Là một khổ thơ ngắn nhưng giàu hình ảnh và cảm xúc, thể hiện tình yêu thương, sự kỳ vọng và trách nhiệm giữa các thế hệ.

- Nêu cảm nhận cá nhân:

→ Khổ thơ khiến người đọc cảm động, suy ngẫm về giá trị của sự sống, của quá khứ và vai trò của thế hệ trẻ trong tương lai đất nước.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Khổ trên trong bài thơ "Ru một mầm cây" của Trần Đăng Khoa chứa đựng tình cảm yêu thương, kỳ vọng và niềm tin vào tương lai của thế hệ trẻ. 

Mở đầu, tác giả sử dụng hình ảnh "Tay cháu xoè như một mầm cây" để thể hiện sự ngây thơ, trong sáng của đứa trẻ. Câu thơ không chỉ miêu tả hình dáng tay của cháu mà còn gợi lên hình ảnh của một mầm cây non, mỏng manh và cần được chăm sóc, bảo vệ.

Trong câu tiếp theo, "Ôi thương quá cái mầm cây bụ bẫm," tác giả thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với đứa trẻ. "Mầm cây bụ bẫm" không chỉ là sự miêu tả vẻ ngoài khỏe mạnh, mà còn là sự chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ, tạo nên một sức sống mãnh liệt. Qua hình ảnh này, tác giả muốn bày tỏ sự khao khát cho thế hệ trẻ được lớn lên trong một môi trường tốt đẹp, đầy đủ.

Đến câu thơ "Mai sau cháu hãy là cây khỏe khoắn," tác giả gửi gắm kỳ vọng vào tương lai của đứa trẻ. Hình ảnh "cây khỏe khoắn" không chỉ là sự mạnh mẽ về thể chất mà còn là sức mạnh nội tâm, sự vững vàng trước thử thách. Tác giả mong cháu sẽ phát triển mạnh mẽ và trở thành người có ích cho xã hội.

Cuối cùng, "Với vòm lá du dương và vùng đất mỡ màu" là một hình ảnh đầy ắp hy vọng. "Vòm lá du dương" thể hiện sự trưởng thành, phát triển mạnh mẽ và tươi đẹp, còn "vùng đất mỡ màu" là môi trường nuôi dưỡng, giàu có để cây có thể sinh trưởng tốt. Câu thơ này biểu tượng cho niềm tin vào tương lai tươi sáng, nơi mà đứa trẻ sẽ phát triển, cống hiến và thịnh vượng.

Tổng thể, khổ thơ là lời ru đầy yêu thương của người lớn dành cho thế hệ trẻ, mang thông điệp về sự chăm sóc, nuôi dưỡng và kỳ vọng vào tương lai của họ. Trần Đăng Khoa đã khéo léo dùng hình ảnh thiên nhiên để thể hiện tình yêu, sự chăm sóc và ước mơ cho thế hệ tiếp nối.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Khổ thơ trích từ bài Ru một mầm cây của Trần Đăng Khoa là một lời ru nhẹ nhàng mà sâu sắc, chứa đựng tình yêu thương chan chứa dành cho thế hệ tương lai – những đứa trẻ thơ ngây như mầm cây mới nhú, cần được chăm sóc, bảo bọc để lớn lên khỏe mạnh giữa cuộc đời.

Ngay từ câu thơ mở đầu, hình ảnh "Tay cháu xòe như một mầm cây" là một so sánh rất độc đáo và đầy tính tạo hình. Đôi bàn tay non nớt của em bé được ví như một mầm cây vừa nhú, mang đến cảm giác mong manh, trong trẻo và đầy hy vọng. Từ "xòe" gợi hình ảnh sinh động, như thể mầm sống đang vươn mình đón ánh sáng, cũng như đứa trẻ đang bắt đầu tiếp xúc với thế giới.

"Ôi thương quá cái mầm cây bụ bẫm" – câu thơ thốt lên bằng cảm xúc chân thành của một người lớn đầy yêu thương. Từ “bụ bẫm” gợi hình ảnh một em bé khỏe mạnh, tràn đầy sức sống. Tác giả không chỉ thấy ở đó sự ngây thơ, dễ thương, mà còn cảm nhận được tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong hình hài nhỏ bé ấy.

Hai câu thơ sau là lời chúc, lời gửi gắm tương lai cho đứa trẻ – "mầm cây" của ngày mai:

Mai sau cháu hãy là cây khỏe khoắn

Cuối vòng lá du dương và vùng đất mỡ máu...

Ở đây, Trần Đăng Khoa đã dùng hình ảnh ẩn dụ rất đẹp. "Cây khỏe khoắn" tượng trưng cho một con người trưởng thành, vững vàng trước giông gió cuộc đời. "Vòng lá du dương" gợi sự hòa hợp với thiên nhiên, với nhịp sống thanh bình. Nhưng câu thơ cuối – “vùng đất mỡ máu” – lại bất ngờ chuyển tông, gợi đến một hiện thực không hề êm đềm: đất đai màu mỡ nhưng thấm đầy máu của chiến tranh và hy sinh. Hình ảnh ấy nhấn mạnh rằng sự lớn lên của mầm cây – cũng là sự trưởng thành của con người – không chỉ cần tình thương mà còn phải ý thức về những mất mát, những hy sinh của cha ông để giữ lấy cuộc sống hôm nay.

Khổ thơ không chỉ là lời ru ngọt ngào mà còn là một thông điệp sâu sắc: yêu thương, nuôi dưỡng trẻ thơ, và gửi gắm vào các em niềm tin, kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng cũng không quên nhắc nhở rằng mọi điều tốt đẹp hôm nay đều bắt nguồn từ những mất mát và đấu tranh trong quá khứ.

Bài tham khảo Mẫu 1

Trong bài thơ "Ru một mầm cây" của tác giả Trần Đăng Khoa viết về tình cảm của bà dành cho cháu rất thân thương và ấm áp. Bài thơ được viết lên khi trong tim tác giả đang rung lên những nhịp đập thổn thức, đang ngân lên những điệu ngân của tâm hồn. Chính vì vậy, mỗi vần thơ dù ngắn gọn nhưng có sức lay động lớn đến trái tim người đọc. Đặc biệt là khổ thơ sau:

"Tay cháu xòe như một mầm cây

Ôi thương quá cái mầm cây bụ bẫm

Mai sau cháu hãy là cây khỏe khoắn

Cuối vòng lá du dương và vùng đất mỡ màu"

 

Trong toàn bộ bài thơ sử dụng biện pháp tu từ so sánh hình ảnh "cháu" với "cây" khá nhiều. Ở khổ này cũng vậy, "tay cháu xòe" một lần nữa được so sánh với "một mầm cây" qua từ ngữ so sánh là "như", giúp lời diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm, hàm súc, tạo tưởng tượng bay bổng, du dương, ấn tượng, thú vị trong lòng độc giả. Câu thơ thứ hai sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ: "cái mầm cây" ở đây chính là người cháu với thân hình "bụ bẫm" đáng yêu. Cả hai câu thơ trên đều thể hiện tình cảm yêu thương, nâng niu, ân cần của bà dành cho cháu. Từ ngữ cảm thán "Ôi thương quá" như để nhấn mạnh thêm tình yêu ấy của bà cũng như để khẳng định sự non nớt, bé nhỏ nhưng lại mũm mĩm dễ thương của cháu, một mầm cây tương lai của đất nước. 

Không chỉ yêu thương, bà còn đặt niềm tin, sự kỳ vọng, lời khuyên cho cháu rằng hãy kiên cường, vững trãi, trưởng thành, muốn cháu là "cây khỏe khoắn". Bà mong cháu hãy là một người có nhiều sức khỏe, nhiều hạnh phúc trong cuộc sống tương lai sau này. "vòm lá du dương" được nhắn đến ở đây như một tâm hồn đẹp, thanh tĩnh, rộng lượng, bao dung của cháu. Dù có thế nào thì bà vẫn muốn cháu dang rộng vòng tay thương mến với tất cả mọi người. "vùng đất mỡ màu" được nhắc đến ở đây như giá trị riêng thật cao đẹp. Bà khuyên cháu thành một người tốt, cố gắng phát huy những giá trị của mình để giúp ích cho xã hội, góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua đây, tác giả cũng muốn gửi một thông điệp tới các bạn trẻ, những thế hệ mới hãy luôn cố gắng học tập để phát triển, sống cống hiến hết mình cho tương lai của chính mình cũng như cố gắng xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp để nước Việt Nam của chúng ta sẽ không bị tụt hậu so với các nước khác trên thế giới. Đó chính là giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm.

 

Qua khổ thơ trên, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh thơ và từ ngữ miêu tả rất gần gũi đơn giản với người đọc, chỉ là hình ảnh người cháu nhỏ và một mầm cây, kết hợp với biện pháp tu từ nghệ thuật đặc sắc (biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ,...)  giúp người đọc dễ hình dung và cảm nhận chân thực tình bà cháu.  Với ngòi bút thật tinh tế, khéo léo, tài tình của Trần Đăng Khoa, ông đã thành công khắc họa tình yêu thương ân cần của bà với cháu qua bài thơ "Ru một mầm cây". Dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai thì tác phẩm ấy sẽ luôn sống mãi, luôn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn các thế hệ độc giả. Đúng như lời nhận định của Sê - đê - lin: "Văn chương luôn nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó là không thừa nhận cái chết."

Bài tham khảo Mẫu 2

"Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan"

Từ xưa đến nay, trẻ em luôn là đối tượng được đặc biệt quan tâm và chăm sóc, đồng thời viết về trẻ em cũng là chủ đề lớn trong kho tàng văn học Việt Nam. Với bài thơ "Ru một mầm cây" tác giả Trần Đăng Khoa - nhà thơ của tuổi thơ cũng đã khai thác hình ảnh trẻ em dưới một góc nhìn thật đặc biệt. 

" Tay cháu xòe như một mầm cây

Ôi thương quá cái mầm cây bụ bẫm

Mai sau cháu hay là cây khỏe khoắn

Cuối vòng lá du dương và vùng đất mỡ máu..."

Bài thơ mở đầu với một hình ảnh so sánh thật đặc biệt, tác giả đã bắt góc nhìn từ đôi bàn tay nhỏ bé của cháu thơ, đôi bàn tay chưa biết cầm biết nắm và đặc biệt là bụ bẫm như một chiếc mầm cây xanh. Hình ảnh so sánh ấy thật tinh khôi và trong sáng, một chiếc mầm cây vừa e ấp tách vỏ trồi lên đón ánh mặt trời cũng giống như một đứa bé mới lọt lòng đón nhận những điều mới lạ trong thế giới. Đối diện với một hình ảnh đầy ngây thơ và rung động như thế tác giả cũng phải thốt lên "Ôi thương quá". Có lẽ đó là cảm xúc của tất cả mọi người khi nhìn thấy những em nhỏ, cảm xúc đầy yêu thương, nâng niu và muốn bảo bọc. 

Ở hai câu thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục sử dụng hình ảnh cái cây để gửi gắm lời nhắn, lời kỳ vọng của mình đối với đứa trẻ. Ước mong đầu tiên của tác giả không phải là mong đứa trẻ lớn lên giỏi giang hay thành đạt mà là ước mong "cháu" lớn lên thật mạnh khỏe. Giống như một cái cây cứng cáp đối chọi với bão giông, cũng mong em hãy khỏe mạnh, kiên cường mà trưởng thành. Sự khỏe đó không chỉ đờn thuần là sức khỏe thể chất mà khi đọc câu tiếp theo "cuốn vòng lá du dương" ta có thể hiểu rằng tác giả Trần Đăng Khoa cũng muốn đứa trẻ khi lớn lên được phát triển về cả sức mạnh tinh thần. Mong rằng "cháu" sẽ vững tâm lý, chững chạc bước qua từng khó khăn của cuộc đời và lại "vươn cành lá" chở che cho những mầm cây khác. Và đến sau cùng với bốn từ "vùng đất mỡ máu" tác giả đã khéo léo nhắc nhở em bé phải nhớ về nơi cuộn nguồn đã nuôi dưỡng em lớn lên và trưởng thành. Như vùng đất giàu dinh dưỡng nuôi cây lớn khôn vậy thì đâu là nơi đã dưỡng "cháu" từng ngày? Đồng thời hình ảnh "vùng đất mỡ máu" cũng như một cách nhắn nhủ rằng rồi tương lai những đứa trẻ cũng sẽ trở thành người chăm sóc, chở che cho những đứa trẻ khác và vòng tuần hoàn đầy ắp tình yêu thương đó lại tiếp tục diễn ra.

Khổ thơ trên giống như những suy tư của một người chú muốn thủ thỉ, nhắn nhủ khi nhìn thấy đứa cháu của mình còn bé thơ dại. Những hình ảnh được tác giả sử dụng cũng là những hình ảnh hết sức gần gũi như mầm cây, thân cây, vòng lá,... Có thể thấy bài thơ Ru một mầm cây nói chung và khổ thơ trên nói riêng vẫn giữ đậm cái nét của thơ Trần Đăng Khoa, giản dị và đầy tinh tế.

Bốn câu thơ trên giống như một lời ru của một người chú giành cho đứa cháu của mình đồng thời đây cũng giống như một lời nhắn gửi, một ước vọng của người lớn trong nhà dành cho đứa cháu. Những câu thơ, hình ảnh đầy giản dị và cảm xúc nhưng cũng chất chứa thật nhiều điều yêu thương.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí