Tổng hợp 50 bài văn phân tích một tác phẩm thơ l..

Em hãy phân tích bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” của Lê Anh Xuân lớp 9


Lê Anh Xuân là một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Lê Anh Xuân không nhiều nhưng có nét riêng đặc sắc, thể hiện một tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm, tinh tế, chất thơ mộc mạc chân thành như chính con người tác giả vậy.

Tổng hợp Đề thi vào 10 có đáp án và lời giải

Toán - Văn - Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu tên bài thơ, tác giả và nêu cảm nghĩ chung của em về bài thơ.

2. Thân bài

- Tập trung phân tích những đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của bài thơ.

- Phân tích chủ đề của bài thơ:

- Bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của những người lính ra đi bảo vệ độc lập, hòa bình cho Đất Nước.

a. Bốn câu thơ đầu: Hình ảnh người lính hành quân giữa rừng xanh.

- Âm thanh: Tiếng chim gù, tiếng suối: Rộn rã, tươi vui

- Hình ảnh: Đẫm lá ngụy trang, vàng hoa mai: Màu sắc tươi sáng, thắp lên hi vọng về ngày toàn thắng.

- Biện pháp nhân hóa “ngân nga tiếng suối”, ẩn dụ “mùa xuân”: chỉ mùa xuân của tuổi trẻ, mùa xuân của đất trời, mùa xuân của non sông, “tiền tuyến nở vàng hoa mai”: tin vui thắng lợi, sao vàng tung bay.

-> Thiên nhiên tươi đẹp, con người lạc quan, cùng hòa tấu tạo nên bức tranh tươi vui, rạng rỡ, tràn đầy hi vọng. Hiện ra trên trang thơ, trong lòng người đọc hôm nay vẫn còn mãi bức tranh thiên nhiên góp nhặt, nâng niu từng chi tiết với đầy đủ âm thanh, màu sắc vô cùng thi vị, quyện vào nhau làm nền cho con người trên con đường hướng về tương lai đầy rạng rỡ, thắm thiết.

b. Bốn câu thơ tiếp theo: Tâm tình người lính

- Hình ảnh: Ba lô trên vai, tay súng: Ý chí và tấm lòng vác cả non sông trên lưng để chiến đấu chống giặc, cứu nước.

- Tâm tư: Nhớ thương, mẹ ở quê nhà: Tình yêu thăm thẳm, chất chưa nỗi nhớ, lo lắng về mẹ già của người lính => Đáng quý, đáng trân trọng.

-> Biện pháp ẩn dụ, so sánh (nhớ thương dài như mấy dặm đường xa xôi) nhấn mạnh tâm hồn cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.

c. Bốn câu còn lại: Ý chí của người lính

- Hình ảnh: Đêm mưa, ngày nắng: ẩm dụ những khó khăn, vất vả của người lính trên đường đánh giặc.

- Lòng quyết tâm: Quân thù còn đó, ta đi chưa về: mạnh mẽ, ý chí sắt đá, lời thề sắt son với non sông, Tổ quốc.

- Hình ảnh: Chim rừng thánh thót, bốn bề rừng xuân: Niềm hân hoan nối tiếp lên đường và hi vọng thắng lợi nối liền hành trình các anh đi.

+ Liên hệ với hình ảnh người lính trong các bài thơ như “Đồng chí” của Chính Hữu, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật ...

-> Khắc họa rõ nét tinh thần của những người lính trẻ đối với tổ quốc, non sông.

* Đặc sắc nghệ thuật:

Dấu ấn rõ nét, độc đáo, sáng tạo vẻ đẹp hình thức nghệ thuật bài thơ.

- Thể thơ lục bát đã giúp cho nhà thơ diễn tả hiện thực và bộc lộ cảm xúc một cách linh hoạt.

- Bút pháp hiện thực - bi tráng nhưng không kém phần lãng mạn. Lê Anh Xuân thật tài tình khi sử dụng những hình ảnh về núi rừng, thiên nhiên tuyệt đẹp để nói lên khát vọng mãnh liệt của lính hành quân.

- Những chi tiết, hình ảnh tuy giản đơn, mộc mạc nhưng chứa đựng tấm lòng, tình yêu thương to lớn của tác giả dành cho người lính, quê hương, đất nước và con người Việt Nam.

- Hình ảnh thơ cô đọng, mộc mạc, giản dị, chân thực song rất lãng mạn.

- Ngôn ngữ thơ hàm súc, súc tích, có khi dồn nén, giàu sức biểu cảm.

-> Những sáng tạo độc đáo của bài thơ tạo nên nét riêng cho phong cách thơ Lê Anh Xuân.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ.

- Cảm xúc hoặc lời nhắn gửi tới mọi người.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Lê Anh Xuân là một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Lê Anh Xuân không nhiều nhưng có nét riêng đặc sắc, thể hiện một tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm, tinh tế, chất thơ mộc mạc chân thành như chính con người tác giả vậy. Bài thơ "Hành quân giữa rừng xuân" là một trong số ít tác phẩm tiêu biểu của ông viết về đề tài người lính. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi núi rừng Trường Sơn hùng vĩ cùng với vẻ đẹp của những người lính trẻ đầy nhiệt huyết, lạc quan.

Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh thiên nhiên núi rừng Trường Sơn vào mùa xuân:

“Rừng xa vọng tiếng chim gù

Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn

Mùa xuân đẫm lá ngụy trang

Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.”

Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa qua động từ “vọng”, khiến cho tiếng chim trở nên gần gũi hơn. Tiếng chim ấy văng vẳng đâu đây mà nghe thật gần gũi, thân quen đến lạ. Âm thanh vang vọng khắp núi rừng, hòa cùng tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió thổi vi vu tạo nên một khúc nhạc du dương, êm ái, làm say đắm lòng người. Khung cảnh thiên nhiên núi rừng Trường Sơn hiện lên vừa hoang sơ, hùng vĩ lại vừa thơ mộng, trữ tình. Giữa không gian bao la rộng lớn ấy, hình ảnh người lính xuất hiện:

“Ba lô nặng, súng cầm tay,

Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương.”

Hình ảnh người lính hiện lên với tư thế hiên ngang, lẫm liệt, trên vai mang ba lô nặng, tay lăm lăm cây súng sẵn sàng chiến đấu. Họ phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vượt hàng trăm cây số để thực hiện nhiệm vụ cao cả. Những vất vả, hiểm nguy ấy chẳng thể nào ngăn cản bước chân người lính. Trong họ luôn rực cháy ngọn lửa yêu nước mãnh liệt, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Câu thơ cuối gợi liên tưởng tới câu ca dao:

“Đào núi và lấp biển

Theo lời Bác gọi em sẽ đi.”

Người lính thời kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, họ sẵn sàng đánh đổi tuổi thanh xuân, xương máu của mình để giành lại độc lập tự do cho đất nước. Đó là những chàng trai trẻ với trái tim yêu nước nồng nàn, lý tưởng cách mạng kiên trung, ý chí quyết tâm sắt đá.

Không chỉ khắc họa vẻ đẹp người lính, Lê Anh Xuân còn miêu tả khung cảnh thiên nhiên núi rừng Trường Sơn tuyệt đẹp:

“Chim rừng thánh thót bên khe

Nhìn lên xanh biếc bốn bề rừng xuân

Ngày mai trời lại sáng tươi

Trời xanh núi đỏ ta ơi! vững lòng!”

Giữa không gian yên tĩnh, bỗng đâu vang vọng tiếng chim rừng thánh thót bên khe. Hình ảnh “xanh biếc bốn bề rừng xuân” gợi màu xanh bát ngát, mênh mông của núi rừng. Màu xanh ấy tượng trưng cho sự sống, niềm tin và hi vọng. Từ “xuân” được nhắc lại hai lần càng tô đậm thêm vẻ đẹp thơ mộng, tràn trề sức sống của núi rừng Trường Sơn. Người lính ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên, trong lòng trào dâng một cảm xúc lâng lâng khó tả. Họ vui sướng khi được đứng giữa núi rừng bao la rộng lớn, được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Niềm tin của người lính cũng từ đó mà nảy nở. Họ tin rằng rồi ngày mai bình minh sẽ ló dạng, ảnh mặt trời sẽ chiếu rọi khắp mọi nơi, xua tan đi màn đêm u tối của thực dân Mỹ. Điệp từ “xanh” kết hợp với nghệ thuật điệp cấu trúc “ngày mai trời lại sáng” đã nhấn mạnh niềm tin bất diệt của người lính. Dù trước mắt còn muôn vàn chông gai, thử thách nhưng họ vẫn vững lòng, tiếp tục tiến về phía trước, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Bài thơ khép lại để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng Trường Sơn và người lính trẻ.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Bài thơ “hành quân giữa rừng xuân” là tác phẩm tiêu biểu của Lê Anh Xuân. Tác phẩm thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của những người lính ra đi bảo vệ độc lập, hòa bình cho Đất Nước.

Mở đầu tác phẩm là bức tranh đẹp đẽ của thiên nhiên ngày xuân. Đó là âm thanh rộn rã của tiếng chim, tiếng suối tiếng gió,.... Mang đến cảm giác tươi mới, đầy sức sống, một thiên nhiên tươi đẹp. “Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai” sắc vàng biểu trưng cho sự may mắn của mùa xuân, cũng là màu vàng của niềm vui, sự hy vọng cùng tâm thế sẵn sàng đánh giặc của các anh bộ đội. Vẻ đẹp thiên nhiên ấy được những người lính bắt gặp trên dọc đường hành quân, thiên nhiên tươi đẹp, cùng các hình ảnh hết sức gần gũi, thân thương. Lê Anh Xuân đã đưa những vẻ đẹp ấy giúp làm giảm bớt đi sự khó khăn, nhọc nhằn của các anh bộ đội cụ Hồ trên con đường bảo vệ Tổ Quốc. Thiên nhiên tươi đẹp như tiếp thêm động lực, sức mạnh niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp. Qua đó thể hiện khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Bài thơ còn cho thấy sức mạnh, sự kiên cường của những người lính. “Ba lô nặng, súng cầm tay/ Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương/ Đêm mưa, ngày nắng sá gì” tất cả tái hiện lên khung cảnh hiện thực đầy gian khổ, khó khăn. Cùng tiết trời mùa xuân với những đêm mưa lạnh cũng không thể nào làm các anh nản chí. Những khó khăn ấy chỉ góp phần làm tăng thêm tính kiên trì, chịu đựng. Họ sẵn sàng ra đi bảo vệ Tổ Quốc với một quyết tâm cao độ “quân thù còn đó, ta chưa đi về”. Họ luôn mang trong mình một tình yêu quê hương, yêu đất nước sâu sắc. Chính những lời thơ đó đã khơi gợi trong em niềm tự hào, sự kiêu hãnh và lòng biết ơn đối với những người lính sẵn sàng hy sinh bảo vệ Đất Nước.

Tác giả đã viết lên những lời thơ bằng giọng điệu nhẹ nhàng, êm dịu tạo ra một khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp, làm nổi bật lên hình tượng người lính thật cao cả. Bài thơ mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và tình yêu quê hương Đất Nước.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Trong dòng thơ ca cách mạng Việt Nam, nhà thơ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến) là một gương mặt tiêu biểu. Anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã để lại nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu đất nước, tinh thần chiến đấu và lý tưởng cao đẹp của người lính. Một trong những bài thơ tiêu biểu của anh là “Hành quân giữa rừng xuân”. Bài thơ khắc họa chân thực và xúc động hình ảnh người chiến sĩ giữa mùa xuân chiến trường, đồng thời gửi gắm một tinh thần yêu nước, lạc quan và niềm tin sâu sắc vào chiến thắng.

Mở đầu bài thơ là không gian thiên nhiên trong trẻo và thơ mộng của núi rừng:

Rừng xa vọng tiếng chim gù,

Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.

Âm thanh của chim, của suối, của gió hòa quyện tạo nên một bản nhạc mùa xuân dịu dàng, thanh bình. Dù đang hành quân trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, người lính vẫn cảm nhận được vẻ đẹp tươi mới của thiên nhiên. Đây không chỉ là bức tranh thiên nhiên thơ mộng, mà còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của đất trời miền Nam.

Câu thơ tiếp theo mở ra một hình ảnh đặc sắc:

Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang,

Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.

Hình ảnh "lá nguỵ trang" hoà với sắc xuân cho thấy người lính như đang hoà vào thiên nhiên, ẩn mình trong đất trời để bảo vệ Tổ quốc. Hoa mai – biểu tượng đặc trưng của mùa xuân phương Nam – không chỉ tô điểm cho cảnh vật, mà còn tượng trưng cho khí phách người lính: kiên cường, dũng cảm nhưng cũng rất đỗi yêu đời.

Từ khung cảnh thiên nhiên, bài thơ chuyển sang hình ảnh con người – những người lính trẻ:

Ba lô nặng, súng cầm tay,

Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương.

Chỉ bằng hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã khắc họa được sự gian khổ, vất vả của hành trình chiến đấu. “Ba lô nặng”, “đường xa”, nhưng điều in đậm lại chính là “nhớ thương”. Trong bước chân người lính không chỉ có gánh nặng vật chất mà còn chất chứa bao nỗi nhớ quê hương, gia đình.

Hình ảnh người mẹ hiện lên thật xúc động:

Giờ này mẹ ở quê hương,

Cũng chừng đang dõi theo đường ta đi.

Tình cảm gia đình được thể hiện một cách mộc mạc, chân thành. Người mẹ nơi hậu phương luôn hướng về con, còn người lính trên đường hành quân cũng không nguôi nỗi nhớ mẹ. Tình cảm ấy là động lực giúp người lính vững bước nơi chiến trường

Dù đối mặt với muôn vàn gian khổ:

Đêm mưa, ngày nắng sá gì,

Quân thù còn đó, ta đi chưa về.

Hai câu thơ mang đậm chất sử thi, thể hiện tinh thần thép, lòng quyết tâm sắt đá. Người lính không ngại gian khổ, không màng bản thân, chỉ một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do.

Bài thơ khép lại bằng hình ảnh rừng xuân tươi sáng:

Chim rừng thánh thót bên khe,

Nhìn lên xanh biếc bốn bề rừng xuân.

Âm thanh trong trẻo của thiên nhiên và màu xanh tràn ngập của rừng xuân là lời khẳng định niềm tin vững chắc vào ngày mai tươi sáng. Dù trong gian lao, người lính vẫn luôn giữ trọn niềm tin vào thắng lợi, vào mùa xuân hoà bình.

“Hành quân giữa rừng xuân” là một bài thơ giàu chất trữ tình, thấm đẫm tinh thần lạc quan và ý chí chiến đấu kiên cường. Qua những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp hòa quyện với chân dung người lính, Lê Anh Xuân đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và lý tưởng sống cao cả của thế hệ thanh niên trong cuộc kháng chiến. Bài thơ là bản hòa ca đẹp giữa mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân cách mạng, giữa tình yêu quê hương và ý chí đấu tranh, làm rung động lòng người đọc mọi thế hệ.

Bài tham khảo Mẫu 1

Trong văn học Việt Nam, những tác phẩm mang chủ đề về chiến tranh luôn là những tấm gương sáng, kể lại câu chuyện của những người lính dũng cảm, những người đã hy sinh tất cả cho sự tự do của quê hương và “Hành quân giữa rừng xuân” không phải là một ngoại lệ. Qua từng câu thơ, tác giả đã khắc họa một bức tranh chân thực về sự cô đơn, lo sợ, nhớ nhà, nhưng cũng đầy hy vọng và tình yêu quê hương.

“Rừng xa vọng tiếng chim gù,...

….Nhìn lên xanh biếc bốn bề rừng xuân.”

                Lê Anh Xuân, sinh tại Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nhà giáo yêu nước. Lê Anh Xuân đã sáng tác khá nhiều bài thơ chủ yếu thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, có lẽ vì vậy mà tạo cho ông nên một cảm hứng mãnh liệt để tạo nên “Hành quân giữa rừng xuân”. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh của một cánh rừng xa xăm, nơi tiếng chim gù vọng lên, tiếng suối reo rắt và gió ngàn vi vu:

“Rừng xa vọng tiếng chim gù,

Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.

Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang,

Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.

Ba lô nặng, súng cầm tay,

Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương”

              Tiếng suối ngân nga và gió ngàn vi vu làm cho bức tranh về thiên nhiên trở nên sống động và hấp dẫn hơn. Sự diệu kỳ của thiên nhiên được tôn vinh thông qua những âm thanh tinh tế này. Một mùa xuân đẫm lá, với cây mai nở vàng khắp nơi, tạo nên một bức tranh tươi đẹp nhưng cũng lạnh lùng. Lá ở đây không chỉ là lá của cây cối xung quanh, mà còn là một lớp ngụy trang để quân đội ta ẩn mình trong thiên nhiên và mai phục. Qua việc lấy lá cây để đắp lên mình, quân và dân ta đã tạo ra sự ngụy trang với cây cỏ và môi trường xung quanh, giúp họ trở nên khó phân biệt và bảo vệ an toàn trong môi trường chiến đấu. Hành động này cũng thể hiện sự sẵn sàng hy sinh và tinh thần đoàn kết của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh. Tác giả sử dụng các hình ảnh thiên nhiên này để tạo ra một bối cảnh yên bình, hòa mình vào sự tĩnh lặng của tự nhiên, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự dã man và khắc nghiệt của chiến tranh. Ở đó, những người lính đi qua, mang trên vai gánh nặng của ba lô, cầm súng trong tay, bước chân trên con đường dẫn đến cuộc chiến. Họ không chỉ mang theo vũ khí mà còn mang theo những nỗi lo sợ và nhớ nhà, nhớ về mẹ ở quê hương. Tác giả miêu tả mùa xuân đẫm lá, với cây mai nở vàng khắp nơi. Mùa xuân thường được coi là biểu tượng của sự tái sinh và hy vọng, nhưng ở đây, nó lại làm nổi bật sự phân biệt giữa vẻ đẹp tự nhiên và cuộc chiến tranh đang diễn ra. Bài thơ không chỉ tập trung vào hình ảnh thiên nhiên mà còn đề cập đến mặt trận chiến tranh, với sự xuất hiện của quân thù và nỗi lo sợ về sự sống còn. Tác giả sử dụng hình ảnh chim rừng thánh thót để nhấn mạnh sự cô đơn và lo lắng của người lính giữa vùng đất hoang sơ và khắc nghiệt. Bức tranh chiến tranh được vẽ nên qua hình ảnh của người lính giữa vùng đất hoang sơ và khắc nghiệt. Những người lính này không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm từ quân thù mà còn phải đối mặt với sự cô đơn và lo lắng. Hình ảnh của những cành hoa mai nở vàng trên đường ra tiền tuyến tạo ra một bức tranh rất mùa xuân và rất Việt Nam. Hoa mai được coi là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng, và việc miêu tả chúng nở rộ trên con đường ra tiền tuyến gợi lên hình ảnh một tương lai tươi sáng, hy vọng. Tuy nhiên, dù đối diện với những thử thách và nguy hiểm, họ vẫn không ngừng hành quân trên con đường đầy gian nan, với hy vọng một ngày nào đó, họ sẽ trở về với gia đình và quê hương yêu dấu. 

“...Giờ này mẹ ở quê hương,

Cũng chừng đang dõi theo đường ta đi.

Đêm mưa, ngày nắng sá gì,

Quân thù còn đó, ta đi chưa về.”

              Qua những dòng thơ, chúng ta bắt gặp những hình ảnh sống động và cảm xúc sâu lắng về cuộc sống của người lính trên chiến trường. Mỗi câu thơ như một cửa sổ mở ra không gian tưởng tượng, nơi mà người đọc được đưa vào những cảm xúc, suy tư và tâm trạng của những người lính dũng cảm. tác giả không chỉ mô tả một hình ảnh nhẹ nhàng về tình mẫu tử mà còn khơi gợi sự kết nối tinh thần sâu sắc giữa người lính và gia đình. Từ "dõi theo" đánh thức những cảm xúc xúc động và hy vọng trong lòng người đọc, làm cho họ cảm nhận được rằng dù ở cách xa, tình yêu và sự lo lắng của gia đình vẫn luôn ấm áp và bền vững. Tác giả tạo nên một khung cảnh khắc nghiệt và căng thẳng của chiến trường thông qua từ "đêm mưa" và "ngày nắng", nó không chỉ mô tả về thời tiết khắc nghiệt mà còn là biểu tượng cho sự khắc nghiệt của cuộc sống trên chiến trường. Sự hiện diện của quân thù nhấn mạnh lên nguy hiểm và rủi ro mà người lính phải đối mặt mỗi ngày, trong khi "ta đi chưa về" nhấn mạnh vào sự dũng cảm và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ quê hương. Mặc cho nguy hiểm, những người lính vẫn coi thường nguy hiểm, ta cảm thấy một thái độ rất ngông và tự tin, bất chấp. Những người lính không quản nắng mưa, quyết tâm chiến đấu đến cùng kể cả là một sống một còn để bảo vệ quê hương tổ quốc, quyết không bỏ cuộc khi kẻ thù vẫn đang xâm lược dân tộc ta.

“...Chim rừng thánh thót bên khe,

Nhìn lên xanh biếc bốn bề rừng xuân.”

            Ở hai câu thơ cuối, tác giả tạo ra một bức tranh yên bình và lạc quan giữa cơn hỗn loạn của cuộc chiến. Hình ảnh này làm dịu đi cảm xúc và mang lại một chút bình yên cho tâm hồn của người lính, như một lời nhắc nhở về sự tinh thần và vẻ đẹp của thiên nhiên giữa những thời điểm khó khăn nhất. Hình ảnh của rừng xuân xanh biếc là biểu tượng cho sự hy vọng và niềm tin vào một tương lai hòa bình. Cảnh vật thiên nhiên sống động này làm dịu đi cảm xúc và đem lại một chút bình yên cho tâm hồn của người đọc, đồng thời làm nổi bật sự kiên nhẫn và sự hy vọng của người lính giữa những khó khăn của cuộc sống trên chiến trường. Những dòng thơ không chỉ là những cảnh vật sống động mà còn là những dấu ấn sâu sắc về tâm trạng và suy tư của người lính và gia đình trong thời gian chiến tranh. Chúng tạo nên một tác phẩm văn chương đầy ý nghĩa và cảm động về cuộc sống trên chiến trường và lòng dũng cảm của những người lính.

        Bài thơ "Hành Quân Giữa Rừng Xuân" không chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là một thông điệp về tình yêu quê hương, lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người lính. Qua từng câu thơ, tác giả đã tạo ra một bức tranh chân thực và đầy cảm xúc về cuộc sống trên chiến trường, nơi mà người lính phải đối mặt với cảnh vật thiên nhiên khắc nghiệt và những mối lo lắng về gia đình ở nhà. Bài thơ này là một lời tri ân sâu sắc đến những người lính dũng cảm và là một tín hiệu hy vọng về một tương lai hòa bình.

Bài tham khảo Mẫu 2

Lê Anh Xuân là một gương mặt tiêu biểu của thơ ca cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông giàu chất trữ tình, mang âm hưởng trẻ trung, lạc quan, vừa giản dị mộc mạc, vừa thiết tha sâu sắc. Bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” tiêu biểu cho phong cách thơ của ông, thể hiện vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên mùa xuân tươi sáng và tâm hồn người lính giải phóng trẻ tuổi.

Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp tươi sáng của thiên nhiên mùa xuân nơi chiến trường và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn người lính: yêu đời, yêu quê hương, kiên cường chiến đấu vì lý tưởng cách mạng.

Ngay từ những câu thơ mở đầu, bức tranh thiên nhiên hiện lên sinh động, trong trẻo:

“Rừng xa vọng tiếng chim gù,

Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.”

Thiên nhiên trong bài thơ không còn là khung cảnh tĩnh lặng mà đầy sức sống, tràn ngập âm thanh: tiếng chim gù thủ thỉ, tiếng suối ngân vang, tiếng gió vi vu giữa ngàn cây. Những âm thanh ấy không chỉ mô tả cảnh vật mà còn gợi lên nhịp điệu dịu dàng, tha thiết của mùa xuân nơi chiến khu. Cách lựa chọn những âm thanh êm ái cho thấy tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của người lính: giữa hành quân gian khó, họ vẫn rung cảm sâu sắc trước vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên.

Hình ảnh thiên nhiên tiếp tục hiện ra trong sắc màu và đường nét:

“Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang,

Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.”

“Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang” là một hình ảnh sáng tạo: mùa xuân không chỉ hiện diện ngoài thiên nhiên, mà còn như thấm đẫm trong từng tấm áo, từng chiếc ba lô, từng bước chân người lính. Hoa mai nở vàng – sắc hoa đặc trưng của mùa xuân Nam Bộ – tô điểm cho con đường ra trận, vừa mang vẻ đẹp thực, vừa gợi cảm xúc thiêng liêng: đường hành quân vì độc lập tự do cũng rực sáng như mùa xuân đất trời.

Không chỉ cảm nhận thiên nhiên bằng tâm hồn nghệ sĩ, người lính trong bài thơ còn mang trong tim tình yêu quê hương, gia đình sâu sắc. Giữa những chặng đường dài gian khổ, họ vẫn nghĩ về mẹ, về quê hương:

“Giờ này mẹ ở quê hương,

Cũng chừng đang dõi theo đường ta đi.”

Tình cảm gia đình giản dị mà sâu nặng ấy trở thành điểm tựa tinh thần cho những bước chân hành quân. Câu thơ sử dụng cách nói “cũng chừng” rất mộc mạc, đúng với phong cách Nam Bộ, vừa biểu đạt sự phỏng đoán, vừa chất chứa biết bao nhớ thương, gắn bó.

Dẫu phải đối mặt với biết bao thử thách, ý chí chiến đấu của người lính vẫn không hề lung lay:

“Đêm mưa, ngày nắng sá gì,

Quân thù còn đó, ta đi chưa về.”

Những vất vả, gian khổ (“đêm mưa, ngày nắng”) được coi nhẹ, bởi mục tiêu phía trước (“quân thù còn đó”) mới là điều người lính hướng tới. “Ta đi chưa về” – câu thơ ngắn gọn mà hàm chứa sự quyết tâm bền bỉ, một lời thề thầm lặng nhưng mạnh mẽ.

Khép lại bài thơ, bức tranh thiên nhiên lại trở về với vẻ đẹp trong trẻo, thanh bình:

“Chim rừng thánh thót bên khe,

Nhìn lên xanh biếc bốn bề rừng xuân.”

Không gian tràn ngập sắc xanh, âm thanh thánh thót của chim rừng như một bản nhạc xuân bất tận, lan tỏa niềm tin yêu vào cuộc sống và chiến thắng.

Bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” không chỉ thành công về nội dung, mà còn đặc sắc về mặt nghệ thuật, góp phần làm nên sức hấp dẫn bền lâu của tác phẩm.

Trước hết, bút pháp lãng mạn được sử dụng nhuần nhuyễn. Thiên nhiên chiến trường hiện ra không u ám, khốc liệt mà tràn đầy ánh sáng và nhạc điệu mùa xuân. Hình ảnh tiếng chim gù, tiếng suối ngân, hoa mai nở vàng không chỉ là mô tả thực tế, mà còn là biểu tượng cho sự sống, cho hy vọng bất diệt giữa bom đạn chiến tranh.

Hình ảnh thơ giàu tính tạo hình và ý nghĩa biểu tượng. “Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang” là một sáng tạo độc đáo, gợi sự hòa quyện giữa mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân cách mạng. Người lính, với tấm áo nguỵ trang ướt đẫm hơi xuân, đã trở thành một phần của đất nước, của lịch sử.

Âm hưởng thơ mềm mại, tha thiết. Các dòng thơ ngắn gọn, có nhịp điệu khoan thai, vừa thể hiện nhịp hành quân, vừa thể hiện tâm hồn trữ tình của người lính. Nhịp thơ khi thì ngân vang theo tiếng suối, tiếng gió (“Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn”), khi thì dồn nén quyết tâm (“Ta đi chưa về”).

Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị nhưng giàu sức gợi. Những từ ngữ quen thuộc đời thường như “ba lô”, “súng cầm tay”, “đường xa”, “mẹ ở quê hương” vừa gần gũi, chân thực, vừa đậm chất trữ tình sâu sắc. Thủ pháp đối lập giữa “đêm mưa, ngày nắng” và “ta đi chưa về” làm nổi bật ý chí vượt khó của người lính.

Với bút pháp lãng mạn, hình ảnh thơ giàu sức gợi, ngôn ngữ mộc mạc mà đậm chất trữ tình, bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” đã thể hiện sinh động vẻ đẹp của mùa xuân đất nước và mùa xuân trong tâm hồn người lính giải phóng. Qua bài thơ, Lê Anh Xuân không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước, lòng kiên cường và niềm tin bất diệt vào tương lai thắng lợi của dân tộc.

Bài tham khảo Mẫu 3

Thơ ca trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ là tiếng nói của trái tim yêu nước, mà còn là vũ khí tinh thần mạnh mẽ cổ vũ con người vượt lên gian khổ để giành lấy độc lập, tự do. Trong dòng chảy ấy, Lê Anh Xuân – nhà thơ, chiến sĩ – đã để lại dấu ấn sâu đậm qua những vần thơ mang hơi thở của chiến trường và lý tưởng sống cao đẹp. Bài thơ “Hành quân giữa rừng xuân” là một minh chứng tiêu biểu, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người lính trong kháng chiến – vừa can trường, vừa lãng mạn, vừa gắn bó sâu sắc với quê hương và đất nước.

Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt: khi tác giả đang trực tiếp hành quân giữa núi rừng miền Nam trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Tuy nhiên, thay vì miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh, bài thơ lại mở ra một không gian thiên nhiên đầy sức sống. Rừng núi hiện lên với vẻ đẹp thanh bình, tươi mới của mùa xuân. Âm thanh của chim muông, suối nguồn, gió ngàn tạo nên một bức tranh sống động, mang lại cảm giác thư thái, trong trẻo và đầy hy vọng. Điều này cho thấy khả năng cảm nhận tinh tế và tâm hồn lãng mạn của người lính, dù đang ở trong hoàn cảnh gian khổ nhất.

Một trong những điểm đặc sắc của bài thơ là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và hình ảnh người chiến sĩ. Người lính hành quân với ba lô nặng trĩu trên vai, súng chắc trong tay, vượt qua muôn dặm đường dài. Nhưng điều nổi bật không phải là sự mệt mỏi, mà là tinh thần lạc quan, niềm tin vào lý tưởng. Thiên nhiên không phải là phông nền đơn thuần, mà còn là nguồn động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho người lính tiếp tục tiến về phía trước.

Ngoài hình ảnh chiến sĩ gan dạ, bài thơ còn bộc lộ chiều sâu tình cảm cá nhân rất nhân văn. Đó là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương – những tình cảm rất đỗi đời thường nhưng đầy thiêng liêng. Trong tâm trí người lính, hình ảnh người mẹ nơi quê nhà luôn hiện hữu, như một nguồn động lực âm thầm giúp anh vượt qua mọi khó khăn. Tình mẫu tử trong thơ không được diễn tả bằng những lời lẽ cầu kỳ, mà chính sự mộc mạc, chân thành lại khiến nó trở nên xúc động và sâu sắc.

Không chỉ nói về nỗi nhớ, bài thơ còn thể hiện rõ ý chí sắt đá và quyết tâm chiến đấu của người lính. Những thử thách của chiến trường như thời tiết khắc nghiệt, đường hành quân dài đằng đẵng, không làm chùn bước chân họ. Bởi trong trái tim người lính, vẫn luôn khắc ghi hình ảnh của Tổ quốc, của nhân dân và lý tưởng cao đẹp: đánh đuổi kẻ thù, giành lại độc lập cho đất nước. Tinh thần đó không phải là khẩu hiệu mà được thể hiện qua từng hành động, từng suy nghĩ và cảm xúc chân thật nhất.

Điều đặc biệt trong bài thơ chính là sự chuyển hoá tinh tế giữa hiện thực khốc liệt và vẻ đẹp trữ tình. Giữa cuộc chiến, người lính không bị khô cứng bởi những khẩu hiệu hay nhiệm vụ, mà vẫn giữ nguyên chất người: biết cảm nhận cái đẹp, biết yêu thương, biết nhớ nhung. Điều đó làm cho hình ảnh người lính trong thơ Lê Anh Xuân không chỉ cao cả mà còn gần gũi, giản dị, khiến người đọc dễ đồng cảm và xúc động.

Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng hình ảnh mùa xuân trọn vẹn – một mùa xuân của thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng là biểu tượng cho mùa xuân của đất nước. Đó là hình ảnh của niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng, vào chiến thắng, vào hòa bình. Người lính không chỉ đang bước đi giữa mùa xuân hiện tại, mà còn đang hướng đến một mùa xuân rộng lớn hơn – mùa xuân độc lập, tự do cho toàn dân tộc.

Như vậy, “Hành quân giữa rừng xuân” không chỉ là một bài thơ đẹp về hình ảnh, tinh tế trong cảm xúc, mà còn là bản hùng ca về người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Qua đó, Lê Anh Xuân đã thể hiện được vẻ đẹp toàn diện của người chiến sĩ: yêu đời, yêu quê hương, gắn bó với thiên nhiên và kiên cường trong chiến đấu. Bài thơ không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là một di sản tinh thần quý báu, góp phần làm nên hình tượng người lính Cụ Hồ trong văn học Việt Nam hiện đại.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí