Tổng hợp 50 bài văn phân tích một tác phẩm thơ l..

Cảm nhận về bài thơ "Mẹ" của Trần Khắc Tám lớp 9


Bài thơ "Mẹ" của Trần Khắc Tám là tác phẩm chứa đậm cảm động và sâu lắng về tình mẹ. Qua đó, tác giả đã thành công khắc họa hình ảnh người mẹ thông qua những từ ngữ chân thành.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Trong kho tàng văn học Việt Nam, tác phẩm “Mẹ” của Trần Khắc Tám không chỉ là bài thơ ca ngợi tình mẫu tử sâu nặng, mà còn là tình thương mà tác giả dành cho mẹ mình, người cả đời dành dụm lo lắng cho con chưa một ngày được ngơi nghỉ. Bài thơ là một tạo hình độc đáo để tôn vinh tình mẹ và sự hi sinh vô bờ bến của mẹ dành cho những đứa con của mình.

2. Thân bài 

* Hình ảnh người mẹ lam lũ cố gắng mưu sinh vì con:

- Hình ảnh người mẹ tất tả ngược xuôi để đi bán hàng nuôi con, đi làm từ sáng tới chiều muộn mới về nhà.

- Mẹ ngược xuôi bươn chải chợ trên chợ dưới, chỉ để cho con có cuộc sống ấm no.

- Sự hy sinh thể hiện trong việc chưa bao giờ mẹ dám ăn đồ ngon, để dành đồ ngon đem bán lấy tiền nuôi con.

- Cả đời vất vả nuôi con, và mẹ đi vào một chiều cuối mùa đông.

* Tình yêu của tác giả đối với người mẹ của mình

- Con 12 tuổi nhưng chưa giúp gì được cho mẹ, cảm giác buồn vì chưa báo đáp gì được cho mẹ.

- Khi đã lớn lên, có nhận thức, tác giả tự hỏi cuộc đời mẹ đã khi nào sống vì bản thân và thực sự hạnh phúc hay chưa?

- Nhìn thấy trầu cau là nhìn thấy người mẹ hiền hậu.

* Đặc sắc nghệ thuật:

- So sánh “Bóng mẹ như chạy giữa cánh đồng”, “con như mầm non vô tư lớn”, “mẹ như cây năm tháng cứ già đi”: Gợi lên sự tất tả mưu sinh của mẹ, sự đánh đổi tuổi thanh xuân của mẹ dành cho con, và quy luật của thời gian bất biến “tre già măng mọc”.

- Phép ẩn dụ “mẹ- trầu cau”: trầu cau là nét đẹp văn hóa của người Việt, ẩn dụ để cho thấy quanh mình đâu đâu cũng nhìn thấy hình ảnh người mẹ tần tảo, sắt son

3. Kết bài

Bài thơ Mẹ là tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa về tình mẹ con, khắc họa thành công sự hy sinh tần tảo của mẹ dành cho những đứa con của mình. Những người con cũng luôn mang trong mình sự kính yêu vô hạn đối với đấng sinh thành, luôn dành tình yêu và trân trọng mọi khoảnh khắc ở bên họ.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Bài thơ "Mẹ" của Trần Khắc Tám là tác phẩm chứa đậm cảm động và sâu lắng về tình mẹ. Qua đó, tác giả đã thành công khắc họa hình ảnh người mẹ thông qua những từ ngữ chân thành. 

Bài thơ nói về người mẹ với sự hi sinh và tình thương vô điều kiện. Đồng thời thể hiện sự quý trọng và biết ơn của người con dành cho người mẹ. Thông qua cách miêu tả những hình ảnh, kỉ niệm đã thành công khắc họa hình ảnh người mẹ vô cùng cao quý. Bài thơ "Mẹ" không chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là một bài học quý giá về tình thương bao la vô điều kiện của người mẹ đối người con.

Khi đọc bài thơ ta cảm nhận được tình yêu thương mà người mẹ dành cho người con là không thể đong đếm. Trong bài thơ có nhắc đến việc người mẹ xuôi ngược chơ trên rồi chợ dưới đã nói lên rằng người mẹ vô cùng bận rộn và là một người mẹ vô cùng tảo tần. 

Trong bài còn có câu" Mẹ như cây năm tháng cứ già đi" như đang diễn tả lại nỗi buồn , người mẹ nhẹ nhàng ra đi như một chiếc lá" vậy. Câu chuyện về tuổi thơ mà nhân vật người con trong bài nói đến là sự hiểu biết và trân trọng mẹ, người con đồng thời cũng nhận ra giá trị và nghị lực của một người mẹ.

Bằng cách nhìn lại quá trình lớn lên , điều này đã làm cho độc giả cảm nhận được tình cảm gia đình và ý nghĩa của việc quan tâm và tôn trọng người thân, đặc biệt là người mẹ-biểu tượng của tình mẫu tử không bao giờ phai nhạt trong lòng người.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Bài thơ “Mẹ” của Trần Khắc Tám cũng là bài thơ không chỉ ca ngợi tình mẹ dạt dào, bài thơ còn là tiếng lòng xót thương cho cuộc đời vất vả vì con của người mẹ.

Để nuôi nấng con mình lớn lên, người mẹ đã không ngần ngại buôn bán ngược xuôi giữa những ngày nắng gắt, những ngày mưa dầm, đi từ sáng cho tới chiều muộn. Bóng mẹ tần tảo như “chạy” giữa nơi đồng ruộng rộng lớn, chưa phút nào ngơi nghỉ. mà đứa con lại mới như “đứa trẻ thời nay lên sáu”, chưa thể phụ giúp mẹ được nhiều. Nỗi day dứt ấy cứ đau đáu lớn lên trong lòng người con, khắc sâu vào tuổi thơ ấy những nỗi dằn vặt không tên vì chưa thể phụ giúp mẹ.

Mẹ ngược xuôi vất vả để lo cho con có cuộc sống ấm no hơn mà chẳng một lời oán thán. Mẹ tất tả là thế, vất vả là thế, nhưng những gì tốt nhất mẹ vẫn để lại, để kiếm tiền nuôi các con. Mẹ chỉ ăn “trầu héo”, “cau non”, không dám ăn hết cả quả mà phải để dành ăn dần,... Những sự hy sinh tưởng là nhỏ nhoi nhưng lại lớn lao ấy đã nuôi sống một kiếp người, và cũng làm lưng mẹ một còng đi.

Như sự xoay vần của tạo hóa, “tre già măng mọc”, mẹ hy sinh đời mình để nuôi dưỡng đời con lớn lên, phát triển trong môi trường tốt nhất. Những đứa con dần khôn lớn cũng là lúc mẹ ngày một già đi. Những đứa con vô tư phát triển trong môi trường mà mẹ đã hy sinh rất nhiều để vun đắp. Rồi đến cuối cùng, khi những đứa con đã trưởng thành, mẹ lại “ra đi thanh thản” vào một chiều cuối đông. 

Xuyên suốt tác phẩm, tình cảm đứa con dành cho người mẹ cũng được thể hiện trong toàn bộ chiều dài bài thơ. Mới “ mười hai tuổi”, nhưng con đã “thấm buồn” khi lúc đó không giúp đỡ được mẹ, để mình mẹ tất tả ngược xuôi lo cho cả gia đình. Nhìn dáng lưng mẹ còng xuống theo thời gian, tác giả đã tự vấn chính bản thân mình, và cũng là câu hỏi của rất nhiều đứa con với mẹ của mình: “Đã khi nào mẹ thật sự sống hạnh phúc vì bản thân mình hay chưa?”. Sau này lớn lên, khi đã có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân, những đứa con của mẹ chỉ luôn mong mẹ sẽ sống hạnh phúc vì bản thân mình. 

Phép so sánh được sử dụng chủ yếu trong bài, so sánh “bóng mẹ như chạy giữa cánh đồng”, “con như mầm non vô tư lớn”, “mẹ như cây năm tháng cứ già đi”, tất cả gợi lên sự tất tả mưu sinh của mẹ, sự đánh đổi tuổi thanh xuân của mẹ dành cho con, và quy luật của thời gian bất biến “tre già măng mọc”. Ngoài ra, Trần Khắc Tám còn khéo léo đưa hình ảnh ẩn dụ “mẹ- trầu cau” vào trong cầu từ của mình. 

Bài thơ Mẹ là tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa về tình mẹ con, khắc họa thành công sự hy sinh tần tảo của mẹ dành cho những đứa con của mình. 

Bài tham khảo Mẫu 1

Bài thơ "Mẹ" của Trần Khắc Tám là một tác phẩm cảm động và sâu sắc, nó tập trung vào hình ảnh của mẹ và mối quan hệ giữa mẹ và con. Qua những vần thơ ấy, ta cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của người con dành cho mẹ mình, đồng thời cũng thấu hiểu những hy sinh thầm lặng của người mẹ. 

Mở đầu bài thơ, tác giả nhớ lại những buổi chiều ngóng đợi mẹ, bóng dáng mẹ "như chạy giữa cánh đồng" hiện lên rõ nét trong ký ức. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ hiện lên thật gần gũi và thân thương. Đó là một người mẹ tần tảo, sớm hôm ngược xuôi chợ búa để mưu sinh. Hình ảnh "bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng" đã khắc họa rõ nét sự vất vả của mẹ. Dù mệt nhọc, mẹ vẫn luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con.

 Những dòng thơ tiếp theo khắc họa rõ nét hơn sự tần tảo, nhọc nhằn của mẹ. "Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới, buôn bán quanh năm một gánh trầu," hình ảnh người mẹ gánh trầu đi buôn bán quanh năm, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Đặc biệt, câu thơ "Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo, quả cau con bổ sáu để dành" thể hiện rõ sự hy sinh thầm lặng của mẹ. Mẹ luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con, còn bản thân thì chấp nhận những gì ít ỏi, đơn giản nhất. 

Sự đối lập giữa hình ảnh "con như mầm non vô tư lớn" và "mẹ như cây năm tháng cứ già đi" đã nhấn mạnh sự phát triển của con cái và sự già đi, lụi tàn của mẹ. Con lớn lên trong sự chăm sóc, bảo bọc của mẹ, trong khi mẹ ngày càng già yếu, gánh nặng cuộc sống làm hao mòn sức khỏe và tuổi xuân của mẹ. Khi mẹ ra đi, người con mới nhận ra những giá trị của cuộc sống và tình yêu thương của mẹ.

Câu thơ "Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá/ Mẹ ra đi khi đông đã cuối mùa" đã gợi lên sự mất mát lớn lao, mẹ ra đi nhẹ nhàng, thanh thản như chiếc lá rụng, nhưng để lại nỗi đau và sự tiếc nuối vô cùng trong lòng người con. Hình ảnh này thể hiện sự mất mát không thể bù đắp, như chiếc lá cuối cùng rơi xuống khi mùa đông kết thúc, mang theo bao kỷ niệm và tình thương của mẹ. 

Câu hỏi "Con không hiểu thời mẹ là con gái, mẹ ơi, có sung sướng gì không" là lời tự vấn của tác giả, thể hiện nỗi niềm đau đáu về cuộc sống vất vả của mẹ khi còn trẻ. Hình ảnh "mẹ vẫn cười hồn hậu trước mắt con" là lời kết đầy xúc động, cho thấy dù mẹ đã ra đi, nụ cười, tình thương và hình ảnh của mẹ vẫn mãi sống trong lòng con. Qua những câu thơ này, ta thấy tình cảm yêu thương, sự tiếc nuối và lòng biết ơn sâu sắc của người con dành cho mẹ.

Bài thơ không chỉ là lời tri ân mà còn là một lời nhắc nhở về những hy sinh thầm lặng và cao cả của người mẹ trong cuộc sống.

Bài tham khảo Mẫu 2

Trong kho tàng văn học Việt Nam, chủ đề Mẹ luôn là chủ đề nóng và không bao giờ vắng bóng, bởi lẽ thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng ấy là tình cảm đều có ở mỗi con người. Bài thơ “Mẹ” của Trần Khắc Tám cũng là bài thơ như thế. Không chỉ ca ngợi tình mẹ dạt dào , bài thơ còn là tiếng lòng xót thương cho cuộc đời vất vả vì con của người mẹ.

Để nuôi nấng con mình lớn lên, người mẹ đã không ngần ngại buôn bán ngược xuôi giữa những ngày nắng gắt, những ngày mưa dầm, đi từ sáng cho tới chiều muộn:

“Nghĩ về tuổi thơ làm sao quên

Những buổi chiều ngóng đợi

Bóng mẹ đi như chạy giữa đồng

Năm ấy con mười hai tuổi

Bóng mẹ tần tảo như “chạy” giữa nơi đồng ruộng rộng lớn, chưa phút nào ngơi nghỉ. mà đứa con lại mới như “đứa trẻ thời nay lên sáu”, chưa thể phụ giúp mẹ được nhiều. Nỗi day dứt ấy cứ đau đáu lớn lên trong lòng người con, khắc sâu vào tuổi thơ ấy những nỗi dằn vặt không tên vì chưa thể phụ giúp mẹ.

Mẹ ngược xuôi vất vả để lo cho con có cuộc sống ấm no hơn mà chẳng một lời oán thán:

“Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới

Buôn bán quanh năm một gánh trầu 

Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo 

Quả cau con bổ sáu để dành”

Mẹ tất tả là thế, vất vả là thế, nhưng những gì tốt nhất mẹ vẫn để lại, để kiếm tiền nuôi các con. Mẹ chỉ ăn “trầu héo”, “cau non”, không dám ăn hết cả quả mà phải để dành ăn dần,... Những sự hy sinh tưởng là nhỏ nhoi nhưng lại lớn lao ấy đã nuôi sống một kiếp người, và cũng làm lưng mẹ một còng đi.

Như sự xoay vần của tạo hóa, “tre già măng mọc”, mẹ hy sinh đời mình để nuôi dưỡng đời con lớn lên, phát triển trong môi trường tốt nhất:

“Con như mầm non vô tư lớn 

Mẹ như cây năm tháng cứ già đi

Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá 

Mẹ ra đi khi đông đã cuối mùa”

Những đứa con dần khôn lớn cũng là lúc mẹ ngày một già đi. Những đứa con vô tư phát triển trong môi trường mà mẹ đã hy sinh rất nhiều để vun đắp. Rồi đến cuối cùng, khi những đứa con đã trưởng thành, mẹ lại “ra đi thanh thản” vào một chiều cuối đông. Chữ “ thanh thản” được tác giả sử dụng rất khéo léo trong câu thơ, để thể hiện sự hy sinh không bao giờ đòi lại sự đền đáp của người mẹ.

Ngoài tình cảm mẹ dành cho con mà chúng ta đã thấy rất rõ xuyên suốt tác phẩm, tình cảm đứa con dành cho người mẹ cũng được thể hiện trong toàn bộ chiều dài bài thơ. Mới “ mười hai tuổi”, nhưng con đã “thấm buồn” khi lúc đó không giúp đỡ được mẹ, để mình mẹ tất tả ngược xuôi lo cho cả gia đình. Nhìn dáng lưng mẹ còng xuống theo thời gian, tác giả đã tự vấn chính bản thân mình, và cũng là câu hỏi của rất nhiều đứa con với mẹ của mình: “Đã khi nào mẹ thật sự sống hạnh phúc vì bản thân mình hay chưa?”. Sau này lớn lên, khi đã có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân, những đứa con của mẹ chỉ luôn mong mẹ sẽ sống hạnh phúc vì bản thân mình. Sự hy sinh của mẹ để xây đắp cuộc đời con đã là sự hy sinh lớn nhất mà mỗi đứa con nhận được trong suốt quãng đời trưởng thành rồi. Trầu cau là loại cây gắn với truyền thống son sắt thủy chung của người dân Việt. Lấy hình ảnh quả cau, cây trầu để ẩn dụ mẹ, tác giả đã thầm khẳng định sự tôn trọng vô bờ của mình đối với người mẹ kính yêu, và hình ảnh ấy sẽ mãi khắc ghi trong lòng những đứa con được một tay mẹ nuôi nấng, vỗ về.

Nhắc đến sự thành công của một tác phẩm, không thể không nhắc tới đặc sắc nghệ thuật đã tạo nên tác phẩm đó. Phép so sánh được sử dụng chủ yếu trong bài, so sánh “bóng mẹ như chạy giữa cánh đồng”, “con như mầm non vô tư lớn”, “mẹ như cây năm tháng cứ già đi”, tất cả gợi lên sự tất tả mưu sinh của mẹ, sự đánh đổi tuổi thanh xuân của mẹ dành cho con, và quy luật của thời gian bất biến “tre già măng mọc”. Ngoài ra, Trần Khắc Tám còn khéo léo đưa hình ảnh ẩn dụ “mẹ- trầu cau” vào trong cầu từ của mình. Trầu cau là nét đẹp văn hóa của người Việt, ẩn dụ để cho thấy quanh mình đâu đâu cũng nhìn thấy hình ảnh người mẹ tần tảo, sắt son, và sẽ đi cùng con suốt quá trình trưởng thành, như nhắc nhớ tới sự đồng hành của mẹ trong suốt cuộc đời con người.

Bài thơ Mẹ là tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa về tình mẹ con, khắc họa thành công sự hy sinh tần tảo của mẹ dành cho những đứa con của mình. Những người con cũng luôn mang trong mình sự kính yêu vô hạn đối với đấng sinh thành, luôn dành tình yêu và trân trọng mọi khoảnh khắc ở bên họ.

Bài tham khảo Mẫu 3

Bài thơ Mẹ của Trần Khắc Tám là một khúc ca đầy xúc động về tình mẫu tử, về những hy sinh thầm lặng của người mẹ và những nỗi niềm day dứt của người con khi nhớ về mẹ. Với lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng giàu cảm xúc, tác giả đã khắc họa chân dung người mẹ tần tảo, suốt đời hy sinh vì con, đồng thời bộc lộ nỗi nhớ thương sâu sắc của đứa con khi mẹ đã khuất bóng.     

Ngay từ những câu thơ đầu tiên, tác giả đã mở ra không gian tuổi thơ đầy ký ức, nơi hình ảnh người mẹ in đậm trong tâm trí:

"Nghĩ về tuổi thơ làm sao quên

Những buổi chiều ngóng đợi

Bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng"

Kí ức về mẹ gắn liền với những buổi chiều con thơ mong ngóng, chờ đợi mẹ trở về sau một ngày vất vả. Hình ảnh "bóng mẹ đi như chạy giữa cánh đồng" không chỉ diễn tả sự tất bật của mẹ mà còn hàm chứa biết bao lo toan, gánh nặng mưu sinh. Dáng mẹ nhỏ bé nhưng lại gồng gánh cả gia đình, không có phút giây nghỉ ngơi.

Nỗi vất vả của mẹ được khắc họa rõ nét hơn qua những câu thơ tiếp theo:

"Mẹ xuôi ngược chợ trên rồi chợ dưới

Buôn bán quanh năm một gánh trầu"

Cả cuộc đời mẹ gắn liền với đôi quang gánh, xuôi ngược trên những con đường mưu sinh. Công việc buôn bán vất vả, lắm khi lời chẳng được bao nhiêu, nhưng mẹ vẫn tảo tần, nhịn phần ngon để dành cho con. Hình ảnh "Mẹ bán trầu mà ăn trầu héo" càng làm bật lên sự hy sinh cao cả của mẹ. Mẹ bán trầu để kiếm tiền nuôi con, nhưng lại chỉ dám nhai những miếng trầu héo, quả cau cũ – một hình ảnh dung dị nhưng chất chứa nỗi nghẹn ngào.

Bên cạnh hình ảnh người mẹ tần tảo, bài thơ cũng thể hiện sự hồn nhiên, vô tư của đứa con trong quá khứ:

"Con như mầm non vô tư lớn

Mẹ như cây năm tháng cứ già đi"

Hình ảnh so sánh này mang ý nghĩa sâu sắc. Con lớn lên từng ngày, tươi xanh như mầm non, nhưng mẹ thì ngày một già đi, hao mòn theo năm tháng. Dòng thời gian trôi đi lặng lẽ nhưng vô tình, đến khi con trưởng thành mới giật mình nhận ra mẹ đã không còn nữa:

"Rồi hôm ấy nhẹ nhàng như chiếc lá

Mẹ ra đi khi đông đã cuối mùa"

Câu thơ gợi lên sự ra đi thanh thản của mẹ, nhưng đằng sau đó là nỗi mất mát không gì bù đắp được. Mẹ lặng lẽ rời xa như chiếc lá vàng lìa cành khi mùa đông sắp qua, để lại khoảng trống mênh mông trong lòng người con.

Những dòng thơ cuối cùng chất chứa bao nỗi day dứt, băn khoăn:

"Con không hiểu thời mẹ là con gái

Mẹ ơi, có sung sướng gì không"

Câu hỏi như một tiếng thở dài đầy nuối tiếc. Khi còn nhỏ, con chưa từng nghĩ đến những hy sinh của mẹ, chưa từng tự hỏi liệu mẹ có từng có những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc hay không. Giờ đây, khi mẹ đã đi xa, con mới nhận ra bao điều chưa kịp hỏi, bao điều chưa kịp hiểu.

"Giờ hễ gặp trầu cau là ngỡ thấy/Mẹ vẫn cười hồn hậu trước mắt con..." khép lại bài thơ trong sự bùi ngùi, xúc động. Trầu cau không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là một phần cuộc đời mẹ. Mỗi lần nhìn thấy trầu cau, con lại thấy bóng dáng mẹ, thấy nụ cười hiền hậu của mẹ trong ký ức. Điều đó cho thấy, dù mẹ đã khuất, nhưng tình yêu thương và hình ảnh của mẹ vẫn sống mãi trong lòng con.

Bài thơ Mẹ của Trần Khắc Tám tuy ngắn gọn, không hoa mỹ, cầu kỳ nhưng lại lay động trái tim người đọc bởi sự chân thành, sâu lắng. Từng câu thơ như những thước phim quay chậm, tái hiện lại cuộc đời người mẹ tần tảo, hy sinh cả đời vì con. Qua đó, tác giả không chỉ bày tỏ lòng biết ơn, thương nhớ mẹ mà còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa: Hãy trân trọng những giây phút còn có mẹ bên cạnh, đừng để đến khi mất đi rồi mới tiếc nuối khôn nguôi.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí