Tổng hợp 50 đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một ba..

Phân tích bài thơ “Buổi gặt chiều” của nhà thơ Anh Thơ lớp 9


Bài thơ "Buổi gặt chiều" của Anh Thơ là một bức tranh làng quê yên bình và nên thơ vào mùa gặt. Qua những nét tả chân thực và tinh tế, bài thơ đã tái hiện sinh động khung cảnh miền quê Việt Nam khi chiều buông xuống, mang đến cảm giác ấm áp và thanh bình của một vùng quê đang vào vụ thu hoạch.

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 9 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - KHTN - Lịch sử và Địa lí

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả Anh Thơ (vị trí văn học, phong cách sáng tác,…)

- Giới thiệu tác phẩm “Buổi gặt chiều” (hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, khái quát chung về giá trị nội dung và nghệ thuật,…)

II. Thân bài: 

* Khổ thơ thứ nhất: Bức tranh thiên nhiên làng quê yên bình, hài hòa giữa màu sắc và âm thanh, tràn đầy sức sống. 

- “Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ/ Cò từng đàn bay trắng cánh đồng xa”: màu đỏ của đám mây thì màu trắng của đàn cò càng tô điểm nét thơ mộng cho bức tranh…

- Tiếng sáo diều,  giọng hát:  m thanh gần gũi, bình dị của làng quê Việt Nam.

=> Sự hài hoà giữa màu sắc, âm thanh của bức tranh, thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm của tác giả.

* Khổ thơ thứ 2: Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

- “Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín/ Những trai tơ từng bọn gặt vui cười”: Không khí lao động hăng say, báo hiệu một mùa màng bội thu.

- Những ông cụ già ngồi đầu bờ cũng ung dung, thong thả hút thuốc → Sự yên bình, nên thơ của bức tranh quê…

* Khổ 3: Miền quê thanh bình với đàn trâu bò thung thăng gặm cỏ. 

- Hình ảnh những đứa trẻ thả diều: “chỏm đầu phơ phất gió” vừa gợi sự yêu mến của tác giả đối với đám trẻ thả diều, vừa gợi sự tinh nghịch, dễ thương của chúng.

- Đàn trâu, bò ung dung nằm bên vệ cỏ trong ngọn gió mát hiu hiu → càng gợi sự thanh bình, yên ả của bức tranh quê.

* Nghệ thuật: Hình ảnh thơ bình dị, quen thuộc, gần gũi với đồng quê Việt Nam, sử dụng nhiều tính từ chỉ màu sắc làm tăng giá trị biểu cảm của bài thơ, giọng thơ tha thiết, nhẹ nhàng thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó của tác giả với quê hương, các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, liệt kê,…

III. Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Bài thơ "Buổi gặt chiều" của Anh Thơ là một bức tranh làng quê yên bình và nên thơ vào mùa gặt. Qua những nét tả chân thực và tinh tế, bài thơ đã tái hiện sinh động khung cảnh miền quê Việt Nam khi chiều buông xuống, mang đến cảm giác ấm áp và thanh bình của một vùng quê đang vào vụ thu hoạch.

Ngay từ những câu thơ đầu, tác giả đã khéo léo mô tả khung cảnh thiên nhiên trong buổi chiều tà với màu sắc đặc trưng của hoàng hôn trên cánh đồng lúa:

“Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,

Cò từng đàn bay trắng cánh đồng xa.”

Mặt trời dần khuất sau rặng núi, bầu trời đỏ rực ánh chiều, và trên nền trời ấy, từng đàn cò trắng bay lượn, điểm xuyết trên nền cánh đồng xa. Những hình ảnh ấy đã gợi lên khung cảnh làng quê quen thuộc, yên ả và đẹp đẽ của những buổi chiều cuối ngày, lúc người dân chuẩn bị hoàn tất công việc đồng áng.

Tiếp theo là những âm thanh sống động hòa lẫn trong gió chiều:

“Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió,

Hòa nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.”

Tiếng diều sáo và tiếng hát của người lao động vang vọng trên cánh đồng, tạo nên một bản nhạc bình dị mà hài hòa. Âm thanh ấy không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp lao động mà còn thể hiện niềm vui và sự hứng khởi của người dân khi tham gia vào công việc mùa vụ. Chính những điều này làm cho bức tranh lao động thêm phần sống động, và không khí của buổi gặt trở nên nhẹ nhàng, thư thái.

Bài thơ còn cho thấy những con người lao động trên cánh đồng vào vụ gặt:

“Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín,

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.”

Những bông lúa vàng ươm, nặng trĩu, báo hiệu mùa màng bội thu. Giữa đồng lúa chín, những chàng trai trẻ hăng hái gặt lúa trong không khí vui vẻ, rộn ràng. Niềm vui ấy không chỉ là niềm vui thu hoạch mà còn là niềm hạnh phúc vì công sức lao động đã được đền đáp xứng đáng. Hình ảnh ông già ngồi đầu bờ, che nón kín, hút thuốc nhàn nhã cũng thể hiện sự an nhiên, thư thái của người nông dân khi ngắm nhìn thành quả lao động của mình.

Cuối bài thơ, tác giả khắc họa hình ảnh lũ trẻ con với vẻ tinh nghịch và hồn nhiên:

“Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,

Lũ cu con mê mải chạy theo diều.”

Lũ trẻ thơ hồn nhiên đùa nghịch, chạy theo cánh diều trên đê trắng, để mặc trâu bò thong dong nghỉ ngơi sau một ngày gặm cỏ. Hình ảnh ấy gợi lên sự bình yên và vô tư của những đứa trẻ nơi thôn quê, làm cho bức tranh làng quê càng thêm phần tươi sáng và gần gũi.

Qua bài thơ "Buổi gặt chiều", Anh Thơ không chỉ mô tả vẻ đẹp thiên nhiên và con người lao động trên cánh đồng mà còn truyền tải một tình yêu sâu sắc dành cho làng quê. Bài thơ là một khúc ca ca ngợi vẻ đẹp giản dị của đời sống đồng quê Việt Nam, nơi tình yêu lao động, niềm vui và sự hồn nhiên đan xen, tạo nên một không gian ấm áp, thanh bình mà bất kỳ ai cũng thấy thân thuộc.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Bài thơ "Buổi gặt chiều" của Anh Thơ là một bức tranh làng quê yên bình và nên thơ vào mùa gặt. Qua những nét tả chân thực và tinh tế, bài thơ đã tái hiện sinh động khung cảnh miền quê Việt Nam khi chiều buông xuống, mang đến cảm giác ấm áp và thanh bình của một vùng quê đang vào vụ thu hoạch.

Ngay từ những câu thơ đầu, tác giả đã khéo léo mô tả khung cảnh thiên nhiên trong buổi chiều tà với màu sắc đặc trưng của hoàng hôn trên cánh đồng lúa:

“Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,

Cò từng đàn bay trắng cánh đồng xa.”

Mặt trời dần khuất sau rặng núi, bầu trời đỏ rực ánh chiều, và trên nền trời ấy, từng đàn cò trắng bay lượn, điểm xuyết trên nền cánh đồng xa. Những hình ảnh ấy đã gợi lên khung cảnh làng quê quen thuộc, yên ả và đẹp đẽ của những buổi chiều cuối ngày, lúc người dân chuẩn bị hoàn tất công việc đồng áng.

Tiếp theo là những âm thanh sống động hòa lẫn trong gió chiều:

“Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió,

Hòa nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.”

Tiếng diều sáo và tiếng hát của người lao động vang vọng trên cánh đồng, tạo nên một bản nhạc bình dị mà hài hòa. Âm thanh ấy không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp lao động mà còn thể hiện niềm vui và sự hứng khởi của người dân khi tham gia vào công việc mùa vụ. Chính những điều này làm cho bức tranh lao động thêm phần sống động, và không khí của buổi gặt trở nên nhẹ nhàng, thư thái.

Bài thơ còn cho thấy những con người lao động trên cánh đồng vào vụ gặt:

“Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín,

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.”

Những bông lúa vàng ươm, nặng trĩu, báo hiệu mùa màng bội thu. Giữa đồng lúa chín, những chàng trai trẻ hăng hái gặt lúa trong không khí vui vẻ, rộn ràng. Niềm vui ấy không chỉ là niềm vui thu hoạch mà còn là niềm hạnh phúc vì công sức lao động đã được đền đáp xứng đáng. Hình ảnh ông già ngồi đầu bờ, che nón kín, hút thuốc nhàn nhã cũng thể hiện sự an nhiên, thư thái của người nông dân khi ngắm nhìn thành quả lao động của mình.

Cuối bài thơ, tác giả khắc họa hình ảnh lũ trẻ con với vẻ tinh nghịch và hồn nhiên:

“Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,

Lũ cu con mê mải chạy theo diều.”

Lũ trẻ thơ hồn nhiên đùa nghịch, chạy theo cánh diều trên đê trắng, để mặc trâu bò thong dong nghỉ ngơi sau một ngày gặm cỏ. Hình ảnh ấy gợi lên sự bình yên và vô tư của những đứa trẻ nơi thôn quê, làm cho bức tranh làng quê càng thêm phần tươi sáng và gần gũi.

Qua bài thơ "Buổi gặt chiều", Anh Thơ không chỉ mô tả vẻ đẹp thiên nhiên và con người lao động trên cánh đồng mà còn truyền tải một tình yêu sâu sắc dành cho làng quê. Bài thơ là một khúc ca ca ngợi vẻ đẹp giản dị của đời sống đồng quê Việt Nam, nơi tình yêu lao động, niềm vui và sự hồn nhiên đan xen, tạo nên một không gian ấm áp, thanh bình mà bất kỳ ai cũng thấy thân thuộc.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Anh Thơ là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, với phong cách thơ trữ tình, đậm chất nữ tính và gắn bó sâu sắc với hình ảnh nông thôn Bắc Bộ. Bài thơ “Buổi gặt chiều” là một trong những tác phẩm đặc sắc của bà, thể hiện một bức tranh quê thanh bình, tươi đẹp, đậm chất thơ và đầy sức sống trong khung cảnh lao động lúc chiều tà.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời đang lặn sau lũy tre làng:

Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,

Cò từng đàn bay trắng cánh đồng xa.

Câu thơ gợi nên một bức tranh đồng quê nhuốm ánh chiều tà, với màu sắc rực rỡ của "ráng đỏ" trên nền mây, và những đàn cò trắng bay lượn như thêu dệt nên vẻ đẹp yên ả, nên thơ. Không gian không tĩnh lặng mà chan chứa âm thanh:

Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió,

Hoà nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.

Âm thanh trong thơ không chỉ là tiếng sáo diều véo von, mà còn là tiếng gió và tiếng hát của người thiếu nữ hái dâu – tất cả hoà quyện tạo nên một bản giao hưởng đồng quê nhẹ nhàng, trong trẻo và đầy chất thơ.

Không gian thiên nhiên ấy tiếp tục được làm nổi bật hơn với hình ảnh con người trong lao động:

Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín,

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.

Cánh đồng lúa chín vàng như báo hiệu mùa gặt bội thu. Giữa khung cảnh ấy là những chàng trai trẻ say mê lao động trong niềm vui rộn ràng. Tác giả không chỉ khắc họa hình ảnh mà còn truyền tải không khí náo nhiệt, vui tươi của một buổi chiều gặt.

Ở một góc khác của bức tranh, hình ảnh con người trở nên tĩnh lặng hơn:

Cùng trong lúc ông già che nón kín,

Ngồi đầu bờ hút thuốc thổi từng hơi.

Hình ảnh người ông già ngồi trầm mặc đầu bờ, thong thả hút thuốc là sự đối lập với sự sôi nổi của lớp trai trẻ, làm tăng chiều sâu và sự cân đối cho bức tranh. Đó cũng là biểu tượng của sự từng trải, của thế hệ đi trước, lặng lẽ quan sát nhịp sống trôi.

Khổ thơ cuối cùng mở ra không gian thanh bình, hồn nhiên của tuổi thơ:

Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,

Lũ cu con mê mải chạy theo diều.

Bỏ mặc cả trâu bò nằm vệ cỏ,

Mắt mơ màng trong gợn gió hiu hiu.

Trẻ em chạy theo diều trên con đê trắng, để mặc trâu bò nằm nghỉ trên bãi cỏ. Câu thơ như một thước phim quay chậm, khắc họa khung cảnh êm đềm, hồn nhiên. Từ “mắt mơ màng” và “gợn gió hiu hiu” làm cho bức tranh mang sắc thái nhẹ nhàng, thảnh thơi, gợi cảm giác yên bình, tĩnh lặng của làng quê trong ánh chiều.

Toàn bài thơ là một bức tranh đồng quê buổi gặt đầy sức sống, được tạo nên bằng sự phối hợp hài hòa giữa hình ảnh, âm thanh và cảm xúc. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị nhưng giàu nhạc tính và hình ảnh. Dưới ngòi bút của Anh Thơ, vẻ đẹp của lao động và thiên nhiên hòa quyện, hiện lên chân thực mà đầy chất trữ tình.

 “Buổi gặt chiều” không chỉ là một bức tranh đẹp về quê hương, mà còn thể hiện tình cảm gắn bó tha thiết của nhà thơ với đời sống nông thôn. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp thanh bình, yên ả của làng quê Việt Nam xưa – một thế giới mộc mạc nhưng đầy chất thơ và tình người.

Bài tham khảo Mẫu 1

Puskin từng viết: " Linh hồn là ấn tượng của tác phẩm. Cây cỏ sống được nhờ ánh sáng. Chim muông sống được nhờ tiếng ca, tác phẩm sống được nhờ tiếng lòng của người càm bút'. Phải chăng Anh Thơ đã để tiếng lòng mình cất lên trên trang viết qua bài thơ " Buổi gặt chiều" mở ra một bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt lao động ở làng quê Việt Nam vào một buổi chiều mùa hè.

Ngụp lặn trong vi mạch cảm xúc, ngay từ những câu đầu tiên, Anh Thơ đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thanh bình và thơ mộng:

Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,

Cò từng đàn bay trắng phía đồng xa,

Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió,

Hòa nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.

Cảnh vật buổi chiều được miêu tả rất sống động và gợi cảm. Mặt trời đã lặn nhưng vẫn còn lại những vệt sáng đỏ rực trên nền mây, tạo ra một không gian ấm áp, nhẹ nhàng. Cảnh tượng đàn cò bay giữa không gian bao la của đồng ruộng không chỉ là hình ảnh đặc trưng của làng quê mà còn thể hiện sự tự do, phóng khoáng của thiên nhiên. "Cò từng đàn bay trắng" không chỉ mang đến sự nhẹ nhàng mà còn gợi lên cảm giác rộng lớn của cánh đồng quê hương. Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió lại thêm vào bức tranh một không khí thanh thản, yên bình. Cảnh vật dường như hòa quyện với âm thanh của thiên nhiên và hoạt động của con người, tạo nên một không gian sống động, vui tươi.

Hình ảnh "giọng ả hái dâu ca" mang lại một sắc thái âm nhạc cho bức tranh này. Giọng hát của cô gái thôn quê vừa đơn giản, vừa gợi lên niềm vui và sự sống động trong công việc lao động. Cảnh thiên nhiên và con người hòa quyện trong một không gian âm thanh và hình ảnh tuyệt đẹp, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên ở quê hương.

Khung cảnh lao động trong bài thơ cũng được khắc họa rất sinh động và đậm đà tình người. Nhà thơ đã sử dụng các hình ảnh và động tác đơn giản nhưng lại phản ánh được tâm hồn và sức sống của con người:

Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín,

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười,

Cùng trong lúc ông già che nón kín,

Ngồi đầu bờ hút thuốc thở từng hơi.

Hình ảnh "đồng lúa tươi vàng bông rủ chín" gợi lên mùa gặt bội thu, một mùa vàng đầy hy vọng và thành quả lao động. Những chàng trai trẻ "gặt vui cười" trong không khí rộn ràng, đầy sức sống, dù công việc lao động có vất vả nhưng họ vẫn vui tươi, phấn chấn. Đồng thời, hình ảnh "ông già che nón kín" ngồi hút thuốc trên bờ bãi phản ánh một sự thư giãn, bình yên sau một ngày làm việc vất vả. "Thở từng hơi" và vòng khói thuốc bay lên trong không gian chiều gợi lên cảm giác thanh thản, tự tại, là biểu tượng của một cuộc sống giản dị nhưng tràn đầy sự yêu đời, yêu cuộc sống.

Những chi tiết này không chỉ khắc họa chân thực đời sống lao động mà còn thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa công việc và thư giãn. Dù vất vả nhưng con người vẫn giữ được niềm vui và sự yêu đời, phản ánh một tư tưởng tích cực, lạc quan trong cuộc sống.

Khung cảnh của những đứa trẻ là một phần không thể thiếu trong bức tranh chiều quê của Anh Thơ. Lũ trẻ "mê mải chạy theo diều" là hình ảnh rất đặc trưng của tuổi thơ, gắn liền với những trò chơi dân gian, sự vô tư và trong sáng. Bức tranh này không chỉ làm tăng thêm sự sinh động cho khung cảnh mà còn thể hiện một sự đối lập giữa tuổi thơ vô lo, vô nghĩ và công việc lao động vất vả của người lớn:

Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,

Lũ cu con mê mải chạy theo diều,

Bỏ mặc cả trâu, bò nằm vệ cỏ,

Mắt mơ màng trông gió gợn hiu hiu.

Hình ảnh những đứa trẻ chạy theo diều trên con đê trắng, mắt "mơ màng" trong gió chiều mang đậm vẻ thơ ngây, hồn nhiên. Chúng vô tư đến mức bỏ mặc trâu bò đang nằm nghỉ bên vệ cỏ. Cái "mơ màng" trong ánh mắt trẻ thơ, kết hợp với gió hiu hiu của buổi chiều, tạo nên một hình ảnh vô cùng thơ mộng và dịu dàng. Đoạn thơ này vừa thể hiện sự trong sáng của tuổi trẻ, vừa khắc họa được cái nhìn đầy yêu thương và trân trọng của nhà thơ đối với những niềm vui giản dị và hồn nhiên trong cuộc sống.

Từ những hình ảnh thiên nhiên, con người lao động, đến sự vô tư của trẻ thơ, bài thơ Buổi gặt chiều thể hiện tình yêu sâu sắc của nhà thơ đối với quê hương, đất nước. Anh Thơ không chỉ miêu tả bức tranh thiên nhiên và lao động một cách sinh động mà còn khéo léo gửi gắm những suy tư về cuộc sống, về tình yêu quê hương. Mặc dù cuộc sống ở nông thôn có thể còn nhiều khó khăn, nhưng qua lăng kính của Anh Thơ, nó trở thành một không gian tràn đầy yêu thương, bình yên và tươi đẹp.

Bài tham khảo Mẫu 2

Anh Thơ là một trong những thi sĩ tiêu biểu của phong trào thơ Mới. Bà quan niệm rằng: “Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều. Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ tâm hồn con người. Người làm thơ cũng đừng cầu kỳ câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận”. Điều này được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của bà. Thơ Anh Thơ thiên về tả cảnh bình dị quen thuộc: bờ tre, con đò, bến sống, với những nét vẽ chân thực, tinh tế thấm đượm một chút tình quê đằm thắm pha chút bâng khuâng buồn của thơ mới. Bài thơ “Buổi gặt chiều” là một trong những bài thơ tiêu biểu miêu tả bức tranh quê yên bình, gần gũi, thơ mộng. 

Trong những khoảng thời gian trong ngày, có thể nói hoàng hôn lúc mặt trời lặn là thời điểm khiến con người có nhiều suy tư, cảm xúc nhất. Có lẽ vì thế mà Anh Thơ đã chọn lúc “mặt trời lặn” để miêu tả cánh đồng làng quê yên bình. Màu tia nắng cuối ngày ngả đỏ xen kẽ qua những đám mây khiến những đám mây ấy như được nhuộm màu, cũng trở nên “tươi ráng đỏ”: 

Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,

Cò từng đàn bay trắng cánh đồng xa.

Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió,

Hoà nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.

Trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông, ta cũng từng bắt gặp hình ảnh của đàn cò trắng, tiếng sáo cùng những đứa trẻ chăn trâu đang trở về nhà: 

Mục đồng địch lý ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền

(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết 

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng)

Anh Thơ đã kế thừa và sáng tạo những hình ảnh ấy để làm bài thơ của bà vừa mang sắc thái cổ kính, vừa mang dấu ấn cá nhân, mới mẻ. Trong thời gian cuối ngày, bên cạnh màu đỏ của đám mây thì màu trắng của đàn cò càng tô điểm nét thơ mộng cho bức tranh. Từng đàn bay trắng khắp cánh đồng xa tạo cảm giác không gian không chỉ có chiều cao mà còn trải rộng cả chiều xa, không giới hạn. Không những thế, bức tranh ấy còn có cả âm thanh tiếng sáo vi vu trong gió hòa cùng giọng hát dâu ca, khiến người đọc như tận mắt chứng kiến, tai nghe những gì được miêu tả trong bài thơ. Phải là một người có tâm hồn tinh tế và yêu quê hương sâu sắc thì Anh Thơ mới sử dụng không chỉ thị giác mà còn cả thính giác để cảm nhận. Khung cảnh làng quê trong thơ bà không chỉ dừng lại ở màu sắc cổ xưa, trang trọng mà đã trở nên bình dị, thân thuộc, gần với cuộc sống lao động của nhân dân. 

Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín,

Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.

Cùng trong lúc ông già che nón kín,

Ngồi đầu bờ hút thuốc thổi từng hơi.

Không còn dừng lại ở cảnh vật, ở khổ thơ thứ hai đã có sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên, khiến cho bức tranh làng quê càng trở nên ấm áp, tràn đầy sức sống. Trong những cánh đồng lúa chín vàng, rủ xuống trĩu hạt, những chàng trai trẻ đang vui cười, rộn ràng gặt lúa. Không khí lao động thật vui tươi, hăng hái! Dường như sự mệt mỏi trong công việc đã bị xua tan trong niềm hân hoan, phấn khởi khi thu hoạch một mùa màng bội thu, năng suất. Những ông cụ già ngồi đầu bờ cũng ung dung, thong thả hút thuốc. Miền quê hiện lên thật yên bình, nên thơ, tạo cảm giác gần gũi, dễ chịu đến lạ kỳ. 

Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,

Lũ cu con mê mải chạy theo diều.

Bỏ mặc cả trâu bò nằm vệ cỏ,

Mắt mơ màng trong gợn gió hiu hiu.

Không gian càng trở nên rộng lớn, đa chiều hơn khi tác giả di chuyển điểm nhìn lên bờ đê, nơi có những đàn trâu bò thung thăng gặm cỏ. Dưới ánh nắng, bờ đê như ánh màu trắng bạc, tô điểm thêm cho bức tranh đồng quê thêm màu sắc tươi đẹp. Cụm từ “chỏm đầu phơ phất gió” vừa gợi sự yêu mến của tác giả đối với đám trẻ thả diều, vừa gợi sự tinh nghịch, dễ thương của những đứa trẻ ấy. Chúng mải mê nô đùa đến mức bỏ quên cả đàn trâu mà mình chăn thả. Bên cạnh đó, đàn trâu, bò ung dung nằm bên vệ cỏ trong ngọn gió mát hiu hiu càng gợi sự thanh bình, yên ả của bức tranh quê. Hình ảnh những cánh diều trên bờ đê cùng đàn trâu không còn xa lạ gì với đồng quê Việt Nam, nó đã trở thành biểu tượng quen thuộc, đi sâu vào tâm thức của mỗi người con Việt. Thi sĩ đã đưa vào thơ mình những hình ảnh mang linh hồn quê hương, khiến bài thơ trở nên giản dị, gần gũi với mọi đọc giả. 

Như vậy bằng hình ảnh thơ bình dị, quen thuộc, sử dụng nhiều tính từ chỉ màu sắc làm tăng giá trị biểu cảm của bài thơ, giọng thơ tha thiết, nhẹ nhàng thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó của tác giả với quê hương, các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, liệt kê,…, bài thơ đã khắc họa bức tranh làng quê đầy màu sắc và sức sống. Qua đó tác giả cũng thể hiện tình yêu quê hương và những điều gần gũi, quen thuộc với nông thôn Việt Nam.

Bài tham khảo Mẫu 3

Anh Thơ (1921–2005) là một trong những nữ thi sĩ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trái ngược với những nhà thơ Thơ mới cùng thời thường mải mê với nỗi cô đơn, lạc lõng cá nhân, thơ Anh Thơ đi vào đời sống làng quê, mô tả phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống lao động mộc mạc, bình dị của người nông dân Việt Nam. Bài thơ “Buổi gặt chiều” là một bức tranh quê ấm áp, trong trẻo, được vẽ nên bằng ánh sáng hoàng hôn, âm thanh của đời sống, và hình ảnh con người trong lao động và sinh hoạt đời thường.

Câu thơ mở đầu đã gợi ra một không gian đặc trưng của làng quê vào buổi chiều: ánh nắng nhạt dần, để lại “ráng đỏ” loang trên nền trời, tạo nên một khung cảnh lung linh mà không kém phần ấm áp. Trong bức tranh ấy, từng đàn cò trắng chao liệng bay về tổ, nổi bật giữa cánh đồng xa thăm thẳm – một hình ảnh gần gũi, gợi nhắc đến sự yên bình và lặp lại quen thuộc của nhịp sống nông thôn.

Không chỉ có hình ảnh, nhà thơ còn sử dụng âm thanh để làm cho không gian chiều quê trở nên sinh động. Tiếng sáo diều “véo von” vang lên trong gió như tiếng gọi của tuổi thơ, hoà cùng tiếng hát của cô gái hái dâu – một âm thanh mộc mạc mà gợi cảm, biểu trưng cho niềm vui trong lao động. Hai câu thơ này cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa con người và thiên nhiên, tạo nên một bản hòa ca ngọt ngào của đồng quê Việt.

Ở khổ thơ thứ hai, tác giả chuyển từ khung cảnh thiên nhiên sang khắc họa con người trong lao động. Hình ảnh “đồng lúa tươi vàng bông rủ chín” gợi lên một mùa gặt no đủ, trù phú, phản ánh sự nhọc nhằn đã đến hồi thu hoạch. Trong khung cảnh ấy, những “trai tơ” – tức những chàng trai trẻ – đang hăng say gặt lúa, trong tiếng cười vui rộn rã. Qua hình ảnh này, ta thấy được sự sung sức, khỏe khoắn và niềm vui của người nông dân khi mùa màng được thu hoạch.

Bên cạnh đó là hình ảnh đối lập nhưng lại rất hài hòa: ông già ngồi đầu bờ, “che nón kín”, “hút thuốc thổi từng hơi”. Hành động chậm rãi, thư thả ấy cho thấy ông đã lui về hậu trường, không trực tiếp lao động nhưng vẫn hiện diện trong không gian lao động như một chứng nhân điềm tĩnh, từng trải. Hình ảnh này thể hiện sự kế thừa giữa các thế hệ – lớp trẻ lao động, lớp già nghỉ ngơi – trong sự hòa thuận, gắn bó.

Khổ thơ cuối là điểm nhấn đầy thi vị, mở ra một khung cảnh tuổi thơ hồn nhiên giữa buổi chiều quê. “Lũ cu con” – hình ảnh thân thương, đáng yêu – đang chạy theo diều trên con đê trắng. Bức tranh gợi một không gian mở rộng, thoáng đãng, ánh sáng chiều nhẹ nhàng chiếu lên tóc, lên gió, lên sự ngây thơ và tự do của tuổi nhỏ. Những đứa trẻ bỏ mặc trâu bò gặm cỏ, thả hồn theo cánh diều và gió chiều nhè nhẹ.

Câu cuối “mắt mơ màng trong gợn gió hiu hiu” như một dấu lặng dịu dàng kết thúc bản hòa ca buổi gặt chiều. Không gian lúc này không còn ồn ào nữa mà dần lắng đọng lại, mang màu sắc thư thái, êm ả, đánh thức những cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

Về mặt nghệ thuật, bài thơ sử dụng lối thơ tứ tuyệt cách tân (4 chữ/câu) nhưng linh hoạt, tự nhiên. Ngôn ngữ bình dị, giàu nhạc tính, hình ảnh thơ sinh động, gợi cảm. Anh Thơ đã sử dụng thành công các biện pháp tu từ như ẩn dụ, nhân hoá và đối lập tương phản (trẻ – già, động – tĩnh) để làm nổi bật vẻ đẹp của bức tranh làng quê.

Hơn thế, bài thơ thể hiện cảm hứng nhân văn sâu sắc: ca ngợi vẻ đẹp của lao động, của thiên nhiên, của tuổi thơ, và của cuộc sống thanh bình nơi thôn dã. Trong thời kỳ đất nước còn nhiều biến động, việc lựa chọn viết về làng quê, về sự sống giản dị và hạnh phúc của người nông dân là một cách thể hiện tình yêu quê hương sâu nặng và niềm tin vào những giá trị truyền thống.

 “Buổi gặt chiều” không chỉ là một bức tranh tươi đẹp về cảnh vật và con người nông thôn, mà còn là một bài ca về cuộc sống lao động yên bình, về tình người, tình quê tha thiết. Với tình cảm chân thành và nghệ thuật miêu tả tinh tế, Anh Thơ đã đem đến cho người đọc một cái nhìn trong trẻo, đầy yêu thương về quê hương Việt Nam.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí