Trình bày ý kiến về vấn đề chơi game lớp 6>
1. Dàn ý chi tiết 1. Mở bài: - Dẫn dắt và nêu vấn đề: hiện tượng học sinh chơi game. - Đưa ra ý kiến của bản thân về vấn đề cần nghị luận: Việc học sinh chơi game mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 6 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
- Dẫn dắt và nêu vấn đề: hiện tượng học sinh chơi game.
- Đưa ra ý kiến của bản thân về vấn đề cần nghị luận: Việc học sinh chơi game mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
2. Thân bài:
* Đưa ra những lí lẽ để chứng minh cho quan điểm của bản thân:
- Chơi game quá nhiều khiến học sinh bị xao nhãng khỏi việc học tập:
+ Không có thời gian để học bài, làm bài.
+ Tốn công sức, gây ra sự mệt mỏi khi đến lớp.
+ Gây ra sự tốn kém về tiền của.
- Các tựa game bạo lực khiến học sinh bị ảnh hưởng, gây nên những biến đổi, méo mó về tâm lí và hành động:
+ Thu mình lại, không có sự giao lưu với bạn bè ngoài đời thực.
+ Xa rời, mất kết nối với gia đình.
+ Bắt chước các hành động bạo lực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
* Đề xuất giải pháp:
- Có sự giáo dục, dẫn dắt, quan tâm của gia đình và nhà trường ngay từ sớm.
- Bạn bè đồng trang lứa cần quan tâm, định hướng lẫn nhau theo con đường vui chơi lành mạnh.
- Phát triển những thú vui khác: hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao,...
3. Kết bài:
- Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận.
- Liên hệ mở rộng.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Việc chơi game từ lâu đã là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Nó là hình thức giải trí rất phổ biến, đặc biệt đối với giới trẻ. Tuy vậy, bản thân tôi nhận thấy hiện tượng chơi game của học sinh lại mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Trước hết, do chưa có nhiều trải nghiệm nên những bạn trẻ còn đang tuổi cắp sách đến trường rất dễ bị cuốn hút bởi các trò chơi điện tử, gây xao nhãng việc học tập. Khi quá tập trung vào trò chơi, con người sẽ quên mất thời gian. Quỹ thời gian trong ngày bị giảm sút, học sinh không thể hoàn thành bài tập về nhà, chuẩn bị bài mới, dần sinh ra thói lười nhác và phụ thuộc. Để có thể qua mắt giáo viên, nhiều người đã mượn bài vở của bạn rồi chép. Từ đây, kết quả học tập ngày càng giảm sút, điểm số đi xuống một cách rõ ràng. Có những người bỏ ăn, bỏ ngủ để chơi game. Thành ra, khi lên lớp, họ lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi, thiếu sức sống, ngủ gật trong giờ. Tất cả đều khiến cho thành tích tụt dốc nặng nề, tạo ra lỗ hổng khó bù đắp về kiến thức.
Không chỉ vậy, chơi game còn ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, hành động của học sinh. Các tựa game ngày một đa dạng hơn với đủ thể loại: hành động, phiêu lưu, kinh dị,... Điều này phần nào giúp người chơi có nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng đối với học sinh, những trò chơi bạo lực có thể dẫn đến việc suy nghĩ theo chiều hướng lệch lạc. Một số cá nhân đã có cách cư xử thô lỗ, thiếu văn minh khi học theo các hành động tiêu cực từ thế giới ảo. Ngoài ra, chơi game quá nhiều cũng khiến cho con người dần thu mình lại, tách biệt khỏi gia đình, bạn bè xung quanh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng giao tiếp, hòa nhập với mọi người.
Vậy ta phải làm gì để loại bỏ sự tiêu cực này? Mỗi người đều cần tự trau dồi và rèn luyện cả về tri thức và đạo đức. Bản thân mình phát triển, hoàn thiện thì mới có thể trở thành người có giá trị. Gia đình, bạn bè và thầy cô cũng là những nhân tố quan trọng để chia sẻ, định hướng cho ta từ sớm, giúp ta đưa ra hướng đi phù hợp. Thay vì đắm chìm trong thế giới ảo, hãy tìm cho mình thú vui mới bên ngoài như chơi thể thao, tham gia các hội nhóm,... để nâng cấp bản thân từng ngày.
Tóm lại, muốn trưởng thành, con người cần dựa vào chính mình và nỗ lực hơn nữa. Hãy từ bỏ những thú vui tiêu khiển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, bạn nhé. Mong rằng, mỗi người sẽ có suy nghĩ và hành động đúng đắn về vấn đề chơi game.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Ngày nay, chúng ta đã không còn quá xa lạ với những trò chơi điện tử. Đây được coi như phương tiện để con người giải trí sau nhiều giờ học tập và làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, đối với học sinh, việc chơi game vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Theo ý kiến của bản thân, tôi cho rằng hiện tượng này sẽ đem tới nhiều tác hại hơn là lợi ích.
Đầu tiên, nếu quá đắm chìm vào các trò chơi điện tử, học sinh sẽ bị xao nhãng khỏi công việc chính của mình - học tập. Dành quá nhiều thời gian trên thế giới ảo sẽ đánh mất thời gian ở thế giới thực. Người học sẽ không còn thì giờ để ôn bài, làm bài tập, thậm chí là để nghỉ ngơi, ăn uống. Điều này sẽ tạo nên một lỗ hổng lớn về kiến thức, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai sau này. Với học sinh, không gì quan trọng hơn việc rèn luyện cả về tri thức và kĩ năng. Sự xuống dốc của thành tích học tập có thể khiến những bạn trẻ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt, từ đó dần mất niềm tin vào năng lực bản thân.
Không chỉ vậy, việc đắm chìm vào game sẽ đem đến rất nhiều sự tiêu cực. Nó khiến sức khỏe ngày một giảm sút, kéo theo các bệnh về mắt, cột sống,... Các tựa game hành động, bạo lực có thể ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và hành vi của giới trẻ. Chưa kể, chơi game cũng là việc làm gây tốn kém về tiền bạc. Là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta chưa thể có đủ khả năng tự mình làm ra tiền. Vậy nên, để có thể chơi game, một số cá nhân đã nhịn ăn sáng hoặc trộm tiền của bố mẹ. Tất cả chỉ nhằm phục vụ thú vui nhất thời mà công nghệ mang lại.
Để khắc phục được những hậu quả mà trò chơi điện tử gây ra, mỗi người cần tự rèn luyện cho mình ý thức tự giác. Gia đình và thầy cô cũng cần chung tay định hướng, dẫn dắt cho thế hệ tương lai của nước nhà. Thay vì đưa cho trẻ ipad, điện thoại, hãy để chúng ra ngoài chơi thể thao, giao lưu với bạn bè, hàng xóm. Những việc làm đó giúp trẻ hoạt bát, tự tin hơn, đồng thời tạo thói quen rèn luyện sức khỏe từ sớm. Bằng quyết tâm, nỗ lực của chính mình cùng sự động viên, hỗ trợ của những người xung quanh, chúng ta sẽ dần trưởng thành và chững chạc hơn.
Không thể phủ nhận rằng việc chơi game là hình thức giải trí vô cùng phổ biến, đem lại niềm vui cho con người. Tuy nhiên, chúng ta cần biết đặt ra giới hạn, không nên sa đà và quá "nghiện ngập" các trò chơi điện tử. Thay vào đó, hãy biến mình trở thành một con người xuất sắc, toàn diện về học thức, tài năng, bạn nhé!
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Khi công nghệ thông tin phát triển, ra đời mạng điện tử, có những nhà sáng chế, lập trình viên đã sáng tạo ra những trò chơi điện tử với mục đích ban đầu là giúp người chơi thư giãn sau những phút giây căng thẳng của công việc. Tuy nhiên, khi các trò điện tử ngày càng phổ biến, đã diễn ra các hiện tượng nghiện game rộng khắp không chỉ ở một nước mà trên nhiều nước. Đặc biệt đối tượng học sinh là những người bị nghiện game nhiều nhất.
Game được hiểu là những trò chơi điện tử được các lập trình viên có đầu óc máy tính, sáng tạo phong phú tạo nên. Nghiện game là hiện tượng đang phổ biến rộng khắp. Nó còn được cảnh báo nguy hiểm như nghiện thuốc phiện, khiến cho người chơi mê muội vào nó, không còn để ý xung quanh.
Tại Việt Nam, hiện trạng học sinh nghiện game vô cùng phổ biến. Ta có thể bắt gặp những quán nét đầy những thanh thiếu niên còn đang mặc bộ đồng phục trắng ngồi trong các quán nét chơi hàng giờ liền, có nhiều người chơi qua ngày. Hay có thể thấy những clip trên mạng quay lại cảnh những quán net đầy những học sinh, hay cảnh bố mẹ cầm roi, quát mắng mà vẫn cố chơi cho nốt. Những quán điện tử xuất hiện tần số nhiều hơn, được trang bị nhiều máy tính công nghệ cao hơn, phục vụ cho “nhu cầu” của học sinh.
Hiện tượng nghiện game ngày càng phổ biến bởi nhiều lý do. Game ngày càng được sáng tạo đầy phong phú. Theo thị yếu của người chơi, những người tạo ra nó không ngừng sáng tạo những trò điện tử đầy màu sắc, đầy hấp dẫn. Trò chơi đa dạng nhiều thể loại: trí tuệ, hành động,… Tính đa dạng, mới mẻ của game thu hút, hấp dẫn với lứa tuổi học sinh thích tìm hiểu điều mới. Học sinh ý thức còn kém trong việc quản lý thời gian chơi của mình, không thể ngừng chơi, không thể làm chủ bản thân mình. Học sinh cũng còn thiếu nhận thức về tính nguy hại của các trò điện tử. Hơn thế cha mẹ quản lý lỏng lẻo, buông thả con cái. Nhiều bậc phụ huynh mải mê với công việc mà quên mất quan tâm đến con khiến nhiều học sinh vì cô đơn mà tìm đến trò chơi điện tử.
Nghiện game giống như nghiện các loại ma tuý vậy, nó có rất nhiều tác hại khôn lường. Trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề của sức khoẻ, tâm lý học sinh. Học sinh dễ bị cận thị, loạn thị vì sử dụng máy tính tần số cao. Nghiện game cũng gây ảnh hưởng tới xương cột sống, đến não bộ,… Hơn vậy, nhiều học sinh vì nghiện game mà mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm,… Nghiện game còn tốn tiền bạc, thời gian. Chơi game tốn rất nhiều thời gian, và như thế học sinh lấy đâu thời gian để học và tham gia các hoạt động khác. Học sinh chưa thể kiếm ra tiền, số tiền bố mẹ cho tiêu vặt hàng tháng cũng không thể đủ cho ham mê trò chơi được, điều này dẫn đến nói dối, lấy cắp tiền,… sinh ra rất nhiều thói hư tật xấu mà một người học sinh không thể có. Đối với học sinh, nghiện game là con đường ngắn nhất dẫn tới học hành sa sút, điểm số kém dần, lượng kiến thức thiếu hụt bởi đầu óc tâm trí để vào các trò chơi điện tử.
Đây là hiện tượng đáng báo động buộc chúng ta phải lên tiếng và đề ra những biện pháp ngăn chặn. Với nhà trường phải có những cách thức ngăn chặn, dạy bảo và tổ chức nhiều các hoạt động ngoại khoá thú vị để học sinh tham gia. Với phụ huynh phải thường xuyên theo dõi, quản lý thời gian sử dụng máy tính của con cái. Và với học sinh, phải có ý thức tự giác, tự quản lý bản thân và không ngừng học tập, rèn luyện.
Xã hội ngày một phát triển, con người có nhiều cách để giải trí khác nhau. Vậy tại sao ta không tham gia những hoạt động giải trí lành mạnh mà lại để hiện tượng game ngày một phổ biến như vậy? Điều này chúng ta thật cần quan tâm và loại bỏ.
Bài tham khảo Mẫu 1
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển có rất nhiều phương tiện để giải trí. Trò chơi điện tử là một trò giải trí được du nhập từ nước ngoài. Vốn dĩ nó được tạo ra nhằm mục đích tốt. Nhưng nhiều học sinh, sinh viên - những đối tượng sử dụng trò chơi điện tử nhiều nhất, đã quá ham mê điện tử mà xao nhãng chuyện học tập gây nên nhiều hậu quả tai hại.
Trước hết, cần hiểu trò chơi điện tử (game online) là một dạng giải trí đối với con người sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Nó được sáng tạo ra bởi những người am hiểu công nghệ, có sự sáng tạo và đầu óc tưởng tượng phong phú. Đó không chỉ là trò tiêu khiển của lứa tuổi trẻ em mà còn là người lớn tuổi.
Hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những quán internet trên mỗi con đường, thôn xóm. Điều quan trọng là đa phần khách hàng của những quán internet đều là học sinh, sinh viên. Nhiều người đến đây không phải chỉ để tra cứu thông tin phục vụ học tập mà để giải trí bằng những trò chơi điện tử đang rất phổ biến (liên minh huyền thoại, nông trại, thời trang, nấu ăn, đảo rồng…). Cần ý thức được rằng nếu chỉ đơn thuần là chơi để giải trí sẽ không mất quá nhiều thời gian. Nhưng ở đây, nhiều học sinh ngồi trước màn hình máy tính đến hàng giờ và mải chơi đến mức quên ăn, quên ngủ thì đã trở thành tình trạng “nghiện game online”. Thậm chí, nhiều trường hợp còn có những hành vi sai trái như trốn học, ăn trộm tiền của bố mẹ… để đi chơi điện tử. Đó quả thật là một thực trạng đáng ngại trong giới trẻ hôm nay.
Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu? Có hai nguyên nhân chính: khách quan và chủ quan. Trước hết, nguyên nhân khách quan xuất phát từ phía gia đình và nhà trường. Nhiều bậc phụ huynh quá bận rộn công việc hoặc nuông chiều mà không nhắc nhở và khuyên răn con cái kịp thời. Nhà trường, thầy cô chưa có sự giám sát chặt chẽ đối với học sinh, sinh viên. Hoặc có thể do sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè. Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan đến từ ý thức của mỗi cá nhân. Nhiều bạn trẻ quá ham mê những trò chơi tiêu khiển, không hứng thú với công việc học tập. Đôi khi cũng chỉ vì cá nhân đó thích thú với thế giới ảo ở trong game hay mong muốn được chứng tỏ bản thân với bạn bè rằng mình là người giỏi nhất. Dù là do nguyên nhân nào thì cũng tình trạng nghiện game online đều để lại những tai hại cho con người.
Việc ngồi trước màn hình vi tính trong một thời gian dài có thể làm cho mắt quá tải, nặng hơn là bị cận thị. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần khi lúc nào cũng sống trong thế giới ảo. Ngoài ra, nó còn làm tiền bạc của gia đình một cách vô ích (nhiều trò chơi phải dùng tiền để mua những đồ vật trong game…) có khi còn làm thay đổi nhân cách của con người. Học sinh, sinh viên là những đối tượng chưa làm ra tiền, vì thế để có tiền chơi điện tử nhiều thói hư tật xấu bắt đầu nảy sinh như: nói dối, trộm cắp, lừa lọc, thậm chí còn giết người. Quan trọng nhất là khi ham mê trò chơi điện tử học sinh sẽ xao nhãng việc học, bỏ học, trốn học, không làm bài tập dẫn đến học tập sút kém.
Những hình ảnh ở trò chơi điện tử khiến tâm hồn con người bị đầu độc bạo lực, chém giết, bắn phá khiến con người dễ rơi vào thế giới ảo, đầu mưu mô, nhiều thủ đoạn dẫn đến việc luôn luôn tìm mọi cách đối phó với gia đình, bạn bè, thầy cô.
Ý thức được sự nguy hiểm của trò chơi điện tử, gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm kịp thời đến học sinh, sinh viên - những đối tượng dễ rơi vào tình trạng nghiện game online. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của bản thân mỗi người cần tự mình xác định được nhiệm vụ chính là học tập nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng và đạo đức để tương lai trở thành những người có ích cho xã hội. Cần tránh xa những lời dụ dỗ của bạn bè mà nên khuyên bảo cũng như tìm ra những trò chơi giải trí lành mạnh hơn để thay thế trò chơi điện tử…
Như vậy, tình trạng nghiện game online đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của giới trẻ. Vì vậy, mỗi học sinh sinh viên - những con người trẻ tuổi trẻ lòng hãy kiên quyết tránh xa để bản thân ngày một tốt đẹp hơn.
Bài tham khảo Mẫu 2
Thế kỉ XXI chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ với sự xuất hiện của hàng loạt các thiết bị thông minh phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của con người. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, thì chúng cũng mang lại không ít những thách thức đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong những năm gần đây là hiện tượng nghiện game ở học sinh.
Game là một phần của trò chơi điện tử. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa game và trò chơi điện tử bởi trò chơi điện tử là sự kết hợp giữa trò chơi và thiết bị giúp bạn tương tác và chơi được trò chơi đấy. Một số các game phổ biến hiện nay có thể kể đến như Liên minh huyền thoại, DOTA, Clash of Clans, Half-life,… được giới trẻ vô cùng ưa chuộng. Và “nghiện game” đã chính thức được tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận như một dạng rối loạn tâm lý, y hệt như trầm cảm hay tâm thần phân liệt và cần có các cách điều trị đặc dụng riêng để giúp những "con nghiện" thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Nghiện game có thể một số biểu hiện như không thể kiểm soát được thời gian, tần suất, địa điểm chơi game, luôn bị ám ảnh bởi các hình ảnh trong game, coi trọng game hơn bất cứ thứ gì khác trong cuộc sống đến mức quên ăn, quên ngủ, không còn nghĩ gì đến học hành, công việc.
Việc nghiện game ở học sinh đã và đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống không chỉ của cá nhân học sinh đó mà còn lên toàn xã hội. Trước hết, nghiện game gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh. Việc tiếp xúc hàng giờ, thậm chí hàng ngày với máy tính có thể gây ra mỏi mắt, dần dần suy giảm thị lực. Bên cạnh đó, việc chơi các trò chơi chiến đấu thường xuyên đặt bộ não trong một trạng thái căng thẳng liên tục, đó là nguyên nhân dẫn đến các chứng rối loạn thần kinh, suy giảm trí nhớ. Không những thế, sức khỏe học sinh cũng bị tàn phá khi các “con nghiện game” thường xuyên ăn uống qua loa, tạm bợ, bỏ bữa để có thời gian chơi game, trong khi đó, cột sống cũng rất dễ bị tổn thương khi ngồi trong một tư thế, thậm chí là sai tư thế quá lâu…
Cùng với những tác động tiêu cực lên sức khỏe thế chất, nghiện game cũng ảnh hưởng xấu đến tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Coi game là “thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không có không quan trọng”, thành tích học tập dễ sa sút, học sinh không còn tâm trí học hành, làm việc, đắm chìm vào thế giới ảo và xa lánh với đời sống thật, họ dễ rơi vào trạng thái u uất, chán nản, lâu dần sinh ra trầm cảm, thậm chí có những hoang tưởng từ cuộc sống trong trò chơi ra ngoài đời thật.
Đồng thời, hiện tượng nghiện game đang diễn ra cũng gây ảnh hưởng to lớn tới gia đình, nhà trường và xã hội. Học sinh nghiện game sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền vào các game online. Ở lứa tuổi học sinh, chưa làm ra tiền, các em dễ nảy sinh tính trộm cắp, nói dối bố mẹ để có tiền chơi game. Ở mức độ nặng hơn, tâm trí học sinh còn có thể bị kiểm soát bởi những hành động trong game, gây ra những hành động trái pháp luật, gây tổn thương cho bản thân và cho người khác, trở thành gánh nặng cho cả xã hội.
Nguyên nhân từ đâu mà ngày càng có nhiều học sinh nghiện các trò chơi điện tử? Có thể thấy, sự giáo dục của nhà trường vẫn chưa toàn diện, chưa cho học sinh thấy hết được các tác hại nguy hiểm của việc nghiện game, sự quản lí của gia đình vẫn còn lỏng lẻo, xã hội vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức khi vẫn để cho các quán internet mọc lên ồ ạt mà không có sự kiểm soát sát sao, hơn hết là do ý thức chưa tốt của một số học sinh, chưa nhận thức được sự nguy hại của việc nghiện game.
Đã đến lúc tất cả chúng ta cùng chung tay hành động cho một môi trường phát triển tốt đẹp và toàn diện của học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước. Gia đình, nhà trường cần có sự kết hợp trong việc giáo dục và quản lí con em mình, các game đưa ra thị trường cần có sự quản lí, kiểm soát để đảm bảo đủ sự lành mạnh cho người dùng….Lứa tuổi học sinh là độ tuổi còn bồng bột, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ, nhưng hãy biết bảo vệ lấy chính bản thân mình để không sa vào các tệ nạn, trong đó có nghiện game điện tử, đừng biến mình thành “con sâu làm rầu nồi canh”, thay vì là người làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước lại biến mình trở thành nỗi lo của xã hội.
Chơi game là một hình thức giải trí tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu không thể kiểm soát tốt bản thân ta có thể trở thành “nô lệ” của trò chơi điện tử lúc nào không hay. Hãy là một người chơi thông thái bạn nhé.
Bài tham khảo Mẫu 3
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, con người sẽ tiếp cận với nhiều thứ mới mẻ hơn thông qua internet. Một trong số những vấn đề chúng ta, đặc biệt là các em học sinh được tiếp cận chính là trò chơi điện tử.
Chưa bàn đến lợi và hại, chúng ta cần tìm hiểu rõ trò chơi điện tử thực sự là gì? Hiểu một cách đơn giản, trò chơi điện tử là những trò chơi trên các thiết bị điện tử: điện thoại, laptop, tivi,…mà chúng ta quen gọi với tên “game”. Thông thường, những trò chơi điện tử được thiết kế rất sinh động, bắt mắt và thú vị như game hóa thân “thiện nữ u hồn”, pubg, liên quân, đua xe,…thu hút rất nhiều người chơi, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chúng ta không thể phủ nhận trò chơi điện tử với thiết kế rất sinh động dễ khiến người ta có cảm giác thích thú và say mê. Và quả thực, trong một giới hạn nhất định, những trò chơi điện tử cũng đem lại những tác dụng tích cực như: giúp con người thư giãn, giải tỏa căng thẳng đầu óc sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng mệt mỏi. Thêm nữa, nhiều game được thiết kế có khả năng phát triển trí tuệ cho con người như candy crush, XO, cờ vua, cờ tướng,..đối với những trò chơi này, con người thực sự cần có trí tuệ mới có thể vượt qua. Trò chơi điện tử cũng rèn luyện khả năng phản xạ cho tay, mắt,…và khả năng ngôn ngữ. Thông qua những trò chơi online, mỗi chúng ta có thể tăng cường giao lưu kết nối, mở rộng mối quan hệ xã hội,…
Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích có thể nhìn ra được, trò chơi điện tử cũng tồn tại rất nhiều tác hại đối với đời sống con người nếu như không kiểm soát. Ví như người chơi chơi liên tiếp trong vòng nhiều tiếng hay nhiều ngày sẽ dẫn tới hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi,…nhiều em học sinh đã chết do chơi quá ham mê mà không để ý ăn uống. Chơi điện tử nhiều sẽ gây xao nhãng học tập, một số trò chơi mang tính chất bạo lực, con người rất dễ bắt chước. Nhiều vụ án mạng xảy ra khi các bạn trẻ học tập trong game. Rồi còn rất nhiều những tệ nạn xã hội nảy sinh từ đây như trộm cắp, cướp giật,…chỉ để có tiền chơi điện tử. Qúa chú tâm vào thế giới ảo sẽ làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp xã hội ngoài đời,…
Có rất nhiều tác hại của trò chơi điện tử mà nguyên nhân chủ yếu nhất chính là do người chơi không kiểm soát, làm chủ được bản thân. Gia đình quản lí không chặt chẽ hoặc không có sự quan tâm thỏa đáng đến con em mình để các em thiếu thốn về mặt tinh thần nên đành tìm đến trò chơi điện tử. Nhà trường chưa chú trọng đến giáo dục kĩ năng sống ngoài kiến thức,...Tất cả những điều ấy khiến tệ nạn nghiện game đang ngày càng phổ biến.
Bản thân trò chơi điện tử (trừ những trò chơi mang tính chất bạo lực) là không xấu và thực ra trò chơi điện tử còn được coi như một môn thể thao trí óc. Tuy nhiên, người chơi đang biến trò chơi điện tử trở thành có hại. Thiết nghĩ, để khắc phục điều này, mỗi chúng ta cần cân nhắc lựa chọn cho mình những trò chơi hợp lí. Nhắc nhở mình chơi với mức độ vừa phải. Gia đình cần quản lí và quan tâm đến con em mình nhiều hơn, nhà trường cần giáo dục kĩ năng sống cho các em bên cạnh việc dạy kiến thức,…có như vậy, mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi những tác hại của việc lạm dụng trò chơi điện tử đem lại.
Hãy làm trò chơi điện tử trở nên thực sự văn minh và đúng với ý nghĩa của nó khi xuất hiện. Hãy để chúng ta sau này, mỗi khi nhắc đến trò chơi điện tử sẽ mang một thái độ tích cực chứ không phải là cái cau mày ác cảm.
- Trình bày ý kiến về mặt lợi và hại của mạng xã hội lớp 6
- Viết bài văn trình bày ý kiến về bạo lực học đường lớp 6
- Viết bài văn trình bày trình bày ý kiến về một vấn đề mà em quan tâm: Tình trạng nói tục trong học sinh hiện nay lớp 6
- Viết bài văn trình bày trình bày ý kiến về một vấn đề mà em quan tâm: Nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường hiện nay lớp 6
- Viết bài văn trình bày trình bày ý kiến về một vấn đề mà em quan tâm: Những biện pháp xóa bỏ bạo lực học đường lớp 6
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 6 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Chia sẻ một trải nghiệm về nơi em sống hoặc từng đến: Một vùng hương quế Trà Bồng lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đất nước lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Trời xanh của mỗi người lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về ca dao: Con cò mà đi ăn đêm lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà lớp 6
- Chia sẻ một trải nghiệm về nơi em sống hoặc từng đến: Một vùng hương quế Trà Bồng lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đất nước lớp 6
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Trời xanh của mỗi người lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về ca dao: Con cò mà đi ăn đêm lớp 6
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc về bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà lớp 6