Văn mẫu lớp 6 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 bài văn thuyết minh thuật lại một lễ hội lớ..

Viết bài văn kể lại một sự kiện văn hóa lớp 6


1. Dàn ý chi tiết a. Mở bài: Giới thiệu sự kiện em muốn thuyết minh. - Sự kiện đó có tên là gì? Được tổ chức nhân dịp gì?

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 6 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

a. Mở bài: Giới thiệu sự kiện em muốn thuyết minh.

- Sự kiện đó có tên là gì? Được tổ chức nhân dịp gì?

- Sự kiện đó được tổ chức ở đâu? Vào thời gian nào?

b. Thân bài: Kể lại diễn biến của sự kiện theo trình tự thời gian:

- Trước khi bắt đầu sự kiện:

+ Nơi diễn ra sự kiện được trang trí như thế nào? Có gì đặc biệt khác với thường ngày?

+ Những người đến tham dự sự kiện gồm những ai? Họ mặc trang phục như thế nào? Thái độ khi đến dự sự kiện ra sao?

+ Các khâu chuẩn bị cho sự kiện đến lúc này đã hoàn tất chưa? Có được kiểm tra lại khâu nào hay không?

- Quá trình diễn ra sự kiện:

+ Sự kiện diễn ra với các hoạt động nào? Đâu là hoạt động chính và được mọi người mong chờ nhất?

+ Các sự kiện diễn ra lần lượt ra sao? Với sự dẫn dắt và tham gia của những ai?

+ Thái độ, cảm xúc của những người đến dự sự kiện như thế nào?

+ Bầu không khí của sự kiện ra sao?

+ Bản thân em đặc biệt cảm thấy ấn tượng nhất với điều gì của sự kiện? (trang trí, hoạt động, âm nhạc, ánh sáng, khách mời, quy mô…)

c. Kết bài: Suy nghĩ, đánh giá của em dành cho sự kiện và ý nghĩa của sự kiện đó.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Chiều nay, sau khi tan học, em liền nhanh chóng trở về nhà chứ không la cà như mọi hôm. Vì em đã hẹn về cùng mẹ đi chợ hoa xuân.

Khi đến nơi, chợ hoa xuân đang trong quá trình bày hàng. Người ta vận chuyển từng chậu hoa, thùng hoa lớn bé từ các xe tải lớn lên xe đẩy, rồi mới đưa vào bên trong từng gian hàng. Tuy chưa hoàn thiện, nhưng dòng người ghé chợ hoa đã rất đông đúc và nhộn nhịp. Tiếng nhạc xuân vang lên từ loa đài rộn ràng, kéo tâm trạng của mọi người thêm lên cao. Đi giữa con đường chen chúc hoa và người, ngửi mùi hương thơm trong gió lạnh, em thấy như mùa xuân đang thì thầm bên tai mình. Trên bục khai trương hội hoa, ban tổ chức đang chào mừng mọi người cùng tham dự. Ai ai cũng hồ hởi, vui sướng. Sau lời giới thiệu ngắn gọn, hội chợ hoa chính thức bắt đầu trong tiếng reo hò của mọi người. Tiếng nhạc được mở to hơn, thêm phần rộn ràng. Dòng người xuôi ngược hân hoa, phấn khởi xem hoa, ngắm cây. Có thể họ mới chỉ xem chứ chưa mua ngay, nhưng người bày hàng vẫn rất vui vẻ và niềm nở. Đó chính là ma lực của mùa xuân, khiến cho ai cũng vui tươi và dịu lại.

Em và mẹ lạc trong chợ hoa hơn một tiếng đồng hồ và trở về nhà với một chậu lan xinh xắn. Có lẽ, ngày mai và cả ngày kia nữa, em vẫn sẽ ghé qua hội hoa để xem, để tận hưởng bầu không khí rộn ràng của nơi này.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Ngày mồng 10 tháng 3 Âm Lịch, em được cùng bố mẹ đến Phú Thọ, tham gia lễ hội Đền Hùng.

Đây là ngày hội vô cùng lớn của nước ta, được tổ chức với quy mô lớn và rất nhiều người tham dự. Tất cả mọi người đến đây với lòng thành kính, biết ơn dành cho các Vua Hùng - những người đã có công dựng nước.

Từ khắp nơi, dòng người náo nức đổ về Đền Hùng. Họ mặc những bộ trang phục truyền thống, lịch sự, mang theo các mâm lễ cúng để thắp hương tưởng nhớ các vị vua vĩ đại. Gia đình em cũng thế. Bố và mẹ cùng nhau bưng mâm lễ gồm gà, xôi và hương, còn em thì ôm túi của mẹ đi sát hai người. Đường lên đền là những bậc thang dài, nhưng chẳng ai than vãn gì cả. Dòng người đến tham gia lễ hội đông đúc vô cùng, nên cứ phải đi từng bước một.

Xung quanh đền, là rừng núi bao la hùng vĩ. Sau phần lễ, mọi người thường cùng nhau tham quan và chụp ảnh kỉ niệm. Cùng với đó, còn có thể tham gia các hội tổ chức ở chân đền. Các hoạt động văn hóa ấy giúp lễ hội bớt phần buồn tẻ, đồng thời tạo sức hấp dẫn để thu hút thêm khách du lịch đến đây.

Lễ hội Đền Hùng thực sự là một ngày hội ý nghĩa. Vừa thể hiện được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa thắt chặt tình đoàn kết của mọi người.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Một nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc của địa phương em, mà bao năm qua vẫn được gìn giữ, chính là chương trình biểu diễn nghệ thuật hát dân ca quan họ vào mỗi chủ nhật cuối tháng.

Thôn của em vốn là làng có truyền thống hát quan họ từ xưa. Ở đây, ai cũng yêu và biết hát quan họ cả, dù là người già hay trẻ nhỏ. Để giữ gìn nếp văn hóa ấy, cứ mỗi chủ nhật cuối tháng, mọi người lại cùng nhau về sân nhà văn hóa để giao lưu.

Chẳng cần sân khấu lung linh hay loa đài hoành tráng, chỉ cần sự hiện diện của mọi người, với những bộ trang phục quan họ truyền thống là đã đủ làm nên buổi biểu diễn hay rồi. Trước sân, trải sẵn những chiếc chiếc, mọi người sau khi chào nhau, ngồi thành vòng tròn lớn, tạo nên khoảng trống ở giữa làm sân khấu. Những chiếc trống nhỏ, sáo, đàn nhị cũng được bày ra, để chuẩn bị cho các tiết mục. Mở đầu là những ca khúc quen thuộc, truyền thống mà mọi người đều thuộc và hát cùng. Sau đó, mới đến phần hát đối, hát giao duyên. Đây mới là điều mà mọi người luôn mong đợi nhất. Chủ đề thì được thay đổi nhiều lần, tùy theo sự kiện sắp diễn ra mà hát cho đúng không khí. Nào là chủ đề cây cối, con vật, rồi chủ đề ngày tết cổ truyền… Các thanh thiếu niên được thỏa sức thể hiện cá tính của mình qua màn đối đáp giao lưu. Cũng nhờ những buổi sinh hoạt ca hát như thế, mà nhiều anh chị đã thành đôi thành cặp.

Suốt bao năm nay, các buổi sinh hoạt ca hát quan họ vẫn diễn ra đều đều, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Nó không chỉ là một sự kiện sinh hoạt bình thường, mà còn góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.

Bài tham khảo Mẫu 1

Tối hôm qua, tại nhà văn hóa thôn, em đã cùng mọi người tham gia sự kiện chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Đây là ngày hội cho các bạn nhỏ trong toàn thôn. Nó không chỉ là ngày vui chơi, phát quà bánh kẹo. Mà còn là dịp để trao tặng các phần thưởng cho những bạn học sinh trong thôn đã có một năm học tập chăm chỉ. Từ buổi chiều, các anh chị đoàn viên thanh niên đã có mặt để sửa soạn và trang trí hội trường. Các bác trưởng thôn và hội khuyến học cũng có mặt để sắp xếp các phần quà như giấy khen, sách vở, bánh kẹo, cặp sách, để tối nay trao cho từng bạn.

Đúng 7 giờ tối, không chỉ các bạn thiếu nhi như em trong thôn có mặt ở nhà văn hóa, mà còn có rất nhiều các phụ huynh cùng có mặt. Ngay sau lời giới thiệu trang trọng của bác trưởng thôn, sự kiện chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi chính thức bắt đầu. Đầu tiên, là phần trao thưởng theo từng khối học, sau đó đến các giải thưởng, bằng khen cho những học sinh đạt giải cao trong kì thi cấp thành phố, cấp tỉnh. Xen kẽ các phần trao thưởng, là những tiết mục văn nghệ rất hay và sôi động do chính các bạn nhỏ trong thôn em tập luyện và biểu diễn. Mỗi khi kết thúc một tiết mục hay phần trao thưởng, mọi người ở dưới lại vỗ tay nhiệt liệt để chúc mừng các bạn trên sân khấu. Các phụ huynh thì nhìn con em mình bằng ánh mắt tự hào, yêu thương. Đến khoảng 8h30 tối, phần trao thưởng kết thúc để chuyển sang phần liên hoan. Lúc này, mọi người di chuyển ra sân trước của nhà văn hóa, nơi đang bày sẵn rất nhiều bàn với bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt vừa hấp dẫn lại ngon lành. Các bạn nhỏ reo lên vui sướng, ùa về những chiếc bàn để tận hưởng bữa tiếc. Chúng em cũng không quên nói lời cảm ơn các bác trong ban tổ chức, các anh chị thanh niên đã giúp mình có một buổi tối tuyệt vời như thế. Vừa ăn, chúng em vừa trò chuyện phấn khởi, về những dự định và kế hoạch cho ba tháng nghỉ hè dài sắp tới. Trên gương mặt bạn nào cũng là niềm vui và sự hạnh phúc ngập tràn.

Tuy giản dị và không hào nhoáng như các chương trình mà em vẫn xem ở trên tivi, nhưng em vẫn rất yêu quý chương trình chào mừng ngày 1-6 của thôn mình. Bởi không khí ở đây quá tuyệt vời, những hoạt động cũng thật ý nghĩa. Sau khi chương trình kết thúc, ai cũng vui vẻ và phấn khởi thì nghĩa là sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp rồi.

Bài tham khảo Mẫu 2

Lễ hội Lim là một trong những lễ hội ngày Tết truyền thống nổi tiếng của người dân Bắc Ninh. Lễ hội này thường được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh và được xem là tinh hoa của văn hóa vùng Kinh Bắc.

Kể từ ngày ra mắt lễ hội Lim cho đến nay, từ khâu chuẩn bị cho đến khâu cử hành nghi lễ thường sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 14 tháng giêng âm lịch. Trọng tâm của lễ hội sẽ được tiến hành vào buổi sáng ngày 13 tháng giêng âm lịch.

8h ngày 13/1 Âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia . Trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ, sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần ki-lô-mét . Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần .

Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.

Có nhiều trò chơi dân gian tron lễ hội Lim như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng.

Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền và hát đối đáp với nhau.

Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, với những hoạt động lễ và hội phong phú, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh.

Bài tham khảo Mẫu 3

Một trong những lễ hội mà tôi đã có dịp chứng kiến là lễ hội đấu vật. Đó là một trong những nét văn hóa tiêu biểu của quê hương tôi.

Lễ hội đấu vật ở quê tôi thường được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Các vòng loại sẽ lựa chọn ra năm đô vật mạnh nhất đại diện cho thôn bước vào trận chung kết.

Trận đấu diễn ra vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Sau khi hai đô vật chào hỏi khán giả, trọng tài thổi còi ra hiệu trận đấu bắt đầu. Hai đô vật cởi trần, mặc một chiếc quần đùi, tay buộc một chiếc khăn khác màu sắc để phân biệt. Cả hai đô vật cúi người, nắm vào bắp tay của nhau tạo thành thế đấu vật. Họ di chuyển trên sàn để thăm do đối phương. Đô vật nào cũng ra sức vật ngã đối phương trong tiếng hò hét cổ vũ của người xem. Phía trên sân khấu, có một người đang đánh trống. Nhịp trống dồn dập khiến không khí càng thêm sôi động. Còn khán giả thì cũng hò reo cổ vũ nhiệt tình. Mười phút thi đấu diễn ra thật căng thẳng.

Khi ban tổ chức thông báo bắt đầu cuộc thi, cả hai bước vào sân cúi chào khán giả. Trọng tài thổi còi và phất cờ ra hiệu trận đấu bắt đầu. Hai đô vật dùng đôi tay chắc khỏe của mình ra múa khởi động. Đôi chân không ngừng giậm nhảy, lùi trước lùi sau để thăm dò đối thủ. Hai đô vật đã tiến sát lại gần nhau, hai tay giữ vào vai đối thủ. Thân hình của họ trông thật dũng mãnh. Còn gương mặt thì đã nhễ nhại mồ hôi. Thoắt cái, đô vật khăn xanh đã vật ngã được đối thủ xuống đất bằng một thế đòn hiểm. Trọng tài ra hiệu thời gian để chờ đô vật khăn đỏ đứng dậy. “Ba… hai… một… Hết giờ!” - đô vật khăn đỏ vẫn nằm dưới sàn nhà. Lúc đó, chiến thắng sẽ thuộc về đô vật khăn xanh. Mỗi một trận đấu vật đều diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.

Các trận đấu vật để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Tôi cảm thấy yêu mến và tự hào về những con người của quê hương mình. Họ không chỉ khỏe khoắn, mạnh mẽ mà còn đầy tinh thần thượng võ.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 6 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí