Bài 6. Tình yêu tổ quốc

Vẻ đẹp của lòng yêu nước trong văn bản Lòng yêu nước của nhân dân ta


Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta (Hồ Chí Minh).

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu lòng yêu nước: Lòng yêu nước mà một truyền thống vô cùng cao đẹp của bao thế hệ người Việt Nam.

2. Thân bài

a. Giải thích lòng yêu nước

– Lòng yêu nước: là lòng yêu tổ quốc mà cụ thể là yêu gia đình, làng xóm, quê hương được thể hiện bằng những hành động và việc làm cụ thể góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước.

– Đây là một truyền thống quý báu, là tình cảm thiêng liêng và cao đẹp của nhân dân ta.

b. Biểu hiện của lòng yêu nước

– Giai đoạn chiến tranh, giành độc lập:

+ Thời phong kiến, bao cuộc khởi nghĩa nổ ra nhằm thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc.

+ Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc, tinh thần yêu nước cũng thể hiện bằng bao sự hy sinh của đồng bào không phân biệt địa vị, giới tính, vùng miền,…

+ Tình yêu nước giai đoạn này hết sức mạnh mẽ, bằng một con đường chung nhất: đấu tranh giải phóng dân tộc.

+ Tấm gương tiêu biểu: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, những người mẹ Việt Nam anh hùng,…

– Giai đoạn hòa bình, phát triển đất nước:

+ Khi mới giành được độc lập, lòng yêu nước biểu hiện thành tinh thần xây dựng, kiến thiết đất nước buổi đầu.

+ Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì đó là sự vươn tầm thế giới khẳng định hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới.

+ Tình yêu nước thời kỳ mới được tiến hành đa dạng và bằng nhiều cách thức hơn, có thể là một người nông dân đưa lúa gạo đi xuất khẩu, là anh chiến sĩ hải đảo giữ vững chủ quyền ngoài biển khơi, là doanh nhân đưa thương hiệu Việt tới bạn bè năm châu.

+ Tấm gương: Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, thiếu tá Vi Văn Nhất hi sinh khi đánh án ma túy hay các học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc tế,…

c. Vai trò của lòng yêu nước

– Là chìa khóa vạn năng có thể đưa đất nước vượt qua mọi gian nan thử thách.

– Là dòng sữa ngọt mát nuôi dưỡng bao tâm hồn những người con đất Việt.

– Là bệ đỡ vững chắc cho mọi thành công sau này của thế hệ người Việt Nam.

– Là nguồn cảm hứng bất tận đi vào biết bao trang văn trang thơ, nói chí tỏ lòng, diễn tả bất tận mọi cung bậc tình cảm của lòng yêu nước.

– Khiến con người ta sống có trách nhiệm hơn với gia đình quê hương đất nước.

d. Trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay

– Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: giúp đỡ mọi người, tìm hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc, nỗ lực tiếp thu tri thức nhân loại,…

– Lòng yêu nước còn thể hiện ở việc bản thân mỗi cá nhân cố gắng hoàn thành mục tiêu tốt đẹp của bản thân. Khi mỗi cá nhân phát triển, tức là cả cộng đồng cùng phát triển,…

– Yêu cảnh sắc quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn, yêu thương giúp đỡ bạn bè,…

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của lòng yêu nước và trách nhiệm bản thân đối với đất nước.

Bài mẫu

         Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta (Hồ Chí Minh). Phải nói, đây là một nhận xét vô cùng khách quan và chính xác về một trong những phẩm chất tâm hồn của người Việt.

       Từ cách đây hơn bốn ngàn năm, từ thuở các vua Hùng dựng nước Văn Lang, tinh thần yêu nước đã thấm đẫm trong tâm hồn dân tộc và trải nghiệm thời gian, càng thêm nồng nàn, sâu sắc.

       Khi có giặc ngoại xâm ư? Lòng yêu nước sẽ kết thành sức mạnh quả cảm vô song. Người Việt Nam ta ai mà chẳng nhớ câu chuyện Thánh Gióng đánh giặc cứu nước. Đối với một người ngoại quốc có thể sẽ không hiểu vì sao mà một đứa trẻ mới ba tuổi, chưa biết nói biết cười, đặt đâu ngồi đấy. thế mà vừa nghe Sứ giả rao tìm người tài giỏi đánh giặc cứu nước, thì đứa trẻ không những nói được, mà câu nói ấy đầu tiên lại là câu nói đòi đi đánh giặc. Càng ngạc nhiên hơn nữa là vì sao nó lại bỗng nhiên lớn nhanh như thổi, rồi khi Sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt tới, nó bỗng vươn vai biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt và đánh tan lũ giặc chỉ bằng roi sắt và bụi tre nhổ vội bên đường, đánh giặc xong lại bay về trời, không đòi ban thưởng.

       Người Việt Nam ta ai cũng hiểu căn nguyên của những điều kì lạ ấy. Chính tấm lòng đối với đất nước đã kết tinh nên những phẩm chất của người anh hùng làng Gióng. Gióng là hình tượng người anh hùng cứu nước độc đáo trong văn chương, đồng thời cũng là hình ảnh của nhân dân, của cả một dân tộc kiên cường bất khuất.

       Trải mấy ngàn năm lịch sử, tinh thần yêu nước được hun đúc qua nhiều thế hệ, được tôi luyện và thử thách trong những cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Chính tấm lòng yêu nước đã khiến những người phụ nữ Việt Nam đang độ xuân sắc như các bà: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Chân, Thiều Hoa... dấy cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán. Chính tấm lòng yêu nước đã giúp Trần Quốc Tuấn dẹp sang một bên mối hận thù của người cha, một lòng phò tá vua Trần đánh giặc.

       Ngày nay, cũng không ít những tấm gương như thế. Không có lòng yêu nước làm sao những chiến sĩ cộng sản vào những năm 1930- 1945 có thể dũng cảm bước lên máy chém của quân thù. Không có lòng yêu nước làm sao một cậu bé mới mười ba tuổi như Lê Văn Tám có thể biến mình thành cây đuốc sống thiêu cháy kho xăng giặc. Không có lòng yêu nước làm sao anh La Văn Cầu dám chặt đứt cánh tay bị thương lủng lẳng để tiếp tục chiến đấu. Không có lòng yêu nước làm sao bao bà mẹ miền Nam dám hi sinh những đứa con yêu của mình để bảo vệ Cách mạng.

        Lòng yêu nước đã cho họ sức mạnh để họ có thể làm được những việc tưởng như không thể.

       Lòng yêu nước làm nên phẩm chất anh hùng trong đấu tranh giữ nước thì cũng làm nên phẩm chất cao đẹp trong lao động, trong đời thường. Câu chuyện chàng Sơn Tinh thắng giặc nước chẳng phải là một tấm gương về lòng quả cảm trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên, vì cuộc sống an bình và no ấm đó ư? Và ta cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy một vị danh tướng vừa lập công lớn trong chiến trận, đang trên đường ca khúc khải hoàn, chưa một giây phút nghỉ ngơi, đã nghĩ tới việc “gắng sức” để cho thiên hạ thái bình, non nước bền vững đến “ngàn thu”.

       Không có lòng yêu nước hỏi làm sao có giang sơn gấm vóc như ngày nay? Máu của ông cha ta đã đổ không ít để giữ nước thì mồ hôi của ông cha ta cũng đã tưới đẫm mảnh đất này trong công cuộc kiến quốc gian nan. Chúng ta hẳn còn nhớ câu ca dao:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Và câu thơ Hoàng Trung Thông:

Hết khoai ta lại gieo vừng

Không cho đất nghỉ không ngừng tay ta

       Thế đấy! Vì lòng yêu nước mà không ít chàng trai cô gái đã sẵn sàng đi đến những nơi gian khổ nhất, hiến dâng tuổi xuân của mình để làm giàu cho đất nước.

        Đây nữa, cái tình quê dạt dào trong câu thơ:

           Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

           Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

        Thần thương làm sao cái nghĩa tình đồng bào lá lành đùm lá rách, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

       Tấm lòng thiết tha với đất nước khiến cho ta gắn bó máu thịt với quê hương đất nước mình, yêu cả những nét bình dị nhất của quê hương xứ sở. Có lẽ vì thế mà một vị vua ở tận nơi lầu son gác tía như Trần Nhân Tông đã viết được những câu thơ đằm thắm tình quê:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

       Làm sao có thể kể hết vẻ đẹp của lòng yêu nước. Bởi nó đẹp quá, cao quý quá. Giống như một viên ngọc càng mài càng sáng, càng ngắm càng thấy ánh lên nhiều sắc màu.

Bài mẫu 2

Nhân dân ta không chỉ giàu về tình nghĩa, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo,… mà còn có lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng. Lòng yêu nước trở thành một truyền thống đẹp đẽ, quý báu của nhân dân ta, nó được phát huy và thể hiện mạnh mẽ mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng. Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích: “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài văn được trích trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Bài văn có thể coi là một mẫu mực về lập luận, bố cục và cách dẫn chứng của thể văn nghị luận.

Trước hết về nội dung, văn bản nêu lên luận đề cơ bản: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta”. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy được phát huy một cách mạnh mẽ. Trong câu văn tiếp theo tác giả đã sử dụng động từ với hình thức tăng tiến: lướt qua, nhấn chìm cùng với đó là hình ảnh so sánh tinh thần yêu nước như một làn sóng mạnh mẽ, đã cho thấy rõ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Để làm sáng tỏ chân lí đó tác giả đã chứng minh nó ở hai thời điểm: quá khứ và hiện tại.

Bề dày lịch sử truyền thống yêu nước của nhân dân ta đã được tác giả đưa ra dẫn chứng cụ thể ở các thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung,… đây là những vị anh hùng của dân tộc. Lấy những dẫn chứng hết sức tiêu biểu, mỗi nhân vật lịch sử gắn liền với một chiến công hiển hách, vang dội đã làm cho người đọc thấy rõ tinh thần yêu nước của tổ tiên, ông cha.

Không dừng lại ở đó, để mở rộng luận điểm, làm người đọc tin và bị thuyết phục hơn nữa, tác giả tiếp tục lấy dẫn chứng đến thời điểm hiện tại. Ở đoạn thứ ba Hồ Chí Minh tập trung chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng hàng loạt các dẫn chứng. Sau câu chuyển đoạn “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” Hồ Chí Minh đã khái quát lòng yêu nước ghét giặc của nhân dân: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến nhân dân miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Tiếp đó bằng hình thức liệt kê, kết hợp với mô hình liên kết từ …đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy rõ lòng yêu nước của mọi tầng lớp, lứa tuổi, giai cấp,… Những dẫn chứng đó vừa cụ thể vừa toàn diện, thể hiện sự cảm phục, ngưỡng mộ tinh thần yêu nước của đồng bào ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phần cuối văn bản là lời khẳng định tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý, chúng có thể rõ ràng dễ thấy nhưng cũng có khi được “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Lần đầu tiên, một thứ vô hình là lòng yêu nước lại được Bác cụ thể hóa, hữu hình hóa một cách vừa giản dị vừa cao quý đến như vậy. Qua lời của Bác, lòng yêu nước không phải những điều lớn lao, xa vời mà nó giản dị, ở ngay xung quanh ta. Nhiệm vụ của ta lại phải phát huy lòng yêu nước đó thành những hành động, việc làm cụ thể trong công việc kháng chiến, công việc yêu nước.

Về nghệ thuật, bài văn có bố cục chặt chẽ, gồm ba phần (phần một nêu lên vấn đề nghị luận “tinh thần yêu nước của nhân dân ta”; phần hai chứng minh tinh thần yêu nước trong quá khứ và hiện tại; phần ba nhiệm vụ của Đảng trong việc phát huy tinh thần yêu nước). Lập luận mạch lạc, rõ ràng, lí lẽ thống nhất với dẫn chứng. Dẫn chứng phong phú, cụ thể, được diễn đạt bằng những hình ảnh so sánh cụ thể, sinh động.

Bài văn đã làm sáng tỏ chân lí muôn đời của cha ông ta đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đấu tranh và hi sinh để giành tự do, độc lập cho dân tộc. Truyền thống đẹp đẽ đó cần phải được phát huy mạnh mẽ vào công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

Bài mẫu 3

Đoạn trích “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

Bài văn trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay).

Mở đầu đoạn trích, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận định chung về tinh thần yêu nước: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta”. Đó là một lời khẳng định về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tiếp theo với hình ảnh so sánh: “Tinh thần yêu nước ấy kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nõ lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Hồ Chí Minh đã cho thấy sức mạnh và khí thế của lòng yêu nước.

Và để tiếp tục minh chứng cho tinh thần yêu nước, Bác đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể, từ quá khứ đến hiện tại. Trong lịch sử, có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Họ đều là những tấm gương để thế hệ sau noi theo. Để rồi đến hiện tại, tinh thần yêu nước đó lại tiếp tục được phát huy. Từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ…ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc. Hay những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội. Cả những người phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải. Rồi nam nữ nông dân và công nhân hăng hái tăng gia sản xuất. Ngay cả những đồng bào điền chủ quyên ruộng cho Chính phủ…. thế mới thấy tinh thần yêu nước không luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay nghề nghiệp, giai cấp.

Cuối cùng, Bác đã đưa ra nhiệm vụ dành cho nhân dân Việt Nam. Người đã sử dụng hình ảnh so sánh độc đáo: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý” để từ đó cho thấy tầm quan trọng của lòng yêu nước. Với vai trò như vậy, Bác yêu cầu mọi người cần “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”. Có nghĩa là tinh thần yêu nước phải được thể hiện qua các hành động cụ thể, thiết thực.

Bài văn “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một mẫu mực về lập luận, bố cục và cách dẫn chứng của thể văn nghị luận. Hồ Chủ tịch đã làm sáng tỏ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam như một truyền thống quý báu đáng gìn giữ muôn đời.

Bài mẫu 4

“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” được trích trong “Báo cáo Chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam. Qua đoạn trích này, tác giả đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”

Đầu tiên Hồ Chủ tịch đã đưa ra vấn đề nghị luận: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta…”. Qua đó Người muốn khẳng định truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam cũng như niềm tự hào về truyền thống đó. Tiếp tục, Hồ Chí Minh đã sử dụng một so sánh độc đáo - so sánh cái trừu tượng với cái cụ thể đó là “tinh thần yêu nước” với “một làn sóng vô cùng mạnh mẽ” có thể nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Từ đó, người đọc thấy được sức mạnh to lớn của tinh thần yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tác giả Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh lòng yêu nước ở các cuộc chống ngoại xâm bởi nó được bộc lộ mạnh mẽ nhất, cụ thể nhất. Bác đã xuất phát từ đặc điểm lịch sử của dân tộc là luôn phải đối mặt với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nên rất cần đến lòng yêu nước và tinh thần xả thân vì nước. Trên thực tế, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, đòi hỏi phải phát huy cao độ tinh thần thi đua yêu nước của toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiệt liệt biểu dương những gương sáng về lòng yêu nước. Đó là những tấm gương yêu nước sáng soi muôn đời của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng: “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”. Nhưng không chỉ trong quá khứ mà còn là trong hiện tại: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ…” Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

Cuối cùng, Bác đã khẳng định lại nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam thông qua hình ảnh so sánh độc đáo để cho thấy tầm quan trọng của tinh thần yêu nước: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Bác đã thông qua hình ảnh so sánh đó để đặt ra trách nhiệm, bổn phận của nhân dân Việt Nam: “Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

Như vậy, với bài văn này, Hồ Chủ tịch đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi người dân. Truyền thống anh dũng, bất khuất là cơ sở vững chắc bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngày nay, bài văn trên vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, có tác dụng động viên nhân dân Việt Nam vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu.

Bài mẫu 5

Nhân dân Việt Nam vốn giàu truyền thống yêu nước. Điều đó đã được chủ tịch Hồ Chí Minh chứng minh qua tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”.

Bài viết trích trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam.

Đầu tiên về nội dung, bài viết đã nêu ra luận điểm cơ bản: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy được phát huy một cách mạnh mẽ”. Tiếp đến, Hồ Chủ tịch đã sử dụng động từ mạnh: “lướt qua, nhấn chìm” kết hợp với hình ảnh so sánh “tinh thần yêu nước như một làn sóng mạnh mẽ”, để cho thấy sức mạnh của tinh thần yêu nước.

Tiếp đến, Bác đã chứng minh cho luận điểm trên bằng các dẫn chứng cụ thể từ quá khứ đến hiện tại. Bề dày của truyền thống yêu nước thể hiện qua các triều đại Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung,… đây là những vị anh hùng của dân tộc. Đó đều là những dẫn chứng mà mọi người dân Việt Nam đều biết đến, bởi vậy mà sức thuyết phục cao. Tiếp tục đến hiện tại, Hồ Chí Minh tập trung chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bằng hàng loạt các dẫn chứng. Câu chuyện đoạn “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” cho thấy sự khéo léo của người viết. Các dẫn chứng được bác đưa ra vô cùng thuyết phục: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến nhân dân miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc”. Với biện pháp tu từ liệt kê, kết hợp với mô hình liên kết “từ… đến”, Bác đã khẳng định lòng yêu nước tồn tại trong người dân Việt Nam ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, giai cấp…

Phần cuối văn bản là lời khẳng định tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý, chúng có thể rõ ràng dễ thấy nhưng cũng có khi được “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Lòng yêu nước vốn là một thứ vô hình, nay lại được Bác so sánh trở nên cụ thể hơn. Qua lời của Bác, lòng yêu nước không phải những điều lớn lao, xa vời mà nó giản dị, ở ngay xung quanh ta. Nhiệm vụ của ta lại phải phát huy lòng yêu nước đó thành những hành động cụ thể.

Bài viết của Hồ Chí Minh có lập luận mạch lạc, rõ ràng, lí lẽ thống nhất với dẫn chứng. Cùng với đó là dẫn chứng phong phú, cụ thể, được diễn đạt bằng những hình ảnh so sánh cụ thể, sinh động. Tác phẩm xứng đáng là áng văn chính luận mẫu mực.

Như vậy, “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một tác phẩm ngắn gọn nhưng cô đọng. Hồ Chí Minh đã chứng minh cho người đọc thấy được tinh thần yêu nước của nhân dân ta dù ở quá khứ hay hiện tại.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí