Phân tích nhân vật ta trong Bài ca Côn Sơn>
Văn học trung đại, tuy chịu sự quy định chặt chẽ của tính quy phạm nhưng con người cá nhân vẫn được thể hiện một cách phong phú, sinh động
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 8 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Dàn ý
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Trãi (những nét khái quát về cuộc đời, các tác phẩm chính,…)
- Giới thiệu khái quát cái "ta" trong bài thơ “Bài ca Côn Sơn”.
II. Thân bài
- Nhân vật trữ tình đã xuất hiện với chân dung là cái ta - một cái ta nhàn và một cái ta thi sĩ:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có trúc bóng râm,
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
(Bài ca Côn Sơn)
- Sử dụng điệp từ, đại từ nhân xưng “ta” nhằm nhấn mạnh sự có mặt của “ta” ở mọi cảnh đẹp của Côn Sơn
- Sử dụng hàng loạt các động từ khẳng định tư thế làm chủ của con người trước thiên nhiên: Ta nghe, ta ngồi, ta nằm, ta ngâm thơ nhàn…
- Đó là cái ta thấm đượm cái tình của tâm hồn thanh cao, trong sáng.
⇒ Nhân vật trữ tình thả hồn mình, sống cuộc sống thanh cao, hòa mình vào giữa khung cảnh thiên nhiên Côn Sơn
⇒ Ca ngợi sức sống thanh cao, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
III. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:
+ Nội dung: vẻ đẹp hấp dẫn, nên thơ của thiên nhiên Côn Sơn và tâm hồn, nhân cách thanh cao, sống hòa hợp với thiên nhiên của Nguyễn Trãi
+ Nghệ thuật: điệp từ, so sánh, giọng thơ nhẹ nhàng, êm đềm, bản dịch bằng thể thơ lục bát với ngôn ngữ trong sáng, sinh động,…
Bài mẫu 1
Văn học trung đại, tuy chịu sự quy định chặt chẽ của tính quy phạm nhưng con người cá nhân vẫn được thể hiện một cách phong phú, sinh động. Nguyễn Trãi là một minh chứng tiêu biểu cho điều này. Thơ ông nói nhiều đến trung hiếu, nói nhiều đến đạo quân thần, nói nhiều đến lý tưởng trí quân trạch dân với mong muốn xây dựng một xã hội thịnh trị có thánh đế, có lương thần. Song cũng có những khoảnh khắc, cái tôi trữ tình trong thơ ông tự do thể hiện, mê say đắm đuối trước vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật. Điều đó được thể hiện rõ trong tác phẩm Bài ca Côn Sơn. Đây là bài thơ mà ông sáng tác trong thời gian về ở ẩn Côn Sơn, sống giữa vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, non nước hữu tình nơi này.
Đọc Bài ca Côn Sơn, ta không khỏi ngỡ ngàng trước cái ta Nguyễn Trãi, một cái ta thấm đượm cái tình của tâm hồn thanh cao, trong sáng. Nguyễn Trãi là người suốt đời ôm ấp một lí tưởng cao đẹp: lí tưởng vì dân vì nước. Nỗi niềm dân nước thường trực canh cánh khôn nguôi trong ông:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông
(Thuật hứng - Bài 5)
Dưới triều Lê, Nguyễn Trãi những mong đem tài năng và trí lực của mình vào việc giúp ích cho nước, cho dân. Nhưng sống giữa cảnh bon chen ganh ghét ở triều đình, tài năng của Nguyễn Trãi bị đố kị; trong khi đó nhà vua lại tin theo những lời xúc xiểm, không trọng dụng những người như ông. Mất lòng tin ở triều đình, Nguyễn Trãi đành phải cáo quan về ở ẩn, tìm về với ba khóm trúc vườn xưa để giữ cho tâm hồn được thanh sạch và cao đạo. Và Côn Sơn, ngọn núi tượng trưng cho khát vọng của Nguyễn Trãi về sự giao hoà giữa con người và vũ trụ, đã trở thành nơi để thi nhân tìm về.
Sống ở Côn Sơn, cái ta trữ tình của Nguyễn Trãi được khẳng định:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có trúc bóng râm,
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
(Bài ca Côn Sơn)
Trong các sáng tác trữ tình của Nguyễn Trãi, hầu như chủ thể trữ tình không xuất hiện trực danh mà chỉ ẩn đằng sau để kín đáo gửi trao cảm xúc, nỗi niềm:
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa rẽ cây.
(Ngôn chi - Bài 10)
Cùng lắm mới ngôn xưng là khách:
Khách đến, chim mừng, hoa xẩy động
Chè tiên, nước kín, nguyệt đeo về
(Thuật hứng - Bài 3)
Ở Côn Sơn ca thì khác. Nhân vật trữ tình đã xuất hiện với chân dung là cái ta - một cái ta nhàn và một cái ta thi sĩ.
Lúc thì ta mơ màng lắng nghe suối chảy, chim hót:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Lúc thì mượn đá để ngồi (Hoàng Phủ Ngọc Tường) ngắm cảnh hoặc đánh cờ một mình:
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Có lúc thì lại tha thẩn giữa đồi thông, tìm bóng mát nằm thảnh thơi:
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Rồi lại trầm mặc đứng dưới bóng trúc rợp mát màu xanh mà ngâm thơ, vịnh cảnh:
Trong rừng có trúc bóng râm
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Thật là lãng mạn và thi vị. Một cái ta thi sĩ ngâm thơ nhàn, lắng nghe mọi rung động tinh tế của thiên nhiên và cảm nhận nó bằng tâm hồn nghệ sĩ (nghe tiếng suối mà như nghe tiếng đàn, ngồi trên đá lại tưởng ngồi chiếu êm).
Một cái ta thảnh thơi (dù là trong khoảnh khắc) dạo chơi, ngắm cảnh, nằm dưới bóng râm, ngâm thơ... Dường như Nguyễn Trãi đã quên đi hết mọi ưu phiền. Không còn cảnh bon chen giành giật của chốn cửa quyền nhiều hiểm hóc, lòng người cực hiểm, chỉ có người và cảnh quấn quýt giao hoà với nhau. Với nhân vật ta, cuộc sống ấy thật hạnh phúc và có ý nghĩa. Côn Sơn đã trở thành nhà của nhân vật ta - một ngôi nhà thân thương, ấm áp tình người.
Trong cảm quan của nhân vật ta, một thế giới nhân gian rộng mở để tâm hồn thi nhân tìm đến, đón nhận thi nhân trở về với chính mình.
Đoạn thơ đã khép lại mà hình ảnh nhân vật ta với tất cả những vẻ đẹp của nhân cách thanh cao và tâm hồn thi sĩ thì cứ sừng sững trước mặt người đọc.
Bài thơ "Côn Sơn Ca" không phải chỉ hay và đẹp ở ý và tình, nó là sự thể hiện sâu sắc nhất về một tâm hồn trong sạch, thanh thản, giàu xúc cảm, một nhân cách đẹp, vĩ đại, sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Nhân vật "ta" không phải chỉ là một nhà thơ yêu thiên nhiên thuần túy, mà còn là một bậc túc nho có khí tiết thanh cao, đang sống cuộc đời ẩn dật, nhưng chẳng phải là lánh việc đời. Bậc túc nho ấy đang có những giờ phút lắng đọng tâm hồn để chiêm nghiệm, và khi có cơ hội lại ra giúp nước giúp đời.
Bài mẫu 2
Nguyễn Trãi (1380-1442) là anh hùng dân tộc, tướng tài xuất sắc, ngôi sao văn hóa nổi tiếng thế giới. Ông cũng là tác giả hàng đầu trong văn hóa dân tộc, với nhiều tác phẩm nổi bật và nhân cách cao quý. Bài thơ “Côn Sơn Ca” của ông là một kiệt tác. Ông sáng tác tác phẩm này khi ẩn mình ở Côn Sơn, sống giữa vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, non nước hữu tình nơi này. Nhân vật “ta” trong bài thơ xuất hiện giữa khung cảnh đó:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
...
Trong màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn”
Khi đọc và trải nghiệm bài thơ, điều đầu tiên chúng ta cảm nhận là một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời. Thể thơ lục bát dịu dàng mở ra phong cảnh Côn Sơn trước mắt chúng ta. Đó là âm thanh “suối chảy rì rầm” êm đềm làm bật lên hồn người. Đó là “đá rêu phơi” trầm tĩnh cổ kính. Đó còn là “thông mọc như nêm” xanh tươi, và “bóng trúc râm” dịu dàng như người quân tử chân phương... Cảm nhận về thiên nhiên từ thính giác, thị giác tạo nên ấn tượng của một vùng quê bình yên, nguyên sơ, tĩnh lặng.
Đây là bối cảnh cho Nhân Vật “ta” xuất hiện. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật đối xứng: Khi Côn Sơn “suối chảy”, “ta nghe”. Nghe như tiếng đàn cầm, so sánh tài hoa âm thanh với nhạc cụ là cách làm nổi bật tình yêu thiên nhiên của “ta”, nhà thơ Nguyễn Trãi. Khi Côn Sơn đẹp với “đá rêu phơi”, “ta” ngồi thưởng thức vẻ đẹp xung quanh. Cảm nhận từ thính giác và thị giác tạo ra ấn tượng vùng quê bình yên, nguyên sơ, yên tĩnh.
Nhân vật “ta” và thiên nhiên Côn Sơn hòa quyện. Thông qua các động từ như nghe, ngồi, nằm, ngâm, nhân vật trữ tình thể hiện tâm thế tự chủ, thoải mái, sảng khoái của một thi sĩ yêu thiên nhiên. Cảnh đẹp Côn Sơn thúc đẩy nhân vật hòa mình vào thiên nhiên. “Ta” trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh, làm đẹp thêm cho vẻ trong lành và khoáng đạt của nơi này.
Bài thơ “Côn Sơn Ca” không chỉ hay về ý và tình, nó còn là sự thể hiện sâu sắc về một tâm hồn trong sạch, thanh thản, giàu xúc cảm. Nhân vật “ta” không chỉ là nhà thơ yêu thiên nhiên, mà còn là bậc túc nho có khí tiết thanh cao. Bậc túc nho ấy đang sống cuộc đời ẩn dật, nhưng chẳng lánh việc đời. Nhân vật “ta” giúp thấy được nét đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, con người tài hoa, đầy nhiệt huyết với dân với nước.
Nhân vật “ta” đã làm cho chúng ta thấy một phần tâm hồn của Nguyễn Trãi, con người đầy nhiệt huyết với dân tộc và đất nước. Ta càng yêu quê hương, nơi sinh ra những con người cao cả như thế.
- Tổng hợp các cách mở bài, kết bài cho tác phẩm Bài ca Côn Sơn
- Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về đoạn trích "Bài ca Côn Sơn"
- Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong "Bài ca Côn Sơn"
- Phân tích bài thơ Bài ca Côn Sơn - Nguyễn Trãi
- Tìm đọc bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh và nêu cảm nghĩ
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục