Tập làm văn: Tả đồ vật (Kiểm tra viết) trang 75 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2


Giải bài tập Tập làm văn: Tả đồ vật (Kiểm tra viết) trang 75 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2. Câu Đề 4. Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 5 tất cả các môn

Toán - Tiếng Việt - Tiếng Anh

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề 1

Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em.

Phương pháp giải:

Dàn ý chi tiết

A. Mở bài: Giới thiệu chung về đồ vật được tả

- Đồ vật em định tả là gì? -> Quyển sách Tiếng Việt 5, tập 2

- Em có nó trong hoàn cảnh nào? -> Mẹ mua bộ sách lớp 5 để dùng cho việc học tập của em

B. Thân bài: 

- Tả bao quát:

+ Sách hình chữ nhật

+ kích thước 18cm x 24 cm

+ Độ dày 176 trang.

- Tả từng bộ phận:

+ Bìa làm bằng giấy cứng, láng, in hình các bạn đội viên các dân tộc khác nhau với chiếc khăn quàng đỏ thắm và bộ đồng phục học sinh đang ngồi cùng nhau tìm hiểu về quê hương đẹp xinh.

+ Bên trong các bài học sắp xếp theo tuần, xoay quanh năm chủ điểm: Người nông dân, Vì cuộc sống thanh bình, Nhớ nguồn, Nam và nữ, Những chủ nhân tương lai.

+ Các môn học trong tuần gồm Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện và Tập làm văn. Các phần ghi nhớ được đóng khung với nền màu xanh biển gây được sự chú ý nhất định.

+ Trước mỗi chủ điểm đều dành hẳn một trang minh họa cho chủ điểm đó. Mỗi bài học lại thường có hình minh họa rõ ràng, màu sắc đẹp, hấp dẫn, thu hút sự chú ý, làm cho bài học dễ hiểu hơn.

- Công dụng:

+ Quyển sách Tiếng Việt 5 tập hai sẽ theo em suốt học kì cuối của năm học, những kiến thức mới trong đó sẽ mở mang thêm trí óc non nớt của chúng em.

+ Mỗi bài tập đọc, mỗi bài kể chuyện… lại đem đến cho chúng em những bài học bổ ích, dạy chúng em cách sống sao cho hữu ích.

B. Kết bài

Không chỉ quyển sách Tiếng Việt 5 tập hai, cả bộ sách giáo khoa lớp 5, rất cần thiết và quan trọng đối với chúng em. Chúng không những hỗ trợ nhau trong việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức toàn diện cho chúng em mà còn góp phần khơi gợi, hình thành ở chúng em nhân cách tốt.

Lời giải chi tiết:

    Để chuẩn bị vào năm học mới, ba mua cho em một bộ sách giáo khoa lớp Năm, trong đó có cuốn sách Tiếng Việt 5, tập hai.

    Quyển sách Tiếng Việt mới xinh xắn làm sao! Nó có hình chữ nhật. Bìa sách được trang trí bằng một bức tranh với nhiều màu sắc khác nhau. Mặt bìa láng bóng. Sách mới nên có mùi thơm của giấy và mực in.

    Quyển sách khá dày, gồm 176 trang. Ngoài bìa phía trên in chữ TIẾNG VIỆT 5, tập hai bằng mực xanh và đỏ. Phía dưới là bức tranh có các hạn nhỏ thuộc nhiều dân tộc khác nhau đang nói chuyện vui vẻ. Trước mặt các bạn, những cô chú xã viên đang miệt mài cấy lúa, cày bừa trên các thửa ruộng. Xa xa là một ngôi làng nhỏ, mái ngói đỏ tươi nấp dưới những rặng tre đang rì rào trong gió. Xa nữa là biển cả mênh mông, từng đoàn tàu căng buồm ra khơi đánh cá. Trên bầu trời trong xanh, đàn hải âu đang nghiêng mình chao liệng.

    Lật sách ra, trang thứ nhất ghi tên các tác giả của quyển sách và một lần nữa chữ TIẾNG VIỆT 5, tập hai lại được lặp lại, có lẽ là để nhắc nhở chúng em hãy học tập tốt bộ môn Tiếng Việt. Trang 3 là chủ điểm Người công dân và một bức tranh vẽ cảnh các bạn thiếu niên khăn quàng đỏ thắm trên vai đang vui vẻ bỏ phiếu thể hiện vai trò và trách nhiệm của người công dân. Trang số 4 ghi chữ “Tuần 19” và bài tập đọc Người công dân số Một nói về những suy nghĩ, trăn trở và hành động của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con đường đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Bên trong các bài học sắp xếp theo tuần, xoay quanh năm chủ điểm: Người công dân, Vì cuộc sống thanh bình, Nhớ nguồn, Nam và nữ, Những chủ nhân tương lai. Những trang giấy đều thuộc loại tốt nên chữ đen nổi bật trên nền giấy trắng tinh. Để thuận tiện cho việc học tập, sách đã sắp xếp khéo léo các bài học theo từng chủ điểm từng tuần học, từng phân môn. Ngoài nội dung bằng chữ, sách còn ghép các bức tranh minh hoạ sinh động giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Các phân môn học trong tuần gồm Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện và Tập làm văn. Các phần ghi nhớ được đóng khung với nền màu xanh biếc, gây được sự chú ý nhất định cho người đọc. Trước mỗi chủ điểm sách đều dành hẳn một trang và hình minh hoạ cho chủ điểm đó. Mỗi bài học lại thường có hình minh hoạ rõ ràng, màu sắc hấp dẫn.

    Quyển sách TIẾNG VIỆT 5, tập hai sẽ là người bạn đồng hành cùng em trong suốt học kì II giúp em mở mang kiến thức và học tốt môn Tiếng Việt. Em quý quyển sách của em lắm! Hằng ngày, sau khi học bài xong, em bỏ nó vào cặp sách. Mai này dù lên lớp 6, em vẫn xem quyển sách ấy là người bạn tri kỉ giúp em vững kiến thức bước vào ngưỡng cửa cấp II.

Quảng cáo
decumar

Đề 2

Tả cái đổng hồ báo thức.

Phương pháp giải:

Dàn ý chi tiết

A.  Mở bài: Giới thiệu chung về đồ vật được tả (Đó là đồ vật gì? Lí do em có nó?)

-  Nhân dịp sinh nhật lần thứ chín của em, bố mua tặng em chiếc đồng hồ báo thức.

-  Nó là một vật dụng rất gần gũi với em.

B.   Thân bài:

* Tả bao quát:

-  Vỏ đồng hồ là một khối nhựa cứng hình chữ nhật.

-  Mặt số màu trắng, các chữ số màu đen.

-  Quanh mặt số có mạ một viền bằng đồng xi bóng loáng.

-   Bao ngoài mặt số là mặt gương trong suốt.

* Tả chi tiết các bộ phận bên trong của chiếc đồng hồ:

-  Đinh trên mặt số là bốn cây kim:

+  Kim giờ màu đỏ, to, ngắn nhất.

+  Kim phút nhô dài hơn

+  Kim giây bé nhất.

+  Kim báo thức có màu xanh lá cây - phía sau đồng hồ có các nút để lấy giờ và hẹn giờ.

-   Mở nắp nhỏ phía sau là chỗ gắn pin

-   Phía dưới có chân đế để giúp đồng hồ không bị ngã.

-   Tiếng kim chạy rất êm, đến gần nghe tích tắc, tích tắc.

-   Tiếng nhạc chuông báo thức nghe trong trẻo, ngân vang.

C. Kết bài:

Chiếc đồng hồ luôn miệt tích tắc tích tắc đếm thời gian không quản mệt mỏi đêm ngày.

- Chiếc đồng hồ từ bao giờ đã trở thành một người bạn nhắc nhở em đúng giờ trong bất kỳ công việc gì.

- Nhờ có đồng hồ mà em học được cách sắp xếp thời gian hợp lý, trân trọng mỗi một giây, một phút thời gian trôi qua.

- Em sẽ giữ gìn đồng hồ thật cẩn thận để nó trở thành một người bạn đồng hành bên em lâu thật lâu.

Lời giải chi tiết:

    Nhân dịp sinh nhật lần thứ chín của em, bố mua tặng em một chiếc đồng hồ báo thức. Nó là một vật dụng luôn cần mẫn làm việc và là một đồ dùng không thể thiếu đối với em.

    Đồng hồ có cấu tạo bên ngoài tương đốì đơn giản, vỏ đồng hồ là một khối nhựa cứng hình hộp chữ nhật. Mặt số hình tròn, màu trắng sữa, nổi bật trên mặt số là các chữ số màu đen. Bao quanh mặt số là một viền nhỏ vòng tròn bằng đồng xi bóng loáng. Tuy mảnh mai nhưng nó cũng làm cho mặt số nổi bật lên, rồi gắn chặt trên mặt số là bốn cây kim có hình dáng khác nhau. Kim giờ màu đỏ, to hơn các kim khác và ngắn nhất. Kim phút màu đen, mảnh và dài hơn! Kim giây bé nhất nhưng cũng là kim chuyển động nhanh nhất. Còn kim báo thức to hơn kim giây và có màu xanh lá cây rất đẹp. Bốn chú kim này là những nhân vật trực tiếp đếm thời gian. Dưới sự điều hành của bộ máy, các chú luôn nhận nhiệm vụ và cần cù làm việc. Dù ban ngày hay ban đêm thì kim cũng làm hết chức năng của mình. Mỗi khi cần lấy giờ hay hẹn giờ theo ý thích của mình, ta cần phải sử dụng các nút nhỏ ở phía sau đồng hồ. Mở nắp nhỏ ở phía sau ấy là chỗ gắn pin. Cung cấp đủ năng lượng điện trong pin là kim đồng hồ sẽ chuyển động không ngừng. Tiếng kim chạy rất êm, đến gần nghe tích tắc, tích tắc. Tiếng nhạc chuông báo thức có âm thanh trong trẻo, ngân vang. Tiếng nhạc chuông này đã giúp em thức giấc sau một giấc ngủ say nồng. Đồng hồ cứ đứng ở góc học tập đã giúp ích cho em. Nhờ có cái chân đế ở phía sau mà nó luôn luôn đứng vững. Bao nhiêu năm tháng đã đi qua, mặc cho góc học tập của em có nhiều vật dụng thay đổi nhưng riêng đồng hồ vẫn đứng đấy để trang trí bàn học và gọi em dậy học bài đúng lúc.

    Đồng hồ vẫn luôn lặng lẽ đếm thời gian. Tuy làm việc đã nhiều nhưng nó báo giờ giấc rất chính xác. Đồng hồ đã giúp em học tốt, nó luôn thầm nhắc em không để thời gian trôi đi vô ích.

Đề 3

Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.

Phương pháp giải:

Dàn ý tả bộ sa-lông phòng khách

A. Mở bài:

Giới thiệu bộ sa-lông: đặt ở phòng khách.

B. Thân bài:

* Tả bao quát:

- Bộ sa-lông màu nâu, gồm một ghế dài và hai ghế rời ra.

- Thân ghế, lưng ghế, tay ghế được bọc bằng vải simili, nệm ghế bọc vải nỉ màu xám.

* Tả chi tiết:

- Ghế rời, rộng sáu mươi xăng-ti-mét, ngang tám mươi xăng-ti-mét,

- Ghế dài ngang một phẩy tám mét, rộng sáu mươi xăng-ti-mét.

- Vải bọc nệm: nỉ tốt màu xám.

- Gối tựa làm bằng cao su, áo gối may bằng vải sợi tổng hợp dệt kiểu gấm hình lá, màu cà phê sữa.

- Bàn sa-lông: mặt bàn bằng kính tám li, chân bàn bằng thép trắng, kệ để báo bên dưới bằng gỗ, đánh véc-ni bóng loáng.

- Sử dụng: dùng để tiếp khách hoặc cả nhà ngồi xem ti vi, trò chuyện.

- Nêu cách giữ gìn bộ ghế sa-lông: Mẹ trải khăn bàn, em lau sạch bụi hằng ngày. Giặt và ủi vỏ bọc nệm khi sa-lông bẩn, không để vật có cạnh sắc nhọn lên đệm và thân ghế.

C. Kết bài: Tình cảm của em đối với bộ sa-lông

Sa-lông ôm ấp em khi em nằm lên ghế dài cho đỡ mệt. Mơ màng, em cảm nhận được sự êm ái của sa-lông.

Lời giải chi tiết:

     Đối với em, mỗi một đồ vật trong nhà đều ghi dấu biết bao nhiêu kỉ niệm đáng nhớ. Mọi thứ đều gần gũi và thân thiết với em. Nhưng có lẽ bộ sa-lông ở phòng khách là đồ dùng khiến em yêu thích hơn cả.

    Bộ sa-lông màu cà phê sữa, đặt ở góc trái phòng khách, gồm một ghế dài và hai ghế chiếc rời nhau. Mỗi ghế rời hình vuông dọc xem nhau độ sáu mươi xăng-ti-mét có nệm ngồi và gối tựa. Nệm sa-lông bọc vải nỉ tốt màu nâu xám, gối tựa bọc vải gấm màu xám bạc. Tay vịn của sa-lông rộng khoảng mười lăm xăng-ti-mét, bọc nệm simili màu cà phê sữa. Ghế dài của sa-lông rộng sáu mươi xăng-ti-mét, ngang một phẩy chín mét. Ghế dài có hai gối tựa màu sắc và chất liệu đều giống ghế rời. Bàn sa-lông bằng gỗ, đánh vec- ni bóng loáng, mặt bàn rộng năm tấc, dài tám tấc, làm bằng kính tám li màu nâu nhạt. Mẹ em trải khăn bàn màu kem và đặt lên đó một bình hoa hồng vàng làm bằng vải lộng lẫy. Mặt bàn sáng hẳn lên.

    Mỗi khi ngồi vào sa-lông, em có cảm giác êm ái như sa -lông đang ôm em vào lòng. Gối tựa của sa-lông rất êm, vừa sang trọng, vừa tiện dụng.

    Hằng ngày, em quét dọn và lau sa-lông sạch sẽ bằng một mảnh vải mềm, cả nhà cũng giữ gìn, không đặt vật nhọn sắc lên để ghế được bền lâu. Thỉnh thoảng mẹ em tháo bao gối nệm đi giặt ủi rồi “mặc áo” sạch cho nó. Sa-lông lúc ấy trông mới và sạch, thoang thoảng mùi nước hoa. Bố mẹ em bàn bạc công việc bên ghế sa-lông. Đôi khi bố mẹ em đọc báo, đọc sách. Gia đình em quây quần bên sa-lông rất đầm ấm, hạnh phúc.

    Sa-lông là đồ dùng nội thất tiện lợi và tân thời. Em rất yêu thích bộ sa-lông. Nhờ có nó, mỗi khi ngồi chơi hay tiếp khách, em thấy tự tin và chững chạc hẳn lên, thói quen cư xử lịch sự hình thành tự nhiên trong em, nói năng, thưa gửi với khách của ba mẹ em rất lễ phép. Phòng khách nhà em nhờ có bộ sa-lông trông gọn gàng và sáng hẳn ra.

Đề 4

Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

Phương pháp giải:

Dàn ý tả chiếc cặp sách em được tặng 

A. Mở bài: Món quà định tả là món quà gì? Em có từ bao giờ và do đâu mà có?

- Món quà em định tả là một chiếc cặp mới.

- Bố tặng khi em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

B. Thân bài:

* Tả bao quát:

- Cặp hình chữ nhật, được làm bằng da thuộc.

- Cặp mới nguyên, khổ to và dày, màu da đen bóng.

- Loại cặp có quai xách và dây mang.

* Tả từng bộ phận:

- Bên ngoài: Mặt cặp mịn, mềm, sờ êm và mát tay. Nắp cặp hình chữ nhật hơi vát ở hai bên. Trên mặt cặp có in hình hai chú chó trắng đang nô đùa trên thảm cỏ xanh.

- Hai bên cặp có hai khoá mạ kền sáng bóng. Mỗi lần mở ra đóng vào nghe “tanh tách” thật vui tai.

- Nắp cặp có gắn một quai xách bằng nhựa cong cong như một cái cầu.

- Bên trong: Cặp gồm ba ngăn:

+ Ngăn thứ nhất nhỏ, em dùng để cất các dụng cụ học tập.

+ Ngăn thứ hai và ba to hơn, em làm phòng ở cho các cô cậu sách vở. Các ngăn đều làm bằng da đen mềm và mịn.

C. Kết bài: Cảm nghĩ của em về đồ vật đó

Em thích cái cặp bố mua vì đây là một kỉ niệm đánh dấu những ngày tháng học tập với sức cố gắng của em. Em sẽ giữ mãi chiếc cặp thân thương này.

Lời giải chi tiết:

            Đồ vật gần gũi và thân thuộc nhất đối với mỗi người học sinh có lẽ là chiếc cặp sách. Bước chân tung tăng tới trường ai ai cũng đều khoác trên vai chiếc cặp sách xinh xinh. Em cũng giống như vậy. Em rất yêu chiếc cặp sách của em. Đó là món quà mà bố tặng cho khi em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Đó là người bạn thân thiết của em.

            Chiếc cặp của em có hình hộp chữ nhật. Cặp đủ to và rộng để em có thể đem đủ sách vở cho mỗi ngày đến trường. Nó được làm bằng vải bò, chất liệu bền và không dễ bị rách. Có hai quai đeo phía sau để em có thể đeo lên vai mỗi khi tới trường.

            Bố thật tinh ý khi lựa cặp màu xanh lam cho em, đó là màu sắc mà em vô cùng yêu thích. Màu xanh là màu của niềm tin và hy vọng. Em bước vào năm học mới với biết bao kì vọng và mong mỏi gặt hái được thật nhiều thắng lợi. Phía trước cặp có thêu hình chú mèo con đáng yêu đang tung tăng trên đường. Em tuổi mèo và em cũng rất thích mèo. Mỗi lần ngắm nhìn chiếc cặp là em lại đưa tay mân mê chú mèo con xinh xinh ấy. Phía đường viền nắp cặp có màu vàng. Trên nền xanh lại có viền vàng nhìn rất nổi bật và bắt mắt.Từng mũi may được máy một cách tỉ mỉ và tinh xảo. Khóa của cặp được làm bằng sắt xi bóng nhoáng không sợ bị hoen gỉ. Mặt sau của chiếc cặp cũng là màu lam nhưng đậm hơn ở phía trước. Bố nói màu đậm như thế này nhìn rất sạch sẽ, dù con có lỡ dây bẩn cũng khó nhìn ra. Dây quai cặp cũng là màu xanh đậm, có lót đệm nên rất êm.Những ngày phải mang nhiều sách vở đến lớp khoác trên vai chiếc cặp em không hề cảm thấy đau một chút nào.

            Mở cặp ra phía bên trong cặp có ba ngăn, một ngăn chính và hai ngăn phụ.Mỗi ngăn được ngăn cách bởi một lớp vải dù , mềm và chắc. Ngăn chính em xếp sách vở ngay ngắn, gọn gàng vào. Hai ngăn phụ em để dành xếp giấy tờ và dụng cụ học tập. Bố trí khoa học như vậy nên mỗi lúc em mở cặp để tìm kiếm đồ vật gì đều không phải mất quá nhiều thời gian. Đóng nắp cặp lại em còn được nghe tiếng kêu lách tách, nghe thật sự rất vui tai.

            Chiếc cặp sách là một vật vô cùng hữu ích.Nó giúp em bảo quản sách vở, chứa đựng nguồn tri thức của em. Cặp đồng hành với em mỗi ngày nắng mưa tới trường. Em coi cặp giống như người bạn thân của em. Em sẽ giữ gìn thật cẩn thận để cặp luôn được bền và đẹp.

Đề 5

Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.

Phương pháp giải:

Dàn ý tả chiếc trống đồng Đông Sơn

A. Mở bài:

Giới thiệu đồ vật định tả: trống đồng Đông Sơn, trưng bày tại viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

B. Thân bài:

a. Tả bao quát:

- Chất liệu: đúc bằng đồng.

- Hình dáng: hình khối trụ cao sáu mươi xăng-ti-mét, hình thể phức tạp: phần trên phình ra hình nón cụt, giữa thắt lại hình trụ tròn, phần chân loe ra hình phễu.

b. Tả chi tiết:

- Mặt trống: tròn, đường kính chín mươi xăng-ti-mét, gồm nhiều vòng tròn đồng tâm có hình khắc chìm trên mặt trống. Đó là các hình: người múa, người giã gạo, người đánh trống hoặc bơi chài, hoạ tiết lông công, hoạ tiết hình chim.

- Giữa mặt trống là hình ngôi sao, mỗi ngôi sao có mười hai cánh. Vành khắc hình chim có mười tám con chim tượng trưng cho mười tám đời vua Hùng Vương. Ngôi sao giữa tâm là biểu tượng cho tục thờ thần Mặt Trời của người Việt cổ.

- Thân trống: hình khắc nổi trang trí theo hình chữ nhật. Hình ảnh sắp xếp rất cân đối.

- Chân trống: trơn láng, không có hoa văn, cao khoảng mười lăm xăng-ti-mét. Chân trống là phần loe hình phễu của khối trụ tròn.

- Công dụng của trống đồng: trống đồng thực chất là một nhạc khí. Người Việt cổ dùng trống trong hội hè, đình đám, lễ lạc, tang lễ.

- Ý nghĩa lịch sử của trống đồng: hoa văn trên mặt trống thể hiện xã hội Lạc Việt xưa kia và nền văn minh nông nghiệp của người Việt cổ.

c. Cảm xúc của em khi được xem trống:

- Xúc động, tự hào về nền văn hoá cổ xưa của dân tộc.

C. Kết bài:

Cố gắng học chăm, giỏi để xứng đáng là con cháu Lạc Hồng.

Lời giải chi tiết:

    Hè vừa qua, công ty bố em tổ chức cho gia đình cán bộ công nhân viên du lịch các tỉnh miền Bắc. Đoàn được viếng lăng Bác Hồ và tham quan viện bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Tại viện bảo tàng Lịch sử Hà Nội, em được chiêm ngưỡng trống đồng Đông Sơn.

    Trong gian phòng lớn, nơi trưng bày các đồ vật cổ, trống đồng Đông Sơn được đặt trên một bục gỗ khắc chạm bốn chân theo kiểu cổ. Đường bệ và uy nghi, chiếc trống đồng có hình dáng đồ sộ, cân đối và hài hoà. Chiếc trống đồng Đông Sơn được đúc bằng đồng, hình khối trụ tròn, cao sáu mươi xăng-ti-mét, hình thể phức tạp: phần trên phình ra hình nón cụt, ở giữa thắt lại hình trụ tròn, phần thân loe ra hình phễu. Mặt trống hình tròn, đường kính chín mươi xăng-ti-mét gồm nhiều vòng tròn đồng tâm có hình khắc chìm trên mặt trống. Giữa mặt trống có hình ngôi sao lớn. Vòng tròn ngoài ngôi sao cũng khắc chìm các hình ngôi sao nhỏ hơn. Mỗi ngôi sao có mười hai cánh. Ngôi sao lớn ở giữa biểu tượng cho tục lệ thờ Thần Mặt Trời của người Việt cổ, mười tám ngôi sao xung quanh xen lẫn mười tám con chim tượng trưng cho mười tám đời vua Hùng Vương. Bao quanh các ngôi sao có hoạ tiết lông công, hình conngười múa, người giã gạo, người đánh trống hoặc bơi thuyền. Hoạ tiết hình chim có các hình tam giác đan xen vào nhau. Hoa văn hình học xung quanh mặt trống là các đường chấm nhỏ, vành chỉ trơn láng, vành tròn ngoài có hoa văn hình răng cưa, và các vạch ngắn song song.

    Thân trống là phần hình trụ của khối tròn. Thân trống có hình hoa văn khắc hình chiếc thuyền, hình võ sĩ, chim muông và thú. Tất cả hình ở thân trống được khắc nổi, trang trí theo hình chữ nhật. Hình ảnh được sắp xếp rất cân đối. Quai trống được đúc theo hình dâythừng bện. Thân trống trơn láng, không có hoa văn, cao khoảng mười lăm xăng-ti-mét. Chân trống là phần loe hình phễu của khối trụ tròn. Trống đồng Đông Sơn là cổ vật thể hiện đời sống của nhân dân và văn hoá của người Việt cổ. Theo lời cô thuyết minh của viện bảo tàng, trống đồng được làm từ thế kỉ VI và thể kỉ VII trước Công nguyên. Các hình khắc trên trống đồng cho ta hình dung được nền văn minh nông nghiệp của nước ta thời kì trước Công nguyên. Hoa văn của trống ghi lại các hoạt động của xã hội Lạc Việt thời đó: dân ta đã biết đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, sản xuất thủ công và sử dụng sức kéo trong nông nghiệp.

    Trống đồng thực chất là một nhạc khí. Người Việt cổ dùng trống đồng trong hội hè, đình đám, lễ lạc, tang lễ. Trống đồng còn là biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh bộ tộc. Trống đồng Đông Sơn cho ta biết nền văn minh văn hoá Đông Sơn của người Việt cổ. Việc nghiên cứu lịch sử, thời gian, biểu tượng của trống còn đang tiến hành nhưng những gì em biết được từ cô thuyết minh cũng làm em bồi hồi cảm động. Bộ sưutập trống đồng Đông Sơn của Việt Nam là bộ sưutập trống lớn nhất thế giới. Hoa văn trên mặt trống thể hiện nền văn hoá lâu đời của dân tộc Việt. Trải qua bao nhiêu thế kỉ, trống đồng Đông Sơn vẫn là nét son sáng chói trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ có thế, trống đồng còn là một đề tài nghiên cứu hấp dẫn các nhà khảo cổ trong và ngoài nước. Được chiêm ngưỡng trống đồng Đông Sơn thật là một nịềm vui lớn và may mắn của em.

    Em ra về mang theo trong tâm hồn xúc cảm dạt dào của lòng tự tôn dân tộc. Em được mở mang thêm kiến thức về lịch sử nước nhà. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để xứng đáng là con cháu Lạc Việt, cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc đúng như lời Bác Hồ dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.1 trên 946 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 5 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 5 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp con lớp 5 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.