Soạn bài Hộp thư mật trang 62 SGK Tiếng Việt 5 tập 2>
Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Hộp thư bí mật trang 62 SGK Tiếng Việt 5 tập 2. Câu 1. Người liên lạc ngụy trang hộp thư mật khéo léo như thế nào ?
Bài đọc
Hộp thư mật
Hai Long phóng xe về phía Phú Lâm tìm hộp thư mật.
Người đặt hộp thư lần nào cũng tạo cho anh sự bất ngờ. Bao giờ hộp thư cũng được đặt tại một nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất. Nhiều lúc, người liên lạc còn gửi gắm vào đây một chút tình cảm của mình, thường bằng những vật gợi ra hình chữ V mà chỉ anh mới nhận thấy. Đó là tên Tổ quốc Việt Nam, là lời chào chiến thắng. Đôi lúc Hai Long đã đáp lại.
Anh dừng xe trước một cột cây số ven đường, giữa cánh đồng vắng. Tháo chiếc bu-gi ra xem, nhưng đôi mắt anh không nhìn chiếc bu-gi mà chăm chú quan sát mặt đất phía sau một cây số. Nó kia rồi! Một hòn đá hình mũi tên (lại hình chữ V quen thuộc) trỏ vào một hòn đá dẹt chỉ cách anh ba bước chân.
Hai Long tới ngồi cạnh hòn đá, nhìn trước nhìn sau, một tay vẫn cầm chiếc bu-gi, một tay bẩy nhẹ hòn đá. Hộp thư lần này cũng là một chiếc vỏ đựng thuốc đánh răng. Anh nhẹ nhàng cạy đáy hộp thuốc, rút ra một mảnh giấy nhỏ, thay vào đó thư báo cáo của mình, rồi thả hộp thuốc về chỗ cũ.
Công việc thế là xong. Một giờ nữa sẽ có người đến lấy thư. Anh trở lại bên xe, lắp bu-gi vào rồi đạp cần khởi động máy. Tiếng động cơ nổ giòn. Chưa đầy nửa giờ sau, anh đã hòa lẫn vào dòng người giữa phố phường náo nhiệt.
HỮU MAI
- Hai Long: tên thường gọi của Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (1928 – 2002), một chiến sĩ tình báo nổi tiếng hoạt động trong lòng địch trước ngày miền Nam giải phóng.
- Chữ V: chữ cái đầu của tên nước ta, đồng thời là chữ cái mở đầu một từ tiếng Anh có nghĩa là “chiến thắng”
- Bu-gi: bộ phận phát lửa của động cơ xe
- Cần khởi động: cần đạp ở xe để nổ máy
- Động cơ: bộ phận dùng để biến xăng, dầu… thành năng lượng chạy máy
Bố cục
Có thể chia bài đọc thành 4 đoạn:
Đoạn 1: Từ đầu đến đáp lại
Đoạn 2: Từ Anh dừng xe đến ba bước chân
Đoạn 3: Từ Hai Long tới ngồi đến chỗ cũ
Đoạn 4: Phần còn lại
Câu 1
Người liên lạc ngụy trang hộp thư mật khéo léo như thế nào ?
Phương pháp giải:
Con đọc đoạn văn thứ 2, 3, 4.
Lời giải chi tiết:
Người liên lạc ngụy trang hộp thư mật rất khéo léo là đặt hộp thư ở nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất, nơi một cột cây số ven đường, giữa cánh đồng vắng; hòn đá hình mũi tên trỏ vào nơi giấu hộp thư mật; báo cáo được đặt trong một chiếc vỏ đựng thuốc đánh răng.
Câu 2
Qua những vật có hình chữ V, người liên lạc muốn nhắn gửi chú Hai Long điều gì ?
Phương pháp giải:
Con đọc đoạn văn thứ 2.
Lời giải chi tiết:
Qua những vật có hình chữ V, người liên lạc muốn nhắn gửi chú Hai Long tình yêu Tổ quốc của mình và lời chào chiến thắng.
Câu 3
Nêu cách lấy thư và gửi báo cáo của chú Hai Long. Vì sao chú làm như vậy ?
Phương pháp giải:
Con đọc đoạn văn 3, 4, 5.
Lời giải chi tiết:
Cách lấy thư và gửi báo cáo của chú Hai Long là chú dừng xe, tháo bu-gi ra xem, giả vờ như xe của mình bị hỏng, mắt chú không xem bu-gi mà lại chú ý quan sát mặt đất phía sau cột cây số. Nhìn trước nhìn sau một tay chú vẫn cầm bu-gi, còn một tay bẩy nhẹ hòn đá. Chú nhẹ nhàng cạy đáy hộp vỏ đựng thuốc đánh răng để lấy báo cáo và thay vào đó thư báo cáo của mình rồi trả hộp thuốc vào chỗ cũ, sau đó chú lắp bu-gi, khởi động máy như là đã sửa xong.
Chú Hai Long phải làm như thế để nhằm đánh lạc hướng chú ý của người khác, để không ai nghi ngờ.
Câu 4
Hoạt động trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ?
Phương pháp giải:
Theo con các chiến sĩ tình báo hoạt động trong vùng địch sẽ cung cấp được điều gì đáng giá cho quân ta? Điều này có ý nghĩa gì?
Lời giải chi tiết:
Hoạt động trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vì họ đã cung cấp cho ta những tin tức bí mật về địch để ta chủ động chống trả, giành thắng lợi đỡ hao tốn xương máu chiến sĩ, đồng bào.
Nội dung
Ca ngợi ông Hai Long và những chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch đã dũng cảm, mưu trí giữ vững đường dây liên lạc, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. |
- Tập làm văn: Ôn tập về tả đồ vật trang 63 SGK Tiếng Việt 5 tập 2
- Luyện từ và câu: Nối các vế câu ghép bằng cặp từ hô ứng trang 64 SGK Tiếng Việt 5 tập 2
- Tập làm văn: Ôn tập về tả đồ vật trang 66 SGK Tiếng Việt 5 tập 2
- Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 60 SGK Tiếng Việt 5 tập 2
- Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Trật tự - an ninh trang 59 SGK Tiếng Việt 5 tập 2
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Tiết 4 - Ôn tập cuối học kì 1 trang 174 Tiếng Việt 5 tập 1
- Chính tả: Nghe - viết: Chuỗi ngọc lam trang 136 SGK Tiếng Việt 5 tập 1
- Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh trang 34 SGK Tiếng Việt 5 tập 1
- Tập làm văn: Luyện tập tả người (tả hoạt động) trang 150 SGK Tiếng Việt 5 tập 1
- Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 5