Giải VBT ngữ văn 7 bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình


Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình trang 23 VBT ngữ văn 7 tập 1.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Câu 1 (trang 23 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Tình cảm mà bài 1 muốn diễn tả là tình cảm gì? Hãy chỉ ra cái hay của ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu của bài ca dao này. Tìm những câu ca dao cũng nói đến công cha nghĩa mẹ tương tự như bài 1.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ câu kết để xác định người nói và người nghe. Căn cứ vào mối quan hệ của hai nhân vật này để khái quát tình cảm được thể hiện trong bài ca dao. Cái hay của ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu cũng chính là khả năng diễn tả một cách cảm động và sâu sắc tình cảm đó. Tìm thêm một số bài ca dao ca ngợi công ơn của cha mẹ.

Lời giải chi tiết:

- Tình cảm mà bài ca dao 1 muốn diễn tả là tình cảm của cha mẹ đối với con cái, nhắc nhở công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

- Cái hay của bài ca dao:

+ Ví công lao của cha mẹ với các hình ảnh to lớn, vĩnh hằng: núi ngất trời, nước biển Đông.

+ Hình ảnh: cù lao chín chữ cụ thể hóa về công cha, nghĩa mẹ.

+ Ngôn ngữ: sử dụng từ láy “mênh mông

+ Âm điệu: nhắn nhủ, tâm tình.

- Những câu ca dao tương tự:

 - Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

- Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Quảng cáo
decumar

Câu 2

Câu 2 (trang 24 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Bài 2 là tâm trạng người phụ nữ lấy chồng xa quê. Hãy nói rõ tâm trạng đó qua việc phân tích các hình ảnh thời gian, không gian, hành động và nỗi niềm của nhân vật.

Phương pháp giải:

Em tập trung phân tích giá trị của những hình ảnh thời gian, không gian, hành động và nỗi niềm của nhân vật trong việc thể hiện nỗi cô đơn, niềm thương nhớ và thân phận của người phụ nữ lấy chồng xa quê. (Tại sao lại chọn khoảng thời gian đó? Điệp từ "chiều chiều" cho ta thấy hành động và tâm trạng của nhân vật diễn ra một hay nhiều lần? Không gian và hành động gợi dáng vẻ, thân phận nào của ngwoif phụ nữ? Cách nói "ruột đau chín chiều" ẩn chứa những tâm sự gì?).

Lời giải chi tiết:

- Bài 2 là tâm trạng của người phụ nữ lấy chồng xa quê.

- Phân tích tâm trạng:

+ Thời gian: "chiều chiều" - từ láy gợi buồn và thời gian tuần hoàn, lặp lại.

+ Không gian: "ngõ sau" - vắng lặng, không gian rộng, gợi sự cô đơn.

+ Hành động: “đứng”, “trông” hướng vọng, không yên lòng.

+ Nỗi niềm: “ruột đau chín chiều” nhớ thương cha mẹ, tê tái, đau buồn không giúp đỡ được cha mẹ.

⟹ Nỗi nhớ quê mẹ của người con gái được thể hiện da diết.

Câu 3

Câu 3 (trang 25 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Bài 3 diễn tả nỗi nhớ và sự kính yêu đối với ông bà. Tình cảm đó được diễn tả như thế nào? Cái hay của cách diễn tả đó.

Phương pháp giải:

Em cần dựa vào các từ ngữ "ngó lên", hình ảnh "nuộc lạt mái nhà"... để cảm nhận thái độ, tình cảm của nhân vật. Phân tích hình ảnh so sánh (số lượng và tác dụng của nuộc lạt trên mái nhà) và cấu trúc "bao nhiêu... bấy nhiêu" để thấy mức độ sâu sắc của tình cảm nhớ thương, yêu kính, biết ơn.

Lời giải chi tiết:

Nỗi nhớ và sự kính yêu đối với ông bà được diễn tả trong bài 3:

- Từ ngó lên thể hiện sự kính trọng của con cháu với ông bà.

- Hình ảnh nuộc lạt mái nhà thể hiện sự gắn bó bền chặt của những người trong gia đình và công lao ông bà khó nhọc cần cù gây dựng cho con cháu.

- Cách so sánh bao nhiêu ... bấy nhiêu đã cụ thể hóa nỗi nhớ công lao vốn rất trừu tượng.

Câu 4

Câu 4 (trang 25 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Trong bài 4, tình cảm anh em thân thương được diễn tả như thế nào? Bài ca dao này nhắc nhở chúng ta điều gì?

Phương pháp giải:

Em cần chú ý các từ ngữ miêu tả mối quan hệ anh em trong gia đình và hình ảnh so sánh diễn tả sự gắn bó bền chặt của tình ruột thịt. Căn cứ vào tình cảm đó để nêu lên ý nghĩa giáo dục của bài ca dao.

Lời giải chi tiết:

- Trong bài 4, tình cảm anh em thân thương được diễn tả thông qua:

+ Điệp từ "cùng chung - cùng thân": tính thiêng liêng, quan trọng.

+ So sánh: ví anh - em với tay – chân: phải biết gắn kết, nương tựa lẫn nhau thì gia đình mới êm ấm, hạnh phúc.

+ Cách dùng những từ ngữ mộc mạc, quen thuộc, dễ hiểu khi nói về sự gắn bó thân thiết của tình anh em.

- Bài ca dao muốn nhắc nhở chúng ta: anh em phải hòa thuận, đoàn kết, thương yêu nhau để cha mẹ vui lòng.

Câu 5

Câu 5 (trang 26 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Tình cảm được diễn tả trong bốn bài ca dao là tình cảm gì? Em có nhận xét gì về những tình cảm đó?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ 4 bài ca dao, căn cứ vào mối quan hệ của các nhân vật để xác định tình cảm được thể hiện trong từng bài (lời của ai nói với ai? thể hiện tình cảm gì? nhắn gửi điều gì?). Từ đó nhận xét về nội dung tình cảm được thể hiện trong mỗi bài.

Lời giải chi tiết:

Tình cảm đuợc diễn tả trong bốn bài ca dao là tình cảm gia đình. Những tình cảm ấy thường mang tính chất kín đáo, sâu lắng, chân thành tiêu biểu cho tâm tình của con người trong sinh hoạt hàng ngày của họ.

Câu 6

Câu 6 (trang 26 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Những biện pháp nghệ thuật nào được cả bốn bài ca dao sử dụng?

Phương pháp giải:

Đọc lại 4 bài ca dao, chú ý các yếu tố cơ bản trong hình thức nghệ thuật của từng bài như: thể loại (dùng thể thơ nào?), cách bày tỏ ý tình (lời lẽ, giọng điệu như thế nào), hệ thống hình ảnh (chú ý các biện pháp tu từ quen thuộc, phổ biến của ca dao). Từ đó, khái quát những nét chung và nêu nhận xét.

Lời giải chi tiết:

Những biện pháp nghệ thuật cùng được sử dụng trong bốn bài ca dao:

- Sử dụng thể thơ lục bát dân gian.

- Lời lẽ, giọng điệu chân chất, mộc mạc mà thiết tha, cảm động như tâm tình, trò chuyện, khuyên bảo.

- Sử dụng những biện pháp nghệ thuật quen thuộc: so sánh, sử dụng từ láy.

Câu 7

Câu 7 (trang 27 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Ngoài những bài ca dao được học và đọc thêm trong SGK, em hãy tìm đọc và chép lại một số bài ca dao khác có nội dung tương tự.

Phương pháp giải:

Bốn bài ca dao thể hiện các tình cảm trong mối quan hệ gia đình. Em tìm chép các bài ca dao khác theo từn chủ đề dưới đây:

Lời giải chi tiết:

Một số bài ca dao có nội dung tương tự:

Có cha có mẹ thì hơn,

Không cha không mẹ như đờn không dãy.

Còn cha gót đỏ như son,

Đến khi cha mất gót con đen sì.

*

Con có cha như nhà có nóc,

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

*

Đi đâu mà bỏ mẹ già,

Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai nâng.

*

Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

*

Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương.

*

Chiều chiều xách giỏ hái rau

Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần.

Câu 8

Câu 8 (trang 27 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Đọc bài ca dao dưới đây và trả lời câu hỏi:

 

Chiều chiều ra đứng bờ sông

Muốn về quê mẹ mà không có đò

Phương pháp giải:

Bài ca dao số hai diễn tả nỗi cô đơn, niềm thương nhớ và thân phận nhỏ bé của người phụ nữ lấy chồng xa. Em tìm xem nét tâm tư nào trong đó được thể hiện ở bài ca dao này. Chú ý sự giống nhau và khác nhau trong các chi tiết được dùng để bộc lộ tâm trạng (thời gian, không gian, nỗi niềm...)

Lời giải chi tiết:

a. Những chi tiết thể hiện tâm trạng của người phụ nữ lấy chồng xa quê: chiều chiều, ra đứng bờ sông, muốn về quê mẹ, không có đò.

b. So sánh với bài ca dao số 2:

- Những điểm giống nhau:

→ Thời gian: chiều chiều (thời gian gợi buồn và gợi sự lặp đi lặp lại)

→ Không gian: bờ sông/ ngõ sau (đều là những không gian có điểm nhìn phóng ra xa, gợi sự cô đơn)

→ Hành động: đứng bờ sông/ ngõ sau (trông chờ, mong mỏi)

- Những điểm khác nhau:

→ Bài ca dao này cụ thể hóa lý do khiến người phụ nữ không thể về thăm được quê mẹ: "không có đò".

→ Bài ca dao số 2 lại khẳng định sự bế tắc của nhân vật, chỉ biết trông về quê mẹ mà không có nhiều hi vọng để trở về.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.4 trên 13 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 7 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 7 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.