Bài 31: Người làm đồ chơi trang 137, 138 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống


Kể với các bạn về món đồ chơi em thích nhất. Bác Nhân làm nghề gì? Chi tiết nào cho thấy trẻ con rất thích đồ chơi của bác Nhân? Vì sao bác Nhân muốn chuyển về quê? Bạn nhỏ đã bí mật làm điều gì trước buổi bán hàng cuối cùng của bác Nhân? Theo em, bạn nhỏ là người thế nào?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Khởi động

Kể với các bạn về món đồ chơi em thích nhất.

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân và chia sẻ với các bạn.

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo 1:

Lisa là cô búp bê mà mẹ tặng em vào sinh nhật 7 tuổi. Cô búp bê cao khoảng 30cm và được làm bằng nhựa dẻo. Lisa có mái tóc màu vàng được tết thành hai bím tóc dài xinh xắn. Môi đỏ chúm chím trông rất đáng yêu. Khuôn mặt của Lisa tròn trịa bầu bĩnh, hai má đỏ hồng hồng dễ thương. Cô mặc một chiếc váy xòe màu cam, có chiếc nơ đỏ ở thắt lưng. Chân cô đi đôi giày búp bê màu đỏ.

Bài tham khảo 2:

Chiếc ô tô điều khiển từ xa là món quà của dì gửi về cho em. Lúc mới về, chiếc ô tô được đặt trong một cái hộp lớn, phía trước là giấy bóng kính. Chiếc ô tô là dạng xe đua. Nó có màu xanh dương. Tay cầm điều khiển xe màu đen có hai nút để khởi động và điều chỉnh hướng đi. Chỉ cần ấn nhẹ nút điều khiển, chiếc xe lao như bay về phía trước.

Bài đọc

Người làm đồ chơi

Bác Nhân, hàng xóm nhà tôi, là một người làm đồ chơi bằng bột màu. Ở ngoài phố, cái sào nứa cắm đồ chơi của bác dựng chỗ nào là chỗ ấy, các bạn nhỏ xúm lại. Từ những ngón tay đen sạm và thô nháp của bác Nhân hiện ra những con rồng đang múa, những con vịt ngây thơ, chậm chạp, những con gà tinh nhanh, chăm chỉ,… Bác Nhân rất vui với công việc của mình.

Mấy năm gần đây, những đồ chơi của bác không được đắt hàng như trước. Ở cổng công viên, có thêm mấy hàng đồ chơi bằng nhựa.

Một hôm, bác Nhân bảo:

- Bác sắp về quê đây, về quê làm ruộng.

Tôi suýt khóc:

- Đừng, bác đừng về. Bác ở đây làm đồ chơi bán cho chúng cháu.

- Nhưng độ này chả mấy ai mua đồ chơi của bác nữa. Còn một ít bột và màu, bác sẽ nặn và bán nốt trong ngày mai.

Đêm ấy, tôi đập con lợn đất, được một ít tiền. Sáng hôm sau, tôi chia nhỏ món tiền, nhờ mấy bạn trong lớp mua giúp đồ chơi của bác.

Chiều ấy, tôi thấy bác rất vui. Bác kể: “Hôm nay, bác bán hết hàng. Thì ra, vẫn còn nhiều bạn nhỏ thích đồ chơi của bác. Về quê, bác cũng sẽ nặn đồ chơi để bán. Nghe nói trẻ ở nông thôn còn thích thứ này hơn trẻ thành phố”

(Rút gọn từ truyện ngắn cùng tên của Xuân Quỳnh)

Câu 1

Bác Nhân làm nghề gì?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn đầu để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Bác Nhân là một người làm đồ chơi bằng bột màu.

Câu 2

Chi tiết nào cho thấy trẻ con rất thích đồ chơi của bác Nhân?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn đầu để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Chi tiết cho thấy trẻ con rất thích đồ chơi của bác Nhân là: Ở ngoài phố, cái sào nứa cắm đồ chơi của bác dựng chỗ nào là chỗ ấy, các bạn nhỏ xúm lại.

Câu 3

Vì sao bác Nhân muốn chuyển về quê?

a. Vì bác phải về quê làm ruộng

b. Vì trẻ con ít mua đồ chơi của bác

c. Vì bác không muốn làm đồ chơi nữa

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ hai và cho biết lí do bác Nhân về quê.

Lời giải chi tiết:

Bác Nhân muốn chuyển về quê vì trẻ con ít mua đồ chơi của bác.

Câu 4

Bạn nhỏ đã bí mật làm điều gì trước buổi bán hàng cuối cùng của bác Nhân?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn cuối để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Trước buổi bán hàng cuối cùng của bác Nhân, bạn nhỏ đã đập con lợn đất, lấy số tiền đó chia nhỏ ra và nhờ mấy bạn trong lớp mua giúp đồ chơi của bác Nhân.

Câu 5

Theo em, bạn nhỏ là người thế nào?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Theo em, bạn nhỏ là người có tấm lòng yêu thương mọi người. Bạn nhỏ biết quan tâm, chia sẻ với người khác.

Nội dung

Bài đọc kể về một bạn nhỏ và bác Nhân. Bạn nhỏ có một tấm lòng rất đáng trân trọng: tìm mọi cách để làm cho người mình yêu quý vui vẻ, hạnh phúc. Bác Nhân, người chuyên làm đồ chơi cho trò em, là người rất đáng trân trọng vì bác yêu nghề, yêu các bạn nhỏ. 


Bình chọn:
4.6 trên 39 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt lớp 3 - Kết nối tri thức - Xem ngay