Nêu ý kiến của em về vấn đề giới trẻ phát cuồng vì thần tượng lớp 7>
1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: giới trẻ phát cuồng vì thần tượng.
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...
Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
Giới thiệu vấn đề nghị luận: giới trẻ phát cuồng vì thần tượng.
2. Thân đoạn:
- Giải thích:
+ Hiện tượng cuồng thần tượng là gì?
+ Hiện tượng này bắt nguồn từ đâu và lý do một bộ phận các bạn trẻ hiện nay có xu hướng thần tượng một cách quá đà
- Thực trạng:
+ Hiện tượng "cuồng" ngày nay không khó bắt gặp
+ Những tin tức trên các mặt báo lớn về sự cuồng nhiệt không có giới hạn
+ Những cảnh tượng xếp hàng ăn ngủ tại sân bay để đón thần tượng
+ Thậm chí năm 2007, đã có trường hợp con dọa giết bố mẹ vì không cho đi xem thần tượng Super Junior từ Hàn Quốc về
- Nguyên nhân
+ Sự phát triển rầm rộ của văn hóa thần tượng trong ngành giải trí
+ Tâm lý quá đà của giới trẻ khi tìm được hình mẫu lý tưởng
- Ý nghĩa, hậu quả
+ Suy đồi đạo đức vì quá cuồng loạn thần tượng
+ Mất phương hướng, luôn ảo tưởng về hình mẫu thần tượng
+ Hành vi tiêu cực ảnh hưởng xấu tới những người hâm mộ chân chính
- Giải pháp
+ Gia đình, nhà trường có phương pháp định hướng hợp lý.
+ Cá nhân mỗi người có điểm dừng nhất định để giữ gìn văn hóa thần tượng
- Mở rộng vấn đề
3. Kết bài:
Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhộn nhịp nhưng cũng nổi lên bao vấn đề nhức nhối của xã hội. Một trong số đó phải kể đến là hiện tượng fan cuồng thần tượng của giới trẻ hiện nay. Fan cuồng thần tượng chính là hiện tượng con người yêu mến thần tượng quá mức dẫn đến mê muội, có những hành động, suy nghĩ phản cảm.
Hiện nay nền giải trí rất phát triển, có rất nhiều ngôi sao, ca sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế nổi lên được nhiều người biết đến, ngưỡng mộ. Nhiều bạn trẻ yêu mến thần tượng quá mức dẫn đến phát cuồng và có nhiều hành động quá khích như: vào trang cá nhân của thần tượng trên mạng xã hội để bình luận, tranh cãi nhau vì thần tượng thậm chí là dùng những ngôn ngữ không hay và cả bạo lực để bảo vệ thần tượng,…
Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến là do ý thức chủ quan của con người chưa tốt dẫn đến những hành động thái quá, do sự thiếu hiểu biết, kĩ năng mềm kém,… Nguyên nhân khách quan là do môi trường tác động (các Fanclub đăng bài công kích,…). Hậu quả của việc cuồng thần tượng quá mức gây tốn kém về thời gian và vật chất của mỗi người; gây ra những hành động xấu, tiêu cực trên mạng xã hội như: cãi lộn, làm nhục,…
Để khắc phục tình trạng này, trước hết mỗi con người cần tự biết kiềm chế bản thân, yêu quý thần tượng có chừng mực, biết điểm dừng, không tham gia vào các hoạt động gây kích động,…
Bên cạnh đó, các kênh truyền thông và phát thanh hạn chế đưa những tin đồn sai sự thật, chưa được kiểm chứng về những người nổi tiếng đồng thời tuyên truyền nhiều hơn về hậu quả của việc cuồng thần tượng,… Mỗi người một hành động nhỏ nhưng tạo ra một cuộc sống tích cực, chất lượng, chúng ta hãy biết thế nào là vừa phải và sống trọn vẹn ngay từ hôm nay.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay, hiện tượng cuồng thần tượng ở giới trẻ đã trở nên phổ biến và có nhiều tác động tiêu cực đối với cuộc sống.
Có lẽ cụm từ “hiện tượng cuồng thần tượng ở giới trẻ” đã chẳng còn xa lạ với chúng ta hiện nay. Vậy thần tượng là gì? Đó là một danh từ để chỉ một cá nhân hay một tập thể được yêu thích, được biết đến bởi tài năng, phẩm chất của họ ở một lĩnh vực nào đó. Cuồng thần tượng là cụm từ dùng để chỉ những người say mê, yêu thích, thậm chí là tôn sùng các thần tượng của mình một cách quá khích, mất kiểm soát. Hâm mộ và thần tượng một ai đó cũng là một điều tốt nếu ta biết hâm mộ một cách đúng đắn. Bởi bản thân những thần tượng, họ là những người có tài năng, có phẩm chất tốt và được mọi người biết đến. Họ sẽ là tấm gương để bản thân những người hâm mộ họ không ngừng cố gắng và hoàn thiện bản thân mình tốt hơn. Thế nhưng, cuồng thần tượng thì hoàn toàn ngược lại. Nó sẽ khiến cho con người bị mất đi cái tôi cá nhân riêng biệt mà tự biến mình thành những bản sao di động của thần tượng. Không chỉ vậy mà các fan cuồng thần tượng còn bị lệch lạc trong nhận thức, luôn bị chìm đắm trong những thế giới ảo mộng ngộ nhận về thần tượng. Rất nhiều trường hợp các bạn trẻ không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình dẫn đến những sự việc đáng tiếc nhưng hành hung lẫn nhau vì xâm phạm tới thần tượng của mình, sẵn sàng tự tử, tuyệt thực để đe dọa bố mẹ nếu bố mẹ ngăn cấm việc theo đuổi thần tượng… Và còn nhiều hơn thế nữa những tác hại kinh khủng mà hiện tượng cuồng thần tượng gây ra. Bản thân các bạn còn đang là một học sinh, thuộc tầng lớp giới trẻ hiện nay, bạn hãy nghĩ mình nên nhận thức đúng đắn về việc thần tượng, hưởng cuộc sống của mình tới những điều tích cực hơn, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, và trở thành một người hâm mộ thần tượng có văn hóa.
Thời gian là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta còn trẻ. Tuy nhiên, nếu chúng ta lãng phí thời gian vào những việc vô ích thì đó là một sự lãng phí lớn. Vì vậy, thay vì lãng phí thời gian vào những hoạt động không có ích, chúng ta nên biết cách thần tượng một cách lý trí và có mức độ.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Sự phát triển văn hoá, giải trí, xã hội hiện nay ở cả trong nước và quốc tế hiện nay góp phần làm cho đời sống tinh thần của con người ngày càng trở nên phong phú. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển ấy lại là thái độ, nhận thức và cả những hành động chưa đúng mực của con người. Một trong số đó là hiện tượng fan cuồng thần tượng. Hiện tượng này rất nguy hiểm và mang tới nhiều hệ luỵ cho nền văn hoá cũng như đạo đức con người, đạo đức xã hội.
Có thể chắc chắn rằng, những người được coi là thần tượng không hề muốn có fan cuồng, và bản thân những fan cuồng không nghĩ rằng mình đang cuồng thần tượng một cách mù quáng. Chỉ cho đến khi những sự việc đáng tiếc xảy ra từ hiện tượng fan cuồng như nghệ sĩ tự tử, trầm cảm, bỏ nghề,... ta mới thấy những hệ lụy đáng tiếc của cuồng thần tượng. Bản thân những người là thần tượng như ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên,... rất sợ các fan cuồng, bởi fan cuồng có thể bất chấp làm bất cứ điều gì liên quan đến thần tượng của mình. Không chỉ can thiệp, hay soi mói vào đời sống cá nhân, thậm chí một số fan cuồng còn dùng những hành động "bạo lực" bằng ngôn ngữ và hành động để bảo vệ thần tượng. Một phần do họ quá yêu mến thần tượng, không làm chủ được ý nghĩ của mình, hơn nữa nhận thức còn nông cạn. Phần lại do họ bị công kích từ nhiều phía, từ các anti fan, từ "truyền thông bẩn", đáng tiếc rằng họ làm vậy chỉ có hại cho chính mình và thần tượng của mình. Có người vì fan cuồng mà trầm cảm, sợ hãi không dám gặp fan, có người vì làm fan cuồng mà quên đi bản thân mình, fan cuồng giống như một con sâu đục thân trong làng giải trí.
Để ngăn chặn hiện tượng cuồng thần tượng, trước tiên, bản thân người làm fan phải ý thức được hành động, lời nói của mình, những người xung quanh và xã hội cũng phải chung tay để tuyên truyền, giáo dục về tác hại của fan cuồng thần tượng.
Bài tham khảo Mẫu 1
Thần tượng là những cá nhân hay tập thể được nhiều người biết đến và hâm mộ. Họ xuất thân trong nhiều lĩnh vực như giải trí, y tế, khoa học, chính trị, thể thao. Ngày nay, hình ảnh các ca sĩ, diễn viên, người mẫu, vận động viên, v.v… Việc ngưỡng mộ thần tượng ở mức độ hợp lý có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng mê muội quá đáng là một thảm hoạ tới sức khoẻ và tâm lí – một điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra hơn thập kỉ qua.
Giới trẻ thường xem thần tượng như mẫu hình lí tưởng vì thần tượng vốn có những phẩm chất nổi bật và đặc biệt trong lĩnh vực của họ. Cùng với thái độ ngưỡng mộ, giới trẻ có thể bắt chước tính cách, ngoại hình, hành động và lối sống của thần tượng với mong muốn trở nên giống với thần tượng. Vì thế, thần tượng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người, ngay cả khi xa cách về mặt địa lý và quan hệ xã hội. Thậm chí, có những người còn tạo ra mối quan hệ tưởng tượng với thần tượng vì sự xuất hiện liên tục của thần tượng trên truyền thông, đặc biệt là truyền hình vì nó tạo cảm giác thần tượng đang nói chuyện trực tiếp với họ.
Nếu quá cuồng thần tượng, con người sẽ rơi vào trạng thái bệnh lý thần kinh là tôn thờ thần tượng một cách mù quáng, thiếu lý trí. Những người ở mức này có biểu hiện cực đoan như ảo tưởng thần tượng yêu mình, thường xuyên chủ ý theo dõi bám đuôi thần tượng, trao đổi thư từ có nội dung không phù hợp. Những người này thường có vấn đề về lòng tin cậy và không có khả năng phát triển hay nuôi dưỡng các mối quan hệ lâu dài. Thậm chí là sẵn sàng bắt chước hành vi bừa bãi của thần tượng hoặc để cho thần tượng lợi dụng.
Người quá cuồng nhiệt với thần tượng thường có tập trung tình cảm ấy ở mức cao độ khiến cho họ trở nên hoang tưởng. Sự thiếu vắng các mối quan hệ ý nghĩa trong thực tế đã làm người hâm mộ mê mải tập trung hết sự chú ý vào thần tượng nhằm thiết lập định dạng bản thân. Tình trạng này đặc biệt diễn ra ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhân cách chưa phát triển hoàn chính và rất dễ chịu sự tác động của nhân tố đồng lứa thân cận (bạn bè, hay thần tượng)
Từ hâm mộ sẽ nhanh chóng dẫn đến cuồng tín. Nếu người hâm mộ giữ ở mức vừa phải, các hoạt động này có thể đem lại lợi ích cho người hâm mộ, ví dụ như có thêm nhiều bạn, tăng mức độ thân mật trong các mối quan hệ. Thần tượng có ảnh hưởng tới thái độ và lòng tin của họ, hoặc đã tạo cảm hứng cho họ làm một việc gì đó một cách say mê. Tuy nhiên, việc tôn thờ thần tượng quá mức sẽ gây rất nhiều tác hại cho chính bản thân người hâm mộ.
Quá trình từ hâm mộ trở thành cuồng tín trải qua theo thời gian. Dần dần trong quá trình tìm hiểu thần tượng, người hâm mộ sẽ bắt đầu có những hành động quá khích. Những động cơ của các hành động này có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện. Ban đầu, người hâm mộ tìm kiếm bản thân, xây dựng nhân dạng dựa trên một hình mẫu có sẵn (thần tượng của họ). Sau đó, họ bắt đầu có những hành vi “phân rẽ khỏi bản thể thự”, tức là họ đánh mất bản thân để có thể đồng hóa với thần tượng, ví dụ tưởng tượng thần tượng yêu mình hay sự sống của thần tượng phụ thuộc vào mình.
Những người tôn thờ thần tượng có tình trạng sức khỏe tâm lý thấp hơn những người không tôn thờ thần tượng. Họ thường là những người thiếu tự tin vào bản thân và yếu đuối trước cuộc sống. Bởi thế, nếu tôn thờ thần tượng quá mức có thể liên quan đến việc phạm pháp. Những người có xu hướng “bắt chước tại hại” thần tượng có thể vướng vào những việc làm tiêu cực, thậm chí nguy hiểm.
Hiện tượng người hâm mộ cuồng tín có ở khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ đến Việt Nam. Một số ví dụ điển hình có thể nói đến như John Hinckley, một người hâm mộ quá khích của nữ diễn viên người Mỹ Jodie Foster đã ám sát tổng thống Ronald Reagan với mục tiêu “làm Jodie Foster ấn tượng”. Tại Trung Quốc, người cha của Dương Lệ Quyên đã tự tử với mong muốn con gái được gặp thần tượng Lưu Đức Hoa. Trong khi đó tại Việt Nam, người hâm mộ nhạc Hàn Quốc (Kpop) đã từng bị nhiều báo đài chỉ trích vì những hành vi nguy hiểm như “dọa dẫm, tự tử, tuyệt thực, gào khóc” để được phụ huynh đáp ứng những nhu cầu theo đuổi thần tượng. Đây chính là những biểu hiện của mức độ “Ranh giới-Bệnh lý”, hay “mê muội” như đề văn đã chỉ ra, mà giới hâm mộ nên tránh khỏi.
Có thể nói, việc hâm mộ thần tượng là một sở thích cá nhân cần được tôn trọng, và mang lại nhiều ích lợi cho người hâm mộ. Tuy nhiên, nếu ngưỡng mộ thần tượng quá mức sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe và sự phát triển, đặc biệt với những người không hiểu rõ bản thân và chưa tìm được định hướng phát triển cho mình. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ có con cái ở độ tuổi vị thành niên cần hết sức lưu tâm đến vấn đề này. Đừng cấm cản hoạt động của con cái, vì như vậy sẽ khiến con trở nên càng bất mãn và nổi loạn. Thay vào đó, hãy tìm hiểu tâm lý của con, làm chỗ dựa vững chắc, ủng hộ hoạt động hâm mộ của con, và bảo đảm những hoạt động này không ảnh hưởng đến các hoạt động học tập và sinh hoạt của con.
Bài tham khảo Mẫu 2
Đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần của người dân ngày một tăng cao nhưng kéo theo đó là biết bao hệ lụy xấu, con người ngày càng vô cảm, chỉ chú trọng quan tâm mình và mặc kệ người khác. Tuy nhiên lại bộ bộ phận cư dân, đặc biệt là các cư dân trẻ, có lối sống vì người khác nhưng lại thái quá, lại là hiện tượng đáng lo ngại cho xã hội – đó là vấn đề cuồng thần tượng của một bộ phận giới trẻ
Thần tượng của giới trẻ là những diễn viên, ca sĩ thần tượng, những con người hướng đến lý tưởng về cái đẹp. Thần tượng là mô thức hoàn hảo trong lĩnh vực nghệ thuật mà người hâm mộ muốn học hỏi, noi theo và tiếp nối. Họ tạo nên những xu hướng và giới trẻ thường xem đó là những điều hay muốn hướng tới. Ngưỡng mộ thần tượng là sự tôn kính, mến phục nồng nhiệt dành cho những đối tượng được xem là hình mẫu lí tưởng hoặc có quyền năng đặc biệt, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với cá nhân hay cộng đồng nhưng mê muội thần tượng là sự say mê, tôn sùng một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo trước thần tượng. Thần tượng một người với hình mẫu về một lối sống chuẩn mực thì rất đáng được khích lệ, vì nó sẽ như một tấm gương gieo mầm những nét văn hóa tốt đẹp. Hay nói cách khác, nếu ngưỡng mộ đúng mức là tích cực, thì ngưỡng mộ quá mức là tiêu cực và có thể còn gây ra hậu quả khôn lường.
Ngưỡng mộ thần tượng là một ứng xử văn hóa, biểu hiện ở các phương diện: thái độ trân trọng mến phục; hành động tôn vinh cổ vũ; ngôn ngữ ca ngợi tán dương. Tuy nhiên ngưỡng mộ thần tượng nhưng chớ nên mê muội thần tượng. Điều đáng nói là hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt Nam đã rơi vào tình trạng này. Đặc biệt, sự ngưỡng mộ của họ dành nhiều nhất cho các thần tượng xứ Hàn. Với họ, thần tượng là cuộc sống, là niềm vui của cuộc đời. Họ lướt mạng xã hội thường xuyên để theo dõi tình hình thần tượng. Vui buồn của thần tượng cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của họ. Họ tôn sùng thần tượng của mình mà bất cứ dám động chạm đến đều phải lãnh hậu quả, ít nhất là sẽ phải lãnh võ miệng của họ. Tiền bạc của họ dành phần lớn cho việc mua vé xem phim của thần tượng mình, mua đĩa, mua vé đêm nhạc của thần tượng mình, mua những đồ quảng cáo do thần tượng mình làm người đại diện hình ảnh. Họ coi trọng thần tượng mình hơn cả những người thân, bạn bè xung quanh. Hãy cứ điểm lại xem tình hình của mạng xã hội sau những ngày tổ chức sự kiện đón các ngôi sao, bao nhiêu hệ lụy xảy ra, nào là tình hình an ninh trật tự, ách tắc giao thông, fan cuồng có thể hàng ngày hàng giờ đứng đón đợi thần tượng ở sân bay, bất kể đêm ngày dõi theo thần tượng. Đến ngay cả thần tượng của họ cũng thấy sợ những hành động đó.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này trước hết là do tâm lý lứa tuổi. Các bạn trẻ sống trong thời hiện đại, khi nhu cầu ăn no mặc ấm đã nhường bước lại cho nhu cầu ăn no mặc đẹp, kinh tế phát triển, giao lưu hội nhập văn hóa ngày càng phổ cập, tuổi còn trẻ, suy nghĩ còn non và tâm lý bản ngã lớn nên luôn muốn làm theo điều mình thích, những điều hợp ý mình, có thể tự do thể hiện bản thân. Do gia đình bận rộn, thiếu thời gian quan tâm con cái, lại để con cái tự do thoải mái trong việc tiếp cận thông tin và không kiểm soát được tình trạng của con cái.
Thần tượng không có lỗi và việc cuồng thần tượng cũng không phải là một tội lỗi, nhưng nên đặt sự hâm mộ vào tầm kiểm soát. Việc định hướng con trẻ không nên quá sa đà vào việc thần tượng thái quá không phải là trách nhiệm của riêng ai. Cần có sự định hướng cho các em về hình ảnh thần tượng sao cho gần với thực tế. Vì mê muội thần tượng là trạng thái mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm, không còn khả năng suy xét, phân biệt đúng sai, lẫn lộn về giá trị, mê muội thần tượng còn dẫn đến hành động sai lầm quá khích, gây ra những hậu quả tệ hại cho bản thân và xã hội.
Việc mù quáng chạy theo thần tượng hay phóng đại thần tượng quá mức đều là biểu hiện của sự mê muội thần tượng, đều là những thái độ và ứng xử thiếu lành mạnh, thậm chí thiếu văn hóa, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Kẻ mê muội có thể bị chính thần tượng lợi dụng thân xác hay tiền bạc. Vì những tác động tích cực và những tác hại tiêu cực ấy chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về việc ngưỡng mộ thần tượng và lường được những hậu quả của sự mê muội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp, nâng tầm văn hóa cho bản thân trong mắt người khác, từ đó phấn đấu vươn tới những tầm cao của đời sống. Bạn bè cần biết chế ngự những cảm xúc say mê thái quá trước thần tượng, không chạy theo thần tượng một cách mù quáng; biết phê phán mọi biểu hiện mê muội thần tượng trong cuộc sống hàng ngày, mà trước hết là trong học đường.
Mỗi người có một thần tượng cho riêng mình để ước mơ và vươn tới. Tuy nhiên, việc làm thiết thực cho bản thân và cũng là cho thần tượng của chính họ đó là hãy có những hành động cư xử văn minh với thần tượng của mình Đừng vì quá đam mê và thần tượng hóa mà biến mình thành khác người không tốt cho bản thân và xã hội. Mỗi người chúng ta cần ý thức hơn về điều này để cuộc sống luôn văn minh hiện đại mà không đánh mất đi những giá trị cổ truyền tốt đẹp.
Bài tham khảo Mẫu 3
Trong một xã hội đang phát triển hiện nay, thì mọi thứ cũng sẽ phát triển: công nghệ, kinh tế, giải trí,… và trong đó giải trí là một nhu cầu thiết yếu của con người, đặc biệt là giới trẻ. Có một số bạn thanh thiếu niên đã coi một số nghệ sĩ, ca sĩ là thần tượng của mình. Có một thần tượng là một điều bình thường nhưng nếu thần tượng quá sẽ gây ra những ảnh hưởng.
Vậy thần tượng là gì? Thần tượng chính là một người mà chúng ta ngưỡng mộ, mà chúng ta cảm thấy thích, một mẫu người hoàn hảo đối với bản thân mà chúng ta luôn muốn được như vậy.
Trong cuộc sống, có rất nhiều kiểu để xây dựng riêng nên một thần tượng của bản thân mình. Nhưng giới thanh thiếu niên hiện nay thì đa số lại có thần tượng là một ca sĩ, nghệ sĩ nào đó. Coi một ca sĩ hay nghệ sĩ là thần tượng không phải là xấu mà đó chỉ là một hiện tượng tâm lý bình thường. Nhưng ta cần phân biệt thần tượng với si mê, si mê là khi con người mù quáng, mất ý thức và trở nên cuồng tín. Quá mê thần tượng sẽ hành động không suy nghĩ, mê muội, và sẽ đánh mất chính mình. Như vậy ta đã thần tượng quá mức gây nên những ý nghĩ tiêu cực và không tốt. Vì thần tượng là một người mà chúng ta ngưỡng mộ nên chúng ta cần học những cái tốt. Ngay cả đối với bản thân tôi thì tôi cũng có một thần tượng là ca sĩ, nghệ sĩ nhưng tôi chỉ thần tượng họ ở một mức độ nào đó mà chính bản thân tôi cho phép.
Các ca sĩ, nghệ sĩ cũng chỉ là một con người bình thường nên họ cũng sẽ giống như chúng ta, muốn có được những thời gian riêng tư, và chúng ta - những "fan" hâm mộ cũng nên biết thần tượng họ ở một giới hạn nào đó, không nên đi sâu, xem xét, soi mói ngóc ngách khác của đời sống thần tượng. Chúng ta yêu mến họ, và họ cũng có những tình cảm dành cho người hâm mộ nhưng không có nghĩa là chúng ta cần tới mọi buổi diễn hay lúc nào cũng ủng hộ mua album cho họ hay là có thể làm bất cứ điều gì để được gặp họ, nhưng chỉ cần ta coi họ là thần tượng là đủ rồi.
Nói chung có một thần tượng sẽ tốt nếu các bạn trẻ không trao gửi tất cả ước mơ, hy vọng của mình vào thần tượng, không vì theo thần tượng mà quên hết các mối quan hệ khác và mụ mị chính tinh thần của bản thân. Cuộc sống luôn cần một chút gì đó để yêu thích. Một chút gì đó để ngưỡng mộ. Một chút gì đó để giải nhiệt cuộc sống… nhưng chỉ một chút thôi, không phải là tất cả.
- Hiện nay, việc học sinh chọn bỏ học đi làm sớm hơn là học Đại học. Hãy trình bày quan điểm của em lớp 7
- Trình bày ý kiến của em về vấn đề bạo lực học đường lớp 7
- Trình bày ý kiến của em về câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" lớp 7
- Tết cổ truyền có nên giữ hay không? Hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên lớp 7
- Trình bày ý kiến của em về miệt thị ngoại hình lớp 7
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức - Xem ngay