Bài 6. Bài học cuộc sống - Văn mẫu 7 Kết nối tri t..

Hãy phân tích câu tục ngữ Đói cho sạch rách cho thơm


Trong cuộc sống hiện tại cũng như thời xưa, vẻ đẹp bên ngoài là vốn quý, là niềm tự hào của mỗi con người.

Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

2. Thân bài

- Câu tục ngữ gồm hai vế là “đói cho sạch” và “rách cho thơm”.

- Từ “đói” và “rách” ý chỉ cuộc sống vật chất nghèo khổ, thiếu thốn của con người. Còn “sạch” và “thơm” muốn nói về vẻ đẹp phẩm chất của con người.

=> Qua đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu rằng dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân.

- Trong cuộc sống, con người không thể lựa chọn gia đình, cảnh ngộ. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách sống để được mọi người yêu mến, kính trọng.

- Dẫn chứng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống.

- Liên hệ bản thân: Học sinh cần tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai.

- Mở rộng vấn đề: Một bộ phận có lối sống thực dụng, ăn chơi đua đòi… cần lên án và tránh xa.

3. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa của câu tục ngữ đối với mỗi người trong cuộc sống hiện tại.

Bài siêu ngắn

Trong cuộc sống hiện tại cũng như thời xưa, vẻ đẹp bên ngoài là vốn quý, là niềm tự hào của mỗi con người. Song phẩm chất bên trong còn quý giá hơn nhiều. Trong kho tàng tục ngữ, cao dao Việt Nam có rất nhiều câu tục ngữ thể hiện điều đó. Và một tiêu biểu, điển hình, phổ biến nhất đó chính là câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu tục ngữ có hai vế, đối rất chỉnh. tác giả dân gian đã mượn những thứ gần gũi, thiết thực với đời thường để biểu lộ những tư tưởng, quan điểm của những người dân lao động. Câu tục ngữ này mượn hình ảnh “đói” và “rách” để nói lên hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn của cuộc sống bấy giờ. “Sạch” và “thơm” là cách sống trung thực, không tham lam, biết giữ gìn phẩm chất trong sạch, không sa vào tội lỗi. Hai chữ “cho” có nghĩa là giữ lấy. Phải biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách đó chính là bài học của câu tục ngữ trên. Đó cũng chính là quan điểm sống của người dân lao động hoàn toàn trái nghịch với cách sống của giai cấp thống trị.

Bài mẫu 1

Với lối nói ngắn gọn, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hàm súc về nội dung. Tục ngữ luôn chú ý tôn vinh giá trị con người, đưa ra nhận xét, lời khuyên về những phẩm chất và lối sống mà con người cần phải có. Nhân cách, phẩm giá là thước đo giá trị con người. Nếu không may gặp hoàn cảnh khó khăn nghèo túng mà ta vẫn giữ được lối sống trong sạch, thanh cao, thì thật là quý giá vô cùng. Từ ngàn đời xưa việc giữ gìn nhân cách phẩm giá con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào đã được ông cha ta nhắc nhở qua câu tục ngữ:

Đói cho sạch, rách cho thơm

     Đọc câu tục ngữ ta gặp ngay hai cảnh tượng đói và rách. Nhưng đối lập với hai cảnh tượng ấy lại là tính chất sạch và thơm. Như vậy ta cần hiểu rõ các chi tiết ấy để thấm nhuần lời dạy của ông cha ta. Đói nghĩa là thiếu thốn đủ thứ, không có cuộc sống đầy đủ. Và đã nghèo đói, thiếu thốn thì khó mà lành lặn cho được. Nghĩa là phải rách. Câu tục ngữ đã đặt con người ta vào tình huống thiếu thốn đến cơ cực. Vậy mà khi nghèo đói, thiếu thốn thì ta vẫn phải giữ cho sạch sẽ, tức là quần áo dù không lành lặn, có thế rách, vá víu nhưng phải sạch sẽ không có mùi hôi bẩn thỉu. Đã có biết bao người nghèo được như thế? Trên thực tế xã hội nếu hiểu theo nghĩa thực của câu tục ngữ thì quả là hiếm. Nhưng ở đây ông cha ta đã mượn những tính chất sạch, thơm để nhằm giáo dục con người.

     Trong cuộc sống nhiều khi người ta vịn vào cảnh túng nghèo thiếu thốn để đổ lỗi cho việc ăn mặc rách nát hoặc bẩn thỉu của mình. Đó chỉ là cái hình thức bên ngoài nhưng còn nhân cách và phẩm giá con người thì sao? đó mới chính là cái cốt lõi mà câu tục ngữ muốn đề cập tới. Sạch và thơm không phải tự nhiên mà có được, điều này phải do chính con người tạo ra mới có. Nói một cách đúng hơn là do suy nghĩ, nhận thức của con người. Ta có thể hiểu rằng: dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng phải giữ cho được sự trong sạch, thanh cao, đẹp đẽ của tâm hồn, nghĩa là dù trong mọi tình huống no hay đói, rách rưới hay sung túc, con người ta đều phải biết giữ gìn nhân cách, lòng tự trọng của mình, đừng làm những điều xấu xa, bỉ ổi, bậy bạ để tổn thương đến danh dự cá nhân, danh dự gia đình. Bản thân mỗi người phải biết tự kiềm chế, phải sáng suốt và hết sức bình tĩnh trước mọi tình huống, mọi vấn đề, đừng vì nghèo túng hay vì vụ lợi cá nhân hoặc bất cứ một lý do nào khác mà bán rẻ lương tâm, danh dự của mình. Trong thực tế văn học đã cho chúng ta thấy điều đó. Nhân vật Lão Hạc trong truyện Lão Hạc (Nam Cao) là một hình tượng tuyệt đẹp và rất đáng trân trọng. Trước cái nghèo túng trầm trọng lão thà chết trong sạch chứ không thể để cho chính cái nghèo kia biến lão thành kẻ trộm cắp. Cái chết xót xa, đau đớn của Lão Hạc đã gây xúc động trong lòng người đọc bởi Lão Hạc là người nông dân nghèo nhưng có được tấm lòng và nhân cách đáng quý, thanh cao, đẹp đẽ, đáng khâm phục.


 Hay nhân vật Chị Dậu trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố), vì quá nghèo mà phải bán con, bán chó để lấy tiền nộp sưu cho chồng. Vậy mà chị thẳng thắn ném thẳng nắm bạc vào mặt tên tri phủ Tư Ân để giữ gìn vào bảo vệ lòng chung thuỷ đối với chồng.

     Tất cả những tấm gương ấy đều là những nhân cách cao đẹp. Đặc biệt trong ca dao thì hình tượng con cò trong bài ca dao con cò mà đi ăn đêm là hình ảnh tiêu biểu cho người dân lao động bình thường, nghèo khó cơ cực, túng thiếu đói rách nhưng biết giữ gìn tiếng thơm cho con cháu đời sau.

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

     Lời răn dạy trên của ông cha ta từ ngàn đời xưa cứ vang vọng mãi cho đến đời nay và đến cả mai sau. Lời dạy ấy quả là một bài học sâu sắc, có giá trị giáo dục về nhân cách đạo đức cho con người. Thấm nhuần giá trị câu tục ngữ trên, mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện tốt lời dạy trên.

     Trong thực trạng xã hội ngày nay, đứng trước nguy cơ chạy theo đồng tiền, thì phẩm giá con người, nhân cách con người lại càng là một vấn đề hết sức quan trọng. Mỗi chúng ta quyết tâm giữ được sạch, thơm trong hoàn cảnh xã hội hiện nay quả là điều đáng quý.

Bài mẫu 2

Trong cuộc sống, nhân cách và đạo đức muôn đời là thước đó giá trị của mỗi người chúng ta. Chính vì lẽ đó mà từ ngàn đời nay, ông cha ta đã luôn chú trọng việc giáo dục đạo đức cho con cháu mình? Như vậy, việc tu dưỡng đạo đức của bản thân trong đời sống hằng ngày đã trở thành những bài học quý giá mà chúng ta cần phải thấm nhuần. Và "Đói cho sạch, rách cho thơm" - một câu tục ngữ quen thuộc đã cho chúng ta thấy rằng cuộc sống dù : khó khăn, thiếu thốn, khó khăn đến đâu thì chúng ta nhất thiết luôn phải sống sao cho trong sạch, sao cho giữ gìn được nhân cách và phẩm chất của chính bản thân mình. Vậy nhân cách là gì? Tại sao chúng ta phải gìn giữ nhân cách bản thân? Là những điều ta cần tìm hiểu trong câu tục ngữ này.

      Trước hết, ta có thể hiếu câu tục ngữ là một lời khuyên về việc ăn, cách mặc của con người. Đó là dù bản thân có đói đến đâu chăng nữa thì ta cũng phải biết ăn uống cho hợp vệ sinh - "đói cho sạch"; quần áo tuy có cũ nhường nào cũng vẫn còn sử dụng được thì ta phải chú ý ăn mặc sao cho sạch sẽ, tinh tươm "rách cho thơm". Nhưng sâu xa trong câu tục ngữ này, ngoài việc nhắc nhở cháu con trong cách ăn, mặc, cha ông ta còn nhắn nhủ một lời khuyên quý báu về lối sống, về cách gìn giữ đạo đức, nhân cách của bản thân con người thông qua lối nói ẩn dụ. Cặp hình ảnh "đói - rách" là nói về hoàn cảnh sinh động của con người còn rất khó khăn, thiếu thốn nhiều về mặt vật chất; còn “sạch - thơm" là cặp hình ảnh nói về nhân cách, đạo đức và phẩm chất của con người. Như vậy, ta có thể khẳng định được rằng, nguyên cả câu tục ngữ là một lời khuyên cho mọi người về việc gìn giữ nhân phẩm bản thân trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Vậy thế nào là nhân cách? Nói chung, nhân cách là những đức tính tốt đẹp của con người và phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy định như lòng biết ơn, sự hiếu thảo, lòng dũng cảm, tính kiên trì, tinh thần yêu nước...

       Thế tại sao, con người phải giữ gìn nhân cách của mình? Đầu tiên, đó là bởi chính nhân cách là thước đo giá trị của mỗi con người, khẳng định vị trí của người đó trong cộng đồng xã hội. Chẳng phải vậy sao mà xã hội luôn trân trọng, yêu quý và tôn vinh những người có nhân cách, có đạo đức tốt đẹp. Từ đó mà luôn lấy họ làm tấm gương để răn dạy cháu con mình noi theo. Thật vậy, lịch sử chẳng bao giờ quên tôn vinh những tấm gương con người có nhân cách, đạo đức đáng khâm phục, và tiêu biểu chính là người thầy đạo cao, đức trọng Chu Văn An. Thầy đã đem nhân học suốt cuộc đời mình để truyền dạy cho tất cả học trò để rồi cho đến cả một con vật, do quá kính trọng thầy nên đã hóa thành người mà đến theo học lớp thầy dạy. Năm tháng trôi qua nghe thầy giảng đạo lí, nó đã được thầy cảm hóa. Tôn kính thầy, nghe lời giảng dạy của thầy mà thấm nhuần trong tim, nó đã phá luật trời, cho mưa xuống vùng nhiều năm hạn hán để người dân đỡ khổ, đỡ cực. Ngoài ra, thầy thuốc vị danh y Lê Hữu Trác cũng là một người như thế. Và tấm gương đạo đức ngời sáng về lòng kiên trì vượt mọi trở ngại, khó khăn của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu cũng cần chúng ta phải nhắc đến. Bên cạnh đó, trong tài cầm quân đánh giặc, thao lược trong chiến trận, Trần Hưng Đạo quả thực là một đại tướng tài giỏi. Và còn rất nhiều tâm gương ngời sáng khác trong thực tế cuộc sông của chúng ta hiện tại... Tuy nhiên, bên việc tôn vinh những con người như vậy, xã hội ta cũng luôn lên án những kẻ thiếu đạo đức, coi nhân phẩm của mình nhẹ hơn tiền tài, vật chất... Đặc biệt trong thời đại ngày nay cũng có không ít kẻ hám tiền, tham quyền rồi làm những nhiễu nhân dân bằng cách tham nhũng nhận hối lộ... khiến cho đất nước ngày một thêm nghèo.

 Mặt khác, nhân cách trong bản thân mỗi người thường được biểu hiện qua hành động và việc làm của họ. Chính vì thế mà, người ta có thể dùng hành động để làm ra tiền bạc nhưng chắc chắn không thể dùng tiền bạc mua nhân cách bản thân mình. Cụ thể, với một kẻ đã vào tù vì những hành động phi pháp của anh ta thì tất nhiên, anh ta chẳng thế dùng tiền để mua chuộc mọi người làm mờ đi quá khứ lỗi lầm ấy được... Mà anh ta chỉ có thể làm lại chính mình bằng những việc làm tốt đẹp, bằng những cố gắng thay đổi bản thân của chính con người anh thôi. Hơn nữa, trong thực tế con người chúng ta thường có một thói quen xấu khá phổ biến là "Đói ăn vụng, túng làm liều”. Nghĩa là, khi ở trong hoàn cảnh quá khó khăn, đói khổ mà không tìm ra giải pháp và lối thoát cho mình con người thường không còn tỉnh táo để suy sét về hành động của bản thân mà lại sinh ra thói trộm cắp nhằm giải quyết cái đói, cái khát trước mắt nên vì thế mà đánh mất nhân cách của bản thân. Ngoài ra, trong xã hội hiện tại còn : một số cá nhân thích đua đòi theo bè bạn để đúng với thời thượng, đẳng cấp. Họ ăn chơi xa hoa, coi trọng vật chất, tiền tài, danh vọng hơn cả phẩm giá của bản thân mình, chính thế mà những người này sẵn sáng bán rẻ nhân phẩm vì những mục đích xa xỉ. Vậy ra những việc làm tai hại như thế đâu chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới họ - bản thân những người gây ra như bị bè bạn khinh rẻ, bị mọi người lánh xa, bị luật pháp trừng trị nghiêm khắc mà còn ảnh hưởng rất xấu tới xã hội, tới cộng đồng khi gây mất trật tự, an ninh và cũng còn muôn vàn tệ nạn xã hội khác nữa...

       Và chúng ta cũng biết rằng, từ xưa đến nay, việc giữ gìn nhân cách, phẩm chất đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, dân tộc Việt Nam anh hùng. Chính thế mà chúng ta luôn phải tiếp thu, biết kế thừa và phát huy để mãi mãi gìn giữ vẻ đẹp này của dân tộc. Như vậy, để lời khuyên về nhân cách luôn được truyền lưu cho các thế hệ mai sau, các thể loại văn học dân gian đã đúc kết đưa ra những bài ca dao, các câu tục ngữ thực sự ý nghĩa như bài ca dao "Con cò mà đi ăn đêm" hay "Giấy rách phải giữ lấy lề", "Chết vinh hơn sống nhục", "Chết đứng hơn sống quỳ"... cũng là những câu tục ngữ thực sự thâm thúy. Và đặc biệt nhất có lẽ là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta, người đã bảo: "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì là người vô dụng”.

      Tóm lại, câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm” mãi mãi là một lời khuyên đúng đối với tất cả mọi người trong mọi thời đại. Vì một lẽ rằng: nhân cách chính là tài sản vô giá mà chúng ta cần phải biết coi trọng, giữ gìn và thường xuyên rèn giũa. Chúng ta cần sống một cách chân thật với mình, với mọi người, sống trong sạch, lương thiện để bản thân ta là một người tốt. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân ta mà còn góp phần đảm bảo cuộc sống tốt đẹp chung cho tất cả mọi người. Để gìn giữ nhân cách cho bản thân, thực sự có rất nhiều cách nhưng có lẽ phổ biên nhất là việc siêng năng, cần cù, và chăm chi học tập là những đức tính mà trước tiên ta phải chú ý đến.

Bài mẫu 3

Đạo đức, phẩm chất là những điều làm nên giá trị của một con người. Bởi vậy mà ông cha ta đã có lời khuyên răn: “Đói cho sạch, rách cho thơm” để nhắc nhở con cháu.

Câu tục ngữ gồm hai vế là “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. Từ “đói” và “rách” ý chỉ cuộc sống vật chất nghèo khổ, thiếu thốn của con người. Còn “sạch” và “thơm” muốn nói về vẻ đẹp phẩm chất của con người. Qua đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu rằng dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân.

Có ai đó đã từng khẳng định rằng: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được lựa chọn cách mình sống”. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Chẳng ai có thể tự vẽ ra cho bản thân rằng bố mẹ của ta sẽ là ai, gia đình của ta sẽ như thế nào, quê hương nơi ta sinh sống ở đâu. Xuất thân chính là điều mà con người không có quyền được lựa chọn. Nhưng con người có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Lựa chọn làm một người có ích, biết vượt lên trên mọi khó khăn nghịch cảnh. Hay chỉ làm một người tự ti, mặc cảm với xuất thân và coi đó là nguyên nhân để bản thân tìm đến với con đường sai trái. Lựa chọn giữ được phẩm chất trong sạch, tốt đẹp. Hay chỉ biết chạy theo giá trị vật chất, sống thực dụng và ích kỉ.

Câu tục ngữ trên chính là lời răn dạy cho con người về lựa chọn cách sống. Có thể kể đến tấm gương của các bậc tiền nhân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn để tránh xa khỏi chốn quan trường xô bồ. Hay không thể không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã phải kiếm sống bằng nhiều công việc lao động khác nhau. Dù khó khăn, vất vả nhưng Bác vẫn giữ được tấm lòng trong sáng, lý tưởng cao cả của bản thân. Không chỉ là những bậc hiền triết, vĩ nhân mà có rất nhiều con người giản dị, họ cũng có cách sống tốt đẹp ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.

Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời răn dạy đúng đắn. Chúng ta hãy sống như hoa sen vậy, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Bài mẫu 4

Tục ngữ đã gửi gắm nhiều bài học quý giá. Một trong số đó là câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” nhắc nhở mỗi người dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức tốt đẹp.

Trước hết, câu tục ngữ có hai vế “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. Hai từ “đói” và “rách” chỉ hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn. Còn “sạch” và “thơm” ý chỉ cách sống đẹp đẽ của con người. Hai chữ “cho” được lặp có nghĩa là giữ lấy. Tóm lại, “Đói cho sạch, rách cho thơm” muốn răn dạy chúng ta phải biết giữ gìn đạo đức, phẩm chất tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh.

Mỗi người đến với cuộc đời là một sự sắp đặt kỳ diệu của số phận. Chúng ta không được lựa chọn bố mẹ của mình, gia đình của mình giàu có hay nghèo khổ, quê hương của mình ở đâu. Nhưng chúng ta lại có thể lựa chọn cách sống của chính mình. Nhân cách, đạo đức của một con người có thể được định hình và thay đổi theo thời gian. Khi con người được định hướng và lựa chọn một lối sống đúng đắn thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc và thành công hơn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp mới đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người có đời sống vật chất khó khăn. Nhưng họ vẫn sống trong sạch, cố gắng nỗ lực để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngược lại vẫn còn rất nhiều người khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn dễ dàng sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Họ không chịu cố gắng trau dồi kiến thức cũng như phẩm chất đạo đức. Đối với một học sinh như em, câu tục ngữ là một lời răn dạy có giá trị, giúp em biết sống tốt đẹp hơn để trở thành người có ích trong tương lai.

Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” tuy ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa. Từ đó, con người cần phải ý thức giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, sống một cuộc đời có ích.

Bài mẫu 5

Ông cha ta đã gửi gắm những lời răn dạy cho con cháu qua những câu tục ngữ. Và “Đói cho sạch, rách cho thơm” cũng là một trong số đó.

Câu tục ngữ có hai về “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” muốn chỉ sự thiếu thốn về vật chất - không được ăn no mặc đủ. Còn “sạch” và “thơm” nhằm nói đến vẻ đẹp ở bên trong con người. Từ đó, câu tục ngữ gửi gắm mỗi người bài học dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân.

Mỗi người sinh ra đều có một cảnh ngộ riêng. Có người sung sướng, đầy đủ. Cũng có người khó khăn, thiếu thốn. Nhưng điều đó không làm nên giá trị của con người. Cũng giống như câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn nơi mình sẽ sống”. Trước hoàn cảnh khó khăn, con người vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, để lại “tiếng thơm” bay xa mới thật đáng trân trọng.

Chúng ta có thể kể rất nhiều tấm gương như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay cả Hồ Chủ tịch. Họ đều là những con người dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Mà cốt cách thanh cao, nhân cách tốt đẹp vẫn sáng ngời cao quý. Ngay cả trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn rất nhiều người dù sống trong khó khăn, thiếu thốn vẫn có tấm lòng trong sách, không màng vật chất.

Vậy mà có không ít người lại sống phụ thuộc vào hoàn cảnh. Họ sẵn sàng bỏ qua đạo đức để có giàu sang. Cuộc sống luôn có nhiều bất trắc khiến con người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng người bản lĩnh là trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ được cốt cách - “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Đối với một học sinh cần phải tích cực trau dồi kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi. Và trên hành trình bước đến tương lai, chúng ta có thể tự mình lựa chọn một cách sống ý nghĩa, đẹp đẽ hơn trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời khuyên giá trị. Phẩm chất, nhân cách mới là điều đáng trân trọng. Cũng giống như bông hoa sen - “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí