Bình luận một khổ thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ>
Có những con người đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước. Họ thấy hạnh phúc trước sự đổi thay da đổi thịt hàng ngày của quê hương mình
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...
Dàn ý
- Mở đoạn: Chọn một đoạn thơ em yêu thích trong bài thơ.
- Kết đoạn: Cảm nhận chung của em về đoạn thơ.
Bài mẫu 1
Có những con người đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước. Họ thấy hạnh phúc trước sự đổi thay da đổi thịt hàng ngày của quê hương mình. Thanh Hải là một con người như thế. Ông yêu quê, khao khát cống hiến cho cuộc đời ngay cả lúc ông đang nằm trên giường bệnh đấu tranh từng ngày để giành giật sự sống. Nhà thơ muốn được dâng hiến cho cuộc đời, nhưng chỉ dâng hiến một cách thầm lặng, như chính ông đã viết trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Thanh Hải sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Huế giàu truyền thống. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Thơ ông mang một giọng điệu ngọt ngào như những làn điệu dân ca trữ tình với ngôn ngữ bình dị cùng sự chân thật, đôn hậu như bản chất của con người xứ Huế. Mùa xuân nho nhỏ được coi là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Hải, ra đời trên giường bệnh, trước lúc ông mất không lâu. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời. Đồng thời cũng thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước. Thời gian vẫn cứ trôi, bốn mùa vẫn chuyển nhưng cuộc đời con người chỉ có một lần duy nhất, và lần duy nhất ấy Thanh Hải muốn sống trọn vẹn với quê hương. Hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" cùng với sự "lặng lẽ" khiến ta hình dung về sự cống hiến một cách thầm lặng trong suốt cả cuộc đời. Mùa xuân - tuổi trẻ của Thanh Hải chỉ là một phần nhỏ trong mùa xuân lớn của cả dân tộc. Ông biết điều ấy, và ông cũng tự nhận cống hiến của mình như một nốt trầm trong bản hòa ca bất tận của cuộc đời. Thế nhưng, nhiều hạt cát nhỏ mới tạo nên sa mạc mênh mông; đại dương bao la kia cũng được tạo thành bởi muôn vàn giọt nước. Điều đó cũng có nghĩa đất nước được như ngày hôm nay chính là nhờ sự cống hiến không ngừng nghỉ của những con người giống như Thanh Hải. Điệp từ "Dù là" cùng với hai hình ảnh ẩn dụ mang tính đối lập "hai mươi", "tóc bạc" làm cho hai câu thơ vang lên như một lời thề của con người cao cả ấy. Thanh Hải đã cống hiến cho đất nước của ông từ những ngày hai mươi, khi sức trẻ, nhiệt huyết của ông vẫn căng đầy trong lồng ngực. Nhưng sự hăng say, hồ hởi ấy vẫn luôn tồn tại ngay cả khi mái tóc ông đã bạc trắng. Suốt cả cuộc đời mình, Thanh Hải chưa bao giờ thôi trăn trở, suy tư về nghĩa vụ của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, trong một dân tộc với 4000 năm văn hiến. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi ông đang phải chống chọi với căn bệnh xơ gan hiểm nghèo ta mới thấy hết được tinh thần và khao khát rất đỗi nhân văn của một con người có trái tim nhân hậu như Thanh Hải. Có thể nói, đây là khổ thơ vừa mang khao khát vừa là lời thề suốt cả cuộc đời ông. Qua đó ta cũng càng thêm yêu mến và trân trọng hơn tấm lòng của Thanh Hải, người con của xứ Huế mộng mơ.
Bài mẫu 2
Trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện tình yêu cuộc sống và trân trọng từng phút giây được sống của mình qua khổ thơ đầu tiên:
"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng"
Bốn câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp mà nhà thơ Thanh Hải khắc họa. Từ "Mọc" được đảo lên đầu câu thơ cho thấy một sức sống tiềm tàng mãnh liệt của bông hoa. Những hình ảnh "dòng sông xanh, bông hoa tím biếc" chính là những hình ảnh của bức tranh thiên nhiên, bức tranh cuộc sống tươi đẹp. Nhà thơ như đang đứng trước bức tranh thiên nhiên trong tưởng tượng ấy của mình, nghĩ về những điều tươi đẹp của cuộc sống. Bức tranh được nhà thơ Thanh Hải vẽ ra không chỉ có màu sắc mà còn có âm thanh tiếng chim chiền chiện. Từ cảm thán "Ơi" và câu hỏi như trách yêu của nhà thơ đã thể hiện được vẻ đẹp của bức tranh tư tưởng trong tâm hồn nhà thơ. Dường như, bức tranh tâm tưởng trong tâm trí nhà thơ có đủ cả màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Ta có thể thấy đó là một trỗi dậy mãnh liệt của một tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống luôn thường trực. Đó là sự khát khao, yêu thương cuộc sống, yêu những vẻ đẹp của cuộc sống. Hình ảnh hoa và chim còn xuất hiện ở khổ thơ thứ tư trong bài thơ, như chứa đựng những khát vọng cao đẹp của nhà thơ được cống hiến cho cuộc sống. Hai câu thơ cuối "Từng giọt long lanh rơi/Tôi đưa tay tôi hứng" cho thấy một thái độ trân trọng, nâng niu từng điều, từng phút giây quý báu của nhà thơ. Hình ảnh "giọt" ở đây có thể là từng khoảnh khắc trôi qua, từng phút giây trôi qua. Hành động "hứng" của nhà thơ cho thấy thái độ trân trọng, nâng niu và khát vọng gìn giữ những điều tốt đẹp đang trôi qua trong tâm tưởng nhà thơ. Tóm lại, khổ thơ 1 chính là tình yêu cuộc sống và thái độ trân trọng, nâng niu cuộc sống của nhà thơ Thanh Hải.
Bài mẫu 3
Phương pháp giải:
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được tác giả sáng tác vào tháng 11, năm 1980 trên giường bệnh, trong tiết trời mùa đông se lạnh. Bài thơ là tác phẩm cuối cùng mà tác giả dành tặng lại cho thế hệ mai sau trước khi qua đời một tháng sau đó. Vậy điều gì đã thúc đẩy một con người sắp rời xa trần thế viết nên tác phẩm về mùa xuân tươi đẹp giữa trời đông lạnh giá? Đó chính là tinh thần lạc quan, yêu đời và hơn cả là yêu thiên nhiên, đất nước. Bằng con mắt tinh tường, sự quan sát tỉ mỉ, nhà thơ đã nhìn thấy, đã thu vào tầm mắt toàn cảnh thiên nhiên mùa xuân tràn đầy nhựa sống, vẽ nên một bức bích họa đầy màu sắc từ trong chính trí nhớ của bản thân mình về những mùa xuân đã qua.
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”
Những nét phác thảo đầu tiên nhưng cũng không kém phần đặc sắc hiện ra trước mắt người đọc. Hình ảnh mùa xuân-mùa đầu tiên trong năm, là bước chuyển mình chào đón những sự sống mới, mùa của chồi non, lộc biếc đã được tác giả lột tả một cách chi tiết. Một bông hoa màu tím biếc mọc giữa dòng sông xanh thăm thẳm. Dòng sông gợi ra cho ta sự trong trẻo, mát lành của dòng nước mùa xuân. Bông hoa không chỉ mang màu tím thông thường mà được tác giả đặc tả bằng cụm từ “tím biếc”, làm bật lên sự nhẹ nhàng, trầm ấm, gợi lên nét thủy chung, son sắt là những nét chấm phá hoàn hảo trên dải nước trong veo, xanh thắm. Dòng nước là phông nền, làm tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, làm cho bông hoa hiện lên thêm phần rõ ràng, nổi bật. Kết hợp với khung cảnh bầu trời mùa xuân cao và rộng, xanh ngắt và thoáng đãng, tạo thành một sự kết hợp hài hòa, cân đối, biến không gian thiên nhiên rộng rãi, to lớn thành một bức tranh phong cảnh khổ dài với đầy đủ các chi tiết rực rỡ sắc màu, mang đậm phong vị xứ Huế. Nhắc tới màu tím, ta bất chợt mường tượng đến Huế, với sắc tím mộng mơ ôm trọn cả một góc trời. Từ đây, ta có thể biết được, khung cảnh mùa xuân thơ mộng, tươi trẻ mà tác giả tưởng tượng ra trong suy nghĩ, cái mùa xuân mà ông mãi không thể quên được, chính là mùa xuân quê hương, mùa xuân xứ Huế. Cái sắc màu êm dịu, mang đầy tính biểu tượng ấy đã được tác giả khéo léo đan vào bài thơ, như một sự tưởng nhớ về cội nguồn, về quê cha đất tổ. Chưa dừng lại ở đó, cấu trúc đảo ngữ với động từ “mọc” ở hai câu thơ trên như để nhấn mạnh về hình ảnh bông hoa nhỏ bé. Nó không trôi dạt theo dòng nước mà đứng đó, từ từ vươn lên, kiêu hãnh nở rộ, mang lại vẻ đẹp, tỏa ngát hương thơm cho đời. Kế đó, ta như được nghe thấy, được cảm nhận tiếng hót líu lo, vang vọng trong không gian của chú chim chiền chiện nhỏ. Ta nghe thấy tiếng chim như thấy được sự rộn rã, tươi vui của một mùa xuân mới, nó thể hiện rõ tâm trạng say mê, ngất ngây của người thi nhân trước cái vẻ đẹp tươi vui, rộn ràng của mùa xuân quê hương. Tiếng chim chiền chiện như làm sống dậy bức tranh trong trí nhớ của tác giả, để ông cứ bồi hồi, xao xuyến nhớ về khoảng thời gian tươi đẹp ấy, tiếng hót líu lo như vực dậy tinh thần của con người đang chống chọi với bệnh tật. Những từ gọi đáp “ơi”, từ nghi vấn “chi” hiện lên hết sức tự nhiên, trìu mến và tha thiết, tiếng gọi ấy mới ngọt ngào, gần gũi, đáng yêu làm sao…Tiếng gọi như muốn níu lại, để đùa vui với thiên nhiên, muốn lưu giữ khoảnh khắc đẹp đẽ này. Từng chi tiết nhỏ, từng âm thanh trong tự nhiên đều được nhà thơ cảm nhận đầy đủ và rõ ràng, từ bông hoa bên dòng sông, tiếng chim ríu rít…tất cả chúng đều hòa quyện với ánh nắng xuân ấm áp, dịu dàng, lan tỏa khắp bầu trời, khắp mọi nẻo đường trên quê hương.
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Hình ảnh “giọt long lanh” làm ta liên tưởng ngay đến những giọt sương mai trong vắt, đọng lại trên bông hoa hay trên cành lá. Trong bài thơ, tác giả còn sử dụng hình ảnh này với một tầng nghĩa ẩn dụ vô cùng tinh tế, giàu sức gợi cảm: hình ảnh giọt sương long lanh hay chính là những tinh túy, được kết tinh, được ngưng tụ lại từ chính vẻ đẹp của mùa xuân, từ tiếng chim líu lo trên cành lá. Trước những tinh hoa của trời đất ấy, nhà thơ đã có hành động “đưa tay hứng”. Một hành động thể hiện sự trân trọng, nâng niu những vốn quý của thiên nhiên, đây là một động tác tưởng chừng đơn giản nhưng sâu bên trong lại ẩn chứa cái chất trữ tình đáng quý, sự tha thiết, trìu mến với mùa xuân. Bằng cách sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nhà thơ đã đưa bức tranh phong cảnh mùa xuân hữu tình với dòng sông, hoa lá, bầu trời - những hình ảnh mà ta cảm nhận bằng thị giác, đan cài vào đó là tiếng chim văng vẳng trong khoảng không mà ta nghe thấy được, biến hóa tất cả thành hình ảnh giọt long lanh mà ta có thể chạm vào, hứng lấy, có thể cảm nhận một cách chân thật nhất bằng đôi bàn tay con người. Một lần nữa ta có thể khẳng định chắc nịch rằng nhà thơ Thanh Hải là người rất yêu thiên nhiên, ông mở rộng tất cả các giác quan để cảm nhận sức sống căng tràn của mùa xuân mới, đón chào một bước tiến mới, một bước chuyển mình của thiên nhiên và của cả quê hương, đất nước, của dân tộc.
- Viết đoạn văn trình bày luận điểm: Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ giàu chất họa và chất nhạc
- Nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải
- Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
- Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Hãy viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức - Xem ngay