Có ý kiến cho rằng: Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn mình có thể viết, vẽ vào đó. Hãy trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên lớp 7>
1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó.
Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó.
2. Thân đoạn:
- Giải thích sách giáo khoa là gì?
+ Sách giáo khoa là một loại sách tổng hợp những kiến thức được dạy và học tại nhà trường.
- Biểu hiện của việc phá hoại sách:
+ Một số bạn có thói quyển vẽ bậy, viết bậy vào sách giáo khoa.
- Nguyên nhân:
+ Không biết trân trọng, giữ gìn.
+ Cảm thấy buồn chán với việc học.
- Hậu quả:
+ Sách sẽ trở nên lem luốc, không còn đẹp như ban đầu.
+ Không thể để lại cho những thế hệ sau, dẫn đến tình trạng lãng phí không đáng có.
+ Khiến sách giáo khoa mất đi ý nghĩa truyền đạt kiến thức cao quý vốn có.
- Đề xuất giải pháp:
+ Có ý thức giữ gìn sách.
+ Không vẽ lung tung, bừa bãi, giữ cho sách luôn phẳng phiu, sạch đẹp.
3. Kết đoạn:
Khẳng định vấn đề cần bàn luận.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Từ xưa đến nay, sách luôn được coi là một người bạn lớn của con người, có lẽ chính bởi sách có vai trò hết sức to lớn với đời sống nhân loại. Học sinh tới trường bấy lâu cũng coi sách giáo khoa làm người bạn đồng hành, vì vậy mà trong quá trình học tập dễ xảy ra những ý kiến trái chiều, một trong số đó phải kể đến ý kiến về việc viết, vẽ vào sách giáo khoa: Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó.
Sách là nơi cất giữ những tinh hoa, kiến thức bổ ích mà con người đã dày dặn tích luỹ được trong hàng ngàn năm qua. Sách giúp con người lưu giữ và truyền đạt kiến thức tích góp được đến cho mọi người, lưu giữ những kỳ công mà tốn bao nhiêu mồ hôi công sức mới quy tụ được. Vì vậy, để có thể thu gom, tích luỹ cho bản thân những kĩ năng xã hội, kiến thức thông dụng,…thì chỉ có việc đọc sách mới có thể thoả mãn được nhu cầu ấy.
Sách giáo khoa cũng vậy, được xuất bản cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông, gắn liền với chương trình học của mọi học sinh các cấp.
Việc viết, vẽ vào sách giáo khoa từ lâu đã là một vấn đề tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Bởi nhiều ý kiến cho rằng sách là người bạn của học trò, không nên viết chữ, vẽ tranh lên mặt sách. Hơn nữa, một cuốn sách đẹp, sạch sẽ và phẳng phiu cũng thể hiện những phẩm chất giữ gìn, ngăn nắp của một người học sinh, việc viết vẽ nên sách sẽ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của sách vở.
Sau cùng, nếu việc viết, vẽ nhằm mục đích học tập, cá nhân tôi nghĩ đây là quyền, suy nghĩ và lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, là một người học và tôn trọng tri thức, mỗi học sinh nên lựa chọn nội dung viết, ghi chú vào sách phù hợp như một cách làm nâng niu tri thức, thay vì những bức tranh chỉ mang tính giải trí, không phù hợp với môi trường học tập.
Sách là để học, để học tập, hãy để chúng phát huy tác dụng tuyệt vời của mình.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Sách rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Bởi vậy mà có ai đó đã từng khẳng định rằng “Sách là người bạn lớn của con người”. Tuy nhiên lại có một số ý kiến cho rằng Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó. Bản thân em không đồng tình với ý kiến này.
Sách giáo khoa hay bất cứ quyển sách nào cũng đều mang giá trị về tri thức to lớn. Chư kể quyển sách giáo khoa còn là người bạn thân thiết đối với mỗi học sinh chúng ta, là nguồn tri thức cơ bản nhất để làm bàn đạp cho ta tiến tới những bước tiếp theo trong cuộc sống. Chính vì vậy đối với quyển sách giáo khoa, mỗi học sinh nên có thái độ trân trọng, nâng niu giữ gìn thay vì viết hay vẽ bậy lên sách. Ngoài ra, việc giữ gìn sách giáo khoa sạch sẽ để cho các em lớp dưới sử dụng cũng là một trong những việc làm tốt giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Cũng có một số bạn có phương pháp học bằng cách ghi chú, hoặc chú thích những kiến thức quan trọng vào sách giáo khoa. Đây cũng là một trong những các phương pháp học hiệu quả của học sinh. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần phân biệt rõ ghi chú và vẽ bậy. Vẽ bậy và viết lung tung làm xấu đi hình ảnh của quyển sách và không mang lại giá trị về học tập.
Chính vì vậy, là một người học sinh chúng ta cần ý thức tầm quan trọng của sách. Hãy trân trọng và nâng niu, phát huy giá trị của người bạn lớn - sách để hoàn thiện bản thân và vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Sách giáo khoa là một đồ dùng học tập mà các bạn học sinh đều cần có khi đến lớp. Khi nói về các cuốn sách này, một số bạn học sinh có quan điểm rằng “Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó”. Cá nhân em cho rằng đây là suy nghĩ chưa đúng đắn.
Sách giáo khoa đúng là đồ dùng cá nhân của mỗi bạn học sinh do bố mẹ mua cho. Vì vậy, nó hoàn toàn thuộc về quyền sở hữu của các bạn. Tuy nhiên, nếu vì vậy mà các bạn có hành động viết, vẽ bậy vào trong sách thì đó là hành động không hợp lí. Em đã từng nhìn thấy có bạn vẽ những hình vẽ rất lớn hay viết các nội dung linh tinh lên trang sách, che lấp cả chữ và hình ảnh vốn có. Điều đó không chỉ khiến sách trở nên mất thẩm mĩ. Mà nó còn là hành động thiếu tôn trọng đối với những cuốn sách. Công dụng của sách giáo khoa là đem đến cho chúng ta những tri thức hay và bổ ích. Chúng ta nên trân trọng và giữ gìn chúng cẩn thận, thay vì có hành vi nghịch phá như vậy.
Ngoài ra, những cuốn sách giáo khoa luôn chỉ được các bạn học sinh sử dụng một năm sau đó thì để riêng ra không dùng đến nữa. Như vậy thì thật là phí phạm cho những cuốn sách mới dùng một lần. Vì vậy, các tổ chức xã hội và trường học thường kêu gọi các bạn quyên góp các cuốn sách ấy cho những bạn học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn không có đủ điều kiện để mua sách. Những cuốn sách ấy sẽ giúp các bạn được đến trường đầy đủ và bớt gánh nặng cho gia đình vốn đã nghèo khó. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã vẽ bậy, tô chữ làm che mất nội dung trong trang sách, thì làm sao mà các bạn ấy có thể dùng sách được nữa. Những cuốn sách bị hư hại như vậy thì sẽ bị bỏ đi một cách lãng phí, trong khi các hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn thì lại không có sách để học.
“Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó” là một quan điểm thể hiện sự ích kỉ và thiếu tinh thần tập thể của người nói. Đó là lối suy nghĩ đưa đến những hành động vô cảm trong xã hội, không muốn chia sẻ với người khác. Em cho rằng, việc vẽ bậy vào sách chẳng đem đến lợi ích nào. Vì vậy, chúng ta nên giữ gìn sách giáo khoa của mình. Để không chỉ giúp bản thân có đồ dùng học tập sạch đẹp mà còn có thể giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn khác khi cần.
Bài tham khảo Mẫu 1
Trong từng người chúng ta, sự nhận thức về việc đọc sách như một phương tiện mở rộng kiến thức, định hình vai trò và vị thế trong hành trình học vấn là vô cùng quan trọng. Chu Quang Tiềm đã chia sẻ quan điểm rằng: "Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn." Qua đó, ta nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đọc sách. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng viết và vẽ vào sách ngày càng trở nên phổ biến. Một số bạn học có quan điểm: "Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, chở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó." Em nghĩ quan điểm này có ý đúng, nhưng cũng có những điểm không phù hợp.
Sách không chỉ là nơi lưu trữ tri thức, mà còn là kho tàng tinh hoa trí tuệ của con người qua nhiều thế hệ. Nó như một người bạn, một vật phẩm vô giá của nhân loại. Hiện nay, việc xuất bản sách ngày càng gia tăng với đủ các thể loại khác nhau, mang lại lợi ích đa chiều cho cuộc sống con người. Đọc sách đã trở thành một đặc điểm văn hóa quan trọng và nhân văn.
Ở cấp phổ thông, sách giáo khoa thể hiện nội dung cụ thể của chương trình giáo dục. Trên thế giới, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau cho một môn học. Ở Việt Nam, chỉ có một bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học. Nội dung của sách giáo khoa được xây dựng theo hệ thống kiến thức khoa học, chính xác và theo các cấp độ logic khác nhau. Đọc sách giáo khoa không chỉ giúp nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng. Logic của nội dung kiến thức và kỹ năng là quan trọng để định hình phương pháp giảng dạy môn học.
Đọc sách mang lại nhiều lợi ích mà không thể kể hết. Thay vì mất hàng trăm năm để tìm kiếm và ghi chép thông tin, chúng ta chỉ cần vài giờ thông qua việc đọc sách. Đó là con đường ngắn nhất, nhưng quan trọng nhất để tích lũy và nâng cao tri thức, kinh nghiệm. Sách là bậc thang dẫn đến thành công trong cuộc sống, giúp hoàn thiện kiến thức đã học. Sách là người bạn thân thiết, gắn bó suốt đời, luôn cần thiết dù công nghệ phát triển đến đâu. Sách còn là hành trang kiến thức để chuẩn bị cho "cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới". Nếu không biết kế thừa những thành tựu của quá khứ, ta sẽ không đạt được những thành tựu mới.
Học sinh, sinh viên đang học phổ thông và đại học là lứa tuổi quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cần phải đọc sách. Nên chia sách ra làm hai loại chính: sách phổ thông và sách chuyên sâu. Đối với sách phổ thông, nên xem là tóm lược kiến thức học tập, sau đó nâng cao qua sách chuyên sâu. Đây là cách đọc sách có hệ thống, giúp suy nghĩ tư duy và nắm rõ vấn đề.
Trong quá trình đọc sách, việc viết, đánh dấu, ghi chú vào sách là thói quen khó tránh khỏi của nhiều người. Tuy nhiên, việc viết và vẽ vào sách có thể tạo khó khăn khi sử dụng lại sách, đặc biệt khi 35% học sinh tại Việt Nam sử dụng lại sách từ người khác. Mặc dù, trong đổi mới giáo dục, việc viết, ghi chú vào sách cũng được coi là một phương pháp học tập hiệu quả. Việc này vẫn gây tranh cãi với những người cho rằng viết và vẽ có thể làm mất đi giá trị của sách vở. Tuy nhiên, nếu viết và vẽ nhằm mục đích học tập, ghi chú nhanh vào sách, đây là một hành động hợp lý để hỗ trợ quá trình học. Ngược lại, nếu học sinh viết và vẽ những hình ảnh không liên quan, xuyên tạc nội dung sách, đây là hành động không được khuyến khích.
Như vậy, sách là tài sản quý giá của mỗi người, mỗi người có cách sử dụng và bảo quản riêng. Mặc dù sách là tài sản cá nhân, nhưng việc giữ sách sạch đẹp, phù hợp với mục đích học tập là cách tôn trọng tri thức và nội dung trên sách.
Bài tham khảo Mẫu 2
Thời kỳ học sinh, mọi người thường gắn liền với những cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo với hình ảnh minh họa và bản vẽ của các nhân vật. Bên cạnh đó, trong khi một số học sinh coi việc giữ gìn sách như việc giữ gìn mạng sống của mình, không ít bạn học lại có suy nghĩ khác: sách giáo khoa là tài sản mà bố mẹ đã chi tiền mua, nhưng nếu muốn, mình có thể tự do viết, vẽ lên đó.
Sách giáo khoa từ lâu đã là người bạn đồng hành đáng tin cậy của nhiều thế hệ học sinh. Sách giáo khoa, viết tắt là SGK, không chỉ là nguồn kiến thức mà còn là tài liệu được biên soạn với mục đích dạy và học tại trường. Thuật ngữ "sách giáo khoa" còn có nghĩa mở rộng là một loại sách chuẩn cho một ngành học cụ thể. Chúng được phân loại dựa trên đối tượng sử dụng hoặc chủ đề cụ thể. Với học sinh, sách giáo khoa được phân theo từng môn học, với mỗi cấp độ nâng cao kiến thức tương ứng.
Nếu nhìn vào những đóng góp của sách giáo khoa, chúng ta sẽ thấy rằng chúng không thể đơn giản chỉ là một công cụ giáo dục. Mỗi con người không thể phát triển mạnh mẽ, mở rộng tri thức nếu không tiếp thu kiến thức. Mỗi người cũng có thể chia sẻ kiến thức, lan tỏa thông điệp tích cực qua sách vở. Nếu các thế hệ trước không ghi chú kiến thức vào sách, hiện nay chúng ta sẽ không có những bài học hữu ích và xã hội không phát triển như ngày nay. Nếu không có sách vở, kiến thức sẽ mất dần trong bóng tối, với sự mất mát về truyền thống và văn hóa.
Tuy nhiên, việc viết, vẽ vào sách giáo khoa vẫn là một hiện tượng và có nhiều ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi cảm thấy rằng nếu viết, vẽ với mục đích học tập, ghi chú nhanh vào sách vở, đó là một hành động hỗ trợ có ý nghĩa. Ngược lại, nếu học sinh viết, vẽ những hình ảnh không liên quan đến bài học, không đúng với phong cách, và những câu chữ nhằm xuyên tạc nội dung sách, đó là hành động không nên và không được khuyến khích. Tuy sách là tài sản cá nhân, nhưng việc giữ sách sạch sẽ, phù hợp với mục đích học tập, là một cách tôn trọng kiến thức và những thông điệp được in trên sách.
Đọc sách là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Một cuốn sách tốt không chỉ mở ra niềm hy vọng, mà còn mang lại những điều hữu ích khi kết thúc. Đọc sách không chỉ nâng cao tri thức mà còn nâng cao nhân cách. Hãy trở thành người đọc sách và học sách một cách thông thái, đúng cách để cuốn sách có thể phát huy đúng tác dụng của nó đối với người học.
Bài tham khảo Mẫu 3
Một tiểu thuyết gia người Mĩ đã từng khẳng định: “Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều”. Câu nói giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sách - “Sách là người bạn lớn của con người.
Chúng ta đọc một cuốn sách hay, cũng như đang trò chuyện với một người bạn hiểu biết. Từ đó, chúng ta sẽ học thêm được nhiều kiến thức bổ ích. Bởi sách chính là nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Khi lạc vào thế giới của sách, con người sẽ đến với những chuyến hành trình bất tận, khám phá được nhiều điều mới mẻ và thú vị chưa từng được biết đến trước đây. Không chỉ là những tri thức của hiện tại mà còn là những nghiên cứu, những tinh hoa của quá khứ đã phải trải qua một quá trình dài mới có thể đúc kết ra được.
Bên cạnh kiến thức, sách cũng giống như người bạn, cùng chia sẻ với con người mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Một cuốn sách hay có thể giúp chữa lành những vết thương mà bạn đã trải qua. Nhờ có sách, chúng ta cũng nhận ra những phần mà bản thân còn khiếm khuyết, để từ đó tự hoàn thiện chính mình trở nên tốt đẹp hơn. Không chỉ vậy, sách còn là nơi giúp con người giải trí sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng và mệt mỏi.
Sách cũng có vai trò giáo dục, giống như người bạn có thể cho chúng ta lời khuyên khi chúng ta đi sai đường, hay định hướng chúng ta đến với những điều tốt đẹp. Những tác phẩm văn chương giàu giá trị giúp khơi dậy cho mỗi người biết xúc động, biết đồng cảm và chia sẻ. Những cuốn sách hướng nghiệp giúp chúng ta có được định hướng tốt trong cuộc sống… Khi xã hội càng phát triển, cũng sẽ có nhiều loại sách khác nhau. Giống như bạn bè, có bạn tốt cũng có bạn xấu. Con người cần biết lựa chọn sách để đọc sao cho hiệu quả, bổ ích.
Trong quá trình đọc sách, việc viết, đánh dấu, ghi chú vào sách là thói quen khó tránh khỏi của nhiều người, tuy nhiên viết, vẽ vào sách vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua. Việc viết vẽ vào sách sẽ khiến việc sử dụng lại sách cũ, tái sử dụng sách cho mục đích khác trở nên bất tiện, bởi 35% học sinh tại Việt Nam có kết quả khảo sát là sử dụng lại sách cũ từ anh chị, sách vở được cho tặng, quyên góp,… Tuy nhiên, trong đổi mới giáo dục, việc viết, ghi chú hoặc đánh dấu nhanh vào sách vở cũng được coi là một trong những phương pháp học tập khoa học và hiệu quả. Hơn nữa, nhiều học sinh cho rằng mình chỉ sử dụng sách một lần nên việc viết, vẽ hay không nằm ở quyền của người sử dụng sách.
“Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt”. Và lời khẳng định sách là người bạn lớn của con người là hoàn toàn đúng đắn, giá trị.
- Bày tỏ suy nghĩ của em về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay lớp 7
- Trình bày ý kiến của em về vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay lớp 7
- Nêu suy nghĩ của em về vấn đề học sinh hiện nay mặc trang phục không phù hợp khi đến trường lớp 7
- Nêu suy nghĩ của em về tác hại của thuốc lá điện tử lớp 7
- Nêu suy nghĩ của em về vấn đề trò chơi điện tử là không tốt (ý kiến đồng tình) lớp 7
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức - Xem ngay