Văn bản Tác gia Hồ Chí Minh>
I. TIỂU SỬ Hồ Chí Minh (1890 - 1969) thời thơ ấu có tên là Nguyễn Sinh Cung, lúc trưởng thành có tên là Nguyễn Tất Thành
Tác gia Hồ Chí Minh
I. TIỂU SỬ
Hồ Chí Minh (1890 - 1969) thời thơ ấu có tên là Nguyễn Sinh Cung, lúc trưởng thành có tên là Nguyễn Tất Thành, xuất thân từ một gia đình nhà Nho có tinh thần yêu nước, quê ở làng Sen, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau thời gian học chữ Hán trong gia đình (thuở nhỏ), học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp tại Trường Quốc học Huế, vào năm 1910, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết dạy học ở Trường Dục Thanh một thời gian ngắn rồi tiếp tục vào Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Đầu tháng 6 năm 1911, dưới tên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành xuống tàu sang Pháp và một số nước phương Tây khác, vừa lao động vất vả để mưu sinh, vừa tích cực tham gia các hoạt động yêu nước, cách mạng. Năm 1919, sau khi thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị Véc-xây (Versailles) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, nhà cách mạng trẻ tuổi lấy tên mới là Nguyễn Ái Quốc và nổi lên như một nhân tố trung tâm của các hoạt động cứu nước Việt Nam diễn ra trên đất Pháp. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tiếp đó, thực hiện nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả nhằm chống chủ nghĩa thực dân và đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Từ năm 1923 đến năm 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ yếu hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc và Thái Lan. Trong thời gian này, vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện rõ qua việc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra đầu tháng 2 năm 1930 tại Hương Cảng (lúc Hồng Kông), Trung Quốc. Cuối tháng 1 năm 1941, vị lãnh tụ cách mạng về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh (tên gọi tắt của tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh), lấy tên là Hồ Chí Minh (tháng 8 năm 1942), trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, khẳng định vị thế độc lập, tự chủ của nước ta trên trường quốc tế. Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2/9/1969 tại Hà Nội.
Là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn được nhân dân ta biết ơn, kính trọng và ngưỡng mộ. Hồ Chí Minh có uy tín quốc tế rất cao, thường được đánh giá là một trong những nhà cách mạng hay chính khách tạo nên nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới trong thế kỉ XX. Năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã suy tôn Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá lớn.
II. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
Hồ Chí Minh đã để lại một di sản văn học phong phú và có giá trị nhiều mặt, kết quả của việc huy động tài năng văn chương phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng. Ở Hồ Chí Minh, sự nghiệp văn học gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng
1. Quan điểm sáng tác
Quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh được thể hiện. Quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh tập trung, nhất quán trong nhiều bài phát biểu, nói chuyện và trong các tác phẩm văn, thơ cụ thể. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về tác dụng lớn lao của báo chí, văn học, nghệ thuật trong việc cảm hoá, giáo dục con người và tuyên truyền, vận động cách mạng Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi tác phẩm phải trở thành vũ khí, mang tính chiến đấu cao, đạt hiệu quả thiết thực, dễ tiếp nhận với đại chúng, có thể “soi đường cho quốc dân đi”. Trong bài thơ Khán “Thiên gia thử hữu cảm (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi"),
Hồ Chí Minh đã nêu yêu cầu dứt khoát đối với thơ của thời đại cách mạng
Hiện đại thi trung ung hữu thiết
Thị gia đã yếu hội xung phong.
(Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.)
Trong Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951, Hồ Chí Minh cũng phát biểu ý tương tự:
Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận.
Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Từ kinh nghiệm viết báo của mình, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở người cầm bút phải chú ý tự đặt ra và giải quyết các câu hỏi chính: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Các câu hỏi này đề cập cùng lúc những vấn đề lớn của hoạt động giao tiếp bằng văn bản (trước hết là văn bản nghị luận, văn bản thông tin): hình dung cụ thể về đối tượng tiếp nhận; xác định sáng rõ mục đích hướng tới; lựa chọn được nội dung phù hợp; tìm được hình thức truyền tải thông tin, thông điệp có hiệu quả.
Khi nêu quan điểm sáng tác như vậy, Hồ Chí Minh muốn hướng tới việc xây dựng một nền văn hoá, văn học mới phục vụ quần chúng lao động và đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của cách mạng – điều được chính tác giả tuân thủ nghiêm ngặt trong những tác phẩm mang tính chất tuyên truyền, vận động của mình. Trong bối cảnh đặc biệt của lịch sử, việc ưu tiên “đưa nghệ thuật vào chính trị” đã cho thấy sự toàn tâm, toàn ý của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc.
Do có cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và phạm vi giao tiếp rộng rãi, lại sẵn tư chất nghệ sĩ và tài năng nghệ thuật lớn, việc đa dạng hoá sáng tác đã được Hồ Chí Minh thực hiện một cách hết sức tự nhiên. Ở bộ phận thơ trữ tình viết theo cảm hứng thẩm mĩ, nhiều lúc tác giả hướng về các nội dung cá nhân, thể hiện những suy nghĩ thâm trầm trước bao câu hỏi mang tính muôn đời về tồn tại.
2. Thành tựu sáng tác
Sáng tác của Hồ Chí Minh có thể được chia thành ba bộ phận chính văn chính luận, truyện và kí, thơ.
Văn chính luận chiếm khối lượng lớn nhất trong di sản văn học của Hồ Chí Minh, gồm những tác phẩm được viết ra nhằm đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của hoạt động chính trị, cách mạng. Văn chính luận của Hồ Chí Minh luôn chứa chan nhiệt huyết, thể hiện tinh thần bám sát cuộc sống cách mạng để nắm bắt những vấn đề có ý nghĩa bức thiết đối với vận mệnh dân tộc và vận mệnh của tầng lớp cần lao trên toàn thế giới. Nhiều tác phẩm trực tiếp chất vấn, tố cáo các thế lực thực dân, đế quốc, kêu gọi nhân dân và các dân tộc bị áp bức tham gia đấu tranh cách mạng, đấu tranh vì chân lí độc lập, tự do.
Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp được viết bằng tiếng Pháp dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc, xuất bản năm 1925, đã tấn công mãnh liệt vào chủ nghĩa thực dân, vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với các dân tộc thuộc địa cũng như tính bịp bợm trong luận điệu mà chúng thường rêu rao về sự “khai hoa”. Bản Tuyên ngôn Độc lập (1945) với lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén và những bằng chứng “không ai chối cãi được”, là tiếng nói hùng hồn khẳng định quyền hưởng tự do, độc lập, quyền tụ làm chủ vận mệnh của một dân tộc đã can trường đấu tranh chống lại mọi sự nô dịch do ngoại bang áp đặt. Rất nhiều tác phẩm chính luận khác của Hồ Chí Minh như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (17/7/1966), Di chúc (1965 – 1969),... âm vang tiếng nói của non sông, của lịch sử, luôn có sức động viên, cổ vũ rất lớn, có thể khơi dậy được sức mạnh của toàn dân tộc.
Truyện, kí là một bộ phận sáng tác thực sự đặc sắc của Hồ Chí Minh, tuy có số lượng không nhiều. Nổi bật trong Truyện, kí của Hồ Chí Minh đó là những truyện ngắn được viết bằng tiếng Pháp, ra đời vào những năm hai mươi của thế kỉ XX: Pa-ri (Paris), Lời Uan vẫn của Bà Trưng Trắc, “Vi hành”, Những trò lố hay là Va-ren (Varenne) và Phan Bội Châu,... Các truyện ngắn này có phong cách rất hiện đại so với những sáng tác văn xuôi trong nước viết cùng thời điểm, thể hiện ở một số mặt như: xây dựng tình huống, dẫn chuyện, tổ chức ngôn ngữ đối thoại, khắc hoạ chân dung nhân vật, sử dụng các thủ pháp châm biếm, đả kích,... Nội dung các tác phẩm đều nhằm vào việc lật tẩy thói nô lệ đê hèn của những kẻ tay sai, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của bọn thực dân, phơi bày thực trạng đời sống tối tăm của tầng lớp cần lao, ca ngợi những tấm gương xả thân vì đất nước, dân tộc,...
Trong truyện, kí của Hồ Chí Minh, Vừa đi đường vừa kể chuyện (kí tên T. Lan, công bố lần đầu trên báo Nhân Dân năm 1961) là tác phẩm mang tính tự truyện đáng chú ý. Tác phẩm này thể hiện hình tượng cái tôi của tác giả rất sinh động: trẻ trung, hồn nhiên, giản dị, có tinh thần dân chủ, yêu quý con người, say mê hoạt động, có khả năng quan sát và phát hiện vấn đề nhạy bén, sắc sảo,... Ở đây, những sự kiện liên quan đến các hoạt động của tác giả thường được đặt trên cái nền rộng lớn là cuộc sống của quần chúng nhân dân - lực lượng đóng vai trò chính trong mọi cuộc cách mạng.
Thơ là mảng sáng tác thể hiện rõ nhất phẩm chất nghệ sĩ của Hồ Chí Minh, phần lớn đã được đưa vào trong hai tập: Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù, in lần đầu năm 1960) và Thơ Hồ Chủ tịch (1967). Ngục trong nhật kí gồm 133 bài thơ chữ Hán (không kể bốn câu mang tính chất đề từ), được viết trong thời kì Hồ Chí Minh bị chính quyền Quốc dân đảng ở Trung Quốc giam cầm (từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943). Ngục trung nhật kí, như nhan đề cho thấy, trước hết là một lập nhật kí, ghi lại những trải nghiệm, nỗi lòng và suy ngẫm của tác giả suốt thời gian bị đoạ đày trong tù ngục nơi đất khách.
Tập thơ giàu phẩm chất nghệ thuật, thể hiện được tầm vóc của một nhà thơ lớn và các đức tính cao quý của một nhân cách lỗi lạc. Tập Thơ Hồ Chủ tịch đã sưu tầm được những tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh sáng tác trong thời kì tiền khởi nghĩa và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Ở đây, dù là thơ chữ Hán hay thơ tiếng Việt, dù là thơ mừng xuân, tuyên truyền, vận động hay thơ trữ tình, tất cả đều thể hiện rõ tình cảm yêu nước, thương dân nồng cháy, niềm tin không thể lay chuyển vào tương lai, sự cẩn trọng, thanh thoát trong mọi ứng xử và phong thái điềm đạm, ung dung của tác giả trước những biến cố lớn lao trong thời đại cách mạng.
3. Phong cách nghệ thuật
Trong các tác phẩm mang tính văn chương đậm nét của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện một phong cách nghệ thuật hết sức đa dạng. Tác giả đã thực sự làm chủ các ngôn ngữ và thể loại được sử dụng. Do viết về nhiều vấn đề, đối tượng khác nhau và hướng đến những lớp độc giả khác nhau, mỗi tác phẩm hay loại tác phẩm của Hồ Chí Minh lại có một nét riêng về cấu trúc, ngôn ngữ, giọng điệu.
Văn chính luận của Hồ Chí Minh đã kế thừa được truyền thống tốt đẹp của thể văn này trong nền văn học dân tộc, lại học hỏi được nhiều kinh nghiệm ở văn chính luận các nước phương Tây, vì vậy, luôn đạt được sức thuyết phục rất cao. Khi hướng về kẻ thù của cách mạng các tác phẩm có lập luận đanh thép, lí lẽ sắc bén và những chứng cứ không thể chối cãi, mang tinh thần duy lí, tư duy khoa học rất rõ. Khi hướng về đồng bào, đồng chí, điểm nổi bật ở các tác phẩm là giọng điệu chân thành, thân mật, ở sự hoà quyện giữa lí và tình, khiến người đọc thấy “thẩm từng tiếng ấm vào lòng mong ước”.
Ở truyện, kí, khi viết bằng tiếng Pháp và hướng đến độc giả Pháp, Hồ Chí Minh (dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc) thường chọn cách viết hiện đại, có sử dụng một số thủ pháp quen thuộc trong văn học phương Tây như kể chuyện dưới hình thức viết thư hoặc để nguyên dạng một số từ ngữ của người bản xứ thuộc địa. Chất hài hước (humour) kiểu Pháp thấm đượm trong ngôn ngữ kể chuyện, đối thoại. Việc chuyển cảnh, chuyển đoạn được thực hiện linh hoạt, đột ngột, giàu tính điện ảnh, đưa người đọc đến những khám phá thú vị về đối tượng được nói tới. Còn khi viết bằng tiếng Việt cho độc giả là quần chúng trong nước, Hồ Chí Minh thường dùng cách kể dung dị, gãy gọn, hóm hỉnh và chú ý việc nêu bài học một cách trực tiếp.
Về thơ Hồ Chí Minh, có sự phân biệt rõ giữa thơ tuyên truyền, kêu gọi với thơ trữ tình. Thơ tuyên truyền, kêu gọi luôn có nội dung sáng rõ (mặc dù có thể được biểu đạt bằng ẩn dụ) và hình thức ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu, rất phù hợp với đại chúng. Trong khi đó, thơ trữ tình, nhất là thơ được viết bằng chữ Hán, lại thường mang đậm màu sắc cổ điển ở cấu tứ, cách sử dụng nhân tự, ở tình cảm đặc biệt dành cho thiên nhiên (nhất là cho trăng) và ở phong thái hiền triết phương Đông của nhân vật trữ tình. Tất nhiên, màu sắc cổ điển luôn có sự gắn quyện hài hoà với màu sắc hiện đại, do tư tưởng của người viết là tư tưởng của nhà cách mạng luôn tin vào ngày mai tươi sáng vào sự vận động tích cực của cuộc sống.
Nhìn chung, sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh phản ánh sự phong phú của một cuộc đời hoạt động cách mạng không mỏi mệt và sự đa diện của một tài năng văn chương đích thực. Bên cạnh đó, sự thống nhất cao độ trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh lại phản ánh sự thống nhất toàn vẹn ở con người tác giả như một hình mẫu nhân cách đặc biệt, kết tinh được nhiều giá trị đẹp đẽ của dân tộc và nhân loại, của truyền thống và hiện đại.
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay