Văn bản Sách thay đổi lịch sử loài người (Vũ Đức Liêm)


Bản thân mỗi cuốn sách là một vật phẩm văn hoá và sự tiến hoá của chúng là lịch sử thu nhỏ của sự giao lưu giữa các nền văn minh. Đằng sau mỗi cuốn sách không chỉ là một phả hệ tri thức, mà còn là lịch sử kĩ thuật, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tư tưởng của một thời đại

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Sách thay đổi lịch sử loài người

Vũ Đức Liêm

Bản thân mỗi cuốn sách là một vật phẩm văn hoá và sự tiến hoá của chúng là lịch sử thu nhỏ của sự giao lưu giữa các nền văn minh. Đằng sau mỗi cuốn sách không chỉ là một phả hệ tri thức, mà còn là lịch sử kĩ thuật, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tư tưởng của một thời đại |... Sách có ảnh hưởng lớn tới sự tiến hoá của các xã hội. Chúng không chỉ phản ánh sự thay đổi của kênh biểu đạt tri thức mà còn cho thấy sự thay đổi trong thế giới quan, góc nhìn chính trị, tôn giáo, ý thức hệ,... của các cộng đồng qua các thời đại.

[...] Sách đã góp phần tạo ra châu Âu hiện đại. Từ tri thức, ngôn ngữ, tôn giáo, giáo dục, báo chí, đã ra đời nước Pháp, nước Anh, nước Đức,... hiện đại. Sự thắng thế của phương Tây ở thế kỉ XIX − XX sẽ xác lập một nền văn hoá đọc mới trên toàn thế giới.

Lịch sử của sách thời hiện đại cho thấy những tương tác và ảnh hưởng sâu rộng của sách trên nhiều lĩnh vực. Từ cuối thế kỉ XVIII, văn hoá in ấn bùng nổ kéo theo sự phát triển của sách in, báo, tạp chí, quảng cáo,... [...] In ấn in dấu lên nhiều lĩnh vực, tạo ra sự khuếch đại tri thức ở quy mô chưa từng có trong lịch sử, dẫn tới những vận động mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Không phải ngẫu nhiên đi sau cơn bão in ấn ở châu Âu là cách mạng tư sản, chủ nghĩa dân tộc. Không phải ngẫu nhiên theo sau lần văn, tân thư cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX là các cuộc chuyển dịch xã hội và cách mạng chính trị sâu rộng ở thế giới Đông Á. [..]

Các cuốn sách như Của cải của các dân tộc, Nguồn gốc các loài, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,... không chỉ tạo ra “các diễn ngôn về văn minh, đức tin, trí tuệ, khoa học và tiến bộ” của thời đại mà còn tham gia dẫn dắt sự vận hành của xã hội loài người, cách mạng khoa học, kĩ thuật, ý thức hệ, cách mạng văn hoá, tư tưởng, chính trị, xã hội,... Từ ý nghĩa này, sách đã góp phần định hình, thúc đẩy hay níu giữ sự tiến hoá của xã hội. Sự phong phú của thư tịch ở Trung Hoa giai đoạn Sơ kì Cận đại là một ví dụ. Lời mở đầu của một bộ sách thời Minh năm 1599 cho biết: “Sách bây giờ nhiều vô cùng như biển nước, người ta làm sao mà đọc hết được?”. Thư tịch và hoạt động sử dụng thư tịch là một trong các yếu tố góp phần định vị vai trò của tầng lớp “sĩ”, những người dẫn dắt xã hội. Bên cạnh đó cũng đừng quên vai trò của những người thợ mộc khắc bản in, các xưởng in, thợ sản xuất mực, giấy, thương nhận buôn bán sách, tiệm sách và quán trà nơi sách được bàn luận.

Ở một góc độ khác, sách mê tín, phù thuỷ, cổ vũ chiến tranh tôn giáo, tin giả,... cũng tham gia định hình xã hội loài người. Đó là những cuốn sách gây hỗn loạn. Nhưng quyền năng của sách chưa dùng lại ở đó. Sách không chỉ tạo ra và lan truyền một thế giới tri thức, xác lập hay huỷ hoại trật tự xã hội, mà đôi khi còn là một vật phẩm linh thiêng. Hành động hôn lên cuốn Kinh Thánh ở châu Âu được cho là mang đến một quyền năng hay sự bảo trợ như một thủ bùa hộ mệnh. Vì thế, các chiến binh Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo đã mang theo các cuốn kinh sách khi ra trận. [...] Đồng thời, ở chiều hướng ngược lại, mỗi xã hội đều sở hữu một lịch sử phức tạp của quá trình kiểm soát: bản quyền, kiểm duyệt và lưu hành cho tới tác phẩm không chính thống (snizdat liferature). Đó là lịch sử xung đột và bạo lực nhìn từ thư tịch.

Chính nhu cầu quản lí sách sẽ tạo ra một loạt các thiết chế và lĩnh vực khoa học mới. Có thể kể đến sự ra đời của các ngành thư mục học ở châu Âu thời Sơ kì Cận đại.

Các thư viện công được chuẩn hoá đã được thành lập trên khắp nước Anh và nước Đức ở thế kỉ XIX. Đó là cơ sở để thế kỉ sau đó, người Thái cải tổ các thư viện hoàng gia “truyền thống” thành một thư viện quốc gia “hiện đại” thành lập năm 1905; và tại Việt Nam xuất hiện Thư viện Trung ương Đông Dương (Bibliothèque centrale de l’Indochine) ra đời năm 1917 dưới sự bảo trợ của người Pháp.

Yếu tố quan trọng tiếp theo của thực hành sách là mối quan hệ giữa sách và độc giả. Điều này phản ánh hoạt động đọc và sự vận động của nó theo sau sự tiến hoá thư tịch. Một trong các cách thức “chẩn đoán” một xã hội là “phẫu thuật” nó từ khía cạnh của hoạt động đọc sách. Ai là người đọc? Họ đọc gì? Đọc để làm gì? Đọc trên phương tiện gì và tác động của việc đọc đó? Trả lời cho những câu này sẽ góp phần định vị trình độ phát triển, bản sắc tri thức của mỗi thời đại. Quá trình tiến hoá của lịch sử đã mang lại cuộc cách mạng thực sự cho văn hoá đọc. Đó là sự gia tăng số lượng độc giả, từ một vài phần trăm thời Cổ Trung đại tới gần như toàn bộ dân số trưởng thành có khả năng đọc sách ở thời Hiện đại. Khi đó, sách, qua hoạt động đọc, sẽ đóng vai trò trực tiếp trong những chuyển giao của thời đại.

Hành vi đọc cũng sẽ được thay đổi song song với sự thay đổi của không gian đọc, kĩ thuật đọc, thiết bị đọc, mạng lưới độc giả,... Khi số lượng sách trở nên phong phú, phát triển nhiều loại hình thì sự phân hoá của độc giả cũng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Khái niệm “thị hiếu đọc” sẽ xuất hiện, thống trị và dẫn dắt việc sản xuất sách – giờ đã trở thành một ngành “công nghiệp” chuyên môn hoá cao độ. Khi Khổng Tử biên soạn Kinh Xuân Thu, có lẽ ông không thể tưởng tượng rằng 2 500 năm sau, mọi thứ đã tiến xa đến thế. Sự biến đổi của sách giúp thay đổi niềm tin và hành vi của con người đối với hoạt động đọc. Ngược lại, với kĩ thuật hiện đại, chu trình tuần hoàn của các văn bản trở nên nhanh hơn. Quá trình toàn cầu hoá về sách vở, sách dịch, chuẩn hoá về kĩ thuật, bản quyền và mới nhất là sách điện tử đã tạo ra cuộc cách mạng trong cách thức văn bản được thu nhận, truyền tải, lưu hành, đọc, truy vấn, tìm kiếm và lưu trữ. Và đó mới chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện tương lai.

Cuối cùng, sách tạo ra các làn sóng văn hoá, văn minh: từ truyền miệng sang văn hoá chép tay, văn hoá in ấn và văn hoá số, mặc dù sự xuất hiện của cái sau không nhất thiết đồng nghĩa với sự triệt tiêu của cái trước. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu lịch sử sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phác thảo các mẫu hình tiến hoá của nhân loại. Dù lịch sử sách là lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ được thúc đẩy từ những năm 80 của thế kỉ XX, bản thân hoạt động này đã có từ hàng nghìn năm trước. Thông qua việc mở rộng phạm vi tìm hiểu của lịch sử thư tịch từ khung cảnh địa lí, kĩ thuật và xã hội, ngành khoa học này gợi mở một góc nhìn mới mẻ, rộng lớn và có tính hệ thống trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử thư tịch trên phạm vi toàn cầu, mở ra những hướng mới cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử xã hội và lịch sử tri thức mà ở đó, sách là một thục hành của loài người.

Sách đã thay đổi lịch sử loài người nhiều hơn chúng ta tưởng, và cuộc hành trình khám phá những thay đổi đó mới chỉ bắt đầu.

(Vũ Đức Liêm, tạp chí Tia sáng, ngày 02/7/2021)


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí