Văn bản Đời muối (Mác Kơ - len - xki)


Khoảng năm 11 000 trước Công nguyên, sau khi Ki Băng Hà kết thúc, những tảng băng khổng lồ bao phủ phần lớn thế giới, bao gồm cả Niu Oóc (New York) và Pa-ri ngày nay, bắt đầu thu hẹp lại và dần dần tan biến.

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 12 tất cả các môn - Kết nối tri thức

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh

Đời muối

(trích Đời muối: Lịch sử thế giới)

Mác Kơ - len - xki

Khoảng năm 11 000 trước Công nguyên, sau khi Ki Băng Hà kết thúc, những tảng băng khổng lồ bao phủ phần lớn thế giới, bao gồm cả Niu Oóc (New York) và Pa-ri ngày nay, bắt đầu thu hẹp lại và dần dần tan biến. Trong khoảng thời gian này, sói A-xi-a-tích (Asiatic), một loài thú săn mồi hung dữ tuy kích thước nhỏ bé nhưng sẵn sàng ăn thịt cả con người nếu có cơ hội, dần dần bị con người kiểm soát do được cho ăn và huấn luyện từ khi còn là con non. Và thế là, một kẻ thù nguy hiểm đã hoá thành một phụ tá đầy trung thành và tận tâm – loài chó.

Khi các dòng sông băng tan chảy, những cánh đồng ngũ cốc hoang dã rộng lớn dần xuất hiện. Con người, và cả cừu, dê hoang dã, đều kiếm ăn trên những cánh đồng này. Phản ứng ban đầu của con người có lẽ là giết chết lũ động vật đang đe doạ đến nguồn thức ăn quý giá. Nhưng chẳng bao lâu sau, các bộ lạc sinh sống gần những cánh đồng này nhận ra rằng nếu kiểm soát được cừu và dê, chúng có thể trở thành một nguồn thức ăn mới. Lũ chó cũng góp công sức trong việc này. Đến khoảng năm 8900 trước Công nguyên, cừu đã được thuần hoá ở I-rắc (Iraq), thậm chí có thể là từ sớm hơn nữa ở những nơi khác trên thế giới.

Vào khoảng năm 8 000 trước Công nguyên, phụ nữ vùng Cận Đông bắt đầu gieo trồng hạt giống ngũ cốc hoang trên những cánh đồng đã được khai khẩn. Dấu mốc này thường được cho là khởi đầu của nông nghiệp. Tuy nhiên, vào năm 1970, một đoàn thám hiểm của Đại học Ha-oai (Hawaii) đã đến Bo-ma (Burma), nay là Mi-an-ma (Myanmar), báo cáo rằng đã tìm thấy những dấu tích để lại của rau trồng bao gồm đậu, củ mã thầy và dưa chuột, có niên đại từ năm 9 750 trước Công nguyên tại một nơi được gọi là “Hang Thần”.

Lợn xuất hiện muộn hơn, vào khoảng năm 7 000 trước Công nguyên, do việc chăn nuôi lợn không đơn giản chỉ là chăn thả trên các bãi cỏ, hơn nữa, phải mất kha khá thời gian để con người nhận ra lợi ích của việc tốn thêm một phần thức ăn để chăn nuôi động vật. Mãi cho đến khoảng năm 6 000 trước Công nguyên, ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc vùng bán đảo Ban-căng (Balkan), con người cuối cùng cũng thành công trong việc thuần hoá những con bò rừng châu Âu vừa to lớn, vừa nhanh nhẹn lại vừa khoẻ mạnh. Bằng việc kiểm soát chế độ ăn uống, thiến những con đực và nuôi nhốt con vật trong không gian chật hẹp, người ta đã biến những con bò rừng hoang dã trở thành gia súc. Gia súc trở thành nguồn thức ăn chính, tiêu thụ một lượng lớn ngũ cốc và muối. Bò rừng châu Âu, nhanh nhẹn và hung dữ, đã bị săn bắn đến mức tuyệt chủng vào giữa thế kỉ XVII.

Khi chế độ ăn của con người chủ yếu bao gồm ngũ cốc và rau quả, được bổ sung thêm thịt động vật từ những trang trại chăn nuôi gia súc, việc buôn bán muối trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, mang lại ý nghĩa tượng trưng vô cùng trọng đại và giá trị kinh tế to lớn. Muối trở thành một trong những mặt hàng thương mại quốc tế đầu tiên, sản xuất muối trở thành một trong những ngành công nghiệp đầu tiên, và dĩ nhiên ngành độc quyền nhà nước đầu tiên.

Công cuộc tìm kiếm muối đã tạo ra đề bài hóc búa thách thức các kĩ sư trong nhiều thiên niên kỉ, để rồi chế tạo ra những cỗ máy kì quặc nhất, cũng như những cỗ máy tinh xảo và khéo léo nhất. Nhiều công trình công cộng vĩ đại từng được tạo ra do nhu cầu về vận tải muối thúc đẩy. Muối đã đi dầu trong sự phát triển về cả hoá học lẫn địa chất học. Những tuyến đường trọng yếu được lập nên luôn dành cho mục đích thương mại trao đổi hàng hoá, từ đó hình thành nên các liên minh, nhu cầu bảo vệ đế chế, đồng thời dẫn đến những cuộc khởi nghĩa nổi dậy – tất cả đều chỉ vì một thứ vật chất tồn tại đầy trong các đại dương, nổi bong bóng trong các con suối, lắng cặn dưới lòng hồ, hoặc là một thành phần lớn trong tầng khoáng vật gần với bề mặt vỏ Trái Đất.

Hầu như không có nơi nào trên Trái Đất là không có muối. Nhưng trước khi được địa chất học hiện đại tiết lộ, trong suốt chiều dài lịch sử loài người cho đến thế kỉ XX, muối được săn lùng, mua bán và tranh giành gắt gao.

Trong hàng thiên niên kỉ, muối là biểu tượng của sự giàu có. Những lái buồn muối vùng Ca-ri-be (Caribe) dự trữ muối dưới tầng hầm trong nhà. Người Trung Quốc, người La Mã, người Pháp, Về-nê-xi-a (Venezia), Háp-xbớt (Habsburg), và vô vàn hệ thống chính quyền khác đã đánh thuế muối để lấy tiền phục vụ cho chiến tranh. Đôi khi, binh lính và dân lao động được trả lương bằng muối. Thậm chí, muối còn thường được dùng như một đơn vị tiền tệ.

Trong chuyên luận năm 1776 về chủ nghĩa tư bản có tên The Wealth of Nations (đã xuất bản ở Việt Nam với tên Của cải của các dân tộc), A-đam Xmít (Adam Smith) đã chỉ ra rằng hầu hết tất cả những gì có giá trị đều có thể sử dụng làm tiền tệ, ví dụ thuốc lá, đường, cá tuyết khô, gia súc. Ông viết: “Muối được cho là một công cụ thương mại và giao dịch phổ biến ở A-bi-xi-ni-a (Abyssinia)”. Nhưng ông đưa ra ý kiến rằng loại tiền tệ tốt nhất nên được chế tạo bằng kim loại do đặc tính bền vững về mặt vật lí, dù giá trị chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn giống như nhiều loại hàng hoá khác.

Ngày nay, sự thèm khát, tranh giành, tích trữ, đánh thuế và tìm kiếm muối của con người suốt hàng ngàn năm qua đã trở thành một điều xa vời và có phần ngớ ngẩn. Các nhà lãnh đạo Anh của thế kỉ XVII quan ngại về sự phụ thuộc đáng lo ngại của quốc gia vào muối biển Pháp có vẻ nục cười hơn các vị lãnh đạo ngày nay lo lắng về sự phụ thuộc vào dầu từ nước ngoài.

Ở bất cứ thời đại nào, con người đều tin rằng chỉ có những thứ họ cho là có giá trị mới có giá trị thực sự.

Khao khát tình yêu và khao khát làm giàu luôn là hai đề tài hấp dẫn nhất đối với con người. Tuy nhiên, trong khi đề tài tình yêu vẫn bền vững theo năm tháng, thì những câu chuyện về truy cầu tiền tài vật chất, đến một lúc nào đó, đều trở thành nỗi ám ảnh theo đuổi một ảo ảnh không có thực.

(Mác Kơ-len-xki, Đời muối: Lịch sử thế giới, Hoàng Ly dịch, NXB Dân trí – Công ti cổ phần văn hoá Huy Hoàng, Hà Nội, 2022, tr. 21 – 24)


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí