Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc


Trong học kì vừa qua, em đã đạt được kết quả học tập tốt. Bố mẹ rất vui và thưởng cho em cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tên sách, tác giả và hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra

Ví dụ: Sự vô cảm của con người trong tác phẩm Cô bé bán diêm

2. Thân bài

- Nêu ý kiến (suy nghĩ) về hiện tượng:

+ Sự vô cảm của mọi người trước cảnh ngộ éo le của em bé bán diêm đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về căn bệnh vô cảm của con người.

- Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm rõ ý kiến về hiện tượng cần bàn luận:

+ Biểu hiện của sống vô cảm: 

  • Lúc nào cũng chỉ biết đến bản thân mình, thờ ơ với mọi người, mọi thứ xung quanh
  • Khó rung động trước hoàn cảnh của người khác, những người này thường không giúp đỡ người khó khăn trước mắt mình, sống với thái độ dửng dưng

+ Tác hại của sống vô cảm:

  • Tự mình tách biệt với xung quanh, không có sự gắn kết với mọi người, dần dần cảm thấy cô độc.
  • Người vô cảm sẽ nảy sinh những tính xấu khác: hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân, ích kỉ, nhỏ nhen, dần sẽ trở thành người xấu bị mọi người né tránh

- Trình bày cụ thể về chi tiết, sự việc, nhân vật gợi lên hiện tượng cần bàn

3. Kết bài

- Nêu tầm quan trọng, ý nghĩa thực tế của hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách

Bài mẫu 1

        Trong học kì vừa qua, em đã đạt được kết quả học tập tốt. Bố mẹ rất vui và thưởng cho em cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da. Câu chuyện về cái chết do ngộ độc váng dầu của chim hải âu Ken-ga đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của con người đối với môi trường sống trên Trái Đất

         Em không thể quên được hình ảnh Ken-ga vùng vẫy, tuyệt vọng, toàn thân ngập trong lớp váng dầu: "Thứ chất lỏng dính như keo mà loài hải âu coi như tử thần màu đen của chúng giờ đây đang ép chặt đôi cánh vào mạng sườn của cô". Con người đã vô tình để dầu tràn từ một con tàu nào đó ra vịnh. Điều này không chỉ xảy ra với vùng biểu nơi Ken-ga và đàn hải âu Hải Đăng Cát Đỏ sinh sống. Ở rất nhiều nơi khác biển đã bị ô nhiễm vì dầu tràn, rác thải nhựa, cánh rừng,... là môi trường sống của con người nhưng cũng là ngôi nhà chung của muôn loài.

          Mỗi người cần làm gì để môi trường sống trên Trái Đất luôn trong lành và sự sống của mọi sinh vật được bảo vệ? Mùa hè vừa qua, khi đi biển, em đã cố gắng không dùng bao gói và ống hút bằng nhựa, không vứt rác ra bãi biển,... Ở nhà và ở trường, em luôn có ý thức cùng các bạn giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm năng lượng,... Mỗi người trong chúng ta cần cố gắng hạn chế xả rác, khí thải, hóa chất độc hại vào môi trường. Đó có lẽ là cách mà ai cũng có thể làm được và là cách ứng xử đúng đắn nhất vì sự sống trên Trái Đất - hành tinh xanh.

          Cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay đã mang đến cho em những hiểu biết thú vị về thế giới thiên nhiên, những bài học sâu sắc về tình yêu thương, sự sẻ chia. Đặc biệt, cuốn sách đã giúp em hiểu rõ hơn những điều em có thể làm để góp phần gìn giữ ngôi nhà Trái Đất của chúng ta.

(Nguồn: SGK Ngữ văn 6 - KNTT tập 2)

Bài mẫu 2

      Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen đã phác họa nên một bức tranh đầy thương cảm với số phận, cảnh ngộ của cô bé bán diêm. Thông qua hình ảnh của cô bé bán diêm, nhà văn không chỉ khơi dậy trong chúng ta sự cảm thương sâu sắc với số phận của cô bé mà còn đề cập tới vấn đề tình người trong cuộc sống.

       Trong xã hội kia, đâu phải chỉ riêng có một cô bé bán diêm khốn khổ, bất hạnh mà còn vô số những hoàn cảnh bất hạnh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên nhà văn đã khéo léo xây dựng nên cảnh ngộ của em và kết thúc với bi kịch đầy nghiệt ngã. Cô bé bán diêm, phải đi bộ khắp các con phố để bán những bao diêm, ngày nào cũng như ngày nào, em chẳng những không được đi học, được vui chơi mà còn phải lao động vất vả, do chính người cha vô dụng bắt em phải làm.

        Cả một ngày em phải chịu cái rét, cái đói, tới đêm cũng chưa có cái gì vào bụng, em sợ về nhà, em không dám về nhà vì ngày hôm đó em không bán được bao diêm nào, nếu em về sẽ bị cha đánh. Giữa đêm giao thừa mọi người đều quây quần bên nhau trong những căn nhà ấm cúng, trang hoàng, ăn những bữa tiệc cuối năm bên những người thân yêu nhất. Ấy vậy mà trên vỉa hè nơi xó tường kia, em lại phải chịu đói, chịu rét một mình, cô độc và lạnh lẽo. Chẳng có gì để ăn, chẳng có chỗ để ở, và cũng chẳng được sưởi ấm. Bởi vậy ta mới thấy, tình người trong hoàn cảnh đó mới ái ngại làm sao, mọi người dường như chỉ biết quan tâm và lo lắng cho hạnh phúc của mình mà quên đi những đồng loại, những hoàn cảnh khó khăn đang mong chờ họ ra tay giúp đỡ.

          Cô bé bán diêm đã chết, ngay giữa đêm giao thừa hôm đó, thật xót xa và đáng thương khi em đã phải chết một cái lạnh lẽo. Từ cái chết của cô bé bán diêm, nhà văn muốn chúng ta phải thực sự nhìn nhận và thức tỉnh về tình người. Ở đâu đó và ở ngay trong hoàn cảnh của cô bé bán diêm đã không có sự hiện hữu của tình cảm giữa con người với con người, không một ai quan tâm, hay xót thương cho em, từng dòng người cứ đi qua, thờ ơ, lạnh lùng.

        Đó chính là phản ánh về chính chúng ta trong xã hội này, còn biết bao em nhỏ mồ côi cha mẹ, không người thân thích đang rong ruổi kiếm miếng ăn qua ngày, biết bao gia đình hoàn cảnh khốn khổ không đủ cơm ăn, không đủ áo mặc. Chúng ta phải nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với họ, là một thành phần của xã hội, chúng ta cần giúp đỡ nhau để cùng tồn tại và phát triển. Giống như câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Những số phận ấy không may mới phải chịu cảnh bất hạnh, chúng ta may mắn hơn họ, chúng ta phải biết cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ họ để cuộc sống này thêm phần tốt đẹp hơn, đó là điều ý nghĩa nhất mà trong tình cảm giữa con người với con người nên có.

       Truyện “Cô bé bán diêm” chính là khơi dậy lòng nhân ái, bao dung và nhân hậu, biết cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình đối với số phận và cuộc đời của những người như cô bé bán diêm.

Bài mẫu 3

Một trong những cuốn sách tâm đắc nhất với tôi là “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrovsky. Với nhân vật Pavel, tác giả đã đặt ra một vấn đề trong cuộc sống về ý chí nghị lực, nhiệt huyết tuổi trẻ mãnh liệt và lòng yêu nước sâu đậm của con người.

Tác phẩm kể về cuộc đời của Pavel Korchagin (thường được gọi là Pavlusha, Pavka) - một thanh niên trưởng thành trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Anh chơi thân với một cô bạn gái tên là Tonya, mà sau này trở thành người yêu. Tonya là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó. Đó là ý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng. Tonya rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh, hay đúng hơn là không dám “yêu một lý tưởng”. Đặc biệt là khi gia đình của cô lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel từng nói với cô rằng: “Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng”. Sau cùng, Pavel chia tay Tonya để đi theo lý tưởng của mình.

Pavel trong tác phẩm được khắc họa là một thanh niên giàu lý tưởng, được tôi luyện trong “lò lửa” của cách mạng. Tác giả Nikolai A. Ostrovsky đã gửi gắm qua tác phẩm này một lí tưởng sống cao đẹp: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”. Đó chính là điều mà mỗi thế hệ trẻ cần phải hướng tới dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Như vậy, “Thép đã tôi thế đấy” đã giúp tôi hiểu thêm về thế hệ thanh niên nước Nga trong cách mạng. Đồng thời, tác phẩm còn đặt ra cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước một bài học quý giá về lòng yêu nước, nhiệt huyết tuổi trẻ và nghị lực trong cuộc sống.

Bài mẫu 4

"Dế mèn phiêu lưu kí" của Tô Hoài là tác phẩm nổi tiếng và gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Đặc biệt đọc trích đoạn "Bài học đường đời đầu tiên", hình ảnh Dế Mèn kiêu ngạo, ngông cuồng, đã gián tiếp gây ra cái chết của Dế Choắt khiến em không ngừng suy nghĩ về hiện tượng bắt nạt trong cuộc sống.

Từ đầu truyện, Dế Mèn đã xưng tụng mình là "Dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm". Chính bởi thế, Dế Mèn tự cho mình cái quyền được nạt dọa các con vật khác "tôi đã quát mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ [...] Thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên". Những hành động của nhân vật này đã biểu hiện một cách rõ nét về hiện tượng bắt nạt.

Vậy thế nào là bắt nạt? Liệu tất cả chúng ta đã hiểu đúng về bắt nạt chưa? Theo em, bắt nạt là việc một cá nhân cậy vào quyền thế, sức mạnh để dọa nạt, ăn hiếp ai đó. Để ám chỉ tệ nạn này, người xưa thường sử dụng câu nói "ma mới bắt nạt ma cũ".

Ngày nay, bắt nạt không còn là hiện tượng mới mẻ trong xã hội mà trở nên vô cùng phổ biến. Trong mọi tình huống, mọi môi trường sống, chúng ta dễ dàng bắt gặp vấn nạn tiêu cực ấy. Một số người thường cậy vào địa vị bản thân, thời gian gắn bó lâu năm để ăn hiếp người mới. Hoặc có cá nhân dùng lời lẽ khó nghe, hành vi bạo lực tấn công đối phương. Điều này đã để lại rất nhiều hậu quả. Người bị bắt nạt dễ bị tổn thương về thể chất, mang trong mình bóng ma tâm lí. Thậm chí, nạn nhân có thể mắc các bệnh như: trầm cảm, u uất,... Đây là điều mà không ai mong muốn xảy đến.

Bên cạnh những con người "cậy mạnh hiếp yếu", vẫn còn vô vàn người tốt bụng và thiện lương. Họ mang trong mình tấm lòng nhiệt huyết, sự sẻ chia, đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh. Đồng thời, luôn thân thiện, hòa đồng, không có hành động kì thị hay xa lánh người yếu thế, kém may mắn.

Để xã hội trở nên tốt đẹp, văn minh, chúng ta cần loại bỏ tệ nạn bắt nạt ngay từ bây giờ. Mỗi người phải có suy nghĩ, nhận thức đúng đắn; tích cực trau dồi lối sống, tác phong chuẩn mực. Ngoài ra, hãy mạnh mẽ lên án, phê phán những cá nhân có hành vi bắt nạt, gây tổn hại đến tinh thần, thể chất của người khác.

"Dế Mèn phiêu lưu kí" không chỉ giúp em mở rộng hiểu biết về thế giới loài vật phong phú, đa dạng mà còn mang đến nhiều bài học bổ ích, ý nghĩa. Đó là việc sống yêu thương, đoàn kết, biết cho đi để nhận lại thay vì bắt nạt một ai đó. Từ đây, em luôn nhắc nhở bản thân phải sống đẹp, sống đúng như những thông điệp mà cuốn sách truyền tải.

Bài mẫu 5

"Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể" là tác phẩm em vô cùng yêu thích. Hai tác giả Rơ-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê đã gửi gắm rất nhiều bài học ý nghĩa, thông điệp nhân văn qua cuốn sách này. Trong đó, có đề cập đến việc sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Đây là một thói quen, hiện tượng xấu, cần phải sớm thay đổi và từ bỏ.

Trong trích đoạn "Bài tập làm văn", nhân vật "tôi" luôn tin tưởng vào bố của mình "Bố thật sự là rất khá". Vì thế, cậu bé thường đợi bố tan làm rồi nhờ bố giúp bản thân làm bài tập. Chuyện chẳng có gì đáng nói cho đến khi ông hàng xóm ghé chơi và tranh luận cùng người bố về đề văn. Nhìn tình cảnh như vậy, "tôi" đã "hiểu rằng bài tập làm văn của tôi thì tốt nhất là tôi tự làm một mình". Sau cùng, "tôi" đạt kết quả cao và được cô giáo khen "Bài viết rất cá tính, đề tài độc đáo". Từ câu chuyện này, em nhận ra vẫn còn vô vàn cá nhân thường xuyên trông chờ, ỷ lại vào người khác. Đây là một thói quen không tốt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới con người.

Người có lối sống ỷ lại thường không chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân mà luôn trông mong, chờ đợi người khác giúp đỡ hoặc làm giùm. Họ sống buông thả, không có trách nhiệm với mọi chuyện xung quanh.

Ngày nay, xã hội phát triển không ngừng, con người phải nỗ lực học hỏi để thích ứng với sự thay đổi của nhân loại. Nếu chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại thì chúng ta sẽ giống như những "kí sinh trùng" - sống bám vào sinh vật khác. Từ đó, biến chính mình trở thành kẻ đi lùi, bị động, không thể tự hoàn thành công việc dù là đơn giản nhất. Dần dần, bản thân không những không có sự phát triển mà còn bị xã hội đào thải. Ngoài ra, việc sống ỷ lại, dựa dẫm sẽ làm cuộc sống ngày một thụ động, trì trệ. Đồng thời, gây ảnh hưởng lớn tới mọi người xung quanh. Không ai có thể mãi ở bên cạnh để giải quyết khó khăn giúp chúng ta. Cách tốt nhất là hãy tự suy nghĩ, tự sáng tạo và tự mình làm cho đạt được kết quả tốt.

Từng giây từng phút, thế giới đã và đang có vô vàn đổi thay. Là một công dân trong thời đại 4.0, mỗi người cần rèn luyện, bồi dưỡng lối sống chủ động, tích cực, không nên ỷ lại vào bất kì ai. Giống như nhân vật "tôi" kia, cậu bé đã tự làm bài tập về nhà. Nhờ đó, "tôi" đạt được điểm số cao. Đây chính là kết quả phản ánh đúng thực lực của cậu bé. Mong rằng, mỗi cá nhân sẽ tận dụng hết khả năng bản thân để giải quyết, hoàn thành các vấn đề nan giải. Khi thực sự quá khó khăn thì mới nhờ đến sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh.

Từ những câu chuyện dung dị, đời thường, hai tác giả Rơ-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê đã thành công trong việc truyền tải bài học ý nghĩa, sâu sắc tới các độc giả nhí toàn thế giới. "Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể" sẽ mãi là cuốn sách được đặt ở vị trí nổi bật trên giá sách của em.


Bình chọn:
4.6 trên 55 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 6 - Kết nối tri thức - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K13 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí