Tiếng Việt lớp 4, soạn bài tập đọc 4 tất cả các bài , tổng hợp văn mẫu hay nhất ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1 (ĐỀ THI HỌC KÌ 1) - TIẾNG VIỆT 4

Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 4


Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 7 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Tiếng Việt 4

Đề bài

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Ông Trạng thả diều (Trang 104 – TV4/T1)

2. Vẽ trứng (Trang 120 – TV4/T1)

3. Văn hay chữ tốt (Trang 125 – TV4/T1)

4. Chú đất Nung (Trang 134 – TV4/T1)

5. Cánh diều tuổi thơ (Trang 146 – TV4/T1)

6. Tuổi Ngựa (Trang 149 – TV4/T1)

7. Kéo co (Trang 155 – TV4/T1)

8. Rất nhiều mặt trăng (tiếp theo) (Trang 168 – TV4/T1)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

CÂU CHUYỆN VỀ CHỊ VÕ THỊ SÁU

          Vào năm mười hai tuổi, Sáu đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng. Mỗi lần được các anh giao nhiệm vụ gì Sáu đều hoàn thành tốt. Một hôm, Sáu mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng, một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lần đó, Sáu bị giặc bắt. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo.

          Trong ngục giam, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước. Bọn giặc Pháp đã lén lút đem chị đi thủ tiêu, vì sợ các chiến sĩ cách mạng trong tù sẽ nổi giận phản đối. Trên đường ra pháp trường, chị đã ngắt một bông hoa còn ướt đẫm sương đêm cài lên tóc. Bọn chúng kinh ngạc vì thấy một người trước lúc hi sinh lại bình tĩnh đến thế. Tới bãi đất, chị gỡ bông hoa từ mái tóc của mình tặng cho người lính Âu Phi. Chị đi tới cột trói: mỉm cười, chị nhìn trời xanh bao la và chị cất cao giọng hát.

        Lúc một tên lính bảo chị quỳ xuống, chị đã quát vào mặt lũ đao phủ: “ Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”.

        Một tiếng hô: “Bắn”.

       Một tràng súng nổ, chị Sáu ngã xuống. Máu chị thấm ướt bãi cát.

(Trích trong quyển Cẩm nang đội viên)

 

1. Chị Sáu tham gia hoạt động cách mạng năm bao nhiêu tuổi? (0,5 điểm)

A. Mười lăm tuổi

B. Mười sáu tuổi

C. Mười hai tuổi

D. Mười tám tuổi

 

2. Chị Sáu bị giặc bắt và giam cầm ở đâu? (0,5 điểm)

A. Ở đảo Phú Quý

B. Ở đảo Trường Sa

C. Ở Côn Đảo

D. Ở Vũng Tàu

 

3. Thái độ đáng khâm phục của chị Sáu đối diện với cái chết như thế nào? (0,5điểm)

A. Bình tĩnh.

B. Bất khuất, kiên cường.

C. Vui vẻ cất cao giọng hát.

D. Buồn rầu, sợ hãi.

 

4. Chị Sáu bị giặc Pháp bắt giữ, tra tấn, giam cầm ở Côn Đảo trong hoàn cảnh nào? (0,5điểm)

A. Trong lúc chị đi theo anh trai

B. Trong lúc chị đi ra bãi biển

C. Trong lúc chị đang đi theo dõi bọn giặc.

D. Trong lúc chị mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng.

 

5. Tính từ trong câu: “Trong ngục giam, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước”. là: (0.5đ)

A. Hồn nhiên

B. Hồn nhiên, vui tươi

C. Vui tươi, tin tưởng

D. Hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng

 

6. Chủ ngữ trong câu: “Vào năm mười hai tuổi, Sáu đã theo anh trai hoạt động cách mạng.” là: (0.5điểm)

A. Vào năm mười hai tuổi

B. Sáu đã theo anh trai

C. Sáu đã theo anh trai hoạt động cách mạng

D. Sáu

 

7. Qua bài đọc, em thấy chị Võ Thị sáu là người như thế nào? (1 điểm)

 

8. Đặt một câu trong đó có sử dụng 1 từ láy. (1 điểm)

 

9. Viết một câu kể Ai làm gì và xác định bộ phận chủ ngữ và vị ngữ trong câu (1 điểm)

 

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Vẽ trứng

    Lê-ô-nác-đô hiểu ra và miệt mài tập vẽ.

   Sau nhiều năm khổ luyện, Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi đã trở thành nhà danh họa kiệt xuất. Các tác phẩm của ông được trân trọng trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, là niềm tự hào của toàn nhân loại. Không những thế, Lê-ô-nác-đô đa Vin-xi còn là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kĩ sư và là nhà bác học lớn của thời đại Phục hưng.

(theo XUÂN YẾN)

 

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Dựa vào cốt truyện cổ tích Cây khế đã học, hãy kể lại truyện Cây khế.

Lời giải chi tiết

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) C. Mười hai tuổi

2. (0.5 điểm) C. Ở Côn Đảo

3. (0.5 điểm) C. Vui vẻ cất cao giọng hát.

4. (0.5 điểm) D. Trong lúc chị mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng.

5. (0.5 điểm) D. Hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng

6. (0.5 điểm) D. Sáu

Vào năm mười hai tuổi, Sáu / đã theo anh trai hoạt động cách mạng.

        Trạng Ngữ             CN                       VN

7. (1 điểm)

Qua bài đọc, em thấy chị Võ Thị Sáu là người yêu đất nước, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

8. (1 điểm)

- Dáng người anh Thắng cao lênh khênh như cây sào.

9. (1 điểm)

Câu kể Ai làm gì?

Chị tôi quét sân, nấu nướng rồi đợi ba mẹ về.

Chủ ngữ: Chị tôi

Vị ngữ: quét sân, nấu nướng rồi đợi ba mẹ về.

 

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: (4 điểm)

Em kể lại câu chuyện theo các sự việc sau đây:

Cha mẹ chết, người anh chia gia tài, người em chỉ được cây khế.

Cây khế có quả, chim đến ăn, người em phàn nàn và chim hẹn trả ơn bằng vàng.

Chim chở người em bay ra đảo lấy vàng, nhờ thế người em trở nên giàu có.

Người anh biết chuyện, đổi gia tài mình lấy cây khế, người em bằng lòng.

Chim lại đến ăn, mọi chuyện diễn ra như cũ nhưng người anh may túi quá to và lấy quá nhiều vàng.

Người anh bị rơi xuống biển và chết. 

* Về hình thức: (2 điểm)

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

      Ngày xưa, có hai anh em nhà kia, sau khi cha mẹ qua đời, người anh chiếm tất cả gia tài, chỉ cho em mỗi một cây khế ở góc vườn. Người em đành nhẫn nhịn, hằng ngày chăm sóc, mong cây sớm ra quả.

     Đến mùa, cây khế bói rất nhiều quả to, chín mọng. Một hôm, có con chim đại bàng lớn từ đâu bay tới, đậu trên cây, ăn hết quả này đến quả khác. Người em buồn rầu than thở : “Chim ăn hết khế, ta lấy gì mà sống đây ?". Nghe vậy, đại bàng liền đáp: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng". Sau đó, chim cất cánh bay đi.

      Người em lấy vải may một cái túi nhỏ. Vài ngày sau, đại bàng đến chở người em bay ra một hòn đảo vắng. Trên đảo có rất nhiều vàng bạc. Người em đựng vàng vào túi rồi cưỡi lên lưng chim bay về. Từ đó, người em trở nên giàu có và thường giúp đỡ dân nghèo.

      ít lâu sau, người anh sang chơi, thấy em giàu có thì hết sức ngạc nhiên, bèn gặng hỏi. Người em thành thực kể lại mọi chuyện. Người anh nài nỉ đòi đổi gia tài của mình lấy cây khế. Người em chiều anh nên cũng bằng lòng.

       Người anh ngày ngày chực sẵn bên gốc cây. Đại bàng lại đến ăn khế. Người anh giả vờ phàn nàn. Chim cũng đáp lời: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Người anh may sẵn một cái túi mười hai gang. Khi chim đưa anh ta ra đảo, anh ta nhặt vàng nhét đầy vào tủi, lại còn giắt thêm vào xung quanh người.

        Đại bàng cố sức đập cánh bay lên. Bởi túi vàng to và nặng quá nên đến giữa biển, chim kiệt sức lảo đảo. Thế là người anh và cả túi vàng rơi tõm xuống biển sâu.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.2 trên 13 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K15 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí