Tập làm văn: Luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả con vật trang 139 SGK Tiếng Việt tập 2>
Giải câu 1, 2, 3 Tập làm văn: Luyện tập xây dựng đoạn văn miêu tả con vật trang 139 SGK Tiếng Việt tập 2. Câu 3. Quan sát hoạt động của một con vật mà em yêu thích và viết một đoạn văn miêu tả các hoạt động đó.
Câu 1
Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:
Con tê tê
Con tê tê còn có tên gọi là con xuyên sơn. Vì người ta bảo con tê tê có thể đào thủng núi.
Bộ vẩy của tê tê màu đen nhạt, rất giống vẩy cá gáy nhưng cứng và dày hơn nhiều. Bộ vẩy như một bộ giáp sắt che kín từ đầu xuống đến sát các ngón chân và tận mút chỏm đuôi.
Tê tê săn mồi trông thật lạ mắt. Thức ăn của nó là sâu bọ, nhưng chủ yếu là các loài kiến. Miệng tê tê nhỏ, hai hàm chỉ có lợi, không có răng. Nhưng bù lại, nó có cái lưỡi để bắt mồi rất lợi hại. Nó thè cái lưỡi dài, nhỏ như chiếc đũa, xẻ làm ba nhánh, đục tổ kiến rồi thò lưỡi vào sâu bên trong. Đợi kiến bâu kín lưỡi, tê tê rụt lưỡi vào mõm, tóp tép nhai cả lũ kiến xấu số. Cứ như thế, tê tê ăn tổ kiến nào thì ăn kì hết mới thôi.
Đặc biệt nhất là tê tê có bốn chân ngắn ngủn với bộ móng cực sắc và khỏe. Khi đào đất, nó dũi đầu xuống đào nhanh như một cái máy, chỉ cần chừng nửa phút đã ngập nửa thân mình nó. Khi ấy, dù có ba người lực lưỡng túm lấy đuôi nó kéo ngược cũng không ra. Trong chớp nhoáng, tê tê đã ẩn mình trong lòng đất.
Tuy vậy, tê tê cũng có một nhược điểm rất kì lạ. Bao nhiêu người túm đuôi kéo không ra, nhưng chỉ cần một cái que lùa theo phía dưới đuôi khẽ chọc một nhát là tê tê lập tức cuộn tròn như quả bóng lăn ra ngoài miệng lỗ.
Tê tê là loài thú hiền lành, chuyên diệt sâu bọ. Vì vậy chúng ta cần bảo vệ nó.
Theo Vi Hồng, Hồ Thùy Giang
a. Phân đoạn bài văn trên và nêu nội dung chính của từng đoạn
b. Tác giả chú ý đến đặc điểm nào khi miêu tả hình dáng bên ngoài của con tê tê?
c. Những chi tiết nào cho thấy tác giả quan sát hoạt động của con tê tê rất tỉ mỉ và chọn lọc được nhiều đặc điểm lí thú?
Phương pháp giải:
a. Con đọc kĩ bài văn rồi phân đoạn sao cho phù hợp.
b. Con đọc kĩ đoạn văn thứ 2.
c. Con đọc kĩ bài để tìm ra những chi tiết miêu tả tê tê thú vị.
Lời giải chi tiết:
a) Phân đoạn bài văn trên:
* Phần mở bài: Từ đầu đến "đào thủng núi"
Phần này giới thiệu con tê tê với một cái tên gọi thứ hai của nó.
* Phần thân bài: Phần này bắt đầu từ "Bộ vẩy của tê tê màu đen nhạt.." đến chỗ "lăn ra ngoài miệng lỗ"
Phần này có bốn tiểu đoạn:
- Tiểu đoạn thứ nhất tả bộ vẩy của tê tê.
- Tiểu đoạn thứ hai tả cách săn mồi của tê tê.
- Tiểu đoạn thứ ba giới thiệu bốn chân tê tê với khả năng đào đất cực mạnh, cực nhanh.
- Tiểu đoạn thứ tư giới thiệu một điểm yếu của tê tê.
* Phần kết bài: Nêu ý phải bảo vệ loại thú hiền lành và có ích này.
b) Tác giả chú ý đến đặc điểm nào khi miêu tả hình dáng bên ngoài của tê tê?
Tác giả chú ý đến đặc điểm bên ngoài của con tê tê đó là bộ vẩy.
c) Các chi tiết nào cho thấy tác giả quan sát hoạt động của con tê tê rất tỉ mỉ và chọn lọc được nhiều đặc điểm lí thú?
Các chi tiết sau đây cho thấy tác giả quan sát hoạt động của con tê tê rất tỉ mỉ và chọn lọc được nhiều đặc điểm lí thú:
"Nó thè cái lưỡi dài, nhỏ như chiếc đũa, xẻ làm ba nhánh, đục thủng tổ kiến rồi thò lưỡi vào sâu bên trong. Đợi kiến bâu kín lưỡi, tê tê rụt lưỡi vào mõm, tóp tép nhai cả lũ kiến. Nó ăn sạch tổ kiến mới thôi".
"Tê tê có bốn chân ngắn ngủn với bộ móng cực sắc và khỏe. Khi đào đất, nó dũi đầu đào nhanh như một cái máy, chỉ cần chừng nửa phút đã ngập nửa thân mình nó. Khi ấy, dù có ba người lực lưỡng túm lấy đuôi nó kéo ngược cũng không ra".
"... Chỉ cần một cái que lùa theo phía dưới đuôi khẽ chọc một nhát là tê tê lập tức cuộn tròn như quả bóng lăn ra ngoài miệng lỗ".
Câu 2
Quan sát ngoại hình của một con vật mà em yêu thích và viết một đoạn văn miêu tả ngoại hình của con vật đó.
Phương pháp giải:
Chú ý quan sát và tìm ra đặc điểm ở các bộ phận sau của động vật rồi viết thành đoạn văn: bộ lông, hình dáng, cái tai, đôi mắt, mũi, chân,...
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn tham khảo
Con mèo nhà em là một con mèo tam thể rất đẹp. Bộ lông của nó mượt như nhung và có đủ ba màu trắng, vàng, đen. Hai tai nó vểnh lên và luôn động đậy như nghe ngóng mọi động tĩnh ở xung quanh. Hai mắt nó xanh như màu nước. Khi nắng to con ngươi bên trong mắt khép nhỏ lại như sợi tơ đen. Trong bóng tối, hai con ngươi đó sẽ mở to ra để nhìn cho rõ. Mép nó có hai chùm ria dài mọc tỏa ra hai bên. Ria mép này giúp cho mèo có thể đi đêm mà không bị va chạm vào vật gì. Bốn chân mèo có móng sắc nhưng bình thường các móng đó quặp vào và nó đi lại êm như ru, không gây một tiếng động. Cái đuôi nó thật dài và cũng có ba màu trắng vàng đen.
Câu 3
Quan sát hoạt động của một con vật mà em yêu thích và viết một đoạn văn miêu tả các hoạt động đó.
Phương pháp giải:
Chú ý một số hoạt động thường ngày của con vật như: ăn, ngủ, chạy, nhảy, gặp người quen, gặp người lạ, hoặc một số hoạt động đặc trưng của con vật đó mèo - bắt chuột, chó - trông nhà,...
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn tham khảo
Con mèo hay nằm ngủ dài trong sân nắng. Lúc này nhìn nó có vẻ lười biếng lắm. Nhưng lúc nó đã ngủ đẫy giấc và bắt đầu hoạt động thì lại nhanh nhẹn vô cùng. Nó vờn theo một bông hoa giấy đang lăn tròn theo gió trong sân. Nó chạy vụt đến gốc cau rồi thoăn thoắt leo lên tới nửa thân cau rồi lại nhanh nhẹn tụt xuống. Có lúc tôi nhìn vào bếp thấy nó đang lặng lẽ rình mồi. Nó im lặng và kiên trì co mình lại đợi chờ. Chính sự im lặng này đã đánh lừa một chú chuột nhắt ẩn mình trong một góc bếp. Chú chuột lơ láo thò đầu ra, thụt nhanh vào rồi lại thò đầu ra và bò hẳn ra ngoài. Chỉ đợi có thế, mèo tung mình chụp lên con chuột. Con chuột đã nằm trong những móng vuốt sắc nhọn của nó. Con chuột thở rất mạnh, đôi mắt vẫn mở to vừa như ngạc nhiên chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, vừa như đang tính đường tháo chạy. Con mèo tha con chuột ra giữa bếp rồi vờ thả ra. Chuột ta tưởng bở vội vàng lủi chạy. Nhưng thoắt cái mèo đã đuổi kịp và bắt lại. Cuối cùng con chuột kiệt sức và chết lịm.
Loigiaihay.com
- Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ nguyên nhân cho câu trang 140 SGK Tiếng Việt tập 2
- Tập làm văn: Luyện tập xây dựng mở bài, kết bài trong bài văn miêu tả con vật trang 141 SGK Tiếng Việt 4 tập 2
- Soạn bài: Ngắm trăng + Không đề (Hồ Chí Minh) trang 137 SGK Tiếng Việt tập 2
- Kể chuyện: Khát vọng sống trang 136 SGK Tiếng Việt tập 2
- Luyện từ và câu: Thêm trạng ngữ chỉ thời gian cho câu trang 134 SGK Tiếng Việt tập 2
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề số 5 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 4 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 3 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 2 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 5 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 4 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 3 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 2 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4
- Đề số 1 - Đề kiểm tra giữa học kì 2 (Đề thi giữa học kì 2) – Tiếng Việt 4