Soạn văn 12 cánh diều, Soạn văn lớp 12 hay nhất Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 1

Soạn bài Tự đánh giá cuối học kì I SGK Ngữ văn 12 tập 1 Cánh diều


Đoạn trích trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào là chính? Yếu tố nào thể hiện rõ nhất tính chất nhật kí của đoạn trích?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đọc văn bản sau, chọn phương án đúng cho mỗi câu hỏi ( từ câu 1 đến câu 5) và trả lời các câu hỏi ( từ câu 6 đến câu 10): 


Câu 1

Trả lời Câu hỏi 1 trang 162 SGK Văn 12 Cánh diều

Đoạn trích trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào là chính?

A. Biểu cảm và miêu tả

B. Thuyết minh và nghị luận

C. Tự sự và biểu cảm

D. Nghị luận và miêu tả

Phương pháp giải:

Đọc kĩ nội dung đoạn trích và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt: C. Tự sự và biểu cảm

Câu 2

Trả lời Câu hỏi 2 trang 162 SGK Văn 12 Cánh diều

Yếu tố nào thể hiện rõ nhất tính chất nhật kí của đoạn trích?

A. Kể lại câu chuyện diễn ra theo một trình tự có ngày tháng rõ ràng

B. Miêu tả cảnh vật mình thấy theo trật tự không gian hoặc thời gian

C. Ghi chép lại các sự việc có thật đã xảy ra trong cuộc sống bằng ngôi kể thứ ba

D. Ghi chép lại các sự việc đã trải qua từng ngày, ngôi thứ nhất, xưng “mình”

Phương pháp giải:

Đọc lại kiến thức về thể loại nhật kí 

Lời giải chi tiết:

Yếu tố thể hiện rõ nhất tính chất nhật kí của đoạn trích: D. Ghi chép lại các sự việc đã trải qua từng ngày, ngôi thứ nhất, xưng “mình”

Câu 3

Trả lời Câu hỏi 3 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Nội dung đoạn trích kể về việc gì?

A. Công việc mà những chiến sĩ đã làm sau cuộc ném bom của kẻ thù

B. Những vất vả, gian khổ của chiến trường và cảm nghĩ của người viết

C. Một ngày Chủ nhật bình yên hiếm hoi của nữ bác sĩ giữa chiến trường

D. Những lá thư từ mặt trận kể tất cả nỗi gian khổ, hi sinh nơi chiến trường

Phương pháp giải:

Đọc kĩ nội dung đoạn trích và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Nội dung đoạn trích kể về việc: C. Một ngày Chủ nhật bình yên hiếm hoi của nữ bác sĩ giữa chiến trường

Câu 4

Trả lời Câu hỏi 4 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Câu văn nào sau đây thể hiện suy nghĩ của người viết về sự hi sinh thầm lặng?

A. Sinh tử không thể nào mà ghi hết, mà có lẽ cũng không nên nói hết để làm gì

B. Chiều hôm kia hai chiếc Mo- ran hai thân quần mãi rồi phóng rốc-két xuống…

C. Nhìn những cảnh đó, mỉm cười mà nước mắt chực trào trên mi.

D. Nếu địch giội bom, có cách nào hơn là ngồi trong hầm chờ sự may rủi?

Phương pháp giải:

 Đọc kĩ nội dung đoạn trích và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Câu văn thể hiện suy nghĩ của người viết về sự hi sinh thầm lặng: A. Sinh tử không thể nào mà ghi hết, mà có lẽ cũng không nên nói hết để làm gì

Câu 5

Trả lời Câu hỏi 5 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Ước ao cháy bỏng của người viết trong đoạn nhật kí trên là gì?

A. Có nhiều người biết cảnh gian khổ của chiến trường để sẻ chia, thông cảm

B. Sự nhớ thương, mong ước được an ủi trong tình thương của những người thân

C. Hòa bình trở lại và được về sum họp với gia đình

D. Những người đã qua cảnh ngộ này được chiếu cố, cảm thông

Phương pháp giải:

 Đọc kĩ nội dung phần cuối đoạn trích và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Ước ao cháy bỏng của người viết trong đoạn nhật kí trên là: C. Hòa bình trở lại và được về sum họp với gia đình

Câu 6

Trả lời Câu hỏi 6 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Tất cả, tất cả đè nặng trong trái tim mình và tâm tư mình đầy ắp như mặt sông những ngày nước lũ”

Phương pháp giải:

Đọc kĩ nội dung câu văn và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

- Biện pháp nghệ thuật so sánh: “tâm tư mình” đầy ắp như  “mặt sông những ngày nước lũ”

+ Sử dụng yếu tố tự nhiên “mặt sông”, “nước lũ” cụ thể hóa trạng thái tinh thần cảm xúc của con người “trái tim”, “tâm tư”

- Tác dụng: 

→ Nổi bật sự nặng nề, đầy ắp và tràn ngập cảm xúc trong bản thân nhân vật. Đó là những nỗi lo cho tình hình bệnh xá, là sự căng thẳng khi địch giội bom đổ xuống nơi mặt trận và xen vào đó là nỗi nhớ thương, mong ước được trở về bên gia đình… Tất cả những điều suy nghĩ ấy đã đè nặng tâm tình của cô gái Đặng Thùy Trâm. 

→ Câu văn trở nên vô cùng sinh động, tạo nên cảm xúc mạnh mẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về tâm trạng của nhân vật Thùy Trâm trong đoạn trích trên 

Câu 7

Trả lời Câu hỏi 7 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Câu “Quả thực mình đã không nghĩ gì đến hạnh phúc của tuổi trẻ, không hề mong ước được sống trong một tình yêu sôi nổi, mà lúc này chỉ có tình gia đình, chỉ có ước mong sum họp với gia đình” nói lên tư tưởng và thái độ gì của người viết? (Trả lời ngắn từ 3-5 dòng)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu văn, đối chiếu với chỉnh thể toàn văn bản

Chú ý các ý "không hề mong ước", "chỉ có tình gia đình"

Lời giải chi tiết:

Câu “Quả thực mình đã không nghĩ gì đến hạnh phúc của tuổi trẻ, không hề mong ước được sống trong một tình yêu sôi nổi, mà lúc này chỉ có tình gia đình, chỉ có ước mong sum họp với gia đình” đã thể hiện tình cảm chân thành với những ước mơ vô cùng giản dị của cô gái Thùy Trâm. Trong không gian chiến trường ác liệt, chị chỉ có một ước mơ vô cùng nhỏ bé- được trở về bên gia đình, sum họp với người thân. Chị không màng đến tình yêu sôi nổi mà lẽ ra đó là một hạnh phúc của tuổi trẻ mà ai cũng phải có. Đối với chị, hạnh phúc bây giờ là chính là được quay về Hà Nội, sum họp bên người thân. Có lẽ, bởi lý tưởng cao cả nhất chị đặt lên hàng đầu là cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc nên những ước mơ của tuổi trẻ đã hòa vào khát vọng, ước mơ lớn của dân tộc. 

Câu 8

Trả lời Câu hỏi 8 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Em nghĩ người viết đoạn nhật kí trên là một người như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ nội dung đoạn trích và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Qua những dòng nhật ký đầy cảm xúc đã góp phần khắc họa hình ảnh của một cô bác sĩ đầy kiên cường, mạnh mẽ, hết mình với lý tưởng của mình và luôn nhiệt huyết với công việc khi cô luôn lo lắng cho tình hình bệnh xá. Thùy Trâm đã hi sinh tuổi trẻ, thanh xuân của mình, không nghĩ gì về một tình yêu sôi nổi mà chỉ luôn mong muốn được thực hiện ước mơ chung của đất nước. Đó là hình ảnh của con người có lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng cống hiến cho đất nước, tổ quốc. Đồng thời, Thùy Trâm vẫn là một cô gái tuổi đôi mới với những cảm xúc đời thường, ước mơ bình dị luôn mong muốn được về bên gia đình, người thân.

Câu 9

Trả lời Câu hỏi 9 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Làm rõ tính phi hư cấu của nhật kí qua đoạn trích trên

Phương pháp giải:

Đọc kĩ nội dung đoạn trích và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Tính phi hư cấu được thể hiện ở những sự kiện có thực (về thời gian, địa điểm, …) mà người viết đã trực tiếp tham gia và chứng kiến. Trong đoạn trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, yếu tố phi hư cấu được thể hiện:

- Sự kiện được ghi chép đều có ngày tháng cụ thể: ngày 14/6/1970

- Miêu tả chính xác những con người và sự kiện có thực:

+ Sự kiện: Đoạn trích trên đã ghi lại những cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật Thùy Trâm vào một buổi sáng chủ nhật sau khi nơi chị ở vừa trải qua một trận bom vào chiều hôm kia 

+ Nhân vật: năm thương binh nặng, bốn chị em nữ, Thuận đều là nhân vật có thực

Ý nghĩa của việc sử dụng tính phi hư cấu:

+ Câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi

+ Bảo đảm tính xác thực trong việc ghi chép những sự kiện, nhân vật của đời sống 

Câu 10

Trả lời Câu hỏi 10 trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Có thể rút ra triết lí nhân sinh gì từ đoạn trích nhật kí trên?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ nội dung đoạn trích và trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Khi đọc từng trang nhật kí đầy cảm xúc, người đọc không khỏi xúc động trước hình ảnh người con gái đã không ngần ngại bỏ lại sau lưng mình tuổi trẻ, tình yêu, gia đình... để lên đường chiến đấu vì sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ của đất nước

Qua đoạn trích nhật kí của Đặng Thùy Trâm, mỗi người chúng ta có thể rút ra được những bài học triết lí nhân sinh về lẽ sống đẹp: Hãy sống cống hiến, sống hết mình mà không sợ gian nan, phải có nghị lực vươn lên trước những thử thách chông gai.

Viết

Trả lời Viết trang 163 SGK Văn 12 Cánh diều

Chọn một trong hai đề sau để viết thành bài văn ngắn:

Đề 1: Từ đoạn trích “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” ở trên, hãy nêu lên suy nghĩ của em về lối sống đẹp trong bối cảnh xã hội hiện nay

Đề 2: Viết bài văn nêu lên điểm giống nhau và khác nhau giữa bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu) và bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, sử dụng những kiến thức và kĩ năng đã học để viết bài văn

Lời giải chi tiết:

Có những tác phẩm đọc xong, gấp sách lại là ta quên ngay, cho đến lúc xem lại ta mới chợt nhớ là mình đã đọc rồi. Nhưng cũng có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại những ấn tượng chạm khắc trong tâm khảm. “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và “Tây Tiến” của Quang Dũng là hai tác phẩm như thế! Trong hai tác phẩm đều có điểm giống và khác nhau về mặt nội dung và nghệ thuật.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của tuần phủ Gia Định để tưởng nhớ công ơn của những người nông dân đã anh dũng đứng lên chống giặc. Năm 1858, giặc Pháp đánh vào Đà Nẵng, nhân dân Nam Bộ đứng lên chống giặc. Đêm 14/12 năm 1861, nghĩa quân đã tấn công đồn giặc ở Cần Giuộc trên đất Gia Định, gây tổn thất cho giặc, nhưng cuối cùng lại thất bại.Bài văn tế như bức tượng đài bằng ngôn từ, khắc họa hình tượng những người nghĩa sĩ nông dân hào hùng mà bi tráng, tượng trưng cho tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của cha ông ta. 

Tác phẩm Tây Tiến được viết cuối năm 1948, ở Phù Lưu Chanh (Hà Tây), khi Quang Dũng đã chuyển sang đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ. Binh đoàn Tây Tiến: được thành lập vào năm 1947 với thành phần là phần đông là thanh niên Hà Nội, học sinh, sinh viên. Nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt- Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp. Địa bàn hoạt động khá rộng lớn: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa ( Việt Nam), Sầm Nưa (Lào)

Nội dung của bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) có sự giống nhau với tác phẩm Tây Tiến (Quang Dũng) ở những điểm sau: Trước hết, chủ đề của hai văn bản đều thể hiện tình yêu quê hương, đất nước vô cùng sâu sắc trong thời kì giữ vững, bảo vệ nền độc lập của dân tộc trước giặc ngoại xâm. Tiếp đó, hai tác phẩm đều vô cùng thành công khi xây dựng, khắc họa vẻ đẹp gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam trong kì kháng chiến. Hình tượng những người chiến sĩ, nghĩa sĩ trong Tây Tiến và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc phải trải qua những khó khăn trong cuộc chiến đấu: Các nghĩa sĩ Cần Giuộc phải vào trận với các thứ vũ khí thô sơ, thiếu thốn, chỉ là những vật dụng sinh hoạt và lao động hàng ngày: “Ngoài cật có một manh áo vải”/ “Trong tay cầm một ngọn tầm vông”...;người lính Tây Tiến cũng phải chiến đấu trong điều kiện núi rừng hoang sơ, khắc nghiệt, những cơn sốt rét hoành hành. , 

Vì thế, mỗi tác phẩm đều là nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa dân tộc và có ý nghĩa như lời kêu gọi hành động đối với nhân dân Việt Nam hãy đoàn kết, đấu tranh vì độc lập, chủ quyền của mình.

Ngoài những điểm chung trên thì ở mỗi tác phẩm có sự khác biệt nhật đại diện cho thời kì lịch sử khác nhau cũng như cho tài năng và phong cách sáng tác của mỗi tác giả. Trước hết, cách khai thác vẻ đẹp của người dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp của hai tác phẩm khác nhau. Trong bài văn tế, hình tượng nghĩa quân Cần Giuộc được hiện lên không phải là người lính đã quen với việc binh đao, họ đều là những người dân nghèo lương thiện, cui cút làm ăn, ấy thế nhưng một khi tổ quốc cần, thì trái tim họ một lòng hướng về dân tộc.

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó,

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ....”

Ở đây, Nguyễn Đình Chiểu tập trung khắc họa hình tượng người nông dân nghĩa sĩ qua tinh thần gan dạ, dũng cảm, hào hùng, sẵn sàng đứng lên chiến đấu vì độc lập dân tộc. Dẫu trong cuộc chiến, lực lượng của ta và địch có sự chênh lệch lớn, không cân sức nhưng những người nông dân áo vải vẫn xông lên, quyết chiến với thứ vũ khí thô sơ, đơn giản. Vì thế, hình tượng nghĩa sĩ nông dân trở nên thật bi tráng, tựa như một tượng đài sững sừng vào không gian với thời gian để trở thành một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ mai sau. Người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc tiêu biểu cho hình ảnh người anh hùng chống Pháp thời kì đầu

Mặt khác, những người lính Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng được khắc họa khi phần lớn xuất thân từ những người thanh niên tri thức ở Hà Nội. Ngoài sự gan góc, dũng cảm, kiên cường vượt qua bao gian khổ trong chiến tranh, binh đoàn Tây Tiến đuọc miêu tả với vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn Người lính Tây Tiến hào hoa, có lòng yêu nước nồng nàn, khát khao lập chiến công. Ngày dõi tầm mắt vượt biên giới mơ lập chiến công, tiêu diệt quân thù. Đêm mơ về Hà Nội có người thân, người yêu.

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt gian nan nhưng sự lãng mạn trong những người lính trẻ không hề mất đi. Họ không cứng nhắc, khô khan, cũng có những phút giây họ dành cho người thân gia đình. Họ nhớ về quê hương nơi mà người thân họ vẫn ngày đêm trông mong. Họ nhớ về những bóng dáng thân yêu. Dưới ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, những người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp của những chiến sĩ cách mạng thời đại. 

Về mặt nghệ thuật, trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhà văn Nguyễn Đình Chiểu đãsử dụng từ ngữ giản dị, gần gũi và lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân Nam Bộ. Đặc biệt, phép đối được sử dụng rộng rãi, đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Những phép đối nói trên đã khắc họa vẻ đẹp bi tráng của người nông dân nghĩa sĩ. Giọng văn thay đổi linh hoạt, phù hợp với nội dung biểu đạt, trạng thái cảm xúc, trên nền âm hưởng chủ đạo là thống thiết. Khi gợi lại cuộc sống lam lũ, nghèo khó của người nông dân: Giọng văn bùi ngùi, trầm lắng còn lúc tái hiện trận công đồn thì nhịp điệu văn nhanh, mạnh, dồn dập, khắc họa những hành động khẩn trương, quyết liệt, gợi tả khí thế sôi động, tâm trạng hào hứng, hả hê: “kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ”. Khi ca ngợi những người nghĩa sĩ xả thân vì nước: Lời văn trở nên trang trọng, tự hào. 

Trong bài Tây Tiến, bằng tài năng sử dụng, kết hợp các từ mới lạ độc đáo, Quang Dũng đã khiến cho bài thơ đậm chất nhạc, chất họa. Chẳng hạn như trong câu thơ:

“ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”

Mở đầu là nỗi nhớ Tây Tiến “chơi vơi”, vừa xa xăm, sâu lắng, vừa thiết tha, quyến luyến: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”. Từ “ơi” kết hợp với từ láy “chơi vơi” tạo nên âm hưởng ngân vang, tha thiết. Ngoài ra,tác giả sử dụng nhiều từ ngữ tạo hình, kết hợp với nghệ thuật tương phản và những nét vẽ gân guốc: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, súng ngửi trời, ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống…đã vẽ được một bức tranh núi rừng Tây Bắc hiểm trở, dữ dội. Xen vào những nét vẽ gân guốc giàu tính tạo hình là những nét vẽ mềm mại, gam màu lạnh của màu khói cơm, màu sương mờ ảo làm xoa dịu cả khổ thơ. Giữa khung cảnh thiên nhiên là hình ảnh con người tuy nhỏ nhưng hiện lên với tư thế hiên ngang, làm chủ thiên nhiên

Có thể nói rằng, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và “Tây Tiến” của Quang Dũng đều là một trong những tác phẩm vô cùng đặc sắc trong văn học kháng chiến cách mạng, để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả về lòng yêu nước sâu sắc cũng như vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kì giữ vững, bảo vệ nền độc lập dân tộc.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu