Văn bản Sự ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt trái đất và hậu quả (Theo Rây – cheo Ca – son (Rachel Carson)


[...] Và một điều chắc chắn rằng không những nước ngầm mà ngay cả nước chảy trên mặt đất như ở các khe suối, sông hay nước tưới tiêu đều đang dần bị ô nhiễm.

Sự ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt trái đất và hậu quả

(Trích mùa xuân vắng lặng)

Theo Rây – cheo Ca – son (Rachel Carson)

[...]

Và một điều chắc chắn rằng không những nước ngầm mà ngay cả nước chảy trên mặt đất như ở các khe suối, sông hay nước tưới tiêu đều đang dần bị ô nhiễm.

Bằng chứng về sự ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt Trái Đất

Bằng chứng cụ thể cho vấn đề này được thể hiện rõ ở các vùng di trú hoang dã quốc gia tại Tu-li Lây-ko (Tule Lake) và Lâu-o Cla-mát (Lower Klamath), Ca-li-phoóc-ni-a (California). Đây là một phần trong chuỗi vùng di trú bao gồm cả Ấp-po Cla-mát Lây-ko (Upper Klamath Lake), nằm trên đường biên giới của Ô-rê-gân (Oregon). Tất cả các vùng di trú này đều liên kết với nhau bởi một nguồn nước chung, và đều chịu chung ảnh hưởng vì những vùng đất này như hòn đảo nhỏ nằm trong một lòng biển bao la là những dải đất nông nghiệp rộng lớn – đất được cải tạo bằng hệ thống thoát nước và dòng chảy lệch hướng so với vùng đầm lầy và nguồn nước mở.

Vùng đất nông nghiệp xung quanh các nơi cư trú này hiện đang sử dụng nước tưới tiêu lấy từ Ấp-po Cla-mát Lây-ko. Nguồn nước, lấy từ các cánh đồng sau khi tưới tiêu, được bom vào Tu-li Lay-ko và từ đây đi đến Lâu-o Cla-mát. Mọi nguồn nước ở các vùng di trú dựa vào hai hồ nước này đều là hệ thống tháo nước của đất làm nông. Cần phải nhớ điều này khi liên hệ với những gì xảy ra gần đây.

Mùa hè năm 1960, nhân viên quản lí vùng di trú đã nhặt được hàng trăm xác chim chết và cả những con chim đang kiệt sức ở Tu-li Lây-kơ và Lâu-ơ Cla-mát. Đa số đều là loài ăn cá – diệc, bồ nông, chim lặn và mòng biển. Theo kết quả phân tích, người ta phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu được lưu lại trong cơ thể của các loài này, ví dụ như tô-xơ-phen (toxaphene), DDD và DDE. Cá trong hồ cũng được xác định có chứa thuốc trừ sâu, và các sinh vật phù du cũng thế.

Người quản lí vùng di trú tin rằng dư lượng thuốc diệt sinh vật gây hại đã men theo dòng nước tưới trên đất nông nghiệp mà chảy đến và dần tích tụ trong nước của những vùng di trú này.

Hoá chất thông qua nước len lỏi vào vòng tuần hoàn của tự nhiên

[...] Nước cũng cần phải được xem xét ở khía cạnh sự sống mà nó dung dưỡng – từ những tế bào màu xanh nhỏ như hạt bụi có trong loài sinh vật phù du mọc khắp nơi, thông qua các kí sinh trùng cực nhỏ trong nước để đến với loài cá ăn sinh vật phù du này và những con cá này lại bị một loài cá khác, loài chim, chồn vai-zon (vizon), hay gấu Bắc Mỹ ăn thịt, tất cả tạo thành một vòng tuần hoàn vật chất vô tận từ đời này sang đời khác. Như chúng ta đều biết những khoáng vật cần thiết có trong nước di chuyển từ mắt xích này đến mắt xích khác trong chuỗi thức ăn. Vậy có thể cho rằng, chất độc mà chúng ta đưa vào nước sẽ không đi sâu vào vòng tuần hoàn của tự nhiên hay không?

Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong lịch sử đáng kinh ngạc của Hồ Cli-a (Clear), Ca-li-phoóc-ni-a. Cli-a là hồ nằm ở trên núi, cách 90 dặm về phía bắc San Phran-xít-cô [...]. Tuy tên gọi của hồ nghĩa là sạch (clear) nhưng thực tế lớp bùn đen mịn đã bao trùm lấy lòng sông cạn nên nước hồ khá đục. Nước trong hồ là môi trường sống lí tưởng cho một loài muỗi mắt nhỏ, có tên khoa học là Chaoborus astictopus. [...]Số lượng của chúng rất nhiều nên con người cảm thấy khó chịu vì phải san sẻ môi trường sống của mình với chúng. Họ cố gắng khống chế tình hình này nhưng vô ích. Đến cuối những năm 1940, khi thuốc trừ sâu nhóm hi-đờ-rô các-bon clo (hydrocarbon clo) hoá mang đến loại vũ khí mới, chất DDD, con người đã chọn hoá chất này để chiến đấu với loài muỗi mắt. DDD tuy là họ hàng gần với thuốc DDT nhưng dường như ít gây nguy hại hơn cho cá.

Những biện pháp khống chế mới được hứa hẹn tiến hành vào năm 1949. Việc thực hiện đã được lên kế hoạch cẩn thận và ít ai cho rằng điều không may sẽ xảy ra. Người ta bắt đầu khảo sát hồ, xác định thể tích và pha loãng thuốc trừ sâu theo tỉ lệ một phần hoá chất ứng với 70 triệu phần nước. Việc kiểm soát muỗi mắt đã bước đầu thành công; tuy nhiên, trước năm 1954, biện pháp này lại được thực hiện một lần nữa; lần này tỉ lệ pha trộn là một phần thuốc ứng với 50 triệu phần nước. Đa số mọi người đều nghĩ rằng muỗi mắt gần như đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Điềm báo đầu tiên xuất hiện vào những tháng mùa đông sau đó, một sự sống khác bị đe doạ: loài chim lặn phía tây sống trên hồ bắt đầu chết dần, chẳng mấy chốc số lượng chim chết lên đến hơn trăm con. Chim lặn phía tây ở Hồ Cli-a sinh sản và di trú vào mùa đông, chúng bị thu hút bởi vô số loài cá khác nhau trong hồ.

Đây là loài chim rất đẹp và có tập quán thú vị là xây tổ nổi trên những hồ cạn phía tây Hoa Kỳ và Ca-na-đa (Canada). Người ta còn gọi loài chim này là “chim lặn thiên nga”, bởi vì chúng có thể lượn qua và tạo thành một gọn sóng lăn tăn trên mặt hồ; cổ chim nhỏ, màu trắng, cái đầu màu đen sáng lúc nào cũng ngẩng cao. Những chú chim non mới nở được khoác lên mình lớp áo bằng lông to xám mịn; chỉ trong vài giờ sau đó chúng đã có thể tự uống nước và cưỡi lên lưng bố mẹ, rúc mình dưới đôi cánh chim bố mẹ.

 [...] Năm 1954, quả thật là không có bằng chứng nào cho thấy có sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm khi thực hiện khám nghiệm xác của những con chim đã chết. Tuy nhiên, khi tiến hành phân tích mô mỡ của chim lặn, người ta lại tìm thấy thuốc DDD có trong mô này với nồng độ rất đáng kinh ngạc, 1600 phần triệu.

Nồng độ thuốc tối đa khi pha với nước chỉ là 0,02 phần triệu. Vậy thì bằng cách nào mà nồng độ của loại hoá chất này có thể tăng đến mức độ kinh hoàng như thế trong cơ thể chim lặn? Đương nhiên, chim lặn là loài ăn cá. Khi cá trong Hồ Cli-a cũng được phân tích thì mọi việc bắt đầu rõ ràng – chất độc được tìm thấy ở những sinh vật nhỏ nhất, cô đặc lại và đi vào cơ thể của những loài động vật ăn thịt lớn hơn. Người ta xác định cơ thể sinh vật phù du có chứa khoảng 5 phần triệu thuốc trừ sâu (nhiều hơn khoảng 25 lần nồng độ tối đa khi pha loại hoá chất ấy trong nước), loài cá ăn thực vật sẽ tích luỹ từ 40 đến 300 phần triệu hoá chất này trong cơ thể, và những loài ăn thịt sẽ lưu trữ gần như toàn bộ. Cá bống biển nâu là loài có nồng độ tích luỹ rất đáng kinh ngạc, 2 500 phần triệu. Quá trình này là một chuỗi con này ăn con kia [...], loài cá lớn sẽ nuốt cá bé, cá bé sẽ nuốt động vật ăn cỏ cây, động vật ăn cỏ cây này sẽ nuốt sinh vật phù du, và loài sinh vật phù du bé nhỏ này lại hút chất độc có trong nước.

Nhiều khám phá lạ hơn đã được tìm ra sau đó. Không ai tìm được vết tích của thuốc DDD trong nước trong một thời gian ngắn sau khi phun thuốc. Thực tế chất độc này không lưu lại trong hồ mà nó ăn sâu vào lớp cấu trúc của các sinh vật đang được nuôi dưỡng trong hồ. Hai mươi ba tháng sau khi quá trình xử lí bằng hoá chất này ngưng lại, loài phù du vẫn còn mang trên mình 5,3 phần triệu chất độc. Trong khoảng thời gian gần hai năm đó, bao nhiêu phù du đã sinh ra rồi chết đi nhưng chất độc vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dù nó không còn tồn tại trong nước hồ. Nó tồn tại nhờ vào sự sống của những sinh vật trong hồ. Một năm sau khi ngưng sử dụng hoá chất, cá, chim và ếch đều được mang đi thử nghiệm, chúng vẫn còn có thuốc DDD trong mình. Lượng thuốc tìm thấy trong cơ thể những loài vật này luôn cao hơn rất nhiều lần nồng độ ban đầu khi chúng được đưa vào nước để tiêu diệt loài muỗi mắt. Những con vật mang chất độc như những con cá nở ra chín tháng sau đợt sử dụng thuốc DDD cuối cùng, những con chim lặn và mòng biển Ca-li-phoóc-ni-a đã tích luỹ thuốc với nồng độ hơn 2000 phần triệu. Trong khi đó, số lượng đàn chim lặn đang làm tổ đã dần suy giảm – từ hơn 1 000 cặp trước khi phun thuốc trừ sâu lần đầu tiên, đã giảm xuống còn khoảng 30 cặp vào năm 1960. Ngay cả 30 cặp chim này dường như cũng chỉ làm tổ vô ích, vì không ai nhìn thấy chú chim lặn con nào xuất hiện trên hồ kể từ lần phun thuốc DDD cuối cùng.

Toàn bộ quá trình lan truyền chất độc này dường như đều dựa trên những loài thực vật nhỏ – đóng vai trò là những chiếc máy cô đặc đầu tiên. Vậy còn đối tượng ở đầu kia của chuỗi thức ăn – con người – thì như thế nào? [...] Một nghiên cứu y học gần đây cho thấy DDD đã kiềm chế mạnh mẽ chức năng của vỏ thận ở người. Hiện nay, về phương diện lâm sàng', khả năng phá huỷ tế bào của hoá chất này đã được tận dụng trong việc điều trị một loại ung thư hiếm gặp, xảy ra ở tuyến thận. Trường hợp của Hồ Cli-a đã đặt ra một câu hỏi mà cộng đồng cần phải đối mặt: Đó là khôn ngoan hay khờ dại khi chúng ta sử dụng các chất gây tác động mạnh mẽ đến hoạt động sống của cơ thể với mong muốn khống chế côn trùng, đặc biệt là khi những biện pháp khống chế này gồm cả việc đưa trực tiếp hoá chất vào cơ thể hay vào nước? [...] Hồ Cli-a là ví dụ điển hình cho vô vàn trường hợp mà ở đó giải pháp cho một vấn đề nhỏ có thể sẽ tạo ra một vấn đề khác nghiêm trọng và khó nhận thấy hơn. Vấn đề của những người bị lũ muỗi mắt quấy rầy đã được giải quyết, nhưng cái giá phải trả là tất cả những sinh vật tiếp xúc với nguồn thức ăn và nước trong hồ phải gánh chịu rủi ro chưa được xác định rõ và có thể cũng khó mà hiểu rõ được.

Khi đất và mặt nước bị nhiễm thuốc diệt sinh vật gây hại cũng như các loại hoá chất khác, có nguy cơ là không chỉ chất độc mà cả chất gây ung thư cũng được đưa vào nguồn nước công cộng. Tiến sĩ W. C. Hiếu-po (W. C. Hueper), Viện Ung thư Quốc gia, cảnh báo “nguy cơ mắc bệnh ung thư do việc sử dụng nước uống bị nhiễm hoá chất sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần”. Thật vậy, một nghiên cứu được thực hiện tại Hà Lan vào đầu những năm 1950 cũng cho rằng nguồn nước bị ô nhiễm có nguy cơ gây ra bệnh ung thư. Những thành phố nhận được nguồn nước uống từ các con sông sẽ có tỉ lệ người chết vì ung thư cao hơn nơi mà người dân nhận được nước uống từ nguồn ít bị ô nhiễm hơn như nước giếng. A-xê-nít (arsenic), một chất có trong môi trường và là nguyên nhân gây ra ung thư ở người, đã có mặt trong hai sự việc từng xảy ra [...]. Ở trường hợp thứ nhất, a-xê-nít thâm nhập vào nước từ đống phế liệu của các công ty khai thác mỏ; ở trường hợp còn lại, a-xê-nít xuất hiện ở vùng có đá mang hàm lượng a-xê-nít tự nhiên cao. Với những trường hợp như thế này, nồng độ a-xê-nít vốn có sẽ dễ dàng tăng lên gấp bội theo số lượng thuốc trừ sâu chứa a-xê-nít được sử dụng rộng khắp. Đất ở những vùng này do đó cũng đều bị nhiễm độc. Và mưa sẽ mang một phần a-xê-nít đến với các con suối, sông, ao, hồ, cũng như hoà vào vùng biển ngầm rộng lớn trong lòng đất.

Một lần nữa, chúng ta nên nhớ rằng trong tự nhiên mọi thứ đều không tồn tại riêng lẻ. Thế nên, để có thể hiểu rõ sự ô nhiễm trên Trái Đất đang diễn ra như thế nào, chúng ta cần xem xét một nguồn tài nguyên cơ bản khác nữa, đó là đất.

[…]

(Theo Mùa xuân vắng lặng, nhóm dịch Khánh An, NXB Thế giới, 2018, tr. 63 –70)


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí