Đề kiểm tra 45 phút phần 3 lịch sử 8 - Đề số 5 có lời giải chi tiết


Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (4 điểm)

Câu 1. Vào năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch đã dâng lên vua Tự Đức bản điều trần có tên là

A. Thời vụ sách.

B. Bình Ngô sách.

C. Dương vụ.

D. Canh tân.

Câu 2. Những tư tưởng cải cách cuối thế kỉ XIX có ý nghĩa gì đối với phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX?

A. Khởi nguồn phong trào theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

B. Cổ vũ giai cấp tư sản đấu tranh giành độc lập.

C. Góp phần chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Duy tân.

D. Tấn công vào những tư tưởng bảo thủ của chế độ phong kiến.

Câu 3. Tình hình Việt Nam giữa thế kỉ XIX có điểm gì nổi bật?

A. Khủng hoảng trầm trọng, toàn diện.

B. Chính trị không ổn định, kinh tế phát triển.

C. Chính trị ổn định, kinh tế khủng hoảng.

D. Mầm mồng tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh.

Câu 4. Trong nửa cuối thế kỉ XIX, xã hội Việt Nam tồn tại mâu thuẫn

A. giai cấp và tầng lớp.

B. dân tộc và dân chủ.

C. giai cấp và dân tộc.

D. giai cấp và dân chủ.

Câu 5. Lực lượng chủ yếu tham gia trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX là

A. Bình dân thành thị.

B. Nông dân.

C. Quan lại, sĩ phu yêu nước.

D. Tư sản.

Câu 6. Ai là người đã kiên trì gửi lên triều đình 30 bản điều trần?

A. Nguyễn Lộ Trạch.

B. Nguyễn Trường Tộ.

C. Bùi Viện.

D. Phạm Phú Thứ.

Câu 7. Những đề nghị cải cách duy tân cuối thế kỉ XIX không được thực hiện là do nguyên nhân nào?

A. Các đề nghị cải cách duy tân có những hạn chế.

B. Thực dân Pháp đã xâm lược Việt Nam.

C. Triều đình Nguyễn bảo thủ.

D. Các đề nghị mang tính rời rạc, lẻ tẻ.

Câu 8. Đâu không phải cơ sở làm xuất hiện trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX?

A. Đất nước khủng hoảng.

B. Mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện và phát triển.

C. Lòng yêu nước thương dân của các sĩ phu.

D. Thực dân Pháp mở rộng xâm lược Việt Nam.

Câu 9. Trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX không mang ý nghĩa nào sau đây?

A. Thể hiện lòng yêu nước thương dân của các văn thân, sĩ phu.

B. Tấn công vào tư tưởng phong kiến bảo thủ.

C. Đặt cơ sở cho sự ra đời của phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX.

D. Thúc đẩy mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ở Việt Nam.

Câu 10. Những đề nghị cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX không mang hạn chế nào sau đây?

A. Chỉ chú trọng các vấn đề chính trị, xem nhẹ kinh tế - văn hóa - giáo dục.

B. Thiếu tính khả thi nếu áp dụng vào thực tế.

C. Chưa đụng chạm tới những vấn đề cơ bản của đất nước.

D. Rời rạc, lẻ tẻ, thiếu hệ thống.

II. TỰ LUẬN (6 điểm)

Câu 1: (3 điểm) Trình bày ngắn gọn tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam giữa thế kỉ XIX?

Câu 2: (3 điểm) Trình bày những hạn chế của các đề nghị cải cách cuối thế kỉ XIX.

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

A

C

A

C

C

B

C

B

D

A

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 136.

Cách giải:

Vào các năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch dâng hai bản “thời vụ sách” lên vua Tự Đức, đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 136.

Cách giải: 

Tư tưởng cải cách cuối thế kỉ XIX đã góp phần vào việc chuẩn bị cho sự ra đời phong trào Duy tân ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 135.

Cách giải:

Giữa thế kỉ XIX, trong khi thực dân Pháp ráo riết mở rộng xâm lược Nam Kì thì nhà Nguyễn vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại lỗi thời, lạc hậu khiến cho kinh tế, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Chọn: A

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 134.

Cách giải: 

Sự khủng hoảng của triều đình phong kiến nhà Nguyễn về nhiều mặt đã làm cho mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng gay gắt, bùng nổ mạnh mẽ nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân.

Chọn: C

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 136.

Cách giải: 

Trước tình trạng đất nước ngày càng nguy khốn, đồng thời xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, một số quan lại, sĩ phu yêu nước đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị cải cách.

Chọn: C

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 136.

Cách giải:

Từ năm 1863 đến năm 1871, Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì gửi lên triều đình 30 bản điều trần, đề cập đến một loạt vấn đề như chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương nghiệp, tài chính, chính đốn võ bị, mở rộng ngoại giao...

Chọn: B

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 136, suy luận.

Cách giải:

Nguyên nhân chính khiến những đề nghị cải cách duy tân cuối thế kỉ XIX không được thực hiện là do triều đình Nguyễn bảo thủ, bất lực trong việc thích ứng với hoàn cảnh, nên đã không chấp nhận những thay đổi và từ chối mọi sự cải cách, kể cả những cải cách hoàn toàn có khả năng thực hiện.

Chọn: C

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 135, suy luận.

Cách giải:

Những cơ sở dẫn tới sự ra đời của trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX bao gồm:

- Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế- chính trị- xã hội.

- Thực dân Pháp đang ráo riết mở rộng quá trình xâm lược Việt Nam.

- Xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, muốn cho đất nước giàu mạnh của các văn thân, sĩ phu

=> Một số quan lại, sĩ phu yêu nước đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị, yêu cầu đổi mới công việc nội trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa...của nhà nước phong kiến

Chọn: B

Câu 9.

Phương pháp: sgk trang 136, suy luận.

Cách giải:

Trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX có ý nghĩa:

- Thể hiện lòng yêu nước, thương dân của các văn thân, sĩ phu khi dám vượt qua những luật lệ hà khắc, sự nghi kị, ghen ghét để đưa ra những đề nghị cải cách.

- Tấn công vào tư tưởng phong kiến bảo thủ, lạc hậu.

- Chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX.

=> Loại trừ đáp án D: mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa thời kì này chưa du nhập vào Việt Nam nên chưa thể khẳng định phương thức kinh tế này phát triển do tác động của các đề nghị cải cách nửa cuối thế kỉ XIX.

Chọn: D

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 136, loại trừ.

Cách giải:

Hạn chế của các đề nghị cải cách ở Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ XIX:

- Mang tính rời rạc, lẻ tẻ, rời rạc, thiếu tính hệ thống (mỗi người lại đề ra một giải pháp trên một lĩnh vực mà không có tính đồng bộ).

- Chưa xuất phát từ những cơ sở bên trong nên đưa ra những giải pháp thiếu tính khả thi.

- Chưa đụng chạm tới những vấn đề cơ bản của đất nước là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến.=> Loại trừ đáp án: A

Chọn: A

II. TỰ LUẬN

Câu 1:

Phương pháp: sgk trang 134.

Cách giải:

Từ giữa thế kỉ XIX, trong khi thực dân Pháp đang ráo riết mở rộng việc xâm chiếm nước ta thì nhà Nguyễn vẫn thi hành những chính sách đối nội, đối ngoại lỗi thời, lạc hậu. Việt Nam rơi vào khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng.

- Kinh tế: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đình trệ, tài chính cạn kiệt.

- Xã hội: đời sống nhân dân khốn khổ, mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.

Câu 2:

Phương pháp: sgk trang 135, 136, suy luận.

Cách giải:

- Các đề nghị cải cách vẫn mang tính chất lẻ tẻ, rời rạc.

- Chưa xuất phát từ những vấn đề cơ bản của thời đại: giải quyết hai mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp xâm lược và giữa nông dân với địa chủ phong kiến.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Lịch sử lớp 8 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.