Từ văn bản Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh, em hãy kể lại chuyện ngày đầu tiên đi học của em>
Khi đọc lại những câu văn dạt dào cảm xúc: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” của bài Tôi đi học, lòng em lại nao nức khó tả
Dàn ý
1. Mở bài: Nhắc lại kỉ niệm ngày đầu tiên đi học em thấy ấn tượng nhất (thời gian, địa điểm…).
2. Thân bài:
- Cảm xúc đêm trước ngày khai trường:
+ Vui mừng, háo hức chuẩn bị đồ đạc (cặp sách, quần áo…).
+ Hồi hộp, lo lắng, không ngủ được.
- Cảnh vật trên đường tới trường.
+ Con đường tới trường với bố/ mẹ khác trở nên lạ thường.
+ Cảnh bầu trời, hàng cây, chim chóc….
- Tả về ngôi trường mới
+ Quang cảnh sân trường: bạn bè mới, thầy cô mới, học sinh khóa trên…
+ Cảnh lớp học: bàn ghế, cách trang trí lớp học.
- Tả về cảnh buổi lễ khai giảng
+ Xếp hàng chào cờ và dự lễ khai giảng.
+ Thầy/cô hiệu trưởng phát biểu, đánh trống chào năm học mới.
+ Các tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng.
+ Cảm xúc khi được trở thành học sinh ngồi phía dưới lắng nghe thầy cô.
- Vào nhận lớp học
+ Cảm xúc khi gặp và nghe cô giáo chủ nhiệm làm quen với lớp.
+ Cảm xúc khi có chỗ ngồi riêng, có bạn mới bên cạnh.
3. Kết bài: Khẳng định kỉ niệm ngày đầu tiên đi học luôn sâu đậm, đó là một phần của tuổi thơ
Bài siêu ngắn
Những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi. Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa thu, tiết trời mát mẻ. Tôi thức dậy từ rất sớm để vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng, thay quần áo. Sau khi chuẩn bị xong, mẹ đã đưa tôi đến trường. Trên đường đi, tôi cảm thấy vừa háo hức, vừa hồi hộp. Mẹ đã động viên để tôi thêm tự tin hơn. Khoảng mười lăm phút sau, tôi đã nhìn thấy ngôi trường Tiểu học. Mẹ gửi xe máy, rồi dắt tôi vào trong trường. Trên sân trường có rất nhiều học sinh và phụ huynh. Mẹ đưa tôi đi tìm phòng học của lớp 1A. Phòng học nằm ở tầng 1, dãy nhà B. Cô giáo đã đứng chờ ở cửa lớp, đón tôi bằng một nụ cười dịu dàng. Lúc này, tôi bỗng thấy lo lắng, sợ sệt. Tôi nép sau lưng mẹ, rụt rè nhìn cô giáo. Mẹ đã quay sang nói với tôi: “Cố gắng lên bé con! Những điều tuyệt vời đang đợi con phía trước!”. Giọng nói ấm áp cùng ánh mắt dịu dàng của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi chào tạm biệt mẹ tôi bước theo cô giáo vào lớp. Ngày hôm đó, tôi được làm quen với cô giáo và bạn bè. Những kỉ niệm về buổi học đầu tiên đã trở thành hành trang vô cùng quý giá đối với tôi.
Bài tham khảo Mẫu 1
Khi đọc lại những câu văn dạt dào cảm xúc: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” của bài Tôi đi học, lòng em lại nao nức khó tả.
Thật vậy, những câu văn này đã làm em nhớ lại cái buổi ban mai nào đó, em được mẹ nắm tay dắt đi trên con đường có hai hàng cây xanh thẳng tắp dẫn đến một ngôi trường có mái ngói đỏ tươi.
Những cây bàng và cây hoa phượng đứng sừng sững trên cái sân rộng, sạch sẽ có những dãy ghế đá kê ngay ngắn dưới gốc cây.
Cùng bước vào cái sân ây, còn có những người bạn cũng như em được cha, mẹ hay chị dẫn đến trường vì cũng là buổi đầu tiên đi học như em.
Có một điều rất lạ, em nổi tiếng là đứa bé hay nghịch ngợm hay trêu chọc bạn bè mà sao hôm nay đến đây lại rụt rè và run lên như thế... Có lẽ vì nhìn cái gì cũng lạ, cũng thấy nó có một cái gì đó khác thường.
Đấy, các bạn khác cũng nhìn mãi cây bàng có ba tầng tán lá, xòe ra một góc sân vừa như muốn leo lên tìm những quả chín, nhưng lại chưa quen thân như cây gạo đầu xóm...
Qua cửa sổ, em nhìn vào trong lớp, những dãy bàn ghế còn mới đứng xếp hàng ngay ngắn ngăn nắp như nói thầm với em rằng: “Vào đây là phải đàng hoàng, sạch sẽ và không được nghịch đâu đấy!”
Đến khi thầy Hiệu trưởng mời các phụ huynh học sinh và các học sinh mới ngồi vào hai hàng ghế kê trước cột cờ, em mới như tỉnh một giấc mơ: “Ôi em đã đến trường học”. Các bạn học sinh mới và em đến ngồi bên cạnh phụ huynh để nghe thầy Hiệu trưởng nhắc nhở, dặn dò từ giờ giấc đi học, đến việc vào lớp phải có hàng ngũ ngồi trên lớp phải ngay ngắn nghe thầy cô giảng bài.
Nghe những lời nói của thầy Hiệu trưởng, ai cũng bỡ ngỡ vì đó là những lời nói đầu tiên em được nghe đến nó, như giảng dạy, học tập, môn tập đọc, môn học tính v.v...
Từ đó thầy Hiệu trưởng giới thiệu cô giáo dạy lớp 1 mới. Tên cô là Liên, mặc chiếc áo dài màu tím Huế, cô còn trẻ như mẹ em. Cô có khuôn mặt tròn xinh xắn với đôi môi cười rất tươi... Cô giơ tay chào phụ huynh học sinh và các em rồi vẫy tay bảo các em rời khỏi chỗ ngồi theo cô vào lớp.
Chao ôi, em bước theo cánh tay vẫy gọi của cô nhưng tay em không sao rời được tay mẹ, mẹ em phải gỡ tay em ra và đẩy nhẹ em đi về phía cô... Bên cạnh em có bạn khóc thút thít, còn em chỉ muốn chảy nước mắt.
Vào lớp, em được xếp ngồi hàn thứ hai bên cạnh cửa sổ, em nhìn ra ngoài sân, mẹ em và các phụ huynh đang chào nhau vui vẻ ra về...
Em cúi xuống lục trong cặp lấy cuốn Tiếng Việt 1 mở ra...
Giọng nói của cô trong trẻo lúc đầu còn nhỏ nhẹ sau to dần lên.. nghe vừa lạ vừa quen...
Thế là em đã đi học.
Bài tham khảo Mẫu 2
“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em tới trường, em vừa đi vừa khóc. Mẹ dỗ dành yêu thương, ...” Đó là những cảm xúc đầu tiên của tôi khi chuẩn bị vào lớp một. Khi tôi ngân nga bài hát này thì lòng tôi lại nhớ đến những kỉ niệm đẹp của ngày đầu tiên đi học.
Nhớ lại lúc ấy, cái thuở tôi còn bé xíu cùng mẹ bước chân vào một ngôi trường tiểu học rộng thênh thang. Khi mới vừa bước chân vào trường thì tôi nắm lấy tay mẹ tôi thật chặt chứ không như những lúc ở nhà; đi đâu cùng được và cũng chẳng sợ gì. Có lẽ vì tôi đã quá quen với từng con hẻm nhỏ ở nhà tôi nên tôi chẳng sợ gì cả, tôi chạy bỏ mẹ lại thật xa. Vậy mà lúc ấy tôi lại chẳng dám rời khỏi mẹ dù chỉ một bước. Giờ học bắt đầu, cổng trường đóng lại, tôi bơ vơ trong lớp nhìn ra ngoài cổng xem còn có mẹ không. Tôi như ở một thế giới hoàn toàn khác khi tôi vừa chia tay mẹ. Lúc đó tôi chẳng biết phải làm gì chỉ biết đứng đỏ mà khóc. Và rồi, cô đến bên tôi, cô nắm lấy tay tôi và cô nói ràng: “Đừng sợ, có cô đây” Tôi nghe cô nói, lời nói thật ngọt ngào và dịu dàng biết bao. Tôi cứ ngỡ cô là người mẹ thứ hai của tôi, che chở, quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ tôi. Tôi lúc ấy không còn đi chơi như ngày trước nữa mà tôi đã đi học.
Ngày đầu đi học thật khó, tôi chẳng biết gì cả. Tôi chẳng biết cầm bút, chẳng biết sách vở là gì nhưng điều đó chẳng khó gì khi có cô bên cạnh tôi. Cô đã chỉ tôi cách cầm bút, tập cho tôi viết chữ. Và rồi ba tiếng trống trường vang lên, báo hiệu giờ về đã đến. Những bạn khác thì được ba mẹ đón về nhà. Cô cũng về nhà, chỉ còn lại một mình tôi - cậu học trò lớp một cô đơn trong căn phòng lạnh lẽo. Tôi đã khóc, khóc rất to rồi đột nhiên có ai đó khẽ đặt tay lên vai tôi và nói: “Mình về nhà thôi con”, lúc đó tôi mới nhận ra là mẹ đã ở bên tôi.
Ôi! Sao tôi thương đến thế, sao tôi nhớ đến thế. Cái ngày đầu tiên đi học của tôi. Cái ngày mà tôi có nhiều kỉ niệm nhất trong tuổi thơ của mình.
Bài tham khảo Mẫu 3
Khi đã đi qua thật nhiều kỉ niệm buồn vui, tôi mới nhận ra rằng, những ngày đầu tiên luôn mang lại cho chúng ta những cảm xúc tuyệt vời nhất, Lần đầu tiên giúp mẹ làm việc nhà, lần đầu tiên đi chơi xa, hay lần đầu tiên đi học, Những cảm xúc ngày đến trường đầu tiên ấy, có lẽ không bao giờ tôi quên. Bởi nó trong trẻo, thơ ngây như chính những năm tháng học trò vậy.
Sáng ngày tựu trường là sáng ngày ngày thu, trời trong xanh không một gợn mây. Ông mặt trời toả tia nắng đầu thu, soi sáng mọi vật xua tan đi màn đêm. Tôi tự dậy từ sáng sớm, chuẩn bị mọi thứ xong xuôi. Lần đầu tiên tôi mặc đồng phục của trường. Trông thật là lạ. Tôi đã trở thành cậu học trò rồi đó sao? Cả nhà đều tấm tắc khen tôi chững chạc hẳn lên, làm tôi như có động lực hơn nữa.
Mẹ chở tôi trên con đường làng quen thuộc nhưng sao mọi thứ hôm nay khác quá. Dải hoa ven đường nở rộ như chào đón những cô cậu học sinh bước vào năm học mới. Con đường làng như rộng hơn... Từng tốp học sinh tay trong tay, khăn quàng đỏ tươi rộn rã tiếng cười nói hoà vào tiếng chim hót líu lo, tiếng xe cộ đi lại làm không khí náo nhiệt hơn. Cổng trường hiện ra trước mắt tôi. Nó to và đẹp quá, cả dãy nhà nữa, thật là to lớn! Dòng chữ: ''TRƯỜNG TIỂU HỌC KIM ĐỒNG'' ngay ngắn trên cổng. Cha mẹ, các bạn học sinh từng tốp một bước vào trường, đông đến kín cả cổng. Với những người cha, người mẹ có con mới vào như mẹ tôi có thể nhận thấy rõ một điểm chung, đó là gương mặt. Họ đều tỏ rõ vẻ lo lắng, suy tư mong cho con mình có ngày tựu trường đầu tiên diễn ra tốt đẹp. Xen lẫn vào đó là cả sự mong đợi, hi vọng vào đứa con yêu quý của mình. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng tôi vẫn thật sự bất ngờ. Quá đông người mà cũng toàn người lạ. Tôi sợ hãi chỉ biết nép vào người mẹ, nhìn mọi người. Những cậu bạn khác cũng không hơn tôi là mấy. Đều sợ sệt, ngại ngùng trong ngày đầu tiên tựu trường.
Thế rồi tiếng trống vào lớp cũng vang lên. Mẹ dắt tay tôi vào lớp:
- Đi thôi con, sau hôm nay con sẽ là cậu học trò, đầy khát vọng và ước mơ. Mẹ nhìn tôi trìu mến rồi đưa tôi đến cửa lớp. Bỗng mẹ dừng lại trước một người phụ nữ:
- Chào cô đi con. Đây là cô Nhi, cô sẽ là cô giáo của con. Rồi người phụ nữ nở nụ cười trìu mến, dắt tay tôi vào lớp học. Cô mặc bộ áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài cùng nụ cười hiền hậu. Tôi không dám bước đi tiếp, cứ ngoái đầu lại nhìn mẹ trong lo âu. Tôi không muốn phải rời xa vòng tay của mẹ, bước vào môi trường mới với thầy cô, bạn bè đều lạ, làm sao tôi quen được đây. Cô Nhi nhẹ nhàng dỗ dành tôi với giọng nói ấm áp, vừa xa lạ nhưng cũng thân thương vô cùng:
- Bước sau ngưỡng cửa lớp học kia là cả một chân trời mới với bao kiến thức, bao bạn bè thầy cô. Rồi em sẽ dần khôn lớn và trưởng thành. Nào vào lớp thôi em.
Từng lời cô nói như mở ra cho tôi những chân trời mới, như an ủi vỗ về tôi. Tôi như được tiếp thêm niềm tin để bước vào lớp cùng bao bạn bè khác. Tôi tự tin rời khỏi vòng tay mẹ, khẽ mỉm cười rồi bước vào lớp. Có lẽ, mẹ cũng đang hài lòng vô cùng vì con mẹ dần khôn lớn lên rồi, tôi nghĩ như vậy. Quả đúng là như thế. Bước qua cánh cổng trường là ngôi nhà thứ hai của tôi, là nơi để chúng tôi học tập, rèn luyện thành người. Trường học, thầy cô yêu thương trìu mến đã dạy tôi thành người, dạy tôi cách sống tốt. Từng bước trưởng thành trên con đường học tập có cô. Không chỉ ở bậc nhà giáo, mà những người đồng hành cùng tôi là cha mẹ, bạn bè. Ngày tựu trường hôm ấy thật khó quên với bao cảm xúc lẫn lộn. Ngày tựu trường ấy đánh dấu mốc đầu tiên trên con đường đời của tôi.
Kỉ niệm thời thơ ấu với mỗi con người là không thể thay thế. Đặc biệt trên con đường thành công sau này, kí ức ngày xưa sẽ là hành trang quan trọng giúp ta tiến lên phía trước. Còn đó bao ngày tựu trường nữa nhưng ngày hôm ấy là ngày thật đẹp đẽ nhất.
Bài tham khảo Mẫu 4
Nhân lúc soạn lại tủ sách cũ để sắp xếp góc học tập cho niên học mới khi bước vào lớp 8, em làm rơi ra một tấm ảnh kỉ niệm năm lớp một, chụp cùng bè bạn ngày lãnh thưởng cuối năm. Nhìn gương mặt ngây thơ của em và các bạn trong ngày ấy… bao kỉ niệm ngày đầu tiên nhập học trường tiểu học lại trở về trong trí óc em, rõ ràng như một cuốn phim.
Đó là một buổi sáng đầu tháng 9. Sau một đêm mưa, trời Sài Gòn nắng ấm dìu dịu. Mẹ gọi em dậy sớm, mặc vào cho em một chiếc áo trắng tinh cổ lá sen và chiếc váy màu xanh nước biển mà mẹ đã ủi kĩ đêm qua. Mẹ bảo em quay đi quay lại mấy vòng., em lúng túng làm theo lời mẹ với nỗi hồi hộp. Rồi mẹ ôm em vào lòng và bảo: – Con gái mẹ giờ đã lớn rồi, năm nay con không mặc áo đầm bông đi nhà trẻ nữa, con đến trường này học lớp một. Cô giáo sẽ thay mẹ dạy con những điều mới, điều hay con phải ngoan ngoãn nhé! Đi đường, em lo lắng tự nhủ: Không biết cô giáo có khó lắm không nhỉ? Sao mà cuốn sách "Tiếng Việt" mẹ mua nhiều chữ đến thế? Mình có học hết và nhớ hết không nhỉ? Còn cuốn sách Toán và bao nhiêu cuốn sách nữa, sao mà nó dày cộm, không như các cuốn sách tô màu của nhà trẻ!… Hai bên đường, người và xe chạy ngược xuôi, nườm nượp, em ngồi sau xe của mẹ, nghe loáng thoáng tiếng mẹ dặn dò: – Con vào trường, phải lễ phép chào các thầy, các cô con nhé, tìm xem lớp một C ở đâu, thì đứng vào xếp hàng, nếu bạn nào chen lấn thì con cứ tạm nhường nhịn bạn; nếu bạn nào bắt nạt con, phải nói khéo, nếu bạn vô lí cố tình gây chuyện thì con phải mách cô giáo, đừng gây gổ với các bạn con nhé!…
Đã đến cửa trường, nghe mẹ dặn thế, tôi càng ngại ngần bước vào sân mặt tôi ngẩn ra… nhìn mẹ lo âu như chực khóc! Mẹ tôi cười xòa, ôm tôi mà nói: – Mẹ lo xa mà dặn con thế thôi, chứ trường này, các bạn con cũng có cha mẹ, dặn dò, dạy dỗ các bạn như ba mẹ đã dạy dỗ, dặn dò con vậy mà! Này nhé: Hôm nọ xem danh sách lớp con, thấy có tên của bạn Bình Minh và bạn Anh Dũng, cùng là bạn của lớp mẫu giáo cũ, con có nhớ không? Nghe đến đó, tôi mới hết rưng rưng nước mắt, mỉm cười và gật đầu, tạm biệt mẹ. Cầm chiếc cặp nặng nề và to kềnh càng ấy, tôi lúng túng bước vào sân trường, cổng trường đầy đăc học sinh tôi ngước nhìn bốn bên xem lớp 1C của tôi ở đâu, nhưng tôi chỉ thấy loáng thoáng các anh, các chị lớp bốn, lớp năm đang chạy quanh tôi, chơi trò rượt bắt một cách vui vẻ. Những anh chị ấy làm tôi không tìm đường đến lớp mình, nhưng sau lại cho tôi cảm giác yên tâm: Ngôi trường này là một nơi vui vẻ, có lẽ ít ngày sau, tôi sẽ cùng bạn Bình Minh, Anh Dũng và các bạn mới chơi đùa nơi đây! Nghĩ vậy, tôi mỉm cười và có thêm kiên nhẫn, tìm ra lớp mình?
Vừa rảo bước trên sân tìm lớp, trong trí tôi vừa lúc vừa nhớ lại giọng đọc một bài văn hay của mẹ tôi đêm qua: "Con ơi! Hiện thời, không một đứa trẻ nào mà không đi học. Con hãy nghĩ đến những lúc người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến, cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem sách vở ra học, viết. Cho đến những đứa trẻ mù, trẻ cảm, chúng cũng đều đi học cả.
Mỗi buổi sáng, lúc con ra đường, con hay nghĩ cũng vào giờ này, trong thành phố ta có thể có đến ba vạn đứa trẻ cũng như con, đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con hãy tưởng tượng cũng vào giờ này, có những đứa trẻ lếch thếch trên những con hẻm nhà quê, rảo bước trong các thành phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng, chúng đi thuyền ở xứ chằng chịt sông ngòi, chúng phải cưỡi ngựa trên những cánh đồng không mông quạnh hay ngồi xe trượt trên những bãi bằng giá lạnh, chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng, lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nhìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau. Từ ngôi trường lấp lánh trong tuyết xứ Canada đến nóc trường hẻo lánh lẫn trong khóm hồi xứ Ả Rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều giống nhau bằng các thể thức khác nhau. Trong cái "tổ kiến học sinh" ấy, con được hân hạnh dự phần. Cố lên, tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên con ơi, lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là thù địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát!" Khi tôi đứng xếp hàng vào lớp 1C một lúc sau thì cô giáo mới của chúng tôi xuất hiện. Đó là cô N, một cô giáo có dáng vẻ tận tụy và gầy gò. Cô hướng dẫn chúng tôi xếp hàng rồi dắt chúng tôi lên lớp. Buổi học ấy, cô giáo xếp chỗ ngồi, chia tổ cho chúng tôi. Điều vui nhất là tôi và bạn Bình Minh lại được xếp vào cũng một tổ. Cô còn dặn chúng tôi phải mua bao nhiêu quyển vở, bao bìa dán nhãn ra sao. Những quy định về kỉ luật, cách giơ tay phát biểu và những trường hợp sẽ được cô khen thưởng. Tôi càng ngày càng thấy có nhiều điều mới và hay… Reng… Reng… giờ ra chơi ấy, tôi đã cùng bạn Bình Minh và một bạn mới chạy chơi rượt bắt , nhưng rủi sao, khi gần bắt được bạn Minh thì tôi trượt chân ngã, máu rớm ra ở đầu gối. Các chị lớp lớn chỉ cho chúng tôi "phòng y tế". Hai bạn cùng dìu tôi về phòng y tế. Nhìn vẻ mặt lo lắng của các bạn cũ và mới, tôi cảm động quá, nhìn các bạn mỉm cười: "Không sao, không có đau đâu mà, hay mình chơi tiếp nhé?". Nhưng bạn Minh nói: "Thì bạn cứ vô nhờ cô y tá băng lại đi, rồi mình chơi tiếp được mà!"
Những giọt "An côn" làm tôi đau rát quá, xuýt xoa, nhăn nhó. Nhưng sau khi cô y tá lau chùi và băng bó xong, tôi lại hết đau ngay. Chúng tôi lại tiếp tục vui đùa trên những dãy hành lang lớp một. Vậy mà khi vào học tiếp hai tiết nữa, tôi thấy bụng đói và nhớ mẹ lạ lùng, tôi cố quên hình ảnh mẹ để nghe cô giảng cho đến khi trống trường báo hiệu tan học. Bỗng một giọng nói đột ngột vang lên: "Con ơi, ngồi làm gì ở đó mà lâu thế? Con dọn dẹp, sắp xếp xong chưa? Đi ăn cơm nào!" Tôi giật mình nhìn lại, thì ra mẹ đã kéo tôi về thực tại: năm học lớp tám đang chờ đón tôi. Tạm biệt mùa hè!
- Hãy cho biết những nét thành công về nghệ thuật của văn bản Tôi đi học. Sức cuốn hút của văn bản được nên từ đâu?
- Phân tích hình ảnh chú bé – nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường của truyện ngắn Tôi đi học – Thanh Tịnh
- Viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của em về văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh
- Viết một đoạn văn giới thiệu về cảm xúc nhân vật “tôi” trong tác phẩm Tôi đi học
- Viết một đoạn văn với câu chủ đề: “Truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh đã khơi lại trong lòng mỗi người những kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên”
>> Xem thêm
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai