Bài 3. Những góc nhìn văn chương - Văn mẫu 7 Chân t..

Phân tích đặc điểm nhân vật Bơ-mơn trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng


Có những tác phẩm như một chiếc chìa khóa kì diệu, nó mở tung cánh cửa tâm hồn ta, để biết bao xúc cảm sống dậy miên man

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Cụ Bơ-mơn trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của nhà Văn O-hen-ri là một nhân vật tiêu biểu với tình thương và lòng nhân ái bao la.

2. Thân bài

- Hoàn cảnh: sống một mình ở một ngôi nhà trong khu phố nhỏ, nghèo nàn

- Công việc: họa sĩ, tự làm mẫu vẽ để kiếm sống qua ngày

- Là một nghệ sĩ chân chính với khát khao vẽ một kiệt tác bất hủ

- Có trái tim với tình thương bao la

- Hành động: trong đêm lạnh lẽo cô đơn đã dồn hết sức lực của mình vẽ nên một chiếc lá mang hy vọng sống cho cô gái trẻ

3. Kết bài

Tác phẩm của cụ tuy đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, cụ Bơ-mơn chính là một biểu tượng tuyệt vời cho lòng nhân ái cao cả, cho vẻ đẹp của những người làm nghệ thuật chân chính: "nghệ thuật vị nhân sinh".

Bài mẫu 1

Có những tác phẩm như một chiếc chìa khóa kì diệu, nó mở tung cánh cửa tâm hồn ta, để biết bao xúc cảm sống dậy miên man. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Ô Hen-ri đã để lại trong tôi bao cảm xúc như thế. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với nhân vật Bơ-mơn – bác họa sĩ già giàu lòng nhân ái, có khát vọng nghệ thuật cao đẹp.

Ô Hen-ri là nhà văn người Mỹ nổi tiếng với những truyện ngắn súc tích, đầy bất ngờ, gợi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chiếc lá cuối cùng là truyện ngắn tiêu biểu cho tài năng của Ô Hen-ri với một cốt truyện ngắn gọn nhưng cảm động. Quả thật, nhà văn đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng nên nhân vật bác Bơ-mơn, nhân vật mà ông gửi gắm những thông điệp nhân văn, sâu sắc về tình người và sức mạnh của nghệ thuật.

Trước hết, tôi yêu quý bác Bơ-mơn bởi sự nhân hậu của bác. Tình thương và tấm lòng cao cả cảu bác Bơ-mơn được kết tinh trong hình ảnh chiếc lá cuối cùng – một chi tiết giàu ý nghĩa trong truyện ngắn. Chiếc lá cuối cùng đã thắp lên ánh sáng của sự sống, đã cứu sống một người trẻ với tương lai rộng mở phía trước. Đó là khoảnh khắc Giôn-xi, một tâm hồn cô đơn “đã chuẩn bị cho chuyến đi xa xôi, bí ẩn của mình” trông thấy chiếc lá cuối cùng, cũng đơn độc nhưng bằng mọi giá bám víu lấy sự sống. Có lẽ Giôn-xi đã nhận ra chính mình trong chiếc lá bé nhỏ ấy, chiếc lá đã thức tỉnh và tiếp thêm cho Giôn-xi khát vọng sống. Trái tim nhân hậu của người họa sĩ già đã tiếp cho Giôn-xi hi vọng để vượt qua bệnh tật.

Bên cạnh đó, nhân vật bác Bơ-mơn còn là một họa sĩ với khao khát nghệ thuật đáng trân trọng. Khao khát nghệ thuật của bác đã tạo nên kiệt tác “chiếc lá cuối cùng”. Dường như bác Bơ-mơn đã trút tất cả tài hoa, sự sống và tình yêu thương để vẽ nên “chiếc lá cuối cùng”, và rồi trao lại kiệt tác ấy cho thế hệ họa sĩ trẻ như một sự tiếp nối sứ mệnh nghệ thuật. Ngay khi Giôn-xi khỏe lại, ước ao nghệ thuật năm xưa trong cô cũng sống dậy. Cô bày tỏ: “Em hi vọng một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-pô-lo”. Phải chăng trong ước ao của người họa sĩ trẻ cũng đã rực cháy ngọn lửa yêu thương và khát khao nghệ thuật của bác Bơ-mơn? Và phải chăng, đến cuối cuộc đời mình, người họa sĩ già ấy cũng đã tìm được nguồn cảm hứng để làm nên tác phẩm để đời – nguồn cảm hứng xuất phát từ lòng nhân hậu và tình thương?

Khép lại trang sách cuối cùng, tôi vẫn không thôi nghĩ về nhân vật bác họa sĩ già Bơ-mơn – người họa sĩ giàu lòng nhân ái, có khát vọng nghệ thuật chân chính. Niềm yêu thương và nỗi xót xa cứ thế miên man không dứt. Rồi đây Giôn-xi và Xu có lẽ sẽ tiếp tục cuộc đời của họ với nhiệt huyết mà cụ Bơ-mơn đã trao tặng. Khi nghĩ về điều ấy, tôi lại cảm thấy nỗi buồn được xoa dịu, chỉ còn lại niềm tin dịu dàng ấm áp. Bởi bác Bơ-mơn đã dạy tôi một bài học: dẫu cuộc đời đầy xót xa, mất mát, vẻ đẹp của sự sống và tình người vẫn luôn ngời sáng.

Bài mẫu 2

O Hen-ri là một nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Những tác phẩm của ông thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương người nghèo khổ, rất cảm động. “Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn góp phần làm cho tên tuổi của O Hen- ri trở nên bất hủ.

Trong câu chuyện ấy, ta thấy thấm đượm tình cảm cao đẹp giữa những người họa sĩ nghèo khổ, và đặc biệt để lại nhiều dư cảm sâu sắc nhất là nhân vật cụ Bơ-mơn. Cụ sống cùng Xu và Giôn-xi trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa- sinh- tơn. Bốn chục năm nay cụ mơ ước vẽ một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được, cụ thường ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ khác để kiếm tiền.

Cuộc sống tuy nghèo nhưng cụ luôn giữ phẩm chất trong sạch, hoàn cảnh không thể làm cụ yếu mềm tinh thần. Chả thế mà cụ “hay chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai”. Cụ Bơ-mơn luôn sống giàu tình thương, quan tâm tới mọi người. Cụ muốn những người xung quanh mình phải mạnh mẽ và cứng rắn. Chúng ta cảm động khi biết cụ tự coi mình có nhiệm vụ bảo vệ Xu và Giôn-xi ở phòng vẽ tầng trên.

Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi, cô tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện cửa sổ, chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng thì cô cũng lìa đời. Biết được ý nghĩ kì quặc ấy, mắt cụ Bơ- mơn đỏ ngầu, “nước mắt chảy ròng ròng”. Đó là những giọt nước mắt xót xa, đầy thương cảm. Cụ “hét lên”, “quát to” rồi sau đó là lời dịu dàng, xót xa: “Chà tội nghiệp cô bé Giôn-xi”.

Cụ Bơ-mơn con người có đức hi sinh cao cả. Nhà văn đã tập trung miêu tả khoảnh khắc căng thẳng của cụ và Xu: “Họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì.” Dường như trong phút giây im lặng ấy, họ đã đoán được điều gì sẽ xảy đến. Là một nhân vật chính nhưng cụ chỉ xuất hiện ở phần đầu và giữa truyện, những hành động tiếp theo của cụ chỉ được hiện lên qua lời kể của Xu.

Sau khi ngồi làm mẫu cho Xu vẽ, hình ảnh cụ Bơ-mơn bỗng biến mất. Người đọc dần lãng quên sự hiện diện của cụ mà thay vào đó chú ý tới diễn biến căng thẳng xoay quanh Xu, Giôn- xi và chiếc lá cuối cùng. Không ai đoán biết được cụ đã làm gì trong khoảng thời gian ấy. Phải đến cuối truyện, Giôn-xi và người đọc mới hiểu rõ hành động cao cả của cụ. Chắc chắn khi đứng dưới mưa tuyết để vẽ chiếc lá lên bờ tường gạch, con người già nua ấy giá buốt lắm, hơn ai hết cụ biết rõ tính mạng mình đang gặp nguy hiểm.

Nhưng lòng thương yêu Giôn-xi, ý muốn dùng cây bút và bảng màu để đem lại niềm tin, nghị lực sống cho cô đã giúp cụ vượt lên tất cả. Chiếc lá mà cụ vẽ sống động và rất thật: “ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa”, khiến cho hai cô họa sĩ của chúng ta cũng không hề nghi ngờ. Và chiếc lá ấy đã gieo vào lòng cô gái trẻ tội nghiệp hơi ấm của niềm tin, nghị lực, kéo cô từ vực thẳm của bệnh tật vươn lên sống tiếp.

Có thể nói chiếc lá là cả tấm lòng của cụ Bơ-mơn, là minh chứng cho sự hi sinh đến quên mình để đem lại sự sống cho người khác. Cụ đã làm được một điều mà bốn mươi năm qua hằng ao ước: vẽ một kiệt tác. Và có lẽ khi một con người nằm xuống cũng là lúc một tâm hồn được đánh thức, sẽ tiếp tục cống hiến cho đời những sáng tác nghệ thuật.

Câu chuyện kết thúc bằng lời kể của Xu về cái đêm mà cụ Bơ-mơn vẽ chiếc lá mà không để cho Giôn- xi có phản ứng gì thêm như để lại dư âm trong lòng người đọc. Nhà văn O Hen-ri đã rất khéo léo khi xây dựng nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần. Lần đảo ngược thứ nhất, Giôn-xi như đang tiến dần đến cái chết bỗng khỏe lại, yêu đời và chiến thắng bệnh tật.

Lần đảo ngược thứ hai liên tiếp sau đó, cụ Bơ-mơn từ một người khỏe mạnh đến cuối truyện mắc bệnh và qua đời. Một con người đi từ sự sống đến cái chết, một con người người từ cái chết tìm lại sự sống. Tất cả đã được nhà văn kể lại thật tự nhiên và cảm động.

Truyện ngắn làm cho chúng ta không khỏi rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những người nghèo khổ. Câu chuyện còn giàu tính nhân văn , ẩn chứa bức thông điệp trong cuộc sống: dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn nhất cũng đừng bao giờ bi quan, tuyệt vọng, hãy mạnh mẽ tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, ta sẽ vượt qua tất cả.

Bài mẫu 3

O Hen-ri là một nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Những tác phẩm của ông thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương người nghèo khổ, rất cảm động. “Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn góp phần làm cho tên tuổi của O Hen- ri trở nên bất hủ.

Trong câu chuyện ấy, ta thấy thấm đượm tình cảm cao đẹp giữa những người họa sĩ nghèo khổ, và đặc biệt để lại nhiều dư cảm sâu sắc nhất là nhân vật cụ Bơ-men.Cụ sống cùng Xiu và Giôn-xi trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa- sinh- tơn. Bốn chục năm nay cụ mơ ước vẽ một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được, cụ thường ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ khác để kiếm tiền.

Cuộc sống tuy nghèo nhưng cụ luôn giữ phẩm chất trong sạch, hoàn cảnh không thể làm cụ yếu mềm tinh thần. Chả thế mà cụ “hay chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai”. Cụ Bơ-men luôn sống giàu tình thương, quan tâm tới mọi người. Cụ muốn những người xung quanh mình phải mạnh mẽ và cứng rắn. Chúng ta cảm động khi biết cụ tự coi mình có nhiệm vụ bảo vệ Xiu và Giôn-xi ở phòng vẽ tầng trên.

Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi, cô tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện cửa sổ, chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng thì cô cũng lìa đời. Biết được ý nghĩ kì quặc ấy, mắt cụ Bơ- men đỏ ngầu, “nước mắt chảy ròng ròng”. Đó là những giọt nước mắt xót xa, đầy thương cảm. Cụ “hét lên”, “quát to” rồi sau đó là lời dịu dàng, xót xa: “Chà tội nghiệp cô bé Giôn-xi”.

Thật cảm động khi nghe những lời mà cụ nói với Xiu khi theo cô lên phòng vẽ mà Giôn- xi đang nằm: “Trời đây không phải là chỗ cho một con người tốt như cô Giôn- xi nằm. Một ngày kia, tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất và tất cả chúng ta sẽ đi khỏi nơi này.” Vẫn là ước mơ đó nhưng nó đã gắn liền với lòng yêu thương sâu sắc. Cụ muốn sáng tạo để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người.

Cụ Bơ-men con người có đức hi sinh cao cả. Nhà văn đã tập trung miêu tả khoảnh khắc căng thẳng của cụ và Xiu: “Họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì.” Dường như trong phút giây im lặng ấy, họ đã đoán được điều gì sẽ xảy đến. Là một nhân vật chính nhưng cụ chỉ xuất hiện ở phần đầu và giữa truyện, những hành động tiếp theo của cụ chỉ được hiện lên qua lời kể của Xiu.

Sau khi ngồi làm mẫu cho Xiu vẽ, hình ảnh cụ Bơ-men bỗng biến mất. Người đọc dần lãng quên sự hiện diện của cụ mà thay vào đó chú ý tới diễn biến căng thẳng xoay quanh Xiu, Giôn- xi và chiếc lá cuối cùng. Không ai đoán biết được cụ đã làm gì trong khoảng thời gian ấy. Phải đến cuối truyện, Giôn-xi và người đọc mới hiểu rõ hành động cao cả của cụ. Chắc chắn khi đứng dưới mưa tuyết để vẽ chiếc lá lên bờ tường gạch, con người già nua ấy giá buốt lắm, hơn ai hết cụ biết rõ tính mạng mình đang gặp nguy hiểm.

Nhưng lòng thương yêu Giôn-xi, ý muốn dùng cây bút và bảng màu để đem lại niềm tin, nghị lực sống cho cô đã giúp cụ vượt lên tất cả. Chiếc lá mà cụ vẽ sống động và rất thật: “ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa”, khiến cho hai cô họa sĩ của chúng ta cũng không hề nghi ngờ. Và chiếc lá ấy đã gieo vào lòng cô gái trẻ tội nghiệp hơi ấm của niềm tin, nghị lực, kéo cô từ vực thẳm của bệnh tật vươn lên sống tiếp.

Có thể nói chiếc lá là cả tấm lòng của cụ Bơ-men, là minh chứng cho sự hi sinh đến quên mình để đem lại sự sống cho người khác. Cụ đã làm được một điều mà bốn mươi năm qua hằng ao ước: vẽ một kiệt tác. Và có lẽ khi một con người nằm xuống cũng là lúc một tâm hồn được đánh thức, sẽ tiếp tục cống hiến cho đời những sáng tác nghệ thuật.

Câu chuyện kết thúc bằng lời kể của Xiu về cái đêm mà cụ Bơ-men vẽ chiếc lá mà không để cho Giôn- xi có phản ứng gì thêm như để lại dư âm trong lòng người đọc. Nhà văn O Hen-ri đã rất khéo léo khi xây dựng nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần. Lần đảo ngược thứ nhất, Giôn-xi như đang tiến dần đến cái chết bỗng khỏe lại, yêu đời và chiến thắng bệnh tật.

Lần đảo ngược thứ hai liên tiếp sau đó, cụ Bơ-men từ một người khỏe mạnh đến cuối truyện mắc bệnh và qua đời. Một con người đi từ sự sống đến cái chết, một con người người từ cái chết tìm lại sự sống. Tất cả đã được nhà văn kể lại thật tự nhiên và cảm động.

Truyện ngắn làm cho chúng ta không khỏi rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những người nghèo khổ. Câu chuyện còn giàu tính nhân văn , ẩn chứa bức thông điệp trong cuộc sống: dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn nhất cũng đừng bao giờ bi quan, tuyệt vọng, hãy mạnh mẽ tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, ta sẽ vượt qua tất cả.

Bài mẫu 4

Nhà văn Khái Hưng khi nhìn những chiếc lá rụng rơi đã thầm nhủ: “Mỗi một chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng”. Và hẳn khi còn trên cành nó cũng có một linh hồn, một tâm tình riêng như thế. Ta bắt gặp chiếc lá với linh hồn rất riêng – một kiệt tác của tình yêu thương vô bờ trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen-ri.

Kiệt tác mà người họa sĩ già Bơ-men tặng cho cô gái trẻ Giôn-xi khi cô đã ngớ ngẩn xây dựng cho mình niềm tin bất hạnh: Cô sẽ chết khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống. Câu chuyện về chiếc lá thường xuân cuối cùng không rụng ấy cũng là câu chuyện vô cùng cảm động về cụ Bơ-men – một họa sĩ già chân chính với trái tim giàu tình yêu thương và lòng nhân hậu.

Trong khu phố nhỏ ở phía Tây công viên Oa-sinh-tơn ta bắt gặp những họa sĩ nghèo, đó là hai cô gái trẻ Xiu và Giôn-xi, cụ Bơ-men – một họa sĩ già. Cũng như hai cô gái trẻ, cụ Bơ-men sống nghèo khổ, phải làm việc cật lực để kiếm tiền và luôn nuôi mơ ước: về một bức tranh kiệt tác. Điều quý nhất ở cụ Bơ- men là lòng yêu thương con người. Dù chẳng họ hàng gì với hai cô gái trẻ, cụ vẫn tự nguyện làm một “con chó xồm” gác cửa cho hai họa sĩ trẻ và chăm sóc, bảo vệ hai cô gái như một người cha.

Rồi Giôn-xi bị gã “bợm già có hơi thở dồn dập và nắm tay đỏ lòm” tên là “viêm phổi” ghé thăm. Bệnh tình mỗi lúc một nặng và trong đầu Giôn-xi xuất hiện một ý nghĩ điên rồ: Khi nào chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô sẽ ra đi. Câu chuyện đáng thương của cô họa sĩ yếu đuối và mỏng manh như chiếc lá giữa phong ba đã được cụ Bơ-men tiếp nhận bằng sự “khinh bỉ và nhạo báng” vì cụ không chịu nổi sự mềm yếu.

Với cụ Bơ-men, cái ý nghĩ của Giôn-xi là biểu hiện của yếu đuối, sự bất lực, sự buông xuôi và cụ không thể nào chấp nhận nó. Vì sao ư? Hãy nhìn vào cuộc đời của người họa sĩ già sáu mươi tuổi đời, bốn mươi tuổi nghề ấy ta sẽ thấy, dù nghèo túng, khổ cực, dù chưa bao giờ “với tới được gấu áo vị nữ thần của mình” cụ vẫn không ngừng nuôi hi vọng về cái “tác phẩm kiệt xuất sắp tới”.

Bởi vậy, sự mềm yếu, sự tuyệt vọng không bao giờ có trong ý nghĩ của cụ. Tuy nhiên dù “khinh bỉ và nhạo báng” nhưng cụ không quay lưng với hai cô gái trẻ, khi đứng trước Giôn- xi “yếu đuối và mảnh mai như một chiếc lá đang vật lộn với thần chết, cặp mắt cụ Bơ-men đỏ ngầu, nước mắt chảy ròng ròng”. Đó là những giọt nước mắt xót xa, thương cảm bởi từ sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ già ấy, hai cô gái đáng thương được cụ yêu quý như con mình.

Nhìn căn phòng chật hẹp nơi Giôn-xi đang nằm trong cụ, cái khát khao về được một bức tranh – một kiệt tác lại thôi thúc: “Trời, đây không phải chỗ cho một con người tốt như cô Giôn-xi nằm. Một ngày kia, tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất và tất cả chúng ta sẽ đi khỏi nơi này. Trời, nhất định thế”. Lại vẫn ước mơ đẫm chất nhân văn, ước mơ tốt đẹp gắn liền với lòng yêu thương con người sâu sắc, nghệ thuật đích thực theo quan niệm của cụ là phải hướng tới cuộc sống.

Và có lẽ, do quan niệm nghệ thuật phải đem lại những giá trị đích thực cho cuộc sống mà cụ đã tạo ra một kiệt tác trong khoảnh khắc chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống. Cây bút vẽ bao năm nằm buồn bã được đánh thức để cùng với cụ làm cho “chiếc lá cuối cùng” không rụng.

Nó đơn độc và “dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ”. Chiếc lá can trường ấy đã giúp Giôn-xi tỉnh ngộ, cô chợt hiểu ra “muốn chết là một tội”, nó đem lại cho cô niềm tin, đem lại cho cô khát vọng sống. Và chính niềm tin, khát vọng đó đã cùng Giôn-xi chiến thắng gã “bợm già” viêm phổi có lúc tưởng chừng đã nuốt chửng cô.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau cái đêm mưa gió ấy hai ngày cụ Bơ-men đã ra đi, cụ bị viêm phổi vì đã dầm mình trong mưa tuyết để vẽ chiếc lá thường xuân trên tường, để giữ cho mầm hi vọng nhỏ nhoi trong lòng cô họa sĩ trong cơn bạo bệnh không bị vùi lấp, dập tắt.

Cụ đã trả lại sự sống cho chiếc lá, trả lại màu hồng trên đôi má của người thiêu nữ, trả lại niềm tin và nghị lực của con người, trả lại khát vọng vươn lên mãnh liệt cho cuộc đời. Cụ đã đổi tất cả những điều ấy bằng sinh mạng, bằng cuộc sống của mình. Cụ Bơ-men đã chết nhưng kiệt tác của cụ sống mãi trong lòng người. Nghệ thuật chân chính có sức mạnh diệu kì của sinh thành và tái tạo. Ta thấm thía hơn giá trị thiêng liêng và cao cả của nghệ thuật chân chính, của người nghệ sĩ chân chính, của O Hen-ri.

Hình ảnh cụ Bơ-men trong truyện ngắn được phác họa không nhiều nhưng đủ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về tình yêu thương con người và xả thân vì con người, vì lòng yêu thương đó. Chiếc lá cuối cùng là kiệt tác của cụ Bơ-men cũng là kiệt tác của niềm tin, của sự hồi sinh mãnh liệt. Kiệt tác ấy như một minh chứng cho sức mạnh của “nghệ thuật vị nhân sinh”.

Bài mẫu 5

Tình thương yêu trong cuộc sống được biểu hiện trên rất nhiều ngôn ngữ và hành động. Có khi là cái nắm tay ấm áp, có khi là sự chia sẻ đồng cảm với nỗi đau mất mát với những người bất hạnh hơn mình. Có khi là sự giúp đỡ về vật chất hay những món quà đầy ý nghĩa trao tặng nhau vào những lúc khốn cùng của cuộc sống.

Tình thương yêu ấy bước vào văn học trở nên đẹp đẽ và lớn lao, nó khơi gợi và nâng đỡ tâm hồn con người đến với chân thiện mỹ trong đời sống. Cụ Bơ men trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của nhà Văn O-hen-ri là một nhân vật như thế, một con người với tâm hồn nhân ái bao la đã cứu sống một cô họa sĩ trẻ đang đứng trước những giây phút cuối cùng đấu tranh với sự sống của chính mình.

Cụ Bơ-men vốn cũng có hoàn cảnh như bao người họa sĩ khác sống ở một ngôi nhà trong khu phố nhỏ, cùng hai chị em Xiu và Giôn-xi, đời sống khó khăn, bình lặng qua ngày với những công việc tủn mủn. Có khi ông phải tự làm mẫu vẽ để kiếm sống qua ngày.

Song, dù khốn khổ nghèo khó, vẫn không làm mất đi khát vọng của ông, ông ước mơ một ngày nào đó có thể vẽ nên kiệt tác của cuộc đời mình nhưng chưa thể hoàn thành ước nguyện ấy. Trong tinh thần của người họa sĩ già ấy luôn chứa chan nghĩa lực sống phi thường, cứng cỏi và vững lòng, sự yếu mềm của người khác luôn khiến cụ không hài lòng, bởi thế mà cụ Bơ -men luôn " chế nhạo sự cay độc và yếu mềm của bất cứ ai".

Cụ Bơ men cũng là một người có trái tim giàu lòng thương yêu, cụ quan tâm đến đời sống của những người xung quanh mình, đặc biệt là hai họa sĩ trẻ Xiu và Giôn xi, cụ như một vị dũng sĩ phi thường với trách nhiệm bảo vệ cho hai cô gái nhỏ như người cha bảo vệ những đứa con của mình vậy.

Khi nghe Xiu kể vẻ hoàn cảnh của Giôn -xi cùng ý nghĩ đầy bi quan của cô gái, cụ đau lòng khôn xiết, ánh mắt đỏ ngầu, nỗi xúc động khôn nguôi cùng dòng nước mắt chảy ròng trên khuôn mặt nhăn nheo đã cho thấy một tấm lòng đồng cảm thiết tha của cụ. Lời thổn thức dịu dàng, nghẹn ngào : "Chà tội nghiệp cô bé Giôn xi' nghe sao mà thiết tha đến thế, đó là sự thương cảm từ tận đáy lòng cụ.

Khi được Xiu dẫn lên phòng bệnh của Giôn-xi, cụ thốt lên rằng: "Trời đây không phải là chỗ cho một con người tốt như cô Giôn-xi nằm. Một ngày kia, tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất và tất cả chúng ta sẽ đi khỏi nơi này". Bây giờ đây, đó không phải là khát vọng ước mơ cho riêng mình nữa mà nó là ước mơ cho con người, gắn liền với tình thương và ước muốn cao cả mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người xung quanh.

Điều mong muốn cùng tấm lòng cao cả ấy đã thôi thúc cụ vẽ nên một bức tranh tuyệt tác trong đêm mưa bão giá rét, tuyết rơi đầy trời. Hơn ai hết cụ hiểu được sức khỏe của mình, thấy được sự hiểm nguy của tính mạng nhưng cụ đã chấp nhận hy sinh để mang lại niềm hy vọng cho cô gái trẻ, gián tiếp trao cho Giôn xi sức mạnh tinh thần cứu lấy sự sống chính mình.

Chiếc lá của cụ Bơ men vẽ thật đẹp, đẹp không chỉ bởi giống ý với chiếc lá bình thường khiến hai cô gái trẻ không nghi ngờ mà nó còn đẹp bởi nhân cách, bởi tấm lòng của người nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Chiếc lá ấy là chiếc lá của niềm tin, hy vọng, chiếc lá ấy như một mầm sống thức tỉnh khát vọng sống và ước mơ của Giôn -xi.

Sau cùng cái chết của cụ Bơ men là niềm tiếc nuối xót xa cho một nhân cách đẹp phải dừng bước sự sống trước cuộc đời, cô gái trẻ Giôn-xi dần phục hồi tiếp tục sống và viết tiếp những ước mơ tốt đẹp của bao người họa sĩ chân chính như cụ. Đọc những trang văn của O-hen -ri, nghĩ về cảnh một cụ già trong đêm lạnh lẽo cô đơn đã dồn hết sức lực của mình vẽ nên một chiếc lá tuyệt mỹ.

Tác phẩm của cụ tuy đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, cụ Bơ-men chính là một biểu tượng tuyệt vời cho lòng nhân ái cao cả, cho vẻ đẹp của những người làm nghệ thuật chân chính: "nghệ thuật vị nhân sinh". Tác phẩm chiếc lá cuối cùng là một bài ca ngọt ngào và dịu dàng về thương, lòng bác ái bao la.


Bình chọn:
4.4 trên 8 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí