Thuyết minh về một món ăn để lại ấn tượng cho em>
Trong những đêm mưa phùn gió bấc, trên từng góc phố nhỏ Hà Nội vẫn văng vẳng tiếng rao đêm Khúc nóng... đê của những thân phận tha hương tìm cuộc mưu sinh trên thành phố
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 7 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên...
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu về món ăn em thích.
2. Thân bài
- Nguồn gốc lịch sử
- Món ăn có từ khi nào?
- Ý nghĩa của món ăn trong đời sống (Món ăn truyền thống của đất nước, vùng miền hay món ăn dân dã của người Việt Nam,…)
- - Nguyên liệu
- Món ăn được làm từ những nguyên liệu gì?
- Cần sử dụng các loại gia vị nào?
- Cách chế biến:
- Chế biến món ăn cần trải qua những công đoạn nào?
- Trong quá trình chế biến cần lưu ý gì?
- Yêu cầu thành phẩm:
- Hình thức, hương vị
- Có thể ăn kèm với đồ ăn nào?
3. Kết bài
- Khẳng định giá trị của món ăn
- Nêu cảm nghĩ về món ăn đó
Bài mẫu 1
Trong những đêm mưa phùn gió bấc, trên từng góc phố nhỏ Hà Nội vẫn văng vẳng tiếng rao đêm Khúc nóng... đê của những thân phận tha hương tìm cuộc mưu sinh trên thành phố. Tiếng rao chìm vào trong đêm, lẩn khuất rồi xa dần cuối con đường...
Bánh tròn mà gọi khúc
Bánh khúc, xôi khúc hay xôi cúc cũng chỉ là những tên gọi khác nhau của cùng một loại bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ và một loại rau rất đặc trưng - rau khúc. Cây rau khúc chỉ mọc vào đúng mùa đông. Lạ thay, cái rét cắt da cắt thịt và những cơn mưa phùn lây rây lại càng khiến những thửa ruộng rau khúc thêm xanh tươi mơn mởn.
Trong quá trình đô thị hóa đến chóng mặt của thủ đô Hà Nội, những thửa ruộng rau khúc mỗi năm dường như mỗi nhỏ lại. Chỉ còn sót lại vài ruộng khúc non trên triền đê sông Hồng. Lá khúc thường có phấn trắng ánh bạc, nụ khúc như nụ vối màu tim tím. Theo kinh nghiệm của những cụ già chuyên làm bánh khúc thì khúc ngon nhất vẫn là khúc nếp, khúc nếp lá nhỏ mau đốt, mau cành hơn. Còn khúc tẻ lá to bằng đầu ngón tay, xanh hơn, tuy lá ít lông nhưng không thơm bằng khúc nếp. Vả chỉ những lá rau khúc còn ngậm những giọt sương đêm mới chế biến được món xôi khúc thơm ngon nhất.
Sau khi đã chọn được những lá khúc ngon rồi, công đoạn làm bánh khúc tiếp theo thực ra rất đơn giản. Cho khúc vào cối đá giã nhuyễn, càng giã nhuyễn bao nhiêu thì khi đem trộn với bột nếp rồi hấp lên càng có vị nồng thơm đặc trưng của rau khúc bấy nhiêu. Nhân bánh bao gồm đậu xanh hấp chín, bóp tơi và thịt ba chỉ ướp cùng gia vị. Nhớ rắc thêm ít tiêu cho dậy mùi thơm. Gạo nếp phải ngâm thật kỹ từ tám đến mười hai giờ mới đảm bảo độ mềm cho vỏ bánh. Và chỉ có gạo nếp cái hoa vàng mới cho được độ dẻo quánh của chiếc bánh khúc.
Bánh đã nặn xong lần lượt cho từng chiếc vào chõ. Mỗi chiếc bánh lại được rắc xung quanh một lớp gạo nếp đã ngâm kĩ để tạo thành lớp vỏ bằng xôi dẻo bên ngoài, nó vừa có chức năng giữ độ ấm cho bánh vừa giúp người thưởng thức dễ dàng cầm tay khi ăn.
Để đảm bảo độ chín tới của bánh, ngày xưa các cụ thường có một cách rất độc đáo là cắm 1 tuần hương, khi hương tàn cũng là lúc bánh chín.
Nồi bánh chín dậy lên một mùi thơm rất khó tả cắn một miếng bánh sâu đến tận nhân, người ta có thể cảm nhận thật rõ vị dẻo của nếp, vị bùi của đỗ xanh hòa cùng vị cay của tiêu và đọng lại sau cùng là vị béo của miếng thịt ba chỉ đã rục cứ tan ra trong miệng.
“Khúc nóng... đê"
Có một địa chỉ chuyên về bánh khúc khá nổi tiếng về khâu tiếp thị sản phẩm ở Hà Nội. Chủ quán còn cho xây dựng cả website để quảng bá hình ảnh cũng như cố gắng để xây dựng thương hiệu bánh khúc, đó là Bánh khúc Quân. Trước đây quán chỉ có một địa chỉ trên phố cổ, đến giờ đã gây dựng thêm được ba, bốn địa chỉ trong lòng Hà Nội.
Nhưng khi nhắc tới bánh khúc ngon, nhiều người sành ăn thường nghĩ ngay đến quán bánh khúc cô Lan trên đường Nguyễn Công Trứ. Quán thì bé mà người ngồi xếp hàng ăn thì đông, người đứng bên đường chờ mua bánh để mang về nhà cũng tấp nập. Quả thực đến người khó tính nhất ăn cũng phải khen bánh dẻo thơm và đầy đặn. Những sáng mùa đông lạnh giá nhiều người không có thời gian ăn sáng vì mải ngủ nướng, hay ghé qua đây mua những nắm xôi khúc nóng hổi mang đến cơ quan, còn các em học sinh thì chen chúc nhau để kiếm được một gói mang vào lớp học làm bữa điểm tâm.
Bên cạnh quán cô Lan, người Hà Nội có thể thưởng thức bánh khúc trên nhiều góc phố khác một cách dễ dàng vào bất kì thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên, vì rau khúc đang hiếm dần, hiện nay nhiều người bán bánh khúc đã cố tình thay rau khúc bằng lá su hào vào, người không sành ăn khó lòng phân biệt được.
Ăn bánh khúc thú vị nhất vẫn là ăn trong những đêm đông, khi cơn gió lạnh chợt ào qua mà cầm trên tay chiếc bánh khúc, nhẩn nha cho vào miệng sẽ cảm nhận rõ hơn cái hương vị của bánh, của mùi khúc nồng nàn, của hạt xanh bùi bùi thấm mỡ béo ngậy và vị tiêu ấm nồng dường như cũng làm lòng người ấm nóng hơn khi đông về.
Mùa đông không chỉ gợi nhớ các quán bánh khúc ngon. Chẳng hiểu sao khi nhắc đến bánh khúc, người ta cũng thường nhớ luôn về một tiếng rao quen thuộc Khúc nóng đê trong đêm đông. Tiếng rao sắc gọn mà vang vọng cả một con phố nhỏ, làm lay động cả một miền ký ức tuổi thơ của những người yêu mùa đông Hà Nội, nhắc về một món quà quê đậm đà hương vị đặc trưng của mùa lạnh xứ Bắc.
Bài mẫu 2
Cùng với phở, bún chả, bún thang... bánh khúc cũng là món ăn mang một nét tinh túy riêng trong ẩm thực Hà Nội.
Muốn có bánh khúc ngon, có hai nguyên liệu quan trọng nhất là gạo và bánh khúc. Gạo phải ngon, bánh khúc phải tươi. Hơi rắc rối một chút là lá khúc còn chia ra làm hai loại, khúc nếp và khúc tẻ. Khúc nếp đương nhiên làm bánh ngon hơn khúc tẻ và nhất thiết phải hái vào buổi sáng sớm, khi sương còn đọng trên những vạt lá.
Trước đây, khoảng tháng 2 Âm lịch, nhiều gia đình mới làm bánh khúc vừa là để ăn, vừa là để biếu họ hàng. Nhưng bây giờ, bánh khúc có quanh năm, nhiều nơi lá khúc chẳng có thì thay vào bằng lá su hào, không thơm bằng, nhưng không đào đâu ra lá khúc làm bánh thì đành ăn vậy.
Bánh khúc tuy dân dã nhưng công đoạn làm ra được một chiếc bánh ngon cũng khá cầu kỳ. Lá khúc hái về rửa sạch, giã nhuyễn rồi trộn theo tỷ lệ với bột gạo để làm thành vỏ bánh. Đậu xanh được ngâm, đãi cho sạch vỏ, đồ chín tới, giã mịn, rồi viên tròn, bên trong là thịt ba chỉ thái hạt lựu và hạt tiêu được cho khá đậm tay. Bọc ngoài nhân đậu xanh là lớp vỏ bánh bằng bột gạo với lá khúc. Khi xếp bánh vào chõ hấp thì cứ một lớp bánh thì rải dầy tay một lớp gạo nếp đã ngâm kỹ và xóc đều với vài hạt muối.
Lửa đều đồ trong thời gian khoảng 45 phút thì bánh chín. Lớp gạo nếp phía ngoài trắng và dẻo. Mỡ từ thịt ba chỉ ngấm ra thấm vào đỗ, hạt tiêu ấm nóng. Mùi hạt tiêu vốn nồng, như lạ cái là không át được mùi lá khúc cho nên cơ bản nguyên liệu giống nhân bánh chưng, nhưng bánh khúc lại có vị riêng, không lẫn vào đâu được.
Nguyên liệu làm bánh khúc là gạo nếp được lựa chọn kỹ. Nhân bánh gồm đậu xanh giã nhuyễn, thịt lợn không nạc, cũng không mỡ thái dạng nhỏ. Phần bánh sẽ được rải một lớp gạo nếp bên ngoài và đồ lên, trong nồi luôn có rải lớp lá chuối xanh cho thơm. Bánh khúc ăn kèm chút muối vừng cho vừa miệng.
Đặc biệt, vào những ngày mùa Đông, khi thưởng thức món xôi khúc này, người ta có thể cảm nhận được tinh túy ẩm thực qua món ăn rất riêng này của Hà Nội.
Bài mẫu 3
Chẳng biết bánh khúc có từ bao giờ, ai là người đầu tiên làm được món bánh này nhưng bánh khúc đã quen thuộc từ lâu với rất nhiều người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ nông thôn đến thành thị.
Vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch, khi mưa xuân giăng một màn bụi mỏng trắng mờ che phủ xóm làng, tiết trời đã ấm áp là lúc lá khúc bát đầu lên mơn mờn các bãi đất ven đê dọc các triền sông. Chẳng ai trồng rau khúc. Nó tự nhiên âm thầm mọc lên, như có phần bẽn lẽn vì sự giản dị của mình, lặng lẽ mang đến cho con người những ngọn lá xanh mướt, mang vị thơm, vị bùi rất đặc biệt trong một thứ quà quê được gọi tên bằng chính loại lá độc đáo làm ra nó: bánh khúc. Chẳng biết bánh khúc có từ bao giờ, ai là người đầu tiên làm được món bánh này nhưng bánh khúc đã quen thuộc từ lâu với rất nhiều người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ nông thôn đến thành thị.
Làm bánh khúc không khó, nhưng đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và cả kinh nghiệm người xưa truyền dạy. Nguyên liệu chủ đạo làm nên hương vị độc đáo của món bánh này là lá khúc. Lá khúc hái từ buổi sớm, chọn những lá đang độ tươi non mơn mởn hái đem về giã cho nhuyễn rồi trộn với bột gạo làm vỏ bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh đồ chín tới giã thật mịn, viên lại nhỏ bằng quả trứng gà ri cùng với thịt ba chỉ thái hạt lựu rắc thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi. Dàn mỏng lớp vỏ thật khéo bao kín nhân bánh, xếp từng lượt bánh vào nồi hấp như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại rắc một lượt gạo nếp ngon đã ngâm kỹ làm áo. Từ lúc nước sôi đến lúc bánh chín chừng tàn một que hương.
Bánh khúc là một thứ quà, trong những thứ quà bánh. Nó cũng có thể giúp người ta đỡ đói lòng khi nhớ bữa vì thành phần dinh dưỡng khá cao. Thưởng thức bánh khúc khi còn nóng mới thấy hết được hương vị của bánh khúc, một thứ hương vị tổng hợp, kết hợp nhiều mùi vị tự nhiên của ruộng đồng một cách khéo léo tài tình gói gọn trong tấm bánh bé nhỏ, không cần tới sự trợ giúp của các loại hoá chất hay bất cứ thứ công nghệ thực phẩm nào. Bánh khúc là một món quà quê nhưng được người thành thị ưa thích. Người ta thích bánh khúc chính bởi cái tính "lành" của nó. Món bánh cổ truyền này vẫn sống trong xã hội hiện đại bên cạnh những loại bánh khúc được đóng gói trên dây chuyền công nghiệp.
Người ta có thể thưởng thức bánh khúc bất cứ khi nào thích nhưng bánh khúc thường được rao bán cùng với vài loại quà bánh khác vào buổi tối. Những tiếng rao "Ai khúc đê..." mang món quà quê bình dị này tới tận nơi len lỏi tới từng ngõ phố nhỏ. Chẳng biết khi nâng chiếc bánh khúc nóng hổi, hốc khói nghi ngút, thơm mùi gạo nếp, mùi lá khúc, quyện lẫn vị bùi, vị béo của thịt và đỗ có ai biết đến ngọn lá giản dị kia, và những người đang một nắng hai sương làm bánh khúc.
Bài mẫu 4
Bên cạnh những bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng, Việt Nam ta còn được bạn bè quốc tế biết đến vì có một nền ẩm thực đa dạng với hương vị ngon đậm đà. Một trong số những món ăn truyền thống của ta làm say mê du khách quốc tế chính là món canh chua cá lóc.
Canh chua là một món ăn đậm tính dân tộc của văn hóa ẩm thực Việt Nam từ lâu nay. Món canh tuy dân dã nhưng đầy chất Việt được phân hoá tinh tế và phong phú theo từng vùng miền đặc trưng trải dài cả nước. Để có được một món canh chua thơm ngon đậm đà, chúng ta cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: Cá lóc rửa sạch ướp với muối, bột ngọt, ớt bằm. Đậu bắp, bạc hà rửa sạch cắt xéo. Cà chua xắt múi. Dứa và ớt xắt lát. Me dầm lấy nửa chén nước, nếu là me chín thường đã tách bỏ vỏ, lấy nạc me, dùng khoảng 200g nấu với chừng một chén nước cho tan me, vớt bỏ xác và hột me. Phụ gia và các loại rau ăn kèm gồm: giá sống rửa sạch để ráo; rau ngổ hay còn gọi là rau om lặt lấy phần non, ngắt khúc ngắn 5cm rửa sạch. Nước chấm cá thì tùy chỉnh theo khẩu vị mỗi người, thông thường chúng ta sử dụng nước mắm nguyên chất với ít giọt chanh và ớt tươi xắt lát hoặc làm nước mắm me.
Để thực hiện món ăn này, đầu tiên chúng ta rán sơ cá cho vàng và thơm, vừa chín tới. Phi cà chua và dứa sơ qua, sau đó đổ nước đun sôi, cho cá vào, vặn nhỏ lửa, đun khoảng 5 - 10 phút cho cá chín kĩ rồi cho cho me đã dầm lấy nước vào, nêm nếm vừa ăn. Tiếp đến thêm đậu bắp, giá, bạc hà, rau ngổ vào, đun sôi, tắt bếp là hoàn thành.
Món canh chua cá lóc là sự giao hòa của màu sắc - cái sắc vàng thơm ngon của hành phi trên mặt nước, cái sắc đỏ của cà chua, màu vàng của khóm, màu xanh của bạc hà, của rau thơm, của ngò gai, rau quế, màu trắng của giá, của thịt cá. Bên cạnh là bát nước mắm nguyên chất vàng thơm và vài lát ớt đỏ tươi, nhìn đã thấy ngon mắt.. Phải luôn đi kèm một đĩa rau sống với những bông hoa màu vàng ươm là bông điên điển và thêm một ít rau đắng những loại rau đặc trưng cho vùng Nam Bộ. Ăn canh chua, ngon nhất vẫn phải ăn cùng cơm trắng và món thịt kho trứng ngọt thanh vị nước dừa, món cá rô đồng kho tiêu, hay món cá bống bắt được trên sông…
Món ăn dân giã này đã làm say mê bao du khách cũng như khẩu vị của con người Việt Nam ta. Mỗi địa phương có một cách chế biến món ăn này khác nhau và mang hương vị khác nhau. Chúng ta thật tự hào khi có được một món ăn ngon như thế trong kho tàng ẩm thực và cần phải trân trọng nó.
Bài mẫu 5
Hải Phòng - thành phố của những đóa hoa phượng đỏ rực rỡ, của những cảng biển tấp nập thuyền bè qua lại. Người Hải Phòng nổi tiếng hào sảng, với tính cách dễ thương, trìu mến. Về góc độ văn hóa, Hải Phòng là một trong những thành phố với những cảng biển lâu đời, nên nền văn hóa chứa đựng những đặc sắc văn hóa từ nhiều vùng miền khác nhau. Nhắc về nền ẩm thực, Hải Phòng nổi tiếng với những món hải sản tươi ngon, đầy ấn tượng. Và một trong số đó là món bún tôm, món ăn mà thực khách không chỉ bị hấp dẫn bởi hương vị mà còn bị hấp dẫn bởi những nguyên liệu và cách chế biến độc đáo nữa.
Bún tôm - món đặc sản của người Hải Phòng, cũng như nem cua bể hay bánh đa cua, đã xuất hiện và lưu truyền từ bao đời nay ở đất cảng này. Không ai biết bún tôm là do ai sáng tạo nên, người ta chỉ thấy nó xuất hiện như một điều tự nhiên, một thứ văn hóa ăn sâu vào trong suy nghĩ của mỗi con người nơi đây. Có lẽ xa xưa, khi những người dân Hải Phòng với vùng biển giàu có, đã đặc biệt sáng tạo ra món ăn này để làm mới hương vị bữa ăn hàng ngày. Cứ như thế, bún tôm đã dần trở thành một nét văn hóa phi vật thể, một đặc sản khó quên mà ai đến Hải Phòng cũng mong mỏi được nếm thử.
Món bún tôm nghe có đơn giản về nguyên liệu thế nhưng để làm nên hương vị một tô bún tôm thơm ngon, đúng điệu lại là sự tập hợp của đa dạng những loại nguyên liệu khác nhau, mà quan trọng nhất là hải sản tươi sống.
Khác với các loại bún khác, bún trong món bún tôm được chọn là loại bún sợi to, tròn, như loại bún được sử dụng trong món bún riêu cua mà ta thường hay nấu. Đôi khi, để tạo nên nét mới, đổi vị, người ta sử dụng bánh đa cua hay bánh đa đỏ - thứ bánh đa đặc trưng của người Hải Phòng để chế biến món bún tôm như một cách thay đổi khẩu vị thường ngày. Về hải sản, người ta thường chọn tôm là thứ hải sản chính để chế biến, ngoài ra, họ cũng có thể chế biến thay đổi các loại khác như mực, cua hay bề bề. Với một vùng đất đa dạng về hải sản tươi ngon như Hải Phòng thì một tô bún tôm hay bún hải sản cũng có thể làm ấm lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất.
Về nguyên liệu tôm, loại tôm mà thường được người dân ở đây lựa chọn khi chế biến món bún tôm đó là tôm sú hoặc tôm giảo. Hai loại tôm này không chỉ luôn tươi ngon mà còn cho một lượng thịt lớn, ngon ngọt hơn so với các loại tôm khác.
Về nước dùng, người ta tạo nên nước dùng món bún tôm bằng sườn hoặc xương ống lợn ninh kĩ, thêm nước được chế biến từ tôm, tạo nên một vị béo ngậy thơm ngon, nức lòng du khách.
Người Hải Phòng không như các vùng khác, đối với các món bún hoặc bánh đa, họ thường dùng chung với các loại rau sống như xà lách, rau thơm, húng, ... được thái nhỏ để ăn cùng. Các món rau này không chỉ cho tô bún một vị thanh đạm mà còn khiến món ăn thêm dậy mùi kích thích tất cả các giác quan của người thưởng thức.
Về cách chế biến món bún tôm, người Hải Phòng có hai cách thức để chế biến món đặc sản này, một cách chế biến truyền thống mà người Hải Phòng chính gốc hay sử dụng còn một cách là sự biến tấu cho món bún tôm thêm màu sắc và thơm ngon hơn.
Với cách chế biến thứ nhất, rất phổ biến, người ta chọn mua nguyên liệu chính là những con tôm từ những chợ hải sản lớn nhất của Hải Phòng. Tôm được chọn phải còn sống, tươi ngon, đầy đặn. Sau đó, nó được rửa sạch rồi luộc lên để lấy nước dùng. Xương ống của lợn được chọn từ chợ, ninh thật kĩ trong khoảng thời gian đủ lâu để nước có đủ vị ngọt, béo và thơm. Sau đó, ta trộn hai loại nước này, nêm nếm cho vừa miệng là đã có được nước dùng món bún tôm đặc sản rồi.
Tôm sau khi luộc lên lấy nước thì được vớt ra, để ráo sau đó bóc vỏ cho thật sạch. Có một lưu ý nhỏ khi bóc vỏ tôm đó là phải để tôm thật nguội, khi bóc vỏ mới không làm trầy thịt tôm, không bị nát thịt tôm. Bóc xong vỏ, ta bỏ thịt tôm ra bát rồi phi hành khô thật vàng, cho thịt tôm đã bóc vỏ vào đảo, cho thêm một chút nước mắm để tôm có thêm mùi thơm. Sau khi thấy thịt tôm săn lại, rắn chắc vàng đều thì tắt bếp rồi đổ ra bát.
Bún được mua về, chần qua nước nóng rồi múc ra bát, bày biện tôm lên phía trên, thêm một chút rau răm, thì là, hành lá nữa, múc thêm một bát nước dùng còn đang nóng hổi rưới thật đều lên bát bún. Vậy là ta đã có được một tô bún tôm đặc sản đậm chất của người Hải Phòng rồi. Ăn kèm cùng với một phần rau sống đã được thái nhỏ, thì thật đúng là tuyệt vời, đặc biệt là trong một ngày mùa đông lạnh giá.
Cách chế biến này khá đơn giản, được nhiều người Hải Phòng chọn lựa làm cách chế biến món bún tôm ăn trong gia đình. Còn cách chế biến thứ hai là sự biến tấu của cách chế biến thứ nhất, tuy cầu kì, thế nhưng lại mang tới những hương vị độc đáo, riêng biệt cho món bún tôm của người Hải Phòng.
Vẫn với các nguyên liệu chính như cách chế biến đầu, thế nhưng, ở cách chế biến này, người ta còn lựa thêm cà chua, thêm mộc nhĩ, nấm hương, một chút rau cần và thịt ba chỉ. Nước dùng ở cách chế biến thứ hai này cũng công phu và cầu kì hơn cách chế biến trước.
Cũng vẫn là những con tôm tươi ngon, đã được lựa chọn kĩ càng, người ta đem bóc vỏ, bỏ đầu, rút sợi chỉ đen ở thân tôm, còn phần thịt tôm được để riêng ra bát. Sau đó, phần vỏ tôm và đầu tôm được đem đi rang lên thật giòn, bỏ vào cối, giã tầm năm phút rồi đổ một lượng nước vừa phải lọc từ từ và bỏ phần bã đi. Cách lọc này giống với khi chúng ta làm cua trong món bún riêu.
Về phần rau cần, chúng được nhặt sạch, rửa kĩ rồi cắt khúc tầm hai đốt ngón tay. Một chút thịt ba chỉ được thái mỏng, to bản, ướp cùng một chút mắm muối cho đậm đà, mộc nhĩ, nấm hương được ngâm nở, thái nhỏ. Vậy là đã cơ bản xong phần chuẩn bị nguyên liệu, chúng ta cùng bước vào giai đoạn chế biến.
Cũng giống như cách chế biến trước, phần thịt tôm cũng được xào lên cho săn tôm lại thì đổ ra, giữ trong bát tô. Thịt ba chỉ cũng được đảo qua chảo hai ba phút cho chín rồi bỏ thêm nấm hương, mộc nhĩ vào đảo cùng, sau đó cho phần thịt tôm đã đảo vào xào lên cùng. Cà chua được phi hành thơm, đảo cho nhừ rồi cho vào chung với nồi nước ninh xương cùng nước tôm lọc đã được nấu sôi, nêm nếm cho vừa miệng. Cà chua vừa có vị thanh chua, vừa tạo nên màu sắc thật bắt mắt cho món bún tôm. Vậy là đã có được một nồi nước dùng cho món bún tôm ngon rồi!
Rau cần và bún được chần qua nước sôi, để ráo, sau đó được xếp vào tô theo thứ tự bún, rau cần, tôm và thịt ở phía trên, rắc thêm một chút hành lá, rau răm, thì là đã cắt nhỏ, rồi rưới thêm một tô nước dùng thơm ngon là ta đã có một tô bún tôm cực kì đặc sắc rồi.
Phải nói, bún tôm không chỉ đậm đà vị ngon ngọt đặc trưng của xương ninh, mà còn thơm mùi tôm, của thứ hải sản tươi sống cùng với rau và các gia vị khác nữa. Bất cứ ai khi đến Hải Phòng cũng đều luôn mang trong mình niềm yêu thích với các món ăn đặc sản nơi đây mà đặc biệt là món bún tôm này. Một tô bún tôm như là một bức tranh đồng quê đặc sắc với màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau và màu vàng cam của những chú tôm thơm ngọt. Về Hải Phòng, người ta không chỉ bắt gặp những quán xá lộng lẫy mà còn bắt gặp những quán ăn đậm chất bình dân với chỉ vài chiếc bàn ghế nhựa kê gọn trên hè phố, một tấm biển treo, chỉ cần thế nhưng cái hương vị thì không đâu có thể sánh bằng.
Những người dân Hải Phòng luôn luôn tự hào về nền văn hóa ẩm thực của mình. Mỗi thực khách đến với Hải Phòng đều không thể nào quên được những tô bún tôm, bánh đa cua hay bánh mì cay, ... cùng với tấm lòng tràn đầy thân thiện và yêu mến của người dân nơi đây. Mỗi du khách qua thành phố cảng này đều lưu luyến những nét văn hóa, nét ẩm thực nơi đây mà chẳng muốn trở về.
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
- Phân tích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
- Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích.
- Phân tích câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Kể lại một trải nghiệm của bản thân về đuối nước
- Phân tích tình cảm của người con dành cho mẹ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai