Đề kiểm tra 45 phút phần 2 lịch sử 6 - Đề số 5 có lời giải chi tiết>
Đề kiểm tra 45 phút phần 2 lịch sử 6 - Đề số 5 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
A. TRẮC NGHIỆM (5 điểm)
Câu 1. Đầu thế kỉ VI, triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta là
A. nhà Tùy
B. nhà Lương.
C. nhà Ngô.
D. nhà Hán.
Câu 2. Lý Bí phất cờ khởi nghĩa vào năm
A. 524. B. 542.
C. 602. D. 620.
Câu 3. Nhân dân khắp nơi đều hưởng ứng, hào kiệt kéo về cùng Lý Bí khởi nghĩa là vì
A. họ căm thù chính quyền đô hộ.
B. họ muốn được làm quan sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi.
C. họ căm thù chính quyền đô hộ và muốn giành lại độc lập cho dân tộc.
D. họ muốn có ruộng đất để cày cấy.
Câu 4. Lý Bí lên ngôi Hoàng đế (Lý Nam Đế) vào năm
A. 544. B. 554.
C. 556. D. 602.
Câu 5. Lý Bí đặt tên nước ta là
A. Văn Lang.
B. Âu Lạc.
C. Vạn Xuân.
D. Đại Cồ Việt.
Câu 6. Thế kỉ VII, dưới ách thống trị của nhà Đường, Giao Châu bị đổi thành
A. châu Giao.
B. An Nam đô hộ phủ.
C. Giao Chỉ.
C. Cửu Chân.
Câu 7. Công trình nghệ thuật đặc sắc của Cham-pa là
A. nhà sàn.
B. Phật nhà mồ.
C. tháp Chăm.
D. tượng phù điêu.
Câu 8. Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ nhất giành được thắng lợi vào
A. năm 917. B. năm 930.
C. năm 931. D. năm 938.
Câu 9. Ngô Quyền quyết định chọn cửa sông Bạch Đằng để xây dựng trận địa đánh giặc vì ở đây
A. địa thế rừng rậm hiểm trở, thủy triều lên xuống mạnh.
B. cửa ngõ giao thông, thuận tiện cho việc đi lại.
C. lòng sông sâu hơn chục mét và rộng hàng nghìn mét.
D. gần rừng núi nên có nhiều gỗ.
Câu 10. Thắng lợi của trận Bạch Đằng có ý nghĩa trọng đại nhất là
A. giữ vững nền độc lập tự chủ, mở ra thời đại độc lập lâu dài của dân tộc.
B. đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của quân Nam Hán.
C. rửa được thù nhà.
D. ghi thêm một chiến thắng vĩ đại trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.
B. TỰ LUẬN
Câu 1. (3 điểm) So với những thành tựu văn hóa và kinh tế của người Việt, em thấy thành tựu văn hóa, kinh tế của người Chăm có điểm gì giống và khác nhau?
Câu 2. (2 điểm) Em rút ra bài học lịch sử gì cho công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay thông qua các cuộc đấu tranh của nhân dân ta thời kì Bắc thuộc?
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
A. TRẮC NGHIỆM
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
B |
B |
C |
A |
C |
B |
C |
C |
A |
A |
Câu 1.
Phương pháp: sgk trang 58.
Cách giải:
Đầu thế kỉ VI, nhà Lương xâm lược và đô hộ Giao Châu.
Chọn: B
Câu 2.
Phương pháp: sgk trang 58.
Cách giải:
Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, hào kiệt khắp nơi kéo về hưởng ứng.
Chọn: B
Câu 3.
Phương pháp: sgk trang 58, suy luận.
Cách giải:
Nhân dân vào hào kiệt khắp nơi hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lý Bí vì những lí do sau:
- Chính sách đô hộ tàn bạo của nhà Lương làm cho đời sống nhân dân khổ cực, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt.
- Lý Bí là người tài giòi, có uy tín trong nhân dân. Từng được cử giữ chức chỉ huy quân đội ở Đức Châu (Nam Nghệ An - Hà Tĩnh). Một thời gian sau vì căm ghét bọn đô hộ, ông đã từ quan về quê, ngầm liên lạc với các hào kiệt trong vùng để chuẩn bị nổi dậy.
- Thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư tàn bạo, bắt nhân dân ta nộp hàng trăm thứ thuế.
=> Nhân dân khắp nơi đều hưởng ứng, hào kiệt kéo về cùng Lý Bí khởi nghĩa là vì họ căm thù chính quyền đô hộ và muốn giành lại độc lập cho dân tộc.
Chọn: C
Câu 4.
Phương pháp: sgk trang 60.
Cách giải:
Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế.
Chọn: A
Câu 5.
Phương pháp: sgk trang 60.
Cách giải:
Năm 544, Lý Bí lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.
Chọn: C
Câu 6.
Phương pháp: sgk trang 62.
Cách giải:
Năm 618, nhà Đường được thành lập ở Trung Quốc. Nước ta chịu ách thống trị của nhà Đường. Năm 679, nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ.
Chọn: B
Câu 7.
Phương pháp: sgk trang 68.
Cách giải:
Người Chăm đã sáng tạo ra một nền nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu là các tháp Chăm, đền, tượng, các bức tượng nổi.
Chọn: C
Câu 8.
Phương pháp: sgk trang 72.
Cách giải:
Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ nhất giành được thắng lợi vào năm 931. Sau khi đánh tan quân Nam Hán, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, tiếp tục xây dựng nền tự chủ.
Chọn: C
Câu 9.
Phương pháp: sgk trang 74, suy luận.
Cách giải:
Sở dĩ Ngô Quyền quyết định chọn sông Bạch Đằng làm nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược vì
- Do vị trí địa lý của sông Bạch Đằng: Sông Bạch Đằng nằm ở phía Đông Bắc nước ta. Đây là con đường biển ngắn nhất từ phía đông nam trung quốc tiến xuống nước ta. Do đó nhà Nam Hán đã lựa chọn con đường này
- Do đặc điểm tự nhiên của sông Bạch Đằng:
+ Sông Bạch Đằng có tên nôm là sông Rừng vì hai bên bờ là rừng rậm => thuận lợi cho việc đặt phục binh mai phục.
+ Sông có hải lưu thấp, độ dốc không lớn nên chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Mực nước sông lúc triều lên xuống chênh lệch nhau đến 3m => thuận lợi để xây dựng trận địa cọc ngầm.
Chọn: A
Câu 10.
Phương pháp: Nhận xét, đánh giá.
Cách giải:
Ý nghĩa quan trọng nhất của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì mới trong lịch sử dân tộc - độc lập, tự chủ, lâu dài.
Chọn: A
B. TỰ LUẬN
Câu 1.
Phương pháp: So sánh, nhận xét.
Cách giải:
So sánh thành tựu kinh tế, văn hóa của người Việt và người Chăm:
* Những điểm giống nhau:
- Về kinh tế: nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước, trồng lúa một năm 2 vụ. Biết trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, khai thác lâm thổ sản, đánh cá,… Biết sử dụng công cụ sắt và sức kéo của trâu, bò. Biết dệt vải, làm đồ gốm. Biết buôn bán, trao đổi hàng hóa với các nước.
- Về văn hóa: có tập quán ở nhà sàn, có thói quen ăn trầu cau, theo đạo Phật, có đời sống văn hóa phong phú gắn với sản xuất nông nghiệp.
* Những điểm khác nhau:
- Về kinh tế: người Chăm làm ruộng bậc thang ở sườn đồi, sáng tạo ra xe guồng nước đưa nước tưới vào ruộng.
- Về văn hóa: người Chăm có tục hỏa táng người chết, theo đạo Bàlamôn, có chữ viết riêng - chữ Phạn, sáng tạo ra một nền kiến trúc độc đáo như tháp Chăm, đền, tượng.
Câu 2.
Phương pháp: Phân tích, liên hệ.
Cách giải:
* Rút ra bài học lịch sử cho công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay:
- Nhớ ơn tổ tiên, anh hùng dân tộc.
- Ghi nhớ những cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; đoàn kết toàn dân.
- Học tập, học hỏi những tinh hoa văn hoá nhân loại làm phong phú, giàu đẹp văn hoá đất nước mình…
Loigiaihay.com
Các bài khác cùng chuyên mục
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 5 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 4 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 3 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 2 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 1 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 5 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 4 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 3 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 2 có lời giải chi tiết
- Đề kiểm tra giữa kì 2 lịch sử 6 - Đề số 1 có lời giải chi tiết