Sự tích con hổ


Nghe audio
0:00
/
4:36
Download
Playback seep

Đọc truyện: SỰ TÍCH CON HỔ

Ngày xửa ngày xưa, ở trên Trời có một người khỏe lạ lùng. Những việc dời núi lấp biển, đội đá bẻ cây ông làm băng băng không một ai bì kịp. Ông còn có tài thần thông biến hóa vượt xa nhiều vị thần trên Thiên đình. Đặc biệt ông có hai vành tai dài và rách, vì lúc nhỏ ông thường dùng hai tai cho nhiều người móc vào mà đu, rồi xoay họ như chong chóng. Cũng vì thế người ta quen gọi ông là Phạm Nhĩ.

Vốn tính nghịch và hung hăng quen thói từ hồi trẻ, Phạm Nhĩ không mấy khi ngồi yên. Ông thường hay gây sự đánh nhau với những kẻ mà ông thù ghét. Nhưng người ta đều tránh né ông, chẳng mấy ai dám đọ sức, vì đã từng có bao nhiêu anh hùng hảo hán không chịu nổi một cú đấm, cái gạt của ông. Thấy mọi người đều thua tài, Phạm Nhĩ ngày một kiêu căng tự phụ. Ông cho rằng các vị thần xung quanh Ngọc Hoàng chẳng có tài nghệ và sức khỏe gì. Ông lấy làm bực mình vì danh tiếng mình nổi như cồn mà vẫn không được Ngọc Hoàng trao cho một chức vị xứng đáng.

Mỗi ngày lòng kiêu căng tự phục của ông một lớn thêm mãi. Cho đến lúc Phạm Nhĩ đâm khinh nhờn cả Ngọc Hoàng, tự nghĩ mình nên làm vua nhà Trời mới phải. Thế rồi, ông tụ tập quanh mình một số bộ hạ cũng có sức khỏe và tài phép hơn người, thành một đội quân bất trị. Đội quân này ngày một đông, đã từng gây náo loạn ở Thiên đình. Cuối cùng, Phạm Nhĩ cầm đầu đội quân của mình tiến đến thiên cung đòi hạ bệ Ngọc Hoàng để mình trị vì thiên hạ.

Nghe tin chẳng lành, Ngọc Hoàng vội sai các bậc tướng lĩnh đem quân nhà Trời ra ngăn chặn. Có đến mười tám vị tướng, vị nào cũng lực trí thần thông, miệng thét ra lửa, tay bẻ gãy cổ thụ, chân đạp đổ núi, nhưng không vị nào đối địch với Phạm Nhĩ được lâu. Không đầy mười ngày chỉ còn ba vị sống sót chạy về. Ngọc Hoàng lại sai năm mươi lực sĩ, người nào cũng tài ba và sức khỏe, ra chống chọi với Phạm Nhĩ. Những cũng chẳng mấy chốc ông đã làm cho bọn này nếm mùi thất bại chua cay.

Quân đội Nhà Trời vốn đông như kiến cỏ, nhưng kéo ra bao nhiêu bị diệt bấy nhiêu, cuối cùng bỏ chạy toán loạn như ong vỡ tổ. Thừa thắng, Phạm Nhĩ thúc quân, tiến lên vây chặt Thiên cung. Thấy thế Ngọc Hoàng hết sức lo lắng. Ngọc Hoàng vội sai Bắc Đẩu cầu cứu Đức Phật. Nghe tin cấp báo, đức Phật sai Chuẩn Đề đi bắt Phạm Nhĩ. Nhưng đức Phật không ngờ Chuẩn Đề tài phép cao cường là thế, cũng lại bị ăn đòn nặng nề của Phạm Nhĩ đến nỗi lê lết chạy về, xiêm giáp tả tơi. Cuối cùng, đức Phật đành phải ra tay.

Trong lúc Phạm Nhĩ đương hung hăng múa may, chửi bới Ngọc Hoàng và bọn triều thần bất tài bất lực, thì đức Phật đã xuất hiện. Phạm Nhĩ vội xông lên toan dùng sức đánh, không ngờ sa ngay vào túi thần của đức Phật, toàn thân co rúm không động chân, động tay được nữa. Thế là Phạm Nhĩ bị bắt.

Bộ hạ của Phạm Nhĩ như rắn mất đầu, không ai bảo ai, tẩu tán khắp nơi. Trước khi ra về, đức Phật giao Phạm Nhĩ cho Ngọc Hoàng xử trí. Ngài căn dặn Ngọc Hoàng phải làm cho Phạm Nhĩ hối lỗi chứ đừng giết hại. Ngọc Hoàng bèn đày Phạm Nhĩ xuống cõi trần làm kiếp vật.

Trước hết để tước bớt sức mạnh của Phạm Nhĩ, Ngọc Hoàng sai cắt bỏ đôi cánh của ông để ông không thể bay về Thiên đình làm loạn. Ngọc Hoàng còn lo Phạm Nhĩ vốn mang cốt tướng nhà Trời, có thể nghe hết mọi chuyện của bốn phương ngay trong giấc ngủ, mặc dù cách xa hàng ngàn dặm. Bởi vậy, để làm giảm bớt trí nhớ của ông, Ngọc Hoàng hóa phép, bắt lỗ tai ông mỗi khi tỉnh giấc thì khép kín lại.

Tuy nhiên, thể theo lời dặn của đức Phật, Ngọc Hoàng cũng phong cho Phạm Nhĩ làm Chúa tể sơn lâm.

Từ khi xuống trần, tài phép của Phạm Nhĩ giảm sút đi nhiều vì không còn cánh mà bay. Mặc dù vậy, ông vẫn giữ được một sức khỏe tuyệt trần, khiến mọi thú vật khiếp sợ, xứng với danh hiệu Chúa tể sơn lâm mà Ngọc Hoàng phong. Cho đến này, dòng dõi như ông vẫn nối nhau làm Chúa sơn lâm. Ngay loài người cũng phải kiềng ông, không dám gọi cái tên “Hổ”, mà chỉ gọi tránh là “Ông Ba Mươi”.

Bài học rút ra

Kiêu căng, tự phụ sẽ dẫn đến thất bại:

  • Phạm Nhĩ vốn có sức mạnh và tài phép phi thường, nhưng do kiêu căng, tự phụ, muốn soán ngôi Ngọc Hoàng nên đã chuốc lấy thất bại.

  • Bài học cho chúng ta là cần phải khiêm tốn, biết mình biết ta, không nên tự cao, tự đại.

Tham vọng quá mức sẽ dẫn đến hậu quả đắng cay:

  • Tham vọng quyền lực khiến Phạm Nhĩ trở nên mù quáng, bất chấp mọi hậu quả. Hắn gây ra chiến tranh, gieo rắc đau khổ cho nhiều người.

  • Bài học cho chúng ta là cần phải có lòng tham vọng hợp lý, phù hợp với khả năng và đạo đức. Tham vọng quá mức sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Sức mạnh thật sự không chỉ nằm ở thể chất:

  • Phạm Nhĩ tuy có sức mạnh phi thường nhưng lại hung hăng, phách lối nên không được Ngọc Hoàng trọng dụng.

  • Bài học cho chúng ta là cần rèn luyện cả về thể chất và tinh thần để trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện hơn.

Lòng nhân ái và sự tha thứ:

  • Đức Phật đã tha thứ cho Phạm Nhĩ và giúp hắn hối hận. Ngọc Hoàng cũng không giết hại Phạm Nhĩ mà chỉ đày hắn xuống trần gian.

  • Bài học cho chúng ta là cần phải có lòng nhân ái, biết tha thứ cho những người phạm lỗi. Lòng nhân ái sẽ giúp con người trở nên tốt đẹp hơn và tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội.

Đố vui qua truyện Sự tích con hổ


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
  • Sự tích hoa mẫu đơn - Truyện cổ tích

    Ngày xưa… ở một làng miền núi có một bà mẹ. Bà mẹ sinh được mười người con trai. Làng của mẹ bị giặc chiếm đóng. Người cha của mười anh con trai bị giặc giết ngay từ ngày đầu tiên, khi chúng tiến vào làng. Mười người con trai của bà vào đội quân chống giặc ở trong núi.

  • Bác đánh cá và gã hung thần - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một bác đánh cá đã cao tuổi. Một hôm bác ra biển quăng lưới, kiên nhẫn đợi cho lưới sa xuống tận đáy biển mới kéo lên. Nhưng lần nào bác cũng chỉ cất lên toàn những thứ đáng vứt đi. Ngán ngẩm, bác thả lưới lần cuối cùng trong ngày.

  • Quả bầu tiên - Truyện cổ tích

    Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé.

  • Sự tích cái mõ - Truyện cổ tích

    Ngày xưa, có một vị Hòa Thượng trụ trì một cảnh chùa ở gần bờ sông trong một thôn quê. Mỗi khi có việc ra tỉnh, Ngài quá giang bằng chiếc đò ngang. Hôm ấy nhằm ngày 13 tháng bảy, Ngài quá giang ra tỉnh để chủ lễ một đàn kỳ siêu.

  • Sự tích con Trâu - Truyện cổ tích

    Ngày xửa ngày xưa, Ngọc Hoàng, vị vua trên thiên đình đã tạo ra trái đất để cho loài người cùng muông thú chung sống cùng nhau.

>> Xem thêm