Đồng tiền Vạn Lịch>


Đọc truyện: ĐỒNG TIỀN VẠN LỊCH
Ngày xưa có người lái buôn tên là Vạn Lịch. Hắn ta buôn to, giàu có vào hạng nhất nhì trong nước. Vạn Lịch có ngót một trăm chiếc thuyền dùng vào việc chở hàng và rất nhiều công nhân làm việc cho hắn.
Chiếc thuyền riêng của hắn có buồng ăn, buồng nằm, kẻ hầu người hạ không khác gì nhà hắn trên đất liền.Xung quanh chỗ ngồi được trang trí bằng gấm vóc lụa là, đồ dùng toàn bằng vàng bạc đắt tiền, không quan lại nào sánh bằng. Một cuộc sống giàu sang ai cũng thầm mơ ước.
Lịch có một người vợ trẻ đẹp tên là Mai Thị, người nết na thùy mị, thường theo hắn không rời bước.
Thế nhưng, hắn không cảm nhận được điều đó mà trong những lúc buôn bán xa, hắn thường nghi ngờ vợ không thực lòng với mình, nên hay xét nét và chấp nhất từng li từng tí làm cho nàng rất buồn phiền, nhưng nàng không nói.
Hắn cũng không muốn cho nàng tiếp xúc với ai, khiến cho nàng tuy sống trong cảnh giàu sang sung sướng nhưng cũng rất khổ tâm. Tuy nhiên Mai Thị vẫn âm thầm chịu đựng, không một lời than van.

Một hôm nọ, vào mùa đông lạnh giá, thuyền của Lịch đậu ở một bãi vắng, Mai Thị ngồi trước mũi thuyền nhìn ra chung quanh thưởng thức cảnh đẹp trên bờ.
Bỗng có một anh chàng đánh giậm chẳng biết người quê ở đâu, lội đến trước mũi thuyền và nói:
- Xin bà cho tôi miếng trầu nhai cho đỡ rét, trời lạnh quá!
Mai Thị thấy người ấy đóng khố, mình mẩy lấm láp, môi tím ngắt vì lạnh thì động lòng thương hại, nàng hỏi thăm mấy câu, đoạn lấy miếng trầu trong cơi vàng đem cho.

Lịch đang ngủ chợt thức giấc, thấy vợ nói chuyện với một người đàn ông lạ, lại còn cho anh ta miếng trầu với vẻ ân cần dịu dàng, thế là cơn ghen nổi lên đùng đùng. Chờ cho anh chàng đánh giậm đi khỏi, hắn gây chuyện với nàng rồi sỉ vả nàng thậm tệ:
- Tôi không ngờ nàng lại là người lẳng lơ như thế! Ai cũng có thể chuyện trò cho trầu được, vậy còn ra thể thống gì nữa?
Mặc dầu Mai Thị hết lời thề thốt nhưng hắn vẫn không nghe, hắn trả áo xống lại cho nàng rồi vứt một thoi vàng, một thỏi bạc và đuổi nàng đi ngay.
Mai Thị ngẩn ngơ trước những lời buộc tội vô căn cứ của chồng, nàng không ngờ chồng lại có những hành động miệt thị mình như vậy chỉ vì một chuyện cỏn con. Biết không thể năn nỉ và ở lại được với chồng nữa, nàng đành gạt nước mắt ôm gói quần áo xuống thuyền.
Trong lúc tức giận vì ghen, Vạn Lịch dong buồm ra khơi, không một chút luyến tiếc đến người vợ của mình. Mai Thị đứng nhìn theo bóng con thuyền dần khuất xa mà lòng đau như cắt. Chỉ vì một miếng trầu mà làm thay đổi cả cuộc đời nàng.

Bơ vơ một mình trên bờ, Mai Thị vô tình gặp lại người đánh giậm, bèn gạt nước mắt kể lể sự tình.
Anh chàng đánh giậm vốn người chất phác nên khi nghe nói vậy thì ngẩn ngơ cả người, không hiểu ra làm sao cả.
Khi biết anh chàng ta chưa có vợ, lại sống một thân một mình, nàng liền bảo:
- Hắn nói tôi dan díu với anh, mà anh thấy đấy, làm sao có chuyện đó được! Thôi, âu cũng là số tôi không lấy được kẻ giàu sang, tôi xin lấy anh làm chồng, dù có khổ sở thế nào tôi cũng chịu được. Chúng ta sẽ làm ăn nuôi nhau.

Anh chàng không biết từ chối thế nào, cuối cùng phải chấp nhận dẫn Mai Thị về chung sống ở túp lều của mình dựng bên bờ sông, và họ trở nên vợ chồng.
Hằng ngày chồng vẫn làm nghề cũ còn vợ thì ở nhà chăn nuôi gà vịt. Tuy nghèo, nhưng họ sống êm ấm không bao giờ xô xát với nhau bao giờ.
Ba năm trôi qua, một hôm nọ trời đổ mưa, chồng rỗi việc ở nhà, vợ ngồi vá áo. Chồng thấy đàn gà thi nhau mổ thóc ở thúng, sẵn có thỏi gì đấy màu vàng nằm trong thúng khâu của vợ, vì không biết là vật gì nên cầm lấy ném đàn gà.
Chẳng may ném mạnh quá nên thỏi vàng văng luôn xuống sông.
Thấy vậy vợ trách chồng:
- Ơ kìa, người sao mà ngu ngơ như thế! Anh có biết anh vừa ném cái gì không?
Chồng đáp gọn lỏn:
- Chả biết.
Người vợ liền bảo:
Đấy là vàng, quí nhất thế gian đấy, bộ anh không biết sao?
- Thứ ấy thì thiếu gì. Những lúc bắt cá ở một cái vũng kia, tôi vẫn nhặt được luôn nhưng không biết dùng làm gì nên lại vứt bỏ.

Đến lượt người vợ nghe vậy thì ngẩn ngơ cả người, liền hối hả giục chồng đi lấy về. Quả nhiên khi chồng lấy lên thì đó là vàng thực, và lạ thay mỗi thỏi đều có dấu hiệu riêng của Vạn Lịch làm Mai Thị vô cùng ngạc nhiên.
Nguyên do là từ ngày đuổi vợ đi, việc buôn bán của Lịch có phần thua lỗ.
Trong một chuyến đi hàng, thuyền gặp bão lớn nên bị đắm, Lịch chỉ thoát được thân còn hầu hết của cải vàng bạc đều chìm xuống nước và trôi giạt vào đây. Thế là kho vàng của Lịch lại thuộc về vợ chồng Mai Thị.
Từ khi có của cải, Mai Thị bèn xây dựng nhà cửa và sắm ăn sắm mặc cho chồng.
Nhà cửa mọi thứ đã đầy đủ, nhưng thấy chồng quá khù khờ, nàng bảo phải năng chơi bời với người ta để học khôn học khéo hòng biết cách cư xử với đời.
Chồng nghe lời, vào xóm gạ chuyện với mọi người để làm quen, nhưng chẳng có ai thèm chơi với thằng nghèo nổi tiếng đần độn này cả.
Luôn mấy hôm liền, anh chàng ta đi không về rồi, tới đâu thiên hạ cũng lánh, chẳng được tích sự gì...

Thấy chồng ngơ ngáo đi về, người vợ liền hỏi:
- Đã chơi được với ai chưa?
- Chưa.
Mai Thị lắc đầu, nói một mình rằng:
Người đâu mà u mê đến thế, suốt mấy ngày trời mà anh chẳng làm quen được với ai. Kiểu này họa chăng anh có chơi với phỗng thì may ra được!
Nghe nói thế, chồng tưởng rằng vợ bảo mình không chơi với người thì chơi với phỗng, bèn tìm đến một ngôi đền vắng ở xa xóm, vì hắn biết ở đấy có mấy ông phỗng đá quanh đền.
Đến nơi, anh chồng lân la làm quen với mấy bức tượng phỗng bằng đá đặt ở hai bên sân đền.
Thấy tượng nhe răng cười, chồng cũng nhe răng cười lại, rồi quàng vai bá cổ làm như chơi với người thật.
Sau đó anh lại đi mua bún lòng về mời phỗng ăn, nhét cho mỗi tượng một miếng vào miệng.
Nhưng đã là tượng thì làm sao nuốt được, mọi thứ cứ lòng thòng rơi ra ngoài khiến anh chẳng còn hứng thú gì, ăn cũng chẳng xong, chuyện trò cũng chẳng được nên đâm chán.

Cuối cùng chẳng thấy phỗng nói gì hay làm gì, anh bực mình xô phỗng từ trên kệ lăn kềnh xuống đất rồi bỏ ra về mà không hề để tâm đến.
Khi về đến nhà, vợ hỏi:
- Anh đi đâu mà mãi đến giờ này mới về vậy?
Thì mình bảo tôi phải đi tìm phỗng mà chơi...
Anh đi tìm phỗng chơi thật à!
Anh chồng kể lại sự thực mọi chuyện. Mai Thị dậm chân kêu trời, Không ngờ chồng mình lại là người thật thà và ngu ngơ đến thế là cùng.

Không ngờ ngôi đền mà anh chàng đánh giậm đã đến chơi là nơi phát tích của nhà vua.
Tự nhiên sau khi anh chàng đánh giậm xô đổ tượng phỗng, nhà vua bị đau bại một nửa người.
Bao nhiêu danh y khắp miền được triệu vào cung chữa bệnh cho thiên tử đều lắc đầu bó tay:
- Lạ quá! Chúng tôi không tìm ra bệnh hoàng thượng!
Một ông quan Thái Y bốc gieo quẻ báo tin rằng, ngôi đền phát tích của nhà vua bị động nên ngài bị lâm bệnh.
Lập tức triều đình phái quan tỉnh về đền làm lễ tạ. Quan quân thấy pho tượng phỗng đổ xuống đất thì lấy làm ngạc nhiên, bèn sai người dựng lên chỗ cũ.
Nhưng khi mọi người xúm vào dựng tượng lên thì lạ thay, không thể nào nâng lên được.
Quan truyền cho mấy cơ lính dùng đòn dây xúm vào cùng khiêng nhưng rốt cuộc tượng vẫn không hề nhúc nhích.
Tin ấy bay về kinh đô. Nhà vua nghe vậy thì rất lo, liền sai niêm yết trên bảng cho tất cả thần dân nào có phép gì dựng được phỗng lên bệ thì sẽ hậu thưởng.

Một hôm Mai Thị đi ngang qua đó, thấy bảng niêm yết như thế, bèn quay về hỏi chồng:
- Hôm nọ mình làm thế nào mà đẩy ngã pho tượng xuống được?
Anh chồng đáp:
- Tôi chỉ khẽ đẩy một cái là đổ ngay.
Thế bây giờ có dựng lên được không?
- Làm gì mà chả được!
Người vợ liền bảo:
-Thế này nhé, bây giờ tôi đưa mình ra đền, mình cố mà dựng pho tượng lại chỗ cũ thì thế nào chúng ta cũng được trọng thưởng.

Vợ cùng chồng ra giật bảng xin quan cho vào đền nâng thử. Quả nhiên, khi tay người đánh giậm mó vào thì tượng liền đứng lên được ngay.
Từ hôm đó nhà vua khỏi bệnh. Vua sai lấy vàng bạc thưởng cho vợ chồng Mai Thị nhưng họ không nhận, chỉ xin làm một chức quan nhỏ là chân Tuần Ty ở cửa sông Cả. Chức vụ Tuần Ty ấy không cần biết chữ, chỉ việc ngồi thu thuế các tàu buôn qua lại trên sông mà thôi.
Vua ưng thuận cho đi ngay. Hai vợ chồng mừng quá, liền thu xếp nhà cửa rồi đi nhậm chức.
Sẵn có vàng bạc, hai vợ chồng đem ra xây dựng nhà cửa rất nguy nga ở bên cửa sông. Từ đó họ có oai quyền và giàu có nổi tiếng khắp vùng.
Một hôm, thuyền của Vạn Lịch đi qua đấy, đỗ lại cửa tuần và cho người lên nộp thuế. Mai Thị xem qua biết là thuyền của người chồng cũ năm xưa, Thị liền ra lệnh bắt chính người chủ phải đích thân đến nộp mới được.
Nghe người nhà về báo lại, Lịch lấy làm lạ lắm, vì trước nay chưa có cái lệ ấy bao giờ, song Lịch vẫn thay áo xống cho nghiêm chỉnh rồi xuống khỏi thuyền, tiến vào công đường.

Bước vào bên trong công đường, Lịch xiết bao kinh ngạc và không thể nào ngờ được Quan Tuần Ty bây giờ chính là người vợ cũ của mình cùng anh chàng đánh giậm ngày xưa, đang ngồi trước án thư để thu thuế. Vạn Lịch vừa ngạc nhiên vừa ngượng nghịu, không nói được lời nào, chỉ biết cúi đầu đóng thuế cho xong.
Mai Thị mỉa mai bảo hắn:
Biết rằng anh vẫn đi buôn
Em về kiếm chốn nha môn ngồi tuần.
Dù anh buôn bán xa gần,
Làm sao tránh khỏi cửa tuần em đây...
Nghe câu ấy, Vạn Lịch vô cùng xấu hổ vội quay về thuyền, vừa thẹn vừa uất, hắn nghĩ không còn mặt mũi nào nhìn lại vợ lần nữa. Nhớ lại ngày tháng cũ sống cùng Mai Thị, hắn cảm thấy ân hận vô cùng vì đã phụ bạc một người đoan chính như vậy.
Càng nghĩ hắn càng buồn và hối tiếc. Sống trong cảnh dày vò như thế thì cũng chẳng ích gì. Nghĩ vậy, hắn liền làm giấy kê khai tất cả tài sản của cải biếu cho Mai Thị, nói là để chuộc lại lỗi lầm xưa, rồi đâm cổ tự tử chết.
Mai Thị nghe tin như thế thì lấy làm hối hận lắm. Vì thật ra hắn ta có đối xử thế nào với nàng cũng chỉ do quá yêu nàng mà ra.

Dù sao thì hai người cũng đã có những năm tháng hạnh phúc đầm ấm. Không ngờ giờ đây chỉ vì một câu giễu cợt mà hắn phải quyên sinh. Để chuộc lại lỗi lầm, Thị đem tất cả tài sản của Vạn Lịch để lại cho nàng mang lên tâu với Đức vua xin đúc một thứ tiền gọi là "Tiền Vạn Lịch" rồi đem phân phát cho những người nghèo khổ.
Cho đến tận ngày nay, thỉnh thoảng người ta vẫn còn nhặt được một trong những đồng tiền đó, do vậy mà biết được câu chuyện trên, và cũng vì thế mà trong dân gian còn có câu hát rằng:
Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Anh tiếc công anh dan díu với nàng bấy lâu...
Bài học rút ra
Sống giản dị, thanh thản
-
Sau khi có được kho vàng, Mai Thị và chồng vẫn sống một cuộc sống giản dị, không xa hoa.
-
Họ giúp đỡ những người nghèo khổ và được mọi người yêu quý.
-
Bài học cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc không đến từ vật chất mà đến từ sự thanh thản trong tâm hồn và những mối quan hệ tốt đẹp.
Hậu quả của sự nông nổi và thiếu hiểu biết
-
Vạn Lịch vì ghen tuông mà đánh đuổi vợ, dẫn đến bi kịch cho cả hai.
-
Anh chàng đánh giậm vì thiếu hiểu biết mà gây ra chuyện động trời, suýt hại đến nhà vua.
-
Bài học cho chúng ta thấy rằng, trước khi hành động cần phải suy nghĩ thấu đáo, tránh để những hành động nông nổi gây ra hậu quả đáng tiếc.
Tôn trọng phụ nữ
-
Vạn Lịch coi thường vợ mình, xem vợ như một món đồ sở hữu.
-
Mai Thị là một người phụ nữ thông minh, tháo vát và có lòng nhân ái.
-
Bài học cho chúng ta thấy rằng, phụ nữ cần được tôn trọng và đối xử bình đẳng như nam giới.
Đố vui qua truyện Đồng tiền Vạn Lịch


- Bích câu kỳ ngộ - Truyện cổ tích
- Thánh Gióng - Truyện cổ tích
- Nàng Xuân Hương - Truyện cổ tích
- Sự tích bánh chưng bánh giầy - Truyện cổ tích
- Mị Châu - Trọng Thủy - Truyện cổ tích
>> Xem thêm